Tam Thiếu Gia Đích Kiếm

Chương 23: Mộ Dung Ở Giang Nam




Bạch Mộc tuy tuy vẫn nắm chặt đốc kiếm nhưng mồ hôi trên trán đã rơi xuống như mưa. Lão Chủ Lớn lạnh nhạt bảo:

- Ta đã sớm bảo mà, ngoài cửa làm gì có bè bạn của các người, nhiều nhất thì cũng chỉ có vài tên lệ quỷ đến thu hồn lấy mạng các người mà thôi!

Tay nắm đốc kiếm của Bạch Mộc nổi hằn những sợi gân xanh trên mu bàn tay như rắn quấn, bỗng lão bảo:

- Hay! Hay lắm!

Giọng của lão đã khàn đặc:

- Không ngờ "lấy răng trả răng, lấy máu trả máu" cuối cùng cũng tới!

Phía ngoài cửa đột nhiên vang lên tiếng cười khẩy ngắn.

- Ngươi sai rồi!

Bạch Mộc bảo:

- Người tới phải chăng là Mao Đại tiên sinh?

Tiếng người ngoài cửa bảo:

- Lần này ngươi đúng rồi!

Bạch Mộc cười nhạt bảo:

- Giỏi, công phu giỏi lắm! Lấy con làm em, đánh con cho bác quả không hổ là chân truyền dòng chính nhà Mộ Dung ở Giang Nam!

Vừa nói đến mấy chữ "nhà Mộ Dung ở Giang Nam", bên ngoài cửa đã vang lên tiếng gầm giận dữ như của thú rừng.

ánh kiếm ở ngoài cửa nhoáng lên, Bạch Mộc đã phi thân mà ra, ánh kiếm như mây trôi nước chảy che khắp toàn thân.

Trúc Diệp Thanh không dám ra theo, đến nhúc nhích cũng không dám, cũng không nhìn thấy người ngoài cửa chỉ nghe "keng" một tiếng rồi một làn ánh sáng lạnh bay vào cắm phập trên tường nhìn kỹ là một đầu kiếm nhọn.

Tiếp đó lại nghe "Keng! Keng! Keng!" ba tiếng, rồi ba đoạn kiếm bay vào đều cắm cả trên tường.

Sau đó Bạch Mộc lử thử dừng bước lê vào, mặt không còn ra sắc người, cây kiếm cầm trên tay chỉ còn một đoạn cán.

Cây trường kiếm bằng thép ròng cả trăm lần luyện đã bị người chặt cụt.

Người ngoài cửa lại cười nhạt bảo:

- Ta chẳng dùng Công lực nhà Mộ Dung cũng có thể giết ngươi như thường!

Bạch Mộc còn định nói nhưng rồi lại nín nhịn, bỗng lão mở miệng ộc ra một ngụm máu tươi và khi ngã xuống bộ mặt trắng bệch biến thành đen sì.

Lão Chủ Lớn cười mỉm bảo:

- Đây quả nhiên không phải là công phu nhà Mộ Dung mà là Hắc Sa Chưởng!

Người ngoài cửa bảo:

- Nhãn lực giỏi quá!

Lão Chủ Lớn bảo:

- Lần này làm vất vả Mao Đại tiên sinh. Còn Cừu Nhị tiên sinh đâu?

Mao Đại tiên sinh ở ngoài cửa bảo:

- Rồi chú ấy sẽ tới!

Lão Chủ Lớn thở dài một hơi bảo:

- Cừu Nhị tiên sinh kiếm pháp thiên hạ không có hai người, tại hạ ngưỡng mộ đã từ lâu!

Mao Đại tiên sinh bảo:

- Kiếm pháp của chú ấy vị tất đã vô địch thiên hạ nhưng người muốn thắng được chú ấy chắc là không nhiều!

Lão Chủ Lớn bảo:

- Đã được Mao Đại tiên sinh và Cừu Nhị tiên sinh tuốt đao giúp đỡ, gã A Cát muốn lấy mạng tôi chỉ sợ không quá dễ dàng!

Trúc Diệp Thanh bảo:

- Phải ạ!

Lão Chủ Lớn bảo một cách nhạt nhẽo:

- Nếu ngươi muốn lấy mạng ta cũng chỉ sợ không quá dễ dàng đâu!

Trúc Diệp Thanh lúng túng:

- Tôi...

Lão Chủ Lớn bỗng sầm mặt lạnh nhạt bảo:

- Ý tốt của ngươi ta đã biết rồi, có điều nếu ta thật sự dựa vào sự bảo vệ của chín cao thủ do ngươi mời tới thì hôm nay ta chết há chẳng chắc chắn ư?

Trúc Diệp Thanh hết dám mở miệng. Gã quỳ ngay xuống đất, quỳ rất thẳng người trước mặt Lão Chủ Lớn. Giờ gã mới nhận ra con người này còn lợi hại hơn nhiều so với sự đánh giá của gã.

Lão Chủ Lớn không thèm để mắt đến Trúc Diệp Thanh phất tay bảo:

- Ngươi mệt rồi, ra đi không ngại gì!

Trúc Diệp Thanh không dám nhúc nhích. Ra khỏi đây ư? ở ngoài cửa kia có người bắt hồn lấy mạng đang đợi chờ, làm sao gã dám ra. Nhưng gã cũng biết lời nói của Lão Chủ Lớn là mệnh lệnh, đã là mệnh lệnh mà còn chống lại mệnh lệnh của chính Ông Chủ Lớn thì chỉ có chết! Vừa may lúc ấy ở ngoài sân có người hô to:

- A Cát tới!

Đêm. Đêm lạnh.

Gió lạnh thổi tạt mặt. A Cát chầm chậm đi vào ngõ hẻm. Trước đây nửa tháng, khi chàng ở ngõ hẻm này đi ra thì vẫn còn biết là mình sẽ đi theo đường nào. Và bây giờ chàng cũng biết.

Con người thế nào thì có con đường thế ấy! Trước mặt chàng chỉ còn một đường có thể đi và không còn đất để chọn lựa nữa! Mở cửa là có thể thấy ngay con đường ngoằn ngoèo ngoắt ngoéo đi xuyên vào các khóm hoa.

Một chàng trẻ tuổi nhanh nhẩu mà hiểu biết, chắp tay cúi đầu đứng ngay ở cửa, thái độ thì thành khẩn cung kính hỏi:

- Các hạ tới tìm ai?

A Cát đáp:

- Tìm Ông Chủ Lớn của các người!

Chàng trẻ tuổi ngẩng đầu nhìn chàng một cái rồi lại cúi xuống ngay:

- Các hạ là...

A Cát bảo:

- Ta là A Cát, là gã A Cát vô dụng đây!

Thái độ của chàng thanh niên càng cung kính:

- Ông Chủ Lớn đang đợi trong đình hoa. Xin mời!

A Cát đăm đăm nhìn chàng trẻ tuổi, bỗng hỏi:

- Trước đây hình như ta chưa gặp ngươi thì phải?

Chàng trẻ tuổi đáp:

- Chưa ạ!

A Cát hỏi:

- Ngươi tên là gì?

Chàng trẻ tuổi đáp:

- Tôi tên là "Chú em"!

Gã bỗng cười lên:

- Tôi mới thật là "Chú em vô dụng", vô dụng hoàn toàn!

"Chú em" đi trước dẫn đường, A Cát chầm chậm đi theo.

Chàng chẳng cần phải để chàng trẻ tuổi này đi phía trước mình. A Cát đã cảm thấy anh chàng "chú em vô dụng" này chắc chắn còn hữu dụng hơn so với phần lớn những người khác.

Đi hết con đường mòn giữa hoa này đã có thể nhìn thấy khung cửa sổ bị húc vỡ ở bên trái đình hoa. Trong đình hoa hình như có ánh đao lấp loáng.

Đao ở trong tay Trúc Diệp Thanh.

Trái lệnh Ông Chủ Lớn chỉ có chết! Trúc Diệp Thanh rút nhanh cây đao cắm trên mình Tá Tá Mộc ra - Nếu phải chết thì thà chết bằng tay mình còn hơn! Gã lật tay đưa ngang đao đâm thẳng vào cuống họng mình.

Bỗng nghe "choeng" một tiếng, sao lửa bắn tung tóe, cây đao trong tay Trúc Diệp Thanh đã bị hất băng đi, "phập" một cái cắm ngập vào khung cửa sổ, có một vật gì đó rơi xuống:

đó là một viên đá nhỏ.

Lão Chủ Lớn mỉm cười:

- Sức cổ tay giỏi quá, xem ra A Cát đến thật rồi!

Tuy đã ngủ suốt ngày, mà ngủ rất sâu, A Cát vẫn có vẻ mệt mỏi. Một thứ mệt mỏi sinh ra từ nơi sâu thẳm của đáy lòng, cứ như một thứ cỏ độc mọc lên từ đó.

Chàng mặc trên mình vẫn là bộ quần áo vải thô cũ rách, trên bộ mặt xanh tái lún phún mọc lên một lớp râu ngắn đen sì, nhìn chàng không chỉ thấy toát lên sự mệt mỏi mà còn cả tiều tụy, già nua nữa. Ngay đến đầu tóc chàng cũng lâu không biết mùi gội chải là gì.

Nhưng đôi tay chàng lại rất sạch sẽ, móng tay đều cắt sửa thật ngắn, thật bằng bặn.

Lão Chủ Lớn lại không chú ý đến tay chàng. Phần lớn đàn ông ở đời có mấy khi chú ý đến bàn tay một người đàn ông khác! Lão nhìn A Cát, ngắm nghía từ đầu xuống chân, ngắm đi ngắm lại mấy lần rồi mới hỏi:

- Ngươi là A Cát?

A Cát uể oải đứng ở đó chẳng có chút phản ứng nào, không phải vấn đề cần hỏi mà hỏi thì chàng hà tất phải trả lời. Lão Chủ Lớn đương nhiên phải biết chàng là ai nhưng có một điểm nghĩ không thông:

- Tại sao ngươi lại cứu con người ấy?

"Con người ấy" là chỉ Trúc Diệp Thanh.

A Cát đáp:

- "Cô bé".

Mắt Lão Chủ Lớn nheo lại:

- Vì cô bé ở trong tay gã, gã chết, cô bé cũng chỉ có nước chết!

Đồng tử mắt Lão Chủ Lớn lại co lại, nhọn như cái đinh nhìn xoáy vào Trúc Diệp Thanh bảo:

- Đương nhiên ngươi sớm biết là gã không để ngươi chết chứ gì!

Trúc Diệp Thanh cũng không phủ nhận.

Con xúc xắc đã rời khỏi tay, điểm tính được đã bày ra đó, màn kịch này thôi khỏi phải hát diễn thêm nữa, vai diễn của Trúc Diệp Thanh đã đến lúc phải rời sân khấu rồi.

Giờ đây việc duy nhất gã có thể làm là chờ xem A Cát ném xúc sắc được bao nhiêu điểm đã. Giờ gã chỉ chưa nắm chắc A Cát nhất định thắng hay không mà thôi.

Lão Chủ Lớn thở dài bảo:

- Xưa nay ta vẫn coi ngươi là kẻ tâm phúc, thật không ngờ trước mặt ta xưa nay ngươi toàn đóng kịch!

Trúc Diệp Thanh cũng thừa nhận:

- Chúng ta cùng diễn vở kịch đối phó nhau!

Lão Chủ Lớn bảo:

- Nhưng trước khi khép màn, trong hai chúng ta nhất định một phải chết!

Trúc Diệp Thanh bảo:

- Màn kịch này nếu theo đúng sự đạo diễn của tôi, người chết chắc chắn phải là ông!

Lão Chủ Lớn hỏi:

- Còn bây giờ?

Trúc Diệp Thanh cười gượng bảo:

- Bây giờ vai diễn của tôi diễn đã rời sân khấu rồi, vai chính trong vở rơi vào A Cát!

Lão Chủ Lớn hỏi:

- Ngươi đóng vai gì?

Trúc Diệp Thanh:

- Vai giết người mà người bị giết là ông!

Lão Chủ Lớn quay sang A Cát lạnh lùng bảo:

- Có phải ngươi nhất định diễn vai của mình đến hết vở không?

A Cát không mở miệng.

Chàng đột nhiên cảm thấy có một luồng sát khí đầy uy hiếp, nhọn sắc như mũi kim chọc vào xương sống mình.

Chỉ có cao thủ thật sự muốn giết người và nắm chắc là giết được người mới có thể toát ra luồng sát khí như vậy! Bây giờ thì không còn nghi ngờ gì nữa, đúng là có cao thủ như vậy đã đến sau lưng chàng thậm chí chàng còn cảm thấy có một sợi gân cơ ở sau gáy tự nhiên co cứng lại.

Thế nhưng chàng vẫn không quay đầu lại. Giờ đây chàng chỉ còn việc đứng sao cho thật tự do, cả bốn chân tay, thậm chí cơ bắp toàn thân hoàn toàn hòa hợp, cân bằng tuyệt đối, không để sơ hở thiếu sót.

Chỉ cần chàng quay đầu lại thì sẽ mất ngay hoàn toàn trạng thái trên và tuyệt đối không còn cách nào giữ được tình trạng như vừa rồi, thì dù cho chỉ sơ hở trong chớp mắt thôi cũng đủ khiến chàng mất mạng. Tuyệt đối chàng không thể cho đối phương cơ hội vàng đó được.

Đối phương cũng đang chực chờ cơ hội đó. Người trong đình hoa ai cũng cảm thấy được cái cơ hội giết người đang uy hiếp ghê gớm như vậy, hơi thở của mọi người như ngừng lại, trán ai cũng rươm rướm mồ hôi.

Đến một đầu ngón tay A Cát cũng không hề nhích động. Một con người biết đằng sau lưng có kẻ đang chực giết mình mà vẫn có thể không nghe, không nói, không động thì ở con người ấy mỗi sợi thần kinh tất đã được luyện tập đan thành một tấm lưới thép dẻo dai cứng rắn.

Ngay đến mắt A Cát cũng nhắm lại luôn.

Người định giết chàng ở phía sau lưng chàng có muốn dùng mắt nhìn cũng nhìn chẳng thấy. Tốt nhất chàng phải giữ cho tâm mình thành một khối thông linh.

Người ở đằng sau chàng cũng chưa động.

Người này dĩ nhiên là cao thủ. Chỉ có loại cao thủ thân trải trăm trận đánh, giết người không phải tính toán trước mới có được sự nhẫn nại và trấn tĩnh như thế để chờ thời cơ, cơ hội chưa có tuyệt đối chưa ra tay.

Tất cả đều ngừng lặng, thậm chí đến gió cũng như ngừng thổi.

Một giọt mồ hôi to bằng hạt đậu tương bò theo sống mũi, bò trên mặt Lão Chủ Lớn, buồn buồn nhưng lão cũng không dám giơ tay gạt đi.

Cả con người lão như sợi dây cung đã kéo căng hết tầm, lão nghĩ mãi mà không thông sao hai con người này có thể giữ được trầm tĩnh đến thế.

A Cát không nhìn, không nghe, không ngửi, không động đậy.

Lão Chủ Lớn hỏi:

- Ngươi có biết người này là ai không?

A Cát không biết người này. Chàng chỉ biết người này dù là ai hiện giờ cũng tuyệt nhiên không dám ra tay.

Lão Chủ Lớn lại hỏi:

- Sao ngươi không ngoảnh đầu lại xem người này là ai?

A Cát không quay đầu nhưng lại mở to mắt vì chàng bỗng cảm thấy có luồng sát khí khác. Lần này sát khí lại dồn từ phía trước mặt lại.

Chàng mở mắt nhìn thấy một người đứng xa xa phía trước mặt, mặc quần áo đội mũ đạo giáo, thân cao trau chuốt, lưng đeo trường kiếm, trên khuôn mặt trắng bệch khóe mắt trái đang giật giật, hai đạo lông mày rậm gần như giao lại với nhau mang một vẻ ngạo nghễ khó tả nhưng dường như cũng tràn trề cừu hận.

A Cát vừa mở mắt, người kia liền dừng bước ngay.

Lão đã thấy chàng trẻ tuổi này tinh, khí, thần, kình, lực đều đã tụ tập đủ đầy, hễ đụng là phát mà đã phát thì không thu lại được nữa. Lão cũng không dám động mà cứ nhìn đăm đăm vào hai tay A Cát, bỗng lão cất tiếng hỏi:

- Sao các hạ không mang theo cây kiếm của mình?

A Cát trầm lặng.

Lão Chủ Lớn nhịn không được, bật hỏi:

- Lão nhìn ra là gã dùng kiếm ư?

Đạo nhân gật đầu bảo:

- Gã có đôi ta rất tuyệt!

Lão Chủ Lớn vốn không để ý đến tay A Cát, đến giờ mới chú ý nhận ra đôi tay và con người của chàng như không cân xứng với nhau.

Tay A Cát rất sạch sẽ.

Đạo nhân kia bảo:

- Đó là thói quen của chúng tôi!

Lão Chủ Lớn hỏi:

- Thói quen thế nào?

Đạo nhân đáp:

- Chúng tôi không bao giờ để giây bẩn vào kiếm!

Lão Chủ Lớn bảo:

- Vì thế nên tay các vị nhất định phải giữ sạch sẽ!

Đạo nhân bảo:

- Ngay móng tay chúng tôi cũng phải cắt thật ngắn!

Lão Chủ Lớn hỏi:

- Tại sao?

Đạo nhân đáp:

- Móng tay dài vướng khi cầm kiếm, một khi kiếm đã vào tay chúng tôi tuyệt đối không để vướng bận vì bất cứ thứ gì!

Lão Chủ Lớn bảo:

- Đúng là thói quen tốt!

Đạo nhân bảo:

- Người có thói quen này không nhiều đâu!

Lão Chủ Lớn bảo:

- Hử?

Đạo nhân bảo:

- Nếu chẳng phải là kiếm khách trải trăm trận đánh thì tuyệt không thể giữ thói quen này lâu dài được!

Lão Chủ Lớn bảo:

- Người được Cừu Nhị tiên sinh gọi bằng Kiếm khách đương nhiên phải là cao thủ dùng kiếm!

Cừu Nhị tiên sinh:

- Tuyệt đối đúng như vậy!

Lão Chủ Lớn bảo:

- Nhưng ở dưới kiếm của Cừu Nhị tiên sinh thử hỏi còn mấy người được sống?

Cừu Nhị tiên sinh đáp:

- Không nhiều đâu!

Lão kiêu ngạo thật, đương nhiên lão có đạo lý của mình.

Nửa năm lại đây lão xách cây trường kiếm đi khắp Giang Nam trong "Giang Nam mười đại kiếm khách" lão đã gặp bảy người, nhưng không có ai chịu nổi ba chục chiêu của lão.

Kiếm pháp của lão chẳng những kỳ bí độc địa, phản ứng của lão lại rất nhanh, càng khiến người ta khó lòng đoán định cho được.

Chết dưới kiếm của lão cả bảy kiếm khách, người nào cũng có một chiêu giết người chí mạng, nhất là "Thiểm Điện Truy Phong kiếm" (Chớp lòe đuổi gió) Mai Tử Nghi với "Phong Lôi Tam Thích" (ba nhát gió sấm) là tuyệt kỹ ít thấy trên chốn giang hồ.

Khi lão đánh với Mai Tử Nghi chính là dùng chiêu này.

Mai Tử Nghi ra đòn "Phong Lôi Tam Thích", lão cũng dùng chiêu thức tương tự đánh lại.

Một người đã có thể được tôn là "Thiểm Điện Truy Phong", tốc độ tất phải nhanh có thể tưởng tượng mà hiểu. Nhưng khi kiếm của Mai Tử Nghi còn cách yết hầu lão ba tấc thì kiếm của lão đâm sau tới trước xuyên thủng cổ Mai Tử Nghi.

Thuộc hạ của Lão Chủ Lớn có duyên được trông thấy tận mắt trận đánh của họ và theo lời báo cáo của chúng thì "Nhát kiếm" đó của Cừu Nhị tiên sinh đâm ra, tại trường đấu có hơn bốn chục vị cao thủ võ lâm mà chẳng vị nào thấy ông ta ra tay thế nào, chỉ thấy ánh kiếm lóe lên một cái máu tươi đã ướt đầm cả áo quần của Mai Tử Nghi.

Chính vì thế mà Lão Chủ Lớn sớm đã có lòng tin tưởng ở lão ta.

Huống hồ hiện nay ở đây còn có đệ tử duy nhất đời thứ nhất của họ ngoại nhà Mộ Dung nổi tiếng ở Giang Nam tới cùng lão ta hiệp trợ là Đệ Nhất Vân. Cho dù Đệ Nhất Vân không ra tay thì ít nhất cũng làm phân tán bớt sức chú ý của A Cát.

Cuộc chiến này thắng bại thế nào cơ hồ đã xác định dứt khoát rồi.

Lão Chủ Lớn ngồi ngất ngưởng trên cái ghế da cọp, lòng vững như núi Thái Sơn, mỉm cười bảo:

- Kể từ ngày Tạ tam thiếu gia chết bất ngờ ở Thần Kiếm sơn trang và Yến Thập Tam vạch thuyền dìm kiếm thì kiếm khách trên giang hồ còn ai có thể sánh với Cừu Nhị tiên sinh nữa? Nếu Cừu Nhị tiên sinh muốn có cái bảng hiệu chữ vàng "Kiếm bậc nhất thiên hạ" của nhà họ Tạ ở Thần Kiếm sơn trang, thiết nghĩ cũng chỉ là việc sớm hay muộn mà thôi!

Trong khi tâm tình vui sướng, Lão Chủ Lớn vẫn không quên khen ngợi người khác mấy câu, chỉ tiếc là mấy câu tán tụng này dường như Cừu Nhị tiên sinh lại chẳng hề nghe thấy.

Lão đang mải đăm đăm nhìn A Cát, không phải nhìn đôi tay A Cát mà là nhìn sâu vào cặp mắt của A Cát.

Vừa nghe thấy mấy chữ "Cừu Nhị tiên sinh", đồng tử mắt A Cát đột ngột thu nhỏ lại cứ như là vừa bị một cây kim chọc phải, một cây kim độc bị máu tươi và cừu hận thấm cho đỏ rực! Cừu Nhị tiên sinh không nhận ra chàng thanh niên lôi thôi hốc hác này, thậm chí đến gặp mặt cũng chưa thấy qua. Lão nghĩ không ra tại sao chàng trai này lại có thể biểu hiện tình cảm như vậy? Mà cũng chẳng hiểu sao chàng trai lại có phản ứng thế này khi nghe đến danh hiệu của lão? Lão chỉ biết mỗi một điều:

cơ hội của lão đã đến rồi! Bất kể con người kiên cường trấn tĩnh đến đâu một khi bỗng phải chịu đựng một sự kích thích đột ngột ngoài ý muốn như thế này thì nhất định phản ứng phải do dự ít nhiều.

Bây giờ rõ ràng chàng thanh niên này đã phải chịu đựng sự kích thích đột ngột đó.

Cừu hận có khi cũng là một sức mạnh, một thứ sức mạnh đáng sợ, nhưng hiện tại tình cảm biểu hiện trong ánh mắt A Cát lại không phải là cừu hận mà là một nỗi đau khổ buồn thương không bút mực nào miêu tả nổi. Loại tình cảm này chỉ có thể làm cho con người ta yếu mềm băng hoại mà thôi! Cừu Nhị tiên sinh lại không nghĩ đến chuyện đợi cho A Cát hoàn toàn băng hoại, lão biết một khi cơ hội tốt bị bỏ qua thì khó có lại lần nữa.

Cây nụy đao dài tám thước của Tá Tá Mộc vẫn cắm ngập trên khung cửa sổ. Cừu Nhị tiên sinh ngoái tay đột ngột rút cây đao ra quẳng cho A Cát.

Lão vẫn còn một tay. Cây trường kiếm sau lưng lão cũng đã tuốt khỏi vỏ.

Bất kể A Cát có đón được cây đao kia hay không, lão cũng đã chuẩn bị phát ra đòn đánh chí mạng.

Lão đã tuyệt đối nắm chắc phần thắng! A Cát đã đón được cây nụy đao.

Chàng vốn quen dùng kiếm trường, từ đốc đến mũi chẳng qua chỉ dài có ba thước chín tấc.