Tam Thi Ngữ

Chương 5: Còn có một ngôi mộ khác




Sau khi ngài Trần hét lên liền hoảng sợ bỏ chạy, suýt nữa còn bị ngã, may mà được bác hai bám sát phía sau đỡ kịp. Thế nhưng ngài Trần không quan tâm, vẫn liều mạng chạy về phía trước. Ông ta vừa chạy, tất cả mọi người đều chạy theo. Cảnh tượng này có thể được miêu tả bằng một thành ngữ mà tôi đã học trước đây, chạy trối chết.

Tôi đi theo phía sau bác cả tôi, ba tôi đi cạnh tôi. Giữa cõi u minh tôi bỗng ngoảnh lại nhìn thoáng qua, cảnh tượng kỳ lạ kia vẫn đang diễn ra, khắc sâu vào trong đầu tôi, không thể nào quên được.

Sau khi về thôn, cả đảm tản ra ai về nhà nấy. Mẹ tôi đã chuẩn bị đồ ăn, bà ấy còn chưa biết đã tìm được ba tôi nhưng vẫn chuẩn bị sẵn cơm tối như cũ, chờ chúng tôi trở về. Giây phút mẹ tôi nhìn thấy ba tôi, tôi mới nhận ra rằng thật ra vinh quang và giàu sang đều là giả dối, chỉ có người nhà mới là chân thật. Dù bạn có kiếm được nhiều tiền hơn nữa thì thế nào, chẳng phải sau khi chết đi chỉ còn lại nắm đất vàng thôi à?

Cho tới bây giờ, tôi chưa từng thấy ba mẹ tôi ôm nhau. Theo cách nói của bọn họ, người trong thôn không chuộng kiểu này nhưng đêm hôm đó, dưới ánh đèn mờ ảo, mẹ tôi ôm chặt ba tôi bật khóc nức nở, bà ấy sợ mình buông tay ra thì ba tôi lại biến mất.

Tôi không biết tâm trạng của mẹ tôi như thế nào khi biết tin ba tôi mất tích, nhất là khi đứa con trai duy nhất của bà ấy vẫn đang hôn mê bất tỉnh. Tôi nghĩ chắc hẳn lúc đó là thời điểm mẹ tôi cảm thấy tuyệt vọng nhất trong đời. May mắn thay, bà ấy đã gắng gượng vượt qua, hiện tại chồng và con trai đều bình an không có chuyện gì, có lẽ là điều may mắn duy nhất sau khi ông nội qua đời.

Nhà của ngài Trần ở trên thị trấn, trời đã tối rồi, ông ta không thể quay về, đành phải ở lại nhà tôi một đêm. Kể từ khi ông ta bước vào cửa đến nay, tôi thấy dáng vẻ của ông ta như vẫn chưa tỉnh lại, thỉnh thoảng lại nhìn ra ngoài sân. Mà hướng ông ta nhìn, nếu tôi nhớ không lầm chính là hướng mộ ông nội tôi.

Trên bàn ăn, tay ngài Trần vẫn còn run rẩy giống như vẫn còn sợ. Bác cả và bác hai không nói gì, tôi đành im lặng ăn cơm, không hỏi han. Dù sao tôi cũng sợ mình hỏi xong sẽ dọa đến mẹ tôi.

Thợ nề Trần đã chết, không có dấu hiệu nào, chết ngay trong sân nhà của mình. Chuyện này lan truyền trong thôn sau bữa cơm tối. Bác hai đi kiểm tra, ông ấy là cảnh sát, có quyền lực về mặt này. Khi quay về, ông ấy nói phán đoán ban đầu là nhồi máu cơ tim, nghĩa là chết bất thường vì bệnh tim.

Nhận định này thật thiếu thuyết phục, bởi vì chuyện vạn chuột thờ mộ đã lan rộng khắp thôn làng rồi. Nhiều chuột gây ra động tĩnh như thế, không thể giấu giếm được. Thậm chí còn có người tung tin vịt rằng hễ là người từng chạm vào mộ ông nội tôi đều phải chết. Trong chốc lát, tất cả mọi người đều hoảng sợ, không ai dám tiếp xúc với gia đình chúng tôi.

Sau bữa tối, bác cả nói muốn đến nhà nề Trần để túc trực bên linh cữu. Đây là quy củ, bởi vì nói thế nào thì cái chết của thợ nề Trần có liên quan đến nhà tôi. Tôi nói tôi cũng muốn đi nhưng bác cả sợ tôi sẽ xảy ra chuyện nên đã từ chối ngay từ ban đầu. Tuy nhiên, ngài Trần lại bảo để tôi đi theo cũng được, thế là tôi cùng với bác cả và bác hai đến nhà thợ nề Trần. Tôi không ngờ ngài Trần cũng đi theo, chẳng qua ông ta vẫn luôn đi ở phía sau, không nói một lời.

Linh đường của thợ nề Trần đã được dựng xong. Bởi vì ông ấy không có con nối dõi nên không có ai bằng lòng nghiên cứu sâu nguyên nhân cái chết của ông ấy. Nếu không, theo những gì bác hai của tôi nói, có ai chịu bỏ ra một số tiền cho một người không liên quan lên thị trấn hoặc thành phố khám bác sĩ, ai sẵn sàng tiêu hao sức người và sức của vì ông ấy?

Vì vậy, sau khi tham khảo ý kiến của bí thư và một số người lớn tuổi trong thôn, mọi người quyết định gom tiền xây linh đường cho thợ nề Trần, ba ngày sau sẽ chôn cất.

Sau khi đến linh đường của thợ nề Trần, tôi thấy chỉ có một mình Vương Nhị Cẩu đang trông linh cữu. Chẳng qua nghĩ lại cũng đúng, không có ai muốn dính dáng quá nhiều với thợ nề Trần nhưng Vương Nhị Cẩu thì khác. Gã ta là một tên sâu rượu, hơn nữa còn là một người đàn ông độc thân. Chỉ cần cho gã ta một ít tiền và rượu, gã ta sẽ sẵn sàng làm bất cứ điều gì.

Thấy chúng tôi đến, Vương Nhị Cẩu loạng choạng bỏ đi. Sau khi Vương Nhị Cẩu rời đi, bác hai kêu tôi đi đóng cửa sân. Lúc tôi quay lại, bác cả và bác hai đang bận nhóm lửa, ngài Trần thì đứng trước linh đường thợ nề Trần, thắp ba nén hương.

Sau khi ngài Trần dâng hương xong, ông ấy bảo tôi quỳ trước linh đường, cúi đầu lạy thợ nề Trần ba cái. Tuy tôi không rõ nguyên nhân nhưng vẫn làm theo. Mặc kệ thế nào, ngài Trần chính là người đã cứu mạng ba tôi, lại có bản lĩnh, tôi không thể không khâm phục ông ta.

Nếu giáo viên đại học của tôi biết rằng tôi ngưỡng mộ một người làm nghề phong kiến mê tín, đoán chừng sẽ nhảy dựng lên chỉ vào mặt tôi mắng chửi quá.

Sau khi bác cả và bác hai nhóm lửa xong, hai người cũng thắp ba cây hương cho thợ nề Trần. Bác cả còn nói với linh đường của ông ấy: “Chú em Trần, Tiểu Thiên chỉ là một đứa trẻ, dù cậu có tâm nguyện gì cũng đừng tìm nó, cứ đến tìm tôi, anh cả hoàn thành giúp cậu.”

Sau khi mọi việc xong xuôi, bốn người chúng tôi ngồi trước linh đường thợ nề Trần, ngoài sân đốt lửa, cũng không phải để sưởi ấm mà vì thắp sáng.

Ánh lửa chập chờn, in hằn trên gương mặt của mấy người bác cả, dấu vết lưu lại theo năm tháng trên mặt họ có vẻ càng tang thương dưới ánh lửa. Tôi thấy tất cả bọn họ đều đang nhíu chặt mày, tôi biết rõ chắc chắn trong lòng bọn họ đang có tâm sự. Đặc biệt là ngài Trần cũng theo chúng tôi đến nhà thợ nề Trần túc trực bên linh cữu, chuyện này không thích hợp lắm. Chắc hẳn ông ta muốn nói điều gì đó nhưng không tiện thảo luận trong nhà tôi.

Quả nhiên, bác hai tôi là người đầu tiên lên tiếng: “Bạn học cũ, nơi này không có người ngoài, ông có gì muốn nói thì cứ nói thẳng đi.”

Ngài Trần hút một điếu thuốc, không nói gì. Bác cả và bác hai cũng không vội vàng truy hỏi mà kiên nhẫn chờ đợi.

Ngài Trần lại lấy ra một điếu thuốc khác, liếc nhìn tôi, rồi hỏi, nhóc có hút thuốc không?

Tôi lắc đầu nói không.

Ngài Trần gật đầu, bảo đứa trẻ ngoan, không hút thuốc là chuyện tốt, sau này cũng đừng hút. Khi nào tôi tốt nghiệp đại học thì hãy tìm một nơi bên ngoài an cư lập nghiệp, đừng quay trở lại đây.

Tôi nói nơi này là quê hương của tôi.

Ngài Trần cười đáp, rừng thiêng nước độc, ở đây có gì tốt. Quê hương liên quan gì đến nhà? Chờ sau khi tôi ổn định cuộc sống bên ngoài, không phải nhà của tôi sẽ ở bên ngoài à. Giống như khi ông nội tôi đến đây sống, nơi này liền trở thành quê tôi.

Tôi không rõ tại sao ngài Trần lại bất ngờ nói những lời này, dù đây là lần đầu tiên tôi gặp ông ngài Trần nhưng dường như ông ta lại rất hiểu tôi.

Ngài Trần nói xong thì vỗ vai tôi một cái, rồi bảo bác hai, đừng đi tìm xác ông nội nữa, không tìm được đâu.

Bác hai tôi còn chưa kịp mở miệng, bác cả tôi đã không đồng ý, nói: “Người chết là chuyện lớn, đều xem trọng mồ yên mả đẹp. Nếu như không tìm được xác ông nội, chờ sau khi tôi chết rồi nào có mặt mũi đi gặp ông cụ?”

Ngài Trần lắc đầu nói, dù ông ấy có xuống dưới (thường ở đây chúng tôi không nói từ chết mà đổi sang một cách khác gọi là ‘xuống dưới’) cũng không nhìn thấy ông cụ đâu.

Bác hai hỏi, tại sao?

Ngài Trần thở dài một tiếng, rít mạnh một hơi thuốc rồi nói: “Ba ông bình yên hơn nửa đời người, sao đến lúc sắp chết lại xảy ra chuyện này? Để tôi nói cho ông biết, con người có ba hồn bảy vía, hiểu chứ? Sau khi chết, ba hồn bảy vía này vốn phải rời khỏi cơ thể nhưng ba ông lại trói buộc chúng vào trong cơ thể rồi. Vì vậy cho dù ông có xuống dưới cũng không gặp được ông cụ đâu.”

Nghe xong, cả ba chúng tôi đều choáng váng! Đặc biệt là tôi, đối với một người được giáo dục theo chủ nghĩa duy vật biện chứng hơn mười năm thì việc nghe một người đàn ông tuổi trung niên nói rằng trên đời này có ba hồn bảy vía là điều vô lý không thể giải thích được. Chẳng phải như vậy có nghĩa trên đời này có ma quỷ tồn tại à? Điều này ảnh hưởng đến thế giới quan tôi vất vả xây dựng hơn mười năm qua, trong một thoáng không thể chấp nhận được.

Hơn nữa, những gì ngài Trần nói không chỉ đơn giản là sự tồn tại của ma quỷ mà còn có vây khốn những thứ này trong xác chết, điều này càng khiến người ta khó chấp nhận. Nếu không gặp phải những chuyện này, chắc chắn tôi sẽ ngả mũ bái phục trước độ mê tính của ngài Trần mất. Bác cả và bác hai tôi cũng khó chấp nhận, nhưng điều họ khó tiếp nhận là linh hồn ông nội tôi không thể đầu thai chứ không phải vấn đề thế giới quan.

Vì vậy, tôi không nói, đợi ngài Trần nói tiếp. Thế nhưng bác cả tôi lại lo lắng hỏi ngài Trần: “Tại sao ba tôi lại làm chuyện đó?”

Ngài Trần nặng nề rít thêm một hơi thuốc lá, tiếp tục nói: “Việc này lát nữa tôi sẽ nói tiếp, tôi hỏi các ông, mấy người có biết ngôi mộ của bác Đình có vấn đề không?”

Chắc chắn trước khi chôn cất thì không biết, nhưng hiện tại ngay cả tôi cũng biết chắc chắn ngôi mộ này có vấn đề. Nếu không có chuyện gì thì tại sao ông nội tôi lại bò ra ngoài nhiều lần được? Nhưng vấn đề nằm ở chỗ nào thì chúng tôi không đều không rõ.

Ngài Trần nhìn tôi, rồi nhìn bác cả và bác hai, thả ra một câu chưa khiến người ta hoảng sợ thì chết không yên: “Phía dưới mộ của bác Đình, còn có một ngôi mộ khác!”