HỒI 82
Tôn Quyền hàng Ngụy, chịu cửu tích;
Tiên chủ đánh Ngô, thưởng sáu quân.
Bấy giờ là năm Chương Vũ thứ nhất (220) mùa thu tháng tám, tiên chủ khởi đại quân kéo đến ải Quy Quan, xa giá đóng trong thành Bạch Đế. Quân tiền đội thì đã ra khỏi Xuyên.
Có cận thần vào báo rằng:
- Đông Ngô sai Gia Cát Cẩn đến.
Tiên chủ truyền chỉ không cho vào.
Hoàng Quyền tâu rằng:
- Em Gia Cát Cẩn hiện đang làm tướng ở Thục, chắc có việc gì hắn mới đến đây, bệ hạ sao lại không cho vào? Xin bệ hạ cứ cho vào, xem nói năng làm sao, nên nghe thì nghe, không nên nghe thì mượn mồm hắn bảo với Tôn Quyền, cho biết việc ta sang hỏi tội là chính đáng.
Tiên chủ nghe lời, cho đòi Cẩn vào thành.
Cẩn lạy thụp xuống đất.
Tiên chủ hỏi:
- Tử Du từ xa đến đây có việc gì?
Cẩn thưa:
- Em tôi thờ bệ hạ đã lâu, cho nên tôi dám liều đến đây, xin tâu việc Kinh Châu: Khi trước Quan Công ở Kinh Châu, Ngô hầu mấy lần đến cầu thân, Quan Công đều không thuận cả. Về sau, khi Quan Công lấy Tương Dương, Tào Tháo mấy lần đưa thư đến xui Ngô hầu úp lấy Kinh Châu, Ngô hầu vốn không muốn nghe, nhưng vì Lã Mông không hòa thuận với Quan Công, tự tiện cất quân, chẳng may mới xảy ra cớ sự thế này, nay Ngô hầu hối lại không kịp. Đó thực là tội Lã Mông, chớ không phải lỗi tại Ngô hầu. Hiện nay, Lã Mông chết rồi, oán thù đã hết. Tôn phu nhân lâu nay vẫn mong nhớ muốn về. Vậy Ngô hầu sai tôi sang đây, xin đưa phu nhân về, trói những hàng tướng đem nộp và trao trả lại Kinh Châu, kết lại hòa hiếu với nhau, cùng đánh Tào Phi, để trị cái tội cướp ngôi vua.
Tiên chủ giận, nói:
- Đông Ngô hại mất em trẫm, hôm nay dám lại đây nói khéo à?
Cẩn nói:
- Tôi xin đem cái lẽ lớn nhỏ, nặng nhẹ bàn với bệ hạ: Bệ hạ là hoàng thúc nhà Hán. Nay vua Hán bị Tào Phi cướp ngôi, bệ hạ không nghĩ đến việc tiễu trừ, mà lại vì một người anh em khác họ, khó nhọc đến thân tôn quý muôn cỗ xe, thế là bỏ nghĩa lớn để làm một điều nghĩa nhỏ đó. Trung nguyên là khu đất to nhất trong bốn bể; hai thành đô đều là chỗ nhà Hán gây dựng cơ nghiệp, bệ hạ không lấy chỗ ấy, mà chỉ tranh một xứ Kinh Châu, thế là bỏ chỗ nặng mà tìm chỗ nhẹ đó. Thiên hạ ai cũng tưởng rằng bệ hạ lên ngôi, thế nào cũng gầy dựng nhà Hán, lấy lại giang sơn, nay bệ hạ lại không hỏi đến nước Ngụy mà cứ muốn đánh Ngô, thiết tưởng bệ hạ có điều gì không nghĩ tới chăng?
Tiên chủ nổi giận lên, nói:
- Cái thù giết mất em trẫm, trẫm thề không đội trời chung! Trừ ra trẫm chết đi thì thôi, chớ còn trẫm không sao bãi binh được! Nếu trẫm không nể thừa tướng, thì chém đầu nhà ngươi trước đó! Nay hãy tha cho nhà ngươi về bảo với Tôn Quyền hãy rửa cổ trước đi mà chịu chết.
Gia Cát Cẩn thấy tiên chủ không nghe, cực chẳng đã phải trở về Giang Nam.
Trương Chiêu nói với Tôn Quyền rằng:
- Gia Cát Tử Du thấy quân Thục thế to lắm, cho nên nói thác là sang cầu hòa, kì thực là muốn bỏ Ngô vào Thục, chuyến này đi tất không về.
Quyền nói:
- Cô với Tử Du, có cái nghĩa sống chết không thể thay lòng. Cô không phụ Tử Du, Tử Du tất cũng không phụ Cô. Khi xưa Tử Du ở Sài Tang, Khổng Minh đến Đông Ngô ta. Cô định sai Tử Du ra lưu Khổng Minh ở lại, thì Tử Du có nói rằng: “Em tôi đã thờ Huyền Đức, nghĩa phải giữ một niềm. Em tôi không chịu ở, cũng như tôi không chịu đi.” Xem như lời ấy, dẫu thần minh cũng phải cảm động, nay sao chịu theo hàng với Thục? Cô với Tử Du tin nhau tận ruột gan, chớ không vì lời ngoài tai mà lìa nhau được!
Đang nói chuyện thì Gia Cát Cẩn đã trở về. Quyền bảo Trương Chiêu rằng:
- Đó, Cô nói có sai đâu!
Trương Chiêu thẹn đỏ mặt, lui ra.
Cẩn vào ra mắt Tôn Quyền, thuật lại chuyện tiên chủ không nghe giảng hòa. Quyền giật mình nói rằng:
- Nếu thế thì Giang Nam nguy mất!
Triệu Tư ở dưới thềm bước lên thưa rằng:
- Tôi có một kế này, đủ cứu được việc nguy cấp ấy.
Quyền hỏi:
- Đức Độ có mẹo gì hay vậy?
Tư thưa:
- Chúa công nên làm một bài biểu, tôi xin sang sứ nước Ngụy, ra mắt vua Ngụy là Tào Phi, bày việc lợi hại, để Ngụy đến úp Hán Trung, quân Thục tự nhiên phải nguy, đánh thế nào được ta nữa mà sợ!
Quyền nói:
- Kế ấy hay lắm, nhưng ngươi đi chuyến này, chớ có để mất thể diện Đông Ngô nhé!
Tư thưa:
- Nếu tôi để lầm lỡ điều gì, thà rằng đâm đầu xuống sông mà chết, còn mặt mũi nào trông thấy người Giang Nam nữa!
Quyền mừng lắm, lập tức viết biểu, xưng là thần, sai Triệu Tư đi sứ, đến thẳng Hứa Đô, trước hết vào ra mắt quan thái úy Giả Hủ và các quan lớn nhỏ khác.
Sáng hôm sau, khai chầu, Giả Hủ ra ban tâu rằng:
- Tâu bệ hạ, Đông Ngô có sai trung đại phu là Triệu Tư sang đây dâng biểu.
Tào Phi cười, nói:
- Đây là mẹo Đông Ngô muốn đuổi lui quân Thục đây!
Liền cho đòi Triệu Tư vào. Tư vào lạy ở dưới thềm son, dâng tờ biểu lên.
Phi xem biểu xong hỏi rằng:
- Ngô hầu là bậc chúa như thế nào?
Tư tâu rằng:
- Là bậc chúa thông, minh, nhân, trí, hùng, lược.
Phi cười, nói:
- Có phải khanh quá khen đó chăng?
Tư nói:
- Không phải tôi khen quá lời đâu. Chủ tôi dùng Lỗ Túc ở trong bọn tầm thường, đó là thông, cất Lã Mông ở trong đám hành trận, đó là minh; bắt được Vu Cấm không nỡ hại, đó là nhân, lấy Kinh Châu, máu không dây đến mũi gươm, đó là trí; giữ ba con sông, như hổ ngồi nhìn thiên hạ, đó là hùng; nay còn phải chịu kém bệ hạ một bậc, đó là lược. Cứ thế mà suy ra, đó chẳng phải là ông chúa thông, minh, nhân, trí, hùng, lược là gì?
Phi lại hỏi:
- Ngô chủ có học hành gì không?
Tư nói:
- Ngô chủ tôi có hàng vạn chiếc thuyền kín mặt sông; giáp binh hàng trăm vạn; dùng người hiền; khiến người tài, có chí sửa sang việc thiên hạ, lúc nào thong thả thì xem rộng cả sách vở, nhưng chỉ nắm lấy cái đại ý chứ không bắt chước những phường học trò, tìm từng câu, dò từng chương làm gì!
Phi nói:
- Trẫm muốn đánh Ngô có nên không?
Tư nói:
- Đại quốc có quân đến đánh dẹp, thì tiểu quốc tôi cũng có phương kế chống giữ!
Phi nói:
- Ngô có sợ Ngụy không?
Tư nói:
- Quân mặc áo giáp hàng trăm vạn, lại có sông Giang, sông Hán làm hào, việc gì mà sợ!
Phi nói:
- Ở Đông Ngô có bao nhiêu người được như đại phu?
Tư nói:
- Bọn thông minh, giỏi giang, có chừng tám chín mươi người, còn những người như bọn tôi thì nhiều lắm, không sao kể xiết.
Tào Phi thấy Triệu Tư ứng đối trôi chảy, không nhụt câu gì, than rằng:
- Sách có câu: “Đi sứ ra bốn phương, không để nhụt đến mệnh vua sai khiến”, như ngươi mới xứng đáng được câu ấy!
Bởi vậy, mới sai quan thái thường khanh là Hình Trình mang sắc phong cho Tôn Quyền làm Ngô vương, được dùng lễ cửu tích.
Triệu Tư tạ ơn ra thành.
Lưu Hoa can rằng:
- Nay Tôn Quyền sợ Thục, cho nên đến xin hàng; cứ như tôi, thì Thục, Ngô đánh nhau, chính là lúc trời làm mất hai nước ấy. Nếu ta sai một đại tướng, mang vài vạn binh, sang úp lấy nước Ngô, Thục đánh mặt ngoài, ta đánh mặt trong, thì chỉ trong năm bữa nửa tháng là nước Ngô phải mất. Nước Ngô đổ rồi, nước Thục cũng nguy, bệ hạ sao không toan liệu cho sớm?
Phi nói:
- Tôn Quyền đã biết lễ phép mà phục trẫm rồi, nếu lại còn đánh, thì ngăn trở bụng thiên hạ muốn hàng, không bằng ưng thuận là hơn.
Hoa lại nói:
- Tôn Quyền tuy có hùng tài, nhưng chỉ là một chức phiếu kị tướng quân Nam Sương hầu trong thời tàn Hán mà thôi. Quan nhỏ, thế yếu mà Quyền còn có bụng muốn tranh hùng với Trung Nguyên; nay phong cho y tước vương thì y chỉ kém bệ hạ một bực. Bệ hạ tin lời trá hàng, mà phong cho y vị hiệu to lớn, có khác nào chắp thêm cánh cho hổ không?
Phi nói:
- Không phải thế! Trẫm chẳng giúp gì Ngô, mà cũng không giúp gì Thục. Ta đợi xem hai nước đánh nhau, khi nào một nước mất, chỉ còn một nước, bấy giờ ta sẽ trừ nốt, thì có khó gì? Ý trẫm đã quyết rồi, ngươi đừng nói lôi thôi nữa!
Liền sai Hình Trình mang chiếu sắc đi với Triệu Tư đến Đông Ngô, phong cho Tôn Quyền.
Tôn Quyền đang cùng với các quan bàn kế chống cự quân Thục, chợt có tin báo có sứ nước Ngụy đến phong vương, phải ra ngoài xa nghênh tiếp. Cố Ung can rằng:
- Chúa công nên tự xưng làm chức thượng tướng quân Cửu Châu Bá, chớ không nên chịu tước phong của Ngụy.
Quyền nói:
- Ngày xưa, Bái Công chịu tước phong của Hạng Vũ, đó là tùy thời, sao lại từ chối?
Bèn dẫn các quan ra thành đón rước sứ giả.
Hình Trình cậy mình là sứ giả nước lớn, vào cửa không thèm xuống xe. Trương Chiêu giận lắm, quát to lên rằng:
- Lễ, đâu cũng phải kính, phép, đâu cũng phải nghiêm. Ngươi sao dám tự cao tự đại, dễ thường khinh Giang Nam ta không có một mũi gươm nào chăng?
Hình Trình vội vàng xuống xe, ra mắt Tôn Quyền, rồi hai người cùng ngồi một xe đi vào trong thành. Bỗng ở sau xe có một người tự dưng khóc hu hu lên rằng:
- Chúng ta không biết liều mình ra sức đánh nước Ngụy, nuốt nước Thục, mà để chủ ta phải chịu cho người phong tước, đã thảm nhục hay chưa?
Chúng trông ra xem ai, thì là Từ Thịnh. Hình Trình nghe thấy vậy than rằng:
- Tướng văn, tướng võ Giang Đông như thế này, tất nhiên không chịu kém người mãi đâu!
Tôn Quyền chịu phong tước xong, các văn võ quan liêu vào lạy mừng đâu đấy; đoạn thu xếp đồ châu ngọc sai người sang nước Ngụy tiến cống tạ ân.
Có mật thám về báo rằng:
- Thục chủ dẫn đại quân cùng với man vương là Sa Ma Kha mang vài vạn quân rợ, lại có tướng Đổng Khê là Đỗ Lộ, Lưu Ninh giúp đỡ. Quân thủy bộ hai đường cùng tiến, thanh thế to lắm. Hiện nay quân thủy đã ra khỏi cửa Vu Khẩu, quân bộ đã đến Thôi Quy.
Bấy giờ Tôn Quyền đã lên ngôi vương, nhưng vua Ngụy vẫn chưa cho quân đến cứu, bèn hỏi các quan rằng:
- Quân Thục thế to lắm, làm thế nào bây giờ?
Các quan nín lặng, Tôn Quyền lại nói:
- Sau Chu Lang có Lỗ Túc, sau Lỗ Túc có Lã Mông, nay Lã Mông đã mất rồi, không còn ai lo giúp được việc cho Cô nữa ư?
Nói chưa dứt lời, có một tướng tuổi trẻ bước ra tâu rằng:
- Tôi tuy ít tuổi, nhưng cũng hơi biết binh pháp, vậy xin lĩnh vài vạn quân ra phá quân Thục!
Quyền trông ra thì là Tôn Hoàn.
Hoàn tự là Thúc Vũ, cha tên là Hà, nguyên họ Du. Tôn Sách yêu lắm, cho theo vào họ Tôn, bởi thế cũng thuộc vào tôn tộc Ngô vương. Hà sinh được bốn con; Hoàn là con trưởng, giỏi nghề cung ngựa. Thường theo Ngô vương đi đánh dẹp, nhiều khi lập được công to. Hiện đang làm võ vệ đô úy, bấy giờ mới hai mươi nhăm tuổi.
Quyền hỏi rằng:
- Ngươi có mẹo gì phá được quân Thục?
Hoàn tâu rằng:
- Tôi có hai viên đại tướng, một là Lý Dị, hai là Tạ Tinh, đều có sức khỏe muôn người không địch nổi. Xin chúa công cấp cho vài vạn quân, để tôi ra bắt Lưu Bị.
Quyền nói:
- Cháu tuy anh hùng, nhưng còn ít tuổi, phải được một người giúp đỡ mới xong.
Hổ oai tướng quân là Chu Nhiên tâu rằng:
- Tôi xin đi với tiểu tướng quân ra bắt Lưu Bị!
Quyền ưng lời, liền điểm quân thủy lục năm vạn, phong cho Tôn Hoàn làm tả đô đốc, Chu Nhiên làm hữu đô đốc, cất quân đi ngay hôm ấy.
Quân do thám dò biết quân Thục đã đến Nghi Đô hạ trại. Tôn Hoàn dẫn hai vạn rưỡi quân mã đóng ở giáp giới Nghi Đô, trước sau chia làm ba trại, để cự nhau với quân Thục.
Tướng Thục là Ngô Ban lĩnh ấn tiên phong, từ khi ở Xuyên ra, đi đến đâu giặc hàng đến đấy, như cỏ lướt theo chiều gió, gươm không dây vết máu nào, đến thẳng Nghi Đô. Nghe tin Tôn Hoàn cắm trại ở đó chống cự với quân mình, Ban liền phi báo với tiên chủ.
Tiên chủ bấy giờ cũng đã dẫn quân đến Thê Quy nghe tin ấy, nổi giận nói:
- Thứ thằng ranh con ấy, lại dám kháng cự với trẫm à?
Quan Hưng tâu rằng:
- Tôn Quyền đã cho thằng bé ấy làm tướng, bệ hạ hà tất phải sai đến đại tướng làm gì, cháu xin ra bắt cũng nổi.
Tiên chủ nói:
- Trẫm muốn coi tài của cháu thế nào?
Lập tức sai Quan Hưng đi.
Hưng lạy từ sắp đi thì Trương Bào lại tâu rằng:
- Quan Hưng đã đi đánh giặc, cháu cũng xin đi một thể.
Tiên chủ nói:
- Hai cháu cùng đi càng hay! Nhưng phải cẩn thận, chớ nên vội vàng.
Hai tướng lạy từ đi ra, hội với tiên phong, dẫn quân tiến lên, dàn thành thế trận.
Tôn Hoàn biết quân Thục đã đến, liền kéo quân trong trại ra, hai bên dàn trận đối nhau. Hoàn dẫn Lý Dị, Tạ Tinh, dừng ngựa dưới cửa cờ. Trong trận Thục, Quan Hưng, Trương Bào, cùng đội mũ chỏm bạc, mặc áo bào trắng, cờ trắng, ngựa trắng. Một tướng cầm bát xà mâu đứng trên, một tướng cầm đại đao đứng dưới.
Bào thét mắng rằng:
- Thằng nhãi con Tôn Hoàn kia! Chết đến cổ họng rồi, còn dám chơi nhau với thiên binh à?
Hoàn cũng mắng rằng:
- Cha mày đã làm ma không đầu, mày lại đến đây đòi chết, sao ngu lắm vậy?
Trương Bào giận lắm, vác mâu xông thẳng vào đánh Tôn Hoàn. Tạ Tinh ở phía sau tế ngựa lên địch. Hai tướng đánh nhau hơn ba chục hiệp. Tinh thua chạy, Bào thừa thế đuổi theo. Lý Dị vội vàng hoa búa ra tiếp chiến, Bào lại đánh hơn hai chục hiệp nữa, chưa phân được thua. Trong trận Ngô, có tên tì tướng là Đàm Hùng, thấy Trương Bào khỏe mạnh lắm. Lý Dị không địch nổi mới bắn ngầm ra một phát tên, tin ngay vào ngựa Trương Bào. Con ngựa bị đau chạy về, chưa đến cửa trận đã ngả kềnh ra hất Trương Bào lăn xuống đất. Lý Dị vội vàng hai tay khoa lưỡi búa nhằm trúng óc Trương Bào bổ xuống. Bỗng đâu thấy một đạo hồng quang lóe lên, đầu Lý Dị đã rơi xuống đất. Nguyên là, Quan Hưng thấy Trương Bào quay về, vừa tế ngựa ra tiếp ứng, thì Trương Bào đã ngã ngựa, mà Lý Dị đã sấn đến sau lưng. Hưng quát to một tiếng, chém ngay được Lý Dị, cứu Trương Bào đứng dậy, rồi thừa thế đánh bừa sang. Tôn Hoàn thua to. Bên nào bên ấy khua chiêng thu quân về.
Hôm sau, Tôn Hoàn lại dẫn quân đến, Trương Bào, Quan Hưng cùng ra. Quan Hưng đứng trước trận, thách Tôn Hoàn giao phong. Hoàn giận lắm, tế ngựa múa đao đánh nhau với Quan Hưng, hơn hai chục hiệp, sức lực hơi núng, quay ngựa chạy về, hai tướng đuổi ùa cả vào dinh. Ngô Ban cũng dẫn bọn Phùng Tập, Trương Nam kéo quân đánh giết tơi bời. Trương Bào xông xáo vác mâu đi trước, gặp Tạ Tinh Bào đâm cho một mâu chết đứng.
Quân Ngô chạy trốn tan hoang.
Tướng Thục được trận thu quân về. Các tướng đủ mặt, duy không thấy Quan Hưng đâu. Trương Bào kinh hãi nói:
- An quốc có xảy ra chuyện gì, ta cũng không sống được một mình!
Nói đoạn, vác mâu lên ngựa đi tìm. Bào đi được vài dặm, thấy Quan Hưng tay tả cầm đao, tay hữu cắp nách một tướng.
Bào hỏi rằng:
- Ai thế?
Hưng cười nói:
- Trong đám loạn quân ta gặp được kẻ thù, liền bắt sống đem về đây!
Bào nhìn ra thì chính là Đàm Hùng, người bắn phát tên ngầm hôm qua. Bào mừng lắm, cùng nhau về trại, chém Đàm Hùng lấy máu tế con ngựa chết, rồi viết biểu sai người đem đến dinh tiên chủ báo tin thắng trận.
s
Tôn Hoàn tốn mất bọn Lý Dị, Tạ Tinh, Đàm Hùng cùng rất nhiều quân sĩ, thế lực đã kiệt, phải sai người về Ngô cầu cứu.
Tướng Thục là Trương Nam, Phùng tập bàn với Ngô Ban rằng:
- Hiện nay quân Ngô thua luôn mấy trận, ta nên thừa thế đến cướp trại.
Ngô Ban nói:
- Tôn Hoàn tuy thiệt hại nhiều tướng sĩ, nhưng cánh quân thủy của Chu Nhiên, hiện đang đóng trên mặt sông, chưa tổn hại chút nào. Nếu ta đến cướp trại, phỏng quân mặt thủy kéo lên bờ, chặn mất đường ta về, thì làm thế nào?
Nam nói:
- Việc ấy rất dễ. Nên sai Quan, Trương hai tướng, mỗi người dẫn năm nghìn quân, phục ở trong hang núi, nếu Chu Nhiên lại cứu thì đổ ra mà đánh, chắc rằng phải được.
Ban nói:
- Không bằng ta sai mấy tên lính sang trá hàng, khiến nó báo việc cướp trại với Chu Nhiên. Nhiên trông thấy ngọn lửa, tất nhiên đến cứu, ta sẽ sai quân phục đổ ra mà đánh, như thế việc lớn chắc xong!
Bọn Phùng Tập mừng lắm, nghe theo kế ấy.
Chu Nhiên được tin Tôn Hoàn hao binh tổn tướng định mang quân lại cứu. Bỗng thấy quân canh đường dẫn mấy tên lính Thục đến. Nhiên hỏi chuyện thì chúng thưa rằng:
- Chúng tôi là quân sĩ dưới trướng Phùng Tập, bởi vì thưởng phạt không được minh, cho nên đến đây hàng và nhân thể báo việc cơ mật.
Nhiên nói:
- Có việc cơ mật gì?
Tiểu tốt nói:
- Chiều tối hôm nay, Phùng Tập thừa cơ đến cướp trại của Tôn tướng quân, có hẹn với nhau đốt lửa lên làm hiệu.
Nhiên nghe xong, lập tức sai người đến báo với Tôn Hoàn. Người báo đi đến nửa đường, bị Quan Hưng giết mất.
Chu Nhiên định dẫn quân ra cứu Tôn Hoàn. Bộ tướng là Thôi Vũ can rằng:
- Lời nói tên lính quèn chưa lấy gì làm tin cho lắm, phỏng có xảy ra sự gì, thì hai mặt thủy bộ đều hỏng cả. Tướng quân nên giữ vững lấy thủy trại, để tôi đi chuyến này xem sao.
Chu Nhiên nghe theo, sai Thôi Vũ dẫn một vạn quân đi cứu.
Đêm hôm ấy, Phùng Tập, Trương Nam, Ngô Ban chia binh làm ba đường, kéo bừa vào trại Tôn Hoàn, bốn mặt nổi lửa. Quân Ngô bối rối, chạy toán lạc cả.
Lại nói Thôi Vũ đang đi, thấy lửa bốc cháy vội vàng giục quân tiến lên. Vừa qua khỏi một trái núi, bỗng đâu ở trong hang trống đánh vang lừng, rồi mé tả có Quan Hưng, mé hữu có Trương Bào, hai đường đổ ra đánh giết. Thôi Vũ giật mình, toan chạy về, thì Trương Bào vừa đến nơi. Hai tướng đấu nhau, chỉ một hiệp, Vũ bị Bào bắt sống.
Chu Nhiên nghe tin nguy cấp, rút quân thủy lùi năm sáu mươi dặm, Tôn Hoàn dẫn bại quân chạy trốn hỏi bộ tướng rằng:
- Đây là mé trước, có xứ nào thành vững lương nhiều không?
Bộ tướng nói:
- Từ đây ra mé chính bắc, có thành Di Lăng, đóng quân được.
Hoàn vội vàng chạy ra Di Lăng, vừa vào trong thành thì bọn Ngô Ban đuổi theo đến nơi, vây bọc kín cả bốn mặt.
Quan Hưng, Trương Bào giải Thôi Vũ về Thê Quy. Tiên chủ mừng lắm, truyền chỉ đem chém Thôi Vũ, rồi mở tiệc khao thưởng ba quân. Từ bấy giờ oai phong tiên chủ lừng lẫy, các tướng bên Giang Nam đều mất vía.
Lại nói Tôn Hoàn sai người về cầu cứu. Tôn Quyền giật mình, triệu văn võ vào thương nghị rằng:
- Nay Tôn Hoàn bị khốn ở Di Lăng, Chu Nhiên thua to ở Trường Giang, thế quân Thục lớn lắm, làm thế nào bây giờ?
Trương Chiêu tâu rằng:
- Hiện nay các tướng tuy nhiều người đã mất, nhưng cũng còn được hơn mười người, lo gì Lưu Bị? Nên sai Hàn Đương làm chánh tướng, Chu Thái làm phó tướng, Phan Chương làm tiên phong, Lãnh Thống làm đoạn hậu, Cam Ninh làm cứu ứng, khởi mười vạn quân ra mà cự mới được.
Quyền nghe theo, sai các tướng ngay hôm ấy cất quân đi. Bấy giờ Cam Ninh đang bị bệnh lị, cũng phải gượng theo đi đánh giặc.
Lại nói, tiên chủ cắm trại từ Vu Giáp, Kiến Bình đến thẳng Di Lăng, dài hơn bảy chục dặm, trước sau cất hơn bốn chục trại liên tiếp nhau. Thấy Quan Hưng, Trương Bào lập luôn được công to, bèn than rằng:
- Các tướng theo trẫm khi xưa đều già nua vô dụng cả rồi! Nay lại có hai cháu anh hùng thế này, trẫm còn lo chi Tôn Quyền nữa!
Chợt có tin báo Hàn Đương, Chu Thái dẫn quân đến. Tiên chủ sắp sai tướng ra địch, thì cận thần vào tâu rằng:
- Hoàng Trung dẫn năm sáu người sang hàng Đông Ngô rồi.
Tiên chủ cười nói:
- Hoàng Hán Thăng không phải là người phản bội, đó tất là vì trẫm lỡ lời nói rằng già lão vô dụng, Hán Thăng không chịu tiếng già, cho nên gắng sức ra chống giặc đó thôi.
Lập tức triệu Quan Hưng, Trương Bào vào dặn rằng:
- Hoàng Hán Thăng đi chuyến này, tất nhiên lỡ việc, hai cháu chớ quản khó nhọc, nên ra giúp hắn, nếu hắn lập được chút công lao gì, thì phải bảo về ngay, chớ để bị thiệt hại.
Hai tiểu tướng lạy từ tiên chủ, dẫn quân ra giúp Hoàng Trung.
Đó là:
Tuổi già muốn tỏ lòng trung dũng,
Tướng trẻ may nhờ dịp lập công.
Chưa biết Hoàng Trung chuyến này đi thế nào, xem đến hồi sau phân giải.