HỒI 79
Anh chẹt em, Tào Thực ngâm thơ;
Cháu hại chú, Lưu Phong chịu tội.
Tào Phi nghe tin Tào Chương kéo quân đến sợ, hỏi các quan. Có một người xin ra lấy lời bẻ Tào Chương, trông ra thì là gián nghị đại phu Giả Quỳ.
Phi mừng lắm, lập tức sai Giả Quỳ đi. Quỳ ra thành đón Tào Chương. Chương hỏi:
- Tỉ thụ của tiên vương để ở đâu?
Quỳ nghiêm sắc mặt lại nói rằng:
- Nhà có con trưởng, nước có vua kế tự, tỉ thụ của tiên vương, ông không có phép hỏi được.
Chương nín lặng, không nói gì, cùng đi với Giả Quỳ vào thành.
Khi gần đến cửa cung, Quỳ hỏi rằng:
- Ông đến đây để chịu tang, hay là muốn đến tranh ngôi?
Chương nói:
- Ta đến chịu tang đấy thôi, chứ có bụng gì đâu?
Quỳ nói:
- Đã không có bụng gì, cớ sao lại mang cả quân vào thành?
Chương lập tức quát tướng sĩ lui ra, chỉ độc một mình vào cung, ra mắt Tào Phi. Hai anh em ôm nhau khóc lóc. Tào Chương đem hết quân mã của mình, giao lại cho Tào Phi. Phi sai Chương về giữ Yển Lăng. Chương lạy từ trở ra.
Từ bấy giờ Tào Phi mới vững chân, đổi năm Kiến An thứ hai mươi lăm làm năm Diên Khang thứ nhất (220) phong Giả Hủ làm thái úy, Hoa Hâm làm tướng quốc, Vương Lãng làm ngự sử đại phu. Quan viên lớn nhỏ đều được phong thưởng cả. Lại đặt tên thụy Tào Tháo là Vũ vương, táng tại Cao Lăng, ở Nghiệp Quận.
Phi sai Vu Cấm ra coi việc sửa lăng. Cấm phụng mệnh ra đó, thấy trên tường trắng trong nhà mồ có vẽ bức tranh Quan Công đang ngồi ngất ngưởng ở trên, ở dưới Bàng Đức hung hăng không chịu phục, còn Vu Cấm thì đang lom khom lạy xuống đất kêu van.
Nguyên Tào Phi thấy Vu Cấm thua trận bị bắt, đã không biết tử tiết thì chớ, lại còn vác mặt trở về, trong bụng coi khinh lắm, cho nên sai người vẽ tranh ấy vào vách để sỉ nhục Cấm. Cấm trông thấy vậy, vừa xấu hổ vừa tức, uất lên thành bệnh không ăn mấy bữa thì chết.
Người sau có thơ rằng:
Giúp chúa công trình biết kế bao?
Tiếc thay, lâm nạn chẳng trung Tào!
Lòng người hổ vẽ lường cho xiết,
Bức vẽ trên tường đẹp mặt sao?
Hoa Hâm tâu với Tào Phi rằng:
- Yển lăng hầu đã giao xong quân mã và về giữ bản quốc rồi, còn Lâm Chi hầu Tào Thực, Tiêu Hoài hầu Tào Hùng, hai người không đến chịu tang, lẽ phải hỏi tội mới được.
Phi theo lời, sai sứ giả đến hai nơi hỏi tội.
Không bao lâu, một sứ giả ở Tiêu Hoài về báo rằng:
- Tiêu Hoài hầu Tào Hùng sợ tội, thắt cổ tự tử rồi.
Phi sai hậu táng cho, và truy tặng làm Tiêu Hoài vương.
Qua vài hôm, sứ giả ở Lâm Chi lại về báo rằng:
- Lâm Chi hầu ngày nào cũng a tùng với bọn anh em Đinh Nghi, Đinh Dị, uống rượu say sưa, càn rỡ, không biết lễ phép gì. Khi chúng tôi đến, Lâm Chi hầu ngồi chễm chệ, không thèm cựa mình. Còn Đinh Nghi thì mắng rằng: “Khi trước tiên vương muốn lập chủ ta làm thế tử, bị những quân nịnh nọt ngăn trở. Nay tiên vương mới mất chưa được mấy ngày, đã muốn hỏi tội trong cốt nhục hay sao?” Đinh Dị cũng nói: “Cứ như chủ ta thông minh hơn đời, đáng lẽ nối vào ngôi lớn mới phải. Nay lại hóa ra không được lập, các bầy tôi miếu đường chúng bay, sao không biết nhân tài làm vậy?” Bởi thế, Lâm Chi hầu nổi giận, sai võ sĩ đem tôi ra đập đánh một hồi rồi đuổi đi.
Phi nghe nói, nổi giận, sai ngay Hứa Chử lĩnh ba nghìn quân hộ vệ đến Lâm Chi bắt bọn Tào Thực.
Hứa Chử phụng mệnh, dẫn quân đến Lâm Chi, tướng giữ cửa thành ngăn lại không cho vào. Chữ chém phăng ngay tướng ấy, vào thẳng trong thành, không ai dám chống lại. Chử đến phủ đường, thấy Tào Thực và Đinh Nghi, Đinh Dị đang say rượu nằm ườn cả ra đấy. Chử trói ráo lại, bỏ lên xe, lại bắt hết cả quan liêu lớn nhỏ, giải về Nghiệp Quận, đợi Tào Phi phát lạc.
Phi truyền lệnh đem giết sạch bọn Đinh Nghi, Đinh Dị. Hai người quê ở Bái Quận, đều nổi tiếng hay chữ một thời, ai cũng thương tiếc.
Mẹ Tào Phi là Biện thị, nghe thấy Tào Hùng phải thắt cổ chết, đau xót vô cùng. Lại nghe tin Tào Thực bị bắt, đồ đảng là bọn Đinh Nghi bị giết, kinh hãi quá chừng, vội vàng ra điện gọi Tào Phi vào hỏi.
Phi thấy mẹ ra vội vàng đến lạy. Biện thị khóc bảo:
- Em con là Thực, xưa nay ngông nghênh rượu chè, vì nó cậy có tài nên mới phóng túng như thế. Con nên nghĩ tình anh em ruột thịt mà tha tội cho nó, thì dù mẹ chết xuống suối vàng cũng được nằm yên.
Phi nói:
- Con cũng yêu cái tài của nó có đâu nỡ hại nó; nay cũng răn bảo cho nó chừa bớt đi đó thôi, xin mẹ chớ lo!
Biện thị gạt nước mắt trở vào.
Phi ra nơi thiên điện, đòi Tào Thực đến ra mắt.
Hoa Hâm hỏi:
- Vừa rồi thái hậu dặn điện hạ đừng giết Tử Kiến có phải không?
Phi nói:
- Phải.
Hâm nói:
- Tử Kiến có tài, có trí, không phải là người tầm thường, nếu không trừ đi cho sớm, tất để vạ về sau.
Hâm nói:
- Ai cũng bảo Tử Kiến xuất khẩu thành chương, tôi chưa tin lắm, điện hạ nên đòi vào, hỏi thử xem tài y ra làm sao, nếu thấy không có tài thì giết phắt đi, nhược bằng có tài thì cũng giáng chức xuống, để che bớt miệng văn nhân trong thiên hạ.
Phi nghe lời. Một lát Tào Thực vào ra mắt, sợ hãi xin thú tội.
Phi nói:
- Ta với mày, tình tuy là anh em, nhưng nghĩa thì là vua tôi, mày sao dám cậy tài bỏ lễ? Khi còn tiên quân, mày hay đem văn chương khoe hợm với người, ta nghi cho mày tất mượn người khác làm gà; nay ta hạn cho mày đi bảy bước, phải ngâm xong một bài thơ, ngâm được thì ta tha cho khỏi chết, nếu không xong, sẽ trị tội nặng, quyết không tha.
Thực nói:
- Xin ra cho đầu bài.
Khi ấy ở trên điện treo một bức tranh thủy mạc, vẽ hai con trâu chọi nhau dưới bức tường, một con ngã xuống giếng chết.
Phi trỏ vào bức tranh bảo rằng:
- Vịnh ngay bức tranh này, nhưng cấm không được phạm vào các chữ: “Hai trâu chọi dưới tường, một con sa giếng chết”.
Thực đi được bảy bước thì ngâm cũng vừa xong bài thơ.
Thơ rằng:
Đôi vất đi cùng đường,
Trên đầu bốn khúc xương,
Gặp nhau tựa sườn núi,
Hung hăng mở chiến trường,
Đôi bên đua sức mạnh,
Một vật lăn xuống hang,
Nào phải lực có kém,
Chẳng qua sự nhỡ nhàng!
Tào Phi và các quan chịu là tài.
Phi lại nói:
- Bảy bước mới xong bài thơ, hãy còn là chậm, mày có ứng khẩu ngay được một bài thơ không?
Thực lại xin đầu bài.
Phi nói:
- Ta với mày là anh em, lấy ngay việc ấy làm đầu bài, nhưng cũng không được phạm vào hai chữ “Anh em”.
Thực không cần suy nghĩ gì, ứng khẩu đọc ngay một bài rằng
Nấu đậu đốt cành đậu,
Đậu ở trong nồi khóc.
Vốn sinh cùng một gốc
Sao nỡ đốt thiêu nhau.
Tào Phi nghe xong, bỗng nhiên ứa nước mắt. Biện thị ở sau điện chạy ra, nói:
- Anh sao chẹt em quá thế?
Phi vội vàng đứng dậy nói:
- Phép nước không sao bỏ được!
Bởi thế, giáng Tào Thực xuống làm An Hương hầu, Thực lạy từ, lên ngựa đi ra.
Từ khi Tào Phi lên ngôi, pháp lệnh thay đổi mới cả, bức hiếp vua Hiến đế lại thậm tệ hơn cha hắn khi trước.
Có mật thám báo tin ấy về Thành Đô, Hán Trung vương giật mình, bàn với các quan rằng:
- Tào Tháo chết rồi, Tào Phi nối ngôi, bức hiếp thiên tử, lại thậm tệ hơn cha hắn. Tôn Quyền ở Đông Ngô, chắp tay xưng thần. Cô muốn trước hết đánh Đông Ngô, để báo thù cho Vân Trường rồi sau sẽ đánh Trung Nguyên, để trừ loạn tặc, các ngươi nghĩ thế nào?
Huyền Đức nói vừa dứt lời, Liêu Hóa ra lạy xuống đất, khóc rằng:
- Cha con Quan Công bị hại, là vì Lưu Phong, Mạnh Đạt không cứu, xin giết hai tên giặc ấy đi mới được.
Hán Trung vương toan sai người đi bắt.
Khổng Minh can rằng:
- Việc ấy phải thong thả định liệu mới được, chớ có vội vàng mà sinh biến. Nay hãy thăng cho hai người làm quận thú, chia đi hai nơi, rồi mới trừ được.
Hán Trung vương nghe lời, sai sứ ra thăng cho Lưu Phong về giữ ở Miên Trúc.
Bành Dạng vốn chơi thân với Mạnh Đạt, nghe thấy vậy, vội vàng viết thư sai người báo tin cho Đạt biết. Người mang thư vừa ra đến cửa nam thì bị quân đi tuần của Mã Siêu bắt được. Siêu tra hỏi biết tình đầu như thế, lập tức đến chơi Bành Dạng. Dạng ra tiếp vào, đặt rượu thiết đãi. Rượu nửa chừng Siêu nói gợi lên rằng:
- Ngày xưa Hán Trung vương đãi ông hậu lắm nay sao có ý nhạt nhẽo?
Dạng nhân rượu ngà ngà say, nổi giận mắng rằng:
- Ông già ấy lẫn quẫn lắm, thế nào cũng có phen ta báo được mới nghe!
Siêu cũng nói tảng ra rằng:
- Tôi lâu nay cũng oán ông ấy lắm!
Dạng nói:
- Có phải thế thì ông hãy cất quân bản hộ, kết với Mạnh Đạt làm ngoại ứng, tôi đem quân trong Xuyên làm nội công, việc lớn chắc xong!
Siêu nói:
- Tiên sinh nói phải lắm, mai ta sẽ bàn lại với nhau.
Siêu từ giã ra về, đem ngay cả người lẫn thư vào nộp Hán Trung vương, và thuật lại đầu đuôi câu chuyện ấy.
Hán Trung vương giận lắm, sai bắt ngay Bành Dạng tống ngục tra hỏi, quả nhiên như thế, Bành Dạng ngồi trong ngục, hối hận thì sự đã rồi.
Hán Trung vương hỏi Khổng Minh rằng:
- Bành Dạng có ý mưu phản, phải trị làm sao?
Khổng Minh thưa:
- Dạng là một người ngông nghênh để lâu tất cũng sinh vạ.
Hán Trung vương mới cho Bành Dạng tự tử ở trong ngục.
Dạng chết rồi, có người báo tin cho Mạnh Đạt biết. Đạt sợ cuống cả người lại. Chợt có sứ giả đến, điều Lưu Phong ra giữ thành Miên Trúc. Đạt bàn với hai anh em đô úy Thượng Dung và Phòng Lăng là Thần Đam, Thân Nghi rằng:
- Ta với Pháp Hiếu Trực đều có công với Hán Trung vương. Nay Hiếu Trực mất rồi, Hán Trung vương quên công của ta, lại muốn hại ta, thì làm thế nào?
Đam nói:
- Tôi có một kế, khiến Hán Trung vương không thể hại ông được.
Đạt mừng lắm vội hỏi kế gì.
Đam nói:
- Anh em tôi muốn hàng Ngụy đã lâu, ông nên viết một bái biểu, từ biệt Hán Trung vương, rồi sang hàng Ngụy vương Tào Phi, chắc được trọng dụng. Hai chúng tôi cũng theo sang sau.
Đạt chợt nghĩ ra, liền tả một bài biểu, giao cho sứ giả, rồi đêm ấy dẫn năm chục kị mã sang hàng Ngụy. Sứ giả mang biểu về Thành Đô, tâu với Hán Trung vương. Hán Trung vương giận lắm, xem tờ biểu viết rằng:
Thần là Đạt thiết nghĩ rằng: Điện hạ sắp sửa dựng nghiệp Y, Lã, theo công Hoàn, Văn, mượn đất Ngô, Sở này để gây dựng việc lớn. Bởi thế, những người có chí lũ lượt kéo về. Thần từ khi theo đòi đến nay, tội lỗi chất cao đầy núi, thần cũng tự biết mình lắm, huống chi điện hạ.
Nay trong triều những bực tài giỏi đông như kiến, thần tài hèn sức yếu, mà cũng được dự vào hàng công thần, thần tự nghĩ mình lấy làm hổ thẹn!.
Thần có nghe: Phạm Lãi biết ơn, lênh đênh năm hồ, Cữu Phạm tạ tội, quanh quẩn trên sông! Ôi! Đang khi vua tôi gặp gỡ nhau, mà phải mang thân đi lánh, là cớ làm sao? Bởi vì, muốn rõ ràng trong đường thân tới vậy.
Huống chi, thần là kẻ hèn hạ, không có công cán gì to: Nghĩ đến sự đời, lại nhớ đến các ông tiền hiền lắm.
Ngày xưa, Thân Sinh rất hiếu mà bị cha nghi, Tử Tư rất trung mà bị vua giết, Mông Điềm có công mở bờ cõi mà phải tội, Nhạc Nghị có công phá nước Tề mà bị đuổi đi. Thần mỗi khi xem sách, nói đến các ông ấy, không thể không cảm khái sụt sùi. Không ngờ thần lại gặp phải cảnh như thế, càng thêm chua xót lắm!
Trước đây, Kinh Châu đổ mất, đại thần thất tiết, trăm phần không dám chối phần nào. Vậy thần xin giả Phòng Lăng, Thượng Dung mà xin đem thân ra ngoài, cho được thỏa chí.
Xin điện hạ rủ ơn thánh, soi xét cho thần; thấu tình của thần mà thương cái cảnh của thần. Thần thật là tiểu nhân, không được thủy chung như nhất. Thần biết thế là không phải mà vẫn làm, há dám chối là không có tội?
Thần lại nghe có câu rằng: “Bạn chơi với nhau tuy đã tuyệt không nỡ nói nhau quá lời, bầy tôi thờ chủ tuy đã bỏ đi, không nên oán thán gì”. Thần vẫn nhớ lời quân tử, vậy xin điện hạ cố gắng lên, thần sợ hãi không sao kể xiết!
Hán Trung vương xem xong, nổi giận nói rằng:
- Quân thất phu đã phản ta thì chớ, lại dám đem văn tự ra đùa ta ru!
Liền toan cất quân đi bắt.
Khổng Minh nói:
s
- Nên sai ngay Lưu Phong tiến binh bắt Mạnh Đạt, để cho hai hổ trọi nhau. Lưu Phong hoặc thành công, hoặc bại trận; thế nào cũng phải về Thành Đô, sẽ bắt mà trừ đi, thì tuyệt được cả hai cái hại ấy.
Hán Trung vương nghe lời, cho sứ ra Miên Trúc truyền sai Lưu Phong đem quân đi bắt Mạnh Đạt.
Lại nói, Tào Phi đang tụ văn võ bàn việc, cận thần vào báo rằng:
- Có tướng bên Thục là Mạnh Đạt đến hàng.
Phi đòi vào hỏi:
- Người đến đây hàng có mưu mẹo gì giả dối chăng?
Đạt thưa:
- Tôi chỉ vì không chịu cứu Quan Công, Hán Trung vương muốn giết tôi, cho nên đến hàng, chớ không có ý gì khác.
Tào Phi vẫn chưa tin, chợt có tin báo Lưu Phong dẫn năm vạn quân lại lấy Tương Dương, chỉ thách một mình Mạnh Đạt ra đánh.
Phi bảo Mạnh Đạt rằng:
- Ngươi có phải thực bụng hàng, thì hãy ra Tương Dương lấy đầu Lưu Phong về đây, ta mới tin.
Đạt nói:
- Tôi lấy đường lợi hại ra bảo Lưu Phong, tất nhiên hắn cũng đến hàng.
Phi mừng lắm, phong cho Mạnh Đạt làm tán kị thường thị, kiến võ tướng quân, Bình Dương dinh hầu, lĩnh chức thái thú Tân Thành, ra giữ ở Tương Dương, Phàn Thành.
Hạ Hầu Thương, Từ Hoảng ở Tương Dương sắp sửa đánh lấy các quận Thượng Dung. Mạnh Đạt đến nơi, vào chơi hai tướng, thì nghe tin Lưu Phong dẫn quân đến, cách ngoài thành năm mươi dặm hạ trại. Đạt mới viết một phong thư, sai người mang đến trại Thục, dụ Lưu Phong lại hàng. Phong xem thư nổi giận, nói:
- Thằng giặc này đã làm mất nghĩa chú cháu của ta, lại muốn lìa tình cha con ta để cho ta thành ra đứa bất trung bất hiếu hay sao?
Nói đoạn liền xé thư, chém sứ, hầm hầm nổi giận, dẫn quân ra đánh. Hai bên dàn trận, Phong dừng ngựa đứng dưới cửa cờ, cầm đao trỏ Mạnh Đạt mắng rằng:
- Quân phản tặc bỏ nước kia, sao dám nói càn?
Mạnh Đạt nói:
- Mày chết đã kề cổ rồi, còn u mê không biết à?
Phong giận lắm, tế ngựa múa đao xông thẳng vào đánh Mạnh Đạt. Đánh chưa được vài hiệp Đạt thua chạy. Phong đuổi theo hơn hai trăm dặm, bỗng nổi một tiếng reo, quân phục đổ cả ra: Bên tả Hạ Hầu Thượng kéo tới, bên hữu Từ Hoảng ập đến, Mạnh Đạt cũng quay lại, ba mặt đánh ập vào. Lưu Phong thua to, chạy luôn đêm về đến Thượng Dung, quân Ngụy đuổi theo ráo riết, Phong đến dưới thành gọi cửa, thì thấy tên bắn xuống như mưa, rồi Thân Đam ở trên địch lâu gọi rằng:
- Ta đã hàng Ngụy rồi!
Phong giận lắm, muốn đánh phá thành, nhưng quân đuổi theo sau đã đến. Phong phải chạy về Phòng Lăng. Đến nơi thì thấy trên thành đã cắm cờ hiệu nước Ngụy cả rồi. Thân Nghi ở trên phất cờ hiệu. Từ Hoảng ở phía sau kéo đến. Phong đánh không lại, kíp chạy về Tây Xuyên. Hoảng thừa thế đuổi đánh. Thủ hạ của Lưu Phong chỉ còn hơn trăm quân kị.
Phong đến Thành Đô, vào ra mắt Hán Trung vương khóc lạy xuống đất, tâu rõ việc trước.
Hán Trung vương giận, nói:
- Nhục tử, còn mặt mũi nào dám vào ra mắt ta?
Phong nói:
- Khi thúc phụ lâm nạn, không phải con không cứu, chỉ vì Mạnh Đạt ngăn trở.
Hán Trung vương lại giận thêm, mắng rằng:
- Mày ăn cơm người, mặc áo người, không phải là loại bù nhìn tượng gỗ, sao lại đi nghe lời gièm pha?
Lập tức sai tả hữu lôi Phong ra chém.
Hán Trung vương chém xong Lưu Phong, sau biết Phong xé thư chém sứ giả của Mạnh Đạt, bấy giờ mới hối. Hán Trung vương vì thương Quan Công quá, nên sinh bệnh, phải đóng quân tại chỗ, chưa dám động vội.
Tào Phi từ khi lên ngôi Ngụy vương, thăng thưởng cả cho các quan văn võ, rồi dẫn ba mươi vạn quân về thăm huyện Tiêu nước Bái là nơi quê cha đất tổ; mở tiệc lớn tế bái mồ mả tổ tiên. Các cụ già trong làng kéo ra bái vọng chật cả đường cái, tranh nhau dâng rượu chúc thọ, theo lệ như vua Cao Tổ nhà Hán về nước Bái khi xưa.
Chợt có tin báo Hạ Hầu Đôn bệnh nguy cấp lắm. Phi vội vàng trở về Nghiệp Quận thì Đôn mất rồi. Phi thương tiếc lắm, sai làm ma cực hậu. Phi cũng để trở.
Tháng tám năm ấy, có người báo ở huyện Thạch Ấp, có chim phượng hoàng về chầu, ở thành Lâm Chi, có kì lân hiện ra, mà rồng vàng thì uốn khúc ở Nghiệp Quận.
Bởi thế trung lương là Lý Phúc, thái sử thừa là Hứa Chi bàn với nhau rằng:
- Những điềm lành ấy đều là dấu hiệu nhà Ngụy phải thay vào ngôi nhà Hán. Vậy nên sắm sửa nghi lễ thụ thiên, để cho vua Hán nhường thiên hạ cho Ngụy vương.
Bàn định rồi, mới cùng bọn Hoa Hâm, Vương Lãng, Tân Tỉ, Giả Hủ, Lưu Hoa, Lưu Dị, Trần Kiệu, Trần Quần, Hoàn Giai, cả bọn văn võ hơn bốn mươi người, vào thẳng nội điện, tâu với vua Hiến Đế, xin nhường ngôi cho Ngụy vương Tào Phi.
Đó là:
Xã tắc nhà Tào vừa nhóm dựng,
Giang sơn đời Hán phút lìa tan!
Chưa biết Hiến Đế nói năng ra sao, xem hồi sao sẽ biết.