Mộ Hoàng lịch – giữa tháng 4 năm 232.
Đà Liêu Hầu – Mạn Chu lệnh cho Thế tử Mạn Hợp dẫn đại quân tấn công biên giới Sa Lục Châu. Quận vương Khâu Tuệ Phúc của Sa Lục Châu thống lĩnh đại quân nghênh chiến. Hai bên giằng co ở biên giới, bất phân thắng bại.
Đà Liêu Châu quân đông tướng mạnh, binh lính được huấn luyện bài bản, lẽ ra chiếm thế thượng phong, bất quá Quận vương Khâu Tuệ Phúc thủ đoạn nghịch thiên, dụ quân Đà Liêu vào sâu trong sơn lâm Sa Lục Châu chẻ ra triệt hạ. Liệt Dạ quân của Đà Liêu Châu thiệt hại nặng nề, vội vã rút về doanh trại bảo toàn lực lượng, tìm cách trả đũa.
Khương vệ của Sa Lục Châu hầu hết là hán tử mới tòng quân nhưng Quận vương Khâu Tuệ Phúc binh thao mã lược, lợi dụng địa thế Sa Lục núi non hiểm trở, rừng thiêng nước độc và sự hiếu chiến của Liệt Dạ quân, dụ đối phương vào cạm bẫy nhanh chóng tiêu diệt bốn ngàn quân Đà Liêu Châu khiến Thế tử Mạn Hợp kinh sợ.
Tin chiến sự chậm rãi lan dọc Sa Lục Châu, chưa tới được Hồi thành xa xôi.
Chỉ vài ngày sau khi chiến sự nổ ra, tại thành Quảng Cữu của Vạn Tư quốc, Tổng đốc Hà Tung đã nhận được tin cấp báo từ Sa Lục Châu. Hà Tung là Tổng đốc quản lý Lộ Dư Uyển (bao gồm ba thành lớn sầm uất chạy dọc biên giới với Sa Lục Châu là: Quảng Cữu, Vũ Thần và Huỳnh Tương.) Hà Tung cáo già xảo quyệt, nuôi vô số kỳ nhân dị tướng, mưu đồ củng cố binh quyền, chờ lệnh của Hoàng đế Vạn Tư quốc đánh sang Sa Lục Châu cướp đất, hôi của.
Lão ban bố lệnh cống nạp nô lệ. Mỗi thành trong Lộ Dư Uyển nội trong ba tháng phải nộp lên năm ngàn nô lệ. Nếu không nộp đủ, mỗi nô lệ thiếu quy ra ba hộc lương thực.
Mệnh lệnh đưa xuống, các Thừa doãn (thành chủ) bất mãn không thôi. Nô lệ đâu thể tự nhiên đẻ ra mấy ngàn trong vòng vài tháng ngắn ngủi. Dù có tăng thuế, ép nông phu đến tán gia bại sản, bán gia quyến cho chủ nô cũng không thể thu được nhiều như vậy.
Thảm nhất là thành Huỳnh Tương, tháng nào dồn được nhiều chỉ khoảng ba trăm nô lệ, tháng ít thì khỏi nói. Thừa doãn thành Huỳnh Tương là Tôn Đức Khương đau đầu nhức óc, mất ngủ mấy đêm không biết làm thế nào gom cho đủ năm ngàn nô lệ. Đất Huỳnh Tương chó ăn đá gà ăn sỏi, ít đồng ruộng màu mỡ, mỗi hộc lương thực nộp lên như một nhát dao cắt xuống thịt Thừa doãn, lão không muốn nộp hạt nào. Ngặt nỗi nếu kháng lệnh Tổng đốc, đao liền chém xuống cổ Tôn Đức Khương. Lão có ăn gan hùm mật gấu cũng không dám.
Hàm Tang, tướng thống lĩnh Bạch Đà quân của thành Huỳnh Tương biết tin, hiến kế cho Tôn Đức Khương. Chó cùng dứt dậu, Tôn Đức Khương nghe theo, lệnh cho Hàm Tang dẫn đại quân đánh sang biên giới Sa Lục Châu.
Đầu tháng 5 năm 232, Hàm Tang thống lĩnh Bạch Đà quân chẻ đôi Khương vệ chốt ở biên giới giữa Sa Lục Châu và Vạn Tư quốc, đánh vào Tập thành. Kỵ binh Bạch Đà quân đi tới đâu giết sạch tới đó, trẻ không tha già không thương, tin tức chưa kịp lọt ra ngoài. Đánh xong Tập thành, nô lệ gom đã thừa nhưng nhìn lương thực và gia súc từng hàng từng hàng dài được nô lệ kéo về thành Huỳnh Tương, Hàm Tang nổi lòng tham. Y lờ tịt bản đồ, thúc quân tấn công địa phận Hồi thành. Phó tướng và tiểu tướng dưới quyền vơ vét đang sướng tay, nhắm mắt bịt tai theo Hàm Tang.
Bạch Đà quân đánh tới tận Hồi thành, tức là triệt hạ một nửa bá tánh trên nửa địa phận Hồi thành mới dừng tay, mang chiến lợi phẩm rồng rắn quay về.
— QUẢNG CÁO —
Khi Hàm Tang quay ngựa đuổi kịp đoàn vận chuyển lương thực từ Tụ Sơn thôn thì họ cũng đã sang địa phận Tập thành.
Đằng Nguyên bất tỉnh suốt năm ngày đó.
Âm thanh lộc cộc của vó ngựa, tiếng bước chân rầm rập, tiếng bánh xe cót két khiến Đằng Nguyên khó chịu. Tiếng ruồi nhặng vo ve bên tai…
- Hắn chết chưa?
- Vẫn chưa. Nóng đến nỗi nướng được ngô trên da… Ha ha…
- Sống dai gớm. Hay quẳng luôn đi cho nhẹ nợ.
- Bọn nô lệ kéo xe, ngươi có phải kéo đâu mà sợ nặng.
- Hàm tướng quân vừa hỏi hắn hôm qua. Các ngươi liệu hồn.
- Không dám, không dám…
Đằng Nguyên mở mắt nhìn.
Cảnh sắc nhạt nhoà, hắn chẳng thấy rõ cái gì, chóng mặt lịm đi.
… — QUẢNG CÁO —
Ngày thứ sáu sau thảm sát Tụ Sơn thôn.
Màn đêm buông xuống, sương phủ trắng cánh đồng trống nơi một cánh quân Vạn Tư quốc hạ trại. Cánh quân của Hàm Tang rồng rắn kéo tới hợp cùng những kẻ đến trước. Đi đầu là đội kỵ binh phong trần, máu dính trên y phục đã khô lại, trắng nâu loang lổ; đội bộ binh đông nghịt lũ lượt đi giữa; cuối cùng là mấy nghìn nô lệ rách rưới, bẩn thỉu kéo các xe chất đầy lương thực, mệt mỏi lê bước sau cùng. Bốn nô lệ phụ trách một xe đẩy, hai kẻ kéo, hai kẻ đẩy, khổ không sao kể xiết.
Đám lính cai nô tay dắt gia súc đã cướp được, tay cầm roi ngựa đủng đỉnh đi hai bên xe đẩy canh chừng, quất roi vun vút lên lưng các nô lệ.
Mới vài ngày trước những hán tử này còn là nông phu an ổn sống trong thôn. Chỉ một trận tinh phong huyết vũ, trời rung đất chuyển mà họ đi tới bước đường này. Thật không thể tưởng tượng.
Gần cuối đoàn xe chở lương thực, chiếc xe ít lương nhất đặt Đằng Nguyên nằm bên trên, lắc lư suốt mấy ngày ròng rã. Lưu Tống, Lưu Ngọc Lâm, Điền Vỹ Thái và Điền Đông phụ trách kéo xe này, ngày ba lượt đút nước cho Đằng Nguyên, cố gắng nhét bánh ngô khô khốc mà nô lệ được phát vào miệng hắn nhưng vô ích. Đằng Nguyên mê man bất tỉnh, không ăn được, chỉ uống nước.
Vì một câu nói vu vơ của Hàm Tang là phải giữ cho Đằng Nguyên sống sót để hành hạ, không tên lính Vạn Tư quốc nào dám đâm chết hắn, vứt thi thể giữa đường. Thành ra Đằng Nguyên cứ nằm trên xe, giở sống giở chết.
Cánh quân của Hàm Tang hạ trại, nô lệ bị dồn hết vào một chỗ. Lưu Ngọc Lâm cõng Đằng Nguyên khỏi xe. Tuy nhiên bọn họ cũng không được ngồi không mà phải mang thùng ra con suối gần đó lấy nước về cho binh lính nấu nướng. Đẩy xe cả ngày, tối chưa được nghỉ đã lại phải múc nước, những người yếu ớt sắp gục xuống.
Lưu Ngọc Lâm nhanh chóng cõng Đằng Nguyên chạy theo Lưu Tống ra suối, mắt đỏ ngầu khi thấy một thiếu niên Mộc gia vì kiệt sức, nằm gục một chỗ mà bị bọn lính quất roi da vun vút vào người. Ngày đầu nhìn xót ruột đau gan nhưng nếu gã không nhanh chân, chính gã cũng bị đánh như vậy. Roi da quất lên thân thể rách y phục, toạc da chảy máu. Trong điều kiện hành quân suốt ngày, ăn uống kham khổ, lao động vất vả thế này, những vết thương nhỏ nhất cũng có thể gây chết người.
Sáu ngày vừa qua hán tử Tụ Sơn thôn có bốn người thiệt mạng vì vết thương thối rữa, sốt cao mà không được chữa trị. Các thôn khác đi trước, đi sau bọn họ, chết nhiều không đếm xuể. Thoi thóp như Đằng Nguyên, sốt bỏng da cháy thịt nhưng vết thương đang dần khép miệng, nhất định hắn sẽ sống.
Đối với huynh đệ Điền gia, Lưu gia, sự sống của Đằng Nguyên chính là tia hi vọng mãnh liệt trong tuyệt lộ tăm tối.
Lưu Ngọc Lâm đặt Đằng Nguyên xuống bờ suối, vội vã uống nước ừng ực cho thỏa cơn khát rồi cùng Lưu Tống, Điền Vỹ Thái và Điền Đông lấy nước, khiêng về mấy thùng, sau đó quay lại cho Đằng Nguyên uống nước. Khi Điền Đông trở lại, Đằng Nguyên đã mở mắt, đang nhìn chằm chằm lên bầu trời đêm.
— QUẢNG CÁO —
- Đằng lão đệ tỉnh rồi… - Điền Đông rít lên nho nhỏ hoan hỉ.
Lưu Ngọc Lâm lập tức chạy tới ngó, mắt sáng ngời, đang định ngồi xuống hỏi thăm thì roi của một tên lính đã quất tới. Tên lính quát lớn:
- Làm việc đi, đừng có lười biếng.
Lưu Ngọc Lâm bị quật ngang vai, đau tái mặt, vội vã chạy xuống suối lấy nước. Điền Đông ngồi cạnh Đằng Nguyên nhưng không bị đánh, thức thời đỡ Đằng Nguyên ra mép nước, nhanh chóng vục nước cho Đằng Nguyên uống rồi đi lấy nước cùng mọi người. Điền Đông bị thương ở tay phải, quấn vải bố cứng đét, hành động bất tiện nhưng khí lực lớn, vẫn làm băng băng. Các hán tử khác chỉ dám đánh mắt nhìn về phía Đằng Nguyên, tuyệt không ai tới gần kể cả Đằng Tất.
Sáu ngày hành quân là đủ để họ nhận ra cần phải giữ thân, giữ mạng cho mình trước.
Đằng Nguyên uống nước xong, từ từ nằm ngửa ra.
Các vết thương trên người hắn đều đã khép miệng, tuy chưa khỏi hẳn nhưng cơn đau không còn. Bên dưới các miệng vết thương, những luồng hàn khí luân chuyển, thúc đẩy quá trình tái tạo, giảm đau, đánh lui cơn sốt. Đằng Nguyên nhíu mày thăm dò thân thể, phát hiện đan điền dị biến.
Tại vị trí đan điền xuất hiện một khoảng không nho nhỏ. Bên trong khoảng không có một tia hàn khí lục quang toả ra hắc vụ nhè nhẹ. Tia hàn khí không bất động mà cuộn theo hình tròn, tựa hồ đang di chuyển quanh một viên ngọc vô hình.
Một ý nghĩ đầy sửng sốt bật ra trong đầu hắn.
Không có linh khí, sao có thể sinh Không Đàm?