Tụ Sơn thôn vẫn bình yên, không mấy người biết về biến cố đang xảy ra bên ngoài. Hồi thành nằm ở tận biên giới phía nam của Sa Lục Châu, nếu xảy ra tranh chấp với Diệc Linh Quốc và Vạn Tư Quốc, nơi này liền biến thành chiến trường hỏa phong huyết vũ, bá tánh đã chạy nạn từ lâu. Nhưng không… biên giới phía bắc quá xa, dù Đà Liêu Hầu có đánh tới Vương thành Sa Lục Châu, Hồi thành này cũng chẳng bị ảnh hưởng. Phải quét dọc Sa Lục Châu, loạn lạc mới chạm tới nơi này. Vậy nên những kẻ bàng quan rất nhiều.
Mục Nhan lo lắng về thuế ruộng, lương thực và binh dịch, ngày ngày ra ra vào vào thậm thụt buôn dưa lê với mấy bà tử, phụ nhân trong thôn. Bất quá trở về trạch viện không dám đề cập gì với Đằng Nguyên. Thấy hắn bình thản ngày ngày lên núi, nàng dần bớt lo.
Tháng chín năm đó, mùa màng bội thu, lúa chín đầy đồng. Thôn dân hân hoan gặt hái, vui vẻ tưng bừng.
Chính lúc không khí đang hân hoan náo nhiệt, sấm sét giáng xuống.
Chiếu thư của Sa Lục Hầu – Khâu Vệ đưa tới tất cả các thành lớn nhỏ trong Châu, lệnh trưng binh, thu lương thực được ban bố.
Hồi thành, Phủng Tư trấn, Tụ Sơn thôn… xôn xao hoảng sợ, tiếc người xót của.
Chiếu thư lệnh mỗi hộ bắt một tráng đinh tuổi từ mười sáu đến hai lăm, thu năm hộc lương thực trên mỗi nam đinh từ mười bốn tuổi trở lên. Không miễn thu với lão hán. Kẻ tòng quân không phải nộp lương thực. (Mỗi hộc = 50kg).
Tráng đinh trong độ tuổi binh dịch nếu có thương thế, khuyết tật không thể tòng quân, buộc phải nộp 10 lượng bạc trắng. Hộ nào nộp không đủ lương thực trên đầu nam đinh sẽ bị phạt 5 lượng bạc.
Khắp nơi trên Sa Lục Châu, tiếng kêu khóc oán than ngút trời. Bạc đổi binh dịch quá cao, phạt thiếu lương thực còn cao hơn. Năm hộc lương thực trên một nam đinh nếu xét tới hộ nhà Đằng Nguyên không tính là nhiều nhưng với Lâm gia, Điền gia, Mộc gia, Liễu gia… các đại hộ 4 – 8 tráng đinh trong thôn quả là con số đại hoạ.
Mà không nộp không được. Năm hộc lương thực mua chưa đến 2 lượng bạc, cứ cho là lương thực tăng giá, tính thành 2 lượng rưỡi cũng còn rẻ hơn so với mức phạt 5 lượng. Nên dù xót đứt ruột đứt gan, nhiều hộ vẫn phải chạy tới nhà địa chủ mua lương thực bù vào.
Thôn dân làm gì có nhiều bạc như vậy, vay mượn linh tinh, than khóc ầm ĩ.
— QUẢNG CÁO —
Địa chủ nhiều tên thừa nước đục thả câu, tăng giá lương thực vô tội vạ, cho vay cắt cổ. Nhà nghèo đến nửa lượng bạc còn chẳng có, lấy đâu mấy lượng. Rồi sau khi gom góp hết lương thực mang nộp thì ăn gì? Mùa đông năm nay tính sao?
Cẩn gia, Sùng gia, Thạch gia… so với tình trạng của Đằng Nguyên năm ngoái chỉ nhỉnh hơn một chút, tức là nghèo rớt mồng tơi, ngoài lương thực ra chẳng có gì đáng giá. Nhân khẩu nhiều, nam đinh lắm, è cổ ra gánh cũng chẳng gánh nổi lương thực phải trưng thu nên khóc than, ngồi chờ quan binh đến bắt vào địa lao.
Lúc này đám lính của Phủ đề (nơi làm việc của Trưởng trấn và các ti chức nhỏ quản lý trấn) mới vẽ đường chết cho người sống. Hộ nào không đủ lương thực nộp chỉ cần cho thêm tráng đinh tòng quân, mỗi tráng đinh trong độ tuổi mười sáu đến hai lăm quy ra mười hộc lương thực; mỗi tráng đinh trên hai lăm tuổi, quy ra năm hộc lương thực.
Tưởng chỗ chết không có người đưa chân nhưng không, nhiều hộ quá nghèo, ăn không đủ, tự nguyện ghi danh thêm tráng đinh để giảm bớt lương lực phải nộp, cứu gia quyến khỏi cảnh bần hàn.
Đằng gia phải nộp mười hộc lương thực cho đại ca và phụ thân Đằng Nguyên, kêu trời kêu đất. Đằng Nguyên đã ba mươi tuổi, quá tuổi quy định, không phải tòng quân chỉ cần nộp lương thực. Hắn thong dong chuẩn bị sẵn, chờ binh lính tới thu. Dù không thực hiện ý đồ làm gian thương nhưng Đằng Nguyên vẫn mua thêm lương thực từ sớm, đề phòng bất trắc. Kho nhà hắn thiếu đi năm hộc này cũng thừa ăn đến mùa đông năm sau.
Mục Nhan nhẹ nhõm cho nhà mình nhưng sốt ruột nhà phụ mẫu thân sinh. Nàng hối hả chạy về Mục gia thôn thăm phụ mẫu, xem tình hình Mục gia. Khi quay lại, mặt nàng buồn rười rượi, ngồi ngẩn ngơ ở cửa phòng.
Đằng Nguyên đi luyện công trên núi về, thấy thê tử ngẩn ngơ, tiện miệng hỏi:
- Sao vậy? Mục gia không tốt?
Mục Nhan thở dài, lẩm bẩm:
- Tướng công… Phụ thân vẫn không chừa thói đánh bạc, lương thực trong nhà phải bán đi trả nợ, chẳng còn nhiều. Nhị đệ đang tuổi trưng binh nhưng là độc đinh, hài tử nhỏ dại, thê tử yếu đuối, nếu bị bắt đi, ngày sau cả nhà biết trông chờ vào ai?
— QUẢNG CÁO —
Đằng Nguyên biết Mục Sở, thê đệ nhà mình không phải kẻ yếu hèn, tham sống sợ chết. Bằng với phàm thể lưng hùm eo gấu, tính cách ác liệt vác dao lùa đám đòi nợ thuê, nếu đưa gã ra chiến trường có khi lập được quân công, thăng tiến vù vù, làm rạng danh tổ tông. Vả lại Mục Sở giống như lang sói nhốt trong chuồng chó, chắc gì đã muốn bỏ qua cơ hội tòng quân mà ở lại nơi xó thôn nghèo nàn, tương lai mờ mịt.
Mục Nhan lo thừa rồi.
Vấn đề của Mục gia chỉ ở lương thực mà thôi. Cứ để nhạc phụ, nhạc mẫu hắn lo lắng, chạy vạy… Biết đâu vì thế sự đại biến, nhạc phụ hắn bỏ thói đánh bạc. Há chẳng phải ngày sau nhạc mẫu và gia quyến được nhờ sao!
Nghĩ vậy, Đằng Nguyên chẳng nói chẳng rằng, hạ gùi xuống đi vào bếp.
Mục Nhan thấy hắn lạnh lùng, vội vã chạy theo.
Đằng Nguyên rót nước, ngồi ở bàn bếp từ từ uống. Đối với việc bắt lính hắn đã lường trước nhưng với giới hạn độ tuổi, hắn không nghĩ tới. Hắn quá tuổi không cần đi, lòng vừa nhẹ nhõm vừa thất vọng.
Nhẹ nhõm vì không phải bỏ lại thê nhi khờ dại; thất vọng vì chưa được rời khỏi nơi thôn dã bần hàn, tung cánh bay nhảy ngắm nhìn thiên hạ rộng lớn.
Triều đình ra chiếu thư cũng rất dụng tâm. Giới hạn tuổi như ngầm trấn an bá tánh rằng chiến tranh vẫn chưa thực sự bắt đầu, thế cuộc còn nằm trong tầm dự liệu. Nếu đánh lớn, trường kỳ, hán tử sẽ bị bắt hết, bất kể số lượng. Tuy nhiên việc trưng thu lượng lớn lương thực chính là ngầm ép những hộ nghèo khổ phải đưa thêm tráng đinh tòng quân. Bá tánh không có bạc phải góp người, không muốn góp người phải bỏ bạc, một mũi tên trúng hai đích.
Mục Nhan ngồi đối diện với Đằng Nguyên, hạ giọng nhỏ nhẹ, u sầu:
- Tướng công… Chàng… giúp Mục gia chút đi…
— QUẢNG CÁO —
- Mục Sở nhờ nàng à? – Đằng Nguyên nhướn mày.
Mục Nhan lắc đầu:
- Là mẫu thân nhờ. Mẫu thân khóc suốt mấy ngày nay, không muốn Mục Sở tòng quân. Nhưng trong nhà không có bạc, gom góp lương thực nộp cho mình phụ thân đã gần cạn kho. Mùa đông năm nay chắc cả nhà không xong.
Ánh mắt thê lương của Mục Nhan khiến Đằng Nguyên thoáng động lòng. Tuy nhiên hắn lắc đầu:
- Nếu muốn nhờ, đích thân Mục Sở phải sang đây. Nàng là nữ nhân đã xuất giá, chuyện của Mục gia không đến phiên nàng lo.
Mục Nhan mím môi, mắt ửng đỏ.
Đằng Nguyên gần đây ít khi từ chối những lời thỉnh cầu của Mục Nhan, rất cưng chiều nàng. Giờ đại họa giáng xuống, Mục Nhan đánh bạo thỉnh cầu, không ngờ câu trả lời của Đằng Nguyên lại lạnh lùng như vậy.
Tuy nhiên hắn không nói không giúp, chỉ yêu cầu Mục Sở đích thân sang. Mục Nhan nghĩ Mục gia vẫn còn cơ hội. Nàng khẽ gật đầu, đứng lên đi nấu cơm.
Hai ngày sau, quả thực Mục Sở đưa mẫu thân và thê tử sang nhà Đằng Nguyên, cúi đầu nhờ vả. Bất quá Mục Sở khiến gia quyền sửng sốt vì lời gã hoàn toàn khác dự tính của người nhà.