Sói Thảo Nguyên

Chương 4




cố gắng cân bằng, là nỗ lực tìm sự trung dung giữa vô số thái cực và những cặp đối nghịch trong cách xử thế của con người. Chúng ta thử lấy một cặp đối nghịch bất kỳ nào đấy làm thí dụ, chẳng hạn cặp người thánh thiện và kẻ phóng đãng, thì sự so sánh sẽ thành dễ hiểu ngay. Con người có khả năng dồn hết tâm trí vào chuyện tâm linh, vào việc nỗ lực tiếp cận với thánh thần, vào lý tưởng của bậc đức hạnh. Ngược lại con người cũng có khả năng dành hết tâm trí cho cuộc sống bản năng, cho đòi hỏi của dục vọng và hướng mọi nỗ lực vào việc đạt lạc thú nhất thời. Con đường thứ nhất dẫn tới bậc thánh thiện, tới những người hy sinh cho trí tuệ, tới sự quên mình vì Chúa. Còn con đường kia dẫn đến kẻ phóng đãng, tới kẻ chịu chết vì bản năng, tới sự buông thả cho điều thối rữa. Người trưởng giả tìm cách sống theo lối trung dung giữa hai cực đoan ấy. Y sẽ không bao giờ quên mình, hiến thân, chẳng theo sự say sưa cũng không theo nếp khổ hạnh; y sẽ không bao giờ thành kẻ tuẫn đạo, chẳng bao giờ chịu bị hủy diệt - ngược lại, lý tưởng của y không phải là sự hiến thân, mà là bảo tồn Cái Tôi, nỗ lực của y không dành cho sự thánh thiện cũng chẳng cho điều đối nghịch; y không chịu nổi tính vô điều kiện, tuy muốn phụng sự Chúa, nhưng y cũng muốn hưởng lạc thú ngất ngây; tuy y muốn sống đức hạnh, nhưng cũng thích đôi chút thoải mái và tiện nghi trên trần thế. Tóm lại, y cố tìm chốn trung dung giữa những cực đoan, trong một vùng ôn hòa, dễ chịu, không bão tố hay cuồng phong; quả thật y đã đạt được điều ấy, song bù lại sẽ thiếu cảm giác tuyệt mức như trong lối sống cực đoan và hoàn toàn buông thả. Người ta chỉ có thể sống cuồng nhiệt khi chịu trả giá cho Cái Tôi. Mà kẻ trưởng giả không quý gì hơn Cái Tôi (tất nhiên một Cái Tôi phát triển ở dạng sơ đẳng). Cho nên y chịu mất mát chút cuồng nhiệt đổi lấy Cái Tôi và sự an lòng; y thanh thản lương tâm thay vì đam mê Chúa, mãn nguyện thay vì dục lạc, thoải mái thay vì tự do, khát khao vừa phải thay vì cuồng nhiệt trí mạng. Vì thế kẻ trưởng giả, do bản chất, là một sinh vật có động lực sống yếu đuối, nhút nhát, sợ mọi phóng đãng, dễ bị chế ngự. Nên y đặt ra đa số thay cho quyền uy, luật lệ thay cho vũ lực, bầu cử thay cho tinh thần trách nhiệm.

Rõ ràng thứ sinh vật yếu đuối và nhút nhát này dù đông đến mấy cũng không thể tự bảo tồn; do đặc tính nên nó không thể giữ vai trò gì khác hơn một đàn cừu giữa những con sói lang thang. Tuy nhiên chúng ta thấy vào thời những người hung bạo cầm quyền, kẻ trưởng giả dù bị đè nén nhưng không bao giờ chịu diệt vong, thậm chí dường như đôi khi y còn thống trị thế giới nữa. Sao lại thế được nhỉ? Bầy đoàn đông đảo của y, phẩm hạnh của y, quan niệm thông thường của người đời hoặc sự tổ chức của y đâu đủ mạnh để cứu y khỏi diệt vong. Kẻ đã quá bạc nhược ngay từ đầu thì chẳng phương thuốc nào trên thế gian giữ nổi mạng sống. Thế mà giai cấp trưởng giả vẫn tồn tại, vẫn mạnh và phát triển. Vì sao?

Câu trả lời là: vì những con sói thảo nguyên. Quả thật sức sống của giai cấp trưởng giả hoàn toàn không dựa trên phẩm chất của các thành viên bình thường, mà của cực kỳ đông đảo outsider(1), những kẻ mà giai cấp trưởng giả có khả năng thu hút nhờ lý tưởng mơ hồ và uyển chuyển của nó. Luôn luôn có không ít những kẻ tính tình mạnh bạo và hiếu động trong giai cấp trưởng giả. Sói Thảo Nguyên Harry của chúng ta là một thí dụ điển hình. Hắn - kẻ đã vượt xa mức khả dĩ của một kẻ trưởng giả để phát triển thành một cá thể, kẻ đã từng biết mùi khoái cảm của sự trầm tư mặc tưởng cũng như những vui thú ảm đạm của sự thù hận lẫn ghét bỏ chính mình, kẻ khinh miệt luật lệ, phẩm hạnh và quan niệm thông thường của con người - vậy mà vẫn bó buộc là tù nhân của giai cấp trưởng giả, không thoát ra nổi. Cho nên chung quanh giới trưởng giả đúng nghĩa quy tụ biết bao thành phần của nhân loại, quy tụ hàng nghìn cuộc đời cùng trí tuệ; tuy mỗi kẻ ấy đều có thể phát triển vượt ra khỏi giai cấp trưởng giả, đi theo tiếng gọi của một cuộc sống tuyệt đối, vô điều kiện, nhưng do những tình cảm thời thơ ấu gắn bó với giới trưởng giả và vì tiêm nhiễm khá nặng sức sống yếu đuối của nó, nên y vẫn bám lấy nó, lệ thuộc nó, ràng buộc với nó, sẵn sàng phục vụ nó thế nào đấy. Vì phương châm của giai cấp tư sản ngược với những con người vĩ đại: kẻ nào không chống lại ta là theo ta!

1. Outsider (tiếng Anh trong nguyên tác): người ngoài cuộc.

Thành ra, nếu thẩm tra tâm hồn Sói Thảo Nguyên, chúng ta sẽ thấy hắn đã cá thể hóa cao độ trở thành kẻ không-trưởng giả, vì mọi sự cá thể hóa tới mức cao đều quay lại chống đối Cái Tôi và có khuynh hướng hủy diệt nó. Chúng ta thấy trong con người hắn có những thôi thúc mãnh liệt hướng tới cả sự thánh thiện lẫn phóng đãng, nhưng vì một sự yếu đuối hay trì trệ nào đó, hắn không thể thực hiện được bước nhảy vào vũ trụ tự do và hoang dại, mà cứ bị trói chặt vào chòm sao mẹ nặng nề của giai cấp trưởng giả. Đó chính là vị trí của hắn trong vũ trụ, đó chính là sự câu thúc của hắn. Phần lớn trí thức, đại đa số nghệ sĩ thuộc vào mẫu người này. Chỉ những kẻ mạnh nhất trong bọn họ mới xuyên qua nổi bầu khí quyển của quả đất trưởng giả, tiến vào vũ trụ; còn những người khác thảy đều cam chịu hoặc thỏa hiệp, họ khinh bỉ giai cấp trưởng giả nhưng vẫn cứ lệ thuộc vào nó và củng cố lẫn ca ngợi nó; rốt cuộc họ phải tán thành nó để có thể sống. Cuộc đời của vô vàn con người này không vì thế mà biến thành bi thảm, nhưng khá bất hạnh và đen đủi; trong hỏa ngục của sự bất hạnh ấy tài năng của họ trở nên chín muồi, đơm hoa kết quả. Một số kẻ, ít ỏi thôi, bứt khỏi giai cấp trưởng giả, đạt đến chốn tuyệt đối, vô điều kiện, lại suy tàn một cách đáng khâm phục, họ là những kẻ bi tráng. Những kẻ còn lại chịu ràng buộc - mà tài năng của họ thường được giai cấp trưởng giả vô cùng trọng vọng - được một vương quốc thứ ba rộng mở đón chào, một thế giới ảo, nhưng độc lập: đó là sự hài hước. Những con sói thảo nguyên lòng chẳng yên bình, những kẻ triền miên đau khổ, mang số phận hẩm hiu không có được sức mạnh cần thiết để xuyên tới không gian của những vì sao, những kẻ tự thấy có thiên bẩm vào cõi tuyệt đối, nhưng lại không đủ khả năng sống trong đó, những kẻ ấy còn một con đường thoát an ủi vào sự hài hước, nếu tinh thần họ trở thành vững chãi và uyển chuyển qua đau khổ. Sự hài hước luôn mang tính trưởng giả thế nào ấy, dù kẻ trưởng giả thật sự không có khả năng hiểu được nó. Cái lý tưởng rối rắm, đa dạng của mọi con sói thảo nguyên trở thành hiện thực trong lãnh vực tưởng tượng của hắn; nơi đây chẳng những hắn có thể cùng lúc tán thành cả sự thánh thiện lẫn phóng đãng, uốn hai thái cực lại gần nhau, mà còn liên kết được cả kẻ trưởng giả vào sự tán thành đó nữa. Người bị thánh thần ám ảnh rất có thể tán thành kẻ tội phạm và ngược lại; nhưng cả hai loại người này, và mọi kẻ tuyệt đối khác, lại không thể chấp nhận thêm kẻ trưởng giả, loại dở dở ương ương. Chỉ có sự hài hước, phát minh tuyệt vời của những kẻ thiên bẩm trở thành vĩ đại nhưng bị kìm hãm, của những kẻ gần như bi tráng, của những kẻ bất hạnh thiên tư cùng tột, chỉ có sự hài hước (có lẽ đó là thành tựu độc đáo nhất và tài tình nhất của nhân loại) mới đạt được điều bất khả này: đó là phủ lên và hợp nhất mọi khía cạnh của con người với những tia sáng từ lăng kính của nó. Sống trong thế giới mà như thể đó không là thế giới, tôn trọng luật lệ mà vẫn đứng cao hơn nó, sở hữu mà “như không sở hữu”, từ bỏ mà như không từ bỏ - tất cả những đòi hỏi được ưa thích và thường được quy phạm hóa này của một triết lý sống rất mực thông tuệ chỉ có thể thực hiện được nhờ sự hài hước mà thôi.

Và nếu ở mê cung ngột ngạt nơi địa ngục của mình, Sói Thảo Nguyên lại thành công trong việc sắc thứ thuốc thần diệu này - hắn không thiếu tư chất cùng phương cách - và vã mồ hôi, thì hắn sẽ thoát. Tất nhiên trong việc này hắn còn thiếu nhiều thứ. Nhưng khả năng và hy vọng là có. Ai yêu quý hắn, ai đồng cảm với hắn, hãy cầu chúc cho hắn thoát. Tuy qua đó hắn sẽ suốt đời gắn bó với giới trưởng giả, nhưng mọi khổ lụy của hắn sẽ trở nên có thể chịu đựng và đơm hoa kết quả. Quan hệ của hắn với thế giới trưởng giả, trong sự thương yêu và thù ghét, sẽ mất đi tính đa cảm; sự ràng buộc giữa hắn với thế giới này sẽ thôi liên tục giày vò hắn như một mối hổ nhục.

Để đạt được điều ấy, hoặc để cuối cùng có thể dám lao vào trong vũ trụ, Sói Thảo Nguyên phải một lần tự đối chất với mình, phải nhìn sâu vào sự hỗn mang của chính tâm hồn mình và thấu hiểu triệt để về sự hiện hữu của mình. Lúc ấy sự hiện hữu mơ hồ của hắn sẽ tự hoàn toàn độc lập hiển lộ trước chính hắn và trong tương lai hắn sẽ không thể mãi trốn chạy địa ngục của bản năng, tìm tới những an ủi triết lý và tình cảm, rồi từ đó lại đào tẩu vào trạng thái ngất ngây mù quáng của loài sói. Người và sói sẽ buộc phải nhìn thẳng vào mắt nhau, nhận biết nhau mà không cần những mặt nạ mang cảm xúc giả dối. Lúc ấy hai bên hoặc sẽ nổi giận và vĩnh viễn lìa bỏ nhau, khiến chẳng còn con sói thảo nguyên nào nữa, hoặc chịu sống chung vì lý trí, do được sự hài hước soi sáng.

Có thể một ngày nào đấy Harry sẽ đứng trước khả năng cuối cùng này. Có thể một ngày nào đấy hắn sẽ học được cách tự nhận ra mình, hoặc vì hắn có được tấm gương soi nhỏ bé của chúng ta, hoặc vì hắn gặp người bất tử, hoặc có thể hắn tìm thấy trong hí viện ma thuật của chúng ta thứ hắn cần để giải thoát tâm hồn bị hắt hủi của mình. Cả nghìn khả năng như thế đang chờ đợi hắn, chúng bị số phận của hắn thu hút không cưỡng được; mọi kẻ bên lề này của giai cấp trưởng giả đều sống trong bầu không khí của những khả năng ma thuật ấy. Chẳng cần gì hết mà sấm sét vẫn cứ đánh được.

Sói Thảo Nguyên rất rành rẽ những điều ấy, dù hắn chưa một lần thấy đoạn tiểu sử nội tâm này của mình. Hắn linh cảm vị trí của mình trong tòa nhà thế giới, hắn linh cảm và hiểu những người bất tử, hắn linh cảm và sợ khả năng đối mặt với chính mình, hắn biết về sự hiện hữu của tấm gương mà hắn rất cần nhìn vào - nhưng hắn lại sợ nhìn vào đó chí chết.

Còn một giả tưởng cuối cùng, một nhầm lẫn cơ bản cần làm sáng tỏ để kết thúc thảo luận của chúng ta. Mọi “sự giải thích”, mọi thứ tâm lý học, mọi nỗ lực để hiểu vấn đề quả thật cần có phương tiện hỗ trợ, những lý thuyết, những thần thoại, những sự dối trá và - vào đoạn cuối của bài trình bày - một tác giả nghiêm túc không nên bỏ qua việc lý giải những dối trá này trong khả năng cho phép. Khi tôi nói “bên trên” hoặc “bên dưới” thì đó đã là một khẳng định cần được giải thích, vì trên và dưới chỉ có trong suy nghĩ, trong sự trừu tượng. Thế giới tự nó không biết đến cao và thấp.

Thành ra, nói tóm lại, “Sói Thảo Nguyên” cũng chỉ là một giả tưởng thôi. Khi Harry tự thấy hắn là một người-sói, và tưởng là được cấu thành với hai bản chất thù địch và đối kháng, thì đó chỉ là một huyền thoại được đơn giản hóa. Harry tuyệt nhiên không phải là một người-sói; nên khi chúng ta dường như đã chấp nhận điều dối trá do chính hắn bịa đặt và tin tưởng mà không kiểm tra, chúng ta coi hắn thật sự là một sinh vật mang bản chất kép, là con sói thảo nguyên và tìm cách lý giải, có nghĩa chúng ta đã lợi dụng một điều nhầm lẫn, hy vọng qua đó sẽ làm vấn đề thành dễ hiểu hơn, khiến bây giờ chúng ta phải cố đính chính lại điều nhầm lẫn ấy.

Sự lưỡng phân thành sói và người, thành bản năng và tinh thần, như Harry cố làm cho chính hắn hiểu dễ hơn về số phận của mình, là một sự đơn giản hóa quá thô thiển, một sự cưỡng ép sự thật nhằm tạo thuận lợi cho một giải thích có vẻ hợp lý, nhưng lệch lạc, về những mâu thuẫn mà phần con người của hắn phát hiện ra trong chính hắn và chúng dường như là một cội nguồn những khổ lụy không nhỏ của hắn. Harry tìm thấy trong chính hắn một “con người”, nghĩa là một thế giới của những tư tưởng, của những cảm nghĩ, của văn hóa, của bản tính thuần hóa và thăng hoa, bên cạnh đó hắn cũng lại tìm thấy trong hắn một “con sói” nữa, nghĩa là một thế giới đen tối của những bản năng, của tính hoang dại, tàn nhẫn, của bản tính tàn bạo, không thăng hoa. Tuy bản chất hắn có vẻ được phân chia rành mạch thành hai phạm vi thù nghịch nhau, nhưng hắn luôn luôn được chứng kiến việc sói và người chịu đựng nổi nhau trong một khoảnh khắc, trong một phút giây hạnh phúc. Giả sử Harry muốn xác định trong mỗi khoảnh khắc của đời hắn, trong mỗi hành động, trong mỗi cảm giác của hắn phần nào của người, phần nào của sói thì lập tức hắn sẽ lâm vào tình thế khó xử và toàn thể mớ lý thuyết đẹp đẽ của hắn về sói sẽ tan thành mây khói ngay. Vì không một ai, kể cả người da đen man dã, kể cả kẻ ngu xuẩn, lại thoải mái đồng ý với việc bản chất của mình được giải thích chỉ qua hai hoặc ba yếu tố chính; thành ra giải thích cho một kẻ rất phức tạp như Harry bằng sự phân chia ngớ ngẩn thành sói và người quả là một cố gắng vô vọng, rất đỗi trẻ con. Harry không chỉ gồm hai bản chất, mà cả trăm, cả nghìn. Cuộc đời hắn (như mọi đời người) không chỉ dao động giữa hai cực, như giữa bản năng và tinh thần hoặc giữa thánh thiện và phóng đãng, mà giữa cả nghìn, giữa vô vàn cặp đối cực.

Chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy một kẻ học thức và thông minh như Harry lại có thể tự coi mình là một con “sói thảo nguyên” và tin rằng có thể thu tóm cả cái cấu trúc phong phú và phức tạp của đời mình vào trong một công thức quá giản lược, quá thô thiển đến thế. Con người không có khả năng suy tư ở mức độ cao; ngay cả người thông minh và học rộng nhất cũng thường xuyên nhìn thế giới và chính mình qua cặp kính của những công thức rất hồn nhiên, giản lược và giả tạo - nhất là nhìn chính mình! Vì, dường như thế, nhu cầu bẩm sinh và hoàn toàn tất yếu của mọi người là hình dung Cái Tôi của họ như một nhất thể. Dù ảo tưởng này bị lung lay thường xuyên tới đâu, mãnh liệt đến đâu, nó luôn được phục hồi. Viên thẩm phán ngồi đối diện tên sát nhân, nhìn vào mắt y, nghe y nói một lúc bằng chính giọng của mình (của viên quan tòa) và phát hiện ngay trong chính lòng mình cũng có mọi cảm xúc, tài cán, khả năng của y, nhưng chỉ nháy mắt sau ông lại là nhất thể, là viên thẩm phán, quay vội về với vỏ của Cái Tôi tưởng tượng của mình, thi hành nhiệm vụ và kết án tử hình kẻ sát nhân. Còn nếu những tâm hồn đặc biệt thiên tài và được tổ chức vi tế từ từ nhận thấy sự đa dạng của chúng, khi chúng, như mọi thiên tài, phá vỡ cái ảo tưởng về sự nhất thể của cá nhân và tự cảm nhận thấy chúng là phức hợp, là một chùm của nhiều Cái Tôi, thì chỉ cần chúng nói ra điều ấy tức khắc số đông sẽ gông cổ chúng, lại còn yêu cầu khoa học trợ giúp, xác định đó là chứng tâm thần phân liệt để bảo vệ nhân loại khỏi phải nghe lời kêu gọi của sự thật từ miệng những kẻ bất hạnh này. Ờ, thế thì phí lời làm gì, nói ra những điều ấy làm gì, vì người nào có suy nghĩ đều tự hiểu, nói ra chỉ đi ngược lại tập quán? Cho nên nếu nay một kẻ đã xung phong nới sự nhất thể tưởng tượng của Cái Tôi thành lưỡng thể, thì y đúng là chẳng khác bậc thiên tài, hay ít ra cũng là một ngoại lệ hiếm hoi và thú vị. Nhưng thật ra chẳng Cái Tôi nào, kể cả Cái Tôi ngây ngô nhất, là một nhất thể, mà là cả một thế giới hết sức đa dạng, một bầu trời nho nhỏ của những tinh tú, một hỗn mang của những hình dạng, của những mức độ và trạng thái, của những di sản và những khả năng. Sự kiện mỗi cá nhân cố coi sự hỗn mang này là một nhất thể và nói về Cái Tôi của mình như đó là một hiện tượng đơn giản, cố định và có hình thù rõ rệt, cái sự kiện mà mỗi người (kể cả những bậc cao nhất) thường nhầm lẫn, dường như chỉ là một điều tất yếu, một đòi hỏi của đời sống tựa như hít thở và ăn uống.

Ảo tưởng này dựa trên một suy diễn đơn giản. Về thể xác thì mỗi người là một, về linh hồn thì không bao giờ. Cả thơ văn, thậm chí những tác phẩm hoàn chỉnh nhất cũng luôn theo thông lệ nói về những nhân vật dường như toàn vẹn, dường như nhất thể. Cho tới ngày nay, bộ môn được các chuyên gia, những người am hiểu trân trọng nhất trong thơ văn là kịch; và họ có lý, vì kịch đem lại (hoặc có thể đem lại) khả năng lớn nhất để diễn tả Cái Tôi như một nhất thể đa hợp - nếu nó không mâu thuẫn với cái hình ảnh khái quát làm cho chúng ta tin rằng mọi nhân vật của vỡ kịch đều là một nhất thể, vì chắc chắn mỗi nhân vật từ đầu đến cuối đều có một cơ thể duy nhất và tách biệt. Nền thẩm mỹ học hồn nhiên cũng đánh giá cao nhất loại kịch diễn tả cá tính, trong đó mỗi nhân vật xuất hiện rõ rệt như một nhất thể tách biệt. Chỉ khi nhìn từ xa mới dần hé ra sự phỏng đoán rời rạc, rằng có thể tất cả những điều này là một thứ triết lý thẩm mỹ nông cạn rẻ tiền và chúng ta đã nhầm khi đem những khái niệm tuyệt vời thời cổ đại về cái đẹp gán cho những nhà soạn kịch lớn của chúng ta, những khái niệm chúng ta có không do bẩm sinh mà chỉ qua nghe bàn tán; thực tế những khái niệm ấy, xuất phát từ những hình hài thấy được khắp nơi, đã sáng tạo ra sự hư cấu về Cái Tôi, về nhân vật. Thơ ca cổ đại Ấn Độ hoàn toàn xa lạ với khái niệm này; những vai chính trong các thiên anh hùng ca Ấn Độ không phải là những cá thể, mà cả một đám, một chuỗi kẻ hóa thân. Và trong thế giới đương đại của chúng ta có những tác phẩm thơ văn cố diễn đạt sự đa hợp của linh hồn, đằng sau tấm màn về nhân vật và cá tính, mà hẳn chính tác giả không hoàn toàn ý thức. Ai muốn nhận ra điều này, phải quyết định một lần không nhận xét những hình hài của tác phẩm thơ ca ấy như những con người riêng biệt, mà là những phần, những mặt, những khía cạnh khác nhau của một nhất thể cao hơn (ví dụ tâm hồn nhà thơ). Ai quan sát Faust theo cách này, đều thấy Faust, Mephisto, Wagner(1) cùng mọi nhân vật khác hợp thành một nhất thể, một siêu-nhân-vật, và chỉ trong nhất thể cao vượt này, chứ không trong những nhân vật đơn lẻ, mới thể hiện phần nào bản chất đích thực của tâm hồn. Khi Faust thốt ra câu “Chao ơi, hai linh hồn cùng ở trong ngực tôi!” nổi tiếng trong giới mô phạm, còn đám phàm tục rùng mình thán phục, thì y đã quên bẵng Mephisto cùng cả đám linh hồn khác mà y cũng mang trong lồng ngực. Con sói thảo nguyên của chúng ta cũng tin hắn mang trong lồng ngực hai tâm hồn (sói và người), nên thấy ngực mình bị dồn ép quá mức. Lồng ngực, cơ thể luôn luôn là một thôi, còn trong đó không chỉ hai hoặc năm linh hồn cư ngụ, mà nhiều vô kể; con người là một củ hành với hàng trăm lớp vỏ, một tấm vải dệt từ vô vàn sợi. Người Á châu thời cổ đại đã nhận biết và hiểu rõ điều này; yoga Phật giáo đã tìm ra một kỹ thuật chính xác để lột trần ảo tưởng về cá tính. Trò đùa của nhân loại thật vui nhộn và muôn hình thái: cái ảo tưởng mà Ấn Độ đã nỗ lực cả nghìn năm để lột trần lại chính là thứ mà phương Tây đã đổ ra cũng ngần ấy công sức để duy trì và khiến nó mạnh thêm.

1. Một số nhân vật chính trong vở kịch thơ Faust nổi tiếng của đại thi hào Đức Goethe (1749-1832).

Quan sát Sói Thảo Nguyên từ quan điểm này, chúng ta sẽ rõ vì sao hắn lại đau khổ quá mức đến thế dưới tính nhị phân lố bịch của hắn. Hắn nghĩ, giống như Faust, rằng một lồng ngực duy nhất cho hai linh hồn là quá nhiều và lồng ngực đó sẽ phải vỡ tan. Nhưng ngược lại, hai linh hồn là quá ít, và Harry đã làm tình làm tội linh hồn khốn khổ của hắn, khi cố tìm hiểu nó qua một hình ảnh quá đơn giản như thế. Tuy kiến thức cao, nhưng Harry hành động chẳng khác một kẻ mọi rợ không đếm nổi quá số hai. Hắn gọi một phần của mình là người, phần kia là sói, cho như thế là rốt ráo và nghĩ cạn hết rồi. Trong phần “người” hắn nhét mọi thứ trí tuệ, siêu việt hoặc có văn hóa mà hắn phát hiện nơi hắn, còn trong phần “sói” mọi thứ mang bản năng, hoang dã và hỗn loạn. Nhưng sự việc trong cuộc đời không đơn giản như trong suy nghĩ hoặc thô thiển như thứ ngôn ngữ khốn khổ của chúng ta, thành ra Harry đã tự dối lòng đến hai lần, khi hắn sử dụng phương cách sói mọi rợ này. Harry gán ghép cho “con người”, chúng ta e là như thế, trọn nhiều vùng của linh hồn hắn, những vùng còn lâu mới thuộc về con người, và cho “sói” nhiều phần trong bản chất hắn, những phần đã từ lâu không thuộc về sói nữa.

Như mọi người, Harry tin rằng biết rất rõ con người là gì, nhưng lại hoàn toàn chẳng biết gì cả, cho dù không hiếm khi hắn linh cảm thấy điều ấy trong những giấc mơ và những trạng thái ý thức khó kiểm soát nào khác. Giá như hắn không quên những linh cảm ấy, giá như hắn cố hết sức biến chúng thành của riêng! Con người không phải một cấu thành cố định và bền vững (điều này là lý tưởng của thời cổ đại, bất chấp những ước đoán trái ngược của các bậc thông thái thời bấy giờ), ngược lại y là một thử nghiệm và bước chuyển tiếp; y không là gì khác hơn một cây cầu chật hẹp, nguy hiểm nối thiên nhiên với tinh thần. Sứ mạng thâm sâu hướng y tới tinh thần, tới Chúa; còn khát vọng thâm sâu lại kéo y trở về với tự nhiên, với Mẹ nguyên thủy: cuộc đời y đung đưa đầy run sợ giữa hai thế lực ấy. Cái mà con người ta hiểu về khái niệm “người” luôn luôn chỉ là một quy ước nhất thời của giới trưởng giả. Quy ước này gạt bỏ và tẩy chay một số bản năng thô bạo nhất, nó đòi hỏi một chút ý thức, lối cư xử văn hóa và phi thú-vật-hóa, nó không chỉ cho phép mà thậm chí còn khuyến khích một chút trí tuệ. “Con người” của quy ước này, như mọi lý tưởng trưởng giả, là một thỏa hiệp, một thử nghiệm rụt rè và ngây thơ ranh mãnh, vừa để lừa bịp tổ mẫu cáu kỉnh - thiên nhiên - cùng tổ phụ phiền nhiễu - tinh thần - trước những đòi hỏi gắt gao của họ, vừa để sống tạm gọi là trung dung giữa hai đấng ấy. Vì thế kẻ trưởng giả cho phép và dung túng cái y gọi là “nhân cách”, nhưng đồng thời lại trao nhân cách ấy cho thế lực độc ác “Nhà nước” và liên tục dùng chúng chống lại nhau. Cho nên hôm nay người trưởng giả thiêu kẻ bị xem là tà đạo, treo cổ kẻ bị coi là tội phạm, song ngày mai lại dựng tượng đài tưởng niệm họ.

Chính Sói Thảo Nguyên cũng linh cảm rằng “Con người” chưa phải là một tạo vật đã hoàn tất mà là một thách thức của tinh thần, một khả thể xa xôi đáng khát khao lẫn đáng sợ và luôn chỉ có thể đi tới đó từng đoạn ngắn, dưới những đau khổ kinh hoàng và những giây phút xuất thần, kể cả đối với những cá nhân hiếm hoi mà hôm nay người ta dựng đoạn đầu đài, ngày mai dựng tượng đài tưởng niệm. Nhưng cái mà hắn gọi là “người” trong hắn, đối nghịch với phần “sói”, phần lớn chẳng là gì khác hơn chính cái ước lệ trưởng giả tầm thường nọ. Tuy Harry có thể đã mường tượng được khá rõ con đường đưa đến con người đích thực, con đường dẫn tới những kẻ bất tử và hắn ngập ngừng bước chỗ này chỗ nọ một đoạn ngắn ngủi, để rồi trả giá bằng nhiều khổ sở và cô đơn đau đớn, nhưng tự đáy tâm hồn hắn lại sợ sự thách thức cao nhất kia, không dám chấp nhận và nỗ lực vươn tới trở thành con người đích thực mà tinh thần đang tìm kiếm, không dám đi con đường chật hẹp duy nhất đưa tới sự bất tử. Hắn cảm thấy rất rõ: điều đó sẽ dẫn tới những khổ đau hơn, tới sự tẩy chay, tới sự từ khước cuối cùng, có thể tới đoạn đầu đài nữa; và cho dù sự bất tử đang nhử hắn ở cuối con đường này, hắn vẫn không sẵn lòng hứng chịu mọi đớn đau nọ, chết mọi cái chết kia. Dù hắn ý thức hơn kẻ trưởng giả về mục tiêu của sự trở thành con người đích thực, hắn vẫn nhắm mắt không muốn biết rằng việc bám víu tuyệt vọng vào Cái Tôi, bám víu tuyệt vọng vào sự tham sống chính là con đường chắc chắn nhất để dẫn đến cái chết đời đời, trong khi việc có thể chết, việc rũ sạch mọi lớp màn che đậy, vĩnh viễn dâng hiến Cái Tôi cho sự chuyển hóa lại đưa tới sự bất tử. Khi hắn tôn thờ những người hắn yêu quý trong những kẻ bất tử, chẳng hạn Mozart, thì rút cuộc hắn vẫn luôn đánh giá ông bằng đôi mắt của kẻ trưởng giả và có khuynh hướng, như một thầy giáo, giải thích sự toàn mỹ của Mozart chỉ là nhờ thiên bẩm đặc biệt cao vời, thay vì do tầm vóc của sự dâng hiến và sẵn sàng chấp nhận khổ đau của ông, do sự thờ ơ của ông đối với những lý tưởng của kẻ trưởng giả, do sự chịu đựng nỗi cô đơn cùng cực của ông, nỗi cô đơn hòa loãng mọi bầu không khí trưởng giả thành lớp ê te băng giá quanh những kẻ đau khổ, những kẻ hóa thân thành người, nỗi cô đơn trong vườn Gethsemane(1).

1. Vườn Gethsemane: nơi Chúa Jesus cô đơn cầu nguyện ba lần, trước khi bị bắt, rồi chịu khổ hình trên thập giá (theo Tân Ước).

Dẫu sao Sói Thảo Nguyên của chúng ta ít ra cũng đã phát hiện ra bản chất kép như ở nhân vật Faust trong con người hắn, hắn đã khám phá ra rằng trong nhất thể của hình hài hắn không trú ngụ một nhất thể của tâm hồn, mà giỏi lắm thì hắn mới đang trên con đường dài hành hương tới lý tưởng của sự hòa đồng này thôi. Hắn muốn chế ngự con sói trong mình và hoàn toàn trở thành con người, hoặc từ khước phần người và ít nhất sống một cuộc sống trọn vẹn như sói, không bị phân hóa. Có lẽ hắn chưa từng quan sát kỹ một con sói thật sự, vì nếu có, hẳn hắn đã thấy rằng loài vật cũng không có linh hồn nhất thể; dưới vóc dáng căng lẳn, đẹp đẽ của tấm thân chúng cũng có vô vàn khát vọng cùng trạng thái; trong lòng sói cũng đầy rẫy đau khổ và vực thẳm. Không, “Trở về với tự nhiên!” nghĩa là con người luôn theo con đường lầm lạc đầy đau khổ và vô vọng. Harry chẳng bao giờ hoàn toàn trở thành sói lại được nữa, và nếu có, hẳn hắn sẽ thấy rằng ngay cả sói cũng không phải là gì đơn giản và sơ khai, mà đã rất đa dạng và phức tạp. Cả con sói cũng có hai hay nhiều linh hồn hơn nữa trong lồng ngực nó và ai ao ước được thành sói hẳn cũng đã lãng quên như người đàn ông trong bài hát “Ôi, sung sướng sao còn được là một đứa trẻ!” Người đàn ông đáng mến nhưng đa cảm hát bài ca này, về những đứa trẻ hạnh phúc, là kẻ cũng ước mong trở về với tự nhiên, với sự ngây thơ trong trắng, với những thuở ban đầu và quên bẵng rằng trẻ thơ chẳng hạnh phúc chút nào, mà có thể chúng phải chịu bao tranh chấp, bao mâu thuẫn tự thân và mọi đau khổ khác.

Hoàn toàn không có con đường trở về nào, dù trở về với sói hay trẻ thơ. Khởi thủy của sự vật không phải là thơ ngây và chất phác; mọi tạo vật, kể cả thứ dường như đơn giản nhất, đều đã mang tội lỗi, đều đã đa dạng, đều đã bị quăng vào dòng lưu chuyển bẩn thỉu của sự biến dịch và không bao giờ, không bao giờ bơi ngược dòng được nữa. Con đường đưa tới ngây thơ, tới trạng thái chưa được tạo dựng, tới Chúa không quay ngược, mà đi tới, không trở về với sói hay trẻ thơ, mà mãi dấn sâu vào trong tội lỗi, vào sự thành người. Sói Thảo Nguyên đáng thương ơi, dù mi tự sát cũng chẳng giúp ích thật sự gì cho mi đâu, mi sẽ phải đi suốt chặng đường lê thê, nhọc nhằn và vất vả để thành người, mi sẽ còn phải thường xuyên nhân lên bội phần cái bản chất kép của mi, phức tạp hóa nhiều hơn nữa sự phức tạp của mi. Thay vì thu hẹp thế giới của mình, đơn giản hóa linh hồn mình, mi sẽ phải nhận thêm, cuối cùng phải thu nhận cả thế giới vào trong linh hồn đau đớn nới rộng của mi, để may ra được một lần kết thúc, được nghỉ ngơi. Đức Phật đã đi con đường này, mọi vĩ nhân cũng đều theo con đường này, người ý thức, kẻ không, bao lâu họ gặp may với sự táo bạo ấy. Mọi sinh nở đều có nghĩa chia lìa với toàn thể, có nghĩa xác định ranh giới, tách rời khỏi Chúa, có nghĩa một sự tạo dựng mới đầy đau khổ. Trở về với cái toàn thể, giải thoát sự cá nhân hóa đầy khổ lụy, hòa nhập với Chúa có nghĩa là mở rộng tâm hồn cho đến khi nó lại có thể ôm tròn cái toàn thể.