Sherlock Holmes Toàn Tập (Tập 1)

Chương 1: Những Chuyện Lý Thú Về Conan Doyle Và Thám Tử Sherlock Holmes




Bạn đọc yêu thích truyện trinh thám thế giới có lẽ không ai là không biết đến tên tuổi của nhà văn Conan Doyle (1859 – 1930), “cha đẻ” của nhân vật thám tử lừng lẫy Sherlock Holmes. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng xung quanh việc ra đời những tác phẩm liên quan đến nhà thám tử tài ba này, bản thân tác giả của nó đã từng có những hành động hết sức ly kỳ, hấp dẫn không kém những gì mà thám tử Sherlock Holmes từng phô diễn.

Nguồn gốc tên gọi Sherlock Holmes:

Trước đây người ta đã dựa theo một nguồn tư liệu để khẳng định rằng: Sherlock là tên của một người chơi Cricket danh tiếng (vào những năm 70 của thế kỷ XIX). Người này có quen biết với Conan Doyle. Tuy nhiên, sherlock mới chỉ là tên riêng, còn họ của nhân vật? Nhà báo Anh tên là Bill West đã vận dung tới nhiều nguồn tư liệu để khẳng địng rằng: Có một người tên là Edwin Holmes, từng phát minh ra hệ thống báo động chống kẻ trộm khiến Doyle rất khâm phục. Và để bày tỏ sự hâm mộ của mình, nhà văn đã không ngần ngại dùng họ của nhà phát minh đó làm tên họ cho nhân vật của mình.

Vậy là, tên của một cầu thủ Cricket và họ của một nhà phát minh sáng chế đã kết hợp thành tên sherlock holmes.

Conan Doyle đã từng “thủ tiêu” nhân vật yêu quý của mình.

Nhờ những câu chuyện phá án vô cùng ly kỳ, hấp dẫn của nhân vật thám tử tài trí sherlock holmes mà Conan Doyle đã có được một nguồn thu nhập dồi dào giúp ông nuôi sống được cả gia đình, và hơn thế còn trở nên một nhà văn giàu có. Tuy nhiên, bởi mất quá nhiều thời gian và công sức với loại truyện trinh thám này, mệt mỏi căng thẳng vì phải theo đuổi những pha truy bắt đầy kịch tính của nhân vật, đã có lúc Conan Doyle nghĩ đến “thủ tiêu” nhân vật, để cho sherlock holmes chết là kết thúc câu chuyện phải ngày đêm nắn bóp theo đơn đặt hàng của báo chí. Ý đồ của ông đã bị mẹ ông kịch liệt phản đối: “Con không được giết anh ta! Con không có quyền!”. Khi một tờ tạp chí nọ đặt Conan Doyle viết tiếp một loạt truyện nữa về sherlock holmes, nhà văn đã tìm cách đặt giá cao, cốt để họ rút lại lời đề nghị. Không ngờ họ chấp nhận ngay lời đề nghị này không một lời bàn cãi. Thế là Conan Doyle không làm sao thực hiện được mong muốn của mình.

Nhưng rồi một ngày nọ, bởi quá mệt mỏi, Conan Doyle đã kiên quyết chấm dứt cuộc đời của sherlock holmes. Trong một truyện ngắn, ông để cho anh ta bất cẩn tiến đến mép của một tảng đá và rơi xuống thác nước Reichenbach. Ngay lập tức, công chúng Anh quốc đã gửi thư bày tỏ sự phẫn nộ đối với tác giả. Áp lực của dư luận đối với nhà văn là hết sức nặng nề! Đến năm 1902, gần mười năm sau kể từ ngày sherlock holmes bị “chết mất xác”, đột nhiên Conan Doyle cho xuất hiện trở lại nhân vật thám tử sherlock holmes. Chỉ có điều câu chuyện tác giả để xảy ra vào thời gian trước khi sherlock holmes chết. Công chúng lấy làm tiếc và tới tấp gửi thư đề nghị tác giả hãy làm cách nào cho sherlock holmes sống lại. Chủ một tờ báo cũng đề nghị trả nhà văn năm nghìn đô la trường hợp ông nghĩ ra cách để sherlock holmes sống lại. Thể theo nguyện vọng của đông đảo bạn đọc, Conan Doyle đã đặt bút viết tiếp truyện “Ngày trở về của sherlock holmes” và một loạt truyện nữa. Ông đã mở đầu câu chuyện: “Mọi chuyện đã xảy ra đúng như chúng ta nghĩ. Sherlock holmes đâu có chết khi rơi xuống vực. Thật ra, anh ta không rơi xuống vực mà đã tìm cách bò dọc theo tảng đá để thoát khỏi tay kẻ thù”.

“Thám tử” Conan Doyle tham gia phá án.

Chúng ta đều biết, giữa cuộc đời và trang sách nhiều khi là cả một khoảng cách. Bởi vậy, việc nhân vật của Conan Doyle thành công trong việc phá án là một chuyện, việc Conan Doyle trực tiếp tham gia phá án và đã thành công (trong thực tế) lại là một chuyện khác. Nó đặc biệt có ý nghĩa.

Chẳng là, vào năm 1903, tại làng Great Wyrley ở gần Birmingham đã xảy ra một vụ án lạ lùng. Hàng loạt ngựa, bò, cừu lăn ra chết. Qua khảo sát, người ta thấy ở bụng và cổ họng của những con vật ấy có những vết thương lớn. Căn cứ vào những lá thư nặc danh, người ta xác định thủ phạm là George Edalji (con trai ông mục sư Ấn Độ và một phụ nữ Anh). Thời ấy, tinh thần kì thị chủng tộc rất mạnh ở các địa phương của nước Anh, thành ra cảnh sát đã thu thập chứng cứ một cách sơ sài và người ta chẳng băn khoăn gì mà không điệu chàng trai ra toà và kết án chàng với mức bảy năm tù khổ sai. Sau khi bị giam cầm ít lâu, chàng trai bèn viết thư nhờ Conan Doyle minh oan cho. Với bằng chứng xác đáng về việc chàng trai bị cận thị nặng, không thể nào di chuyển ngoài đồng trong đêm tối để hạ sát hàng loạt con vật như vậy được, Conan Doyle đã buộc các cơ quan hành pháp và tư pháp phải lưu ý, xem xét lại vụ việc này. Quả nhiên, qua điều tra về sau, người ta xác định được thủ phạm là kẻ khác, và chàng trai người Ấn lai ấy đã được trả tự do và danh dự.

Cả tác giả và nhân vật đều bất tử.

Sự bất tử của sherlock holmes thể hiện ở chỗ: hơn một trăm năm nay, bạn đọc khắp thế giới vẫn luôn tỏ ra yêu mến và quyến luyến với nhân vật này. Nhớ ngày Conan Doyle cho sherlock holmes “tạm từ giã cõi đời”, tại Luân Đôn đã liên tiếp nổ ra các cuộc biểu tình quanh trụ sở của mấy toà báo. Thậm chí, có một nhóm thanh niên mặc tang phục, đeo bảng đề tên sherlock holmes diễu hành trên đường phố. Hiện ở một số nơi, người ta còn ngưỡng mộ đến độ thành lập cả “bảo tàng sherlock holmes” cũng như thành lập các đội đặc nhiệm mang tên nhân vật thám tử tài ba nói trên.

Còn về Conan Doyle thì khỏi phải nói sức “tái sinh” kỳ diệu của ông: Có ai tính được biết bao lần sách của ông được tái bản ở khắp nơi trên trái đất này? Lại nhớ, khi Conan Doyle qua một cơn đau tim đột ngột từ giã cõi đời, thể theo nguyện vọng của ông, bà vợ Jean Leckie của ông không để tang (vì Conan Doyle tin tưởng rằng sau khi chết đi, ông vẫn còn liên lạc được với bà). Nếu nói nhà văn tồn tại bằng tác phẩm, thì có nghĩa là Conan Doyle còn tồn tại mãi mãi.