Sau Khi Biết Mình Là Nữ Phụ, Tôi Chỉ Muốn Sống Sót

Chương 1




Tôi tên Giản Ái. Đôi khi tôi nghĩ, có lẽ chính cái tên này đã định sẵn cho tôi, một cuộc đời đầy bi kịch của một nữ phụ độc ác - chẳng hề bình thường.

Trước khi lên sáu tuổi, tôi sống rất hạnh phúc.

Vào ngày sinh nhật sáu tuổi, Bạch Tường Vi xuất hiện.

Bạch Tường Vi là con gái duy nhất của cậu tôi. Cậu mất sớm, để lại Bạch Tường Vi mồ côi. Bố mẹ tôi thấy tội nên đã đón cô ấy về nhà, nuôi nấng như con ruột.

Cô ấy còn được đăng ký hộ khẩu, chẳng khác gì con gái ruột của bố mẹ tôi.

Kể từ hôm đó, tôi không còn phòng riêng của mình nữa.

Bố mẹ nói Tường Vi ngủ một mình sẽ sợ, bắt tôi chia nửa giường cho cô ấy, bảo cả hai làm bạn với nhau.

Sinh nhật sáu tuổi của tôi không có bánh kem, quà sinh nhật là một cái tát trời giáng từ mẹ.

Vì tối hôm trước Bạch Tường Vi sốt cao mà tôi không hay biết. Đến sáng hôm sau, khi mẹ phát hiện thì Tường Vi đã sốt tới 39,7 độ.

Mẹ nói rằng, sáng hôm đó khi bà vào phòng đã thấy tôi quấn kín chăn vào người, không để lại chút chăn nào cho Tường Vi.

Lúc đó, tôi ngủ rất say. Nghe tiếng mẹ lo lắng, tôi mơ màng ngồi dậy thì bị mẹ tát một cái thật mạnh, không kịp phản ứng.

Bạch Tường Vi sốt cao phải nhập viện một ngày một đêm, còn tôi thì bị nhốt ở nhà đến mức bụng đói cồn cào.

Một đứa trẻ vừa tròn sáu tuổi, chẳng biết nấu nướng gì, phải kê ghế lên trước bếp, tự mình đun nước định nấu mì ăn.

Mì nấu bị nhừ, lúc bê nồi xuống tôi không giữ vững, chẳng may làm rơi cả người lẫn nồi.

Chiếc ghế nhựa không chắc chắn, mảnh vỡ sắc nhọn cứa vào chân tôi một đường dài. Đáy nồi nóng bỏng làm phỏng một lớp da lớn trên cánh tay tôi.

Mãi đến khi mẹ bế Bạch Tường Vi từ bệnh viện về mới nhớ đến đứa con gái bị bỏ quên ở nhà.

Lúc đó tôi đã ngủ thiếp đi trên sofa, vết bỏng trên tay và vết xước trên chân được tôi quấn qua loa bằng giấy vệ sinh. Giấy vệ sinh trắng tinh giờ đã thấm đẫm vết m.á.u loang lổ.

Xung quanh tôi là một đống giấy vệ sinh dính máu.

Bố vừa tan ca đêm về cũng thấy cảnh tượng đó, hai người liền cãi nhau ầm ĩ.

Mẹ trách bố vì không báo trước việc làm thêm giờ, bố mắng mẹ vì đã bỏ con ở nhà một mình.

Không ai nghĩ đến việc đưa tôi đến bệnh viện trước.

Chỉ là một sự cố mà thôi.

Sau khi cãi nhau xong, bố mẹ tôi cũng không nhắc đến chuyện này nữa. Nhưng chuyện tôi giành chăn khiến Bạch Tường Vi phát sốt thì bị cả nhà loan báo khắp nơi, ai ai cũng biết.

Giờ đây, trên tay và chân tôi để lại hai vết sẹo xấu xí.

Sau này, tôi đọc được một câu nói của nhà văn Lỗ Tấn: "Trước cửa nhà tôi có hai cái cây, một cây là cây táo, cây kia cũng là cây táo."

Tôi bỗng cảm thán.

Trên người tôi có hai vết sẹo, một vết là của tôi, vết kia cũng là của tôi.

- --------------

Năm tôi bảy tuổi, Giản Dạng ra đời.

Giản Dạng là em trai ruột của tôi về mặt huyết thống, nhưng thực tế thì em ấy giống như em trai ruột của Bạch Tường Vi hơn.

Em ấy nhỏ hơn tôi bảy tuổi, hoàn toàn khác biệt so với tôi.

Khi Giản Dạng chào đời, bố mẹ tôi đang trong giai đoạn phát triển sự nghiệp, cả hai đã nhờ bà ngoại ở quê lên chăm sóc.

Người già thường hay nuông chiều trẻ con, đặc biết Giản Dạng còn là cháu trai đích tôn trong nhà, cưng như cưng trứng, hứng như hứng hoa.

Giản Dạng được cưng chiều đến mức hư hỏng, chẳng còn biết sợ ai.

Em ấy chưa bao giờ gọi tôi là chị, vì tôi không cho em ấy ăn nhiều phô mai que và kẹo. Trong mắt em ấy, tôi là người xấu.

Người mà Giản Dạng thân nhất là Bạch Tường Vi, vì cô ta không chỉ cho em ấy ăn phô mai que và kẹo, mà còn hay dắt em ấy đi nghịch nước.

Chơi chưa được mấy lần, Giản Dạng đã bị cảm lạnh.

Chưa hết, sâu răng khiến đau nhức không ngủ được. Mỗi tối, em ấy đều khóc thét lên như một con vịt bị nghẹn.

Tiếng khóc giọng khàn đặc của em ấy khiến mọi người không thể chợp mắt.

Bố mẹ vừa đi công tác về đã đưa Giản Dạng đến bệnh viện. Do bị cảm nặng mà không được chữa trị kịp thời, em ấy suýt chút thì bị viêm phổi.

Mẹ tức giận mắng một trận lớn, bà ngoại ấp úng nói rằng phô mai que và kẹo đều do Ái Ái mua.

Ái Ái là tôi.

Phô mai que và kẹo đúng là tôi mua.

Giản Dạng một đứa trẻ vô ơn, những món đồ tôi mua cho em ấy, em ấy không nhớ. Bạch Tường Vi chỉ làm một việc nhỏ là mang đến cho em ấy, làm kẻ trung gian thiếu phép tắc vụng trộm cho em ấy ăn.

Em ấy đã quên hết công của tôi, công lao lại đổ hết cho cô ta. Cái gì tốt đẹp cũng là Bạch Tường Vi, xấu xa khốn nạn luôn đổ cho tôi.

Thực ra tôi muốn giải thích. Đồ đúng là tôi mua, nhưng tôi có hạn chế không cho Giản Dạng ăn quá nhiều.

Chính Bạch Tường Vi là người đã lén lút lấy ra cho em ấy ăn.

Nhưng bố mẹ không cho tôi cơ hội để giải thích, họ mắng tôi một trận thậm tệ.

Bà ngoại bị gọi về quê, mẹ tôi bắt đầu tập trung hơn vào việc chăm sóc gia đình.

Lúc đó tôi mới mười một tuổi, đã phải gánh chịu oan ức lớn như vậy.

- ------------------

Năm Giản Dạng năm tuổi, em ấy cùng mẹ đến trường họp phụ huynh.

Tôi và Bạch Tường Vi học cùng lớp, mẹ nói là họp cho cả hai đứa, nhưng lại chỉ ngồi ở chỗ của Bạch Tường Vi.

Trong buổi họp, học sinh không được vào lớp, nên tất cả tụ tập ở ngoài cửa.

Một nhóm học sinh lớp Sáu vây quanh Giản Dạng, trêu chọc một đứa trẻ nhỏ bé.

Dù Giản Dạng rất bướng bỉnh, nhưng vẻ ngoài lại rất đáng yêu, dễ đánh lừa người khác.

Em ấy trắng trẻo, mũm mĩm như búp bê sứ.

Có người đùa hỏi Giản Dạng thích ai hơn, là tôi hay Bạch Tường Vi.

Giản Dạng không chút do dự trả lời: "Giản Ái là kẻ xấu, luôn bắt nạt em và chị. Mẹ nói Giản Ái là nhặt từ thùng rác về. Em không thích chị ấy đâu, em thích chị Vi Vi nhất!"

Bạch Tường Vi rất được lòng các bạn trong lớp, lại có một em trai đáng yêu như vậy nên ai cũng yêu mến.

Vì vậy, khi Giản Dạng nói ra những lời đó, ánh mắt của các bạn trong lớp nhìn tôi đầy ác cảm. Họ bắt đầu thì thầm to nhỏ mỗi khi nhìn tôi.

Lúc đó tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ và tủi thân. Dù có thể họ không nói về tôi, nhưng tôi lại có cảm giác như có hàng ngàn lời nói khó nghe đang hướng về phía mình.

Tôi không biết nên buồn vì bị em trai ghét bỏ hay buồn vì bị mẹ nói tôi được nhặt từ thùng rác về nhiều hơn.

Ánh mắt của mọi người như những lưỡi d.a.o sắc nhọn đ.â.m thẳng vào tim tôi.

Trong lúc hoảng loạn, tôi luống cuống chen khỏi đám đông, nhưng vừa đi được vài bước đã bị một bàn chân ai đó chìa ra ngáng đường.

Tôi vấp phải và ngã nhào xuống đất.

Có lẽ vì bản tính tự ti và yếu đuối, những chuyện quá xấu hổ tôi thường không nhớ rõ trong đầu.

Nhưng lúc đó, dáng ngã của tôi chắc hẳn thảm hại đến mức buồn cười, bởi tôi nghe thấy tiếng cười phá lên của mọi người xung quanh.

Tôi xấu hổ quay đầu lại, thấy ngay bàn chân của Giản Dạng vẫn chưa rụt về, trên mặt em ấy nở nụ cười đắc ý khi thấy trò đùa của mình thành công.