Chương 11: Cặp kính đặc biệt.
Chương 11: Cặp kính đặc biệt.
Nhóm đã hội tụ đủ bốn người, sau một đêm ngon giấc tại nhà Phùng Nam, sáng hôm sau ba người cùng với một cô gái quyết định lên đường. Hành lý Phùng Xuân mang theo chỉ là một chiếc ba lô nhỏ, quần áo cô mặc trên người đã thay đổi từ đồ truyền thống sang kiểu quần tây mà người dưới xuôi hay mặc, khoác một chiếc áo jean khá dày dặn, đi giày thể thao, mái tóc đen buộc đuôi ngựa.
Với bộ trang phục này Phùng Xuân ra dáng một cô gái hơn ngày hôm qua, quả nhiên người đẹp vì lụa thật không sai. Sau khi chào tạm biệt Phùng Nam cả bốn rời khỏi bản làng của người Dao, vào lúc tám giờ bắt xe tới Thanh Hóa. Điểm đến đầu tiên của họ chính là khu vực gần di tích Thành Nhà Hồ.
Loay hoay di chuyển chờ họ tới được Thanh Hóa thì cũng đã vào buổi trưa cả nhóm quyết định ghé vào một khách sạn gần khu du tích, ăn trưa và nghỉ ngơi.
Sau khi dùng xong bữa trưa lão Đức gọi mọi người vào phòng mình cho họ xem về những gì lão tìm hiểu được. Lão lấy ra một cuốn sổ khá dày bìa được bọc da nâu, trông khá cẩn thận, nhìn rất giống một cuốn sổ chứa nhiều bí mật. Thế nhưng khi lão mở ra cả ba người trong phòng đều nhìn cuốn sổ như nhìn một cuốn sách tập vẽ của mấy đứa nhóc tiểu học. Đây là sổ viết tay của lão Đức, mỗi hình vẽ đến ghi chú đều được lão thể hiện hết sức tỉ mỉ, nhưng đáng tiếc sự tỉ mỉ đó chỉ mình lão là biết còn những người khác không thể cảm nhận được, bởi vì chữ của lão quá xấu, đến hình vẽ còn không nhìn ra được lão vẽ cái gì.
Họa sĩ Quang Hải cũng phải bái phục tài vẽ tranh của lão, hắn không ngần ngại đánh giá: “Lão vẽ khá đấy, những con giun dế này có thể làm tài liệu tham khảo để sản xuất các thể loại phim quái vật kinh dị, đảm bảo chất lượng.”
Nghe vậy lão tức điên lên đánh thẳng vào đầu Quang Hải không một chút nhân nhượng, nói: “Cậu làm việc với lão đây lâu nhất, vậy mà xem hoài vẫn không hiểu lão viết gì à?”
“Chịu, có làm việc trăm năm thì cũng chỉ biết những hình này là do lão vẽ, còn lão muốn thể hiện điều chi thì có ma mới hiểu.”
Lão Đức thở dài, bất lực toan mở miệng giải thích thì đột nhiên Phùng Xuân lên tiếng chỉ vào một vài hình vẽ trên một trang giấy: “Đây là kiểu vẽ tranh theo phong cách người Mán xưa, các nén họa có lúc mạnh lúc nhẹ, có nhạt có mờ, hình người thường có nhiều sắc thái, các sắc thái thay đổi liên tục, bức tranh rừng núi thường xen kẽ ở giữa các hình vẽ nhân vật.”
Những hình vẽ này thật ra là được lão Đức dùng tay vẽ lại thông qua bức họa gốc, nó không chính xác như hình vẽ đã chụp bằng máy ảnh, nên rất khó nhìn ra được bối cảnh, vậy mà Phùng Xuân vẫn nhìn ra được. Lão vui mừng khôn xiết liền lấy những bức họa đã chụp được vào đúng thời khắc nhật thực xảy ra đưa cho cô xem.
Đây là thành quả xuất sắc nhất mà lão có được sau một thời gian dài nghiên cứu, may mắn đã mỉm cười với lão vào đúng ngày xảy ra nhật thực cách đây ba năm. Ngày đó vì muốn tìm hiểu người có thể có liên quan tới Hồ Tinh, Hồ Quý Ly lão đã tới khu di tích này thăm quan, vừa hay hôm đó nhật thực xảy ra, vào khoảnh khắc khi bầu trời tối đen máy ánh của lão cũng sáng lên. Vốn tưởng chỉ chục lại làm tư liệu nhưng khi xem lại lão kinh ngạc, liền vội vàng chụp loạn trong phòng trưng bày của khu di tích, mãi cho tới khi nhật thực qua đi những hình ảnh kỳ lạ đã biến mất, những bức ảnh tiếp theo quay trở lại bình thường, không có điềm lạ đặc biệt nào.
Lão mang chúng trở về nhà, nhớ tới Thành Nhà Hồ được xây với thời gian rất ngắn, hình thức xây dựng vô cùng đặc biệt, nên lão càng tin truyền thuyết Hồ Quý Ly liên quan tới Hồ Tinh là hoàn toàn chính xác.
Lão đưa cho Phùng Xuân, cô cầm lấy gật đầu cái nhẹ, nói: “Lần trước ông của tôi cũng cho tôi nhìn xem những hình vẽ này, tôi có thể giải thích được nó, thật ra nếu ghép toàn bộ lại chúng ta sẽ có được hai bức tranh thể hiện cho hai khung cảnh khác nhau, một khung cảnh bình yên và một khung cảnh hỗn loạn.”
Cô nhìn lão Đức: “Lão có muốn biết kết quả ngay bây giờ không? Tôi có thể cho lão biết nhưng không chắc đúng trăm phần trăm bởi những bức vẽ này có hơi mất đôi nét, nên không thể chính xác hoàn toàn.”
“Đúng như cô nói, do được chụp qua máy ảnh nên những bức vẽ này bị thiếu nét, không giống với thực tế bên ngoài. Đây cũng chính là lý do tôi muốn thuê người có hiểu biết về tranh của người Mán đi cùng, thay vì nhờ ông nội cô giải nghĩa tại nhà.”
Nguyễn Khang tò mò nhìn những hình chụp hỏi thêm: “Lão có chắc những hình vẽ này vẫn còn ở đó, lão chụp những bức hình này cách đây ba năm rồi đúng không?”
“Đúng vậy, nhưng cậu yên tâm đi, lúc tôi chụp được bức hình này là ngay thời khắc nhật thực xảy ra đúng ngày 4 tháng 9. Sau lần đó tôi không chụp được thêm một lần nào nữa, mãi cho tới khi tôi có một thứ.”
Lão lấy ra một cặp kính, trông rất bình thường, nhưng khi đeo lên mắt Nguyễn Khang cảm thấy kì lạ, mặt kính như có một làn sóng nhỏ đang giao động, sắc tím quen thuộc giống như trên đồng tiền ánh lên, cảnh vật xung quanh được phóng đại ra to hơn, đeo một chút hắn cảm thấy khó chịu, mắt hơi nhức nên liền gỡ xuống.
Lão Đức nói: “Chỉ cần đeo nó vào sẽ nhìn thấy, còn không đeo thì có chụp ảnh cũng không thấy được.”
“Chất liệu làm ra cặp kính này là gì vậy?” Nguyễn Khang tò mò.
“Đây là cặp kính do Quang Hải nghiên cứu ra, lão có hỏi về nguyên liệu làm ra nó nhưng Quang Hải không nói.”
Quang Hải ngồi dựa lưng vào ghế, chân gác lên bàn trà, tay khoanh trước ngực nhìn về phía cả ba mỉm cười nói: “Đừng hỏi, tôi không thể nói được, nói ra e là sẽ đánh mất tác dụng của kính. Những món đồ đặc biệt luôn có cách hoạt động của riêng nó. Đặc biệt nó không ảnh hưởng tới sức khỏe con người, đảm bảo an toàn.”
Nghe vậy mọi người cũng không tò mò về cặp kính nữa, quay lại nghe lão Đức nói thêm một chút về Thành Nhà Hồ.
Dựa theo sử sách ghi chép lại thì Thành Nhà Hồ hay còn gọi là Thành Tây Đô kinh đô của nước Đại Ngu, được xây dựng vào năm 1397, do quyền thần Hồ Quý Ly chỉ huy. Thành được xây khá khẩn trương chỉ trong ba tháng, nằm ở vị trí khá hiểm trở có lợi thế về phòng ngực trong quân sự. Thành có hai phần là thành nội và thành ngoại. Hiện tại do c·hiến t·ranh và các vấn đề tự nhiên, thành chỉ còn nguyên vẹn bốn cổng thành được làm bằng đá cuốn vòm, tường thành và di tích Đàn Tế Nam Giao.
Những hình ảnh mà lão Đức nhìn thấy được xuất hiện trên một số phiến gạch được trưng bày trong nhà trưng bày tại khu di tích Thành Nhà Hồ, nên trước mắt bọn họ sẽ tới đó nhìn xem tình hình sau đấy mới đưa ra kế hoạch tiếp theo dựa vào kết quả tìm được.
Sau khi xem và nghe mọi thông tin lão Đức có được, mọi người liền về phòng nghỉ ngơi, chiều nay khoảng ba giờ họ sẽ tới khu nhà trưng bày xem những bức họa đó bằng kính mắt đặc biệt sau đó mới tính bước tiếp theo.
Đúng ba giờ cả nhóm trả phòng thuê xe chạy tới địa điểm tham quan, mua vé vào nhà trưng bày. Khu di tích này được bảo tồn ngay giữa khu sinh sống của người dân bên trong có đồng lúa xanh mướt, lượng khác du lịch tới đây khá ít không nườm nượp như những khu danh lam thắng cảnh. Cũng đúng thôi chốn này không có cảnh đẹp, chỉ có đồng lúa và mấy cái cổng thành đứng giữa trời đất, rất khô khan, nếu không phải nhà nghiên cứu hoặc người thật sự yêu lịch sử sẽ không bao giờ tới đây. Điều này vô tình cũng tạo thuận tiện cho nhóm bọn họ thoải mái tác nghiệp mà không sợ bị nhòm ngó, săm soi. Khi đi vào nhà trưng bày bên trong không có ai, chỉ có bốn người bọn họ, hướng dẫn viên ban đầu có tới nhưng sau khi biết họ không cần thì cũng đã rời đi.
Cả nhóm theo chỉ dẫn của lão Đức tiến tới nơi lão phát hiện ra các hình vẽ, đó là những viên gạch dùng để xây nhà trong thành trước kia được tìm thấy qua các vụ khai quật. Lão đề nghị mọi người đeo kính vào, vì nếu không đeo kính những viên gạch này trông rất bình thường, khác chăn là ở những chữ Hán Nôm được khắc mờ mờ trên từng viên gạch.
Mọi người bắt đầu đeo kính vào, một lớp ánh sáng màu tím nhạt bao phủ đôi mắt họ, thế giới phía trước như phóng to ra nhìn rất khó chịu.
“Đệt!” Nguyễn Khang kêu một tiếng, hắn kéo vội kính ra khỏi mắt mình. Lúc ở trong khách sạn hắn còn chịu được một chút nhưng ở nơi này không hiểu sao hắn lại không thể đeo được vài giây. Mọi người quay đầu nhìn hắn, chỉ thấy hắn ôm lấy mắt mình.
“Sao vậy?” Lão Đức tiến tới hỏi han.
Nguyễn Khang lắc đầu, chờ một lúc hắn lấy tay khỏi mắt, nhìn về phía trước, mắt hắn đã dễ chịu hơn nhưng lúc này hắn cũng nhìn thấy hiện tượng lạ trên một số viên gạch. Thấy vậy hắn nói: “Hình như tôi không cần dùng kính quan sát.”
Quang Hải nhìn qua, ánh mắt sau lớp kính híp lại đầy suy tư, trong khi lão Đức và Phùng Xuân thì vô cùng ngạc nhiên.