Ruồi Trâu

Chương 25




Toà án binh mở vào sáng thứ ba.

Phiên toà này rất ngắn và đơn giản. Đó chỉ là một hình thức trống rỗng diễn ra không quá hai mươi phút. Thật vậy, có cần gì phải mất nhiều thời giờ? Không được quyền bào chữa gì cả. Đứng ra làm chứng, chỉ có tên mật thám và tên sĩ quan bị thương, cùng với mấy tên lính. Bản phán quyết đã được thảo sẵn từ trước, Mông-ta-ne-li đã có thông báo đồng ý một cách không chính thức những gì họ yêu cầu. Các quan toà là viên đại tá Pherari, một thiếu tá kỵ binh địa phương và hai sĩ quan trong đội cận vệ của Giáo hoàng (1), họ chẳng có việc gì nhiều để làm cả. Họ đọc to bản cáo trạng, rồi những người làm chứng đứng lên nêu chứng cứ. Sau đó họ ký tên vào bản phán quyết rồi lấy giọng nghiêm trang đọc cho bị cáo nghe. Ruồi Trâu lặng lẽ nghe bản án. Và, theo hình thức thông thường, khi người ta hỏi có phát biểu gì không, anh chỉ vội vã xua tay gạt đi. Giấu trong ngực anh là chiếc mùi xoa mà Mông-ta-ne-li đã đánh rơi. Suốt đêm qua anh đã hôn và khóc chiếc khăn đó như hôn và khóc một sinh linh. Giờ đây gương mặt anh xanh xao và thờ thẫn, và mắt anh vẫn còn ngấn lệ. Hai tiếng "Xử bắn" chẳng tác động gì đến anh. Khi nghe hai tiếng ấy, anh chỉ mở to đồng tử trong đôi mắt, và chỉ có thế thôi!

Khi mọi thủ tục đã xong, viên Giám binh ra lệnh:

- Đưa ông ta về phòng giam.

Viên đội cố cầm nước mắt, sờ vào thân hình im phăng phắc ấy. Ruồi Trâu hơi giật mình ngoảnh lại.

- À, phải! Tôi quên mất.

Nét mặt viên Giám binh phảng phất một vẻ gì như là thương hại. Hắn ta bản chất cũng không phải là một người độc ác và vai trò hắn phải đóng mấy tuần nay làm cho chính hắn trong thâm tâm cũng thấy ngượng ngùng. Giờ đây khi đã được việc của mình, hắn sẵn lòng nhân nhượng trong mọi chuyện nhỏ nào thuộc quyền hắn.

Đưa mắt nhìn cánh tay thâm tím sưng phồng của Ruồi Trâu, hắn bảo:

- Các ông không cần cùm nữa cũng được. Có thể cho ông ta trở lại phòng giam cũ.

Rồi quay về phía đứa cháu, hắn nói thêm:

- Buồng giam tử tù ẩm ướt và âm u quá. Đây thực ra cũng chỉ là vấn đề thủ tục mà thôi.

Hắn bối rối ho lên mấy tiếng và đổi chân đứng. Rồi hắn bỗng gọi giật tên đội vừa giải Ruồi Trâu ra tới cửa.

- Ông đội, chờ một chút. Tôi muốn nói với ông ta mấy câu!

Ruồi Trâu đứng im không nhúc nhích. Hình như tiếng nói của Pherari không lọt vào tai anh.

- Ông có muốn nhắn gì với bạn bè và thân thích không?... Tôi chắc ông có người thân chứ?

Không một tiếng trả lời.

- Vậy ông cứ nghĩ đi rồi nói với tôi hoặc với linh mục tuyên uý (2). Tôi sẽ đôn đốc thực hiện lời nhắn của ông. Nhưng tốt hơn là ông nhắn lại cha tuyên uý. Cha đến ngay bây giờ và sẽ ở với ông suốt đêm nay. Nếu ông còn có nguyện vọng gì khác nữa thì...

Ruồi Trâu nhìn lên:

- Ông hãy nói với linh mục rằng tôi chỉ muốn ở một mình. Tôi không có bạn bè mà cũng chẳng nhắn gì cả.

- Nhưng ông cũng muốn xưng tội (3) chứ.

- Tôi là người vô thần. Tôi chẳng muốn gì khác hơn ngoài việc được yên tĩnh.

Ruồi Trâu nói với giọng đơn điệu, bình thản, không có vẻ gì là khiêu khích hoặc bực dọc, rồi từ từ quay gót bước ra cửa. Nhưng ra đến cửa thì anh lại dừng bước:

- Ông đại tá, tôi còn quên một việc. Tôi chỉ yêu cầu ông chiếu cố một điều là: sáng mai xin ông đừng để cho họ trói hoặc bịt mắt tôi. Tôi sẽ đứng yên.

*

* *

Tới sáng ngày thứ tư, khi mặt trời vừa ló, Ruồi Trâu đã bị dẫn ra sân. Anh khập khiễng rõ nét hơn mọi khi. Dựa hẳn vào tay viên đội, Ruồi Trâu lê bước, rõ ràng với vẻ khó khăn và đau đớn.

Nhưng mọi vẻ phục tùng mỏi mệt đã biến mất trên mặt anh. Những nỗi kinh hoàng ma quái đã đánh gục anh trong cảnh tịch liêu, cùng những ảo ảnh và những giấc mơ trong thế giới âm u nay đều đã tan theo đêm tối. Ngay sau lúc vầng đông toả sáng, khi Ruồi Trâu phải đối diện với kẻ thù, thì tinh thần chiến đấu của anh đã trỗi dậy, anh không có gì sợ hãi cả.

Trước bức tường leo đầy dây thường xuân, sáu tay súng được lệnh chọn đi hành quyết đã dàn thành hàng ngang. Đây chính là bức tường nứt nẻ và đổ nát mà anh đã trèo xuống trong cái đêm bất hạnh ấy để hòng trốn thoát. Mấy người lính đứng nghiêm, tay cầm súng mà vẫn rưng rưng nước mắt. Họ cảm thấy điều kinh khủng ngoài sức tưởng tượng khi nghĩ rằng chính tay mình phải giết Ruồi Trâu. Con người có những câu ứng đối sắc sảo, có tiếng cười vui bất tuyệt, có tinh thần dũng cảm chói lọi và dễ lan truyền ấy đã như một tia nắng ấm soi rọi vào cuộc đời u ám, buồn thảm của họ. Vậy mà giờ đây con người ấy phải chết, phải chết vì chính tay họ, như thế khác nào họ sắp phải trông thấy mặt trời chói lọi phụt tắt.

Một lỗ huyệt dưới gốc một cây vả cao lớn đang chờ đợi Ruồi Trâu. Lỗ huyệt đó do những bàn tay không tình nguyện đã đào nên đêm qua và với những giọt nước mắt rơi trên những bàn xẻng. Đi ngang qua đó, Ruồi Trâu mỉm cười nhìn lỗ huyệt tối đen, nhìn những ngọn cỏ héo tàn bên cạnh huyệt. Anh khoan khoái hít một hơi dài để thưởng thức mùi thơm của vạt đất mới tinh khôi.

Khi đến gần thân cây, viên đội đứng sững lại. Ruồi Trâu ngoảnh lại nhìn anh ta, rồi nở một nụ cười:

- Tôi đứng đây phải chăng, ông đội?

Viên đội nín lặng gật đầu. Anh ta nghẹn ngào, tiếc rằng đã không nói được một lời nào, ví dù lời nói này có thể cứu sống được Ruồi Trâu. Trong sân đã tề tựu đông đủ cả: viên Giám binh, cháu hắn, viên trung uý kỵ binh làm nhiệm vụ chỉ huy việc hành quyết, người y sĩ và một linh mục. Họ bước lên với những bộ mặt nghiêm trọng, nhưng đã nửa phần sượng sùng trước cặp mắt tươi cười và sáng ngời vẻ ngạo nghễ của Ruồi Trâu.

- Chào... chào các quý ông! Ái chà, cả Cha tuyên uý tôn kính (1) cũng dậy sớm thế cơ à!... Đại uý, ông có mạnh giỏi không? Chắc đối với ông, cuộc gặp gỡ hôm nay của chúng ta sẽ dễ chịu hơn lần trước phải không ạ? À, tôi thấy cánh tay ông vẫn còn băng bó treo trước ngực kìa! Chỉ tại lần trước tôi bắn hụt đó thôi. Những tay thiện xạ này chắc bắn khá hơn... phải không, các bạn?

Ruồi Trâu đưa mắt nhìn một lượt những bộ mặt ủ dột của mấy người lính:

- Dù sao lần này không phải băng bó treo trước ngực nữa đâu. Nào! Nào! Sao vẻ mặt các bạn trông thiểu não đến thế? Nghiêm! Và bắn cho thật trúng vào nào. Rồi các bạn sẽ có nhiều việc phải làm, mà cứ như thế này không biết có làm nổi không. Bây giờ các bạn được quyền tập trước thì còn gì bằng.

- Hỡi con...

Vị linh mục tiến lên ngắt lời anh. Những người khác đều lùi lại phía sau, để mặc hai người với nhau.

- Chỉ còn ít phút nữa là con sẽ về với Đấng Sáng Tạo (2) ra con. Những giây phút cuối cùng này là dành cho con để ăn năn sám hối, con chớ nên dùng vào việc nào khác. Cha xin con, con thử nghĩ xem, nếu chết mà không được chịu phép giải tội, lòng còn hung dữ thì đáng sợ biết bao! Chờ đến khi con đứng trước Đấng Phán Xét (3) của con thì lúc ấy ăn năn đã muộn rồi. Sắp lại gần ngai báu vô cùng tôn nghiêm của Người mà con vẫn cứ cười đùa như thế được sao?

- Cười đùa ư, thưa cha tôn kính? Tôi tưởng cái bài giáo lý cỏn con ấy chỉ để cho những người cùng phía với cha nghe thôi chứ! Bao giờ đến lượt chúng tôi, chúng tôi sẽ dùng trọng pháo chứ chẳng dùng đến dăm khẩu súng khai hậu cũ kỹ này đâu! Và lúc bấy giờ các vị sẽ thấy chúng tôi cười đùa đến đâu.

- Các con sẽ dùng trọng pháo ư? Ôi! Thật là vô phúc cho con quá! Con vẫn chưa hiểu rằng con đang đứng trên bờ vực thẳm đáng sợ như thế nào hay sao?

Ruồi Trâu ngoái đầu nhìn lỗ huyệt mở rộng sau lưng mình.

- Vậy cha... cha tôn kính tưởng rằng đặt được tôi xuống đấy là xong chuyện với tôi rồi hay sao? Có lẽ các vị còn chặn một phiến đá lên mồ tôi để "ba ngày sau" tôi... tôi khỏi sống lại chứ gì? (4) Chớ sợ, Cha tôn kính ạ! Tôi sẽ không xâm phạm vào quyền của các vị trong những trò diễn kịch rẻ tiền này đâu. Đặt tôi xuống đâu, tôi sẽ nằm yên ở đấy như một con... con chuột vậy. Nhưng, dù sao mặc lòng, chúng tôi vẫn sẽ dùng đến trọng pháo đấy.

Vị linh mục kêu lên:

- Ôi! Lạy Chúa lòng lành vô cùng! Xin Chúa tha tội cho kẻ bất hạnh này!

Viên trung uý kỵ binh, giọng ồ ồ khấn:

- Amen!

Còn viên đại tá và đứa cháu thì sùng kính làm dấu thánh giá.

Thấy rõ rằng khuyên bảo nữa cũng chẳng đi đến đâu, vị linh mục đành phải từ bỏ công việc vô kết quả của mình. Ông bước sang bên cạnh, lắc đầu, mồm lầm rầm cầu kinh. Chỉ trong phút chốc, công việc chuẩn bị ngắn gọn và đơn giản đều đã được hối hả làm xong. Ruồi Trâu ra đứng đúng vào chỗ của mình và quay lại thoáng nhìn lên cảnh huy hoàng chói chang ánh sáng vàng và đỏ của mặt trời đang mọc. Một lần nữa Ruồi Trâu lại yêu cầu không bịt mắt. Nhìn vẻ mặt như thách thức của anh, viên đại tá đành miễn cưỡng đồng ý. Cả hai người đều quên rằng như thế họ có thể làm ảnh hưởng tới tinh thần quân sĩ.

Ruồi Trâu đứng quay thẳng mặt về phía họ và mỉm cười. Những cánh tay cầm súng run lên. Anh bảo:

- Tôi hoàn toàn sẵn sàng rồi.

Viên trung uý bước lên phía trước, người run run vì xúc động. Hắn chưa hề chỉ huy xử bắn bao giờ.

- Chuẩn bị... Nhằm! Bắn!

Ruồi Trâu hơi lạng người đi, nhưng lấy ngay lại được thăng bằng. Một viên đạn bắn không vững đã sượt trên má anh. Vài giọt máu loang trên cổ áo trắng. Một viên khác trúng vào chân, phía trên đầu gối. Khi khói tan thì đám lính thấy anh vẫn đứng, vẫn mỉm cười như cũ và đang lấy bàn tay tàn tật quệt máu trên má.

Anh nói:

- Bắn xoàng quá rồi, các bạn ạ!

Giọng nói trong trẻo và khúc triết của anh khắc sâu vào tim những người lính khốn khổ đang hết sức bàng hoàng và bối rối.

- Các bạn thử bắn lại xem nào!

Toàn bộ hàng lính đều rùng mình sởn gáy và rên rỉ. Người nào người nấy nhằm chệch sang bên cạnh, thầm mong viên đạn kết liễu tính mệnh Ruồi Trâu là của người bên cạnh chứ không phải của mình. Ruồi Trâu thì vẫn cứ đứng thản nhiên, mỉm cười nhìn họ. Họ chỉ biên cuộc xử tử thành một cuộc giết chóc trong lò mổ, và bây giờ họ lại phải làm lại từ đầu cái công việc ghê rợn này. Đám lính đột ngột hoảng vía, họ hạ súng đứng nghe những lời mắng mỏ và chửi rủa điên cuồng của các viên sĩ quan. Họ sững sờ và hãi hùng giương mắt nhìn người vừa bị họ bắn mà chẳng hiểu sao ông ta vẫn không chết.

Viên Giám binh vung nắm đấm trước mặt họ. Hắn lồng lộn quát tháo, bắt họ phải đứng vào vị trí, giương súng lên và hối hả làm mau cho xong chuyện. Nhưng chính hắn cũng hoàn toàn mất tinh thần không khác gì bọn lính. Hắn không dám nhìn vào cái thân hình khủng khiếp kia cứ đứng trơ trơ mà không chịu ngã xuống. Hắn giật nảy mình và run bắn lên khi nghe giọng chế giễu của Ruồi Trâu:

- Đại tá, sao sáng hôm nay ông lại đưa ra một đội lính xoàng thế. Để tôi xem tôi có thể điều khiển họ khá hơn không! Nào, các bạn! Kìa, cậu đứng phía bên trái kia, nâng súng cao lên chứ! Chúc phúc cho tấm lòng của cậu, cậu bạn ạ! Trong tay cậu là súng trận đấy chứ không phải xoong chảo đâu nhé! Nhắm thẳng cả chưa? Nào, bây giờ... chuẩn bị... nhằm!...

Viên đại tá nhảy xổ lên, cướp lời anh, hét:

- Bắn!

Để cho người bị bắn tự chỉ huy cuộc xử bắn của mình thì ai mà chịu được.

Sau loạt đạn lộn xộn và vô tổ chức, đám lính bỏ hàng ngũ run rẩy đứng túm tụm lại với nhau, mắt ngơ ngác, sững sờ nhìn về phía trước. Một tên lính thậm chí còn không bấm cò, quăng súng, ngồi sụp xuống đất mà rên rỉ:

- Tôi chịu thôi, tôi chịu thôi!

Khói dần tan, bay lên hoà vào ánh nắng le lói của ban mai. Họ thấy Ruồi Trâu ngã ra, họ còn thấy là Ruồi Trâu vẫn chưa chết. Phút đầu tiên cả quan lẫn lính đứng im như đã hoá đá mà nhìn một vật gì dễ sợ đang lăn lộn, quằn quại trên mặt đất.

Rồi cả người y sĩ và viên đại tá cùng kêu lên chạy ào đến chỗ Ruồi Trâu vì họ thấy anh vẫn lết một chân, quỳ lên mà nhỏm dậy, vẫn nhìn vào toán lính và vẫn cười lên:

- Lại bắn trượt rồi! Bắn... lại đi, các bạn! ... Để xem... nếu các bạn không thể...

Ruồi Trâu bỗng lảo đảo rồi ngã vật sang một bên trên bãi cỏ.

Viên đại tá khẽ hỏi:

- Ông ấy chết chưa?

Người y sĩ quỳ gối, đặt tay lên chiếc sơ mi đẫm máu của Ruồi Trâu, trả lời:

- Chắc vậy... Tạ ơn Chúa!

Viên đại tá nhắc theo:

- Tạ ơn Chúa! Thế là xong!

Đứa cháu kéo tay áo hắn:

- Chú ơi... Hồng y giáo chủ đến! Ngài đang đứng ở cổng và cứ đòi vào đây.

- Cái gì? Không, không được... tôi không cho vào được! Bọn lính gác đâu cả rồi? Thưa Đức Hồng y...

Cửa mở rồi lại đóng. Mông-ta-ne-li đã đứng trong sân, đôi mắt đầy kinh hoàng, trừng trừng nhìn về phía trước.

- Thưa Đức Hồng y! Tôi xin ngài... cảnh này ngài xem bất tiện! Việc hành quyết vừa kết thúc, thi hài còn chưa...

Mông-ta-ne-li nói:

- Tôi đến nhìn nó một chút.

Giọng nói và cả bộ dạng của Mông-ta-ne-li trong phút ấy đã khiến cho viên Giám binh phải sửng sốt, ông ta như một kẻ mộng du.

Một người lính bỗng kêu lên:

- Ối, lạy Chúa tôi!

Viên Giám binh quay ngoắt lại nhìn.

Quả nhiên thế!

Tấm thân đẫm máu trên bãi cỏ lại một lần nữa vật vã và rên rỉ.

Người y sĩ ngồi sụp xuống, kê đầu kẻ hấp hối lên đùi mình.

Ông ta tuyệt vọng kêu lên:

- Nhanh lên! Nhanh lên, quân dã man! Cho ông ta chết hẳn đi, vì ơn Chúa! Để thế này tội nghiệp quá!

Máu chảy túa ra hai bàn tay người y sĩ. Run lẩy bẩy từ đầu đến chân, ông ta cố giữ yên thân hình còn đang giãy giụa. Trong khi ông ta đang cuống quýt quay nhìn tứ phía để cầu mong giúp đỡ, vị linh mục cúi xuống qua vai ông, kệ tượng Chúa chịu nạn vào đôi môi người hấp hối.

- Nhân danh Chúa cha, Chúa con...

Ruồi Trâu tựa lên đùi người y sĩ, nhỏm dậy, mắt mở to nhìn chòng chọc vào tượng Chúa chịu nạn. Rồi gữa bầu tịch mịch câm lắng và băng giá ấy, anh từ từ giơ cánh tay phải bị bắn gãy lên, và gạt chiếc tượng thánh giá ra. Một vết máu đỏ tươi vấy trên mặt tượng.

- Padre... Chúa Trời... của cha... thoả mãn rồi chứ?

Đầu anh lả xuống cánh tay người y sĩ.

*

* *

- Thưa Đức Hồng y?

Thấy Hồng y giáo chủ vẫn chưa tỉnh giấc kinh hoàng, đại tá Pherari lại gọi to hơn:

- Thưa Đức Hồng y!

Mông-ta-ne-li nhìn lên:

- Nó chết rồi.

- Vâng, chết hẳn rồi, thưa Đức Hồng y. Xin ngài ra thôi chứ ạ?... Cảnh tượng này rùng rợn lắm...

- Nó chết rồi - Mông-ta-ne-li nhắc lại và một lần nữa nhìn xuống mặt Ruồi Trâu - Ta đã sờ vào người nó mà nay nó chết mất rồi (1).

Viên trung uý xì xào một giọng khinh bạc:

- Nửa tá đạn vào người, ông ta còn mong chờ gì nữa?

Người y sĩ cũng thì thào đáp lại:

- Chắc ông ấy kinh hãi vì trông thấy máu.

Viên Giám binh kiên quyết kéo tay Mông-ta-ne-li:

- Xin Đức Hồng y đừng nhìn hắn nữa. Ngài cho phép cha tuyên uý đưa ngài về chứ ạ?

- Phải... tôi về.

Mông-ta-ne-li từ từ quay gót ra khỏi bãi cỏ đẫm máu mà bước ra ngoài, vị linh mục và viên đội theo sau. Đến cổng, ông ta dừng bước và vẫn ngoái lại nhìn với cặp mắt kinh ngạc và đờ đẫn như mắt một con ma.

- Nó chết rồi.

*

* *

Mấy tiếng đồng hồ sau, Mác-cô-nê đến căn nhà nhỏ trên sườn đồi để báo cho Mác-ti-ni biết là anh khỏi phải hy sinh thân mình một cách vô ích nữa.

Kế hoạch giải cứu cho Ruồi Trâu lần thứ hai đã chuẩn bị xong, bởi vì lần này bố trí đơn giản hơn lần trước nhiều. Họ quyết định đến sáng hôm sau, khi đám rước "Mình Thánh" diễu qua chân đồi trên có pháo đài, Mác-ti-ni sẽ từ trong đám đông tiên lên trước, rút súng ngắn giấu trong ngực áo ra, bắn vào mặt viên Giám binh. Nhân lúc lộn xộn, hai mươi người đầy đủ khí giới sẽ thình lình xông tới cổng, đánh phá tới tận tháp canh, dùng vũ lực bắt giữ tên giữ chìa khoá ngục, buộc nó phải mở cửa xà lim, cõng Ruồi Trâu ra và bắn chết hoặc chế ngự bất cứ kẻ nào định cản đường. Ra đến cổng họ sẽ vừa đánh vừa rút, đồng thời yểm hộ cho một toán dân buôn lậu thứ hai có vũ trang và cưỡi ngựa đến để đem Ruồi Trâu tới chỗ ẩn nấp an toàn trên núi cao.

Trong nhóm cốt cán chỉ có Giê- ma là không biết tí gì về kế hoạch này. Mác-ti-ni đã có nguyện vọng đặc biệt yêu cầu không để cho chị biết. Anh bảo:

- Chẳng mấy chốc chị ấy vỡ tim ra mất.

Vừa thấy Mác-cô-nê đến cổng, Mác-ti-ni đã mở cửa kính, bước ra hiên đón:

- Có tin gì không, Mác-cô-nê? Ôi!...

Mác-cô-nê không trả lời, chỉ hất chiếc mũ rơm rộng vành ra sau gáy.

Họ cùng nhau ngồi dưới mái hiên.

Không ai nói một lời. Nhưng chỉ thoáng nhìn vẻ mặt ẩn dưới vành mũ khi Mác-cô-nê bước vào, Mác-ti-ni cũng đã hiểu rõ tình hình.

Một hồi im lặng dài. Cuối cùng, anh hỏi:

- Xảy ra lúc nào thế?

Chính tai anh tự nghe, Mác-ti-ni cũng đã thấy giọng nói của mình uể oải và chán ngán như cả thế giới này.

- Sáng nay, lúc rạng đông. Viên đội cho tôi biết. Anh ta có mặt ở đó, trông rõ cả.

Mác-ti-ni nhìn xuống, rứt đứt đoạn chỉ vướng ở tay áo.

Mọi sự đều là hư không (1). Chuyện này cũng là hư không nốt. Đáng lẽ ngày mai anh sẽ phải chết. Vậy mà bây giờ thế giới mơ ước của lòng anh đã tan đi, hệt như cái thế giới thần tiên của những giấc mộng vàng lúc hoàng hôn tan đi khi màn đêm buông xuống. và anh đã bị đuổi bật trở lại với cái thế giới buồn tẻ, lần hồi ngày này qua tháng khác, cái thế giới của Gơ-rát-xi-ni và Gali, của mật mã và những bài văn châm biếm, của những cuộc cãi vã giữa các đồng chí trong đảng, của những mưu sâu chước hiểm của bọn mật thám Áo, và nói chung là của cái cối xay (2) công tác hàng ngày khiến con tim chán ngắt. Giờ đây, Ruồi Trâu chết đi làm cho dưới đáy tâm hồn anh chỉ còn là một khoảng trống rỗng lớn, một khoảng trống không có gì và không ai lấp nổi.

Nghe có tiếng ai đang hỏi mình, Mác-ti-ni ngẩng đầu ngạc nhiên, không biết bây giờ còn có chuyện gì đáng mất công bàn luận nữa đây.

- Anh vừa nói gì vậy?

- Tôi đang bảo là tất nhiên anh sẽ nói cho chị ấy biết chứ?

Sự sống cùng với nỗi ghê sợ về sự sống, đã trở lại trên gương mặt Mác-ti-ni. Anh kêu lên:

- Làm sao đi nói cho chị ấy biết được. Như thế khác nào anh bảo đi đến đâm chết chị ấy. Ôi, tôi biết nói thế nào với chị ấy bây giờ? Tôi nói sao bây giờ?

Mác-ti-ni đưa lại tay lên bưng kín mắt. Nhưng, tuy không nhìn, anh vẫn cảm thấy Mác-cô-nê bỗng nhiên giật mình. Anh ngẩng đầu nhìn lên. Giê- ma đã đứng ngay trước cửa.

Chị nói:

- Trê-da-rê, anh đã nghe tin chưa? Thế là hết, chúng đã bắn chết anh ấy rồi.

--- -------

(1) Nguyên văn là "theo Swiss guards", tức Đội cận vệ Thuỵ Sĩ, vì đội cận vệ trong các đặc khu thuộc Giáo hoàng có lệ đặc biệt thuê tuyển người Thuỵ Sĩ làm cận vệ.

(2) Linh mục chuyên việc giảng đạo, làm phép đạo trong các trại giam (nhà tù), bệnh viện, trường học, quân đội. Thường gọi là cha tuyên uý.

(3) To confess, confession (tiếng Anh): cũng là thú tội, tự thú.

(1) His Reverence (tiếng Anh): cách xưng hô kính trọng đối với linh mục.

(2) Your Maker (tiếng Anh): cũng là Đấng Tạo Thành.

(3) Your Judge (tiếng Anh): tức Đấng Phán Xét chí công (the Righteous Judge), tức Đức Kitô. Cũng là "Thẩm phán chí công".

(4) Hàm ý tới truyền thuyết về Chúa Giêsu chết đi ba ngày rồi sống lại (cũng gọi là sự phục sinh, do đó có Lễ Phục sinh).

(1) Câu này có hàm ý các tích trong Kinh Thánh về việc nhiều lần Chúa Kitô sờ vào người mà chữa khỏi bệnh hoặc làm sống lại người đã chết.

(1) Vanity of vanities (hoặc All is vanity) (tiếng Anh): câu trích trong Kinh Thánh. Cũng là "mọi sự đều là phù phiếm" (phù vân, phù hoa).

(2) Ý nói một công việc đều đều hàng ngày. Cối xay ở đây là ở châu Âu hồi xưa, do lừa (ngựa) bị bịt mắt buộc vào càng cối, tự đi vòng quanh kéo quay suốt ngày.