Rừng Na Uy

Chương 7




Trong giờ thể dục sáng hôm sau, thứ Năm, tôi bơi qua lại nhiều lần chiều dài của cái bể năm mươi mét. Vận động mạnh như vậy làm đầu óc tôi tỉnh táo thêm chút nữa và ăn thấy ngon miệng. Sau khi chén một bữa trưa hậu hĩnh tại một tiệm ăn sinh viên nổi tiếng vì những phần cơm trưa hậu hĩnh ấy và đang trên đường đến thư viện khoa văn để tra cứu vài thứ thì tôi chạm trán Midori Kobayashi. Cô đang đi với một cô gái nhỏ nhắn đeo kính cận, nhưng khi thấy tôi cô chạy đến một mình.

“Cậu đi đâu thế?” cô hỏi.

“Thư viện văn,” tôi đáp.

“Này, cậu quên việc ấy đi và hai đứa mình đi ăn trưa với nhau nhé”

“Tớ vừa ăn xong.”

“Thì đã sao?” Lại ăn nữa chứ sợ gì.”

Cuối cùng chúng tôi đến một quán cà-phê gần đấy.

Cô ăn một đĩa cà-ri còn tôi thì làm một cốc cà-phê. Cô mặc sơ-mi trắng dài tay bên trong một áo chẽn bằng len vàng có đan chìm hình một con cá, cổ đeo một vòng vàng mảnh, tay đeo đồng hồ Disney. Cô có vẻ thích món cà-ri và uống hết ba cốc nước cùng với nó.

“Vừa rồi cậu đi đâu thế?” Midori hỏi. “Tớ gọi không biết là bao nhiêu lần nữa.”

“Cậu có chuyện gì muốn nói à?”

“Chẳng có gì đặc biệt. Tớ chỉ gọi thế thôi.”

“Tớ thấy rồi.”

“Cậu thấy gì?”

“Chẳng có gì. Tớ chỉ thấy thế thôi,” tôi nói. “Vừa rồi có vụ hoả hoạn nào không?”

“Hôm ấy hay thật, hả? Chẳng thiệt hại gì mấy, nhưng khói khiếc lung tung trông đến khiếp. Hay thật.”

Midori nốc hết một cốc nước nữa, hít một hơi dài, rồi chăm chú nhìn vào mặt tôi một lúc. “Này, cậu có chuyện gì thế?” cô hỏi. “Mặt cậu cứ thẫn thờ thế này này. Hai mắt cứ đờ ra.”

“Tớ không sao,” tôi nói. “Tớ mới đi xa về và người vẫn còn mệt.”

“Trông cậu như người mới nhìn thấy ma.”

“Tớ thấy rồi.”

“Mà này, chiều nay cậu có phải đến lớp không?”

“Tiếng Đức và văn học Anh.”

“Có bỏ được không?”

“Tiếng Đức thì không được. Hôm nay có kiểm tra.”

“Lúc nào thì xong?”

“Hai giờ.”

“Ôkê. Đi với tớ xuống phố uống rượu nhé!”

“Vào lúc hai giờ chiều ư?”

“Thì đã sao, cho nó khác đi chứ. Trông cậu đờ đẫn lắm. Nào, đi uống với tớ đi cho nó có sinh khí. Tớ cũng muốn vậy – uống rượu với cậu để lấy lại chút sinh khí cho tớ nữa. Được không nào?”

“Ôkê, đi thì đi,” tôi nói và thở dài. “Tớ sẽ tìm cậu ở sân khoa văn lúc hai giờ.”

Sau lớp tiếng Đức, chúng tôi lấy xe buyt đến Shinjuku và vào một quán bar ngầm dưới đất gọi là DUG ở sau hiệu sách Kinokuniya. Để bắt đầu, chúng tôi gọi hai cốc vodka pha tonic.

“Lâu lâu tớ lại đến chỗ này,” Midori nói. “Họ không làm cho mình thấy lúng túng vì uống rượu ngay từ buổi chiều.

“Cậu có hay uống rượu chiều không?”

“Thỉnh thoảng thôi,” cô nói, lắc lanh canh mấy cục nước đá trong cốc. “Thỉnh thoảng, khi đời khó sống quá, tớ lại đến đây làm một cốc vodka pha tonic.”

“Đời khó sống quá rồi sao?”

“Thỉnh thoảng thôi,” Midori nói. “Tớ có những trục trặc nho nhỏ đặc biệt của mình.”

“Ví dụ như gì nào?”

“Như gia đình, như bọn bạn trai, những kì kinh nguyệt không đều. Đại khái thế.”

“Vậy thì uống nữa đi.”

“Tớ sẽ uống.”

Tôi ra hiệu cho bồi bàn và gọi hai vodka pha tonic nữa.

“Cậu nhớ không, hôm Chủ nhật cậu đến chơi, rồi cậu hôn tớ ấy?” Midori hỏi. “Tớ vẫn nghĩ đến nó. Hay thật. Thật là hay.”

“Đúng thế.”

“Đúng thế,” cô nhại lại. “Cậu nói chuyện kỳ thật!”

“Vậy ư?”

“Thôi được rồi, tớ đang nghĩ lúc ấy, tớ đang nghĩ giá đó là lần đầu tiên trong đời tớ được một cậu trai hôn như thế thì tuyệt vời biết bao. Nếu tớ có thể đảo lộn thứ tự cuộc đời mình, tớ sẽ dứt khoát, dứt khoát biến nó thành nụ hôn đầu đời của mình. Và rồi tớ sẽ sống để suốt đời chỉ nghĩ đến những chuyện đại loại như: Này, không biết cái thằng cu tên là Watanabe đã hôn mình lần đầu tiên trên sân phơi ấy bây giờ ra sao, mà nó cũng phải năm mươi tám rồi chứ còn gì nữa? Cậu bảo thế có sướng không?”

“Ờ có thế thực,” tôi nói, mải bóp cho vỡ vỏ một hạt hồ trăn.

“Ê, cậu làm sao thế hử? Sao cậu đờ đẫn thế?” Cậu vẫn chưa trả lời tớ.”

“Có lẽ tớ vẫn chưa hoàn toàn thích ứng được với cuộc đời” tôi nói sau khi đã nghĩ một lúc. “Tớ không biết, tớ cảm thấy đây không phải là cuộc đời thực. Mọi người, cảnh vật, chúng chăng có vẻ thực tí nào.”

Midori tựa một khuỷu tay lên quầy bar và nhìn tôi.

“Có một câu nào giống như thế trong một bài hát của Jim Morrison, tớ nhớ như vậy.”

“Người thành lạ khi ta là người lạ.”

“Vì Hoà bình,” Midori nói.

“Vì Hoà bình,” tôi phụ hoạ.

“Chắc cậu phải đi Uruguay cùng với tớ,” Midori nói, vẫn tựa trên quầy. “Bồ bịch, gia đình, đại học – vứt mẹ nó hết đi.”

“Không phải là một ý kiến tồi đâu,” tôi cười.

“Cậu không thấy là sẽ rất tuyệt nếu vứt bỏ hết mọi thứ và mọi người để đến một nơi mà mình không biết một ma nào cả ư? Nhiều lúc mình chỉ thích làm như thế. Thực sự là nhiều lúc mình đã muốn, rất muốn làm như thế. Đấy, giả dụ như tự nhiên cậu tốc tớ đến một nơi thật xa, thật xa, và tớ sẽ sản xuất cho cậu một lũ con khỏe như trâu, và từ ấy chúng mình sẽ mãi sống hạnh phúc, cứ việc lăn lộn dưới sàn nhà.”

Tôi cười và uống cốc vodka pha tonic thứ ba của mình.

“Tớ đoán có lẽ cậu chưa thật sự thích có một lũ con khỏe như trâu,” Midori nói.

“Tớ thấy tò mò rồi đây,” tôi nói. “Tớ cũng thích xem mặt mũi chúng thế nào.”

“Không sao, cậu không cần phải muốn chúng đâu,”

Midori nói, miệng nhằn một hạt hồ trăn. “Trông tớ đây này, đang uống rượu chiều, nghĩ sao nói vậy. Tớ muốn vứt mẹ nó mọi thứ đi và chuồn đi đâu đó.” Đi Uruguay để làm cái quái gì cơ chứ? Ở đấy chỉ toàn cứt lừa thôi.”

“Có thể cậu nói đúng.”

“Chỗ nào cũng cứt lừa. Đây một bãi, kia một bãi, cả thế giới là cứt lừa. Ê, tớ không thể cắn được cái hạt này. Cậu lấy nó đi”. Midori đưa hạt hồ trăn cho tôi. Tôi loay hoay với nó cho đến khi cắn vỡ được lần vỏ. “Nhưng ôi chao, hôm Chủ nhật trước mới thật nhẹ nhõm làm sao! Lên sân phơi với cậu, xem đám cháy, uống bia, hát nghêu ngao bài này bài khác. Tớ không biết là bao lâu nữa vì tớ hoàn toàn tràn ngập trong một cảm giác nhẹ nhõm. Mọi người lúc nào cũng chỉ có ép buộc tớ chuyện này chuyện kia. Vừa mới thấy tớ là họ bắt đầu sai phái. Ít nhất thì cậu đã không định ép tớ việc gì?”

“Tớ chưa biết cậu đến mức ép được cậu.”

“Cậu muốn nói là, nếu cậu quen tớ rồi thì cậu sẽ ép tớ cũng như mọi người khác ấy ư?”

“Có thể lắm,” tôi nói. “Người ta sống với nhau như vậy trong thực tế mà: ép buộc nhau chuyện này chuyện nọ.”

“Cậu sẽ không thế. Tớ biết chứ. Tớ là chuyên gia trong chuyện ép buộc và bị ép buộc. Cậu không thuộc loại đó. Chính thế mà tớ thấy thoải mái khi ở bên cậu. Cậu có biết thế giới này có bao nhiêu người muốn ép buộc người khác và muốn được người khác ép buộc không? Hàng tấn! Mà sau đó họ lại còn làm rùm beng lên nữa chứ, kiểu như “Tôi đã ép buộc cô ấy, “Anh đã ép buộc tôi!” Họ là như vậy đấy. Nhưng tớ không thích thế. Tớ làm vì tớ phải làm vậy, thế thôi.”

“Cậu ép buộc người khác hoặc bị người khác ép buộc cậu đại loại những chuyện gì?”

Midori bỏ một cục nước đá vào miệng và mút nó một lúc.

“Cậu có muốn biết thêm về tớ không?” cô hỏi.

“Ờ cũng đại loại thế.”

“Ê, nghe này, tớ vừa mới hỏi “Cậu có muốn biết thêm về tớ không?” Cậu trả lời cái kiểu gì vậy?”

“Có, Midori, tớ muốn biết thêm về cậu,” tôi nói.

“Thật chứ?”

“Thật. Đúng thế.”

“Ngay cả nếu cậu sẽ không dám nhìn vào những gì cậu sẽ thấy chứ?”

“Cậu tệ đến mức ấy cơ à?”

“À, về một mặt nào đó thôi, Midori nhăn mặt. “Tớ muốn uống nữa.”

Tôi gọi bồi và lấy thêm tuần rượu thứ tư. Trong lúc chờ đợi, Midori tựa cằm vào lòng bàn tay đang chống trên mặt quầy. Tôi im lặng nghe Thelonious Monk đang chơi bài “Honeysuckle Rose”. Có năm sáu khách nữa đang ngồi trong quán, nhưng chỉ có chúng tôi uống rượu.

Mùi cà-phê thơm nức khiến cho nội thất tôi tối của quán có không khí rất ấm cúng.

“Chủ nhật này cậu rảnh không?” Midori hỏi.

“Hình như tớ đã bảo cậu rồi. Chủ nhật nào tớ cũng rảnh. Cho đến khi phải đi làm vào lúc sáu giờ chiều.”

“Ôkê, vậy Chủ nhật này cậu đi chơi với tớ nhé?”

“Nhất định rồi,” tôi nói.

“Tớ sẽ đến đón cậu ở khu học xá vào buổi sáng, nhưng tớ vẫn chưa biết chính xác giờ nào. Ôkê không?”

“Ôkê,” tôi nói. “Không có vấn đề gì.”

“Nào, bây giờ tớ hỏi cậu: cậu có biết tớ đang thích làm gì ngay bây giờ không?”

“Chịu chết.”

“Thế này nhé, đầu tiên, tớ muốn nằm xuống một cái giường to, rộng, êm ái. Tớ muốn thật thoải mái và say lơ mơ và xung quanh không có tí cứt lừa nào, và tớ muốn có cậu nằm xuống cạnh tớ. Rồi thì từng tí một, cậu cởi quần áo tớ ra. Thật nhẹ nhàng. Như kiểu mẹ cởi quần áo cho một đứa con nhỏ vậy. Thật là nhẹ nhàng.”

“Hừmmm…”

“Còn tớ thì chỉ việc mặc kệ và lơ mơ sung sướng như thế cho đến lúc bỗng nhận ra chuyện gì đang diễn ra và hét lên “Thôi đi, Watanabe!” Và rồi tớ nói “Tớ thực sự thích cậu, Watanabe à, nhưng tớ đang có người khác rồi. Tớ không thể làm chuyện này”. Tớ rất nghiêm túc trong những việc như thế này, cậu có tin hay không thì tuỳ, nhưng hay làm ơn dừng lại đi.” Nhưng cậu không chịu dừng.”

“Đâu, tớ sẽ thôi ngay mà,” tôi nói. “Không sao, chỉ là tưởng tượng mà. Rồi sau đó cậu

làm ra mặt rất buồn thế này này, và tớ thấy thương cậu quá và cố an ủi cậu. Nào, nào, tội nghiệp chưa này.”

“Đó là những cái cậu đang muốn làm ngay bây giờ đấy à?”

“Đúng thế!”

“Thôi chết tôi rồi!”

Chúng tôi rời quán bar sau năm tuần vodka pha tonic.

Lúc tôi định trả tiền, Midori vỗ mạnh tay tôi một cái rồi rút trong ví ra một tờ mười ngàn Yên mới toanh.

“Ôkê đi,” cô nói. “Tớ mới lĩnh tiền, và tớ mời cậu kia mà. Tất nhiên, nếu cậu là một thằng phát xít nòi và nhất định không chịu để đàn bà trả tiền rượu cho cậu thì…”

“Không, không, tớ ôkê mà.”

“Và tớ cũng có để cậu đút nó vào đâu.”

“Vì nó to và cứng quá,” tôi nói.

“Đúng rồi” Midori nói. “Vì nó to và cứng quá.”

Hơi say, Midori bước hụt một bậc và chúng tôi suýt ngã lộn xuống cầu thang. Lớp mây khiến trời âm u nay đã tan. Nắng muộn buổi chiều nhẹ nhàng tràn ngập đường phố. Midori và tôi lang thang một lúc lâu. Cô nói muốn trèo cây, nhưng không may lại chẳng có cái cây nào trèo được ở Shinjuku, còn công viên Hoàng Gia Shinjuku thì đã đóng cửa.

“Chán thật,” Midori nói. “Tớ rất thích trèo cây.”

Chúng tôi tiếp tục đi bộ và ngó nghiêng các cửa hàng, và chẳng mấy chốc cảnh đường phố có vẻ đã thực hơn trước đối với tôi.

“Tớ mừng là đã chạm trán cậu,” tôi nói. “Hình như tớ đã thích nghi hơn được một tí với thế giới này rồi.”

Midori dừng ngay lại và nhìn tôi chăm chú. “Đúng thật,” cô nói. “Mắt cậu bớt đờ đẫn hơn nhiều. Thấy chưa? Đi chơi với tớ là tốt cho cậu đấy.”

“Chắc chắn rồi,” tôi nói.

Đến năm rưỡi Midori nói cô phải về nhà nấu cơm. Tôi bảo sẽ lấy xe buýt về học xá, và tiễn cô ra tận ga tàu điện.

“Biết bây giờ tớ muốn gì không?” Midori hỏi lúc chia tay.

“Tớ tuyệt đối không thể biết cậu có thể đang nghĩ gì,” tôi nói.

“Tớ muốn cậu với tớ bị bọn cướp biển bắt. Chúng sẽ lột trần truồng bọn mình, ép tụi mình úp mặt vào nhau rồi lấy dây cuốn chặt hai đứa lại.”

“Sao chúng lại làm thế?”

“Bọn cướp bệnh hoạn mà,” cô nói.

“Cậu bệnh hoạn thì có,” tôi bảo.

“Sau đó chúng nhốt hai đứa mình vào hầm tàu và bảo, “Một tiếng nữa chúng tao sẽ ném bọn bay xuống biển, từ giờ đến đó hãy vui thú với nhau đi.”

“Rồi sao nữa?”

“Thì chúng mình vui thú, lăn lộn khắp chỗ đó và giãy giụa với nhau.”

“Và đó là cái cậu đang muốn làm ngay bây giờ ư?”

“Đúng thế.”

“Chết tôi rồi!” Tôi nói và lắc đầu.

Midori đến gọi tôi lúc chín rưỡi sáng Chủ nhật. Tôi vừa mới thức giấc và còn chưa rửa mặt. Có đứa đập cửa tôi ầm ầm và gào lên “Ê, Watanabe, đàn bà đấy!” Tôi xuống sảnh dưới nhà và thấy Midori đang ngồi đó, bắt chân chữ ngũ và mặc một cái váy vải bò ngắn không thể tưởng tượng được, và đang ngáp. Sinh viên nào đi ăn sáng qua cũng phải chậm bước lại để dán mắt vào đôi chân dài thon thả của cô. Quả thực là cô có đôi chân thật đẹp.

“Tớ đến sớm quá phải không?” Cô hỏi. “Chắc cậu vừa mới dậy.”

“Cậu đợi tớ mười lăm phút được không?” Cho tớ rửa mặt cạo râu một cái.”

“Đợi thì không sao, nhưng bọn nó đứa nào cũng cứ dán mắt vào chân tớ.”

“Thế cậu tưởng thế nào nữa, đến học xá nam mà mặc váy ngắn thế kia? Tất nhiên là chúng nó phải dán mắt rồi.”

“Ôi dào, thế cũng chẳng sao. Hôm nay tớ còn mặc đồ lót oách nữa cơ – toàn màu hồng và có tua ten đủ cả.”

“Thế lại càng tệ,” tôi thở dài nói. Tôi trở về phòng rửa mặt cạo râu thật nhanh, mặc một cái sơ-mi xanh da trời cổ bẻ có khuy với một cái áo tây thể thao xám vải tuýt, rồi chạy xuống áp tải Midori ra cửa, toát mồ hôi lạnh.

“Nói tớ nghe, Watanabe,” Midori nói, ngước nhìn các toà nhà trong khu học xá, “bọn con trai ở đây đứa nào cũng thủ dâm xoành xoạch thế à?”

“Có thể,” tôi bảo.

“Thế các cậu có nghĩ đến gái lúc làm thế không?”

“Tớ nghĩ là có. Tớ nghĩ có lẽ không ai nghĩ đến thị trường chứng khoán hoặc cách chia động từ hoặc Kênh đào Suez trong lúc xoành xoạch thế đâu. Chắc chắn vậy. Tớ chắc có lẽ tất cả đều nghĩ đến các cô gái thôi.”

“Kênh đào Suez ư?”

“Là ví dụ thế.”

“Như vậy tớ có thể cho rằng họ nghĩ đến một cô gái cụ thể nào đó, đúng không?”

“Sao cậu không hỏi bồ của cậu chuyện này?” Tôi nói “Sao tớ lại phải giang giải những chuyện như thế này cho cậu vào một buổi sáng Chủ nhật”

“Thì tớ chỉ tò mò thế thôi,” cô nói. “Với lại, hắn sẽ phát cáu nếu tớ hỏi hắn những chuyện như thế này. Hắn bảo con gái không được hỏi những chuyện ấy.”

“Một quan điểm hoàn toàn bình thường, tớ xin nói như vậy.”

“Nhưng mà tớ muốn biết. Đây hoàn toàn chỉ là tò mò thôi. Con trai các cậu có nghĩ đến một cô gái cụ thể nào trong lúc thủ dâm không?”

Tôi đành thua không né tránh được nữa. “Thế này nhé, ít nhất thì tớ là như vậy. Tớ không biết những người khác thế nào.”

“Thế cậu đã bao giờ nghĩ đến tớ trong lúc làm thế chưa?” Nói thật xem nào. Tớ sẽ không giận đâu.”

“Chưa. Tớ nói thật đấy,” tôi thành thật đáp.

“Tại sao chưa?” Tớ không đủ hấp dẫn sao?”

“Ô cậu hấp dẫn quá đi chứ. Cậu xinh xắn, và những bộ cánh sexy rất hợp với cậu.”

“Thế sao cậu lại không nghĩ đến tớ?”

“Thế này nhé, trước hết là tớ coi cậu là bạn, nên không muốn lôi kéo cậu vào những mộng tưởng tình dục của tớ, và thứ hai là…”

“Chắc hẳn cậu phải có một ai đó để nghĩ đến rồi.”

“Cũng gần như vậy,” tôi nói.

“Cậu xử sự rất đàng hoàng trong những chuyện như thế này,” Midori nói. “Đó là cái tớ thích ở cậu. Nhưng dù sao, cậu có thể cho tớ xuất hiện chỉ một lần rất nhanh thôi được không?” Tớ muốn được có mặt trong những mộng tình hoặc mơ tưởng hoặc gì gì đó của cậu, muốn gọi là gì cũng được. Tớ đề nghị thế là vì chúng mình là bạn nhau. Tớ còn biết đề nghị ai khác được nữa? Tớ không thể bước đến bất kì ai và nói “Khi ông xoành xoạch đêm nay, xin ông hay nghĩ đến em một giây thôi ông nhé”. Chính vì tớ coi cậu là bạn nên tớ mới đề nghị thế. Và tớ muốn cậu sẽ kể lại cho tớ biết nó ra làm sao. Cậu biết đấy, cậu đã làm những gì và đại loại thế.”

Tôi thở dài.

“Nhưng cậu không thể cho nó vào được. Bởi vì mình chỉ là bạn. Đúng không? Chỉ cần cậu không cho nó vào thôi, còn thì cậu tha hồ muốn làm gì thì làm, muốn nghĩ gì thì nghĩ.”

“Tớ không biết, tớ chưa bao giờ làm chuyện ấy với nhiều hạn chế đến thế,” tôi nói.

“Thế cậu chỉ nghĩ đến tớ thôi vậy, được không?”

“Thôi được rồi, tớ sẽ nghĩ đến cậu.”

“Cậu biết không, Watanabe, tớ không muốn cậu có ấn tượng sai, ví dụ như tớ là một con dâm nữ hoặc không thoả mãn hoặc trêu ngươi hay gì gì nữa tớ không biêt. Tớ chỉ thấy rất quan tâm đến chuyện ấy thôi. Tớ muốn biết. Tớ lớn lên xung quanh chỉ toàn con gái trong một trường nữ sinh, cậu biết rồi. Tớ muốn biết bọn con trai nghĩ gì và thân thể chúng ra sao. Mà không phải chỉ là những thứ như trong mấy tờ phụ trương của đám tạp chí phụ nữ kia đâu, mà phải thực sự là những nghiên cứu thực tế kia.”

“Nghiên cứu thực tế ư?” tôi rên rỉ.

“Cậu chỉ phải làm một lần thôi. Hay nghĩ đến tớ nhé, ôkê”

“Ôkê, tớ sẽ thử xem, lần tới này tôi nói, và nghĩ đến một chiếc khăn tắm.”

Chúng tôi lấy tàu điện đi Ochanomizu. Khi đổi tàu ở Shinjuku, tôi mua một cái bánh kẹp mỏng ở quầy nhà ga để ăn thay bữa sáng. Cà-phê bán kèm với cái bánh có mùi vị như mực in đun sôi. Sau sáng Chủ nhật đầy những cặp vợ chồng và gia đình con cái đi dã ngoại. Một bọn trẻ trai mặc đồng phục bóng chày chạy rầm rập trong toa. Nhiều cô gái trên tàu mặc váy ngắn, nhưng không có cái nào ngắn bằng cái của Midori. Thỉnh thoảng cô lại phải kéo nó xuống một tí. Một vài ông cứ dán mắt vào đùi cô khiến tôi thấy rất lúng túng, nhưng Midori có vẻ chẳng thèm để ý.

“Có biết tớ đang thích làm gì bây giờ không?” cô thầm thì khi chúng tôi đã đi được một lúc.

“Chịu chết,” tôi nói. “Nhưng xin cậu đừng có nói chuyện ấy ở đây nhé. Người ta nghe thấy đấy.”

“Chán thật. Chuyện này mới thật là hoang dại,”

Midori nói với một vẻ thất vọng rõ ràng.

“Thôi nào, tại sao mình đi Ochanimizu?”

“Cứ đi rồi cậu sẽ thấy.”

Xung quanh ga Ochanomizu có rất nhiều trường học, và Chủ nhật thì khu vực này đông nghẹt trẻ em đi học luyện thi. Midori đi ào ào qua đám trẻ ấy, một tay túm chặt quai túi khoác, tay kia túm chặt tay tôi.

Rồi tự nhiên cô hỏi:

“Watanabe này, cậu có phân biệt được thể giả định hiện tại với giả định quá khứ của động từ tiếng Anh không?”

“Có lẽ được,” tôi nói.

“Vậy tớ xin hỏi cậu, những cái như thế thì có ích quái gì trong cuộc sống hàng ngày”

“Chả có gì cả,” tôi nói. “Nó chẳng phục vụ được một mục đích cụ thể nào, nhưng nó cũng cho cậu chút gì đó để giúp cậu nắm được mọi thứ nói chung một cách có hệ thống hơn.”

Midori bỏ ra chừng một khoảnh khắc để suy nghĩ nghiêm túc về chuyện đó.

“Cậu tuyệt vời thật,” cô nói.

“Tớ chưa bao giờ nghĩ được như thế. Tớ luôn cho những cái như gia định thức động từ hoặc toán vi phân tích phân hoặc các kí hiệu hoá học là toàn toàn vô bổ. Một thứ phiền toái khó chịu. Và bấy lâu nay tớ vẫn phớt lờ chúng. Bây giờ thì tớ không biết là đời mình đã là cả một sai lầm hay chưa đây.”

“Cậu phớt lờ chúng?”

“Ờ, Kiểu là, với tớ, chúng hoàn toàn không tồn tại. Tớ không biết tí gì về “sin” hoặc “côsin” là ra làm sao nữa.”

“Không thể tin được? Làm sao mà cậu đỗ được phổ thông? Làm sao cậu vào được đại học?”

“Đừng giả bộ ngốc thế,” Midori nói. “Không biết hết mọi thứ thì cậu cũng vẫn thi đỗ được như thường! Cậu chỉ cần có một chút trực cảm – mà trực cảm của tớ thì khối. “Hãy chọn câu trả lời đúng trong ba câu dưới đây” Thế là lập tức tớ biết ngay câu nào là đúng.”

“Trực cảm của tớ không tốt như của cậu, nên tớ phải có khả năng hệ thống hoá đến một mức nào đó. Giống như con sáo thu nhặt những mảnh thuỷ tinh vào một cái hốc cây vậy.”

“Nó có tác dụng gì không?”

“Tớ cũng chưa biết. Có thể nó giúp mình làm một vài thứ gì đó dễ dàng hơn.”

“Thứ gì?” Cho tớ một ví dụ xem nào?”

“Như tư duy siêu hình chẳng hạn. Hay học nhiều thứ ngôn ngữ một lúc.”

“Thế thì có ích dụng gì?”

“Cũng còn tuỳ người. Nó có thể ích dụng với người này, nhưng lại không ích dụng với người khác. Nhưng chủ yếu nó là chuyện đào luyện. Còn ích dụng gì hay không lại là chuyện khác. Như tớ đã nói.”

“Hừmmm,” Midori có vẻ rất ấn tượng. Cô dắt tay tôi đi xuống đồi. “Cậu biết không, Watanabe, cậu rất giỏi giảng giải mọi chuyện cho người khác hiểu đấy.”

“Tớ cũng không biết,” tôi nói.

“Thực đấy. Tớ đã hỏi hàng trăm người về chuyện ích dụng của giả định thức trong tiếng Anh, nhưng không ai trả lời tớ rõ ràng và hay như cậu. Ngay cả mấy thầy dạy tiếng Anh cũng vậy thôi. Hoặc là họ lúng túng, nổi cáu, hoặc cười trừ. Chẳng ai trả lời tớ cho đàng hoàng cả. Giá có ai như cậu đã ở gần tớ lúc tớ có thắc mắc, và giảng giải cho tớ hẳn hoi, có lẽ tớ cũng đã có thể biết quan tâm đến cái giả định thức ấy rồi. Rõ khốn nạn!”

“Hừmmm,” tôi nói.

“Cậu đã bao giờ đọc Tư bản luận chưa?”

“Rồi. Không đọc hết đâu, tất nhiên, mà chỉ từng phần thôi, như hầu hết mọi người.”

“Cậu có hiểu không?”

“Tớ cũng hiểu được chỗ này chỗ kia, nhưng không hết. Cũng phải có đầu óc thế nào đó mới đọc được một cuốn như Tư bản luận. Nhưng tớ nghĩ tớ cũng hiểu được cái tư tưởng chung của chủ nghĩa Mác.

“Theo cậu, một sinh viên năm thứ nhất vốn ít đọc sách thì có hiểu được Tư bản luận không nếu chỉ đọc nó mà không có ai hướng dẫn?”

“Có lẽ khó tớ có thể nói vậy.”

“Cậu biết không, lúc mới vào đại học tớ tham gia một câu lạc bộ nhạc dân gian. Tớ chỉ muốn hát. Nhưng tụi thành viên lại là một lũ bịp bợm. Chỉ nghĩ đến chúng nó là tớ đã nổi da gà. Điều đầu tiên chúng nói với cậu khi cậu gia nhập câu lạc bộ là cậu phải đọc Mác. “Nhớ đọc trang này với trang này cho lần họp mặt sau nhé”. Có đứa lên lớp hẳn một bài về chuyện dân ca phải gắn liền với xã hội và phong trào cấp tiến như thế nào. Được rồi, tớ nghĩ bụng, đọc thì đọc sợ chó gì, và hăng hái về nhà làm liền, nhưng chẳng hiểu một tí gì cả. Còn tệ hơn cả giả định thức nữa. Được ba trang thì tớ đầu hàng. Như một hướng đạo sinh “thật thà”, tớ đến cuộc họp tuần sau đó và nói tớ đã đọc nhưng không thể hiểu được. Từ đó trở đi chúng nó coi tớ như một con ngốc. Chúng bảo tớ không có ý thức phê phán về đấu tranh giai cấp, rằng tớ là một kẻ tàn tật về mặt xã hội. Nghĩa là nghiêm trọng thật chứ chẳng chơi. Mà tất cả chỉ vì tớ nói tớ không hiểu được một cuốn sách. Cậu thấy chúng có kinh khủng không?”

“Ờ,” tôi nói.

“Và những cái gọi là thảo luận của chúng cũng kinh khủng luôn. Ai cũng đao to búa lớn và giả vờ như thông thạo tình hình lắm. Nhưng tớ thì hễ không hiểu cái gì là tớ hỏi luôn. “Tình trạng bóc lột đế quốc mà các cậu đang nói đến ấy là cái gì vậy” Nó có dính dáng gì đến Công ty Đông Ấn không?” “Có phải tiêu diệt tập đoàn công nghiệp-giáo dục có nghĩa là chúng ta sẽ không được làm việc cho một công ty sau khi tốt nghiệp không?” Đại loại những chuyện như thế. Nhưng không đứa nào muốn giai thích gì cho tớ cả. Tệ hơn nữa, chúng lại còn nổi giận nữa chứ. Cậu có tin được không?”

“Có tớ tin được,” tôi nói.

“Một thằng quát vào mặt tớ, “Đồ chó cái ngu xuẩn, làm sao mày sống được với một bộ óc rỗng tuếch như thế?” Mẹ kiếp, thế là xong. Tớ không chịu nổi nữa. Ôkê, cứ cho là tớ không thông minh đi. Tớ thuộc giai cấp lao động. Nhưng chính giai cấp lao động làm cho thế giới này tiến lên, và chính giai cấp lao động là người bị bóc lột. Cách mạng kiểu gì mà chỉ biết đao to búa lớn những lời lẽ mà người lao động không thể hiểu được thế? Thứ cách mạng xã hội chó gì vậy? Nghĩa là, tớ cũng thích làm cho thế giới này tốt đẹp hơn chứ. Nếu có ai đó thực sự bị bóc lột, mình sẽ ra tay chấm dứt chuyện đó chứ. Tớ tin chuyện ấy, và vì thế mà tớ mới thắc mắc. Tớ đúng hay sai nào?”

“Cậu đúng.”

“Chính thế mà tớ vỡ nhẽ ngay. Lũ khốn kia là rởm hết. Chúng chỉ nhăm nhăm phách lối với tụi con gái mới gặp bằng những từ hoa mỹ trong khi thò tay tốc váy bọn này mà thôi. Và khi tốt nghiệp, chúng sẽ cắt tóc ngắn và xếp hàng đi làm cho Mitsubishi hoặc IBM hoặc Ngân hàng Fuji. Chúng sẽ cưới những cô vợ xinh xắn không bao giờ đọc Mác và đẻ ra những đứa con với những cái tên hoa mỹ nghe phát lộn mửa. Tiêu diệt tập đoàn công nghiệp-giáo dục như vậy ư? Đừng có làm trò cười với tôi! Mà bọn thành viên mới cũng tệ chẳng kém. Chúng cũng chẳng hiểu cái mẹ gì, nhưng cứ giả vờ thế và cười vào mặt tớ. Sau buổi họp, chúng bảo “Đừng có ngốc thế! Cậu không hiểu thì đã làm sao?” Cứ việc đồng ý với mọi người là xong”. Mà này, Watanabe, tớ còn có chuyện muốn phát điên hơn thế nữa. Muốn nghe không?”

“Có chứ, sao lại không.”

“Ôkê, một lần chúng triệu tập một cuộc họp chính trị vào tối khuya, và bảo mỗi đứa con gái phải làm hai mươi cái bánh bột gạo để ăn đêm hôm đó. Mẹ kiếp, còn nói phân biệt nam nữ chó gì nữa? Nhưng tớ quyết định cứ im mồm một lần ấy xem sao, và đến họp như một con ngoan ngoãn với đủ hai mươi cái bánh, đầy đủ cả nhân trong lẫn ruốc ngoài. Và cậu biết tớ được gì không?” Sau đó chúng nó chê là nhân bánh của tớ không đủ vị, và tớ không mang thêm cái gì để ăn kèm với bánh cả! Bọn con gái khác thì nhồi vào bánh của chúng cả cá hồi với cá tuyết, và chúng đem theo cả những miếng trứng rán dày cộp. Tớ nổi giận đến mức không nói được! Bọn cách mạng cuồng này tưởng chúng là ai mà dám chê bai như vậy chứ? Nhẽ ra chúng phải biết ơn vì đã có bánh mà ăn. Cứ nghĩ đến bọn trẻ con đang chết đói ở Ấn Độ mà xem!”

Tôi phì cười. “Rồi cái câu lạc bộ ấy của cậu ra làm sao?”

“Tháng Sáu thì tớ bỏ, tớ tức quá,” Midori nói. “Hầu hết những loại sinh viên ấy đều hoàn toàn rởm hết. Chúng sợ nhất là có ai phát hiện chúng chẳng biết cái mẹ gì cả. Tất cả bọn chúng đều chỉ đọc một loại sách và nỏ mồm một loại khẩu hiệu, và chúng thích nghe nhạc John Coltrane với xem phim Pasolini. Cậu gọi thế là “cách mạng” ư?”

“Ê đừng hỏi tớ, tớ chưa thấy một cuộc cách mạng nào bao giờ.”

“Mẹ khỉ, nếu đó là cách mạng thì vứt mẹ nó đi. Chúng có thể sẽ bắn tớ vì đã làm nhân bánh không đủ vị. Chúng cũng có thể bắn cậu vì hiểu được giả định thức.”

“Có thể lắm.”

“Tin tớ đi, tớ biết tớ đang nói gì. Tớ là giai cấp lao động. Kiểu gì thì giai cấp lao động vẫn cứ sống cơ hàn trong những hố cứt cú mà thôi. Mà cách mạng là cái gì chứ? Chắc chắn là nó không phải chỉ thay cái tên của toà thị chính đâu. Nhưng bọn khốn kia không hiểu chuyện đó bọn khốn to mồm ấy! Nói tớ nghe, Watanabe, đã bao giờ cậu thấy một thằng phòng thuế chưa?”

“Chưa bao giờ.”

“Còn tớ thì rồi. Biết bao nhiêu lần rồi. Chúng xông thẳng vào nhà và phách lối om sòm. “Cuốn sổ cái này là gì đây?” “Tôi muốn xem tất cả hoá đơn của ông ngay bây giờ”. Trong khi đó thì gia đình tớ chúi ở một xó, và đến bữa tối thì phải đãi chúng sushi hảo hạng – mang đến tận nhà. Nhưng tớ cũng phải nói với cậu rằng bố tớ không bao giờ gian lận thuế. Ông ấy là vậy đấy, một người cổ lỗ ngay thẳng như một mũi tên. Nhưng đừng có hòng nói điều đó với bọn phòng thuế. Chúng chỉ có một việc là đào bới, đào bới, đào bới. “Thu nhập chỗ này hơi thấp đấy, có phải không?” Mẹ kiếp, không kiếm ra tiền thì thu nhập phải thấp thế chứ làm sao! Tớ những muốn gào lên: “Đi chỗ khác mà kiếm chác đi!” Cậu nghĩ nếu có cách mạng rồi thì thái độ bọn phòng thuế có khác đi không?”

“Tớ nghi lắm, rất nghi.”

“Thế là xong. Tớ sẽ không tin bất kì một thứ cách mạng khốn kiếp nào nữa. Tớ sẽ chỉ tin tưởng vào tình yêu thôi.”

“Hoà bình,” tôi nói.

“Vì Hoà bình,” Midori phụ hoạ.

“Mà này, chúng mình đang đi đâu vậy?” tôi hỏi.

“Đến bệnh viện,” cô nói. “Bố tớ ở đó. Hôm nay là phiên tớ ở với ông ấy cả ngày.”

“Bố cậu? Tớ tưởng ông ấy ở Uruguay?”

“Tớ nói phét đấy,” Midori nói bằng một giọng tỉnh khô “Bố tớ suốt đời kêu gào đi Uruguay, nhưng chẳng bao giờ đi được. Đi khỏi Tokyo cũng còn khó với ông ấy nữa là.”

“Tình hình ông ấy có tệ lắm không?” Tôi hỏi.

“Chỉ còn là vấn đề thời gian nữa thôi,” Midori nói.

Chúng tôi im lặng bước.

“Tớ biết tớ đang nói gì. Mẹ tớ cũng bị như vậy. U não. Cậu có tin được không, mẹ tớ chết mới có hai năm, và bây giờ thì bố tớ cũng bị như vậy.”

Hành lang Bệnh viện Đại học ầm ĩ và đầy những người vào thăm cuối tuần cùng những bệnh nhân nhẹ, và chỗ nào cũng thoang thoảng cái mùi đặc biệt của bệnh viện, một hỗn hợp của mùi thuốc khử trùng, mùi hoa của khách vào thăm, mùi nước tiểu và chăn nệm, trong lúc đám hộ lí chạy đi chạy lại với tiếng gót giày khua lóc cóc.

Bố Midori nằm gần phía cửa trong một phòng hai giường. Nằm dán trên giường, trông ông như một con vật nhỏ bé bị tử thương. Ông nằm nghiêng, đờ đẫn, cánh tay trái bỏ thõng bất động và có cắm kim truyền ven. Ông nhỏ và gày gò, và có về chỉ có thể teo tóp nữa mà thôi. Đầu ông cuốn băng trắng, và hai cánh tay nhợt nhạt lỗ chỗ những vết tiêm thuốc hoặc truyền ven. Đôi mắt hé mở của ông dán vào một điểm cố định trong không gian, hai con ngươi đầy những tia máu ấy dịch về phía chúng tôi khi hai đứa bước vào phòng. Chúng tập trung vào chúng tôi chừng mươi giây, rồi lại dịch về chỗ cũ.

Nhìn đôi mắt ấy ta có thể biết ông sắp chết. Da thịt ông không còn dấu hiệu gì của sự sống, chỉ vương lại chút dư âm của nó mà thôi. Thân thể ông như một ngôi nhà cũ ọp ẹp mà đồ đạc bên trong đã dọn hết đi rồi để chờ ngày bị dỡ bỏ hoàn toàn. Xung quanh cặp môi khô nẻ, những đám râu đâm lên tua tủa như cỏ dại. Vậy là, tôi thầm nghĩ, ngay cả sau khi ngần ấy sinh lực của một người đàn ông đã tiêu tan, râu người ấy vẫn cứ mọc.

Midori chào một ông béo nằm trên giường gần cửa sổ ông ta gật đầu và mỉm cười, có vẻ không nói được. Ông ta húng hắng ho, rồi sau khi nhấp mấy ngụm nước trong một cái cốc thuỷ tinh để cạnh gối, ông dịch người nằm nghiêng quay mặt ra cửa sổ. Bên ngoài chiếc cửa sổ ấy có thể nhìn thấy một cái cột điện với mấy đường dây mắc qua, không còn gì khác, ngay cả mây trên trời cũng không có.

“Bố ơi, bố thấy thế nào ạ?” Midori nói, ghé sát vào tai bố như đang thử micro. “Hôm nay bố thấy thế nào ạ?”

Ông bố máp máy môi. “Không tốt”, ông nói, nhưng không phát âm thành chữ mà chỉ như ọ ẹ trong cổ họng.

“Đầu” ông nói.

“Bố đau đầu ạ?” Midori hỏi.

“Ờ” ông đáp, rõ ràng không thể phát âm quá hai chớ mỗi lần.

“Cũng phải thôi ạ,” Midori nói, “Bố vừa mới mổ cả đầu ra mà. Tất nhiên là phải đau rồi. Khổ thật, nhưng phải ráng thôi bố ạ. Đây là bạn con, Watanabe.”

“Cháu chào bác ạ,” tôi nói. Bố Midori hé môi rồi lại ngậm miệng lại.

Midori chỉ về phía một cái ghế nhựa dưới chân giường và bảo tôi ngồi. Tôi làm theo. Midori cho bố uống nước rồi hỏi ông có muốn ăn một tí hoa quả hoặc mứt không. “Không” ông nói, và khi Midori nài ông phải ăn cái gì đó thì ông nói “ăn rồi.”

Trên cái bàn đêm cạnh đầu giường có một cái chai, một cái cốc, một cái đĩa và một cái đồng hồ nhỏ. Midori lấy từ trong một túi giấy to dưới gầm bàn ra mấy bộ quần áo ngủ, đồ lót và vài thứ khác, vuốt phẳng chúng và cất vào cái tủ ở cạnh cửa. Dưới đáy túi là thức ăn cho bệnh nhân: hai quả bưởi, thạch hoa quả, và ba củ dưa chuột.

“Dưa chuột! Sao lại có dưa chuột ở đây nhỉ?” Midori hỏi. “Không biết chị tớ nghĩ gì nữa. Tớ đã dặn trên điện thoại là phải mua những gì, và chắc chắn tớ không nói đến dưa chuột! Đáng nhẽ chị ấy phải mua kiwi kia.”

“Có thể chị cậu nghe nhầm,” tôi nói.

“Ờ có thể, nhưng nếu bà ấy suy nghĩ một tí thì biết ngay là không nên mua dưa chuột. Bệnh nhân mà ngôi trên giường gặm dưa chuột sống ư?” Bố ơi, bố có ăn dưa chuột không?”

“Không,” bố Midori nói.

Midori ngồi cạnh đầu giường kể cho bố nghe những mẩu tin tức ở nhà. Cái màn ảnh TV bị nhiễu và cô đã gọi thợ đến chữa; bà cô ở Takaido mấy hôm nữa sẽ đến thăm; ông nha sĩ Miyawaki bị ngã xe đạp; những chuyện như vậy ông bố ậm ừ nghe.

“Bố không muốn ăn gì thật à?”

“Không?”, ông đáp.

“Thế cậu thì sao, Watanabe, ăn mấy múi bưởi nhé”

“Không?”, tôi nói.

Mấy phút sau, Midori dẫn tôi ra phòng TV và ngồi trên sô-pha hút thuốc. Ba bệnh nhân mặc quần áo ngủ cũng đang hút thuốc ở đó và xem một chương trình đàm luận chính trị gì đó.

“Này,” Midori thì thầm với một cái nháy mắt. “Lão già có cặp nạng kia đã nhìn chân tớ suốt từ lúc mình mới vào. Cái lão đeo kính mặc bộ đồ màu xanh nước biển ấy.”

“Cậu mặc cái váy như thế thì còn mong gì nữa nào?”

“Nhưng mà thế mới thích. Tớ cuộc là bọn họ đều đang chán chường cả. Thế này có khi lại tốt cho họ. Biết đâu bị kích thích lại giúp họ nhanh khá hơn.”

“Với điều kiện nó không có tác dụng ngược lại.”

Midori dán mắt vào làn khói bốc lên từ điếu thuốc của mình.

“Cậu biết không,” cô nói, “bố tớ không phải là người xấu như thế đâu. Nhiều khi tớ cáu với ông ấy vì ông ấy nói những điều thật kinh khủng, nhưng tận đáy lòng thì ông ấy rất trung thực và rất yêu mẹ tớ. Theo lối riêng của mình, ông ấy sống với tất cả nhiệt tình và sức lực của ông ấy. Có thể là ông ấy hơi yếu đuối, và không hề có tí đầu óc làm ăn nào, và mọi người cũng không ưa ông ấy lắm, nhưng ông ấy còn tốt bằng vạn những kẻ lừa đảo và dối trá chỉ biết đi quanh mơn trớn mọi thứ bởi vì chúng cứ trơn như lươn thế thôi. Cũng như ông ấy, tớ có tật đã nói cái gì thì không chịu nuốt lời, nên hai bố con cãi nhau nhiều lắm, nhưng quả thật ông ấy không phải là người xấu.”

Midori cầm lấy tay tôi như nhặt cái gì đó ai đánh rơi ngoài phố và đặt nó vào lòng cô. Nửa bàn tay tôi nằm trên váy, nửa còn lại chạm lên đùi cô. Cô nhìn vào mắt tôi một lúc lâu.

“Xin lỗi đã đem cậu đến một chỗ như thế này,” cô nói, “nhưng cậu có thể ở lại đây với tớ một lúc nữa không?”

“Tớ sẽ ở với cậu cả ngày nếu cậu muốn,” tôi nói.

“Cho đến năm giờ. Tớ thích có cậu ở cạnh, va lại tớ cũng chẳng có việc gì khác.”

“Chủ nhật cậu thường làm những gì?”

“Giặt giũ,” tôi nói, “và là quần áo.”

“Tớ chắc cậu không muốn kể cho tớ nhiều về cô ấy, bạn gái của cậu ấy.”

“Ờ có lẽ vậy. Rắc rối lắm, với lại, có lẽ tớ cũng chẳng giải thích được đâu.”

“Ôkê mà. Cậu không phải giải thích gì cả,” Midori nói. “Nhưng cậu có cho phép tớ nói ra những điều tớ tưởng tượng về chuyện của cậu không?”

“Có sao đâu, cậu nói đi. Tớ nghĩ cậu tưởng tượng chuyện gì cũng hay cả.”

“Tớ nghĩ đó là một bà đã có chồng.”

“Thế à?”

“Ừ, bà ấy băm hai băm ba gì đó, giàu có, đẹp đẽ, mặc áo lông, đi giày hiệu Charles Jourdan, đồ lót lụa, thèm khát tình dục và thích làm đủ những trò lạ lẫm. Hai người các cậu gặp nhau các buổi chiều trong tuần và nuốt chửng thân xác nhau. Nhưng chồng bà ấy lại ở nhà Chủ nhật nên cậu không thể gặp được nàng. Có đúng không nào?”

“Hay! Rất thú vị đấy.”

“Bà ấy bắt cậu phải trói và bịt mắt bà ấy lại rồi liếm hết từng xăng-ti-mét vuông trên thân thể bà ấy. Rồi bà ấy còn bảo cậu đút cả những thứ kì lạ vào bà ấy nữa và bà ấy làm đủ những tư thế kì dị không khác gì một diễn viên uốn dẻo rồi cậu thì chụp ảnh bà ấy bằng một cái máy Polaroid lấy ảnh ngay.”

“Nghe vui nhỉ.”

“Bà ấy thèm khát chuyện ấy suốt ngày đêm, và nghĩ ra trò gì là phải làm cho bằng được. Và ngày nào bà ấy cũng chỉ nghĩ có thế. Bà ấy rỗi việc, nên lúc nào cũng dự tính: Hừmm, lần sau Watanabe đến, mình sẽ làm thế này, làm thế nọ. Cậu lên giường và thế là bà ấy phát cuồng lên, thử đủ mọi tư thế và mỗi tư thế phải sướng đến ba lần. Và bà ấy nói với cậu, “Chẳng phải là tôi có một tấm thân tuyệt cú đó hay sao?” Cậu không thể thoả mãn với bọn gái trẻ được nữa đâu. Gái trẻ không làm thế này với cậu, đúng không?” Hoặc thế này nữa. Sướng chưa nào” Nhưng mà cậu vẫn chưa ra!”

Tôi phì cười: “Cậu xem phim con heo nhiều quá rồi!”

“Cậu biết tớ thích nhất cái gì khi xem phim con heo không?”

“Không dám đoán đâu.”

“Mỗi lần bắt đầu một cảnh làm tình, cậu có thể nghe thấy tiếng “Uạp!” một cái khi tất cả mọi người trong rạp đều nhất loạt nuốt nước bọt,” Midori nói. “Tớ yêu cái tiếng “Uạp!” ấy! Nghe nó thật ngọt ngào!”

Trở lại phòng bệnh, Midori lại tuôn ra một tràng với bố cô, và ông ta lại ậm ừ đáp hoặc nằm lặng thinh. Quãng mười một giờ, bà vợ ông béo đến thay quần áo cho ông ta, bóc quả cho ông ta ăn và những thứ linh tinh khác. Bà có bộ mặt tròn trịa trông có vẻ rát tốt bụng. Bà và Midori rì rầm to nhỏ với nhau đủ thứ chuyện. Một hộ lí đem một lọ truyền ven mới vào và trao đổi chút ít với Midori và bà vợ trước khi rời khỏi phòng. Tôi để mắt mình thơ thẩn nhìn quanh phòng rồi ra ngoài cửa sổ về phía cái cột điện. Thỉnh thoảng lại có chim sẻ bay đến đậu trên dây điện. Midori nói chuyện với bố, lau mồ hôi trán cho ông, giúp ông khạc đờm vào khăn giấy tán dóc với bà vợ ông

bệnh nhân cùng phòng và chị hộ lí, thỉnh thoảng lại nói với tôi mấy câu, và để mắt đến cái van truyền ven.

Bác sĩ đến kiểm tra tình trạng bệnh nhân lúc mười một rưỡi. Tôi với Midori ra đợi ngoài hành lang. Khi ông bác sĩ ra khỏi phòng, Midori hỏi ông về tình trạng của bố.

“À, ông cụ vừa mổ xong, lại phải dùng thuốc giảm đau, nên phải nói thật là cụ hơi kiệt sức,” ông bác sĩ nói. “Phải hai ba ngày nữa tôi mới đánh giá được kết quả của ca mổ này. Nếu tốt thì cụ sẽ ôkê, còn không thì lúc đó chúng tôi sẽ phải có quyết định khác.”

“Bác sĩ sẽ không mổ đầu bố tôi ra nữa chứ ạ?”

“Bây giờ thì tôi chưa thể nói được,” ông bác sĩ nói.

“Trời đất, cái váy cô đang mặc kia mới thật là váy!”

“Hay chứ, phải không ạ?”

“Thế trên cầu thang thì cô làm gì?” ông bác sĩ hỏi.

“Chẳng có gì đặc biệt. Cháu cứ phơi cả ra thế thôi,”

Midori nói. Chị hộ lí cười khẩy một tiếng sau lưng ông bác sĩ

“Lạ thật. Cô phải đến để chúng tôi mổ đầu cô ra xem đang có gì ở trong mới được. Hãy làm ơn giúp tôi một việc: cô hay dùng thang máy khi còn ở bệnh viện này. Tôi không thể có thêm bệnh nhân nữa được. Tôi đã bận lắm rồi.”

Sau chuyến đi tua của bác sĩ một lúc thì đến giờ ăn trưa. Một hộ lí đi đến từng phòng, đẩy theo một chiếc xe xếp đầy các suất ăn. Bố Midori được một suất có cháo, hoa quả, cá luộc rút xương, và rau nghiền thành một món như tương thạch. Midori lật cho ông nằm ngửa ra rồi dựng ông lên bằng cách quay một cái tay quay ở phía chân giường. Cô cho ông ăn cháo bằng thìa. Được năm sáu thìa thì ông quay mặt đi và nói “thôi.”

“Bố phải ăn ít nhất cho hết chỗ này,” Midori nói.

“Để sau,” ông bảo.

“Bố này! Nếu bố không ăn hẳn hoi thì làm sao lại sức được” cô nói. “Bố đã muốn đi đái chưa?”

“Chưa,” ông nói.

“Ê Watanabe, mình xuống nhà ăn đi.”

Tôi đồng ý, nhưng thực tình không thấy muốn ăn tí nào. Nhà ăn đông nghẹt những bác sĩ hộ lí và khách đến thăm. Những dãy bàn ghế kéo dài chật hết cả gian hầm ngầm khổng lồ không cửa sổ và tất cả những cái miệng kia đều như đang mải ăn mải nói, tất nhiên là toàn chuyện bệnh tật, giọng người vang vang như trong một con đường hầm. Thỉnh thoảng loa phóng thanh lại phá tan bầu không khí ấy bằng mấy lời gọi bác sĩ hoặc hộ lí đi có việc. Trong lúc tôi đi tìm và giữ chỗ ngồi, Midori đi mua hai suất ăn và đem tới trên một chiếc khay nhôm. Chả cá với nước xốt kem, rau trộn khoai tây, bắp cải thái chỉ, rau luộc, cơm trắng và súp đậu tương: những món này xếp trên khay trong những cái đĩa nhựa trắng hệt như suất cơm của bệnh nhân. Tôi ăn khoảng nữa suất thì bỏ. Midori có vẻ rất ngon miệng cho đến tận miếng cuối cùng.

“Không đói à?” Cô hỏi, miệng nhấp trà nóng.

“Không đói thật,” tôi nói.

“Bệnh viện đấy mà,” cô nói, mắt nhìn khắp xung quanh. “Ai chưa quen cũng đều thế cả. Mùi mẽ, âm thanh, không khí tù đọng, mặt mũi bệnh nhân, lo âu, cáu bẳn, thất vọng, đau đớn, mệt mỏi – đó là nguyên nhân. Chúng thắt lấy bụng và làm mất hết dịch vị. Nhưng khi đã quen thì không có vấn đề gì. Với lại, cậu không thể chăm người ốm nếu không ăn uống tử tế. Thật đấy! Tớ biết tớ đang nói gì vì tớ đã phải chăm ông tớ, bà tớ, mẹ tớ, và bây giờ là bố tớ. Không thể biết lúc nào mình sẽ không kịp ăn nữa, nên hễ ăn được là phải ăn cho hẳn hoi.”

“Tớ hiểu điều cậu nói,” tôi bảo.

“Họ hàng đến thăm và họ đều ăn với tớ ở đây, và họ luôn bỏ mứa đến nữa suất, hệt như cậu. Và họ luôn mồm bảo “Ôi chao, Midori, thật tuyệt là cháu ăn ngon miệng được thế. Bác buồn quá không thể ăn được”. Nhưng đừng có vớ vẩn thế nghe chưa, tớ mới là người thực sự phải chăm sóc bệnh nhân! Họ chỉ ghé qua để bày tỏ chút cảm tình mà thôi. Tớ mới là đứa chùi đít, lấy đờm và lau trán. Nếu tình cảm có thể chùi đít được thì tớ còn tình cảm gấp năm mươi lần mấy người kia! Ấy thế mà khi họ thấy tớ ăn hết suất thì họ nhìn tớ bằng con mắt như thế và nói “Ôi chao, Midori, cháu ăn uống khỏe thật đấy!” Họ tưởng tớ là cái gì hả? Một con lừa kéo xe chăng? Họ đều đủ già để hiểu đời là thế nào, mà sao còn ngu đến thế? Đao to búa lớn thì dễ lắm, nhưng quan trọng là có dọn cứt được không kia. Tớ có thể bị tổn thương, cậu biết không? Tớ cũng kiệt sức như bất kì ai. Và tớ cũng buồn đến mức phát khóc nữa. Cậu hiểu không? Cậu hãy thử nhìn một lu bác sĩ xúm vào mổ đầu người ta ra khi chẳng còn hy vọng gì cứu được người ấy nữa, rồi chọc chọc ngoáy ngoáy ở trong đó, rồi làm đi làm lại, và lần nào cũng chỉ làm cho người ta tồi tệ hơn và điên rồ hơn, thì cậu mới hiểu tâm trạng của tớ! Và chưa hết, cậu còn phải thấy tiền dành dụm của cậu cứ hao đi tửng ngày. Tớ không biết mình có đủ sức học thêm ba năm rưỡi đại học nữa không đây còn chị tớ thì chắc chắn là không thể làm đám cưới trong cảnh này được nữa rồi.”

“Mỗi tuần cậu đến đây mấy ngày?” tôi hỏi.

“Thường là bốn,” Midori nói. “Chỗ này vẫn nói là họ có dịch vụ hộ lí toàn phần, và hộ lí của họ cũng tốt, nhưng họ có quá nhiều bệnh nhân. Gia đình phải có người vào lo những việc họ không làm xuể mới được. Chị tớ thì phải trông cửa hàng, tớ thì phải học. Thế mà chị ấy vẫn đến đây được ba ngày một tuần, còn tớ thì bốn. Rồi thì bọn tớ cũng tranh thủ vào thêm lúc này lúc khác nữa. Cứ tin tớ đi, lịch bọn tớ kín mít hết cả!”

“Cậu bận như thế mà sao vẫn đi chơi được với tớ?”

“Vì tớ thích đi chơi với cậu,” Midori nói, tay nghịch cái cốc nhựa.

“Cậu ra ngoài đi dạo lấy một hai tiếng đi,” tôi nói. “Tớ sẽ trông ông cụ cho cậu.”

“Tại sao?”

“Cậu cần ra khỏi bệnh viện và thư giãn một mình – đừng nói gì với ai cả, để đầu óc sảng khoái ra thôi.”

Midori nghĩ một lúc rồi gật đầu. “Hừmm, có lẽ cậu nói phải. Nhưng cậu có biết làm không? Chăm bố tớ ấy?”

“Tớ đã quan sát rồi. Tớ đã hiểu kha khá công việc ấy. Kiểm tra van truyền này, cho cụ uống nước này, lau mồ hôi này, và để cho cụ khạc đờm ra nữa. Cái bô thì ở dưới gầm giường, và nếu cụ đói thì tớ sẽ cho cụ ăn nốt suất cơm trưa. Còn có cái gì tớ không biết thì tớ sẽ hỏi hộ lí.”

“Tớ nghĩ thế là được rồi,” Midori nói với một nụ cười “Còn có một thứ nữa thôi. Ông cụ bắt đầu lẩn thẩn rồi, nên thỉnh thoảng sẽ nói linh tinh những thứ không ai hiểu được. Cậu đừng phiền nếu cụ làm vậy.”

“Tớ không sao mà,” tôi nói.

Trở lại phòng, Midori bảo bố rằng cô phải lo mấy việc và rằng tôi sẽ trông cụ trong lúc cô đi vắng. Ông cụ có vẻ chẳng có gì để nói về việc này. Cũng có thể nó chẳng có nghĩa gì với ông. Ông chỉ nằm ngửa ở đó, mắt dán lên trần nhà. Nếu thỉnh thoảng mắt ông không chớp thì người ta có thể nghĩ là ông đã chết. Mắt ông đỏ ngầu như thể vừa uống rượu say, và mỗi lần ông hít một hơi dài thì hai cánh mũi lại nở ra một chút. Ngoài ra thì ông không động cựa tí gì hết, và cũng chẳng cố sức đáp lại Midori lời nào. Tôi không thể đoán biết ông đang nghĩ gì hoặc cảm thấy gì trong những tầng sâu thẳm của cõi thức.

Sau khi Midori đã đi, tôi tưởng mình có thể thử chuyện trò với bố cô, nhưng tôi không biết nói gì và nói như thế nào, nên đành giữ im lặng. Chẳng mấy chốc, ông cụ nhắm mắt lại và ngủ thiếp đi. Tôi ngồi trên chiếc ghế đẩu cạnh đầu giường và theo dõi

những động đậy thi thoảng cửa cánh mũi ông, hy vọng miên man rằng ông sẽ không chết lúc bấy giờ. Sẽ lạ lùng biết bao, tôi nghĩ bụng, nếu người đàn ông này thở hơi cuối cùng khi có tôi bên cạnh. Dù sao thì tôi cũng mới gặp ông lần đầu tiên trong đời và cái duy nhất đem chúng tôi lại với nhau là Midori, một cô gái tôi tình cờ gặp gỡ trong lớp Lịch sử sân khấu.

Nhưng ông cụ không chết, chỉ ngủ yên ở đó. Ghé sát tai vào mặt cụ, tôi có thể nghe tiếng thở yếu ớt của cụ.

Tôi không căng thẳng nữa và quay sang hỏi chuyện bà vợ ông giường bên cạnh. Bà ta chỉ nói về Midori, cho rằng tôi là bạn trai của cô.

“Cô ấy là một cô gái thực sự tuyệt vời,” bà nói. “Cô ấy chăm sóc bố rất chu đáo; cô ấy tốt bụng, dịu dàng, nhạy cảm và chắc chắn, và cô ấy lại xinh đẹp nữa. Cậu hãy đối xử với cô ấy cho đúng đắn. Đừng bao giờ để mất cô ấy. Cậu không thể tìm thấy ai như cô ấy nữa đâu.”

“Cháu sẽ đối xử tốt với cô ấy,” tôi nói, không muốn đi sâu hơn.

“Tôi có một con trai và một con gái ở nhà. Thằng con trai mười bảy, con gái hai mốt, thế mà không đứa nào nghĩ đến chuyện đến bệnh viện thăm bố bao giờ. Hễ tan học là chúng nó tếch đi lướt ván hoặc bồ bịch hoặc gì gì đó ai biết được. Chán thế đấy. Chúng chỉ biết moi tiền mẹ rồi biến.”

Một giờ rưỡi thì bà ta ra ngoài đi mua sắm vài thứ. Cả hai người đàn ông đều ngủ say. Nắng chiều dìu dịu tràn ngập gian phòng, và tôi cảm thấy như mình có thể bập bềnh trôi đi bất kì lúc nào khi ngồi vắt vẻo trên chiếc ghế đẩu ấy. Những bông cúc vàng và trắng trong chiếc bình trên bàn cạnh cửa sổ nhắc nhở rằng trời đã sang thu. Trong không khí có mùi thơm của món cá luộc còn lại từ bữa trưa. Đám hộ lí vẫn lóc cóc lên xuống ngoài hành lang, nói chuyện với nhau bằng những giọng khúc triết dễ nghe. Thỉnh thoảng họ lại ngó vào phòng rồi nở với tôi một nụ cười khi thấy cả hai bệnh nhân đều đang ngủ. Tôi ước có cái gì để đọc, nhưng trong phòng không có sách báo

tạp chí gì, chỉ có mỗi một tờ lịch treo trên tường.

Tôi nghĩ đến Naoko. Tôi tưởng đến lúc nàng trần trụi, chỉ có dải buộc tóc trên đầu. Tôi nhớ đến đường cong chỗ thắt lưng nàng và bóng tối chỗ lông mu nàng. Tại sao nàng lại phô bày cho tôi xem như thế? Nàng mộng du chăng? Hay đó chỉ là ảo mộng của tôi? Thời gian cứ trôi đi và cái thế giới nhỏ bé ấy lại lùi xa dần ra, và tôi càng không chắc chuyện đêm ấy có thực diễn ra hay không. Nếu tôi tự nhủ nó là thực thì tôi tin là nó có thực. Nếu tôi tự nhủ đó chỉ ảo mộng, nó lại có vẻ là ảo mộng thật. Nó quá rõ và quá chi tiết để có thể ảo mộng, mà lại quá hoàn chỉnh và đẹp đẽ để có thể là thực: Tấm thân của Naoko và ánh trăng ấy.

Bố Midori bỗng nhiên thức dậy và bắt đầu ho, khiến giấc mộng ngày của tôi chấm dứt. Tôi giúp ông khạc đờm vào một miếng giấy lau mặt, và lấy khăn lau trán cho ông.

“Ông có muốn uống nước không ạ?” Tôi hỏi, và được đáp lại bằng một cái gật đầu chừng bốn mi-li-mét.

Tôi giữ cái chai nước thuỷ tinh nhỏ để ông có thể nhấp từng tí một, cặp môi khô run run, cổ họng lẩy bẩy. Ông uống hết sạch chỗ nước âm ấm trong chai.

“Ông uống thêm tí nữa không ạ?” Tôi hỏi. Ông có vẻ muốn nói, nên tôi ghé tai lại gần hơn.

“Đủ rồi,” giọng ông nhỏ và khô, còn nhỏ và khô hơn trước.”

“Ông ăn chút gì nhé? Chắc ông đói rồi.” Ông đáp bằng một thoáng gật đầu. Như Midori đã làm, tôi xoay cái cần dựng đầu giường lên rồi bón cho ông từng thìa rau nghiền và cá luộc thay đổi nhau. Rất lâu mới cho ông ăn hết được độ nửa phần thức ăn, và đến đó thì ông hơi lắc đầu ra hiệu thôi không ăn nữa. Động tác của ông gần như không nhìn thấy được, rõ ràng cử động mạnh vẫn còn làm ông đau.

“Còn hoa quả thì sao ạ?” Tôi hỏi ông.

“Thôi”, ông nói. Tôi lau hai bên mép cho ông bằng khăn và hạ đầu giường xuống như cũ rồi dọn chỗ bát đĩa ra ngoài hành lang.

“Có ngon không ông?” tôi hỏi.

“Kinh lắm”, ông đáp.

“Vâng,” tôi mỉm cười với ông. “Trông cũng chán thật.” Bố Midori có vẻ không biết nên mở mắt ra thêm hay nhắm lại khi ông nằm đó và nhìn tôi chằm chằm. Không biết ông có biết tôi là ai không. Ông có vẻ thoải mái với tôi một mình thế này hơn lúc có Midori. Có thể ông tưởng tôi là ai đó. Hoặc giả đấy là tôi thích nghĩ vậy.

“Ngoài kia trời đẹp lắm ạ,” tôi nói, ngồi bắt chéo chân trên chiếc ghế đẩu. “Mùa thu rồi, Chủ nhật, thời tiết tuyệt vời, đi đâu cũng thấy đông người ông ạ. Những hôm như hôm nay thì cứ nghỉ ngơi ở trong nhà thế này là tốt nhất. Ra đám đông mệt người lắm. Mà không khí cũng không tốt. Chủ nhật cháu chủ yếu chỉ giặt giũ thôi sáng thì đi giặt, mang lên nóc nhà học xá phơi, chiều thì lại cất hết xuống trước khi trời tối, rồi là chúng thật kĩ. Cháu chẳng ngại là quần áo tí nào. Là cho mọi thứ nhàu nhĩ phẳng ra cho ta một cảm giác thoả mãn đặc biệt. Và cháu làm việc đó khá giỏi. Tất nhiên lúc đầu thì lung tung lắm. Cháu còn làm quần áo bị nhầu thêm nữa. Nhưng sau một tháng thì cháu biết phải làm gì. Cho nên Chủ nhật là ngày cháu giặt giũ và là quần áo. Hôm nay thì cháu không làm được, tất nhiên rồi. Chán thật: mất một ngày giặt là lí tưởng. “Nhưng không sao ông ạ. Mai cháu sẽ dậy sớm và làm bù những việc ấy. Ông đừng lo. Cháu cũng chẳng có việc gì khác vào Chủ nhật.

“Sáng mai, sau khi đã giặt và phơi quần áo, cháu sẽ đến lớp lúc mười giờ. Đấy là lớp cháu cùng học với Midori: Lịch sử sân khấu. Cháu đang học về Euripides. Ông có biết Euripides không ạ? Đó là một người Hy Lạp cổ đại, một trong “Tam Hùng” của bi kịch Hy Lạp, cùng với Aeschylus và Sophocles. Hình như ông ta chết vì bị một con chó cắn ở Macedonia, nhưng không phải ai cũng tin chuyện đó. Đại khái đó là Euripides. Cháu thích Sophoaes hơn, nhưng chắc đó chỉ là vấn đề thị hiếu thôi. Thực sự là cháu không biết ông nào hay hơn ông nào.

“Điều làm cho kịch của ông ta được mọi người chú ý là cái cách ông ấy làm rối tinh sự việc lên và khiến cho các nhân vật bị mắc kẹt trong hoàn canh. Ông có nghe thủng không ạ?” Rất nhiều nhân vật khác nhau xuất hiện, và tất cả đều có hoàn cảnh riêng, lí do riêng và lí lẽ riêng, và người nào cũng đang theo đuổi lí tưởng công bằng hoặc hạnh phúc của mình. Kết quả là chẳng ai làm được gì hết. Rõ ràng rồi. Cháu muốn nói là về cơ bản thì không thể nào có chuyện công lí của ai cũng thắng thế hoặc hạnh phúc của ai cũng thắng thế, và thế là xảy ra hỗn loạn. Rồi thì ông có biết chuyện gì xảy ra sau đó không?” Rất đơn giản – một vị thần xuất hiện vào cuối vở kịch và bắt đầu điều khiển xe cộ trên đường. “Anh này đi ra kia, còn chị này đi ra đây, và cậu thì về với cô ấy, còn cô này thì hãy ngồi yên ở đấy đã”. Như vậy đấy. Kiểu như một người đến để giải quyết mọi chuyện, và cuối cùng thì hoàn hảo đâu vào đấy cả. Họ gọi thế là
[4]

thủ pháp “deus ex machina” . Trong kịch của Euripides hầu như lúc nào cũng dùng thủ pháp, và chính vì thế mà giới phê bình có những ý kiến khác hẳn nhau về ông ta.

“Nhưng thử nghĩ mà xem, giá có được một cái “deus ex machina” ở ngoài đời thực thì ra sao?” Mọi chuyện sẽ dễ dàng biết mấy! Nếu ta thấy bế tắc và mắc kẹt, một vị thần nào đó sẽ từ trên kia lượn xuống và giải quyết mọi vấn đề cho ta. Còn gì dễ hơn thế nữa. Đấy, đại khái Lịch sử sân khấu là như vậy ông ạ. Những cái bọn cháu học ở đại học đại loại cũng như vậy cả.”

Bố Midori không nói gì, nhưng ông hướng cặp mắt trống rỗng về phía tôi trong suốt lúc tôi nói. Tất nhiên tôi không thể đoán từ đó xem ông có hiểu tí gì những điều tôi nói.

“Vì Hoà bình,” tôi nói.

Sau câu chuyện dông dài ấy, tôi thấy đói cồn cào.

Tôi đã hầu như không ăn sáng và đã chỉ ăn nửa suất cơm trưa. Bây giờ thì tôi hối hận đã không ăn nhiều hơn, nhưng hối cũng chẳng được gì. Tôi ngó vào tủ xem có gì ăn được không, nhưng chỉ thấy một hộp rong biển, vài viên thuốc ho Vicks và xì-dầu. Cái túi giấy vẫn ở đó với mấy củ dưa chuột và quả bưởi.

“Cháu ăn một ít dưa chuột có được không ạ?” tôi nói với bố Midori. Ông cụ không đáp. Tôi rửa ba củ dưa chuột trong bồn nước và rót một ít xì-dầu ra một cái đĩa. Rồi tôi cuốn ít rong biển quanh một củ dưa chuột, chấm nó vào xì-dầu và nhồm nhoàm ăn.

“Ừ ừ, ngon tuyệt!” tôi nói với bố Midori. “Tươi, đơn giản, sực nức mùi đời. Dưa ngon thật ông ạ. Có lí hơn quả kiwi nhiều.”

Tôi ăn nhẵn một củ và đánh tiếp củ nữa. Tiếng tôi nhai rau ráu vang khắp cả gian phòng. Ăn xong củ thứ hai tôi mới chịu nghỉ nhai. Tôi ra đun ít nước sôi chỗ cái bếp gas ngoài hành lang để pha trà.

“Ông có muốn uống gì không ạ? Nước nhé? Hay là nước quả?” Tôi hỏi bố Midori.

“Dưa chuột”, ông nói.

“Tuyệt!” Tôi mỉm cười. “Với rong biển chứ ạ?”

Ông hơi gật đầu. Tôi lại quay đầu giường lên. Rồi tôi cắt một miếng dưa chuột vừa miệng, cuốn một rẻo rong biển lên nó, cắm một cái tăm, chấm vào xì-dầu, rồi đưa lên miệng bệnh nhân đang chờ. Vẻ mặt hoàn toàn không đổi, bố Midori nhai miếng dưa từng nhát một và cuối cùng nuốt được nó.

“Sao ạ?” Ngon chứ ạ?”

“Ngon”, ông nói.

“Ăn thấy ngon là tốt lắm đấy,” tôi nói. “Chứng tỏ là mình vẫn còn sống đấy.”

Cuối cùng ông cụ ăn hết cả một củ dưa chuột. Ăn xong, ông muốn uống nước, và tôi lại cho ông uống từ cái chai ấy. Mấy phút sau, ông nói ông cần đi đái, thế là tôi lấy cái bô nước giải ở dưới gầm giường ra và hứng cho ông đi. Sau đó tôi đổ bô vào chuồng xí và rửa nó sạch sẽ. Rồi tôi trở lại phòng bệnh và uống nốt chỗ trà.

“Ông thấy trong người thế nào?” tôi hỏi.

“Đầu tôi,” ông nói.

“Đau hả ông?”

“Một chút” ông nói và nhăn mặt một tí.

“Không sao đâu ông ạ, ông vừa mổ xong mà. Tất nhiên là cháu không biết được, cháu chưa bị mổ bao giờ.”

“Vé” ông nói.

“Vé hả ông?” Vé gì ạ?”

“Midori”, ông nói. “Vé.”

Không thể hiểu ông định nói gì, tôi chỉ biết im lặng.

Ông cũng nằm yên một lúc. Rồi ông có vẻ như đang muốn nói “Làm ơn”. Ông mở to mắt và nhìn tôi rất chăm chú. Tôi đoán ông đang cố nói với tôi điều gì đó mà chịu không thể tưởng tượng ra được. “Ueno” ông nói. “Midori”

“Ga Ueno ấy ạ?”

Ông hơi gật đầu.

Tôi cố tóm lại những cái ông đang cố nói ra: “Vé, Midori, làm ơn, ga Ueno,” nhưng vẫn không hiểu ý nghĩa của chúng là gì. Tôi đồ chừng đầu óc ông còn lẫn lộn, nhưng so với trước thì mắt ông bây giờ trông tinh khủng khiếp ông giơ cánh tay không bị tiêm truyền lên và với về phía tôi. Chắc ông phải cố sức lắm, bàn tay ông run lẩy bẩy trong không trung. Tôi đứng lên và nắm lấy bàn tay nhăn nheo yếu ớt ấy. Ông đáp lại bằng một cái nắm tay mà chắc ông đã phải dồn hết sức bình sinh và lại nói “Làm ơn.”

“Ông đừng lo,” tôi nói. “Cháu sẽ thu xếp cái vé, và cả Midori nữa.”

Ông để bàn tay rơi phịch xuống giường rồi nhắm mắt. Sau đó, ông trút một hơi thở nghe như một tiếng kêu to rồi bặt đi vào giấc ngủ. Tôi vội kiểm tra để biết chắc là ông vẫn sống, rồi ra ngoài đun thêm nước pha trà. Trong khi nhấp nháp trà nóng, tôi bỗng thấy lòng mình vừa nảy sinh một tình cảm gần như yêu mến với ông già bé nhỏ đang cận kề cái chết này.

Ít phút sau thì bà vợ ông bệnh nhân kia trở về và hỏi mọi việc có ổn cả không. Tôi nói ổn cả. Chồng bà cũng đang ngủ say với những nhịp thở sâu.

Sau ba giờ thì Midori về.

“Tớ ở ngoài công viên, nằm thượt suốt,” cô nói. “Tớ theo lời cậu, không nói chuyện với ai, chỉ để đầu óc trống rỗng đi thôi.”

“Cậu thấy thế nào?”

“Cám ơn, tớ thấy khá hơn nhiều. Vẫn còn cảm giác mệt mỏi trì trệ, nhưng tớ thấy người nhẹ nhõm hơn trước nhiều. Có lẽ tớ mệt lắm mà không biết.”

Ông cụ còn đang ngủ say, chúng tôi cũng chẳng có việc gì, nên hai đứa mua cà-phê ở một máy bán tự động và đem vào phòng TV ngồi uống. Tôi báo cáo tình hình lúc Midori đi vắng, rằng bố cô đã ngủ tốt, rồi thức dậy và ăn một ít đồ còn lại của bữa trưa, sau đó thấy tôi ăn dưa chuột và đòi ăn một củ, rồi ăn hết một củ và đi đái.

“Watanabe, cậu thật tuyệt vời,” Midori nói. “Bọn tớ đến phát điên lên mà không thể cho ông ấy ăn được gì, thế mà cậu cho cụ ăn hết cả một quả dưa chuột! Không thể tin được!”

“Tớ không biết, có lẽ vì cụ thấy tớ ăn ngon lành quá”

“Hoặc có lẽ cậu có tài làm người khác thấy thoai mái.”

“Không có đâu,” tôi cười. “Sẽ có nhiều người nói với cậu ngược lại về tớ đấy.”

“Cậu thấy bố tớ thế nào?”

“Tớ thích ông ấy. Chẳng phải vì người cháu nói gì nhiều với nhau. Nhưng, tớ không biết nữa, ông cụ có vẻ hay lắm.”

“Cụ cứ im thin thít phải không?”

“Cậu phải thấy ông ấy tuần trước cơ. Khủng khiếp”. Midori lắc đầu. “Như hoàn toàn mất trí và phát cuồng lên. Ném cả một cái cốc vào tớ và gào lên nhưng câu ghê gớm như “Sao mày không chết đi hả con ngu xuẩn kia!” Cái bệnh này nó làm người ta ra như vậy. Họ không biết tại sao, nhưng đùng một cái nó có thể làm người ta thành xấu xa đểu cáng. Mẹ tớ cũng thế! Cậu có biết bà ấy nói gì với tớ không? “Mày không phải con tao! Tao căm thù cái bụng dạ mày!” Cả thế giới đen ngòm mất một giây khi bà ấy nói thế với tớ. Nhưng những chuyện như thế là một đặc điểm của căn bệnh đặc biệt này. Một chỗ nào đó trên não bộ bị chèn ép và khiến người ta mở mồm nói đủ mọi thứ xấu xa. Biết là bệnh thật, nhưng vẫn thấy đau. Biết làm sao được! Như tớ đây này, hầu hạ họ đến lòi cả xương ra mà vẫn phải nghe họ mắng chửi thậm tệ đủ thứ.”

“Tớ hiểu,” tôi nói. Rồi chợt nhớ những từ kì lạ mà bố Midori đã lẩm nhẩm với tôi.

“Vé” Ga Ueno” “Midori nói. “Là cái gì thế nhỉ?”

“Và cụ còn nói Làm ơn, và “Midori.”

“Làm ơn chăm sóc Midori ư?”

“Hoặc cụ muốn cậu đến ga Ueno mua vé chăng?”

“Thứ tự bốn từ ấy loạn xì ngậu cả, ai mà biết cụ muốn nói gì? Ga Ueno có ý nghĩa gì đặc biệt với cậu không?”

“Hừmm, Ga Ueno.” Midori nghĩ ngợi một lúc. “Tớ chỉ có thể nghĩ đến hai lần tớ bỏ nhà đi, lần lên tám và lần lên mười. Lần nào tớ cũng đi tàu từ Ueno đi Fukushima. Mua vé bằng tiền tớ lấy ở quầy thu ngân. Có người ở nhà làm tớ rất tức, và tớ bỏ đi để

trả thù. Tớ có bà bác ở Fukushima, tớ cũng thích bà ấy, và thế là tớ tìm đến nhà bà. Bố tớ là người đã đi tìm và đưa tớ về. Đi đến tận Fukushima để tìm tớ – hàng trăm dặm chứ ít đâu! Hai bố con ăn cơm hộp trên chuyến tàu về Ueno. Bố tớ kể đủ thứ chuyện trong lúc đi đường, từng mẩu ngắn một và rất rời rạc. Ví dụ chuyện động đất lớn hồi 1923, chuyện hồi chiến tranh, hoặc hồi tớ mới đẻ, những chuyện mà rất ít khi ông ấy nói đến. Nghĩ cũng lạ, đó là những lần bố và tớ nói chuyện tử tế được với nhau, chỉ có hai bố con. Này, cậu có tin được không? – bố tớ ở ngay giữa Tokyo khi xảy ra một trong những trận động đất lớn nhất trong lịch sử mà ông ấy không biết gì cả!”

“Làm gì có chuyện ấy?”

“Thật mà! Ông ấy đang đạp xe qua khu Koishikawa, đèo một cái xe đẩy ở đằng sau, và ông ấy không cảm thấy gì hết. Khi về đến nhà, tất cả ngói trên mái nhà trong khu phố đều đã rơi đầy đường và mọi người trong nhà đang ôm cột run lẩy bẩy hết cả. Thế mà ông ấy vẫn không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Theo lời bố tớ thì ông ấy còn hỏi “ở đây có chuyện quái gì thế này” Đó là “hồi ức âu yếm của bố tớ về trận động đất Kanto vĩ đại!” Midori cười. “Tất cả những câu chuyện ngày xưa của ông ấy đều như thế cả. Không có một tí kịch tính nào. Tất cả chúng đều có vẻ lệch trọng tâm. Tớ không biết, khi ông ấy kể những chuyện ấy, người nghe có cảm giác như nước Nhật trong năm mươi hoặc sáu mươi năm vừa qua đã chẳng có chuyện quái gì quan trọng. Vụ nổi dậy của các sĩ quan trẻ năm 1936, cuộc Chiến tranh Thái Bình Dương, tất cả đều chỉ là kiểu “ồ phải rồi, đúng thế đấy, có lẽ có chuyện đại loại thế đã xảy ra thật”. Buồn cười thế đấy!”

“Bây giờ quay lại chuyện hai bố con trên tàu hoả nhé, ông ấy cứ kể từng mẩu rời rạc những chuyện như thế trong lúc đi từ Fukushima về Ueno. Cuối cùng thì bao giờ ông ấy cũng bảo, “Con đã thấy chưa, Midori, con đi đâu thì cũng thế thôi à”. Còn bé tí thế mà tớ cũng đã có ấn tượng về những chuyện như vậy rồi.”

“Đó là “hồi ức âu yếm của cậu về Ga Ueno đấy à?” tôi hỏi.

“Ờ” Midori nói. Watanabe, cậu đã bao giờ bỏ nhà đi chưa?”

“Chưa bao giờ.”

“Tại sao?”

“Thiếu trí tưởng tượng. Tớ chưa bao giờ có ý định bỏ nhà.”

“Cậu lạ thật!” Midori nói, nghếch đầu lên như thể ngạc nhiên thật sự.

“Tớ cũng không biết nữa,” tôi nói.

“Thôi được rồi, mà này, tớ nghĩ bố tớ định nói ông ấy muốn cậu chăm sóc tớ thì phải.”

“Thật ư?”

“Thật chứ! Tớ hiểu những chuyện như vậy. Trực cảm mà. Vậy nói tớ nghe, cậu đã trả lời ông ấy thế nào?”

“À tớ không hiểu ông cụ nói gì, nên chỉ bảo ôkê, đừng lo, tớ sẽ thu xếp ổn thoả cả cậu lẫn cái vé.”

“Cậu hứa với bố tớ thế à?” Cậu bảo cậu sẽ chăm sóc tớ thật à?” Cô nhìn thẳng vào mắt tôi với vẻ mặt nghiêm chỉnh chết người.

“Không phải thế,” tôi vội chữa. “Thực là tớ không hiểu ông cụ nói gì, nên…”

“Đừng lo, tớ chỉ đùa thôi mà,” cô nói và mỉm cười. “Tớ thích cái tính ấy của cậu.”

Midori và tôi uống nốt chỗ cà-phê rồi trở lại phòng bệnh. Bố cô vẫn ngủ say. Nếu ghé sát lại, có thể nghe tiếng ông thở đều. Càng về chiều, ánh sáng ngoài cửa sổ càng đượm vẻ thu nhẹ nhàng dịu ngọt. Một bày chim đậu trên dây điện ở ngoài đó một lúc rồi lại bay đi.

Midori và tôi ngồi trong góc phòng rì rầm trò chuyện. Cô bói tay cho tôi và tiên đoán tôi sẽ sống đến một trăm linh năm tuổi, lấy vợ ba lần, và chết vì tai nạn xe cộ.

“Không đến nỗi tệ,” tôi nói.

Khi ông bố tỉnh giấc vào lúc sau bốn giờ, Midori đến ngồi cạnh gối ông, lau trán cho ông, cho ông uống nước và hỏi ông còn đau đầu nữa không. Một cô hộ lí đến cặp nhiệt độ cho ông, ghi lại số lần ông đi giải, kiểm tra thiết bị tiêm truyền. Tôi sang phòng TV và xem một ít chương trình bóng đá.

Năm giờ thì tôi bảo Midori là tôi phải đi. Tôi phân bua với ông cụ rằng mình phải đi làm. “Cháu bán đĩa hát ở Shinjuku từ sáu đến mười rưỡi.”

Ông đưa mắt nhìn tôi và hơi gật đầu.

“Watanabe này, tớ không biết phải nói thế nào, nhưng tớ thực lòng cám ơn cậu về ngày hôm nay,” Midori nói khi chia tay với tôi dưới sảnh tiếp tân.

“Tớ chẳng làm gì được mấy,” tôi nói. “Nhưng nếu tớ có thể giúp cậu thì tuần sau tớ lại đến. Tớ muốn gặp lại ông cụ.”

“Thật ư?”

“Thì ở học xá tớ cũng có làm gì đâu, mà đến đây thì lại còn được ăn dưa chuột.”

Midori khoanh tay và giậm giậm gót chân xuống sàn nhà trải vải nhựa.

“Tớ thích đi uống rượu nữa với cậu,” cô nói, hơi nghếch đầu.

“Thế còn phim con heo thì sao?”

“Mình sẽ xem phim trước rồi mới đi uống rượu. Và mình sẽ nói đủ mọi chuyện kinh tởm thông thường.”

“Tớ không phải là người nói những chuyện kinh tởm,” tôi phản đối. “Mà là cậu.”

“Thôi được rồi, mình sẽ nói những chuyện như thế và đều máu lên rồi rủ nhau lên giường.”

“Rồi cậu có biết chuyện gì sau đó không,” tôi nói với một tiếng thở dài. “Tớ sẽ định làm chuyện ấy nhưng cậu nhất định không cho. Đúng không nào?”

Cô cười qua giọng mũi.

“Nhưng không sao,” tôi nói, “đến đón tớ sáng Chủ nhật tới nhé. Mình sẽ cùng đến đây.”

“Tớ sẽ mặc váy dài hơn một tí nhé?”

“Nhất định phải thế đấy,” tôi nói.

Nhưng tôi không đến bệnh viện Chủ nhật sau đó. Bố Midori mất vào sáng thứ Sáu.

Cô gọi cho tôi lúc sáu rưỡi sáng để báo tin ấy.

Tiếng chuông cửa báo cho tôi biết có người gọi cho tôi và tôi chạy ù xuống sảnh đợi, chỉ kịp khoác một cái áo len ra ngoài bộ quần áo ngủ. Trời đang mưa âm thầm và rất lạnh.

“Bố tớ vừa đi được mấy phút,” Midori nói với một giọng rất lặng lẽ và khẽ khàng. Tôi hỏi tôi có thể giúp gì được không. “Cám ơn,” cô nói. “Thực chẳng có việc gì đâu. Bọn mình đã qucn việc tang ma rồi. Tớ chỉ muốn báo tin để cậu biết.”

Tôi có thể nghe thấy tiếng thở dài bật ra ở đầu dây bên cô.

“Đừng đến đám ma nhé, ôkê! Tớ ghét thế lắm. Tớ không muốn thấy cậu ở đó.”

“Tớ hiểu rồi, tôi nói.

“Cậu sẽ đưa tớ đi xem phim con heo thật chứ?”

“Tất nhiên rồi.”

“Một phim thật kinh tởm chứ?”

“Tớ sẽ nghiên cứu vấn đề này thật kĩ”

“Tốt. Tớ sẽ gọi cho cậu,” cô nói rồi gác máy.

Một tuần trôi qua và Midori vẫn biệt tăm. Không có cú điện thoại nào, cũng không thấy bóng dáng cô ở giảng đường. Lần nào trở về học xá tôi cũng mong có tin cô, mà chẳng có gì. Một đêm, tôi đã định giữ lời hứa sẽ nghĩ đến cô trong lúc thủ dâm, nhưng không ăn thua. Tôi cố chuyển sang nghĩ đến Naoko, nhưng ngay cả hình ảnh của Naoko cũng chẳng giúp gì được tôi lần ấy. Tôi cảm thấy nực cười và đành bỏ cuộc. Tôi nốc một ngụm whisky, đánh răng, rồi đi ngủ.

Sáng Chủ nhật tôi viết thư cho Naoko. Một chuyện tôi kể cho nàng nghe là chuyện ông bố của Midori. Mình đến bệnh viện thăm bố của một cô gái học cùng một lớp và ăn mấy quả dưa chuột trong phòng ông ấy. Lúc nghe tiếng mình nhai dưa, ông cụ cũng muốn ăn, và ăn quả dưa của ông ấy cũng rau ráu như thế. Nhưng năm ngày sau thì ông ấy chết. Mình vẫn nhớ như in cái tiếng rau ráu nho nhỏ của ông ấy lúc nhai dưa. Sau khi chết, người ta để lại những kí ức nho nhỏ lạ lùng về họ như thế đấy. Rồi tôi viết tiếp:

Mình nghĩ đến cậu và Reiko và nhà nuôi chim trong lúc vừa tỉnh dậy trên giường vào buổi sáng. Mình nghĩ đến con công, bầy bồ câu, lũ vẹt và mấy con gà tây – và cả bầy thỏ nữa. Mình nhớ những cái áo mưa vàng mà cậu và Reiko mặc có mũ chùm đầu buổi sáng trời mưa ấy. Thật dễ chịu khi nghĩ đến cậu lúc nằm ấm áp trên giường. Mình cảm thấy như cậu đang cuộn tròn bên cạnh và ngủ rất say. Và mình nghĩ giá được thế thì hay biết mấy.

Có đôi khi mình nhớ cậu kinh khủng, nhưng nói chung mình vẫn tiếp tục sống với tất cả sức lực có được của mình. Cũng như sáng nào cậu cũng chăm bầy chim và làm ruộng, sáng nào mình cũng lên bộ dây cót của mình. Hễ dậy một cái là mình vặn nó đủ ba mươi sáu vòng, nào đánh răng, cạo mặt, ăn sáng, thay quần áo, rồi ra khỏi khu học xá để đến trường. Mình tự nhủ, “Ôkê, hãy cứ làm cho ngày hôm nay thành một ngày tốt lành nữa đã nào.” Trước đây mình không để ý, nhưng mọi người bảo với

mình là dạn này mình rất hay nói một mình. Có lẽ đó là lúc mình đang lên dây cót chăng.

Không được gặp cậu thật khổ, nhưng cuộc sống của mình ở Tokyo sẽ còn khổ sở hơn nhiều nếu không có cậu. Chính vì nghĩ đến cậu mỗi sáng trên giường mà mình mới có thể lên dây cót cho mình và tự nhủ hãy sống thêm một ngày tốt lành nữa. Mình biết rằng mình phải cố gắng hết sức ở đây, cũng như cậu đang cố gắng ở nơi ấy.

Hôm nay Chủ nhật, và là ngày mình không lên dây cót. Mình vừa giặt giũ xong, và bây giở thì đang ngồi trong phòng viết thư cho cậu. Viết xong mình sẽ dán tem và đi bỏ nó vào thùng thư, và sẽ chẳng có gì phải làm nữa cho đến lúc mặt trời lặn xuống. Mình không học bài vào Chủ nhật. Trong tuần mình đã học trong thư viện giữa những giờ lên lớp đủ rồi và đến Chủ nhật thì chẳng còn gì phải làm nữa. Chiều Chủ nhật thật im ắng, yên bình, và với mình thì cũng thật cô liêu. Mình đọc sách hoặc nghe nhạc. Đôi khi mình nhớ lại những con đường khác nhau mà bọn mình thường lang thang trong những ngày Chủ nhật ở khắp chốn Tokyo. Mình có thể nhớ lại tương đối ro cả những bộ quần áo cậu đã mặc trong những chuyến đi ấy. Chiều Chủ nhật là lúc mình nhớ lại đủ thứ chuyện.

Cho mình gửi lời thăm Reiko. Mình thực sự nhớ tiếng ghi-ta của chị ấy vào ban đêm.

Viết xong lá thư, tôi đi bộ mấy đoạn phố đến một thùng thư, rồi vào cửa hàng bánh gần đó mua một chiếc bánh kẹp trứng và một hộp coca ăn thay bữa trưa trong lúc ngồi trên một chiếc ghế băng nhìn mấy đứa trẻ chơi bóng chày ở sân chơi bên cạnh. Mùa thu đang chín đã khiến bầu trời xanh hơn và thăm thẳm hơn. Tôi ngẩng lên và thấy hai dải khói máy bay trắng phau đang song song vạch ngang trời về phía Tây như một cặp ray tàu hoả. Một trái bóng đi chệch lăn đến chỗ tôi, và khi tôi ném nó lại cho bọn trẻ, chúng đều nhấc mũ và lễ phép nói “Cám ơn ông.” Như hầu hết những trận bóng chày thiếu niên, tôi thấy bọn trẻ chạy qua chạy lại và để lỡ cơ hội rất nhiều.

Qua giờ trưa thì tôi trở về phòng đọc sách nhưng không thể tập trung nổi. Và tôi thấy mình chỉ dán mắt lên trần nhà và nghĩ đến Midori. Không biết bố cô có thực sự xin tôi

hãy chăm sóc cô sau khi ông mất hay không. Tôi không có cách nào đoán được những ý nghĩ của ông. Có thể ông đã tưởng tôi là ai đó khác. Dù sao thì ông cũng đã ra đi vào một sáng thứ Sáu khi trời đang mưa lạnh, và bây giờ thì không thể biết được nữa rồi. Tôi tưởng tượng khi chết ông còn teo tóp đi nhiều nữa, và rồi họ đã thiêu ông trong lò cho đến lúc chẳng còn gì nữa ngoài mấy nhúm tro. Ông đã để lại những gì? Một hiệu sách tầm tầm trong một khu phố tầm tầm với hai cô con gái mà ít nhất là tôi biết có một cô còn hơn cả hơi là lạ một chút. Một cuộc đời kiểu gì vậy? Tôi tự hỏi. Khi nằm trên giường bệnh với cái đầu đã bị mổ toang và bộ óc mờ mịt, ông đã nghĩ gì khi nhìn tôi?

Nghĩ mãi những ý nghĩ như thế về bố Midori khiến tôi lâm vào tâm trạng khổ sở đến nỗi chưa tối tôi đã lên nóc nhà cất hết quần áo còn chưa khô xuống rồi đến Shinjuku lang thang đi bộ giết thời giờ. Những đám đông ngày Chủ nhật khiến tôi thấy nhẹ nhõm được một chút. Hiệu sách Kinokuniya đông nghẹt như một đoàn tàu giờ cao điểm. Tôi mua một cuốn Ánh sáng tháng Tám của Faulkner và tìm đến một tiệm cà-phê ồn ào nhất mà tôi biết, vừa đọc cuốn sách mới mua vừa nghe nhạc Ornette Coleman và Bud Powell và uống cà-phê nóng đặc quánh với mùi vị chẳng ra gì. Đến năm rưỡi thì tôi gập sách lại, ra ngoài ăn một bữa tối nhẹ. Còn bao nhiêu Chủ nhật, bao nhiêu trăm Chủ nhật nữa như thế này ở trước mặt tôi? “Im ắng, yên bình, và cô liêu,” tôi nói to lên với chính mình. Tôi không lên dây cót vào những ngày Chủ nhật.