Rừng Na Uy

Chương 5




Cám ơn cậu vì bức thư, Naoko viết. Gia đình nàng đã chuyển nó đến đây, nàng nói. Chẳng những nàng không phiền, mà trái lại bức thư đã làm nàng rất hạnh phúc, và quả thực lúc ấy nàng cũng đang định viết cho tôi.

Đọc đến đấy thôi, tôi ra mở cửa sổ, cởi áo ngoài và ngồi lên giường. Tôi có thể nghe thấy tiếng chim gù từ một chuồng câu gần đó. Gió nhẹ làm lay động màn cửa. Cầm bảy trang giấy viết của Naoko, tôi thả mình vào một dòng cảm xúc vô tận. Dường như màu sắc của thế giới thực tại quanh tôi đã bắt đầu phải nhạt đi chỉ vì tôi đã đọc mấy dòng chữ ấy của nàng. Tôi nhắm mắt rất lâu, cố tập hợp lại những ý nghĩ của mình. Cuối cùng, sau một hơi thở thật sâu, tôi đọc tiếp.

Mình đến đây đã được bốn tháng rồi, nàng viết tiếp. Mình đã nghĩ rất nhiều về cậu trong thời gian ấy. Càng nghĩ càng thấy mình đã bất công với cậu. Nhẽ ra mình đã phải đối xử với cậu tốt hơn và công bằng hơn.

Nhưng nhìn nhận như thế cũng không phải bình thường nhất đâu. Bọn con gái bình thường trạc tuổi mình về cơ bản là không để ý gì xem chuyện mọi việc có “công bằng” hay không. Câu hỏi chính của chúng không phải là có công bằng không mà là có đẹp và làm chúng hạnh phúc hay không. “Công bằng” là từ ngữ của đàn ông, rốt cuộc là vậy, nhưng mình vẫn cứ cảm thấy nó đúng là cái từ mình phải dùng vào lúc này. Và bởi vì những câu hỏi về cái đẹp và hạnh phúc đang trở thành những vấn đề khó khăn và rắc rối quá với mình, có lẽ thế, nên mình thấy mình đang bám vào nhũng tiêu chuẩn khác vậy – như là có công bằng hay không, hoặc có trung thực và chân xác hay không.

Dù sao đi nữa, mình tin rằng mình đã bất công với cậu và thế nên chắc là mình đã bắt cậu phải loanh quanh lẩn quẩn và làm tổn thương cậu rất nhiều. Tuy nhiên, trong khi làm thế, mình cũng phải loanh quanh lẩn quẩn và tự làm tổn thương mình không kém.

Mình nói điều này không phải đề chống chế hoặc tự bào chữa, mà vì đó là sự thật. Nếu mình đã để lại một vết thương trong người cậu, thì đó không phải chỉ là vết thương của cậu mà cũng là của mình luôn. Vậy cậu hãy làm ơn cố gắng đừng ghét mình. Mình là một con người khiếm khuyết – khiếm khuyết hơn cậu biết rất nhiều. Đó cũng chính là lí do tại sao mình không muốn cậu ghét mình. Bởi vì nếu cậu làm thế, mình sẽ thực sự tan ra. Mình không thể làm được như cậu. Mình không thể lẻn vào trong vỏ bọc của chính mình và chờ cho mọi thứ qua đi. Mình không có bằng chứng thực tế nào là cậu như vậy, nhưng đôi khi cậu làm cho mình có ấn tượng ấy. Mình thường tị với cậu chuyện ấy, và có lẽ chính vì thế mà mình đã bắt cậu loanh quanh lẩn quẩn mãi.

Có thể cách nhìn nhận này hơi chi li tách bạch quá, cậu có thấy thế không? Cách điều trị của họ ở đây thì nhất định là không chi li tách bạch rồi, nhưng khi cậu phải điều trị nhiều tháng liền như mình ở đây, thì dù muốn dù không, cậu sẽ thành ra chi li tách bạch thôi. “Cái này là do cái kia gây ra, và cái kia có nghĩa là cái này và bởi vậy mà cái này với cái nọ.” Kiểu như thế. Mình chịu không biết cách phân tích ấy sẽ đơn giản hoá hay phức tạp hoá mọi chuyện.

Dù sao, mình tự thấy đã sắp bình phục hơn trước đây rất nhiều, và ở đây ai cũng bảo mình là đúng như thế. Đây là lần đầu tiên trong một thời gian dài mình có thể ngồi và bình tĩnh viết một lá thư. Cái mình viết cho cậu hồi tháng Bảy là cái mình phải nặn mãi mới ra, mặc dù, nói thật nhé, mình không nhớ đã viết gì trong đó – có kinh khủng không? Nhưng lần này thì mình rất bình tĩnh, rất bình tĩnh. Không khí trong lành, một thế giới cách biệt với bên ngoài, một lịch sinh hoạt hàng ngày, những bài tập thường xuyên: đó là những cái mình cần, có vẻ thế. Được viết một bức thư cho ai đó như thế này thật tuyệt quá! Được cảm thấy cỏ thể truyền đạt những ý nghĩ của mình cho một người, ngồi vào bàn, cầm lấy bút, và viết những ý nghĩ ấy thành những con chữ như thế này, quả thực là kì diệu. Tất nhiên, một khi đã viết chúng ra, mình lại thấy mình chỉ diễn đạt được một phần nhỏ cái mình muốn nói, nhưng cũng không sao. Chỉ cần có thể cảm thấy muốn viết cho ai đó là mình đã hạnh phúc rồi. Và mình đang viết cho cậu đây. Bây giờ là bay rưỡi tối, mình đã ăn cơm, và vừa mới tắm xong. Nơi đây yên tĩnh lắm, và trời bên ngoài tối như mực. Mình không thấy một ánh đèn nào ngoài cửa sổ. Thường mình vẫn thấy bầu trời sao rất rõ, nhưng hôm nay thì không, vì nhiều mây. Ở đây ai cũng biết rất nhiều về các ngôi sao, và mọi người thường bảo mình “Đó là sao Xử-nữ” hoặc “Đó là sao Nhân-mã”. Có lẽ muốn hay không thì họ cũng học được những cái đó vì ở đây chẳng có việc gì để làm khi mặt trời đã lặn. Cũng vì thế mà họ cũng biết rất nhiều về chim hoa côn trùng. Nói chuyện với họ, mình thấy mình thật ngu xuẩn trong những chuyện ấy, cũng là cái hay.

Có khoảng bảy mươi người sống ở đây. Ngoài ra, số cán bộ, bác sĩ, hộ lý, văn phòng, vân vân… chỉ độ hơn hai mươi người. Địa điểm thì thật là rộng rãi, nên số người ấy chẳng lớn chút nào. Còn lâu mới vậy, mà đúng ra thì ở đây còn hơi vắng quá là đằng khác. Thiên nhiên thật rộng rãi và ai cũng sống thật lặng lẽ lặng lẽ đến mức đôi khi ta cảm thấy đây là một thế giới bình thường trong thực tại, mà thực ra nó không phải vậy. Được như vậy là vì ở đây ai cũng sống với những điều kiện nhất định đã thoả thuận ban đầu.

Mình chơi bóng quần và bóng rổ. Các đội bóng rổ bao gồm cả cán hộ và (mình ghét từ này quá nhưng không tránh được nó) bệnh nhân. Khi đang mải mê trong trận đấu thì mình cũng chẳng còn biết ai là bệnh nhân ai là cán bộ. Chuyện ấy cũng hơi lạ. Mình biết điều này nghe sẽ lạ lắm, nhưng khi mình nhìn mọi người xung quanh mình trong một trận bóng, tất cả bọn họ đều có vẻ tàn tật méo mó như nhau.

Một hôm mình nói với ông bác sĩ phụ trách ca của mình điều đó và ông ta bảo rằng theo một nghĩa nào đó thì cảm giác ấy của mình là đúng, rằng bọn mình đến ở đây không phải để sửa chữa sự méo mó của mình mà là để làm quen với nó, rằng một trong nhưng vấn đề của bọn mình là khả năng biết được và chấp nhận nhũng méo mó của chính mình. Cũng như mỗi người đều có những đặc điểm riêng trong cách đi đứng, ai cũng có những cái riêng trong cách nghĩ, cách cảm và cách nhìn sự vật, và cho dù ta có muốn sửa chữa chúng, chuyện đó không thể nhanh được, và nếu ta cố ép buộc thì thế nào cũng có những cải lạ lùng khác xảy ra. Ông ta đã giải thích rất giản dị như vậy, tất nhiên rồi, và đó cũng chỉ một phần nhỏ các vấn đề của bọn mình, nhưng có lẽ mình hiểu ông ta muốn nói gì. Rất có thể là bọn mình không bao giờ có khả năng thích ứng hoàn toàn với những méo mó của chính mình. Không thể tự mình cất giấu nỗi đau đớn khổ sở do những méo mó này gây ra, bọn mình đến đây để trốn tránh chúng. Khi nào còn ở đây, bọn mình có thể tiếp tục sống mà không làm người khác tổn thương hoặc bị họ làm tổn thương bởi lẽ tất cả đều biết là mình méo mó như nhau cả. Đó là cái phân biệt bọn mình với thế giới bên ngoài, nơi hầu hết mọi người sống mà không biết đến những méo mó của họ, còn ở cái thế giới nhỏ bé này của bọn mình thì bản thân những méo mó này lại là một điều kiện tiên quyết. Giống như người Indian cài lông chim lên đầu để mọi người biết họ thuộc bộ lạc nào, bọn mình công khai đeo những méo mó của chính mình ra bên ngoài. Và bọn mình sống lặng lẽ để không làm tổn thương nhau.

Ngoài việc chơi thể thao, tất cả đều tham gia trồng rau: cà chua, cà tím, dưa chuột, dưa hấu, dâu, hành lá, bắp cải, củ cải đỏ, và nhiều thứ khác nữa. Bọn mình trồng gần như đủ thứ. Có cả nhà kính nữa. Mọi người ở đây biết rất nhiều về việc trồng rau, và họ bỏ rất nhiều công sức vào việc này. Họ đọc sách, mời chuyên gia đến, và nói chuyện từ sáng đến đêm về việc sẽ dùng phân bón gì và tình trạng đất ra sao, những chuyện như vậy. Bây giờ thì mình cũng rất thích việc trồng rau rồi. Nhìn những cây rau quả khác nhau cứ lớn lên từng ngày thật là tuyệt. Cậu đã bao giờ trồng dưa hấu chưa? Chúng cứ lớn phổng lên, hệt như những con thú nhỏ vậy.

Chúng mình ăn rau quả tươi hái hàng ngày. Tất nhiên là họ có nấu các món thịt cá, nhưng khi đã sống ở đây thì cậu sẽ thấy không muốn ăn những cái đó nữa vì rau quả quá tươi ngon. Thỉnh thoảng bọn mình cũng ra ngoài hái nấm và cây dại. Bọn mình có những chuyen gia về việc này (thử nghĩ coi, nơi này đầy rây những chuyên gia) có thể hướng dẫn hái cây gì và đừng hái cây gì. Kết quả là mình đã lên đến hơn ba kilô kể từ ngày vào đây. Mình nặng thế là gần như hoàn hảo rồi, nhờ tập tành và ăn uống tốt đều đặn.

Khi không trồng trọt thì bọn mình đọc sách, nghe nhạc, hoặc đan lát. Không có TV và radio, nhưng bọn mình có một thư viện sách và đĩa nhạc rất tốt. Sưu tập đĩa có đủ thứ, từ những giao hưởng của Mahler cho đến nhạc Beatles, và mình luôn mượn đĩa về nghe ở phòng mình.

Vấn đề thực sự của chỗ này là một khi đã ở đây rồi thì ta không muốn rời nó nữa – hoặc là sợ phải rời khỏi nó. Còn ở đây ngày nào thì mình còn thấy bình tĩnh và an bình ngày đó. Những méo mó của bọn mình có vẻ thành tự nhiên. Bọn mình tưởng là đã bình phục. Nhưng không ai có thể chắc liệu thế giới bên ngoài có chấp nhận bọn mình như thế hay không.

Ông bác sĩ của mình nói đã đến lúc mình nên tiếp xúc với “người ngoài” – tức là những người bình thường ở thế giới bên ngoài. Khi ông ấy nói thế, mình chỉ nhìn thấy mỗi gương mặt của cậu. Nói thật, mình không muốn gặp bố mẹ. Họ quá lo lắng cho mình, và gặp họ là mình khó chịu. Hơn nữa, có nhiều chuyện mình phải giải thích cho cậu. Mình không chắc có thể giải thích chúng rõ ràng được hay không, nhưng chúng là những chuyện quan trọng mà mình không thể né tránh mãi được.

Cho dù vậy, thì cậu cũng không nên cảm thấy mình là gánh nặng của cậu nhé. Đó là điều mình không muốn nhất: là gánh nặng của ai đó. Mình cảm thấy được những tình cảm tốt của cậu dành cho mình.

Và chúng làm mình rất hạnh phúc. Tất cả những gì mình muốn làm trong lá thư này là truyền đạt niềm hạnh phúc ấy đến cậu. Những tình cảm tốt ấy của cậu có lẽ chính là cái mình cần trong thời điểm này của cuộc đời hay tha thứ cho mình nếu có điều gì mình viết ở đây làm cậu phật lòng. Như mình đã nói, mình là một con người khiếm khuyết hơn cậu biết rất nhiều.

Có đôi khi mình tự hỏi: NẾU cậu và mình đã gặp nhau trong những hoàn cảnh tuyệt đối bình thường, và NẾU chúng mình thích nhau, chuyện gì đã có thể xảy ra. Nếu mình là người bình thường và cậu cũng bình thường (mà tất nhiên là cậu như vậy rồi) và đã không có Kizuki, chuyện gì đã có thể xảy ra? Tất nhiên, chứ “NẾU” này quá lớn. Mình chỉ cố hết sức để ít ra cũng công bằng và thành thực. Lúc này mình chỉ có thể làm được vậy. Mình hy vọng truyền đạt được đến cậu vài phần nhỏ nhoi của tình cảm mình bằng cách này. Khác với bệnh viện thường, ở đây cho vào thăm tự do. Chỉ việc gọi trước một ngày, còn thì cậu có thể đến bất kì giờ nào. Cậu có thể ăn với mình, và có chỗ cho cậu ở lại. Khi nào tiện cậu hay đến thăm mình nhé.

Mình chờ đấy. Có cái bản đồ kèm theo đây. Xin lỗi đã viết dài thế này.

Tôi đọc một mạch hết lá thư của Naoko, rồi đọc lại nữa. Sau đó tôi xuống nhà, mua một hộp côca ở máy tự động, và vừa uống vừa đọc lá thư một lần nữa. Tôi cho cả bảy tờ giấy viết vào lại phong bì và đặt nó lên bàn. Tên và địa chỉ của tôi viết trên chiếc phong bì màu hồng với những con chữ nhỏ và hoàn hảo, có vẻ quá chính xác từ tay một cô gái như vậy. Tôi ngồi bên bàn, nghiên cứu cái phong bì. Địa chỉ người gửi ở mặt sau đề là Nhà nghỉ Ami. Một cái tên kì quặc. Tôi nghĩ về nó mất mấy phút, rồi kết luận rằng “ami” chắc là từ “bạn” trong tiếng Pháp.

Sau khi cất bức thư vào ngăn kéo bàn, tôi thay quần áo và ra ngoài. Tôi sợ nếu cứ ở gần bức thư, tôi có thể sẽ đọc nó mười, hai mươi, hoặc bao nhiêu lần nữa ai mà biết được. Tôi đi trên những con phố Tokyo ngày Chủ nhật mà không biết đi đâu, hệt như tôi vẫn đi với Naoko. Tôi lang thang từ phố này qua phố khác, nhớ lại bức thư của nàng từng dòng một và cố ngẫm nghĩ đến từng câu. Khi mặt trời đã lặn, tôi trở về học xá và gọi đường dài đến Nhà nghỉ Ami. Một người đàn bà trực điện thoại nhấc máy và hỏi tôi có việc gì. Tôi hỏi liệu tôi có thể đến thăm Naoko vào chiều ngày hôm sau được không. Tôi xưng tên và bà dặn tôi hay gọi lại sau nửa giờ.

Cũng người đàn bà ấy trả lời khi tôi gọi lại sau bữa tối. Tất nhiên là tôi có thể đến thăm Naoko, bà ta nói. Tôi cám ơn, cúp máy, rồi cho mấy thứ áo quần thay đổi và vài đồ vệ sinh cá nhân vào balô. Rồi tôi nhặt cuốn Núi Thiêng lên, vừa đọc vừa nhấm nháp rượu mùi và chờ đến lúc buồn ngủ. Thế mà, mãi đến một giờ sáng tôi mới ngủ được.