Ráng Chiều Tà – Tôi Là Bà Nội Khang Hy

Chương 11: Xuân đến rồi




Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp(1), tôi thường mơ thấy mình trở về hiện đại, khi tỉnh giấc không phân biệt nổi cảnh trong mơ và thực tại, chẳng biết đấy là mơ, hay giờ phút này đây mới là mộng. Đường về nhà vẫn tít mù khơi, tôi sắm vai Hiếu Trang ngày càng giống, đóng giả bà nội của Huyền Diệp và Phúc Toàn ngày càng nhập tâm, Lâm Tử Thanh ngày càng rời xa tôi rồi.

(1): Mộng Trang Chu hóa bướm.

Huyền Diệp ngày càng có dáng dấp của một Hoàng đế, xử lý chính sự quyết đoán dứt khoát, về cơ bản thì tôi chẳng cần phải bận tâm nữa, thế nên thời gian tôi làm việc cùng Vô Trần cũng giảm dần, chỉ có thể hóng được vài chuyện lông gà vỏ tỏi qua lời của Huyền Diệp và Tô Mạt Nhi.

Nghe nói anh từ chối lời đề nghị kết thông gia của nhà Hiển thân vương; nghe nói gia đình anh đã định hôn rồi; nghe nói anh cãi nhau với mẹ kế; nghe nói những cô gái đeo đuổi anh lần lượt rời đi, lập gia đình riêng… Nghe nói anh muốn xuất gia.

Cuối cùng, tôi không thể tiếp tục im lặng nữa.

Lúc tìm đến Uẩn Tú trai, lão hòa thượng kia đang định xuống tóc cho anh, tôi vội vàng ngăn lại, đuổi hết người ra ngoài.

Tôi hỏi anh: “Tại sao? Trên thế gian này không còn ai có thể trói buộc anh à?”

Anh chăm chú nhìn sâu vào mắt tôi: “Có một người, em biết người ấy là ai mà.”

“Vô Trần, anh đừng cố chấp nữa.” Tôi lôi anh đến trước chậu nước, chỉ vào bóng ngược trên mặt nước: “Anh xem, ai nhìn cũng sẽ nghĩ chúng ta là mẹ con, tôi đã già đến mức chẳng phải là phụ nữ nữa rồi, anh sẽ gặp được một cô gái tốt hơn, sau đó sống bên nhau, cả đời hạnh phúc.”

Anh chỉ nhìn tôi chăm chú, nói: “Ta đã gặp người đó rồi, nàng ấy ở trước mắt ta. Ta vẫn tưởng rằng mình sẽ cô đơn đến hết đời, ông trời lại mang nàng ấy đến cho ta, nàng ấy có lúc nhiệt tình, khi thì thông minh, thỉnh thoảng độc tài, lại hay giở thói côn đồ, nhiều bận nhỏ nhen, nàng ấy cứ đầy sức sống như thế mà xuất hiện trước mặt ta, khiến đôi mắt này chẳng thể nào nhìn thấy ai khác nữa.”

Tôi vừa xúc động vừa đau lòng: “Đấy là bởi anh chưa gặp được nhiều người nên không biết tôi khác người, anh nên giap thiệp nhiều hơn với những cô gái khác, anh sẽ hiểu, tôi quả thực không đáng để anh phải làm vậy.” Tôi xoay đầu, tránh né ánh mắt trong trẻo của anh.

Vô Trần bày tỏ bằng ngữ khí chân thành: “Ta đã gặp những nữ tử đó rồi, họ trẻ trung xinh đẹp, cười không lộ răng, cử chỉ hành động hợp lễ, gặp chuyện thì rụt rè, người nào người nấy như rối gỗ giật dây. Khác với em, cười sẽ cười rộ lên, lúc vui sẽ đến vỗ đầu sư phụ, lừa người mà vẫn ra vẻ hùng hồn ngay thẳng, khiến người ta không nắm thóp em được. Thanh Thanh, em cứ ngang ngược lấp đầy trái tim ta như thế, ta cũng chẳng còn cách nào thích người khác được đâu.”

Tôi cố sức nén sự nhộn nhạo trong lòng xuống, khuyên anh: “Dù là thế cũng đừng xuất gia chứ, anh phải nghĩ cho người thân, họ đau khổ biết bao nhiêu?”

“Ngạch nương thương yêu ta đã sớm tạ thế, a mã phải chăm sóc cho thê nhi của mình, đệ muội cũng không thân thiết gì với ta, sẽ chẳng ai vì ta mà đau buồn.” Vô Trần đầy thương cảm, ngừng một chút: “Thanh Thanh, ta biết, em không muốn ta dây dưa với thân thể này của em, giờ đây, ta cũng sẽ quyên thân mình cho Phật, chỉ để lại lòng này yêu thương trái tim em, em xem có được không?” Anh hỏi tôi, ngữ khí vô cùng kiên quyết.

Hóa ra anh ấy biết mắc mứu trong lòng tôi, tôi kinh ngạc quay đầu, lại lọt thõm vào ánh mắt thật sâu của anh. Đôi mắt của Vô Trần khóa chặt tôi: “Thanh Thanh, đừng đẩy ta ra nữa, nhìn em mỗi ngày một giống Thái hoàng thái hậu, ta chỉ thấy đau lòng. Sau này, trước mặt ta, em hãy cứ là Thanh Thanh như ngày xưa vậy, được không? Được không?” Anh hỏi dồn, tôi nhìn vào mắt anh, rốt cuộc đã hiểu tình cảm không rõ ràng trước kia của mình, hóa ra đây là yêu, tôi như bị thôi miên, nén nước mắt nóng hổi, gật đầu: “Được.”

Vô Trần mừng ra mặt, dang tay định ôm tôi lại vội vã lùi về, nói: “Thanh Thanh, em đợi một chút.” Dứt lời anh chạy ra ngoài, thoắt cái lão hòa thượng đi vào, xuống tóc cho anh.

Nhìn từng lọn tóc anh rơi xuống, nước mắt của tôi cũng chảy dài thành chuỗi, lòng lại như trút được gánh nặng. Hóa ra, tôi hãy còn là Thanh Thanh bụng dạ hẹp hòi, đến tận giờ phút này vẫn chưa từng thật lòng mong anh thích người khác.

Vô Trần đến trước mặt tôi, chắp hai tay lại: “A di đà phật.” Tôi nén nước mắt mỉm cười với anh, trong tầm nhìn mờ mịt lại thấy Vô Trần ngắm mình, khe khẽ mỉm cười.

Lão hòa thượng ở bên cạnh thở dài, ngồi xếp bằng trước phật, cúi đầu tụng “Nam mô hắc ra đát na đa ra dạ da. Nam mô a rị da…” [Chú Đại Bi theo Phạn âm]

Sau này, tôi lấy lý do không được quấy nhiễu chốn thanh tu cửa phật mà hạ lệnh cấm đến Uẩn Tú trai.

Cuối năm Khang Hy thứ năm, Ngao Bái thâu tóm đất đai khiến dân chúng phẫn nộ, Hộ bộ thượng thư Tô Nạp Hải, Tổng đốc Chu Xương Tộ, Tuần phủ Vương Đăng Liên dâng tấu phản đối, bị Ngao Bái giả mạo chiếu chỉ treo cổ. Năm Khang Hy thứ sáu được đón chào bởi một màn máu tanh, mùng bảy tháng bảy, Huyền Diệp tổ chức đại điển tự mình chấp chính, bắt đầu ngự môn thính chính(2), song vấn đề chuyên quyền của Ngao Bái vẫn chưa giải quyết xong, trong tháng, dưới sự đè nén của vây cánh Ngao Bái, Huyền Diệp treo cổ phụ thần Tô Khắc Tát Cáp, tru di tam tộc, khi ấy Sách Ni đã qua đời, Át Tất Long yếu hèn, quyền lực trong triều đã bị Ngao Bái thâu tóm.

(2): kiểu như bắt đầu tham gia vào chính sự, có quyền quyết định.

Huyền Diệp căm uất, tôi an ủi cậu rằng thiện ác đến cuối cùng sẽ có quả báo. Vì tôi biết trước kết cục, thế nên biểu hiện đầy tự tin, Huyền Diệp bị tôi tác động, ý chí chiến đấu được kích đến sôi trào.

Tôi đã đọc “Lộc Đỉnh Ký”, vẫn nhớ mang máng vài chi tiết, bèn đề nghị Huyền Diệp dùng danh nghĩa diễn tập trận mà chọn ra trăm đệ tử thân vương hợp thành Thiện Phác doanh, cả ngày huấn luyện, Ngao Bái đinh ninh rằng Huyền Diệp tuổi nhỏ ham chơi, không để tâm đến. Ngoài ra, tôi bảo cậu phong Ngao Bái thành nhất đẳng Công(3), càng khiến Ngao Bái lơ là thêm một phần. Tôi gấp rút lôi kéo lòng người, nền tảng Hiếu Trang gầy dựng trước đây không tồi, hơn phân nửa cựu thần vẫn theo Huyền Diệp, chỉ chờ mỗi thời cơ tóm được tên giặc ác.

(3): tước đầu trong năm tước thời phong kiến.

Năm Khang Hy thứ bảy, gia phong Ngao Bái lên chức Thái sư, Huyền Diệp khoan nhượng cho đủ loại hành vi xấc xược của lão ta, bắt đầu ngầm chuẩn bị.

Tháng tám năm Khang Hy thứ tám, Ngao Bái bị bắt. Huyền Diệp xúc động đến báo tin cho tôi, tôi tự hào về cậu lắm, cầm tay cậu, kiên định mà rằng: “Người nhất định sẽ trở thành một vị minh quân.” Huyền Diệp hăm hở: “Hoàng tổ mẫu, trẫm chắc chắn sẽ không phụ sự mong đợi của Người.”

Rốt cuộc Huyền Diệp đã nắm được thực quyền trong tay, trừng trị những kẻ phản bội, sửa lại án oan, kiên quyết cải cách, cả xã hội bừng bừng sức sống. Khang Càn thịnh thế bắt đầu từ đây.

Cuối cùng tôi cũng thoát khỏi vòng xoáy chính trị. Tính ra thì tôi đến với thế giới này chừng mười năm rồi, tất cả mọi thứ thuộc về hiện đại dần mờ nhạt cả. Tôi không cố chấp muốn về nhà nữa, trả tự do cho lão hòa thượng kia. Ông như sợ tôi đổi ý, ngày hôm sau lập tức vội vội vàng vàng rời khỏi kinh thành, tôi cũng hơi áy náy với ông, khi chia tay đốt thật nhiều hương cho ông.

Sau này, Uẩn Tú trai trở thành hoa viên bí mật của Thanh Thanh và Vô Trần. Tình yêu tinh thần của chúng tôi rất bình lặng.

Thỉnh thoảng tôi kể anh nghe cuộc sống hiện đại của mình, anh kinh ngạc không thôi; có lúc anh giảng kinh Phật cho tôi nghe, tôi buồn ngủ; lại có khi mỗi người tự đọc sách riêng, tình cờ trao nhau một ánh mắt, ngàn vạn lời muốn nói ẩn trong đôi mắt đưa tình.

Tôi vẫn khúc mắc với cơ thể bây giờ của mình, xuất phát từ lòng tham hư vinh của phụ nữ, tôi thường miêu tả vẻ ngoài vốn có của mình xinh đẹp ra sao với Vô Trần, dù gì anh chẳng chiêm ngưỡng được, khoác lác cũng có phải nộp thuế đâu. Vô Trần luôn gật đầu: “Ta tin, em vốn dĩ rất xinh đẹp, đáng yêu.”

Đôi lúc tôi đùa anh lục căn chưa tịnh, không thể đoạn tuyệt ái tình, là một tăng nhân “hàng nhái”. Anh lại kể chuyện về Phật Thích Ca Mâu Ni cho tôi nghe:

Khi đèn Phật còn trên đời, Thích Ca Mâu Ni lúc ấy là đồng tử Thiện Tuệ, ông muốn mua hoa phụng dưỡng đèn, thế nhưng tất cả hoa đều được độc quyền bởi Quốc vương, Thiện Tuệ rất lo lắng. Vừa khéo có một thị nữ áo xanh muốn dâng lên Quốc vương bảy cành hoa sen, Thiện Tuệ mừng rỡ cản nàng ta lại, hi vọng nàng bán lại năm cành cho ông.

Người thị nữ áo xanh thấy Thiện Tuệ có tướng mạo phi phàm, tất sẽ thành Phật, liền đưa lời: “Nếu từ giờ đến trước khi thành Phật, chàng đồng ý đời đời kiếp kiếp kết làm phu thê với em, không rời không bỏ, thì em sẽ cho chàng năm cành hoa này.”

Thiện Tuệ nói: “Được thôi, nhưng cô phải hiểu rằng, ta là người tu hành, bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu đều có thể sẽ cho đi mọi thứ.” Thị nữ áo xanh kiên định nói: “Em đương nhiên hiểu điều này, xin chàng hãy thay em dâng cả hai cành hoa này cho đèn Phật, bằng chứng cho lời thề giữa hai chúng ta.”

Đấy là duyên kiếp của Thích Ca Mâu Ni và thê tử Da Du Đà La năm xưa.

Kể xong chuyện, Vô Trần nhìn tôi và nói: “Em xem đấy, dù thành Phật cũng phải tiếp tục yêu đương, ta không muốn thành Phật, chỉ tu hành để có thể quang minh chính đại gắn bó một đời với em, không rời không bỏ.” Tôi đắm chìm trong sóng mắt anh ấy.

Ta nguyện dâng trái tim tựa kim cương

Mài nên trăm linh tám hạt tràng

Xâu chuỗi tơ tình bền chắc tựa vàng

Đương lúc em nhớ đến ta

Niệm một tiếng ‘Ngã ái’(4)

Lần tràng hạt

Nỗi nhớ nhung triền miên dai dẳng

Nỗi nhớ nhung tuần hoàn không dứt

Ta biết em sẽ mãi trường tồn tựa niết bàn trong tim.(5)

(4): tình yêu của em.

(5): bài Ta nguyện – Lưu Đại Bạch. Dịch nghĩa.