[........]
" Chúng ta phải đi thôi, cậu ta chết rồi. "
" Nơi này không thể ở được lâu....Đứng lên đi nào "
Đưa tay lên trước mặt, lão Xèng thấy hai bàn tay của mình nhuốm đầy máu tươi, xung quanh lão Xèng là những tiếng khóc, tiếng nói quen thuộc. Nằm dưới đất là một cái xác đã bất động. Cảnh tượng hỗn loạn, mọi thứ chao đảo....
" Chết đi...."
" Phập "
[........]
-- Hộc...hộc...hộc....
Lão Xèng mở mắt choàng tỉnh, ngồi bật dậy, mồ hôi túa ra như tắm, đưa hai bàn tay ra nhìn, lão Xèng nuốt nước bọt rồi khẽ thở phào. Thì ra đó chỉ là một giấc mơ, bên ngoài trời đã sáng, mọi người đã dậy hết, đi vào trong nhà, Bảo lên tiếng :
-- Cuối cùng thì lão cũng dậy rồi, đúng là chuyện lạ hiếm thấy. Sống cùng lão một thời gian dài mà chưa lần nào tôi thấy lão ngủ dậy muộn như thế này cả.
Lão Xèng đáp :
-- Hai người kia đâu rồi...?
Bảo trả lời :
-- Thầy Lương đang ngồi dưới gốc cây trước nhà, đan đan, bện bện thứ gì đó. Còn Thước sắp xếp lại đồ đạc, gấp gọn mấy bộ quần áo. Tôi cũng đang đợi lão dậy rồi nói với lão xem cần chuẩn bị những gì để ngày mai còn lên đường.
Lão Xèng bước ra ngoài, dưới bóng cây mát mẻ, thầy Lương đang ngồi đó tước vỏ cây dâu tằm rồi bện chúng lại thành 4 cái túi nhỏ. Lão Xèng hỏi :
-- Ủa, thầy đang làm gì vậy...?
Thầy Lương đáp :
-- Cũng không có gì, mấy cái được làm từ vỏ cây dâu tằm này là túi đựng bùa. Lát nữa lão sẽ biết.
Cũng đã làm xong, thầy Lương đứng dậy rồi đi cùng lão Xèng vào trong nhà, thầy Lương cho gọi cả Bảo và Thước. Khi tất cả đã có mặt đầy đủ, thầy Lương lấy trong tay nải của mình ra một cái chén bạc cùng một con dao sắc nhọn, hơ qua than hồng trên bếp lửa, thầy Lương cắt máu của mình nhỏ 3 giọt vào trong chén.
Xong, thầy Lương nói :
-- Bây giờ từng người sẽ cắt máu của mình nhỏ vào đây, mỗi người chỉ lấy đúng 3 giọt máu. Làm đi.
Có chút nghi ngại, nhưng lần lượt, Thước, Bảo, lão Xèng đều cắt máu nhỏ vào chén bạc. Sau khi tất cả đã làm xong, thầy Lương tiếp tục lấy ra một lá bùa màu vàng, trên đó có vẽ những chữ Tàu, kèm theo đó là những hình vẽ tượng trưng khá khó hiểu. Kẹp lá bùa vào giữa hai ngón tay, miệng vừa lẩm bẩm đọc chú, thầy Lương vừa từ từ đưa lá bùa ấn vào trán từng người một, sau khi đã ấn hết một lượt, thầy Lương đưa lá bùa vào trong than hồng đốt cháy lá bùa, tro của lá bùa được thả vào chén bạc nơi có máu của cả 4 người. Sau khi lá bùa cháy hết, thầy Lương bỏ thêm vào chén một chút mạt sắt, ít bột gỗ, chút đất vườn rồi trộn tất cả lại với nhau, dùng bút lông, chấm vào chén bạc, lấy đó làm mực, thầy Lương họa ra 4 tờ giấy đỏ 4 đạo bùa.
Thầy Lương nói :
-- Thời gian cấp bách, ta chỉ có thể làm được bùa " Tương Sinh ". Do dùng máu của cả 4 người chúng ta làm mực nên khi mỗi người giữ 1 lá bùa bên mình, ít nhiều cũng sẽ cảm nhận được lẫn nhau. Trên 4 lá bùa đều có các yếu tố liên quan đến ngũ hành, đây cũng là điều cần thiết khi chúng ta muốn vượt qua được " Tứ Thủy Trận ".
Thước hỏi :
-- Tại sao lại gọi là bùa " Tương Sinh " vậy thầy...?
Thầy Lương trả lời :
-- Trước mắt mọi người hãy đeo bùa vào cổ đi rồi ta sẽ giải thích.
Làm theo lời thầy Lương, Thước, Bảo và lão Xèng gấp nhỏ lá bùa rồi cho vào cái túi nhỏ được đan bằng sợi dâu tằm. Thầy Lương còn cẩn thận buộc cả dây cho mọi người đeo vào cổ. Khi tất cả đã đeo bùa xong, thầy Lương nói :
-- Bây giờ tất cả hãy nhắm mắt lại, từ từ cảm nhận xem có điều gì khác không...?
Khẽ nhắm mắt, gần như ngay lập tức cả 3 người đồng thanh nói :
-- Có....tôi ngửi thấy một mùi thơm lạ, hương thơm dường như đang tỏa ra vòng vòng quanh chỗ này.
Tất cả mở mắt ra nhìn nhau, lúc này thầy Lương mỉm cười rồi nói tiếp :
-- Khi dùng máu trộn với các yếu tố của ngũ hành, thêm vào đó mật chú, lá bùa sẽ giúp chúng ta tìm thấy được nhau thông qua mùi thơm đặc trưng trên lá bùa. Nếu không may một trong số 4 người chúng ta bị lạc, hương thơm từ lá bùa sẽ phát huy tác dụng. Sở dĩ vừa rồi mọi người có cảm giác mùi thơm tỏa ra theo một vòng tròn là do chúng ta đang ngồi quây lại với nhau. Vì chúng ta chỉ có 4 người, vậy nên việc bị chia cắt sẽ là rất nguy hiểm. Phải nhớ luôn giữ bùa trong người.
Nghe thầy Lương nói, ba người còn lại càng lúc càng thêm nể phục. Từ những suy luận, tính toán, cho đến sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thầy Lương chưa từng làm họ thất vọng.
Lão Xèng nói :
-- Trong rừng có rất nhiều những loài vật mang độc tính. Nhất là rắn, rết và muỗi rừng.....Tôi có biết một người làm thuốc chữa độc rắn cũng như độc côn trùng rất hiệu quả, để tôi đi xem rồi mua đem theo phòng thân. Hơn nữa, 4 người, đồng nghĩa với việc lương thực, nước uống cũng phải tăng lên, mọi người ở lại chuẩn bị, tôi đi đây.
Thầy Lương đồng ý với ý kiến của lão Xèng, chuyến đi này ẩn chứa quá nhiều rủi ro, càng chuẩn bị kỹ lưỡng bao nhiêu, khả năng sống sót sẽ tăng lên bấy nhiêu. Lúc ra ngoài, lão Xèng nhìn thấy vài bộ quần áo mà Thước gấp gọn vẫn chưa bỏ vào ba lô. Bất chợt lão Xèng giật mình, đổ mồ hôi hột, lão Xèng lắp bắp :
-- Không....không thể nào....Sao...sao lại....như vậy....?
Thước đi ra để làm tiếp phần việc dang dở, nhưng lão Xèng vẫn đứng đó nên Thước đụng trúng phải lão.
Thước kêu :
-- Ui da, lão vẫn chưa đi à...? Đụng như đụng vào đá ấy.
Lão Xèng khẽ quay đầu lại nhìn Thước, ánh mắt lão có chút gì đó hoang mang, đôi lông mày cau lại, lão Xèng nhìn chằm chằm vào Thước, rồi nhìn tiếp bộ quần áo đang đặt trên chiếc ghế tre dài. Mồ hôi chảy thành dòng từ trán xuống gò má, bất giác lão Xèng lùi lại.
Thước hỏi :
-- Sao vậy...? Mặt tôi dính gì à...? Sao lão nhìn tôi ghê thế...?
Lão Xèng nuốt nước bọt, lão ấp úng trả lời :
-- Không...không có gì.....Bộ...bộ quần áo..này là của cậu à...?
Thước cười rồi gật đầu :
-- Đúng rồi, đây là bộ quần áo mới mà bác chủ quán cơm, cũng là người cưu mang tôi, cho tôi ăn trong suốt hơn 1 năm tôi phát điên. Lúc tôi và thầy Lương rời khỏi nhà bác ấy, bác ấy đã mua cho tôi bộ quần áo này. Tôi cũng tiếc nên chưa bỏ ra mặc lần nào....hì hì hì.
Lão Xèng khẽ đưa tay lên lau mồ hôi rồi đáp :
-- Vậy...vậy à...? Thôi...tôi đi...đây...
Dứt lời, lão Xèng rời khỏi nhà, Thước đứng đó ngơ ngác trước thái độ có phần khó hiểu của lão Xèng nhưng rồi cũng tặc lưỡi tiếp tục việc sắp xếp ba lô cho chuyến đi vào ngày mai.
Đi trên đường, lão Xèng vẫn chưa khỏi rùng mình bởi khi nãy, khi nhìn thấy bộ quần áo của Thước, rồi nhìn tiếp khuôn mặt của Thước, lão Xèng nhớ lại giấc mơ khủng khϊếp hồi ban sáng.
" Phập "
" Chết đi....Chết đi "
" Cậu ta....cậu ta chết rồi "
Trong giấc mơ, tuy mọi thứ có phần hỗn loạn, khung cảnh mơ hồ, nhưng lão Xèng nhớ, lúc đó lão nhìn thấy một người cầm dao lao thẳng về phía một người khác rồi dùng dao đâm trúng người đó. Và giờ thì lão Xèng nhận ra, kẻ cầm dao đâm người chính là Thước, có thể đó chỉ là một giấc mơ, nhưng trong mơ, Thước mặc đúng bộ quần áo để trên ghế tre khi nãy. Lão Xèng chưa từng nhìn thấy bộ quần áo đó, đến sáng hôm nay Thước mới bỏ ra để xắp xếp lại ba lô.....Vậy thì tại sao, trong giấc mơ, lão Xèng lại nhìn thấy Thước mặc đúng bộ quần áo ấy rồi dùng dao đâm người. Điều này khiến lão Xèng cảm thấy rùng mình. Có một điều lão Xèng chưa nói với những người còn lại. Từ nhỏ, không hiểu vì sao, nhưng cứ như một điềm báo, mỗi lần lão Xèng mơ thấy điều gì nghiêm trọng, thì chỉ một thời gian sau chuyện đó sẽ xảy ra. Ngày nhỏ, lão Xèng mơ thấy bố bị ngã cây, khoảng 1 tháng sau, bố lão Xèng trong một lần đi lấy mật ong đêm, ông đã bị ngã trong lúc trèo lên vách núi đá rồi qua đời. Lớn hơn một chút, lão Xèng nằm mơ thấy nhà mình chìm trong nước, và cũng 1 tuần sau mưa lớn, nước ngập khắp nơi, hoa màu, gia súc bị cuốn sạch. Lão Xèng rất ít khi nằm mộng, nhưng khi nằm mơ thì đó lại như một điềm báo cho chuyện gì đó sắp xảy ra.
Lần này giấc mơ của lão Xèng quá rõ ràng, nó thật đến từng chi tiết......Nhưng lão không biết phải làm sao khi mà hết ngày hôm nay, sang ngày mai, nhóm 4 người trong đó có lão và Thước sẽ đi vào rừng tìm " Làng Sương Mù ". Nếu lão nói ra liệu có ai tin lão hay không..? Chưa kể đến, chưa đi đã nghi ngờ, lo sợ lẫn nhau chỉ khiến cho mọi chuyện càng thêm rắc rối.
Lão Xèng quyết định giữ kín việc mình nằm mơ thấy, nhưng không phải lão không làm gì, để ngăn chặn sự việc trong mơ sẽ xảy ra, lão Xèng luôn để mắt đến Thước, thậm chí lão còn đặt ra một quy định của riêng lão :
" Nếu Thước muốn gϊếŧ ai trong nhóm, lão sẽ gϊếŧ Thước trước khi Thước kịp ra tay. "
Bởi theo như lời thầy Lương......Tên mo Chốc kia có thể thao túng được hành vi của người khác. Chưa vào rừng, nhưng sự nghi kỵ, đề phòng bắt nguồn từ trong nhóm đã xuất hiện........