Cơn mưa mỗi lúc lại càng lớn hơn, gió giật khá mạnh khiến cho nước mưa bị tạt vào trong nhà, thấy Thước vẫn đứng đờ đẫn chưa chịu đóng cửa lại, chủ nhà gắt :
-- Về rồi thì phải đóng cửa vào chứ...? Để mưa nó hắt ướt hết cả vào trong rồi.
Thước vâng dạ rồi lập tức đóng cửa lại, người đàn ông chủ nhà tên là Sâm, ông ta lấy cho Thước một cái áo cũ, ông ta nói :
-- Tao đã nói rồi mà mày không tin, cứ cố tình đi. Lau người tạm bằng cái này đi, nhà không có khăn.
Ngồi bên bếp lửa, thầy Lương nói với Thước :
-- Nếu vậy thì xem ra chúng ta đến đây không tìm hiểu được gì rồi. Trong nhóm người đó, chắc có lẽ chỉ có cậu là người duy nhất thoát được mà thôi. Gọi là thoát nhưng bản thân cậu cũng biến thành kẻ điên, thậm chí suýt mất mạng.
Thước đáp :
-- Trước khi đến đây tôi vẫn luôn hi vọng có một kỳ tích nào đó sẽ xảy ra. Nhưng, nếu Khuông không trở về thì chắc chắn cậu ta vẫn còn ở trong ngôi làng đó. Tôi sẽ vẫn tiếp tục tìm kiếm, mà thầy chưa nói với tôi, thầy muốn tìm ông nội của Khuông để làm gì...?
Thầy Lương trả lời :
-- Cũng không có gì, qua lời kể của cậu, ta nghĩ, nếu như ông nội của Khuông đã đưa cho cậu ta một lá bùa hộ thân và dặn khi nguy cấp hãy mở ra, lá bùa đó sẽ giúp cậu ta trở về thì ít nhiều người làm bùa cũng sẽ có chút gì đó liên kết với người giữ lá bùa. Gặp được ông ấy, không biết chừng chúng ta sẽ có thêm một chỉ dẫn hay sự trợ giúp nào đó. Tiếc là ông ta đã chết.
Ông Sâm ngồi nghe nãy giờ, cũng không hiểu 2 người này đang bàn chuyện gì, ông Sâm hỏi :
-- Hai người tìm đến ông Khước để xin bùa phải không...?
Thước định phủ nhận thì thầy Lương khẽ lắc đầu, thầy Lương đáp :
-- À dạ vâng, nhưng mà sao ông lại biết...?
Ông Sâm cười nhếch mép :
-- Ôi dào, tao ở đây bao nhiêu năm, trước khi mo Khước chết, tuần nào, tháng nào tao chẳng thấy người ở nơi khác tìm đến đây để xin bùa. Có nhiều người ăn mặc sang trọng lắm, tay xách toàn lễ lớn đến thôi đấy. Kẻ xin bùa yêu, người thì xin bùa công danh, quan lộc.....nhiều lắm. Ngày xưa bọn tao ở đây toàn gọi là ông Khước, mấy năm trở lại đây dân nơi khác tìm đến mới gọi là mo Khước.
Vừa nói, ông Sâm vừa lôi chai rượu ra ngồi rót uống suông, chẳng cần đồ nhắm, thức ăn gì cả. Quên không nói, ông Sâm là người nghiện rượu nặng, chắc cũng chính vì vậy mà chẳng có vợ con gì. Ngôi nhà tuềnh toàng, không có đồ đạc gì đáng giá ngoài mấy cái hũ đựng rượu đã cạn sạch từ đời tám hoánh.
Thầy Lương hỏi tiếp :
-- Khi mới đến đây, ông có nói mo Khước chết rồi, mà còn chết rất đáng sợ. Chậc, tiện đây ông có thể kể cho tôi nghe về cái chết của mo Khước đó như nào có được không...?
Ông Sâm dốc cái chai nhưng chai cũng đã cạn, chép chép miệng ra chiều thòm thèm, ông Sâm tặc lưỡi :
-- Thôi, không kể đâu....Kể lại hãi lắm, mà người chết rồi, nhắc đến người ta, đêm mơ thấy bị ám chết không dậy được ấy....Chưa nói, ông Khước còn là người biết làm bùa, sai khiến được cả âm binh...Thôi thôi, tao không kể đâu.
Thước cảm thấy khó chịu, Thước móc túi ra ít tiền, Thước nói :
-- Ông kể đi, tôi trả thêm ông tiền là được chứ gì...?
Ông Sâm lườm Thước rồi cười khẩy :
-- Tiền hả...? Tiền của mày đang mưa này cũng chẳng hóa ra được rượu nhá.
Thầy Lương lắc đầu, khẽ mỉm cười, thầy nói với Thước :
-- Trong balo có một chai rượu, là rượu của bác Mừng cho chúng ta, cậu lấy ra đây.
Lúc này Thước mới sực nhớ, quả thật trước khi rời khỏi nhà ông Mừng, ông Mừng có rót một chai rượu thửa, bởi tối hôm trước khi chia tay, trong bữa cơm, thầy Lương có khen rượu này ngon.
Lấy chai rượu ra, đưa thầy Lương, Thước thấy ánh mắt của ông Sâm chẳng nhìn vào đâu mà chỉ dán vào chai rượu. Kêu Thước lấy chén, thầy Lương rót rượu cho ông Sâm, xong thầy Lương nói :
-- Thế giờ có món này thì đã kể được chưa....?
Ông Sâm nuốt nước bọt ừng ực, mùi thơm từ rượu tỏa ra khiến ông Sâm tém môi liên tục, ông Sâm gật đầu :
-- Kể kể....vừa uống...tao vừa kể.....Hề hề hề.
" Ầm...Ầm...Ầm "
Mưa vẫn chưa có dấu hiệu ngớt, sấm chớp vẫn vang động cả một vùng trời. Ánh lửa bên trong ngôi nhà in bóng ba người đàn ông lên bức tường cũ kỹ, mặc dù mới là tầm trưa nhưng trời mưa gió, âm u như lúc chiều tối. Mọi thứ càng làm tăng thêm cái cảm giác rờn rợn, khi mà chỉ cần nhìn vào khuôn mặt của ông Sâm thôi, Thước cũng thấy lành lạnh chứ chưa cần nói đến khúc ông Sâm mở miệng, cất lên một chất giọng trầm trầm đầy ma mị :
-- Đó là 1 ngày cách đây hơn 1 năm về trước, cái chết của ông Khước, bây giờ chỉ cần nhắc đến thôi, người dân ở đây, ai ai cũng phải rùng mình.
Ông Sâm nhớ lại.......
[.......]
Buổi trưa hôm đó, ông Sâm đang lang thang đi tìm rượu thì thấy mọi người hối hả vừa chạy vừa kháo nhau điều gì đó. Khi đến chỗ mua rượu, ngay cả người bán rượu cũng bỏ nhà chạy theo đám đông khiến ông Sâm phải kéo giật lại hỏi :
-- Này...này, có chuyện gì mà chạy như cháy nhà thế hử..?
Người bán rượu đáp :
-- Còn hơn cháy nhà ấy....Dân bản đang kháo nhau, ông Khước phát điên rồi kia kìa.
Nhắc đến ông Khước thì dù là người lúc nào cũng trong tình trạng say xỉn như ông Sâm cũng biết. Nhưng ông Sâm vẫn hỏi lại cho chắc :
-- Ông Khước...? Ông Khước chuyên làm bùa đấy hả...?
Người bán rượu tặc lưỡi :
-- Thì làm gì còn ông Khước nào nữa, mà bỏ tay ra để tôi chạy đi xem.
Một người làm bùa nổi tiếng mà lại bị phát điên, đúng là giữa trưa có chuyện lạ. Vẫn không quên thó tí rượu rót vào chai, ông Sâm kẹp cái chai vào nách rồi chân đất chạy theo đám người trong bản. Gần tới nhà ông Khước, mọi người giờ đây đã quây kín bên ngoài hàng rào. Dân tình khi ấy vẫn còn đói kém, nhà đa số là nhà tranh, vách đất, có dựng bằng gỗ thì cũng toàn những loại gỗ chắp vá, đóng lại thành cái nhà lụp xụp. Nhưng riêng nhà ông Khước thì khác, nổi tiếng làm bùa mát tay, dân đồng bằng, cho tới dân những vùng lân cận, họ tìm đến ông Khước nhiều đến mức cứ không phải người ở đây mà đến, chẳng cần nói thì người dân cũng biết mà chỉ đường đến nhà ông Khước luôn. Thế nên chỉ sau mấy năm, ông Khước đã có tiền cất nhà toàn bằng gỗ tốt . Trâu bò phải có đến vài chục con, ruộng nương còn phải thuê bà con trong bản đến cày bừa, gieo hạt mỗi trong mỗi vụ mùa. Trước đó thì dân bản cũng chỉ biết ông Khước như một người bình thường, ông Khước cũng hay xuất hiện trong một vài cái lễ, cái đám ma của bản. Đột nhiên chẳng biết từ đâu, ông Khước bỗng nổi tiếng về nghề làm bùa. Dần dần tiếng lành đồn xa, tay nghề của ông Khước càng lúc càng cao. Không chỉ dân nơi khác, mà trong bản, nhà nào có con cái hay đi rừng bị ma rừng nhập, chỉ cần ông Khước đến cúng, làm một cái lễ đơn giản, cho uống một bát thuốc, lát sau tự nhiên khỏe lại bình thường.
Vậy nên, mấy năm trở lại đây, dân bản kính trọng, sùng bái ông Khước lắm. Người nơi khác bắt đầu gọi ông là thầy Mo, còn những ai ở đây vẫn quen miệng gọi ông là ông Khước như ngày trước. Mà hình như loáng thoáng có ai đó từng nói, ông Khước không muốn bị gọi là thầy mo, thầy bùa gì cả.
Thế mà giờ, dân bản lại đang rầm rộ việc ông Khước phát điên. Len lỏi một lúc, cũng vì người toàn hơi rượu nên ai cũng né, chẳng khó để ông Sâm luồn lên được chỗ cánh cổng nhìn vào trong ngôi nhà gỗ nổi bật.
Tiếng ì xèo, những cánh tay chỉ trỏ vào trong sân :
-- Ui giàng ơi, ông ta đang làm gì thế kia....?
-- Phạ ơi, khϊếp quá đi mất.
Ông Sâm đưa mắt nhìn vào khoảng sân trước mặt, đang ngồi giữa sân chính là ông Khước. Nhưng trên nền sân là một vũng máu nhơ nhớp, máu chảy loang lổ ra khắp sân. Đó là máu của một con bê con, con bê khốn khổ đã bị ông Khước dùng dao đâm chết, ngồi cạnh xác con bê, ông Khước đang xẻo từng miếng thịt sống cho lên miệng nhai ngấu nghiến một cách điên dại. Dường như ông Khước chẳng chú ý đến những ánh mắt từ dân bản đang nhìn mình đầy sợ hãi. Toàn thân nhuốm đầy máu của con bê, mồm miệng vẫn đang nhai thịt sống, đầu tóc rũ rượi. Nhìn ông Khước khi ấy, ông Sâm sợ đến rơi tuột cả chai rượu đang kẹp ở nách.
Nhưng đó chưa phải điều đáng sợ nhất, khi mà tất cả mọi người lắc đầu ngao ngán thì ông Khước nhe cái miệng đỏ lòm toàn máu là máu ra cười như điên dại, cuối cùng ông ta lấy rìu bổ củi, trước sự chứng kiến của mọi người, ông Khước giơ rìu chặt đứt lìa đầu con bê. Cúi xuống nhặt lấy cái đầu bê, ông Khước chĩa nó về phía cổng nhà nơi dân bản đang đứng nhìn, rồi lẩm bẩm đọc những câu gì đó.
Ngay lúc ấy, mọi người co chân chạy tán loạn, họ sợ ông Khước đang yểm bùa họ.
[.......]
Kể đến đây, ông Sâm giơ lòng bàn chân lên rồi nói :
-- Vết sẹo này là do tao đạp trúng mảnh vỡ từ chai rượu mà thành đấy. Rót cho tao xin chén nữa.......Rồi tao kể tiếp..
Thước đáp :
-- Chuyện vẫn còn sao...?
Ông Sâm gật đầu cái rụp :
-- Tất nhiên rồi......Khúc sau mới là đáng sợ đây này.