“Tiên sinh nói thế khách sáo quá, nếu không nhờ có tiên sinh thì ta và Phi Phi cũng không biết lưu lạc đến nơi nào rồi”.
Tả Trương Thị nói: “Nếu tiên sinh thích ăn đồ ta nấu, sau này đến núi Thiết Quán thì đừng ăn ở nhà ăn nữa”.
“Vậy được, ta không khách sáo với nương nữa, sau này có đến núi Thiết Quán thì đến nhà nương ăn ké”, Kim Phi cười nói.
“Vậy mới đúng chứ”, Tả Trương Thị cười nói: “Theo lý, ơn tình mà tiên sinh đối xử với ta và Phi Phi còn lớn hơn cả trời, Phi Phi phải lấy thân báo đáp mới có thể tra được, ăn mấy bữa cơm có là gì đâu?”
“Ha ha, nương nói quá rồi”.
Kim Phi sờ mũi, không biết nên tiếp lời thế nào.
Tả Trương Thị cũng là người thông minh, nhìn vẻ mặt của Kim Phi là biết nói nhiều thêm nữa thì phản tác dụng nên bèn cười rồi chuyển chủ đề.
“Tiên sinh, căn phòng này của tiên sinh đã lâu không ai ở, có lẽ chăn cũng bị ướt cả rồi, ta lấy ra phơi giúp tiên sinh nhé?”
“Cũng được”, Kim Phi gật đầu.
Kim Phi đã đồng ý kể chuyện với các bạn nhỏ nên tối nay chắc chắn sẽ không về được.
Trong phòng có mùi ẩm mốc thì đã đành, nếu chăn cũng bị ướt thì không thể ngủ được.
Tả Trương Thị đi đến mở cửa sổ, sau đó lại ôm chăn đệm trên giường ra ngoài.
Lúc này Kim Phi mới thở phào, chỉ vào cái ghế bên cạnh: “Vạn Hạc Minh ngồi đi”.
“Tiên sinh gọi ta là Tiểu Hạc đi, cha mẹ và tỷ tỷ đều gọi ta như thế”.
Vạn Hạc Minh ngoan ngoãn nói.
“Được rồi, sau này ta cũng gọi ngươi là Tiểu Hạc”.
Kim Phi hỏi: “Bản vẽ của ngươi là ai dạy ngươi thế?”
“Cha ta dạy”.
“Cụm bánh răng thì sao?”
“Cũng là do cha ta dạy”.
“Cha ngươi còn dạy gì nữa, có thể nói cho ta biết không?”, Kim Phi thử hỏi.
“Không được, cha ta đã nói, ngoài con trai của ta thì không được nói cho ai cả”, Vạn Hạc Minh lắc đầu.
Thời kỳ phong kiến, quan niệm của các gia đình thợ thủ công rất nặng nề, tay nghề chỉ truyền cho con trai, ngay cả con gái cũng không học được.
Chẳng hạn như Vạn Vũ Hồng, những kiến thức học được cũng không nhiều bằng đệ đệ tám tuổi.
Tất nhiên không phải Kim Phi muốn học lỏm mà chỉ muốn thử Vạn Hạc Minh, thấy cậu bé không muốn nói cũng không ép, chỉ cười nói: “Không nói thì thôi, vậy chúng ta nói chuyện khác nhé”.
Vạn Vũ Hồng quay lại, thấy hai người đang nói chuyện, sau khi rót nước xong bèn đứng sang một bên lặng lẽ nhìn.
Sau đó Kim Phi hỏi Vạn Hạc Minh vài kiến thức toán và cơ học, cũng ngày càng thích đứa trẻ này.
Không phải nói Vạn Hạc Minh tài năng thế nào, thật ra những kiến ​​​​thức cơ học mà cậu bé biết rất đơn giản, kiến ​​​​thức toán của cậu bé thậm chí còn không bằng một đứa trẻ lớp ba ở đời trước, cũng không thành thạo nhân chia.
Điều khiến Kim Phi ngạc nhiên là Vạn Hạc Minh biết cách thay đổi theo tình hình và tư duy, có thể học được, ứng dụng được.
Kho kiến thức không đủ cũng chẳng sao, Kim Phi có thể dạy từ từ.
Nhưng chủ động tư duy không thể nào dạy được, giống như Mãn Thương, chỉ biết học vẹt, Kim Phi dạy hắn làm gì thì hắn làm việc đấy, không biết cách ứng biến, càng đừng nhắc đến sáng tạo.
Làng Tây Hà muốn phát triển liên tục thì cần nhân tài như Vạn Hạc Minh.
Kim Phi ngẫm nghĩ rồi hỏi: “Tiểu Hạc, ngươi có muốn gọi ta là thầy, làm tam đệ tử của ta không?”
“Tiểu Hạc, mau khấu đầu với tiên sinh đi”.
Vạn Vũ Hồng nghe thế cũng cực kỳ ngạc nhiên.
Cô ấy cứ nghĩ Kim Phi chỉ đến đưa Vạn Hạc Minh đến làng Tây Hà đi học, không ngờ Kim Phi lại nhận cậu bé làm đệ tử.
Lúc nhỏ Vạn Vũ Hồng đã nhìn thấy cha mình làm việc, cũng đã làm trong xưởng luyện sắt lâu như thế, cô ấy biết rất rõ kỹ thuật của Kim Phi giỏi hơn cha của mình.
Cô ấy cũng từng thấy Kim Phi chỉ dạy Mãn Thương, cũng khác với việc người khác nhận đệ tử.
Thời kỳ phong kiến có câu nói dạy hết cho đệ tử thì sư phụ chết đói, rất nhiều người dạy đệ tử đều sẽ giữ lại chút vốn liếng cho mình, nhưng Kim Phi dạy đệ tử thì chưa từng giữ lại cái gì cả.