Chiều tà. Lúc này là gần 6 giờ tối. Đám đông trên sân đang ào ạt đổ xô đi về. Tôi lảo đảo đi ngược chiều lại với họ. Thân hình thấp bé cứ va phải người này người kia.
Trên sân cỏ, thiếu niên của ánh dương rạng ngời luôn được chiếu cố đến mức phát sáng trong lòng tôi, dù có bị trà trộn vào muôn vàn người khác tôi cũng dễ dàng nhận ra. Dưới ánh chiều tà, đôi mắt của anh nhuốm màu cam cháy, gần giống màu hổ phách, lấp lánh rực rỡ nhìn về phía tôi. Những tia nắng cuối cùng chiếu lên khuôn mặt anh tuấn, lộ rõ nụ cười vừa hé bình yên đến lạ. Anh chạy đến bên tôi. Ánh sáng mờ ảo của hoàng hôn làm cho chiếc bóng kéo dài trên nền cỏ xanh mướt. Gió thổi nhẹ qua, làm tung bay vạt áo đã thấm đẫm mồ hôi minh chứng cho một trận bóng khốc liệt, mang theo cả những tiếng quạ man mác buồn hiu lạnh lẽo. Tôi đứng cách đó không xa, chờ đợi hình bóng ấy chạy về phía mình. Hai trái tim, cùng chung nhịp đập, trở nên đồng điệu hơn bao giờ hết.
Đăng chợt khựng lại, đứng cách tôi khoảng 1m.
"À... Nãy đi đâu thế? Vừa vào trận là không thấy đâu cả."
Tôi rưng rưng, nước mắt nước mũi bắt đầu không khống chế được mà chuẩn bị trào ra. Chút sức lực cuối cùng chỉ đủ để tôi sà vào lòng anh, khoảng cách 1m ấy nhanh chóng được rút lại. Không cần biết có ai đang nhìn. Đủ lắm rồi, người yêu mình mà còn phải giấu diếm, những lúc yếu đuối thế này tôi không muốn phải tỏ ra mạnh mẽ hai mặt với bất kỳ ai cả. Tôi muốn được làm tôi của năm 17 tuổi, không chút muộn phiền, không phải Trần Minh Hân năm 28 tuổi gì cũng chỉ biết đâm đầu vào đau xót những tháng ngày trong quá khứ.
Tôi run run trong lồng ngực anh, những tiếng nấc nhỏ vang lên chỉ đủ khiến anh nghe thấy. Đăng hoảng hốt ôm chặt lấy tôi, hai tay vỗ về một cách nhẹ nhàng, miệng không ngừng lo lắng:
"Có chuyện gì sao? Đừng khóc. Kể anh nghe được không? Là lỗi của anh sao? Anh đã làm gì sai sao? Nín đi, đừng như thế. Anh sợ..."
"Nào nín đi."
Anh đã dỗ nín thành công. Chỉ còn sụt sịt nhưng tôi vẫn ôm chặt lấy anh. Tôi sợ giờ mà bỏ ra, một đám người đang nhìn chắc tôi độn thổ vì xấu hổ mất.
_____________________
Tôi chăm chăm nhìn vào bát phở đã được ăn hết cái, chỉ còn lõng bõng nước dùng cùng vài cọng hành được gảy ra. Đăng chống cằm nhìn tôi cặm cụi bặm tay bặm môi, dường như đang đợi câu trả lời:
"Thế, giờ em có thể nói anh nghe xem có chuyện gì được không?"
Tôi, đôi mắt đỏ lên vì khóc, như thể lâu lắm rồi không dám khóc trước mặt biết bao người, biết bao nhiêu kìm nén bỗng trào ra hết. Cảm giác mọi nỗ lực bao bọc bản thân như đổ vỡ cả thảy.
Hình ảnh chiếc xe cấp cứu chạy vụt qua mặt tôi, tiếng kêu bí bo vang vọng giữa ánh đỏ chót của hoàng hôn. Hôm ấy trời vừa nắng đỏ vừa mưa rào mùa hạ. Tưởng chừng như sẽ có cầu vồng sau cơn mưa bất chợt, nhưng cả bầu trời lại đặc biệt như đổ lửa.
Tôi sụp ngã xuống cổng nhà, ông nội phải dắt mãi mới vào.
Vậy mà hôm nay tôi phải ngồi trên chính chiếc xe ấy, tiếng còi vang trong xe còn kinh khủng gấp vạn lần. Tim tôi như nhảy ngược ra ngoài, dây thần kinh trên đỉnh đầu dựng đứng đến mức không nghĩ ngợi được gì. Ánh mắt bỗng chốc đục ngầu, không còn thấy đốm sáng nào hắt ra từ tròng mắt. Mồ hôi chảy từ trán, lăn dài trên má, rơi xuống bàn tay của người phụ nữ đang đau đớn nằm kia. Mẹ tôi nhăn nhó, cắn đến chảy máu cả môi, nhìn đến đau xót.
Lần đó, mẹ tôi không phải chuyển lên tuyến trên, chỉ một cuộc phẫu thuật ở bệnh viện huyện là xong ngay trong đêm.
Nhưng có vẻ lần này phát giác muộn, khối u đã vỡ ra từ bao giờ. Mẹ đang làm, phải gọi xe về vì đau không chịu nổi. Không có người thân khác trên xe với tôi, tôi phải tự cào chảy máu phần cổ tay để tinh thần tỉnh táo bớt hoảng loạn. Bố phải về nhà lấy thêm giấy tờ còn thiếu.
Tôi nắm chặt tay mẹ bằng lý trí cảm nhận cuối cùng của mình. Tôi chẳng biết vị bác sĩ bên cạnh làm gì, nói gì. Vô dụng, là tôi ngay lúc đó.
Luôn đứng chết trân một chỗ, lặng nhìn mọi thứ diễn ra quá nhanh xung quanh. Bố tôi vào phòng truyền máu cho mẹ lúc nào, tôi không biết. Như mất ý thức tạm thời, tiếng y tá chạy vội ra ngoài làm tôi giật mình tỉnh lại.
Bố và mẹ may mắn cùng nhóm máu. Mẹ mất quá nhiều máu trong lúc phẫu thuật, bệnh viện lại vừa truyền túi máu cuối cùng cho ca phẫu thuật trước nên hiện tại đang thiếu máu dự trữ của nhóm máu này.
Tôi nhận ra mọi ánh nhìn ngoài phòng phẫu thuật dồn chặt vào tôi. Bác gái, chị ruột của bố, đi cùng bố lên, lo lắng hỏi tôi. Hỏi cái gì tôi không nhớ, cũng có thể là vốn dĩ tôi chưa từng nghe được bác hỏi gì. Chú tôi, em rể của bố, kéo tôi ngồi xuống ghế sau hơn tiếng đứng im một chỗ.
Vừa ngồi xuống, chân tôi bủn rủn, đứng dậy lần hai là lúc mẹ được đưa ra, đôi chân không còn sức lực lập tức khuỵu xuống.
Gần hai tiếng đứng đợi trước cửa phòng phẫu thuật, bằng cả đêm chờ đợi trong bóng tối đẫm nước mắt của năm ấy. Cô bé năm nào sợ bóng tối như thế, mà ngồi trong căn phòng mất điện trống trải không còn ai ở nhà. Đến giờ không còn khóc nổi nữa.
Ca phẫu thuật thành công loại bỏ khối u. Nó đã đi cùng mẹ hàng chục năm trời. Khi phát hiện ra, vì lành tính nên mẹ luôn trì hoãn thời gian mổ. Cũng vì lúc ấy nhà vừa trả xong nợ, không còn chút vốn thừa nào. May sao, đến giờ mọi nỗ lực tích góp cũng khiến mẹ được nằm trong phòng bệnh thoải mái, được uống thuốc và chăm sóc đầy đủ.
Thương mẹ lắm! Nhưng con không còn đủ ký ức khi trước về mẹ nữa...
Đăng đưa tôi về nhà. Trên đường cũng không nói gì nhiều, có lẽ anh sợ mình sẽ nói sai làm tôi buồn thêm.
Hôm sau tôi nghỉ học. Có bố và bác gái ở đây chăm sóc mẹ, nhưng tôi cũng chẳng còn tâm trạng nào mà đến lớp nữa.
Nói qua về trận bóng hôm qua, thì là đã thắng rồi, còn thắng đậm nữa. Không ngoài dự tính thì lớp tôi cũng vào được chung kết.
Bác sĩ trưởng khoa vừa vào phòng, hỏi thăm mẹ tôi, kiểm tra lại vết mổ và dặn dò nhiều thứ. Cuối cùng còn hỏi gia đình tôi có muốn chuyển đến phòng chất lượng cao không. Nhà tôi cũng không muốn ở phòng bệnh chung, nên đã thuê phòng đơn, vẫn có hai giường để cho người nhà bệnh nhân nằm, vì vậy việc chuyển sang phòng khác là không cần thiết. Sao phải gạ nhà tôi chuyển sang đó cơ chứ?
Đăng vừa gửi tin nhắn cho tôi: "Ra nhận đồ nè."
Qua ô kính nhỏ trên cửa, chỏm tóc đen nhánh dựng lên một chút lộ ra phần trán cao và hàng lông mày sắc lẹm của một tên cứ lấm la lấm lét ngó vào.
"Sao anh lại ở đây? Mà cũng sao biết được số phòng nữa?" Tôi nhẹ nhàng đóng cửa, kéo Đăng ra chỗ khác.
Anh giơ lên giỏ hoa quả rõ to, cười híp mắt: "Anh đến thăm mẹ vợ anh mà."
"Mẹ em đã ăn được mấy cái này đâu." Tôi nheo mắt, đưa tay đón lấy giỏ quà. "Rồi em phải bảo bố mẹ là cái này ở đâu ra đây?"
"Không sao, bảo là mấy đứa bạn chung tay mua." Anh xoa đầu tôi, hỏi han về bữa trưa của tôi.
Tôi nói rằng tôi đã ăn cháo ở dưới căn-tin. Đợt trước xuống căn-tin bệnh viện này cũng là lúc Đăng nằm viện.
"Anh trốn học đấy à?" Tôi chỉ thẳng vào mắt anh, vẻ mặt nghiêm túc.
"Hôm nay là ngày đi tập trung đội tuyển ở trên này mà."
Tôi rút tay lại, gật gật đầu. Rồi lại ngẫm ra điều gì đó: "Không phải anh bảo là ở đấy người ta không cho ra ngoài trong ngày luyện tập sao?"
"..."
"Anh trốn ở đấy à!??" Tôi nói to hơn.
Đăng cúi xuống, ôm hai má tôi, xoa xoa: "Anh đến kiểm tra em bé của anh. Đến ngắm một chút thôi rồi về thì không ai biết đâu. Từ giờ đến chung kết còn một tuần nữa, vì thế nên anh phải ở trung tâm huấn luyện cả tuần này, sẽ không đi lại thoải mái như trước được. Nên là anh có chút lo lắng."
Tôi hiểu anh lo lắng điều gì. Tôi không muốn làm nỗi lo ấy nữa. Sau trận khóc hôm qua thì Đăng hoảng hốt lắm, anh để ý đến cảm xúc của tôi từng chút một. Tôi đã đánh đổi nhiều thứ từ kiếp trước mới tìm lại được con người khác của anh thế này.
"Không sao mà. Em sẽ gọi điện cho anh vào mỗi tối. Đừng lo lắng gì hết, cứ tập trung vào điều mình cần làm. Anh có mục tiêu quan trọng, em có nhiệm vụ hỗ trợ cho anh. Vì thế hãy luôn toả sáng, như trước đó anh vẫn làm. Đừng ngoảnh lại phía sau vì bất an, chắc chắn em vẫn sẽ ở đó. Được không?"
____________________
Hai ngày sau. Mẹ đã ngồi dậy nói chuyện thoải mái với mọi người. Người nhà đến thăm cứ lần lượt tới, ngồi một lúc rồi đi. Tôi ngồi một góc bên cạnh, gọt hoa quả từ chính gói quà của Đăng để mời mọi người.
Tôi chăm chỉ gọi cho Đăng mỗi tối. Anh lúc nào cũng trong tình trạng mồ hôi ướt đầm đìa. Bảo là đừng cố gắng quá sức, không biết có chịu nghe không.
Linh và Hoa thay phiên nhau gọi điện, nhắn tin tán gẫu cho tôi đỡ buồn. Cũng thông báo rằng cả trường ai cũng biết tôi và Đăng đang hẹn hò rồi, không càn giấu diếm nữa. Càng trách tôi sao có thể giấu họ lâu như vậy. .
||||| Truyện đề cử: Xuyên Về Cổ Đại Làm Tiểu Cô Nương Lợi Hại |||||
Đương nhiên là mọi người đều biết hết chuyện rồi. Ngay tối hôm tôi làm chuyện xấu hổ trên sân bóng, Đăng vừa về nhà liền đăng một tấm ảnh chụp chung của chúng tôi lên trang cá nhân, ghim nó ngay trên cùng.
Linh và Lâm dường như đã làm hoà, mối quan hệ cũng tốt đẹp hơn trước. Con bé kể với tôi, nguyên văn Lâm nói rằng: "Bảo con bé Trần Minh Hân quan tâm đến người yêu nó chút đi. Vì đi gặp nó mà không về kịp giờ tập huấn có VIP nên bị phạt chạy chục vòng sân tập đấy. Mỗi ngày đều như thế."
Vừa nghe đến đây, tôi sững người. Dáng vẻ mệt mỏi mỗi tối chỉ muốn ngủ ngay của anh đều là do chịu phạt, chứ không hẳn là tập luyện quá sức.
Linh bảo rằng các bạn ở lớp đều nghĩ Đăng nặng tình hơn, còn tôi thì có chút vô tâm, không biểu hiện rõ rằng mình có thích anh hay không. Việc tôi yêu nhiều hay ít làm sao tôi biểu hiện ra cho mấy người coi được?
Tôi hiểu cảm giác của tôi, Đăng quan trọng với tôi hơn bất kỳ ai, cũng giống như gia đình vậy. Mọi người không hiểu, Đăng sẽ hiểu, rằng tôi yêu anh đến thế nào.
Nói vậy, 6h tối, tôi đi xe bus đến trước cổng trung tâm huấn luyện. Lần đầu tôi tự tìm đến đây. Ngó nhìn xung quanh, có vẻ là không thể tự vào được. Tôi đành gọi Đăng xuống. Đang giờ tự do nghỉ ngơi sau giờ tập, nên Đăng chạy vào một cái từ ký túc xuống.
Vừa nhìn thấy bóng dáng hớt hải của anh, tôi dùng sức lực yếu ớt hiếm khi chạy của mình bước những bước dài thật nhanh đến đó. Ôi trời, ánh mắt lấp lánh sao của Đăng làm tôi có chút rưng rưng. Anh có cần phải sáng sủa đẹp đẽ kể cả có đang chảy mồ hôi ròng ròng thế không?
Tôi nhẹ nhàng rón rén đặt tay lên kiểm tra bắp tay, cổ tay, lật người anh qua lại, nhìn ngó xuống bắp chân. Xuất hiện thêm vài vết bầm tím ở đùi và cổ chân. Tôi nhíu mày.
"Sao vậy? Vừa đến đã sờ mó người ta rồi à?" Đăng nựng hai má tôi, cười cợt.
"Vớ vẩn, tập tành để tím hết cả người vào rồi. Còn đâu là Đăng đẹp trai rạng ngời của em nữa." Vừa phụng phịu nói vừa lục tìm đồ trong túi tote đeo trên vai.
Lấy ra vài miếng dán giảm đau vừa mua ở hiệu thuốc cho anh. Tập nhiều chắc đau cơ liên tục lắm nhỉ? Tôi nghĩ vậy.
Đăng nhận lấy, lật qua lật lại: "Anh xin nhe. Tối anh sẽ dán, dạo này đang đau cổ."
Chứ không phải là đau chân đau tay à?
Píp píp. Tiếng báo thức Đăng cài sẵn ở điện thoại kêu lên nhỏ nhẹ, chỉ để báo hiệu thời gian đã đến. Chúng tôi tạm biệt nhau sau 20 phút "thăm nuôi", để anh còn đi họp đội.