Phượng Kinh Thiên

Chương 117: Khát vọng có được (2)




“Đây... đây là thành ý mà dân chúng huyện Bạch Lan dành cho công tử.”

Diệp lão đại nhân được lão quản gia dìu đi, hiện đang đứng ở một bên để từ biệt công tử cùng Diệp Tuyết.

“Gia gia, không có con ở bên cạnh, người phải bảo trọng giữ gìn sức khoẻ, cũng đừng lo lắng cho con, con sẽ ổn thôi, con nhất định sẽ trở lại gặp người.” Diệp Tuyết quỳ gối trước Diệp lão đại nhân, rưng rưng nói.

Bàn tay Diệp lão đại nhân khẽ run run xoa lên gò má Diệp Tuyết, nhẹ nhàng lau nước mắt cho hắn: “Đừng lo lắng cho gia gia, gia gia có quản gia cùng rất nhiều người chăm sóc, gia gia... sẽ chờ con trở về.”

Diệp Tuyết nhìn về phía lão quản gia, ánh mắt hắn nghiêm túc nhờ cậy: “Trung bá, gia gia đều nhờ bá chăm sóc.”

“Tiểu thiếu gia yên tâm, lão nô nhất định sẽ chăm sóc cho lão đại nhân thật tốt.” Quản gia Trung bá nước mắt lưng tròng, ông từng ngày nhìn tiểu thiếu gia khôn lớn, bây giờ lại phải rời xa, ông thật lòng không nỡ.

Nguyên Vô Ưu trầm mặc một lát, điềm đạm nói: “Xin tất cả mọi người đứng lên trở về đi.”

Tất cả dân chúng đều đứng dậy, nhưng không hề rời đi mà lại vẫn cung kính, cảm kích nhìn theo bọn họ, dường như hạ quyết tâm muốn đứng tiễn họ ra khỏi thành.

Sau khi cáo biệt cùng Diệp Tuyết, Diệp lão đại nhân liền đi đến trước mặt Nguyên Vô Ưu, đang chuẩn bị hành lễ thì Nguyên Vô Ưu nhã nhặn ngăn lại: “Lão đại nhân miễn lễ.”

Diệp lão đại nhân lại kiên quyết quỳ xuống hành lễ: “Đại ân đại đức của công tử, thảo dân không có gì để báo đáp, chỉ có thể tạm thời dùng cách này để tỏ lòng cảm kích.”

Tiểu Hoa Tử nhanh nhẹn tiến lên đỡ Diệp lão đại nhân đứng dậy.

Nguyên Vô Ưu ngẩng đầu nhìn Diệp Tuyết đang cúi gầm mặt, hắn vừa khóc nức nở vừa dắt ngựa ra phía sau xe. Còn Ngọc Châu thì đỡ nàng bước lên xe ngựa.

“Mộc Vũ, lên đường thôi.”

“Ti chức cung tiễn công tử.”

“Cung tiễn công tử...”

Trong tiếng cung tiễn của mọi người, xe ngựa chầm chậm lăn bánh tiến về phía trước.

Diệp Tuyết thuần thục xoay người phi lên lưng ngựa, dù đã đi xa nhưng hắn vẫn cố ngoái đầu lại vẫy tay với Diệp lão gia. Xe chạy được một lúc, hắn lại thúc ngựa chạy về, ngồi trên lưng ngựa hét lên hết lần này đến lần khác với Diệp lão đại nhân: “Gia gia người đừng lo cho con, con sẽ ổn thôi.”

Diệp lão đại nhân nước mắt đầm đìa gật đầu, vội vã nói: “Mau đi đi, mau đi đi, gia gia biết rồi.” Diệp lão đại nhân không biết để Tuyết Nhi đi con đường này đến cuối cùng là đúng hay sai, chỉ hy vọng là đúng...

Đám đông đưa mắt nhìn theo chiếc xe ngựa ngày một khuất xa, quản gia Xương Quận Vương Phủ nhìn thấy cảnh này, liền chạy nhanh trở về bẩm báo.

“Có thật là Nguyên Vô Ưu đã đi rồi không?” Xương quận vương híp mắt hỏi.

Quản gia gật đầu: “Chủ tử yên tâm, tiểu nhân chính mắt nhìn thấy, quả thực là đã rời thành.”

Xương quận vương cười lạnh, ra khỏi thành là tốt rồi, chỉ cần Nguyên Vô Ưu rời khỏi huyện Bạch Lan, ông ta có thể thỏa sức trừng trị đám người Đinh Hòe An và Diệp gia.

Nhưng Xương quận vương không ngờ được là trong lúc ông ta vẫn đang mải mê nghĩ cách trừng trị Đinh Hòe An cùng Diệp gia như thế nào, thì ba ngày sau ông liền nhận được thánh chỉ từ Kinh thành.

Khánh Đế đã hạ chỉ tước đi chức vị và giáng ông ta xuống làm thứ dân.



Tòa cung điện hẻo lánh nhất nước Chu có cái tên rất đẹp: Quảng Ninh Cung. Quảng Ninh Cung không lớn lắm, cũng không còn vẻ đẹp tráng lệ lộng lẫy mà một cung điện nên có nữa, bởi theo thời gian, nó đã bị mọi người lãng quên từ lâu.

Lúc này, cửa sổ trong chính điện nửa mở nửa khép, gió thổi vào từng cơn làm tấm rèm trắng khẽ đung đưa trong đại điện vắng vẻ. Khung cảnh ấy không những không mang lại vẻ đẹp, ngược lại khắp nơi đều lộ rõ vẻ tiêu điều, thê lương, đổ nát.

Đi ngang qua mới phát hiện, sở dĩ cửa sổ để hở là vì nó đã bị phá hỏng.

Nếu không phải bên trên đại điện còn treo tấm bảng khắc chữ Quảng Ninh Cung, thì có lẽ người ta sẽ không cho rằng nó là một tòa cung điện, nói nó là một cái sân còn thích đáng hơn.

Đất trong sân đều là đất cát, cạnh góc tường có trồng một cây hạnh nở đầy hoa.

Dưới gốc cây có một tảng đá lớn, mặt đá tròn trịa bóng nhẵn là kết quả của sự bào mòn theo năm tháng.

Có một nam nhân còn rất trẻ ngồi trên tảng đá chăm chú đọc sách, dáng người dong dỏng cao ước chừng mười tám, mười chín tuổi. Hắn ngồi trong tư thế đầu hơi cúi xuống nên không nhìn rõ mặt mũi, chỉ nhìn thấy dưới cây hạnh là bóng hình thiếu niên mặc bạch y, mái tóc đen láy, đang chuyên tâm đọc sách.

Nhìn kỹ thì thấy rằng, bạch y mà nam tử mặc chỉ là y phục vải bố rất bình thường, tóc đen cũng chỉ được buộc bằng một miếng vải bố, cách ăn mặc giản dị, sạch sẽ trông giống một thư sinh nghèo.

Nhưng trang phục trên người hắn lại không nhìn thấy vẻ tồi tàn.

Hắn rất gọn gàng, không phải bởi vì hắn ăn mặc giản dị mà làm cho người ta cảm thấy gọn gàng sạch sẽ, mà cảm giác ấy toát ra từ chính con người hắn.

Két... Tiếng đẩy cửa vang lên từ một căn phòng nhỏ sát vách đại điện, người bước ra là một nữ nhân trung niên.

Khuôn mặt bà xinh đẹp, yêu kiều, sắc mặt có chút tái nhợt, thân hình mỏng manh gầy yếu, cũng mặc quần áo bằng vải bố, trên búi tóc đến một cái trâm cài cũng không có. Tuy cách ăn mặc mộc mạc, nhưng khí chất lại không giống nữ nhân bình thường, ngược lại ở bà lại toát lên sự bình thản, an nhiên.

Nam tử rời mắt khỏi quyển sách chuyển hướng nhìn về phía bà, cung kính kêu lên: “Nương.”

Bà nhìn vào đống y phục treo trên sào trúc, liền cau lông mày lại: “Nương không phải đã nói, những chuyện lặt vặt này để nương làm sao?”

Nam tử không để ý lời nói của bà, hắn chỉ mỉm cười, lém lỉnh nhướng đuôi lông mày lên.

Quan sát kĩ mới nhận ra những đường nét trên gương mặt của cậu thanh niên này rất thanh tú, quả thực là rất đẹp. Nếu như không chú ý đến đôi mắt của hắn, thì ai nhìn hắn lần đầu tiên cũng sẽ thấy không có gì đặc biệt.

Nhìn đến lần thứ hai, cũng sẽ không cảm thấy đẹp đến choáng váng, nhưng... nếu nhìn thẳng vào mắt hắn, sẽ không thể rời mắt được nữa. Nhìn đến lần thứ ba, nếu như hắn mỉm cười, thì dù có phải chết chìm trong ánh mắt và nụ cười của hắn, vĩnh viễn không được đầu thai sẽ cũng cảm thấy cam lòng.

Hắn đặt cuốn sách trong tay xuống, đứng dậy đi vào đại điện lấy ra một chiếc ghế đặt cạnh tảng đá, sau đó lại đỡ vị phu nhân kia ngồi xuống: “Hài nhi đi bưng thuốc đến.”

Bà dịu dàng nhìn hắn đi vào trong bếp, sau đó di chuyển tầm mắt xuống quyển sách hắn đặt trên tảng đá, khẽ mỉm cười.

“Nương, thuốc đến rồi, người uống đi.”

Bà nhận lấy chén thuốc uống từng ngụm, từng ngụm nhỏ.

Nhìn chén thuốc cạn thấy được đáy, nụ cười trên khuôn mặt hắn càng lúc càng đậm.

Sau khi dùng khăn lau nhẹ khóe miệng, bà vừa ngước lên liền nhìn thấy nụ cười khiến người khác hồn xiêu phách lạc của hắn, khẽ than: “Không phải nương dặn con ít cười lại rồi sao?”

“Chỉ cười trước mặt nương thôi.” Hắn mỉm cười, lông mày lại khẽ nhướng lên, trong chớp mắt, toát lên sự thanh nhã vô cùng.

Khuôn mặt tái nhợt của người phụ nữ trung tuổi hiện lên vẻ tươi cười, nhưng khi nhìn vào đống quần áo treo trên sào trúc, dáng vẻ tươi cười của bà dần thu lại: “Về sau những việc lặt vặt của nữ nhân này, không cho phép con đụng tay vào, để nương làm.”

Nam tử mỉm cười, cũng không nói gì.

Bà hiểu tính tình của hắn, chỉ thở dài một tiếng: “Thời gian thấm thoát thoi đưa, con cũng đã mười chín tuổi, một năm nữa con sẽ làm lễ gia quan* rồi.”

(*) Lễ gia quan: lễ trưởng thành thời xưa.

Nam nhân vừa cười vừa ngồi xuống tảng đá và nói: “Hài nhi cảm thấy những ngày tháng thanh nhàn như thế này không có gì là không tốt!”

Bà vỗ nhẹ vào lòng bàn tay hắn: “Không cần lãng phí thời gian ở đây với nương.” Nếu như không phải vì chăm sóc bà thì hắn sớm đã kiêu ngạo với thế gian rồi.