Phúc Tinh Soi Sáng

Chương 2




Phùng Viên Viên tỉnh mộng, vẻ mặt lão Lý một tay giao người một tay nhận tiền dường như vẫn còn lảng vảng trước mắt, ông ta cười hí hửng giống trên trời rớt xuống bánh có nhân hay vụ thu được mùa.

Dựa vào sự hiểu biết của Phùng Viên Viên đối với lão Lý, ông ta nhất định sẽ bán bé nếu thực sự có cơ hội như vậy.

Vấn đề là, bà thím kia thật làm tú bà lầu xanh sao?

Phùng Viên Viên không hề có chứng cứ, nhưng trong lòng lại nảy sinh cảnh giác với những gì nhìn thấy trong giấc mơ.

Mặc kệ nói thế nào, có phòng bị mới có thể tránh hoạn.

Bà con chòm xóm thường cảm thán cuộc sống của Phùng Viên Viên quá khổ, còn nhỏ mà đã không cha không mẹ, nhưng chính vì trải nghiệm cuộc sống này cũng dạy Phùng Viên Viên phải tự lập và tự bảo vệ mình từ rất sớm.

Sau khi bình tĩnh lại, Phùng Viên Viên đã lập ra một kế hoạch.

Đầu tiên, cô bé cần xác định tính chân thật của cảnh trong mơ, nếu là sự thật thì bé phải rời đi trước khi lão Lý ra tay. Dẫu bé trở thành kẻ ăn xin sống lang thang trên đường phố thì vẫn tốt hơn so với bị bán vào lầu xanh.

Mặc dù không biết bên trong lầu xanh cụ thể thế nào, nhưng căn cứ vào những câu mắng chửi khi hàng xóm cãi nhau, Phùng Viên Viên suy đoán nữ tử vào lầu xanh thì tình cảnh sẽ thảm thương hơn nhiều so với làm nha hoàn.

Nhân lúc lão Lý chưa đi làm về, Phùng Viên Viên khóa cửa tây phòng, chui xuống gầm giường gỗ cũ nát.

Dưới gầm giường là lớp đất cứng, không được ánh mặt trời chiếu vào nên hơi ẩm ướt, có một chỗ được khảm một viên đá cuội to bằng củ đậu.

Phùng Viên Viên moi ra viên đá cuội, dùng xẻng nhỏ mạnh mẽ xúc đất, nhanh chóng đào ra một bình gốm nho nhỏ.

Lão Lý là người mê rượu thích ăn ngon, tiền tới tay là xài hết ngay, bà Lý sống tằn tiện hơn nửa đời, thật vất vả mới tiết kiệm được một chút vốn riêng.

Năm ngoái bà Lý bệnh nặng, biết rõ lão Lý sẽ không đối xử tử tế với Phùng Viên Viên nên đặc biệt để lại chiếc bình gốm này cho cô bé.

“Viên Viên, bà đi rồi, cháu phải tự chăm sóc bản thân.”

“Nếu lão đối xử tốt với cháu, cháu tiếp tục coi lão là ông nội; nhưng nếu lão không có lòng nhân đạo, cháu hãy chờ cơ hội tìm nhà khác mà nương tựa.”

“Đợi khi cháu lớn lên, khẳng định sẽ gặp một vài nam tử. Cháu phải luôn tỉnh táo mở to đôi mắt, đừng bị lừa bởi lời ngon tiếng ngọt của bọn họ.”

Gương mặt tiều tụy mà từ ái của bà cụ hiện lên trong trí nhớ, Phùng Viên Viên chựng lại một chút rồi ôm bình gốm chui ra khỏi gầm giường.

Bình gốm chứa sáu mươi đồng tiền, còn có một chiếc vòng bạc thật mảnh.

Đây là chiếc vòng bạc thời trẻ lão Lý tặng bà, nghe nói phải cực khổ tích cóp thật lâu mới đủ tiền mua.

Bà Lý cảm động vô cùng, vui vẻ gả cho lão.

Phùng Viên Viên nhìn chiếc vòng tay, nhớ tới hình ảnh bà Lý kéo lê thân thể đầy thương tích giặt quần áo nấu cơm, là do lão Lý vung nắm tay hạ cẳng chân lên người bà.

Tiên sinh kể chuyện trong quán trà thường nhắc mãi “Tình nghĩa vô giá”, Phùng Viên Viên cảm thấy, tình nghĩa của lão Lý đều có giá, tất cả chỉ bằng giá trị của chiếc vòng bạc mảnh mai này, không đáng cho bà Lý đáp lại bằng cả đời.

Chiếc vòng bạc rất mảnh, muốn mang theo thì có thể đeo ở cổ chân, dùng vớ dài và ống quần che kín.

Còn về phần mấy đồng tiền...

Phùng Viên Viên lôi ra kim chỉ, may hai cái túi ngầm ở hai bên sườn trong của một bộ dồ, mỗi túi giấu hai mươi đồng tiền, dư lại hai mươi đồng thì cất vào túi tiền đeo bên ngoài để ngụy trang.

Mới vội vã làm xong, ngoài đường truyền vào một đoạn đối thoại.

“Lão Lý về rồi à, mái nhà bên kia sửa thế nào?”

“Tạm ổn, ngày mai đi một chuyến nữa là xong việc.”

Phùng Viên Viên nhanh chóng giấu túi tiền và bình gốm cẩn thận rồi ra ngoài nghênh đón.

Lão Lý vừa tán gẫu với láng giềng, lúc này mới bước qua cổng, một tay cầm áo cánh đẫm mồ hôi, tay kia xách một con cá sông cỡ bàn tay.

Bước chân Phùng Viên Viên chựng lại, ánh mắt dừng trên tay lão Lý.

Trong giấc mộng lúc ban trưa, lão Lý và bà thím vừa tách ra không lâu thì gặp một người bạn cũ vừa đi câu cá về, vị kia tặng lão một con cá nhỏ, có thể nấu canh.

“Nấu cơm chưa?”

Lão Lý nhìn thấy Phùng Viên Viên, trong mắt xẹt qua một tia phức tạp, chựng lại trong chốc lát mới hỏi như thường lệ.

Phùng Viên Viên cũng hoàn hồn, mỉm cười nói: “Buổi trưa cháu làm bánh nướng, chờ ông về sẽ nấu chút canh trứng là ăn ngay thôi ạ.”

Lão Lý: “Được, có con cá này, cầm đi nấu tô canh.”

Phùng Viên Viên đón lấy con cá. Cá còn sống, giẫy giụa mấy cái rồi phun ra vài bong bóng nước.

Phùng Viên Viên làm bộ thích thú hỏi: “Ông mua cá ạ?”

Lão Lý: “Của lão Trương đưa. Lão ta thật keo kiệt, cho con cá không đủ để ta nhét kẽ răng.”

Phùng Viên Viên đã có đáp án, xách con cá ra bờ sông làm sạch. Khi đánh vẩy cá, cô bé hung hăng dùng sức hơn hẳn bất cứ lần nào trước đây.

Con cá tuy nhỏ nhưng bỏ vào nồi nấu canh vẫn thỏa ra mùi thơm mê người.

Phùng Viên Viên ngồi trước lòng bếp, trông như đang chăm chú thêm củi. Lão Lý đi vào sân sau, lúc này ngồi ở nhà chính, ngẩn ngơ nhìn dãy núi xa xa không biết suy nghĩ điều gì.

Canh cá phải nấu cô đặc chút mới ngon, con cá nho nhỏ chỉ đủ nấu được một chén lớn.

Phùng Viên Viên đặt chén canh trước mặt lão Lý.

Lão Lý vừa định húp canh, liếc mắt nhìn Phùng Viên Viên một cái, chia ra non nửa chén: “Ngươi cũng ăn chút canh đi, dạo này nom gầy rồi.”



Nếu là ngày hôm qua, Phùng Viên Viên nhất định sẽ cảm thấy trong lòng ấm áp, cho rằng lão Lý thật sự quan tâm tới mình.

Hiện tại, Phùng Viên Viên biết rất rõ, lão Lý chỉ muốn dùng phương pháp này để giảm bớt cảm giác tội lỗi đối với Phùng cha mà thôi!

“Cảm ơn ông.”

Phùng Viên Viên chẳng có một chút khẩu vị nào, nhưng bé có kế hoạch chạy trốn, muốn chạy trốn phải có đủ sức lực!

Chỉ với một chút canh cá này, Phùng Viên Viên ăn một hơi ba miếng bánh nướng.

Lão Lý giựt giựt đuôi mày, nha đầu thúi vừa tham ăn lại chẳng biết hiếu thuận, thà bán nó lấy tiền coi bộ tốt hơn!

Một già một trẻ đều có suy nghĩ riêng, sau khi ăn xong, từng người trở về phòng ngủ.

Màn đêm buông xuống, Phùng Viên Viên mò mẫm đóng gói một tay nải nhỏ, bên trong có hai bộ quần áo để thay đổi.

Ngoài ra bánh nướng còn thừa, ngày mai mang theo làm lương khô ăn dọc đường.

Thời gian hấp tấp, gia sản có hạn, Phùng Viên Viên chỉ đành chuẩn bị vậy thôi.

Sau khi chạy trốn, liệu có thể gặp phải kẻ xấu nào khác hay không?

Nhưng nếu trốn thoát, ít nhất còn có cơ hội gặp được người tốt. Ở lại chỉ biến thành hai mươi lượng bạc của lão Lý mà thôi.

Nằm trên giường, suy nghĩ ngày mai sẽ xảy ra chuyện gì, Phùng Viên Viên trằn trọc hồi lâu mới mệt mỏi ngủ thiếp đi.

Không ngờ ban đêm cô bé lại nằm mộng.

Trong giấc mộng, Phùng Viên Viên đi đến ngõ Thạch Kiều trong huyện, tìm một người đàn ông được gọi là “Mai gia”.

Mai gia là người cường tráng cao chín thước, kiếm sống bằng cách "thu người tiền tài, thay người làm việc".

Phùng Viên Viên dùng chiếc vòng bạc làm thù lao, thuê Mai gia đưa mình đến một nơi tên là Đào Khê ở núi Thương Sơn.

Sau đó, ở thung lũng Đào Khê phong cảnh nên thơ, Phùng Viên Viên gặp một vị mỹ nhân tựa thần tiên. Mỹ nhân có vẻ mặt lạnh lùng nhưng vẫn sẵn lòng đưa bé về nhà.

Khi Phùng Viên Viên tỉnh mộng, ngoài cửa sổ trời đã mờ sáng.

Cô bé véo véo cánh tay, hồi tưởng lại giấc mộng từ đầu tới cuối.

Thể theo kế hoạch của Phùng Viên Viên, cô bé sẽ ra khỏi thành, chọn một hướng ngẫu nhiên rồi cứ tiếp tục đi về phía trước, cách lão Lý càng xa càng tốt.

Ấy mà trong mộng lại chỉ rõ từng bước tường tận, giống như đang hướng dẫn cô né bảy tuổi phải làm thế nào để nương tựa vào một vị mỹ nhân thân phận không rõ.

Chẳng lẽ vận mệnh đã an bài, đều là ý trời?

Vì sao ông trời muốn giúp mình?

Khi bà Lý bệnh nặng, Phùng Viên Viên đã từng cầu khẩn ông trời nhưng ông trời không đáp ứng, cho nên lần này chính mình gặp nguy hiểm, khẳng định không phải do ông trời ban phát thiện tâm.

Ngoại trừ ông trời...

Còn có Phúc Tinh gia!

Mình mới giúp Phúc Tinh gia sửa chữa mái nhà là bắt đầu nằm mơ, đương nhiên do Phúc Tinh gia hiển linh!

Nghĩ đến đây, Phùng Viên Viên tràn ngập tin tưởng vào con đường phía trước, chẳng hề sợ hãi chút nào!

Sợ gì chứ, Phúc Tinh gia đang soi đường cho mình mà!

- -------

Sau khi ổn định tâm trạng, Phùng Viên Viên rời giường nấu cơm theo thường lệ.

Lão Lý mở cửa đi ra, nhìn cô bé như đang nhìn hai mươi lạng bạc sắp tới tay. Tuy nhiên, Tử Vân Quan còn có việc phải làm, có ý gì thì cũng phải đợi đến khi công việc được hoàn tất rồi mới tính.

Hai mươi lượng bạc chỉ là miếng bánh trên trời rơi xuống, cả đời chỉ có một lần, danh tiếng của người thợ nề kiếm sống không thể bị hủy hoại.

“Ta đi đây, ngươi trông chừng nhà cẩn thận, đừng đi đâu cả.”

“Vâng ạ, ông đi làm về sớm.”

Phùng Viên Viên đưa lão Lý ra cửa, kiên nhẫn đợi thêm nửa canh giờ, xác định lão Lý sẽ không đi về bất ngờ, lúc này mới vào phòng lấy vòng bạc, một mình đi đến ngõ Thạch Kiều.

Gặp phải láng giềng, cô bé chỉ nói mình đi chơi, không ai hoài nghi.

Ngoại trừ tiểu thư khuê các, con nít nông thôn sáu bảy tuổi ra cửa chơi đùa đều quá bình thường.

Lý gia ở thành tây, ngõ Thạch Kiều ở thành đông, quãng đường giữa hai nơi rất xa, chung quanh không ai quen biết Phùng Viên Viên.

Cô bé lễ phép hỏi thăm một bà lão, được hướng dẫn đường tới cửa Mai gia.

Phùng Viên Viên ghé mắt nhìn qua kẹt cửa, thấy trong sân gọn gàng sạch sẽ, trông như một gia đình nề nếp.

Cô bé thử gõ cửa.

Gõ xong ba tiếng, Phùng Viên Viên hơi lo lắng, lại ghé nhìn qua khe cửa, thấy một người đàn ông cao lớn từ nhà chính đi ra, tướng mạo giống y như đúc với Mai gia mà cô bé gặp trong mộng!

Mai gia sải bước rất dài, thoắt cái đã tới trước mặt Phùng Viên Viên.

Phùng Viên Viên phải ngửa đầu hết cỡ mới có thể thấy rõ mặt Mai gia.



Đối mặt với một cô bé, Mai gia nhíu mày, lạnh lùng hỏi: “Mi tìm ta?”

Phùng Viên Viên đang hoảng loạn, nhưng bé lẻ loi một mình và chỉ có thể đánh cược một lần, tin rằng những giấc mơ đó đều giúp bé thoát khỏi khốn cảnh.

Cố gắng trấn tĩnh, trước tiên Phùng Viên Viên chui qua kẹt cửa Mai gia chỉ mở hé, sau đó nhanh chóng lấy ra chiếc vòng bạc đưa cho Mai gia rồi nói: “Cháu muốn thuê chú làm cho cháu một chuyện.”

Mai gia nhướng mày, người tìm y làm việc đếm không xuể, nhưng một đứa bé thuê y thì đây là lần đầu tiên.

Khoanh tay trước ngực, Mai gia tùy tiện dựa vào ván cửa, thản nhiên hỏi: “Chuyện gì?”

Phùng Viên Viên: “Cháu muốn đến Đào Khê ở Thương Sơn, chú có thể hộ tống cháu không?”

Thương Sơn cách huyện này hơn trăm dặm, ngồi xe ngựa khoảng ba bốn ngày là có thể đến, không tính là công việc vất vả, một chiếc vòng bạc làm tiền thuê cũng đủ.

Mai gia: “Mi đến đó làm gì? Người nhà biết không?”

Ánh mắt Mai gia sắc bén, Phùng Viên Viên không dám nhìn thẳng, tay run nhè nhẹ, cụp mắt nói: “Cháu không cha không mẹ, trước khi chết cha gởi gắm cháu cho một ông lão được cha cứu. Hiện tại ông ta vong ân phụ nghĩa, muốn lén bán cháu cho lầu xanh, cháu chỉ có thể chạy trốn. Đào Khê có họ hàng xa, cháu muốn đến nhờ cậy họ.”

Mai gia nghe xong, hàng mày nhíu lại lần nữa: “Hiện tại ông ta ở đâu?”

Phùng Viên Viên: “Đi Tử Vân Quan sửa nhà rồi ạ, chạng vạng mới có thể về thành.”

Mai gia: “Vòng tay là mi trộm của ông ta?”

Phùng Viên Viên vội vàng lắc đầu, một năm một mười kể rõ xuất xứ của chiếc vòng.

Mai gia trầm mặc một lát rồi hỏi: “Có ai biết mi tới chỗ ta hay không?”

Phùng Viên Viên: “Không ạ, cháu chưa hề nói với ai.”

Mai gia nhìn chằm chằm cô bé trong chốc lát, bỗng giật lấy chiếc vòng bạc trong tay cô bé.

Phùng Viên Viên thót tim.

Mai gia liếc ra ngoài cửa, thấp giọng dặn dò: “Hiện tại mi về nhà, gói ghém những thứ đáng giá nhất, toàn bộ nhét vào người. Đừng mang theo tay nải, lấy cớ đi Tử Vân Quan tìm ông già để ra khỏi thành. Sau khi ra khỏi thành, mi đi dọc theo quan đạo khoảng hai dặm sẽ gặp một ngã rẽ, chờ xung quanh không có ai thì leo lên cây chờ ta. Nhớ kỹ, nếu bị người bắt gặp, ta sẽ trả vòng tay cho mi, coi như trước nay chưa từng gặp.”

Mai gia cũng nói những lời này trong giấc mộng, gần như không sai một chữ nào!

Phùng Viên Viên hưng phấn gật đầu.

Khóe môi Mai gia khẽ nhếch, bàn tay to xoa đầu Phùng Viên Viên, nói nửa đùa nửa thật: “Mi không sợ ta cướp chiếc vòng bạc mà không làm việc à, hoặc là ta cũng đem bán mi vào lầu xanh?”

Phùng Viên Viên đương nhiên sợ hãi, nhưng trước mắt cô bé chỉ có thể mạo hiểm.

“Cháu tin tưởng chú.”

Cô bé nhìn thẳng vào mắt người đàn ông này, cố gắng làm ra vẻ không sợ.

Mai gia cười cười, sau đó đẩy Phùng Viên Viên ra ngoài rồi đóng cửa.

Phùng Viên Viên ngây người một lát mới phản ứng, cô bé thản nhiên trở về Lý gia làm như không có việc gì.

Không thể mang theo tay nải, Phùng Viên Viên mặc bộ đồ có may túi ngầm, đặt năm cái bánh nướng to bằng bàn tay vào túi giấy dầu rồi xách theo.

Đứng trước cửa phòng lão Lý một lát, cuối cùng Phùng Viên Viên vẫn không bước vô.

Ông già này ngày nào cũng ăn nhậu chơi bời, chẳng có bao nhiêu tiền, không đáng để mình trở thành kẻ trộm.

Bà Lý mất rồi, ông ta không có con cái chăm sóc khi về già, hiện tại còn có thể đi làm kiếm tiền, sống thêm mấy năm nữa tuổi già sức yếu, ông ta biết nương tựa vào ai?

Phùng Viên Viên gần như có thể thấy trước viễn cảnh khốn khổ của lão Lý khi về già.

Đóng cửa lại, Phùng Viên Viên rời đi không hề tiếc nuối.

“Viên Viên lại ra ngoài à?”

“Vâng, cháu đi Tử Vân Quan tìm ông.”

“Tử Vân Quan xa như vậy, cháu có việc gì gấp lắm sao?”

“Không ạ, cháu chỉ muốn đến đạo quan chơi thôi.”

Trả lời có lệ với láng giềng hỏi chuyện, Phùng Viên Viên thuận lợi đi tới cửa thành.

Quan binh canh giữ thành vẫn còn nhớ Phùng Viên Viên, nghe nói cô bé muốn đi tìm ông bèn vui vẻ cho qua.

Phùng Viên Viên đi dọc theo quan đạo, đã quen với việc giặt giũ và nấu ăn hàng ngày, vì vậy đi bộ hai dặm trên đường cái quan cũng không nhằm nhò gì.

Tới ngã rẽ theo như sự chỉ dẫn của Mai gia, hai bên đường quả nhiên đều là cây cao, trong đó có một thân cây chừng một người ôm, cành lá tốt tươi.

Phùng Viên Viên quan sát xung quanh, cố ý chờ đến khi xa gần không còn bóng người bèn thoăn thoắt leo lên cây.

Giấu mình sau đám lá, Phùng Viên Viên ngóng trông về hướng cửa thành.

Một con chim sẻ nhỏ bay qua, chiêm chiếp vài tiếng rồi lại bay đi.

Không biết qua bao lâu, Phùng Viên Viên thấy một chiếc xe ngựa đang chạy chầm chậm về hướng này.

Khi xe ngựa quẹo vô ngã rẽ, Mai gia đang đánh xe ngẩng đầu, nhìn thẳng vào nơi Phùng Viên Viên ẩn núp.

Thật ra vẻ mặt Mai gia trông rất hung dữ, nhưng khi ánh mắt họ gặp nhau, Phùng Viên Viên mỉm cười chân thành tự đáy lòng, nụ cười xán lạn tựa như đóa hoa ở rộ trong bóng mát.