Phố Nha Hương

Chương 2




Chuyển ngữ: Phanh

Biên tập: Trần

Bác Ái là bệnh viện công lập. Có rất nhiều thành phố cũng có bệnh viện tên là Bác Ái, nhưng không nhất định là bệnh viện công, cũng chưa chắc đã là bệnh viện sản – nhi. Nhưng bệnh viện Bác Ái ở Đông Hương thì vừa khéo lại hội tụ cả hai điều trên.

Ở nơi sầm uất nhất của khu phố cũ, bên cạnh chợ Tế Thôn, bệnh viện Bác Ái mới được xây dựng trên nền của nhiều ngôi nhà dân cư bị dỡ bỏ. Theo cách nói dân dã, đây là bệnh viện cung cấp trọn gói dịch vụ sinh nở, phá thai và chăm sóc trẻ em. Tuy nhiên, dân trong ngành đều xem bệnh viện này như nơi để quẳng mấy ca của nợ rắc rối qua đó. Tất cả những trường hợp bệnh lý sản khoa không kiếm được tiền, rủi ro cao, hay những trường hợp liên quan đến kiện tụng thì đều sẽ được chuyển đến đây.

Ngô Đình Phương là phó trưởng khoa sản của bệnh viện này, ba mươi bảy tuổi, ở trên có trưởng khoa là Hà Văn Sương. Bởi vấn đề về tuổi tác mà mấy năm nay, chủ nhiệm Hà gần như gác tay, mọi việc lớn nhỏ trong khoa đều giao cho Đình Phương. Bệnh viện luôn thiếu người, thế nên rất nhiều bác sĩ cốt cán có thâm niên vẫn phải trực tuyến đầu. Tuyến hai của cả khoa sản thì do bốn trưởng khoa sản tổng quát và Ngô Đình Phương phân công phụ trách. Có điều vì vị trí cố định, mấy vị trưởng khoa sản tổng quát còn thiếu kinh nghiệm cấp cứu nên nếu xảy ra trường hợp khẩn cấp hay bác sĩ trực ban không thể xử lý được tranh chấp thì dù Ngô Đình Phương đang nghỉ phép cũng phải cấp tốc quay về.

"Mùng một Tết là lễ đăng tửu* của An An, Ngô Đình Phương giúp Đình Hoa treo đèn lên bàn thờ. Một miếng củ cải trắng được buộc ở giữa khung tre của chiếc đèn lồng, mẹ đưa cho anh một cây nến, bảo anh cắm vào củ cải trắng. Sau khi thắp nến xong, anh đang trèo từ thang gỗ xuống thì chợt nghe thấy tiếng chuông điện thoại.

(*Lễ đăng tửu: Là tập tục kéo dài ngàn năm, chủ yếu được tổ chức bởi người dân tộc Choang ở vùng núi Đại Minh, tỉnh Quảng Tây. Người ta cho rằng nhà có thêm con trai là niềm vinh hạnh của cả tộc. "Đăng" trong tiếng Choang phát âm gần giống "Đinh" trong nam đinh, độc đinh, mà "Tửu", tức rượu thì lại là món đồ cúng trước nay không thể thiếu, vì vậy dần hình thành nên "lễ đăng tửu" truyền thống của dân địa phương.)

Điện thoại của bác sĩ nội trú La gọi đến. Cô báo cáo có một sản phụ mang thai ba mươi tư tuần vừa được xe cấp cứu đưa tới, vì chịu va đập mạnh, hiện đang chảy máu âm đ*o, xuất hiện triệu chứng sốc, cần được cấp cứu gấp nhưng lại không có người nhà bên cạnh. Ngô Đình Phương hỏi về lượng máu chảy ra, ước tính khoảng vài trăm đến một nghìn ml, rồi lại hỏi cô ấy bị va đập thế nào. Bác sĩ La đáp: "Do quan hệ tình dục."

Ngô Đình Phương chỉ đạo cô chuẩn bị tiến hành phẫu thuật cầm máu gấp, đồng thời trên đường đến bệnh viện, anh cũng hỏi rõ ngọn ngành sự việc: Sản phụ mới mười lăm tuổi, có một gã bạn trai khá lớn tuổi. Từ lúc mang thai chưa từng đi khám, nhưng vẫn thường xuyên quan hệ. Hôm nay lúc quan hệ xong bắt đầu có hiện tượng chảy máu âm đ*o, tên bạn trai gọi xe cấp cứu xong thì không biết trốn đi đâu.

Là trẻ vị thành niên, không có người nhà, lại đang trong tình trạng nguy kịch. Lúc Ngô Đình Phương chạy tới bệnh viện thì bệnh nhân đã được truyền máu. Bác sĩ nội trú trực chính gọi điện thoại báo cảnh sát xong xuôi, bèn thay mặt gia đình bệnh nhân ký giấy đồng ý phẫu thuật. Bác sĩ tuyến hai đã sẵn sàng tại phòng mổ. Siêu âm khẩn cấp thì phát hiện ra nhau thai tiền đạo một phần. (Là hiện tượng nhau thai nằm chặn ngay cổ tử cung người mẹ, làm cản đường ra của em bé.)

Ca mổ nhanh chóng kết thúc, sản phụ mất khoảng 500ml máu trong lúc mổ. May mắn thay, sau khi sổ nhau, co thắt tử cung đã ổn định trở lại chứ không tiếp tục chảy máu nữa. Sau khi được truyền tám đơn vị máu và các chất thay thế máu khác, có vẻ như mạng sống đã được bảo toàn. Vấn đề nằm ở bé gái sinh non với chỉ số Apgar* là 1, đã ngay lập tức ngừng nhịp tim và hô hấp, được bác sĩ khoa sơ sinh hồi sức xong liền chuyển đến khoa sơ sinh gắn máy thở, tiếp tục cấp cứu. Bác sĩ phụ trách liên lạc qua điện thoại với cha mẹ của sản phụ, giải thích về bệnh tình, bọn họ liền yêu cầu ngừng điều trị cho đứa bé.

(*Chỉ số Apgar là phương pháp đơn giản và có thể thực hiện lặp lại để đánh giá nhanh chóng tình trạng sức khoẻ của trẻ sơ sinh ngay sau khi sinh.)

Mãi đến chập tối, bố mẹ của sản phụ mới chạy đến. Họ là người Hà Tân, ăn mặc giản dị. Thấy Ngô Đình Phương và bác sĩ nội trú sơ sinh ở trước giường bệnh nhân, cả hai đều không có phản ứng gì. Nghe giải thích về bệnh tình xong, người mẹ lấy ngay ngón tay dí thẳng vào thái dương của sản phụ. Ngô Đình Phương ngăn cản hành vi thô bạo của bà ta lại, thì bà ta liền chửi bới những câu họ nghe không hiểu. Sản phụ thì nghiêng mặt sang một bên, bắt đầu khóc.

Người cha trầm mặc từ đầu đến giờ lên tiếng, nói với Ngô Đình Phương: "Bác sĩ, chúng tôi muốn xuất viện." Giọng ông ta đặc sệt khẩu âm vùng miền.

Ngô Đình Phương nói: "Hiện giờ cô bé không được phép xuất viện. Vừa mới phẫu thuật xong cách đây bảy tiếng, vẫn còn khả năng bị xuất huyết, cần phải tiếp tục truyền máu."

"Chúng tôi không có tiền. Chúng tôi muốn xuất viện ngay bây giờ."

"Tiền có quan trọng hơn mạng sống không?" Ngô Đình Phương cố kiềm chế phẫn nộ. "Chúng tôi không ép ông trả tiền, cũng không nói rằng không thể nợ viện phí. Ít nhất phải đợi đến khi tình trạng bệnh nhân ổn định rồi mới bàn đến chuyện xuất viện. Lỡ lại xuất huyết, liệu mấy người cứu nổi tính mạng của cô bé sao?"

"Thế lỡ lại tốn thêm tiền nữa thì sao?" Người cha nói: "Chúng tôi không có tiền. Không có tiền thì cần mạng làm gì?"

Ngô Đình Phương thật muốn hỏi lại rằng cô bé có phải là con gái các người không. Còn chưa kịp nói ra miệng, đã cảm thấy bi ai khôn xiết, anh chỉ nói: "Trước tiên phải cứu mạng cô bé đã."

Bác sĩ nội trú khoa sơ sinh nói chuyện với người nhà bệnh nhân. Còn chưa nói hết, ông bà ngoại đã lắc đầu, yêu cầu ngừng điều trị, muốn lập tức bế đứa trẻ xuống.

Ngô Đình Phương cởi áo blouse ra, cảm thấy mệt mỏi rã rời. Anh ngồi nán lại một chút trong phòng thay đồ. Mẹ gọi tới hỏi anh đã rời viện chưa.

"Chuẩn bị đi đây ạ."

"Con dâu của A Nhữ sắp phải nhập viện phá thai. Đến bệnh viện của con giờ đấy, con sắp xếp chút đi. Bà ấy vừa gọi điện thoại cho mẹ."

"Không phải mấy tháng trước cô ấy vừa mới phá thai sao? Mới đầu năm đã đi phá thai rồi?"

A Nhữ là họ hàng nhà họ. Con dâu bà đã sinh được hai đứa con gái. Hai lần sau đó mang thai, xác định là con gái thì đều đi phá, đây đã là lần thứ ba rồi.

Mẹ thấp giọng nói: "Đứa bé này đi xem bói thì được phán là con trai, tốn nhiều tiền lắm. Nhưng mà đi siêu âm chui thì phát hiện ra là con gái. A Ba tức điên cả lên, tìm thầy bói đòi lại tiền. Thầy bói lại bảo mình không xem sai. A Ba là người như thế nào con cũng biết đấy. Nó bắt A Liên phá ra cho tên thầy bói chống mắt lên nhìn! Dù sao sớm muộn gì chả phải phá, chứ không lẽ lại sinh thêm đứa con gái nữa à!"

Ngô Đình Phương nói: "Mặc xác nó."

Ngô Đình Phương mặc lại áo blouse vào. A Liên gọi điện thoại đến. Vốn tính hiền dịu, cô xin lỗi rối rít, nói lại đến làm phiền A Đình rồi. Ngô Đình Phương không nói nhiều, bảo vậy em lên tầng mười hai đi.

Tầng mười hai là khoa sản bệnh lý, bao gồm cả khu bệnh thông thường và bộ phận chăm sóc đặc biệt. Khu bệnh thông thường thì người bệnh phần lớn là bệnh nhân đái tháo đường nhẹ lúc mang thai, ra máu ở cuối thai kỳ do nhau tiền đạo, giật kinh phong tiền sản mức độ nhẹ và tổng hợp các chứng bệnh nội ngoại khoa trong thời kỳ mang thai. Đôi khi, bọn họ cũng nhận cả những trường hợp chẳng có vấn đề đặc biệt gì, thậm chí là cả bệnh nhân mắc bệnh phụ khoa. Thường thì đó là người quen, ở trong viện quen gọi là "đi cửa sau".

Ngô Đình Phương là dân bản địa, người đến nhờ vả nhiều. Anh chăm sóc bệnh nhân tận tụy, chỉ cần không quá chật chỗ, anh đều sẽ nhận bệnh nhân về tầng của mình, đỡ phải phiền đến những bác sĩ khác.

A Liên và A Ba đứng ngoài cửa kính đợi anh, bên cạnh là một gã đàn ông nhìn khá là quen mắt. Bảo vệ ngăn không cho vào, sau khi Ngô Đình Phương ra dấu đây là bệnh nhân, bảo vệ mới mở cửa. Ở bệnh viện, tầng nào có trẻ sơ sinh là tầng đó có bảo vệ đứng gác, không được phép tự do lai vãng.

A Ba là con trai ông cậu họ, là anh em cách họ hai đời với Ngô Đình Phương. Mẹ gã sinh ba cô con gái rồi mãi mới sinh được gã. Từ nhỏ gã đã được nuông chiều, tính nết khó ngửi, làm người cũng chẳng đường hoàng đứng đắn gì cho cam. Hồi trước còn giao du với đám du côn, con bạc. Nghe nói đợt đó mấy người chị đều đã bỏ ra không ít tiền để trả nợ cho gã. Hiện giờ cũng chẳng khá khẩm hơn. Bản thân gã không có công ăn việc làm, vì vượt kế hoạch hóa gia đình mà bắt vợ là A Liên bỏ công việc tại ngân hàng. Thêm vào đó, bởi muốn phấn đấu lấy một thằng con trai mà liên tục bắt vợ mang thai rồi phá thai. Bây giờ gia đình gần như không có thu nhập, hoàn toàn dựa dẫm vào cha mẹ hai bên và ba người chị gái chu cấp.

Cho nên chuyện mẹ kể rằng A Ba cãi nhau với với thầy bói chắc chắn là thật, nhưng việc gã lôi người đến bệnh viện thì nằm ngoài dự liệu của anh. Người đàn ông mà A Ba không giới thiệu thì hẳn là thầy bói. Trong thôn thỉnh thoảng có thể bắt gặp, hắn khá cao, nhìn có vẻ tuấn tú nhã nhặn, thường mặc sơ mi kẻ sọc với quần bò. Trước kia anh còn tưởng hắn làm kế toán nhà máy hay gì đó đại loại thế, nom không giống thầy bói.

A Ba trông thấy Ngô Đình Phương, liền nói: "Anh Phương, anh giúp em siêu âm xem là trai hay gái." Gã cũng không đến nỗi ngu, không hề nói phá bỏ ngay.

Ngô Đình Phương không thèm để ý đến gã, quay sang hỏi A Liên tắt kinh mấy tháng rồi, làm phép tính thử, xem ra đã được mười lăm tuần. Tiếp đó mới trả lời A Ba: "Bác sĩ siêu âm không thể nào cho cậu xem cái này được. Cho cậu xem được thì cậu còn cần gì phải khám ở bên ngoài nữa?"

"Thế anh xem được không?"

"Không được."

"Thằng A Tuấn ở Dũng Khẩu xem rồi, bảo là nhất định không thể là con trai."

A Tuấn ở Dũng Khẩu là một phòng khám siêu âm chui, chuyên siêu âm kiểm tra giới tính thai nhi để kiếm tiền.

"Việc này cậu tự quyết định đi."

A Ba nghiến răng nghiến lợi: "Phá mấy cái thai đều do A Tuấn xem, sai thế nào được? Tao nói cho mày biết, lôi cái thai ra ngoài cho mày xem, tiền viện phí với thuốc men, mày đừng hòng thiếu một cắc nào hết."

Câu cuối đương nhiên là nói với thầy bói. Thầy bói chẳng nói chẳng rằng, chỉ cười một cái, gật đầu. Vì nụ cười này, Ngô Đình Phương quả là phải nhìn hắn bằng con mắt khác. Ngay cả bây giờ đối mặt với A Ba, dẫu chẳng trưng ra bộ mặt chán ghét, anh cũng tuyệt đối không cười nổi.

Mười lăm tuần là đã hình thành hình người rồi, cũng là một sinh mạng. Đối với anh mà nói, chỉ cần Huệ Mẫn mang thai hơn mười tuần thì anh đã cảm thấy là được ông trời phù hộ.