Phi Hổ Thương

Phi Hổ Thương - Chương 15: Tà ma ngoại đạo




Quay lại trận đấu giữa Không Không Đạo Vương Vĩnh Thượng và Ngật Nhân Ma Vương Phó Tốn, lúc này, Vĩnh Thượng đang múa tít cây Thiết Côn của mình, tung ra từng đợt sóng côn áp đảo Phó Tốn. Vũ khí của Phó Tốn là một cây Nhuyễn Ma Đao, thân đao mềm oặt, uốn éo như cành liễu rủ trước cơn phong ba, dù cố gắng hết sức nhưng cũng khó chống lại được sức tấn công như bão táp của Vĩnh Thượng, may là nhờ đám quân binh thỉnh thoảng liều chết lăn xả vào cứu nguy, Phó Tốn mới tạm thời may mắn thoát khỏi lưới bổ vây của Vĩnh Thượng.









Nóng lòng vì còn phải bảo vệ ấu chúa, Vĩnh Thượng ngầm vận chuyển khí công, chân lực lập tức tăng tiến, côn kình như sóng dữ tràn đến, đánh bạt cả lưới đao do Phó Tốn dệt nên để bảo vệ chân thân. Kinh Châu Nhị Sát kinh hoàng vội kéo ngựa phiêu thân tránh chiêu. Hắn không còn dám sính cường, cố dùng sự di chuyển nhanh lẹ của chiến mã, cộng với sự bám đuổi quẩn chân của đám binh lính mà vờn quanh Vĩnh Thượng, tìm cơ hội hạ thủ.







Đã hơn ba mươi chiêu trôi qua mà Không Không Đạo Vương Vĩnh Thượng vẫn chưa hạ được đối phương, lòng nóng như lửa đốt, trong lúc đó, Phó Tốn bỗng bật cười khanh khách, bắt đầu vận dụng chiêu thức hiểm ác phản công. Vĩnh Thượng quát vang như sấm, thanh Thiết Côn nặng sáu mươi cân lập tức xuất tuyệt chiêu, hóa thành luồng hắc quang phong tỏa đường tiến thoái của Phó Tốn. Đây là tuyệt chiêu “Hồn Đáo Nại Hà”, là một chiêu thức rất bá đạo, chỉ công chứ không thủ, nhưng bề ngoài lại rất nhiều sơ hở.







Kinh Châu Nhị Sát Phó Tốn mắt nhìn thấy sơ hở, miệng nở một nụ cười khẩy, Nhuyễn Ma Đao lập tức rung động, chia thành tám đạo đao ảnh len lách lao tới, bốn bóng đao ảnh cản đường côn, bốn bóng còn lại nhanh như bóng u linh ập đến, nhằm vào các yếu điểm của Vĩnh Thượng. Chiêu thức của Phó Tốn rất quỷ dị và biến ảo, do đó, đám binh lính không khỏi vui mừng vì chắc chắn chủ tướng của chúng sẽ hạ được Vĩnh Thượng. Nhưng kết quả lại không giống như đám binh Tào mong muốn, bốn đạo đao quang gần chạm mục tiêu bỗng biến mất, chỉ thấy Vĩnh Thượng nghiến răng giáng mạnh Thiết Côn, Kinh Châu Nhị Sát Phó Tốn rú lên một tiếng nấc nghẹn, xác bắn ra xa khỏi lưng ngựa xương cốt vỡ vụn, thủ cấp vỡ nát, máu tuôn như suối, cây Nhuyễn Ma Đao cầm trong tay văng lên không trung, rơi xuống cắm thẳng vào xác một tên lính đang nằm lăn dưới đất.







Kinh Châu Nhị Sát Phó Tốn bỏ mạng, xuống Diêm Đài gặp Diêm Vương thì Kinh Châu Nhất Sát Vương Sán cũng chẳng nỡ để em đi trước quá lâu kẻo cô độc, chỉ giấy lát sau, tiếng thét lìa đời của Vương Sán đã vang lên, đám binh Tào nghe ra đều rùng mình, sởn tóc gáy.









Nguyên lai, Kinh Châu Nhất Sát Vương Sán phụ trách quần công Tán Hồn Kỳ Hứa Hùng, nhưng càng đánh, Vương Sán càng toát mồ hôi hột trước đòn thế kỳ bí, biến ảo khôn lường của Hứa Hùng. Về lai lịch của Hứa Hùng, ít ai được biết đến, chỉ nghe nói về một hiệp đạo đơn mã độc hành vùng Giang Tô, một cờ một ngựa tung hoành khắp nơi không đối thủ, cho đến khi gặp Triệu Vân. Chỉ có hai người trong thiên hạ biết đến lai lịch của Hứa Hùng, một là Triệu Vân, chủ nhân của Hứa Hùng, và người thứ hai là Cuồng Sư Hứa Chử, môn chủ Đao Môn.







Thì ra, Hứa Hùng chính là anh cùng cha khác mẹ với Hứa Chử. Mẹ Hứa Hùng chết sớm, cha Hứa Hùng tục huyền đi bước nữa, lấy dì hai và sinh ra Hứa Chử. Do cảnh mẹ ghẻ con chồng không xuôn xẻ, Hứa Hùng suốt tuổi thơ luôn cam chịu cảnh bất công, sau đó được một kỳ nhân thu nhận làm đệ tử, dạy cho ba mươi sáu đường Tán Hồn Kỳ Pháp, cộng với một tấm lòng hận đời đen bạc, Hứa Hùng trở thành Tán Hồn Kỳ hiệp đạo từ đó. Phần Hứa Chử, cũng có cơ duyên gặp minh sư là Huyền Đao Tôn Giả Lục Phong Vi, luyện nên một bản lãnh nghiêng trời lệch đất, trở thành người nối dõi Đao Môn. Vậy là coi như giờ đây, hai anh em đã ở hai chiến tuyến khác nhau.







Ngay từ đầu nhập trận, Kinh Châu Nhất Sát đã ngờ ngợ nhận ra Hứa Hùng là ai, dù không chắc chắn nhưng Vương Sán cũng hô quân ập vào quần công chứ không dùng tinh thần thượng võ một đấu một. Vương Sán cũng không để thủ hạ đơn đả độc đấu, cùng đám thủ hạ cũng vội xúm vào tấn công. Hứa Hùng cười khẩy, cây Tán Hồn Kỳ đang giương cao được hạ xuống theo thế hoành tảo, cán đại kỳ bằng đồng xanh biếc lập tức lộ ra. Kỳ pháp của Hứa Hùng hiểm độc, tàn khốc khôn lường, chỉ vài chiêu tung ra, kỳ phong và cán cờ đã hạ sát hai ba chục lính Tào, đám quân binh bở vía, chỉ vài tên dám hò hét xung quanh lấy oai, còn kỳ dư đều tránh xa hung thần, bỏ mặc chủ tướng là Vương Sán trơ mình chịu trận trước cơn bão tố tạo nên từ cây Tán Hồn Kỳ biến ảo đó.







Kinh Châu Nhất Sát Vương Sán bản lãnh không phải là kém nhưng so với Tán Hồn Kỳ Hứa Hùng thì còn thấp hơn vài bậc. Kỳ pháp của Hứa Hùng chủ yếu thoát thai từ côn pháp mà ra, cộng thêm sự lợi hại do chân khí dồn phổ vào lá cờ, mang theo sức mạnh bão tố, có thể phất vỡ đầu, gãy tay đối phương. Mà côn là vũ khí tối cổ loài người sử dụng để chống lại ác thú, dựa vào đó, người ta sáng tạo ra các chiêu thức của đao, kiếm và các loại vũ khí phức tạp khác, trong đó có Kỳ pháp, nhưng căn bản vẫn từ côn pháp mà ra. Tán Hồn Kỳ quét ngang, đập ngửa, chốc lát đã san bằng đám binh lính xung quanh, chỉ còn mình Vương Sán mà thôi.









Bị dồn ép đến nghẹt thở, Kinh Châu Nhất Sát Vương Sán động nộ, quyết định dùng đến tuyệt chiêu. Giống như em, vũ khí của Vương Sán là một thanh Lam Đao, giờ đây tỏa lam quang rực rỡ, loang loáng phủ kín đấu trường. Chiêu đao ngay sau đó lập tức biến thành một luồng đao trắng đục như đám mây lướt đến Hứa Hùng, đao kình vun vút phá không thanh Lam Đao như thần long trong đám mây trắng, thò chân chụp những chiếc móng sắc vào thân trên Tán Hồn Kỳ. Hứa Hùng vừa giật ngược cây Tán Hồn Kỳ, định xoáy mạnh và dùng tán cờ tạt vào mặt Vương Sán, nhưng chợt sững sờ.







Vương Sán… không ngờ lại quay ngựa, chạy nhanh như ma đuổi, chốc lát đã chỉ còn lại một đám bụi mờ nơi chiến trường, thi thể của em hắn, thậm chí nhìn hắn cũng chẳng thèm nhìn lại một cái. Hứa Hùng ngẩn ra rồi chép miệng:







- Đúng là tà ma ngoại đạo, không thể theo cách thường mà hiểu được.