Dung Ngọc đã hao phí quá nhiều sức lực răn đe Sở Đàn, hơn nữa y còn tức giận quá độ trong phòng tắm. Sức khỏe y yếu ớt, bây giờ mới nằm nghỉ một lát mà mí mắt đã nặng trĩu không mở lên nổi.
Mặc Thư thấy vậy bèn đưa y về phòng ngủ nghỉ ngơi.
Ngủ một giấc chẳng ngon lành gì, Dung Ngọc mơ thấy một con rắn lớn cứ rượt mãi theo y, quấn lấy y, siết y không thở được. Vừa quay đầu lại đã thấy một cái đầu rắn to đùng đang kề sát mặt y, từng câu chữ đỏ tươi quẩn quanh bên tai y, nói với y: "Ta muốn ngày ngày hầu hạ bên người công tử. "
Dung Ngọc lập tức bừng tỉnh.
Thanh âm đứt quãng truyền vào tai Dung Ngọc cách một lớp màn sa dày.
"Mặc Thư. " Giọng Dung Ngọc khàn khàn.
"Công tử tỉnh rồi. " Mặc Thư vén màn giường, châm cho y một chén trà.
Hớp miếng nước trà nhuận họng, Dung Ngọc giơ tay xoa xoa ấn đường. "Bên ngoài đang la hét ầm ĩ cái gì vậy? "
"Là tâm phúc bên người lão gia tới mời công tử ra tiền sảnh hàn huyên. Ta nói công tử vẫn còn say giấc, khi nào tỉnh sẽ nhanh chóng qua đó. Nhưng hắn ta nhất định không chịu, hối như đòi mạng ấy, ta kêu hắn ta đứng chờ ngoài cửa rồi. " Mặc Thư đặt chung trà về chỗ cũ, sau đó cầm khăn lau mồ hôi trên trán Dung Ngọc. "Ca nhi mơ thấy ác mộng hả? "
Dung Ngọc xua tay, để Mặc Thư đỡ y dậy.
"Ca nhi muốn đi thật sao? Nhất định là tiền viện nghe ngóng được chuyện trong viện chúng ta, muốn ngài qua đó nghe chửi thì có. " Khuôn mặt Mặc Thư viết đầy hai chữ không muốn, nhưng lão gia muốn hàn (gào) huyên (chửi), Dung Ngọc không thể không đi. Cậu một bên nói chuyện phiếm một bên hầu hạ Dung Ngọc mặc áo bông, sau đó khoác thêm một lớp áo choàng lên người Dung Ngọc, bọc y trong lớp bông dày cộm.
Quả nhiên, hai người mới vừa đến tiền sảnh đã nghênh đón một cái chung trà vào chính diện, trực tiếp nện đến cạnh chân Dung Ngọc, mảnh vỡ, nước trà và lá trà văng tung tóe trên nền đất.
Mặc Thư hoảng sợ, vội vàng quỳ xuống xem thử mảnh vỡ có làm trầy xước chân tay Dung Ngọc không, nhưng cũng may y mặc nhiều, không có vấn đề gì.
Dung Ngọc rủ mắt từ tốn nói: "Phụ thân hà cớ gì phải tức giận đến thế? "
"Mày còn mặt mũi hỏi câu này à? " Dung Tu Vĩnh tức giận đập bàn. "Tao hỏi mày, hôm nay là ngày mấy? 29 tháng chạp âm lịch! Mày đòi đánh đòi giết trong viện mày là muốn chơi trò gì! Đêm giao thừa ngày mai còn chưa đến! Năm cũ còn chưa qua! Mày ngại năm nay chưa đủ náo nhiệt, hay là mày muốn cả nhà họ Dung hàng năm phải đổ máu mày mới vừa lòng! "
Người xưa thường nói tránh đầu tháng giêng, tránh đuôi tháng chạp, cổ nhân có nhiều kiêng kị vào ngày Tết, ngay cả Tần ma ma cũng cho rằng Tết nhất đổ máu là vận xuôi. Dung Tu Vĩnh là quan tam phẩm, tất nhiên càng mê tín.
Nhưng Dung Ngọc không kỵ nhiều như vậy, bất kể là nguyên chủ hay là y, vẫn luôn sống tùy tâm sở dục.
Y chậm rãi nói: "Lục Ngạc muốn bò lên giường con, phụ thân luôn dạy rằng Dung gia chúng ta là danh môn, phải giữ mình trong sạch, tu thân dưỡng tính. Con trai chỉ làm theo lời dạy của phụ thân, không định để chuyện dơ bẩn này xảy ra mà thôi. "
"Mày nghe lời? Mày mà cũng biết nghe lời! " Dung Tu Vĩnh tức tới nỗi suýt nữa là bật cười, nghiêng đầu nhìn phụ nhân đang ngồi cạnh mình, nói: "Nàng nghe gì chưa? Nó nói nó nghe lời! Thật đúng là chuyện đáng cười nhất trong thiên hạ! "
Phụ nhân bên cạnh tỏ vẻ bất đắc dĩ. "Lão gia, tam ca nhi vẫn còn là đứa trẻ chưa hiểu chuyện, tội tình gì phải nặng lời với thằng bé. Huống chi tam ca nhi vẫn chưa giết Lục Ngạc, mọi chuyện đã kết thúc êm đẹp, người đừng mắng nó nữa. "
"Nó mười bảy rồi, nhỏ con khỉ khô! Con nhà người ta mười bảy tuổi đã làm cha hết rồi, chỉ có mình nó là tiếng xấu đồn xa, không có cô nương nhà nào muốn gả cho nó! Cũng tại nàng cứ nuông chiều nó, khiến nó thành cái dạng vô lại ngày hôm nay!"
Dung Tu Vĩnh cả giận nói: "Chuyện của Lục Ngạc đã êm đẹp, nhưng còn Sở Đàn suýt chút nữa bị nó đánh chết tại chỗ! Hạ nhân đến bẩm báo nói là cả người toàn là máu, bị khiêng ra ngoài như đống sình! "
Ông ta lại nhìn Dung Ngọc chửi tiếp: "Tao không biết mày học mấy cái thói hành hạ, dày vò người khác ở đâu ra, dù cho bây giờ Sở Đàn là nô tịch, nhưng nói gì đi nữa thì nó cũng đã từng là con nhà quan. Mày cứ chà đạp nó như vậy, nếu để người ngoài biết được sẽ chỉ vào mặt mày chửi mày là thằng ác độc, ương ngạnh, là đồ bỏ đá xuống giếng! "
Dung Ngọc cười khẽ: "Ngoài kia đồn về con còn ít sao? Cũng đâu phải chuyện gì hiếm lạ, phụ thân cứ như mới nghe thấy lần đầu ấy. "
"Mày! " Dung Tu Vĩnh nghẹn họng nhìn y, tí nữa là tức bất tỉnh.
Phụ nhân kia vội vàng đi qua vỗ ngực cho Dung Tu Vĩnh thuận khí, sau đó nhìn Dung Ngọc, nhẹ nhàng khuyên nhủ: "Tam ca nhi, đừng ngỗ nghịch với cha con nữa, cha con cũng là vì thương con, sợ con lầm đường lạc lối. Sáng nay khi đến từ đường dâng hương cho tổ tiên, người còn cầu nguyện cho con vạn sự hanh thông*, công danh tấn tài nữa. "
*Vạn sự hanh thông: Thuận buồm xuôi gió, xuôi chèo mát mái.
Dung Ngọc nhướng mi, ngay từ ánh mắt đầu tiên, lòng y đã cực kỳ có ác cảm với nữ nhân này.
Bà ta đúng là kế thất Bạch thị, diện mạo cũng không mấy xinh đẹp, chỉ là khí chất ôn hòa, điềm đạm. Nàng mặc thường phục, trang sức trên đầu cũng không quá phô trương, càng tôn thêm nét dịu dàng, nhu thuận, thoát tục như một đóa sen trắng.
Trong ký ức của nguyên chủ, Bạch thị đối xử với y rất tốt, ít nhất là ở bề ngoài. Ba năm trước nguyên chủ và Dương thị gặp phải thổ phỉ, nguyên chủ hôn mê nửa tháng, là Bạch thị đến Trấn Quốc Tự quỳ hai ngày hai đêm, cầu xin Bồ Tát phù hộ Dung Ngọc bình an.
Sau này Bạch thị được nâng lên làm kế thất thì càng quan tâm, yêu thương Dung Ngọc nhiều hơn, còn thương hơn Dung Nguyệt vài phần. Các tiểu thư quý tộc và phu nhân nhà quan vốn khinh thường xuất thân bình dân của bà, nhưng không hiểu sao chuyện trong nhà lại lặng lẽ lọt hết ra ngoài, ai ai cũng cho rằng Bạch thị là người hiền lương, rộng lượng, dù sao thì không phải kế mẫu nào cũng có thể đối tốt với đích tử của vợ trước như vậy.
Cùng với thanh danh của Dung Nguyệt ở kinh thành dần dần lớn lên, người ngoài đều nói hai người bọn họ là mẫu tử liền tâm, tâm địa như Bồ Tát, ngay cả hoàng hậu cũng khen ngợi vài lần.
Chính vì thế nên càng khiến tính tình Dung Ngọc ngày càng sớm nắng chiều mưa, quái đản nham hiểm.
Nhưng thật sự chính là vậy sao?
Từ sau khi Dương thị qua đời, Dung Ngọc chưa từng đi học, ngay cả thư viện riêng trong nhà cũng chưa từng đến. Nguyên nhân là Bạch thị thương tiếc y sức khỏe không tốt, không muốn y ngồi học cùng quá nhiều người, miễn cho y quá mức mệt nhọc.
Vậy nên nàng đề nghị Dung Tu Vĩnh mời một phu tử đến cho y. Dung Tu Vĩnh vốn đã không thích đứa con trai này, sao có thể đồng ý, hơn nữa còn nói hai chân y phế rồi, đường khoa cử làm quan sớm đã vô vọng, hà tất phải mất thời gian.
Dung Ngọc chỉ cảm thấy Dung Tu Vĩnh quá khắc nghiệt với y. Hai cha con lại cãi nhau một trận to, sau này Dung Ngọc cũng không học hành gì nữa, hoàn toàn trở thành một tay ăn chơi trác táng.
Ngoài ra, mỗi lần Bạch thị ra cửa tham gia yến tiệc, lúc các phu nhân nói chuyện phiếm thật khó tránh khỏi chuyện con cái trong gia đình.
Bạch thị mỗi lần nhắc tới Dung Ngọc luôn làm bộ khổ không nói thành lời, tận dụng sự tò mò tra hỏi của mọi người, rớt vài giọt nước mắt, nói dăm ba câu về Dung Ngọc ương (mất) bướng (dạy) ra sao, sau đó lại như giật mình vội vàng che miệng mình lại, hoảng sợ tìm cách "nói tốt" cho Dung Ngọc. Nữ nhân ở hậu trạch đã thành tinh hết rồi, làm gì có ai nghe mà không hiểu.
Dần dà ác danh của Dung Ngọc ở kinh đô vang dội cực kỳ.
Tỷ như lúc này, cứ hễ Dung Tu Vĩnh chửi mắng Dung Ngọc là Bạch thì sẽ ở một bên khuyên can, giả vờ bày tỏ tấm lòng mẹ hiền. Nhưng từng câu từng chữ lại kích thích cơn giận của Dung Tu Vĩnh, khiến ông ta càng ngày càng chán ghét Dung Ngọc.
Lúc bà ta nhắc đến từ đường, Dung Tu Vĩnh giận sôi cả máu, đẩy Bạch thi qua một bên, bước nhanh đến trước mặt Dung Ngọc, chỉ vào mũi y chửi đổng:
"Tao hỏi mày, nguyên một năm này mày đến từ đường cúng bái được mấy lần? Anh hai mày mỗi mùng một và ngày rằm đều đến từ đường dâng hương. Còn mày? Ngoài mẹ mày ra mày còn chưa thắp cho tổ tiên Dung gia được một nén nhang! "
Dung Tu Vĩnh đỏ mặt tía tai, nếu ông ta không phải là văn nhân thì bây giờ ông ta đã cho Dung Ngọc một trận đòn.
"Mày là đứa con đứa cháu bất hiếu! Bây giờ mày cút qua từ đường tổ tông quỳ cho tao! Hối lỗi với liệt tổ liệt tông! "
Mặc Thư vội vàng quỳ xuống van xin: "Lão gia, chân công tử có tật, không thể quỳ được! "
Dung Tu Vĩnh tức giận hừ một tiếng. "Sao lại không thể quỳ? Nó bị chặt đứt hai cẳng chân, nhưng đùi vẫn xài được! "
Vẻ mặt Bạch thị trông như rất đau lòng. "Ấy chết, cái này... Cái này... Tam ca nhi, con mau dỗ dành cha con đi, nhận sai là được mà. "
Trong dĩ vãng, mỗi lần Bạch thị nói câu này đều sẽ kích thích tâm lý phản nghịch của nguyên chủ, khiến y càng cứng cổ cãi cố.
Nhưng hiện giờ Dung Ngọc đã xuyên qua, mắt cũng chưa từng chớp một cái. Y sẽ không để Bạch thị đạt được mục đích, cũng không chịu thua Dung Tu Vĩnh.
Y vẫn án binh bất động, giọng nói nhẹ nhàng, từ tốn: "Phụ thân thật sự muốn con đến từ đường quỳ sao? "
"Chẳng lẽ tao rảnh quá nên đứng đây diễn tuồng cho mày xem chắc? Bây giờ mày cút liền đến đó, khi nào biết sai rồi thì hãy quay về! "
Dung Ngọc cười khẽ, vuốt ve noãn ngọc được khảm trên tay vịn của xe lăn: "Phụ thân hẳn cũng biết con không tốt tính cho lắm. Lỡ như bất cẩn quơ tay khiến giá cắm nến bị đổ, vậy... Phụ thân đoán một chút đi, mấy bài vị bằng gỗ đó chịu được lửa nóng trong bao lâu đây? "
Dung Tu Vĩnh híp mắt, câu chữ luồn lách qua kẽ răng: "Mày uy hiếp tao? "
Đôi tay Dung Ngọc đan vào nhau rồi chống cằm, mười ngón tay trắng như tuyết, đầu ngón tay phiếm hồng tựa như ngọc bích tinh xảo. Y lẳng lặng nhìn Dung Tu Vĩnh chăm chú, khóe môi treo một nụ cười, ung dung nói mấy chữ: "Con nào dám. "
Dung Tu Vĩnh không dám đánh cuộc. Nếu Dung Ngọc thật sự một làm một cú phóng hỏa đốt từ đường thì phỏng chừng tới ngày mai là tất cả mọi người trong kinh sẽ biết hết. Không chỉ những triều thần đối nghịch với ông ta sẽ mượn chuyện này để chỉ trích ông ta trị gia không nghiêm, mà hoàng thượng đặt nặng hiếu đạo, chỉ sợ sẽ giận giữ trách tội ông ta, nhiều khi giận quá còn bị cách chức tạm thời nữa không chừng.
Đôi mắt đỏ ngầu của ông ta nhìn chằm chằm Dung Ngọc, lẩm bẩm: "Đúng là ông trời không có mắt mà... "
Sau một lúc lâu, ông ta cầm bình hoa, cầm chung trà trên bàn lên chọi mạnh xuống đất.
"Biến! Mày cút cho tao! Cút về viện của mày đi, đừng có thò cái mặt mày ra trước mắt tao nữa! "
Mặc Thư thấy vậy nhanh chóng đẩy Dung Ngọc ra khỏi đó. Mãi đến khi đã đi xa tít tắp mà vẫn nghe thấy tiếng gào của Dung Tu Vĩnh và giọng Bạch thị đang khuyên nhủ ông ta.
Lúc nãy Mặc Thư đứng trong sảnh vẫn luôn tỏ vẻ sợ hãi, vừa ra ngoài một cái là biểu tình cũng thay đổi luôn. Cậu vui vẻ hỏi: "Ca nhi, lão gia nói vậy có phải tức là ngày mai người cũng không cần qua bên đó nữa không? Nếu vậy chúng ta có thể ăn Tết cùng nhau rồi! "
*******************
Bích Ảnh Tạ, phòng ở của hạ nhân.
Bởi vì Sở Đàn bị trọng thương nên cả người toàn mùi máu tươi, chẳng ai chịu ở chung phòng với hắn nên hắn được xếp vào một phòng đơn. Bây giờ đang được thầy lang chẩn trị.
Thầy lang đã trạc ba mươi, mặc y phục màu xanh, dáng vẻ hào hoa phong nhã.
Hắn cau mày nhìn những vết roi chằng chịt đan xen trên lưng Sở Đàn, lo lắng nói: "Miệng vết thương mấy ngày trước còn chưa lành hẳn, giờ lại thêm vết mới, sợ là phải hai, ba tháng mới lành được. "
Nếu Dung Ngọc đang ở đây thì nhất định sẽ rất kinh ngạc. Y cho rằng vết thương nặng như vậy cần ít nhất cũng phải nửa năm mới lành được, vậy mà nghe giọng điệu của thầy lang thì chỉ cần ba tháng là khỏi hẳn rồi.
Sau khi thầy lang rửa sạch miệng vết thương bèn lấy mấy bình ngọc từ hòm thuốc ra, nói với Sở Đàn: "Thế tử, thuộc hạ bôi thuốc cho ngài, ngài nhịn một chút. "
Sở Đàn ghé vào trên giường, hai tròng mắt nhắm hờ. Giờ phút này hắn làm gì còn bộ dạng ăn nói khép nép, giả làm nô bộc như lúc ở bên ngoài trước kia, mà là quan thân tỏa ra khí chất của hậu duệ quý tộc cao quý.
Cho dù thân trên trần trụi toàn là vết thương rất chật vật, nhưng nhìn hắn như con mãnh thú bị thương đang an tĩnh ngủ đông, vừa nguy hiểm vừa kiêu hãnh.
Thuốc bột màu trắng rắc lên miệng vết thương, gặp máu tươi ngay lập tức sủi bọt như nước sôi, còn kèm theo tiếng xèo xèo khiến người nghe phải buốt răng.
Nhưng mà Sở Đàn ngay cả mắt cũng chưa chớp một cái, ai không biết còn tưởng là loại thuốc này nhìn ghê vậy thôi chứ cũng không có gì to tát.
Chỉ có thầy lang hiểu rõ nhất, loại thuốc này được chế tạo từ phương thuốc mà họ lấy được của bọn man di* hồi còn đóng quân ở biên cương. Tuy là công hiệu trị thương rất mạnh, nhưng mà đau đớn phải chịu cũng là cực nhiều. Những hán tử da dày thịt béo trong quân lúc đánh bị xẻo thịt cắt chân cũng chưa từng la đau, nhưng một khi rắc loại thuốc này lên sẽ nhe răng trợn mắt, quỷ khóc sói gào.
*Man di: mọi rợ, còn lạc hậu, tên gọi các dân tộc thiểu số nói chung với ý khinh miệt.
Nhưng trước mắt chỉ là một thiếu niên 18 tuổi lại có thể chịu đựng nỗi đau lớn như vậy mà mặt mặt không đổi sắc.
Đáy mắt Thái Thư là sự vừa lòng và tán thưởng, chỉ có người có phẩm hạnh cứng cỏi cùng ý chí sắt thép như vậy mới có thể trở thành chủ tử của họ, mới đủ sức dẫn dắt bọn họ hoàn thành nghiệp lớn.
"Chỉ là... Tam lang Dung gia không khỏi hơi quái đản, nếu thế tử không phải tất yếu thì cũng đừng đụng vào y làm gì. "
Sở Đàn nhàn nhạt nói: "Tính cách y khác người, nếu không xài chiêu này e là khó tiếp cận. "
Thái Thư gật đầu: "Cũng đúng, lấy được vật kia sớm hơn một ngày thì phần thắng cũng nhiều hơn một phân. "
Trong lúc chờ đợi thuốc bột được hấp thụ, Thái Thư kể lại nhưng gì mình mới hóng hớt được ở tiền viện. Thái Thư líu cả lưỡi: "Tới từ đường tổ tông mà cũng dám đốt, gan to thật chứ. "
Sở Đàn xốc mí mắt lên, trong đôi mắt đen nhánh lóe lên một tia sáng,, khóe miệng gợi lên một vòng cung. "Đúng vậy, đâu chỉ là gan lớn, còn rất khác người. "
- -------------------------------------------
Chương này tình cha con thắm thiết quá nên sửa xưng hô:v