Phán Quan

Phán Quan - Chương 99




Quỷ núi…

Áo choàng đỏ tươi…

Kiểu miêu tả này làm người ta khó lòng không nghĩ đến Trần Bất Đáo năm đó.

Vả lại Tạ Vấn cũng mới đề cập, lần đó hắn không về núi suốt khá lâu vì đã nán lại trong khe núi này một thời gian. Nhưng Văn Thời lại cảm thấy có điều gì đó lạ lắm ——

Nghe lời mấy tên trong miếu này nói, lý do ngọn núi hoang này có đồn đại về quỷ núi là bởi đèn đuốc trên núi không chỉ sáng lên một lần, như thể cứ cách mấy năm sẽ có người dừng chân ở đó vậy.

Những bóng dáng ấy… đều là Trần Bất Đáo ư?

Trong nhận thức từ nhỏ đến lớn của mấy thân đồ bọn họ, Trần Bất Đáo xuống núi một mình tất nhiên là để đi giải lồng, giải xong một cái thì giải cái kế tiếp, ít khi nào ở lại một nơi nào đó, đừng nói chi là luôn đi đến một nơi cố định.

Nếu hắn nhanh chóng quay về thì hẳn là thiên hạ thái bình, không có lồng khủng gì cả. Nếu lâu lắm không về thì ắt là tình hình hỗn loạn, có quá nhiều người khốn khổ đã đột ngột qua đời.

Điều này giống như định lý đương nhiên là mặt trời mọc ở đằng Đông lặn ở đằng Tây, chưa ai từng nghĩ nhiều, cũng chưa ai từng cảm thấy nghi ngờ về nó.

Ngay cả Văn Thời cũng chỉ đứng trên cành tùng cao cao và mong ngóng nhòm đến cuối đường núi mỗi ngày. Không thôi, lúc chẳng có ai chú ý, anh sẽ bẻ gãy vài nhánh cây và dùng pháp cơ bút(*) mà không phải tay mơ nào cũng có thể tính ra để bói xem người nọ đã đi đâu và còn bao lâu nữa mới về núi.

(*) pháp cơ bút: một kiểu cầu cơ bằng cách viết chữ.



Bây giờ nghĩ lại, có lẽ là còn vài chuyện mà họ không biết.

“Sao ngươi lại biết bóng dáng mà mình trông thấy là quỷ núi?” Người trong miếu đút thêm chút gỗ vào ngọn lửa, vẫn đang trò chuyện về vụ đó, “Bộ cứ mặc đồ đỏ thì là quỷ núi à? Lỡ đâu chỉ là một người qua đường nghỉ chân thôi thì sao, giống như chúng ta vậy đấy.”

“Ngươi nói cũng có lý.” Người còn lại có lẽ là một tên nhát gan, không chịu tin lời đồn về quỷ núi cho lắm, hắn hùa theo: “Vùng này thường đổ mưa và ngập sương mù, mùa đông lại có nhiều tuyết, trận nào cũng kéo dài suốt mấy hôm, xe ngựa cũng khó lòng ngang qua, bị kẹt trong ngọn núi này cũng là một chuyện bình thường thôi. Ngay cả một người như ta đây, cứ bước đi giữa đống sương mù kia thì cũng có thể dọa chết người khác vậy. Ta đoán lời đồn về quỷ núi đã xuất phát từ đó.”

Người lớn tuổi “chậc” một tiếng, xua tay bảo: “Các ngươi đấy… Một kẻ quanh năm suốt tháng bôn ba ngoài đường như ta có thể nhìn thấy bóng người thì sẽ rêu rao đó là quỷ núi ư? Chắc chắn phải còn lý do khác chứ!”

“Vậy còn gì nữa?”

Sương mù trong khe núi ngày càng dày đặc, một mùi ẩm thấp cũng dấy lên trong không khí. Ánh lửa trong miếu thổ địa dần trở nên lờ lờ giữa áng sương mù, như là ma trơi đang nổi dậy.

Người nọ nhỏ giọng kể: “Hôm trông thấy quỷ núi, khi ấy trời sắp hửng sáng, cũng khoảng chừng lúc bấy giờ đây, ta nghe thấy tiếng quỷ khóc!”

“Thật hay giả đấy?”

“Chắc chắn là thật! Nhiều người lắm cơ, già trẻ có tất, pha lẫn vào nhau. Còn phải nói nữa, những âm thanh đó đáng sợ muốn chết! Song có một tiếng nói văng vẳng vọng tới từ đằng đó ——” bóng nghiêng của người nọ rơi trên mặt đất trong miếu thổ địa, bị ngưỡng cửa uốn cong thành một đường méo mó, tay chỉ đến chỗ sâu thẳm trong khe núi phía xa, “Sau đó, ta không dám nhắm mắt lại nữa.”

Tiếng quỷ khóc?

Lời này làm Văn Thời nghĩ tới vài thứ…

Dù sao lúc nhỏ vì bị trần duyên bủa vây quanh mình, anh từng nghe thấy không biết bao nhiêu tiếng quỷ khóc âm ỉ trong đầu.

Anh ngờ ngợ nắm bắt được đôi điều, đang định chứng thực với Tạ Vấn đứng cạnh mình, song lại nghe người trong miếu thổ địa nói tiếp ——

Trong núi vô cùng yên ắng, hai người còn lại trong miếu dường như nghe đến nhập tâm, lặng thinh không nói lời nào. Vì thế, cả ngọn núi chỉ còn lại giọng nói khàn khàn của người lớn tuổi kia: “Không chỉ như vậy, ta còn nghe đâu ——”

“Ta còn nghe đâu lúc quỷ núi xuất hiện, chúng ta không thể kết bạn lên núi.” Giọng nói ấy nghe mới sâu xa, “Vì đường núi sẽ trở nên rất quái đản, thường cứ đi được một lúc thì…”

“… Ngươi sẽ phát hiện chỉ còn lại mình ên.”

Khoảnh khắc lời nói buông xuống, ba mặt người thò ra khỏi cạnh cửa miếu thổ địa, mở to đôi mắt tròn xoe không bóng sáng và nhìn chằm chằm Văn Thời mà chẳng thèm chớp mắt.

Đồng tử của Văn Thời chợt co lại, dây rối giữa các ngón tay đã căng chặt.

Anh vắt ngang một tay chắn trước người, ngọn gió ác liệt vòng quanh sợi dây tạo nên một cơn xoáy, tay còn lại thì tóm lấy người bên cạnh, nhưng chỉ tóm được một áng sương mù ẩm ướt.

“Tạ Vấn?!”

Trái tim của Văn Thời nhảy dựng lên, bỗng xoay đầu sang, bên cạnh đã trống không.

Chẳng những Tạ Vấn đứng sóng vai với anh, ngay cả Hạ Tiều nửa trốn sau lưng mình và Trương Bích Linh đi theo tới đây cũng đã mất bóng.

Hệt như lời người trong miếu thổ địa nói ——

Đi được một hồi, không biết từ khi nào đã chỉ còn lại một mình anh. Ánh mắt xéo qua, ba bóng dáng bất chợt kéo dài!

Ba mặt người nọ đột ngột nhào về phía Văn Thời, cần cổ dài ra như rắn trắng, miệng cũng xếch lên tới lỗ tai, từ trong phun ra mấy tiếng xì xì.

Thấy ba lưỡi rắn đỏ tươi dài thòng sắp liếm lên mặt mình, Văn Thời đanh mặt, trở tay túm một phát ——

Chỉ nghe một tiếng “vụt”, mấy chục sợi dây rối rét lạnh quét ngang, thét gào mà xuyên thấu sương mù dày đặc và gió núi rồi quấn lên cần cổ trông như rắn rết kia.

Một chớp nhoáng kế tiếp, đầu chúng một nơi, thân thì một nẻo, bị chia thành vài khúc.

Sương máu dâng lên, mùi rỉ sắt chợt tràn ngập.

Mấy cần cổ quỷ dị đó đổ rào xuống đất, song lại lập tức hóa thành vũng bùn đen và nhanh chóng tràn lan khắp nơi. Chúng cắn nuốt cỏ cây trên núi, chưa gì đã lẻn tới gần chân Văn Thời.

Không hổ là lồng của Trương Đại Nhạc.

Ngay cả mấy thứ này cũng vương vấn bóng dáng của ‘huệ cô’, khiến người ta nhớ tới lớp da của hậu bối mà Trương Đại Nhạc đã khoác lên mình, tựa như một con nhện đang bò leo giữa sương đen cuồn cuộn.

Văn Thời thấy gớm chết được, không muốn bất cứ giọt nào dính lên người mình. Anh mang vẻ mặt chán ghét vội vàng lùi về sau mấy trượng để cách xa vũng bùn.

Sau khi cách xa, Văn Thời điều khiển dây rối hòng khuấy tan vũng bùn sền sệt kia, nhưng anh lại thấy tốc độ khuếch tán của nó bất chợt bị suy giảm.

Nó tựa như vật sống, ló người ra trước, sau đó dừng lại khi chỉ còn cách đối phương một bước, như thể đang sợ một điều gì đó…

Văn Thời nhìn chằm chằm vũng bùn trong chốc lát, rồi bỗng cảm nhận được một cơn gió lạnh khẽ vụt qua sau ót.

Anh nhíu mày ngoái đầu nhìn lại.

Phía sau là khe núi sâu thẳm, trên chỗ cao có hai ánh đèn le lói bị ngăn cách bởi sương mù, trông cứ như một đôi mắt đang lẳng lặng nhìn xuống đây.

Ngay sau đó, một tiếng quỷ khóc dai dẳng và thê lương truyền đến từ nơi có ánh đèn phát sáng.

Tiếng quỷ khóc ấy nghe rất mơ hồ, trộn lẫn giữa giọng nói của biết bao nam nữ già trẻ.

Khoảnh khắc nghe được, Văn Thời cảm thấy đầu mình đau nhói, đau đến xuyên tim xẻo cốt. Anh vô thức giơ tay bóp huyệt thái dương và cắn chặt khớp hàm.

Nhưng anh nhanh chóng nhận ra, đó cũng không phải là nỗi đau chân thật, chẳng qua do tiếng quỷ khóc ấy quá quen thuộc, làm anh nhớ tới âm thanh mình từng nghe thấy bởi vì thân quấn trần duyên, cơ thể chỉ có phản ứng trước một bước mà thôi.

Vì sao anh lại nghe thấy tiếng quỷ khóc mà bản thân quen thuộc nhất ở đây?

Vì sao những tiếng khóc ấy lại cuốn theo sự bi ai và nỗi niềm muốn phát tiết đến tột cùng, như là đang hấp hối trước khi lên đường?

Sự thay đổi này lại cực kỳ vụn vặt, người khác có lẽ sẽ không thể phân biệt, Văn Thời thì có thể.

Bởi vì cách đây rất lâu, Trần Bất Đáo từng nói với anh rằng mỗi sợi trần duyên đều có âm thanh độc nhất. Nếu nghe kỹ thêm một chút, con sẽ phát hiện khi mình giải lồng, hóa tan trần duyên và đưa một ai đó rời đi, những tiếng kêu khóc và gào thét nghe như đang chọc thủng màng nhĩ người ta đó đều hàm chứa một sự giải thoát, không đáng sợ và cũng chẳng khó lòng chịu nổi đến thế đâu. Bạn đang

Văn Thời lại đang nghe thấy những tiếng quỷ khóc ấy.

Anh ngơ ngác sau ít lâu rồi bỗng nhanh bước đi về phía hai ánh đèn kia.

Người nọ từng nói khe núi này khá giống núi Tùng Vân, đón gió gom hơi, rất nhiều linh khí. Dựa theo lời trong sách ngày trước hay nói, một nơi như thế này có hai tác dụng, một là nuôi người, hai là nuôi trận.

Tuy nhiên, nơi này vẫn có điểm khác biệt so với núi Tùng Vân, núi Tùng Vân bạt ngàn tùng xanh, nơi này lại là rừng trúc.

Đó là kiểu trúc nhắm thẳng lên trời, trên cành khô in hoa văn lốm đốm, thoạt nhìn như một mặt người quái dị, lá trúc rậm rạp, đan xen vào nhau đến hầu như không để lại kẽ hở, ghìm chặt sương mù trong núi bên dưới cành nhánh.

‘Mặt người’ rập khuôn hệt nhau kèm theo sương mù dày đặc quả thực là một chú thuật trận pháp thiên nhiên, thêm chút mánh khóe nữa là có thể khiến người ta mãi không thể bước vào khe núi sâu thẳm thật sự.

Nhưng Văn Thời lại bước vào.

Anh không biết mình đã đi được bao lâu và tránh được bao nhiêu lối rẽ che mắt, cuối cùng vẫn xuyên qua kẽ hở của cây trúc và trông thấy một hồ nước tĩnh lặng và một ngôi nhà đơn sơ.

Khi đó, trời đã tờ mờ sáng.

Văn Thời thấy cửa nhà ấy kêu lên một tiếng “kẽo kẹt” rồi hé mở dưới ánh nắng lờ mờ, một bóng người cao ráo cúi đầu bước ra khỏi nhà.

Hắn mặc áo trong trắng tuyết và khoác lên người chiếc áo choàng đỏ tươi. Vạt áo cũng không che đậy tỉ mỉ cho lắm, để lộ cần cổ trắng xanh và gầy gò, trái cổ nhô ra rõ rệt. Hắn đeo chiếc mặt nạ nửa chết nửa sống, tỏa ra hơi hám của ma quỷ giữa sương mù dày đậm và bóng tối đen kịt.

“Trần Bất Đáo…”

Môi Văn Thời giật khẽ, giọng nói lại bị gió chắn mất. Anh thấy Trần Bất Đáo đứng trước cửa nhà, quanh thân cuốn theo hơi thở ốm yếu còn dữ dội hơn hiện nay.

Đó là dáng vẻ mà Trần Bất Đáo chưa từng lộ ra ở núi Tùng Vân, như thể hắn vừa trải qua chuyện gì làm tiêu tốn linh thần và sinh lực cả người mình. Hắn để lộ vẻ uể oải và kiệt sức không tài nào giấu được, thế rồi lại đứng thẳng người như tùng núi trúc xanh.

Hắn cuốn ống tay áo rộng thùng thình lên, lộ ra ngoài một đoạn cổ tay. Tĩnh mạch tím xanh ngoằn ngoèo bò ra từ trong tay áo, kéo dài từ cổ tay đến mu bàn tay. Bởi vì màu da tái nhợt và suy yếu, trông hắn khá yêu dị, song lại có chút rợn cả tóc gáy.

Nhưng bản thân hắn lại có vẻ không hề phát hiện ra, chỉ nhúc nhích ngón tay mấy lần mà thôi.

Từng luồng khí đen tuôn ra từ đầu ngón tay và từ từ tụ thành một áng sương mù khá mỏng trước mặt hắn.

Trần Bất Đáo nhìn áng sương mù ấy xuyên qua mặt nạ rồi bỗng mở miệng nói một câu.

Giọng hắn rất khẽ, lời nói có vẻ lập lờ trong gió. Nhưng Văn Thời lại biết hắn đang nói gì.

Rõ ràng ắt phải nghe không rõ, nhưng anh lại biết điều Trần Bất Đáo nói là gì.

Trần Bất Đáo nói với áng sương đen kia rằng: “Ta sẽ đưa các ngươi đi thay hắn.”

Trong tai Văn Thời chỉ còn lại tiếng ong ong…

Anh lại nghe thấy tiếng quỷ khóc quen thuộc nhất, mà chúng cũng không hề rõ tiếng. Thế nên trong nháy mắt kia, anh khó có thể nhận định rốt cuộc mình thực sự đã nghe thấy điều gì, hay là anh chỉ bất thình lình nhớ lại mà thôi.

Trên thực tế, vế nào cũng chẳng còn quan trọng nữa, khi nghe được tiếng khóc, Văn Thời cũng đã hiểu rõ cảnh tượng mà mình đang nhìn thấy ——

Đó là trần duyên từng bủa vây anh suốt ngày này đêm nọ, vốn đã lọt vào trận tẩy linh sau công cuộc lột sống chúng ra hết lần này đến lần khác của mình, cuối cùng lại bị Trần Bất Đáo gom lại và gánh hết.

Sau đó, vào một hôm không biết ngày tháng năm nào, lúc nắng ban mai còn mờ mờ, Trần Bất Đáo đã giải tan trần duyên và đưa người trong đó rời đi thay anh.

Thực ra nếu tính toán cẩn thận, trong đó chắc phải có cả thân nhân thật sự của anh.

Hồi trước, tòa thành kia bị tàn sát đến máu chảy thành sông. Nếu không nhờ có những người nọ đè lên và chống đỡ, vùi anh xuống dưới cùng, có lẽ anh cũng không đợi được đến lúc Trần Bất Đáo tới nơi.

Trong đó chắc cũng phải có bản thân anh nữa.

Có tham giận si dục của anh, có sự níu giữ ngông cuồng và quyến luyến mà anh từng không nói nên lời…

Anh thấy Trần Bất Đáo giơ tay gộp lại chút sương đen, một nháy mắt sau, sương mù biến thành một con chim xanh khổng lồ, nó vỗ cánh bay về phía chân trời mờ sáng từ giữa ống tay áo to rộng của hắn…

Tựa như cành mai trắng mà Văn Thời từng biến ra bằng chút trần duyên Thẩm Kiều đã để lại.

Trong số đó có một con chim xanh khá đặc biệt, nó rơi lại sau cùng, lượn vòng quanh người Trần Bất Đáo thật lâu rồi mới bay đi, lúc rời còn để rơi một chiếc lông chim màu xanh biếc.

Trần Bất Đáo nhìn chiếc lông chim ấy, xuất thần một lát mới giơ tay tiếp lấy.

Hắn dựa lên cạnh cửa, cầm lông chim rũ mắt rất lâu rồi nắm nó trong tay.

Trong sách thời xưa có ghi: Chim xanh, tức chú chim thần, đưa thư gửi gắm nỗi lòng tương tư.

▓▒░(°◡°)░▒▓

Chú thích nhẹ:

Câu trên nôm na là kiểu chim xanh thì phụ trách truyền đạt sự tưởng nhớ, mà con chim rơi lại sau cùng và để lại cho Trần Bất Đáo một chiếc lông chim xanh kia mang ý nghĩa nỗi tương tư của Văn Thời được nó gửi đến cho Trần Bất Đáo, hoặc là nỗi tương tư của thân nhân Văn Thời để lại cho Văn Thời.

HẾT CHƯƠNG 99 („• ֊ •„)