Tô Uyển thoạt nghe thấy là là: “Ôi, dì Mai còn trẻ chán, cháu nào dám chê? Tại cháu kém ăn kém nói. Chẳng tại thấy dì đứng trước cửa đợi thế này, cháu mừng quá lại hóa lo đấy thôi? Dì chớ phật ý.”
Người giúp việc đứng bên cười nói: “Thưa Giám đốc Tô, phu nhân biết cô đến, sáng sớm đã sửa soạn bày biện này nọ, miệng cứ nhắc cô mãi thôi, cụ mong cô đỏ con mắt, chờ cô mãi đấy. Lại còn, mới rồi nói phải ra ngoài này đợi cô, tôi cũng bảo là bên ngoài nóng lắm, nhưng cụ nhất quyết đòi ra. Cụ nói ngoài này không khí trong này, tôi can cũng không được.”
Người giúp việc theo nhà họ Hạ đã ba mươi mấy năm, luôn túc trực bên bà cụ. Thường ngày nói chuyện thân thiện, không cấm kỵ điều gì, bà cụ cũng thích đùa với cô ta. Cô ta biết cách lựa dịp nói lời hợp lý.
Thấy cô ta nói thế, bà cụ Hạ giả vờ nghiêm mặt trách: “Ta bảo cô tuổi nhỏ hơn ta, mà sao còn nhiều chuyện hơn cả là là sao.”
Càm ràm mấy câu, bà cụ Hạ bất ngờ hỏi Tô Uyển: “Con bé Diệp đâu, sao không kêu nó đến cùng, lâu lắm rồi dì chưa được gặp nó?”
Tô Uyển giật mình, liền cười xòa thành tiếng: “Con bé cả ngày bay nhảy, dăm ba hôm còn không thèm về nhà, đến cháu cũng phải mấy ngày rồi chưa gặp.”
Tô Uyển nghĩ bụng, phải nói xấu Diệp Bạc Hâm, để bà cụ Hạ không hài lòng về nó. Thế là công cuộc từ hôn mới được đà thuận lợi, vì thế nên cũng chả cần quan tâm hình tượng của con gái.
Song những gì bà nói cũng là thật, Diệp Bạc Hâm quả thực không thường xuyên về nhà. Chỉ có điều bà cụ Hạ không biết chuyện này. Người già vốn quan niệm bảo thủ, cho rằng loại con gái lông nhông bên ngoài đường, không phải cái ngữ tử tế. Huống hồ dăm ba ngày không thấy mặt mũi đâu, lại càng không chấp nhận được.
Nhưng Tô Uyển xuất chiêu này là sai lầm. Bà cụ hạ không phải người cổ hủ. Giới trẻ bây giờ thịnh món gì, bà rõ hơn ai hết. Nghỉ hưu ở nhà rảnh rỗi, bà hay xem chương trình giải trí, hiểu rõ lối tư duy của giới trẻ ngày nay. Nhiều người không chấp nhận được thứ văn hóa thời thượng lai tạp, nhưng bà thì thẩm thấu được. Tuổi tác cao, nhưng tâm hồn trẻ, đây là điều hiếm thấy.
Bà cụ Hạ nhíu mày, không tán thành: “Thanh niên mà, năng động hoạt bát mới là tốt. Cháu dâu dì dĩ nhiên phải hơn người bình thường. Dì là dì ghét nhất ngữ tiểu thư làm bộ làm tịch, ngoài thì tỏ vẻ đoan trang, mắt thì láo liên đeo bám lấy đàn ông con trai. Cũng không tự nhìn lại xem mình thế nào, quanh ngày suốt tháng chỉ nghĩ cách gạ gẫm đàn ông? Chúng nó đến những bữa tiệc là vì cái gì, chả phải do cha anh chúng nó bắt phải sắm sửa lộng lẫy diêm dúa, như một món hàng đóng gói bày trên kệ. Để xem đám đàn ông đến lựa có quyền có tiền không, có thì bày trò kết hôn thông gia, không thì ngúng ngoảy được ngay.”
Bà cụ Hạ nói vậy là vì từ nhỏ bà đã chứng kiến Diệp Bạc Hâm trưởng thành. Con bé ngây thơ, trong sạch, tính thế nào bà rõ vô cùng.
Mà những gì bà nói thực sự khiến Tô Uyển khó mà phản bác được. Những kẻ tham gia tiệc tùng đa phần đều mang tư tưởng ấy, chỉ là chưa ai vạch mặt chỉ tên mà thôi.
Thất sách mất rồi, vốn định để bà cụ bất mãn về nó, không ngờ bà cụ lại thương con bé đến vậy.
“Dì nói này, Tô Uyển, cũng không phải dì có ý gì đâu, lúc bận công việc thì thôi, nhưng lúc có thời gian cũng nên quan tâm lũ trẻ. Bố chúng nó bỏ bê con cái, vốn dĩ từ nhỏ đã thiếu tình thương của bố, giờ không được mẹ quan tâm kể cũng tội. Mấy hôm không thấy nó về, cháu không lo lắng à?” Bà cụ thở dài, tận tình khuyên nhủ: “Nếu cháu bận quá không có thời gian, cũng không sao, để nó về làm dâu nhà này, lúc ấy dì sẽ giúp cháu chăm lo. Mấy người không thương được nó, để ta thương!”
Tô Uyển giật nảy mình, hôm nay mục đích đến là để từ hôn, sao giờ lại bị dắt mũi thế này?
Bà lão nói lời ẩn ý, không ngờ lại dẫn dụ bà vào tròng, lòng vòng lại nhắc chuyện để hai đứa kết hôn.
Mấy năm gần đây, bà cụ sức khỏe mỗi ngày một sa sút, lòng mong mỏi lúc còn sống được bế chắt. Nên không ít lần giục Hạ Dã Nhuận lấy vợ. Hạ Dã Nhuận thì muốn nhưng Diệp Bạc Hâm lại thường xuyên lấy cớ thoái thác.
Đối diện với ẩn ý của bà cụ, Diệp Bạc Hâm chỉ đành làm như không hiểu.
Tô Uyển cũng không muốn con gái mau lấy chồng, dẫu sao cũng còn trẻ, lại có mỗi đứa con gái, nhà không có nó bày trò, thế nào cũng không giống cái nhà. Cứ nghĩ đến việc nó bị người ta lừa, bà lại điên tiết không biết trút vào đâu.
“Dì Mai, mình vào nhà rồi hẵng nói, hôm nay cháu đến cũng vì chuyện này.” Tô Uyển nghĩ, dù gì cũng không thể đứng mãi ngoài cửa mà nói được. Tuy bà cụ nhìn thì có vẻ khỏe khắn nhưng theo mức độ mà bà cụ quý mến Diệp Bạc Hâm, bây giờ để bà biết mình đến từ hôn, e là đường huyết hay huyết áp rủ nhau đồng loạt nhảy dựng lên, lúc ấy có mệnh hệ nào thì hỏng.
Tưởng Tô Uyển đến bàn chuyện kết hôn, bà cụ mặt tươi roi rói, sắc mặt hồng hào hẳn lên. Vội vàng gọi người làm đỡ đồ từ tay tài xế.
“Ôi Tô Uyển à, cháu đến thì cứ đến, tay xách nách mang bao nhiêu đồ thế này làm gì?”
Tô Uyển khoác tay bà đi vào nhau: “Đều là những thứ nhỏ chẳng đáng kể, cháu đến tay không kể cũng ngại không dám vào.”
...
Trong phòng khách, Tô Uyển và bà cụ Hạ ngồi đối diện nhau, người giúp việc mang bánh trái đã chuẩn bị sẵn trong bếp lên, bày ra bàn, đoạn nói với Tô Uyển:
“Giám đốc Tô, đây toàn những món phu nhân dặn sửa soạn từ sáng sớm. Phu nhân nói lần trước đến chơi, thấy cô dùng món này nhiều nhất, cho là cô thích ăn, nên đã sắp sửa sẵn sàng đây cả rồi.”
Tô Uyển cười nói cảm ơn, thực ra bà không thích ăn đồ ngọt, nhưng người ta đã nói là chuẩn bị từ sáng sớm rồi, chẳng thể vô phép trước mặt chủ nhà được, đành lịch sự cầm lên, nhấm nháp.
Bà cụ đam mê một bộ môn nghệ thuật đó là trà đạo. Sau khi về hưu, để giết thời gian, bà theo tầm sư học đạo một vị Nghệ nhân trà đạo Nhật bản. Ở nhà rảnh rỗi bà thường pha trà, lâu dần, trà pha ra mang mùi vị đặc sắc, ngọt thanh thơm nồng.
Bà Hạ tự mình pha một ấm trà bằng dụng cụ pha trà, rót ra cốc tử sa, đẩy đến bên tay Tô Uyển: “Thưởng thức xem bích loa xuân của dì thế nào.”
Nước trà sóng sánh thoang thoảng hương, kể cả người không hiểu trà như Tô Uyển cũng thấy thích, cô cười, bưng lên nhấp miệng.
Bà cụ Hạ cũng không tỏ ra sốt ruột muốn bàn chuyện cưới xin của cháu trai ngay, mà trước tiên kể cho Tô Uyển nghe cái hay của trà này và phải pha thế nào. Tô Uyển cũng điềm tĩnh, cân nhắc phải nói chuyện từ hôn thế nào với bà cụ.
Địa vị của bà cụ trong nhà họ Hạ là không ai có thể xoay chuyển được. Nếu bà đồng ý từ hôn, những người khác cũng không dám ý kiến. Nhưng đồng nghĩa cũng là người khó nói chuyện nhất. Tô Uyển cần một lý do để bà chấp nhận.
Đợi bà cụ ngừng lại, Tô Uyển cũng dần tĩnh tâm, đối diện với hợp đồng trị giá nghìn vạn tệ bà còn bình tĩnh xử trí được, chẳng lý nào một bà lão lại khiến cô phải nhụt trí.
“Lý Nhược có nhà không dì?” Tô Uyển cười hỏi.
Lý Nhược là mẹ của Hạ Dã Nhuận, xuất thân gia cảnh kém xa nhà họ Hạ, tính tính lại nhu nhược, trong nhà không có địa vị. Bà cụ vốn không ưa đứa con dâu này.
Quả nhiên nghe Tô Uyển nhắc Lý Nhược, bà cụ tắt ngấm nụ cười bên khóe môi, lạnh nhạt nói: “Về nhà mẹ đẻ rồi.”
“Vậy Hạ Trường Lĩnh cũng không ở nhà ạ?”
Hạ Trường Lĩnh là cha của Hạ Dã Nhuận, Tô Uyển đã cố tình chọn ngày cuối tuần, chắc mẩm cả gia đình đều có mặt ở nhà, để dễ bề nói chuyện.
“Không, nó đến công ty, dạo này có dự án lớn, nên thường xuyên làm việc thông đêm. À đấy, cả Tiểu Nhuận cũng không có nhà.”
Tô Uyển chau mày, mới rồi gọi điện người giúp việc bắt máy, cô tưởng cuối tuần cả nhà rảnh rỗi nên mới không hỏi những người khác thì sao. Không ngờ lại kém may thế này.
Cũng được, người ít thì càng dễ xoay xở. Không phải đối mặt với sự nghi vấn của từng ấy người, từng ấy ánh mắt sửng sốt. Bà cụ tuy khó xử lý, nhưng cũng là người thấu tình đạt lý.
Tô Uyển đặt tách trà xuống, ngồi ngay ngắn nhìn bà cụ, sắc mặt bối rối: “Thưa dì, hôm nay cháu đến cũng vì chuyện hôn sự của Tiểu Hạ và con bé nhà cháu...”
Bà Hạ mỉm cười gật đầu, bụng bảo dạ cuối cùng cũng đợi được ngày này. Cháu trai mình ý tứ thế nào, bà rõ hơn ai hết. Bao nhiêu năm, lần nào gặp nhau, mắt thằng bé cũng dán trên người con nhà người ta, không nỡ dời mắt. Các bà là bậc bề trên đều chứng kiến cả. Tuổi tác cao rồi, chẳng muốn tranh giành ganh đua gì nữa, được thấy cháu chắt yên bề gia thất, lấy được cô gái tử tế, bà cũng coi như toại ý nguyện.
Nhưng những lời Tô Uyển nói lại như tạt cho bà một gáo nước lạnh. Mặt bà ngỡ ngàng, ngỡ mình nghe nhầm: “Tô Uyển, cháu vừa nói gì? Dì già rồi, tai hơi nghễnh ngãnh.”
Tay bà cụ siết chặt đầu gậy. Chắc chắn là bà đã nghe nhầm, làm sao Tô Uyển có thể nói ra chuyện ấy? Hai đứa trẻ đính hôn đã năm năm có lẻ, người ta thông thường một năm hoặc nửa năm là cưới rồi, còn họ cứ khất lần mãi đến tận bây giờ. Lý do cũng chỉ vì con bé còn nhỏ, Tiểu Nhuận lại đang thời kỳ phát triển sự nghiệp, nên chuyện đành gác lại. Mới rồi ở bên ngoài, Tô Uyển cũng bảo là đến để bàn chuyện hôn sự, nom cô ta thế kia, làm gì có vẻ là đến để từ hôn. Tô Uyển hít một hơi thật sâu, thấy bà cụ chưa đến nỗi nổi đoá lên, mới tiếp lời: “Dì Mai ạ, dì không nghe nhầm đâu. Tại cháu dạy con không nghiêm, để con bé phá phách quen rồi, giờ cháu cũng hết cách. Nó nằng nặc đòi từ hôn, chẳng những thế, nó còn bỏ nhà đi đã mấy ngày rồi. Cháu cũng chưa biết nó ở đâu. Tiểu Nhuận là đứa trẻ ngoan ngoãn, tiếc là con bé nhà cháu không có phúc.”
Bà cụ Hạ suýt thì lịm đi, đoạn nghe Tô Uyển kể lại chuyện vừa nói, xem ra là ý của con bé Diệp. Sao có thể như thế?
“Có nhầm gì không? Đang yên đang lành sao lại đòi từ hôn? Tô Uyển, chuyện này dì không đồng ý? Con bé đang ở đâu, cháu để dì nói chuyện với nó. Dì không chấp nhận chỉ nghe từ một phía cháu.” Bà cụ sa sầm sắc mặt, dậm đầu gậy xuống sàn.
Tô Uyển biết đi đâu tìm người. Từ lúc giao Diệp Bạc Hâm cho Tô Cảnh Sâm đến nay chẳng buồn hỏi han. Bà tin Tô Cảnh Sâm, con nhỏ cũng không biết đường gọi điện về nhà, chắc vẫn còn giận.
Vả lại, để bà cụ tự mình đến nhà nói chuyện, bà sợ con nhỏ vụng mồm vụng miệng, để bà cụ tức kên thì cũng đi tong cả danh tiếng của mình, lúc ấy lợi bất cập hại. Nhân lúc nó không có nhà, cứ xử lý việc này đã.
Tô Uyển nói: “Dì Mai, giờ nó ở đâu châu cũng không biết, đợi nó về, cháu sẽ bắt nó đến tận nhà tạ lỗi, được không ạ? Nó cũng bảo, không từ được hôn, nó không về. Cháu làm mẹ, con cái không ưng, cháu cũng không ép được. Bằng không sau này hôn nhân đổ vỡ thì biết trách ai?”
Thấy thái độ của Tô Uyển cương quyết, nhất thời bà cụ không biết phản bác bằng cách nào, lại hỏi: “Nhưng rút cuộc là vì sao? Cũng phải có lý do chứ. Dì thấy con bé không phải người hồ đồ, đính hôn cũng năm năm rồi, sao có thể nói từ là từ được?”