Ôn Lại Chuyện Xưa
“Lộc Lộc.”
Cửa hé mở, mẹ tôi ló đầu vào: “Ngủ sớm đi, sáng mai còn ra sân bay.”
“Vâng!” Nằm vội xuống giường, tiện tay tắt đèn, dài giọng đáp, “Con ngủ đây.”
“Cái con bé này.” Bà cười cười, đoạnnói, “Sắp kết hôn tới nơi rồi, chững chạc lên nào. Đồ đạc cũ đợi bao giờ về hẵng dọn, hay nôn nóng muốn chuyển ra hả?”
“Nào có chuyện đó, con không muốn đi đâu hết, ở nhà là tốt nhất.”
Mẹ tôi hừ hừ hài lòng, nhẹ nhàng khép cửa lại. Khi tiếng bước chân nhỏ dần, tôi mới giơ tay bật đèn, trùm chăn ngồi dậy, tiếp tục mò mẫm những món đồ cũ bày bừa bên giường.
—-
Đó là vào đêm trước ngày kết hôn, hai nhà ấn định quay về Bắc tổ chức tiệc mừng. Ban ngày lúc thu dọn hành lý, tôi vô tình tìm được hộp đồ chơi lúc nhỏ, sổ, kẹp tóc, gương lược, và cả một chiếc ví tiền đã cũ.
Dùng suốt thời đại học, kiểu gấp ba, mép đã bong tróc. Tôi cẩn thận mở ra, đập vào mắt là tấm ảnh chụp chung với Lý Miễn ở Vạn Lý Trường Thành.
Cả hai run rẩy trong gió lạnh, phía sau là dòng chữ “Không tới Trường Thành không phải hảo hán”. Tôi không nhớ nổi là ai đã chụp tấm ảnh này, hứng chí chụp lại gửi cho Lý Miễn, anh lập tức trả lời:
“Mất 20 tệ.”
“Sao em không nhớ nhỉ?”
“Có nhiều chuyện em không nhớ lắm.” Anh gõ chữ, mấy giây sau gửi đến tin nhắn thoại, “Hưng phấn muốn kết hôn với anh thế hả? Không ngủ được, bắt đầu hồi tưởng?”
“Đồ không biết xấu hổ, em đang dọn dẹp đồ đạc, ngủ bây giờ đây.”
Đặt điện thoại xuống, cầm ví tiền lên nhìn mấy lần, vui vẻ rút ảnh ra, kết quả vừa kéo một phát thì có một tờ giấy rơi theo.
Bên trên viết một số điện thoại.
Tôi không có chút ấn tượng gì về dãy số này, nhưng nếu đã đặt trong ví thì chắc chắn có ý nghĩa nào đó… Lẩm nhẩm nhiều lần, càng cảm thấy chữ viết quen quen, ma xui quỷ khiến cầm điện thoại bấm số.
Âm báo tút tút mấy lần, không ai bắt máy.
Tôi hoàn hồn, bản thân đang làm gì thế này, số điện thoại nằm trong ví đã lâu, còn gọi cái gì nữa. Nhưng đúng lúc định tắt máy thì có người trả lời: “A lô, Khương Lộc à.”
—
“Từ Chi Dương?”
Nhớ ra rồi, là số điện thoại cậu để lại ở sân bay trước khi xuất ngoại lần đầu tiên, lúc ấy còn đùa bảo nếu bị Lý Miễn bắt nạt thì gọi cho cậu, không ngờ vẫn còn.
Tôi đổ mồ hôi, vờ bình tĩnh: “Từ Chi Dương, khụ, ngày kia là hôn lễ rồi, muốn hỏi cậu thật sự không tới được hả?”
Cậu thở rất nhẹ, lúc lâu sau mới trả lời: “Ừ.”
“Ừm, Lý Miễn cũng nói vậy, nói cậu xuất ngoại tập huấn, về một chuyến khổ phải biết…” Vừa dứt câu, tôi vô thức nhìn màn hình, cứ có cảm giác không đúng, “Á, bây giờ cậu đang ở nước ngoài hả?”
“… Ở Bắc Kinh.”
“A, hai ngày tới sẽ lên đường à?”
“Tháng sau tớ mới xuất phát.”
“…” Tôi ngơ ngác không biết nói gì, ngồi trên giường khẩy bông trong chăn, “Nhưng Lý Miễn nói…”
“Là tớ nói với cậu ấy như vậy, Khương Lộc, tớ không ngờ cậu sẽ gọi vào số này, đang định xóa số.”
Cậu hít sâu, hình như đang đi vòng vòng, cuối cùng nói: “Xin lỗi cậu, tớ không có ý định tham dự hôn lễ.”
Tôi há miệng như mất khả năng nói chuyện, thật sự không biết làm gì trước sự thẳng thắn của Từ Chi Dương.
“Chúc các cậu tân hôn vui vẻ trước nhé, Lộc Lộc, tớ thật lòng chúc phúc.” Cậu bình tĩnh nói, “Về Lý Miễn, có lẽ cả đời này cũng sẽ không bắt nạt cậu, cậu ta hay vênh váo thế thôi, thật ra bản thân rất lệ thuộc vào mọi người, cũng lệ thuộc vào cậu. Nên số điện thoại này rất thừa thãi, cậu không gọi là tốt nhất, ừm…”
Dừng một lúc, nói tiếp: “Nhưng tớ vẫn bắt máy, vì vẫn có tư tâm, tớ nói cậu nghe là được rồi. Năm 10 tuổi chuyển nhà quen biết cậu, rồi làm bạn với Lý Miễn, Thừa Thừa, Ngụy Tiêu, đó là chuyện may mắn nhất của tớ, mà thích cậu, đến bây giờ lại là… chuyện bất đắc dĩ nhất trong may mắn ấy.”
“Tớ đã tưởng tượng đến cảnh đó, là buổi hôn lễ, phát hiện không làm được. Nói thật hôm cầu hôn đã…” Cậu cười khan, đổi lời, “Nên tớ phải vắng mặt trong dịp quan trọng rồi, nhưng tớ thật lòng chúc phúc cho hai cậu, có hiểu không?”
Tôi nghẹn ngào, cảm xúc dần dần tắc nghẽn trong lòng theo từng lời của cậu, mở miếng muốn phá vỡ: “Hiểu rồi.”
Có vẻ cậu cũng nhận ra điều đó, định an ủi, nhưng nhanh chóng đổi sang chuyện khác: “Đừng cảm thấy gánh nặng… Bình thường mà. À phải rồi, tiền mừng mẹ tớ sẽ gửi chung, hình như bà còn chuẩn bị vài thứ cho cậu đấy, ha ha, như gả con gái đi…”
Tôi mỉm cười: “Giờ nhận mẹ nuôi có còn kịp không?”
Từ Chi Dương sửng sốt, một lúc lâu sau mới cười đáp: “Lần này tớ không ý kiến nữa.”
Cuối cuộc gọi, cậu lại chúc tôi tân hôn vui vẻ. Về sau ở hôn lễ nhận được phong bì, bên trên cũng là bốn chữ ấy, Lý Miễn lật qua lật lại, nói tên oắt này không đến đã đành, còn để lại lời nhắn qua loa thế này, không có gì muốn nói sao?
Tôi nhìn anh không nén khỏi thất vọng, chợt nhớ Từ Chi Dương bảo anh là người rất lệ thuộc vào mọi người, quả là chính xác. Thế là tiếp lời: “Người ta bận tập huấn ở nước ngoài, làm gì có thời gian nói nhiều, hơn nữa không phải các anh thích bốn chữ lắm sao, thuận buồm xuôi gió gì đó.”
“… Ừ.” Lý Miễn cúi đầu sửa cà vạt, nói, “Lần đó anh cũng để lại bốn chữ cho cậu ấy, xem như huề.”
“Anh để lại cái gì?” Không phải viết lời nhắn trong lưu bút của tôi à?
Đang nói chuyện thì Lâm Hiếu Thành ồn ào đi tới chụp ảnh cho chúng tôi, vừa đi vừa phàn nàn: “Tớ phát hiện người mệt nhất trong hôn lễ này là mình, sao lại thế này, là tớ kết hôn chắc?”
“Được rồi được rồi, đến đây.” Tôi nhấc váy đi tới, chợt nghe Lý Miễn nói một câu, “Dưới gầm bàn nhà cậu ấy.”
Ngoái đầu nhìn anh, anh chìa tay đỡ tôi, vẫn vẻ mặt thờ ơ không để bụng.
Nhưng hình ảnh hồi ức đã ùa về, vào cái năm Từ Chi Dương chuyển nhà rời đi, cỗ xe chậm rãi lăn bánh, bàn học nằm ngửa phía sau, dưới gầm bàn có một câu viết bằng phấn trắng: thuận buồm xuôi gió.
Tôi không ngờ là anh đã viết nó.
—
Hôn lễ có rất nhiều kỷ niệm khó quên, kết quả vì uống say mà quên gần hết. Về sau phải xem lại băng ghi hình với Lý Miễn mới dần dần nhớ ra, chẳng hạn như:
Trần Tiêu Dĩnh dẫn gia đình đến tham dự hôn lễ, chồng cậu ấy nhỏ tuổi hơn, tình yêu chị em đã tu thành chín quả, khiến tôi không khỏi nhớ tới chuyện giới thiệu đối tượng hồi trước, cùng đủ chuyện thường nhật ở ký túc xá, nhớ quá đi.
Lương Hiểu Mẫn cũng đến, còn là liên lạc thông qua thầy chủ nhiệm, duyên phận thật kỳ diệu. Chị ấy vẫn làm việc ở phương Nam, trở thành đồng nghiệp kiêm tiền bối của Lâm Hiếu Thành, thế giới này quả là nhỏ bé.
Ngô Thừa Thừa gọi video, ở trên màn hình lớn nhắc lại chuyện ngày xưa, còn nói về tương lai mai sau, tâm sự khoảng 10 phút, đến mức làm tôi rơi nước mắt.
Người nhà đều đến tham dự. Chị họ dẫn theo cháu ngoại, còn có thể nhận ra Ngụy Tiêu ngay lập tức, em họ đã tốt nghiệp đại học, nhưng trong mắt bọn họ em ấy vẫn là cái đuôi tò tò trong buổi đi chơi công viên năm nào, nên thành thử không nhận ra.
Và còn cả… Lý Học Văn. Lúc ấy câu hỏi xoay quanh sự xuất hiện của bố mẹ Lý Miễn là: là ông bố mấy năm không liên lạc lên sân khấu, hay là bố dượng không có tình cảm sâu sắc lên sân khấu, quả thật rất đau đầu.
Vào một tháng trước hôn lễ, có hôm tan làm phát hiện trong nhà có một vị khách – Lý Học Văn già đi trông thấy, ông trịnh trọng đến cửa dạm hỏi.
Nói gì đi nữa đây cũng là người tôi gọi là chú từ nhỏ, vẫn còn thân thiết, nhưng đồng thời cũng ấm ức thay Lý Miễn, giận ông bao nhiêu năm nay không nỗ lực bù đắp tình cảm gia đình.
Nhưng trong hôn lễ ông vẫn phát biểu với tư cách người làm cha, nói được mấy câu đã nghẹn ngào, tôi thấy Lý Miễn đứng bên vỗ vào lưng ông, nhìn khuôn mặt tương tự của hai cha con, trong lòng xót xa lẫn khấp khởi hy vọng, hy vọng rằng mọi thứ vẫn chưa muộn.
—
Buổi chiều rời khỏi khách sạn, cả người mệt lả. Lâm Hiếu Thành ngáp dài, hít một hơi lạnh, la oai oái: “Oa, lạnh quá đi mất, mới tháng 10 thôi mà.”
Tôi và Lý Miễn mặc kệ cậu ta, tiếp tục đi xuống lầu. Ngụy Tiêu nhìn một cái, nói: “Hay tôi cho anh mượn áo nhé?”
“Sao có thể mặt dày thế được.” Hiếm khi nào Lâm Hiếu Thành mặt mỏng như thế, khép chặt âu phục đuổi theo, “Các cậu đi đâu vậy?”
“Mệt rồi, ai về nhà nấy đi.”
“Ôi chao Khương Lộc, lần đầu tiên tớ đến đây, cậu lại đuổi tớ đi như vậy hả.”
Tôi vẫn đang đi giày cao gót, đứng suốt cả ngày đau muốn chết, phải dựa vào Lý Miễn, ngẩng đầu trả lời: “Thế cậu muốn thế nào?”
“Đi vài tăng nữa.”
Lâm Hiếu Thành từ xa tới, mà ngày mai phải về rồi, quả thật vẫn chưa tận hứng. Tôi đưa mắt hỏi ý kiến Lý Miễn, anh không thành vấn đề: “Tùy mọi người.”
Cả bọn đứng trước cửa, như những thanh thiếu niên không muốn về nhà sớm. Cuối cùng Ngụy Tiêu vung tay đề nghị: “Tới nhà tớ đi, tắm rửa mát xa.”
Quy mô của trung tâm tắm rửa do bố mẹ cậu ấy mở đã phát triển khấm khá.
Mát xa nghỉ ngơi, mọi người dần dần tỉnh táo, tôi nằm nói chuyện với Ngụy Tiêu, hỏi cậu ấy hôm nay có mệt không.
“Cũng bình thường. Lâm Hiếu Thành chạy lên chạy xuống mấy bận, nom có vẻ đáng tin.”
“Cậu ta làm việc được lắm chứ, mỗi tội lắm mồm quá.” Tôi ngóc đầu dậy, nhớ lại một chuyện, “À, cậu ta có biết chuyện bị cậu cho ăn tát không?”
“Hôm nay gặp còn nịnh nọt bảo tớ hát hay, chắc là không biết.”
“…” Tôi mếu máo, nhưng cười vẫn nhiều hơn.
—
Buổi tối đổi địa điểm mấy nơi, ca hát nhậu nhẹt tưng bừng, tới đây thì tôi không còn nhớ được gì. Hôm sau mở mắt ra, thấy Lý Miễn nằm vật vờ bên cạnh, cà vạt vắt trên cổ, áo sơ mi cởi nửa, vẫn ngủ say sưa.
Sờ điện thoại, đã hơn 11 giờ, ngọ nguậy ngồi dậy gọi cho Ngụy Tiêu, không ai bắt máy.
Gọi cho Lâm Hiếu Thành, vẫn không ai nghe máy.
Tôi ngơ ngác, ôm trán ngồi nửa phút, sau đó đánh thức Lý Miễn: “Có phải vé anh mua cho bọn họ là 12 giờ không?”
“Hả?” Anh vẫn còn ngái ngủ.
“Vé tàu ấy, không phải hôm nay Lâm Hiếu Thành và Ngụy Tiêu phải đi rồi à?”
“À… Đúng rồi.”
“Đã hơn 11 giờ rồi, hai người họ đâu rồi?”
“…” Lý Miễn im lặng, xoay mình vào nhà tắm rửa mặt, lúc này mới tỉnh táo, “Đã gọi điện chưa?”
“Không ai bắt máy.”
“Chắc là vẫn chưa dậy.” Vừa nói vừa xỏ giày, “Tới khách sạn đón đi, không là trễ tàu mất.”
Chúng tôi gấp gáp chạy tới khách sạn, đúng lúc thấy hai người cùng nhau đi ra: “Các cậu thật là, sao không ai nghe máy vậy hả?”
Một người: “Không có nghe.”
Một người: “Ngủ quên.”
Mắt nhìn quanh quất, không nhìn nhau, rõ là có chuyện.
Tôi bực mình, nghĩ bụng có phải tối qua đã uống nhiều say xỉn tiếp không, rồi lại diễn vở kịch tát tai gì đó, cuối cùng ghi thù? Tôi lặng lẽ hỏi Ngụy Tiêu, cậu ấy day trán nói không nhớ.
Uống say quên chuyện, suýt nữa trễ chuyến tàu.
Thời gian gấp gáp, mọi người tạm biệt nhau ở sân ga, lại nghe lời chúc tân hôn vui vẻ. Tôi và Lý Miễn tiễn hai cậu ấy đi, bỗng cảm thấy trống trải, lúc quay về đậu xe bên đường, đi bộ trở về.
Trời cuối thu se lạnh, Lý Miễn quàng cổ tôi gọi vợ.
“Không quen cho lắm.” Tôi đẩy anh ra.
“Khương Lộc.”
“Ừ.”
Anh buồn cười: “Bệnh gì thế này, chỉ thích người ta gọi thẳng họ tên.”
“Anh cũng gọi như thế hơn hai mươi năm còn gì, anh bị bệnh thì có.”
“Nói chuyện nghiêm túc nào, có muốn gì với cuộc sống sau khi cưới không?”
“Lần đầu kết hôn, không biết nữa.” Tôi cười đáp, đón gió thu, đi lướt qua bao người, bất chợt nhìn anh, “Nuôi chó có được không?”
“… Cũng được.”
“Một chú chó lông xù màu trắng.”
Lý Miễn cau mày: “Nghĩ xong rồi cơ à?”
“Gọi là Táp Táp đi.”
Anh khựng bước, vẻ mặt hoài nghi: “Có phải em đã lén nuôi chó không?”
“Anh là chó hả?”
“Khương Lộc!”
Anh tức giận rượt theo tôi, vạt áo bay trong gió, không chịu nghe giải thích. Gió thu xào xạc, cái tên ra đời tại đây, một chú cún ngốc nghếch*.
(*Táp Táp là từ tượng thanh, tiếng gió thổi mưa rơi.)