[Ôn Chu Đồng Nhân] Dư Nghiệt

Chương 10




Giờ Tuất ba khắc, sát khí thiêu đốt, vạn vật suy tàn.

Một cỗ xe bốn ngựa lao vút ra từ chùa Già Diệp. Người đánh xe mặc Hồ phục, lưng gài loan đao – đứng từ xa cũng có thể nhận ra đây là trang phục của tộc nhân Thổ Dục Hồn gần đây thường xuyên xuất hiện ở kinh thành.

Trên cỗ xe treo một lá cờ thêu hình hổ đặc trưng của quý phủ tam tử Tấn vương nên chặng đường thuận lợi không trở ngại, thẳng đến một con hẻm vắng lặng phía Tây thành mới dừng lại. Người đánh xe cúi người chui vào cỗ xe rồi đóng cửa lại, không biết định làm gì.

"Phía trước có một tòa trạch viện bị bỏ hoang, đây chính là nơi ẩn náu của Sóc Thốc tại kinh thành." Người mặc trang phục tử sĩ là Ôn Khách Hành, lúc này đã dán lại gương mặt giả. hắn nói: "Tổng cộng không quá hai mươi người. Các phe thế lực cài cắm tai mắt khắp nơi trong kinh thành, bọn chúng không tiện gióng trống khua chiêng mà hành động nên đã cho nhân lực tản ra các châu quận."

Trong xe còn một người khác vấn tóc gọn gàng y phục chỉnh tề - là Chu Tử Thư vừa trốn khỏi địa cung. Y đã thay áo bào của Hách Liên Sưởng, bên cạnh còn có Ôn Khách Hành đi cùng nên mới che mắt được người ngoài, thoát khỏi đám người trông giữ bên ngoài chùa miếu. Còn tiểu vương gia kia đã bị trói lại nhốt trong địa cung, làm tử tù thay Chu Tử Thư.

"Thiên hạ loạn lạc, chư quốc xưng hùng, phái mật thám thăm dò lẫn nhau cũng là chuyện thường tình." Chu Tử Thư nói: "Chỉ là không ngờ, đường đường là con cháu Tấn vương vậy mà lại vì tranh quyền đoạt thế mà dẫn nước nhập tường, âm thầm cấu kết với Thổ Dục Hồn."

Ôn Khách Hành chế giễu: "Toàn con cháu cành vàng lá ngọc của huynh đó. Chỉ có vô dụng hơn chẳng có vô dụng nhất. Thường nói cha nào con nấy, ngẫm lại thấy cũng chẳng sai. Vậy mới thấy Tấn vương kia sao mà hồ đồ."

Chu Tử Thư im lặng một lát, thở dài: "Hắn cũng từng là kẻ tài cao chí lớn, chỉ tiếc sơ tâm đã mất, có tài mà không có đức. Rốt cục, không giữ nổi quốc phúc." Đoạn, y không nhiều lời nữa mà chìa tay ra: "Đệ mang tín tiễn đến chưa?"

"Ta đặc biệt rời khỏi thành tìm Thành Lĩnh lấy đó." Ôn Khách Hành lấy một đoản tiễn màu vàng đen ra khỏi bách bảo nang, đưa cho Chu Tử Thư.

Tín tiễn này là vật truyền tin đặc thù của nội bộ Thiên Song. Sau khi bắn sẽ phát ra tiếng còi tai người thường không nghe được, chỉ có ngựa Đại Uyển đã thuần dưỡng mới nghe thấy, nó sẽ lập tức dẫn người đến chỗ mũi tên được bắn. Xem ra, dù đã rời kinh nhưng luật lệ Thiên Song do y thiết lập vẫn chưa bị bãi bỏ. Chỉ tiếc Đoạn Bằng Cử đố kỵ người tài, ép bức người huấn luyện ngựa rời đi nên giờ chỉ còn năm sáu con Đại Uyển dùng được.

Chu Tử Thư cởi ngoại bào, cùng Ôn Khách Hành âm thầm áp sát tòa nhà. Hai người nấp trên cây, âm thầm thả tín tiễn. Một ánh sáng ảm đạm tan vào mây đen như trâu đất xuống biển, không có chút động tĩnh nào.

"A Nhứ," Ôn Khách Hành nghiêng người qua, thì thầm, "Lại đây."

Chu Tử Thư không chút nghi ngờ, ghé lại gần hỏi: "Chuyện gì?"

Hai đại nam nhân ẩn mình trên cây vốn đã chật chội, lúc này đã kề sát đến mức có thể nghe thấy hơi thở của đối phương. Ôn Khách Hành cười hỏi: "Sau khi xong việc huynh có dự định gì?"

Chu Tử Thư nghe vậy có phần bất ngờ, đây không phải lúc phù hợp để nói chuyện phiếm. Nhưng thấy dáng vẻ ung dung thong thả của Ôn Khách Hành y cũng thả lỏng hơn, trả lời: "Sắp tới tháng 10 rồi, chúng ta đi đốt áo tế tổ* trước rồi xuống phương Nam gặp Đại Vu, thế nào?"

*Phong tục cúng bái tổ tiên vào mùng 1 tháng 10 của Trung Quốc. Mùng 1 tháng 10 là ngày đầu tiên của mùa đông, vì lo linh hồn tổ tiên thiếu áo mặc nên không chỉ cúng đồ ăn, hương nến, tiền giấy mà còn đốt áo giấy. Do đó tiết giỗ tổ còn có tên gọi là tiết đốt áo.

Ôn Khách Hành đương nhiên đồng ý. Không phải hắn không tìm được chủ đề mà là những ngày qua phải giả làm tử sĩ nên không có thời gian ở một mình với Chu Tử Thư. Cho dù kề bên che chở suốt dọc đường nhưng lòng dạ vẫn nhung nhớ cuồng điên. Bởi vậy bất kể là ban nãy trong địa cung hay lúc này nấp trên cây hắn đều muốn chỉ nói chuyện yêu đương, trong lòng trong mắt ngập tràn hình bóng của người trước mặt.

Hai người nhìn nhau nhoẻn miệng cười. Nhất thời chưa ai phát giác sông núi sắp sập, trời cao đất rộng nhưng chỉ nguyện dừng chân đứng lại vì người trong tâm.

Hàn nha vỗ cánh, vó ngựa dồn dập. Chu Tử Thư cảnh giác nói: "Bọn chúng đến rồi."

Hai người kéo cành lá nhìn ra xa liền thấy một hắc y nhân che mặt cưỡi ngựa phóng tới, là thủ hạ của Thiên Song. Ôn Khách Hành lấy một viên hỏa tiêu ném vào nội viện, ầm một tiếng vang trời. Vách tường sụp đổ, chỉ thấy một làn khói dày đặc bốc lên tứ phía, khó phân địch ta.

Hai người thừa cơ nhảy từ trên cây xuống, đạp gió mà đi. Sau lưng vang lên tiếng ngựa hí cùng chém giết kịch liệt, quay đầu nhìn chỉ thấy đao quang kiếm ảnh, lửa đỏ ngút trời.

Kế này có thể nói là một mũi tên trúng hai đích. Vừa có thể loại bỏ mấy cái đinh ngầm của Thổ Dục Hồn trong kinh thành, vừa có thể giương đông kích tây dời nhân thủ Thiên Song vào cung.

Từ khi bị Chu Tử Thư đánh trọng thương, Tấn vương nằm trên giường bệnh triền miên. Sau khi vào thu bệnh tình càng kém nên hắn bất đắc dĩ phải di giá ngự uyển để tĩnh dưỡng. Người bệnh nặng thường dễ nổi giận, tâm tình bất ổn, Tấn vương cũng không ngoại lệ. Chỉ riêng việc hắn khăng khăng muốn chôn cùng Chu Tử Thư đã hiểu được đôi phần. Quân vương bạo ngược, người hầu hạ bên cạnh cũng uể oải biếng nhác, vì vậy trong ngoài tẩm cung càng canh gác lỏng lẻo. Với thân thủ của hai người Ôn Chu, muốn lại gần ngự tiền không phải việc gì khó.

Theo ý muốn của Ôn Khách Hành, thừa dịp tên tiểu Tấn vương kia đang mê man thì dứt khoát một đao đi đời cho gọn, nhưng Chu Tử Thư không đồng ý.

"Tấn vương đột nhiên chết bất đắc kỳ tử chắc chắn sẽ khiến triều chính rung chuyển, đến lúc đó vừa có tranh chấp nội bộ vừa có ngoại tộc nhòm ngó, thiên hạ đại loạn."

Nói xong Chu Tử Thư phất áo ngồi trước ngự án, nghiêng đầu cười hỏi: "Thất thần gì đó, không mau mài mực?"

Ôn Khách Hành làm bộ bất đắc dĩ, chắp tay nói: "Chu đại nhân phân phó, tại hạ nào dám không nghe."

Rồi thấy Chu Tử Thư cầm bút suy nghĩ một lát, trải lụa vàng xuống rồi nước chảy mây trôi viết một sắc lệnh. Viết xong y đặt bút xuống cẩn thận xem xét một hồi, hỏi: "Không biết Ôn tốt bụng còn cao kiến gì không?"

Ôn Khách Hành vén tay áo cầm lấy ngự bút, viết thêm mấy chữ rồi đáp: "Thế này mới được."

Chu Tử Thư nghiêm túc xem xét, đoạn, y ngẩng đầu nở nụ cười xuân phong ấm áp: "Như quân sở nguyện, còn cầu gì hơn*?" Nói xong y cầm sắc thư bước vào tẩm cung, không ngờ Tấn vương vẫn chưa ngủ, lúc này đang nằm cứng đờ trên giường. Nghe thấy tiếng động hắn lập tức quay đầu nhìn qua, hai mắt sáng rực như đuốc như điện.

*Mượn từ "Chấp tử chi thủ, phu phục hà cầu" (Kích cổ, Bội phong, Kinh thi). Tạm dịch: Nắm bàn tay người, còn cầu gì hơn.

Quân thần cố nhân nửa đời, qua một ngày thành người dưng nước lã. Không khỏi khiến người ta cảm khái.

Chu Tử Thư chậm rãi bước tới, tay cầm sắc thư, trầm giọng: "Vương gia, thỉnh mượn đại ấn một lát."

Tâm mạch Tấn vương bị Chu Tử Thư đánh nát, ngày qua ngày chỉ có thể nằm liệt. Bây giờ hắn ngồi cũng không nổi nhưng vẫn ép mình bày ra uy nghi đế vương, gằn giọng nói: "Tên loạn thần tặc tử nhà ngươi, thế mà lại tự chui đầu vào lưới. Người đâu ----"

"Để làm gì." Chu Tử Thư ngắt lời, tiến thêm một bước. "Cho dù hôm nay có gọi thiên quân vạn mã, thì để làm gì?" Y nhắm chặt mắt, chợt trừng lớn tàn khốc chất vấn: "Vương gia có biết ngoài cung đã sớm trở thành đất cằn ngàn dặm, bạch cốt lộ dã? Trên triều đình lang sói lộng quyền, bại pháp loạn kỷ... Ngay cả trong kinh, ngay bên giường ngươi cũng trải khắp tử sĩ dị tộc?"

Tấn vương thở phì phò, trừng đến rách mí mắt, phẫn hận thét: "Giang sơn của cô vương... dĩ nhiên là vĩnh viễn an bình... há đến lượt ngươi vọng luận!"

Chu Tử Thư như đang nghe chuyện cười, lắc đầu liên tục. Lúc y toan mở miệng lại thấy tay Ôn Khách Hành chạm lên vai mình, hắn xen vào nói: "Nực cười, nực cười. Chưa từng nghe nói có quân chủ bại liệt nào có thể hưởng giang sơn trăm năm, đừng tự lừa mình dối người nữa. Mau mau giao đại ấn ra, chúng ta sẽ tiễn ngươi đi thống khoái."

Mặt Tấn vương càng tái sau khi thấy một người thong thả bước ra từ sau lưng Chu Tử Thư. Dò xét một hồi, hắn không khỏi biến sắc: "Thích khách Tiên Bi?"

Ôn Khách Hành ngại nhiều lời, không muốn chậm trễ nữa liền dứt khoát kề đao lên cổ Tấn vương tra hỏi: "Ngọc tỷ đâu?"

Trong một tối gương mặt giả của hắn bị lột xuống rồi dán lại nên không được như ban đầu, nay còn ở cự ly gần nên bị Tấn vương nhìn thấu. "Đạo chích phương nào? Cớ sao không dám dùng mặt thật gặp người."

Chu Tử Thư lại gần nắm chặt lấy bàn tay cầm đao nọ, lực đạo chầm chậm tan đi. Thấy cử chỉ thân mật của hai người, Tấn vương như ngộ ra điều gì, kinh ngạc thốt lên: "Ôn Khách Hành?"

Ôn Khách Hành tặc lưỡi: "Ngươi bại liệt nhưng đầu óc cũng không ngốc nhỉ." Hắn dứt khoát bóc lớp da giả xuống, quấn mấy vòng quanh đầu ngón tay rồi chế nhạo nói: "Thương lượng thế nào? Ngươi thành thật giao ngọc tỷ ra, ta đây sẽ cho ngươi được toàn thây."

"Lão Ôn." Chu Tử Thư nghiêng đầu nhìn hắn, có vẻ không đồng tình.

"A Nhứ, những vết thương trên người huynh có vết nào không phải do hắn ban tặng? Ta chỉ là muốn đáp lễ mà thôi, có gì mà không được?" Nói xong lại cầm lấy loan đao, khoa tay trên người Tấn vương. "Một đao hai lỗ, hay là hạ thủ từ bả vai trước nhỉ."

"Lão Ôn, được rồi." Chu Tử Thư rốt cuộc mềm lòng. Nghĩ dù sao người kia cũng là biểu huynh ruột thịt của mình, tuy đáng lấy cái chết tạ tội với trời đất nhưng cũng không nên hạ nhục hắn. Y ngồi thụp xuống, cẩn thận lần mò một dấu khắc trên ngự tháp. Xoay nửa vòng, một chiếc hộp kín bật ra từ bên giường, trong đó chính là đại ấn ngọc tỷ.

"Vương gia, thói quen giấu đồ của ngươi cũng nên đổi rồi."

Đại thế đã mất, Tấn vương không khỏi trợn tròn mắt, căm hận gào lớn: "Chu Tử Thư! Trong người ngươi cũng chảy dòng máu của con cháu Hách Liên! Ngươi đường đường là hoàng thân quốc thích có danh môn sau lưng, vậy mà lại âm mưu giết vua soán ngôi! Tương lai ngươi còn mặt mũi nào xuống cửu tuyền gặp lão sư! Gặp mẹ ngươi! Mẹ ngươi cũng là dì ruột của ta!"

"Chuyện sau khi chết thì để sau khi chết hẵng nói." Chu Tử Thư nhét ngọc tỷ vào tay Tấn vương, dùng sức dí năm ngón tay hắn vào rồi ấn chu ấn xuống lụa vàng. Y ổn định hơi thở, bỗng nhiên bật cười: "Ta không giết vua, cũng không soán vị." Nói xong liền bày lời vàng ý ngọc của vua chúa, sắc lệnh không còn sửa đổi được nữa trước mặt Tấn vương.

"Cô đánh mất nhân phẩm (vạn phẩm: vạn vật; mất tự: thứ tự hỗn loạn, không theo lệ thường), nếu tiếp tục ngồi trên vị trí này, trên bôi nhọ tổ tông, dưới làm khổ dân chúng..."

Là "Tội kỷ chiếu".

"Không xứng làm vua, người đâu có tội, Chu Tử Thư, Ôn Khách Hành tuy đã chết oan, nay cũng đặc xá... Vương Tam tử Sưởng, có tâm có đức, kế thừa thiên hạ..."

Tấn vương ngẩng đầu, đột nhiên phun ra một ngụm máu nóng: "Các ngươi... sao lại thành chết oan rồi?!"

"Chỉ là mượn miệng quân chiêu cáo thiên hạ, Chu Tử Thư và Ôn Khách Hành đã bị xử chết mà thôi. Từ nay về sau, thế gian không còn hai người này nữa."

Chu Tử Thư nghiêng đầu nhìn người bên cạnh, lại nói: "Thế tử ăn chơi vô độ, nhị vương tử trời sinh bạo ngược, tiểu vương gia tuy ngu muội nhưng không có lỗi gì trầm trọng... Chắc hẳn vương gia cũng có suy tính này, bằng không tại sao chỉ một mực nhằm vào hai người bọn ta?"

Nói đoạn y tiến lên một bước, nắm lấy cổ tay trơ xương của Tấn vương bắt mạch. Thoáng chốc, một màu thương xót kín đáo nhuốm lên lông mày y: "Biểu ca, đại nạn của ngươi sắp tới."

"...Chu Tử Thư..." Tấn vương ho ra máu không ngừng, hơi thở mong manh, lẩm bẩm không rõ. Đột nhiên hắn cao giọng, chầm chậm nói rõ ràng từng chữ: "Ngươi từng nói... Ta có thể cai trị thiên hạ này thái bình an ổn, có đúng không."

Chu Tử Thư biết hắn đây là hồi quang phản chiếu, có chút không đành lòng, đáp: "Giấc mộng chưa thành, kiếp sau làm minh quân đi."

"Liệu ngươi có nguyện phò tá cô vương như trước?"

"Không." Chu Tử Thư quả quyết nói: "Nếu được trời cao thương xót, chỉ nguyện cả đời không bước chân vào nhà đế vương."

Tấn vương cười khổ, gắng sức đáp: "Cũng tốt, cũng tốt..."

Đến đây, không còn hơi thở.

Ôn Khách Hành tiến lên ôm Chu Tử Thư vào lồng ngực, từ tốn nói: "Người đã không còn, đi thôi." Hắn cầm lấy chiếu thư đặt lên ngự tháp rồi đưa Chu Tử Thư rời đi.

Hai người lẻn khỏi ngự uyển, tìm một nhà kho bỏ hoang nghỉ tạm. Sau khi trời sáng, triều chính đại loạn họ sẽ rời khỏi kinh thành.

Ôn Khách Hành phủi sạch một khoảng đất, kéo Chu Tử Thư ngồi xuống. Như sợ vẫn chưa đủ, sau khi ôm người vào lòng hắn mới an tâm. Vất cả suốt một đêm, có lẽ đã mệt mỏi nên Chu Tử Thư cũng mặc Ôn Khách Hành.

"A Nhứ, vừa nãy huynh nói trọn đời không vào nhà đế vương, chuyện này chưa chắc nha." Ôn Khách Hành nắm lấy hai cổ tay Chu Tử Thư, chậm rãi rót chân khí vào cửa mạch: "Nếu kiếp sau ta đầu thai thành hoàng đế hay vương gia gì gì đó, huynh nhất định phải làm hậu phi của ta."

Chu Tử Thư dựa vào ngực Ôn Khách Hành nhắm mắt dưỡng thần, nghe vậy nói: "Mơ mộng hão huyền cái gì... Nếu có kiếp sau, trước khi vào luân hồi ta sẽ trói chặt đệ lại, dấn thân vào kiếp dân thường tục khách." Y hiểu tâm tình Ôn Khách Hành ẩn sau lời nói, biết người này chẳng qua là muốn hứa hẹn tam sinh định tình với mình, tiếp lời: "Kiếp sau dù có mặc áo vải đi giày cỏ, cả đời mưa gió, cũng sẽ tiêu dao tự tại."

"Chuyện này có khó gì," Ôn Khách Hành cúi đầu, nhìn ngắm người trong lòng, "Sao phải đợi đến kiếp sau? Ngày mai chúng ta lập tức lưu lạc thiên nhai."

Chu Tử Thư bất giác nở nụ cười: "Không phải bàn rồi sao. Sắp tới tiết đốt áo, đi tế tổ trước rồi xuống Nam tìm Đại Vu."

"Được được được, như quân sở nguyện." Ôn Khách Hành tán thành luôn miệng.

Chu Tử Thư nghe hắn bắt chước lời mình, ôn nhu quyến luyến ngước mắt nhìn người nọ. Biểu tình gương mặt dĩ nhiên thắng mọi thiên ngôn vạn ngữ. Ban nãy khởi thảo sắc lệnh, trên chiếu thư vốn chỉ viết tên một mình y, người kia chỉ viết thêm ba chữ "Ôn Khách Hành" mà thôi.

"Sống chết có nhau, không xa không rời." Chu Tử Thư nhỏ giọng thì thầm, cười gọi: "Lão Ôn."

Đêm khuya sương dày, gió thu đìu hiu. Ôn Khách Hành ôm người càng chặt, trấn an: "Ngủ đi, ta bảo vệ huynh."

Hai người ôm nhau không nói. Chu Tử Thư chưa hết bi thương, chẳng mấy chốc liền thiếp đi trong lồng ngực Ôn Khách Hành. Ôn Khách Hành vốn dĩ muốn hỏi Đại Vu kia nắm chắc được mấy phần, có thể chữa thì sao, nếu không thể chữa thì nên làm thế nào. Nhưng thấy chân mày Chu Tử Thư giãn ra, nhắm mắt ngủ an tĩnh, cái gì cũng không hỏi nữa.

Không cần hỏi nhiều, còn cầu gì hơn.

Nhân sinh hữu hạn - tiếc thương cố nhân, không bằng yêu lấy người trước mắt*.

_ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _

Giờ Mão. Vạn vật tất sinh, âm thất thế, dương chế ngự.

Khắp hoàng thành vang vọng tiếng chuông khẩn dồn dập tựa tiếng trống trận, khó giấu ý sát phạt. Bách tính trong kinh chưa biết chuyện gì phát sinh, một tay lãng tử nọ đẩy cửa sổ kỹ viện lớn tiếng mắng đừng có quấy nhiễu mộng đẹp của hắn, đột nhiên trông thấy võ sĩ mặc giáp nối gót qua phố, nhất thời im bặt tỉnh rượu.

Đang ấp úng, thấy cảnh trước mắt lại giật mình một phen. Thấp thoáng hai bóng người bay qua mái hiên đối diện, nhưng nhìn kỹ lại hình như hồ đồ rồi, dưới ánh sáng ban ngày chỉ có một đàn nhạn bay về phương nam.

Hắn chỉ là một tiểu dân dưới chân thiên tử mà thôi, đêm qua quân vương băng hà, ngày mai tân chủ lâm triều. Có gì liên can? Đâu sánh bằng cạn một chén lớn trong thời loạn thế, cùng mỹ nữ trải qua đêm xuân.

Thế sự loạn lạc, chưa từng ổn định.

Dư nghiệt chưa vội dứt, mấy người được tiêu dao.

- Hoàn –

*Câu gốc: Mãn mục hà sơn không niệm viễn, bất như liên thủ nhãn tiền nhân (tạm dịch: Non sông trước mắt nghĩ xa xôi, không bằng yêu lấy người trước mắt.)

Trích "Hoán Khê sa – nhất hướng niên quang hữu hạn thân", một bài từ do thi nhân Yến Thù thời Bắc Tống viết. Bài từ ẩn chứa triết lý phong phú cùng tư tưởng khoáng đạt của Yến Thù, ông mượn văn giãi bày nhân sinh hữu hạn, đừng kìm hãm bản thân trong tâm tình ly biệt, nên tận hưởng niềm vui trước mắt.

Ý tứ của câu trên: Khi du ngoạn, phóng mắt ra xa thấy mọi nơi đều là non sông tốt đẹp, không khỏi tưởng niệm đến bạn bè phương xa. Vào khoảnh khắc mưa gió thổi rụng muôn hoa mới phát hiện mùa xuân chóng tàn, sầu tình thương xuân lại trỗi dậy.

Hai câu này ý cảnh khoáng đạt, xa xôi, biểu hiện sự bất lực của thi nhân trước thời không, song không thể mãi cảm khái vì sự vật đã mất. Kết câu, thi nhân chuyển hướng bằng "không bằng", lần nữa thể hiện tư tưởng hưởng lạc đúng lúc của ông: Nhọc lòng tưởng niệm bè bạn phương xa, đau buồn vì đóa hoa tàn bởi mưa gió, không bằng thực tế một chút, quý trọng tình nghĩa bằng hữu trước mắt.

Đừng để suy nghĩ thống khổ tra tấn mình, cũng đừng đắm chìm trong ca múa rượu chè trong thái bình mà sa đọa – đây là thái độ của thi nhân đối với cuộc sống.