Ôm Trăng Sáng

Chương 96: Im lặng




Vì Lương Diệp là Hoàng đế nên lần tuyển tú đầu tiên được tổ chức vô cùng rình rang.

Những người đẹp muôn hình muôn vẻ lướt qua trước mắt, khắp hoàng cung toàn mùi son phấn. Lương Diệp lười biếng dựa lưng lên long ỷ, cố kìm nén cơn ngáp, phất tay cho dàn yến oanh bên dưới rời khỏi.

Dẫu biết Lương Diệp chẳng hề quan tâm, Đàm Diệc Sương ngồi cạnh vẫn không khỏi khuyên bảo: "Bệ hạ à, ngài thật sự không vừa ý ai sao? Một, hai người thôi cũng được."

"Xấu quá." Lương Diệp nhíu mày rất chê, thản nhiên nói: "Bảo trẫm làm chuyện thân mật với những cô nàng đó, trẫm thà uống canh Bạch Ngọc."

Đàm Diệc Sương điềm tĩnh đến mấy cũng không ngăn được nỗi lòng muốn đập hắn, tiện thể cảm thán: May mà không phải con ruột mình. Nếu đây là con ruột của mình thì nàng thà đi theo Tiên đế sớm, đỡ cho bị thứ đồ chơi nóng nảy này chọc tức chết.

Lương Diệp cụp mi, bỗng dưng nảy sinh ý tưởng: "Chi bằng nương nương tìm giúp trẫm một số nam tử trẻ đẹp đến đi. Trẫm thấy nhị công tử nhà Phùng thượng thư, tam công tử nhà Chu thị lang, còn cả con trai duy nhất của Lý giám sát... đều không tệ."

Đàm Diệc Sương hoảng hồn: "Bệ hạ!"

Các thái giám và cung nữ trẻ bưng nước rót trà cạnh đó run rẩy quỳ xuống la liệt, nhóm thị vệ bên ngoài cũng quỳ theo.

Tin tức như mọc cánh, thoáng chốc đã lan ra khắp Đại Đô. Mấy hộ gia đình bị Lương Diệp chỉ thẳng mặt lập tức kêu trời khóc đất như cha mẹ mất... Bà cha nó, ai lại chịu đưa con trai tương lai rạng ngời, kế thừa gia nghiệp nhà mình vào cung chứ? Làm thế chẳng những mất sạch danh dự mà còn không sinh được con nối dõi, đồng thời chịu tiếng xấu quyến rũ lung lạc chủ quân, hơn nữa phải hầu hạ một tên điên tính tình mưa nắng thất thường, xui tám đời mới bị Lương Diệp xem trọng.



Thêm vào đó, những bên bị điểm danh đều từng "khuyên" Lương Diệp nạp phi hăng nhất. Trước thông tin tựa sét đánh giữa trời quang, mấy quan viên mới sực nhận ra Lương Diệp đang ghim họ rêu rao... Bởi nếu Lương Diệp quyết tâm để con trai nhà họ vào cung thì dưới quyền lực hoàng gia, bọn họ sẽ không có nổi một con đường phản kháng.

Vì vậy, vào buổi chầu ngày hôm sau, khắp điện Nghị Sự đầy rẫy tiếng than khóc.

Các đại nhân bụng đầy kinh luân, học sâu hiểu rộng bắt đầu đau khổ khuyên ngăn Bệ hạ cưới nam phi một cách chân thành tha thiết. Bọn họ giảng giải từ quy luật tự nhiên đến luân lý con người, ngược dòng thời gian từ quá khứ trông xa đến tương lai, từ những ví dụ vụn vặt liên kết tới sự thay đổi hưng-vong của triều đại, nhiệt tình tán dương Lương Diệp nhìn xa trông rộng, thương dân như con... Họ trình bày đủ mối nguy hại trên mọi khía cạnh của việc nạp nam phi với Đại Lương, với Lương Diệp cũng như con cháu muôn đời sau, than khóc liên hồi.

Giờ đây, ai ai cũng biến thành thần tử đại nghĩa mang trong mình lòng trung quân ái quốc.

Vương Điền cứ thế nghe trọn một bài "Báo cáo diễn giảng" quy mô lớn. Các vị đại nhân thay phiên nhau lên bục phát biểu, lời ra thành thơ, tài ăn nói đáng khen là tuyệt đỉnh.

Lương Diệp ngồi tại long ỷ thở dài nặng trĩu. Trái tim của mọi người bỗng chốc nhảy dựng lên. Chỉ nghe Lương Diệp chầm chậm nói: "Trước đây trẫm cùng Vương Điền khanh tình như tri kỷ, các ngươi ra sức chụp mũ cho trẫm và Vương khanh. Trẫm thấy chẳng vấn đề gì, dù sao trẫm cũng không thẹn với lương tâm. Bây giờ, trẫm thực sự thấy phái nam không tệ, cớ sao các ngươi lại can gián hết mình?"

Các đại thần ở dưới hận không thể đưa Vương Điền lên thẳng long sàng của hắn, miễn cho hắn gieo họa tới con trai cưng nhà mình. Tiếc rằng lúc này, họ tuyệt đối không thể hùa theo lời hắn.

"Bệ hạ." Có người đứng ra thưa: "Bệ hạ và Vương đại nhân tựa gió mát trăng thanh, tuyệt không có tình riêng nhập nhằng. Chỉ tại chúng thần ngu dốt, có mắt không tròng!"

"Vương đại nhân một lòng vì vua, trời đất chứng giám cho sự trung thành của ngài ấy! Chỉ tại lòng dạ thần hẹp hòi..."

Cứ vậy, xu thế của mọi người bắt đầu chuyển thành ca ngợi Vương Điền rất hăng say, bịt mũi cũng phải tâng bốc anh cho bằng được. Bọn họ đưa ra những dẫn chứng thuyết phục cho thấy trước đó mắt mình bị mù, hiểu lầm Bệ hạ và Vương Điền, thẳng thừng nhận lỗi... Vòng vo tam quốc một hồi, cuối cùng kết luận thực chất Bệ hạ không thích nam tử chút nào đâu, chúng thần dám chứng minh bằng cả tính mạng rằng ngài trong sạch, xin ngài đừng lên cơn điên.

Lương Diệp thản nhiên lắng nghe, ngậm cười nhìn Vương Điền.

Vương Điền xem tới đây đủ rồi.

Coi như họ xui xẻo khi gặp phải loại Hoàng đế vừa điên, vừa chẳng biết xấu hổ cỡ Lương Diệp.

Áng chừng sức nóng hạ nhiệt về cơ bản rồi, Vương Điền mới đứng ra phối hợp với hắn, mở miệng góp lời: "Thưa Bệ hạ, tuyển nạp nam phi là một việc hệ trọng, cần phải bàn bạc kỹ hơn, còn việc nạp phi như bình thường vẫn phải được tiến hành."

Trong giây lát, mọi người nhìn Vương Điền với ánh mắt ngập tràn sự biết ơn và kính nể... Dẫu trước kia họ hận Vương Điền đến ngứa răng thế nào thì tại khoảnh khắc này, lời can gián của Vương Điền quả đúng là ánh sáng chiếu rọi khắp điện Nghị Sự.



"Ồ." Lương Diệp bớt hứng thú: "Việc này bàn sau."

Bề tôi trong triều nào chịu. Song, họ sợ rủi ro khi đả động đến Lương Diệp lần nữa, hắn mà điên lên là lại nhằm tới con trai nhà họ mất. Tất cả đồng loạt ngậm miệng, không dám cố khuyên thêm... Dù gì mấy vị khuyên hăng nhất hồi trước cũng đều bị Lương Diệp chỉ đích danh muốn đưa con trai họ vào cung rồi.

Chỉ mình Văn Ngọc lu mờ từng "tình cờ" nhắc tới chuyện nhà họ Đàm có một cô con gái là cháu họ hàng xa của Thái phi, hiện cũng thuộc danh sách tuyển tú vào lúc mọi người đang nói với Bệ hạ về vấn đề tuyển phi lập hậu, tuy nhiên, giọng của y nhanh chóng bị chôn vùi giữa hàng loạt tiếng ồn.

Thế nhưng, sóng gió 'Bệ hạ quyết tâm muốn tuyển nam phi" chưa dịu xuống, chẳng mấy mà 'chuyện lạ ly kỳ' về người con gái nhà họ Đàm đã được lan truyền tại Đại Đô, rằng hồi bé nàng được bói ra "mệnh Phượng". Một thân y thuật giỏi giang, cứu chữa cho vô số người, không chỉ hội tụ nhiều tài năng mà còn tinh thông binh pháp, một lòng vì đất nước. Trước đây, nàng từng liều chết tới đưa thuốc cho Lương Diệp vào lần hắn bị ám sát, cứu hắn một mạng... Lời đồn nhiều vô kể, các bá tánh ở Đại Đô lại càng phát huy đầy đủ 'tính năng động chủ quan'* của mình, làm phong phú thêm và hoàn thiện trọn vẹn câu chuyện, thậm chí khẳng định cực kỳ chắc chắn về các chi tiết như 'mang tai Cửu tiểu thư có nốt ruồi son'; hồi bé bị chị em bắt nạt, đẩy mạnh xuống hồ nước, va đập trầy tay, để lại vết sẹo hình chim én.

*Tự thôi thúc bản thân tạo ra cơ hội thay vì thụ động ngồi chờ nó đến.

Cứ như trên đời có một Cửu tiểu thư từng trải qua tuổi thơ đau thương khúc chiết nhưng ý chí luôn vững vàng, kiên cường bất khuất, thấu tỏ đại nghĩa như thế thật.

Vương Điền còn biết được từ lời nha hoàn trong phủ rằng "Đàm Cửu" có vóc dáng cao lớn tựa nam tử, giỏi bắn tên, thích làm ruộng, tính tình cẩn trọng, thông minh khéo léo, siêu thạo nữ công và âm luật.

"Mấy cái đâu đâu gì không biết." Vương Điền hết sức khó hiểu: "Rõ ràng toàn là tin đồn."

"Không thể nào, mọi người đều nói vậy đó ạ." Nha hoàn tỏ vẻ khát khao: "Nghe nói tính cách Cửu tiểu thư rắn rỏi, hồi làm nha hoàn, nàng ấy vẫn không quên học hành, luyện tập bắn tên. Các công tử thế gia miệt mài theo đuổi nhưng nàng ấy chẳng mảy may động lòng, chỉ mong được tòng quân báo đáp nước nhà như Tiên Hoàng hậu. Chắc chắn nàng ấy là một người cực kỳ tốt."

Mới đầu, Vương Điền còn thắc mắc ai lại đi tin những lời đồn hoang đường kiểu vậy. Sau đó, anh đã được nghe người kể chuyện trong quán trà kể hết những thăng trầm suốt nửa đời trước của Đàm Cửu. Khi giả nam làm thị vệ theo hầu, nàng tình cờ gặp Hoàng đế, không hề dao động khi các công tử thế gia theo đuổi... Hay nghe đêm hôm Đàm Cửu xông vào hoàng cung chỉ để đưa thuốc, đến đoạn đế vương đang trong tình trạng ngàn cân treo sợi tóc mà còn vô tình mắng mỏ, anh thậm chí đã muốn đập cái tên Lương Diệp khốn kiếp không hiểu tình riêng này...

Chỉ trong vài ngày, số lượng sổ con xin lập Hoàng hậu trong triều đình đã tăng lên.

Lương Diệp nổi trận lôi đình vào buổi chầu, cười lạnh lùng, chê ghét: "Đàm Cửu to con như nam tử, đã thiếu chu đáo còn chẳng dịu dàng, chỉ là cứu trẫm một mạng thôi, dựa vào đâu mà trẫm phải lập người ta làm Hoàng hậu chứ?"

Nghe đi, đây là tiếng người sao?

Hắn càng khước từ, các đại thần càng hăng hái. Con dao 'Lương Diệp muốn nạp con trai họ vào cung' hãy còn treo ngay trên đầu họ từng phút giây, sự xuất hiện của Đàm Cửu tựa gãi trúng chỗ ngứa. Ngoài việc ngoại hình chưa được ưng ý cho lắm ra thì cả xuất thân và phẩm hạnh đều phù hợp với ngôi hậu. Quan trọng nhất chính là dù Bệ hạ khốn nạn biết mấy... thì vẫn phải trả ơn cứu mạng chứ nhỉ?

Các bá tánh cũng hăng hái hệt vậy. Tuy Đàm Cửu là tiểu thư nhà bề thế nhưng sống khổ hơn họ nhiều. Nàng quyết không nhường bước khi gặp chuyện bất bình, lại có gan đấu tranh, chẳng e sợ quyền quý, dũng cảm theo đuổi lý tưởng và tình yêu đời mình. Đàm Cửu không đơn giản là Đàm Cửu nữa, nàng đã trở thành niềm hy vọng và hóa thân của vô số "Đàm Cửu" khác đang không có cách nào vùng vẫy đấu tranh. Đàm Cửu lên làm Hoàng hậu mới là kết cục duy nhất mà bọn họ muốn thấy của câu chuyện này.



Trong thời gian ngắn, toàn bộ Đại Đô như cuồng si, chỉ thảo luận về việc Đàm Cửu làm Hoàng hậu. Về phần mong muốn của bản thân Hoàng đế... thì nó có vẻ chẳng quan trọng lắm dưới xu hướng toàn dân và áp lực dư luận.

Vương Điền nhìn núi tấu chương xin phong hậu chất đống, liếc nhìn Lương Diệp cực kỳ nể phục: "Chiêu này của Bệ hạ quả là tuyệt diệu."

Dù chỉ là câu chuyện truyền miệng nhưng nó đã thao túng lòng người và dư luận một cách thần kỳ... Giữa nạp phi với không nạp phi, bề tôi triều đình chẳng những muốn Hoàng đế nạp phi mà còn hòng dốc sức tranh giành ngôi hậu... nhưng một khi Hoàng đế muốn nạp con trai nhà họ vào thì họ sẽ chỉ cần Bệ hạ chịu lấy nữ tử làm phi là đã cảm ơn trời đất lắm rồi. Bấy giờ, việc Hoàng hậu là ai đã thành vấn đề nhỏ nhặt, xấu tẹo cũng được, họ có phải cưới đâu.

Lương Diệp ngước mắt nhìn thoáng qua anh: "Trẫm đã sắp xếp thỏa đáng cả rồi. Đợi tới ngày thành hôn, ngươi chỉ cần ngồi kiệu từ nhà họ Đàm vào cung, dạo phố thì miễn, dễ phát sinh vấn đề ngoài ý muốn. Đến lúc đó, cứ lấy lý do 'lòng trẫm không ưng'. Về phần đại điển phong Hậu, mũ phượng, khăn choàng, trẫm sẽ không để ngươi bị thiếu bất cứ thứ nào."

Vương Điền đang sờ vào bát đựng cờ được đặt ở ngăn cao nhất trên kệ đồ cổ. Anh mở ra lấy một số quân cờ lạnh ngắt, tiến lên vài bước bỗng khựng lại, hỏi: "Mũ phượng, khăn choàng?"

"Ừ." Lương Diệp bày biện bàn cờ trên chiếc bàn nhỏ, vươn tay lấy bát đựng cờ từ tay còn lại của anh, đặt xuống cạnh chân: "Trẫm xem rồi, đẹp lắm."

Cuối cùng, Vương Điền mới định hình được, mi mắt giật mạnh vài phát, cất giọng khô khan: "Ngày đại hôn, ta mặc..."

"Đồ nữ." Lương Diệp mân mê một quân cờ, vui mừng phấn khởi đặt nó xuống bàn cờ: "Trẫm đích thân chọn vải làm váy áo và khăn đội đầu, chọn xong cả kẻ mày, phấn mặt với son môi thay ngươi rồi."

"..." Vương Điền cầm bát đựng cờ ngồi đối diện hắn lặng thinh rất lâu.

Lương Diệp lười biếng chống tay lên đầu, tay còn lại kẹp một quân cờ bạch ngọc trong suốt, thong dong nhấc lên miêu tả từng đường nét khuôn mặt anh giữa không trung, ánh mắt đè nén nỗi hưng phấn và khát vọng vừa nóng rực, vừa không cho nghi ngờ.

"Vương Điền, ngươi chắc chắn sẽ là tân nương mới gả đẹp nhất chốn Đại Đô."