Nước Ngược Dòng

Chương 28: Tìm kiếm




Bà gọi Xuyến dậy lúc trời còn tối mịt. Tiếng gà gáy râm ran, xao xác phía cuối làng. Mảnh trăng hạ tuần treo lơ lửng góc trời Tây, hắt chút ánh sáng nhợt nhạt xuống con đường gập ghềnh sỏi đá. Bà khóa cửa cổng bằng hai ổ khóa to, treo tấm bảng "tạm nghỉ bán" lên trước cửa rồi hai bà cháu bước thấp bước cao trên con đường tắt ra bến xe liên tỉnh. Đêm qua bà thức đến khuya nấu xôi, nướng thịt, luộc trứng và mua giò chả mang theo phòng khi đến nơi không có quán.

Chiếc xe khách chầm chậm rời bến, hướng về vùng cao nguyên đồi núi trập trùng. Bà ngồi cạnh lim dim ngủ, trong lúc nó chăm chú nhìn qua ô cửa kính, quan sát cảnh vật mới lạ dần hiện ra trong tầm mắt. Những mái nhà rải rác thấp thoáng trong vườn cây xanh. Con đường ngoằn nghoèo như con rắn lớn bò quanh sườn núi. Phía cuối đường là dãy núi cao sừng sững, sương giăng phủ mù mịt tưởng không có lối ra. Người phụ xe đến soát vé và thu tiền, hỏi nó:

- Hai bà cháu về đâu?

Nó bất chợt quên bẵng đi thị trấn mình cần đến. Đang loay hoay định mở sổ tay ra xem thì bà mở mắt bảo:

- Chúng tôi về bến xe Bảo Thạnh

Những địa danh lạ lẫm cùng với quang cảnh mới mẻ khiến lòng nó hoang mang lo lắng. Nó thầm cảm ơn số phận cho bà luôn đồng hành bên nó mọi lúc mọi nơi. Hành khách xuống dọc đường đã gần hết, xe tiến vào một thị trấn xa lạ. Bến xe là một bãi đất trống, đầy sỏi đỏ. Thoạt nhìn, nếu không có những chiếc xe lớn đỗ lác đác góc này góc kia và tấm bảng "Bến xe Bảo Thạnh" nhỏ, thì ắt ai cũng không thể nào nhìn ra được đây là bến đỗ xe khách. Đàn bò, đàn dê ung dung gặm cỏ, chẳng hề quan tâm đến sự hiện diện của con người. Mấy bác xe ôm đứng đón ở cửa xe, rối rít mời chào:

- Về đâu chị ơi, lên xe em chở giá rẻ thôi.

- Bé về đâu để chú đưa tận nhà.

Bà nó lắc đầu, kéo tay nó vào quán nước mía ven đường. Các bác xe ôm vẫn bám theo nài nỉ. Bà gọi hai ly nước bảo nó uống rồi nói:

- Tôi muốn tìm nhà bà Thẩm, trước làm nghề thu mua nông sản. Chú nào biết thì đưa tôi về, đi một xe thôi.

Mấy ông đưa mắt nhìn nhau rồi một bác bước lên:

- Tôi có biết ông Tâm thu mua nông sản nhưng không biết bà vợ tên gì. Biết đâu lại đúng với người chị cần tìm. Chị có đi thì trả tôi trăm ngàn, nếu không đúng nhà tôi không chịu trách nhiệm.

Ngôi nhà khang trang gồm ba căn liền nhau với khoảng sân rộng phơi đầy hạt điều. Hai con chó vàng sẫm chễm chệ trên trụ cổng lè lưỡi như trêu nó. Bà bước vào sân gọi to:

- Có ai ở nhà không?

Một người đàn ông tầm 50 tuổi bước ra, hết nhìn bà rồi lại nhìn nó:



- Dì tìm ai vậy?

Bà nó vui vẻ:

- Tôi vừa ở xa đến, muốn tìm nhà người quen làm nghề thu mua nông sản.

Ông ta lại hỏi:

- Người đó tên gì? Tôi cũng thu mua nông sản đây, biết đâu lại giúp được dì.

Bà nhìn ông ta ngớ ra một lúc rồi lại bảo:

- Tôi nhớ bà ấy tên Thẩm, có người con trai trạc tuổi chú bây giờ.

Ông ta nhíu mày, vẻ suy nghĩ rồi nói:

- Thôi, dì với cháu tạm vào nhà nghỉ ngơi rồi nói chuyện

Phòng khách rộng, treo những bức tranh sơn mài cũ kĩ nhưng rất đẹp. Bộ ấm tách màu gỗ nau bóng in đậm nét cổ xưa, như phảng phất bóng hình của mấy đời tao nhân mặc khách. Một người phụ nữ ngoài bốn mươi, dáng vẻ sang trọng và nét mặt ưa nhìn từ nhà dưới bước lên hỏi:

- Anh Tâm, đây là ai vậy?

Bà nó quay sang tươi cười:

- Tôi tìm nhà người quen, người ta chỉ đến đây. Vậy xin hỏi có phải bà cụ nhà này tên Thẩm không?

Người phụ nữ ngồi xuống ghế:



- Mẹ tôi tên Thắm, bà mất gần mười năm nay. Vậy dì tìm người ấy có việc gì không?

Bà nó chậm rãi:

- Tôi muốn tìm lại nhà nội cho cháu ngoại tôi đây. Cô có biết bà Thẩm làm nghề giống cô không?

Mặt người phụ nữ biến sắc, cô ta đứng dậy nắm áo ông chồng:

- Anh nói mau, có chuyện gì mờ ám ở đây!? Có phải con bé này là con rơi của anh không?

Ông Tâm bật dậy gằn giọng:

- Cô ăn nói cẩn thận, còn có khách khứa trong nhà.

Cô ta giàn giụa nước mắt:

- Mẹ con anh lừa dối tôi mấy chục năm nay. Trời ơi, sao tôi ngu dại thế này!

Bà nó luống cuống nắm tay cô ta:

- Cô cứ bình tĩnh, chỉ là tôi đi tìm nhà người quen, chắc gì đã đúng là bà cụ nhà.

Nó kéo tay bà nói nhỏ:

- Cháu không tìm nữa bà ạ. Ta trở về thôi.

Bà lắc đầu bảo:

- Chuyện đã như vậy mình phải làm cho rõ, kẻo khi đi rồi gia đình người ta đổ vỡ là mình có tội.