Nửa Chén Rượu

Chương 3




Chôn cất xong ba cái xác đã là giờ Dần.

Lúc khắc bia cho Phương đồ tể, ta lưỡng lự rất lâu, sau cùng vẫn chỉ khắc năm chữ “Mộ sát khách vô danh” như hai thi thể còn lại. Ta chôn họ ở ngoại thành Trường An, trở thành vốc đất bên bờ Vị Thủy, kể từ nay làm bạn với trăng thanh gió mát.

Lúc trở về thì gặp Phương nương tử vẫn đang tìm chồng khắp nơi bất chấp giờ giới nghiêm. Cô con cả nhà họ Phương nhỏ nhẹ khuyên mẹ về nhà, song vẫn không nói với chị ta sự thật rằng Phương đồ tể đã chết. Phu canh đi tuần phố phát hiện ra họ, lạnh giọng đuổi họ về nhà.

Lúc về đến nhà, trời đã gần sáng.

Ta tìm được Thạch Thu Phong trong một con ngõ vắng. Cậu tựa trong góc tường, nửa người đẫm máu, yếu ớt đến nở với ta một nụ cười cũng không nổi, đôi mắt lại sáng rực khác thường, như niết bàn sống lại.

Bên tay cậu đặt nửa chén rượu uống còn dư, lần đầu gặp cậu vào đêm trước, cậu cũng uống nửa chén rượu trước khi rút đao, như một nghi thức.

Thạch Thu Phong giơ tay ra hiệu bảo ta đưa chén rượu cho mình.

Ta không thể không nhắc nhở cậu: “Uống rượu sẽ làm thương thế của cậu nặng hơn đấy.”

Cậu cười yếu ớt: “Tôi biết.”

“Vì sao sau khi thu đao còn phải trở về uống nửa chén rượu?” Ta hỏi.

“Mừng sống sót sau kiếp nạn.” Cậu đáp.

Ta nhìn vào mắt cậu: “Vậy vì sao trước khi rút đao phải uống nửa chén rượu?”

“Lỡ có đi mà chẳng có về, trước khi chết cũng được tận hứng.”

Cậu cười: “Sư phụ tôi dạy tôi thế đó, ông ấy thường nói sống chết sinh tử chỉ là chuyện nửa chén rượu, không cần phải để ý quá nhiều.”

Lúc nói câu này, ánh mắt cậu lạnh nhạt điềm tĩnh, trong mắt chứa vắng lặng ôn hòa mà một thiếu niên không nên có, chẳng có vui buồn, chẳng có lưu luyến.

Ta nhìn cậu dùng ngón tay nhuốm máu run rẩy nhận chén rượu: “Ý cậu là tông chủ Mai Tông?”

“Không phải ông ta,” Cậu nói, “Sư phụ tôi là Đao khách Mạc Bắc.”

Chuyện giang hồ bất quá cũng chỉ là thị phi phải trái, ân oán tình thù, bao năm trôi qua cũng không đổi. Có điều, thiếu niên sảng khoái ân thù năm xưa đã biến thành kẻ mất tâm nhìn thiếu niên sảng khoái ân thù, vừa hoài niệm đồng đạo bị giang hồ mai táng vì sảng khoái ân thù, vừa lấy tay che trời mai táng thiếu niên sảng khoái ân thù trên giang hồ.

Hai mươi năm trước, Đao khách Mạc Bắc một mình tới Trung Nguyên lang bạt, sau khi đánh bại liên tiếp vài hiệp sĩ Trung Nguyên thì bại dưới kiếm công tử nhà họ Hoài khi ấy – Hoài Vô Nhai. Người trước từ đó không vực dậy nổi nữa, người sau trải qua trận này thiếu niên thành danh, lừng lẫy giang hồ. Hai mươi năm sau, đệ tử kế thừa y bát của Đao khách Mạc Bắc lại bước chân tới Trung Nguyên sau khi Đao khách qua đời trong sầu muộn, thề đánh bại kẻ làm hại sư phụ canh cánh không vui năm xưa.

Công tử nhà họ Hoài một bầu nhiệt huyết nửa người non tơ ngày ấy nay đã trở thành gia chủ nhà họ Hoài hô mưa gọi gió trên giang hồ. Sau khi đệ tử Đao khách liên tiếp đánh bại vài danh đao Trung Nguyên, ông ta nhận ra không ổn, từ chối không gặp đệ tử Đao khách, đồng thời phong tỏa tin tức danh đao Trung Nguyên bị Đao khách Mạc Bắc đánh bại.

Bất đắc dĩ, đệ tử Đao khách buộc lòng phải hỏi thăm khắp nơi tìm chỗ gia chủ nhà họ Hoài trú ngụ, lại bất ngờ phát hiện ra ông ta âm thầm làm chuyện mưu tài hại mệnh để nắm quyền vơ bạc. Thế là cậu lấy thân phận đệ tử ngoại môn của Mai Tông, lẻn vào Giang Bắc Mai Tông có quan hệ mật thiết nhất với nhà họ Hoài, bắt đầu từ công bố bí mật của Mai Tông, trong vòng nửa năm đã lật đổ một nửa thế lực nhất thống giang hồ mà gia chủ nhà họ Hoài lung lạc gây dựng nên.

Sau khi bị thương nhẹ, đệ tử Đao khách đến Trường An nơi gia chủ nhà họ Hoài sinh sống, định dưỡng lành thương thế rồi dùng bí mật nắm trong tay bức gia chủ nhà họ Hoài xuất hiện, đường đường chính chính so tài cao thấp. Chẳng ngờ gia chủ nhà họ Hoài đã sớm do thám được hành tung của cậu, cử thuộc hạ, sát khách và đệ tử môn phái chính đạo đuổi giết cậu dọc đường, tới thành Trường An chưa được hai ngày, đệ tử Đao khách đã trọng thương khó dằn.

“Người Trung Nguyên đều thiện biến như vậy à?” Thạch Thu Phong hỏi, “Hay chỉ có mình Hoài Vô Nhai vậy thôi?”

Ta nhìn vết máu nửa người cậu: “Có lẽ.”

“Người Mạc Bắc chưa bao giờ như vậy,” Cậu kể, “Xưa nay chúng tôi đều một lòng chí cuối.”

Câu chuyện không dài không ngắn, nào có Thanh Bạch Nhãn Thạch Thu Phong gì sánh ngang Nguyễn Tịch thời Ngụy Tấn, chỉ là ân oán tình thù giữa hai đời người vô cùng thường thấy trên giang hồ mà thôi.

Nghe xong, ta cười: “Cậu phàm tục hơn tôi nghĩ nhiều lắm.”

Thạch Thu Phong chẳng để tâm: “Người tục chuyện tất tục.”

Tiết Vô Y dùng thù lao giết binh bộ thị lang mời Thẩm đại phu quen biết đến. Thẩm đại phu chỉ kê mấy vị thuốc cầm máu, nhìn Thạch Thu Phong lắc đầu quầy quậy: “Tiếc thay bộ xương cốt thân mình tuyệt hảo này, phế nửa rồi.”

“Không còn cách nào ạ?”

“Phải chặt cánh tay trái.”

Thạch Thu Phong gật đầu: “Chặt đi.”

Thẩm đại phu đến vội vàng nên không kịp mang ma phí tán theo. Lúc đao hạ xuống, Thạch Thu Phong không rên tiếng nào, mặt mày ảm đạm, tay phải nổi gân xanh, cứ thế bẻ gãy mất tay vịn gỗ lê hoa, cuối cùng ngất đi.

“Tính mạng không lo, còn phải tĩnh dưỡng, bằng không cậu ta phế thật mất.” Lúc đi, Thẩm đại phu lạnh lùng nói, “Mười năm trước Tiết Vô Y trọng thương cũng là tôi chữa, hôm nay lại thêm người nữa, thật chẳng biết rốt cuộc đám giang hồ các người vì cớ gì mà không biết sống chết như vậy.”

Khi Thạch Thu Phong tỉnh lại, trời lại mưa như thác đổ.

Cậu nhìn ra ngoài cửa sổ, nhoẻn cười: “Trung Nguyên các chị lắm mưa thật.”

Tiết Vô Y đứng dậy rời đi: “Tôi sẽ bố trí người đưa cậu đi đường thủy rời Trường An, cậu có thể đi ngay ngày mai.”

“Tôi từng nghe nói đến anh, sát khách độc hành thành Trường An, ‘Huyết Đao Tử’ Tiết Vô Y.” Thạch Thu Phong gọi hắn lại, “Nghe nói mười năm trước người giang hồ phục kích anh là do Hoài Vô Nhai cầm đầu, cũng chính ông ta là người cuối cùng đánh trọng thương anh. Anh chưa bao giờ muốn báo thù rửa hận à?”

Tiết Vô Y đứng lại, song không xoay người: “Giang hồ đã đủ loạn rồi.”

Thạch Thu Phong cười: “Không loạn sao gọi là giang hồ.”

Sắc mặt cậu tái nhợt, không chút huyết sắc, cặp mắt vẫn sáng rực, khiến ta liên tưởng tới đôi mắt bỗng chốc sáng ngời như hồi quang phản chiếu của ông cụ trong giấc mơ hôm bữa.

Tiết Vô Y không ngoảnh đầu lại, bỏ đi.

Ta đi tới trước cửa sổ, lại trông thấy Tiết Vô Y bỏ quên thanh đao Tô Thu Trì tặng hắn hơn mười năm trước, mười năm nay theo hắn không rời. Xuống lầu toan gọi hắn về, Tiết Vô Y đã mặc mưa xối xả rảo bước đi xa, cơ hồ guồng chân chạy, chớp mắt đã biến mất trong đêm đen.

Lúc ta tìm được Tiết Vô Y, hắn đang ngồi một mình trước bàn, ngẩn người nhìn đăm đăm bức họa Tô Thu Trì trên tường, ánh mắt vô hồn trống rỗng. Căn phòng lạnh lẽo hiu quạnh, chỉ có chút ánh nến chập chờn.

Ta gọi liền mấy tiếng hắn mới tỉnh táo lại, trông thấy thanh đao trong tay ta, nhất thời sững sờ, mãi sau mới hoàn hồn được.

Khi rời đi, Tiết Vô Y gọi ta lại.

“Nhạn Cửu,” Đáy mắt hắn tối tăm không rõ, ánh nến phản chiếu trong đó mờ ảo nhún nhảy, “Có lúc tôi nghĩ, nếu hồi đó ở lại quê cũ, không ôm những tráng chí cao xa hư vọng ấy tới Trường An, có khi nào hôm nay sẽ tự tại vui sướng hơn không?”

Tự tại vui sướng. Cụm từ nghe mới nực cười làm sao, vậy nhưng vô số người vẫn cứ chạy theo như vịt.

Ta vẫn nhớ cái đêm mười năm trước, Tiết Vô Y ôm thi thể lạnh băng của Tô Thu Trì, ngửa mặt lên trời thét dài, hận đỏ ngầu mắt, nghiến răng nghiến lợi thề phải báo thù rửa hận, tuyệt không buông tha bất kì kẻ nào sát hại Tô Thu Trì.

Lại một đêm mưa, Tiết Vô Y bị mấy chục người giang hồ phục kích, lúc ta chạy đến thì thấy Hoài Vô Nhai chậm rãi giẫm chân đè nghiến tay phải Tiết Vô Y, cười ung dung: “Ngươi nói xem, nếu ta đạp một cước xuống, có phải từ nay giang hồ sẽ chẳng còn ‘Huyết Đao Tử’ Tiết Vô Y tiếng tăm lẫy lừng nữa không?”

Đầu Tiết Vô Y bị Hoài Vô Nhai đạp dưới chân, lệnh sang một bên. Mắt hắn chĩa thẳng vào ta, ánh mắt tĩnh mịch trống rỗng, mưa cuốn nước bùn mặc sức chảy thành dòng trên mặt hắn.

Thiếu niên sảng khoái ân thù trên giang hồ chẳng thể nào không chậm rãi già đi, thiếu niên không già đi thì đã sớm bị giang hồ mai táng, liều chết vùng vẫy cũng không dòm được sắc trời.

Lúc trở về, lại thấy Thạch Thu Phong đang lật sách trước bàn ta. Cậu giơ cuốn “Đông Pha toàn tập” trong tay lên: “Nhạn cô nương cũng thích Tô Tử?”

“Người Mạc Bắc cũng biết chữ Trung Nguyên?” Cậu thật sự khiến ta bất ngờ.

“Cha tôi là nho sinh chạy lên Mạc Bắc thời quan nội đại loạn chục năm trước, thuở nhỏ có dạy tôi học ít thi thư.” Thạch Thu Phong cười như một thiếu niên mông muội chưa trải sự đời, “Cha tôi không thích Tô Tử, cảm thấy ông ấy suốt đời quá mức cố tình xằng bậy, cha tôi chuộng Lục Phóng Ông hơn, còn dạy tôi phải lòng mang chúng sinh như Lục Phóng Ông. Nhắc đến tên tự của tôi thì còn phải vái Lục Phóng Ông ban tặng đấy, chị đoán xem là câu thơ nào?”

“… Gió thu thổi lau sậy trên sông?”

“Sai.”

“Cờ Hán phấp phới gió thu vàng?”

“Vẫn sai.” Cậu cười xảo trá, “Là ‘Ngựa sắt gió thu băng Đại Tán’.”1

1 Tô Tử là Tô Thức, tự Đông Pha, nhà thơ thời Bắc Tống; Lục Phóng Ông hay Lục Du là nhà thơ thời Nam Tống; ba câu thơ lấy lần lượt từ ba bài “Bệnh tư”, “Tắc thượng khúc” và “Thư phẫn ngũ thủ – kỳ 1” của Lục Du.

“Cha tôi tâm tâm niệm niệm muốn về Trung Nguyên, nhưng không có chí hướng, còn cản trở không cho tôi tập võ, nói cái gì mà thà làm thư sinh không làm bách phu trưởng, cuối cùng cũng qua đời trong sầu não như Lục Phóng Ông. Tôi lại thích Tô Tử vui vẻ, dù số mệnh cả đời lầm lỡ nhưng vẫn hào phóng ngỗ ngược như cũ.” Thạch Thu Phong đặt sách xuống, cánh tay duy nhất nhấc thanh đao mi tiêm trước bàn lên chống xuống đất, “Chị thích câu nào của Tô Tử nhất?”

Trừ lúc còn bé, ông cụ mặc kệ nam nữ thụ thụ bất thân, áp giải ta đến học đường học sách ra, đã rất lâu rồi không ai thảo luận với ta về những thứ này.

“Ngoái cổ lại nhìn nơi hiu quạnh, về rảnh, cũng không mưa gió, chẳng hong trời..1” Ta đáp.

1 Câu trong bài từ “Định phong ba – Mạc thính xuyên lâm tả diệp thanh” của Tô Thức, bản dịch của Nguyễn Xuân Tảo.

“Câu này à…” Cậu hơi thất vọng, “Tôi thì thích nhất câu ‘Gửi thân phù du trong đất trời, tựa hạt kê giữa biển xanh’. Tô Tử tuy không phải người tập võ nhưng là hiệp khách trong văn sĩ, lấy bút làm đao, chỉ điểm giang sơn.”

Ta nhìn ống tay áo trống không của cậu: “Nhưng Tô Tử tuy tiêu sái cả đời song cũng chán nản cả đời.”

“Thì có sao đâu?” Thạch Thu Phong mỉm cười, “Muốn tôi sống cả đời ngột ngạt phẫn uất như Lục Phóng Ông, đến già vẫn chỉ có thể cảm thán lòng tại Thiên Sơn thân vùi Thương Châu, chẳng bằng học Tô Thức hào sảng ngỗ ngược, mặc sức trọn kiếp. Ô đài thi án1 thì đã sao, bị biếm hết lần này đến lần khác thì đã sao, chết trên đường về bắc thì đã sao, người sống trên đời lại chẳng mong vui sướng tự tại? Nếu không thì người chẳng phải người, chỉ là chó săn của kẻ khác mà thôi.”

1 Ô đài thi án là vụ án xảy ra vào năm 1079, một nhóm quan ngự sử do Hà Chính dẫn đầu dâng tấu hặc Tô Thức, nói sau khi dời sang tri Hồ Châu, trong tấu chương tạ ơn nhậm chức của Tô Thức đã dùng lời lẽ ngầm đả kích triều đình, sau đó còn dính dáng đến rất nhiều thơ văn của Tô Thức làm chứng. Theo “Hán thư – Tiết Tuyên Chu Bác truyện”, trong Ngự sử đài có cây bách, rất nhiều quạ đen đậu trên đó nên người ta gọi Ngự sử đài là “Ô đài”, bởi vậy mà vụ án này có tên Ô đài thi án.

Vui sướng tự tại. Lại là vui sướng tự tại. Chẳng biết lúc Tô Tử trôi giạt ở Đam Châu có từng nghĩ, nếu xưa kia không mong sung sướng tự tại nhất thời mà cẩn trọng hành sự thì cớ gì đến nỗi về già bị xử tịch thu tài sản toàn gia, đày tới đất Đam Châu hoang vu muôn đời không?

Cây đàn tam huyền của cậu dựng thẳng bên bàn.

Ba sợi dây đàn căng thẳng tắp, bao da rắn bọc đàn cũ kĩ bóng loáng, là một cây đàn tam huyền đã dùng nhiều năm. Ta nhớ đến cây đàn mới gãy vứt góc tường trong tháp Đại Nhạn, nó đã phủ bụi từ lâu.

“Của sư phụ cậu à?” Ta hỏi.

“Của cha tôi.” Thạch Thu Phong đáp, “Lúc rời Mạc Bắc chẳng có gì để mang, nhà nghèo quá, chỉ mang mỗi đao của sư phụ và đàn của cha theo.”

Nói rồi, cậu chợt quay phắt lại, kinh ngạc hỏi: “Sao chị biết không phải là của tôi?”

“Cậu không giống người biết chơi tam huyền.” Ta đáp.

“Vậy tôi giống người nào?”

“Người lỗ mãng.”

Một tên lỗ mãng đơn thân độc mã xông qua quan ải.

Thạch Thu Phong phá ra cười ngả nghiêng, mắt sáng như nhúng tuyết.

Cười dứt, cậu hỏi: “Chị có rượu gì ngon không?”

“Rượu mơ, thiêu đao tử, rượu hoa cúc, lê hoa bạch.”

“Sao toàn rượu nhẹ thế… thiêu đao tử đi.” Thạch Thu Phong xoay người định ngồi xuống, lại khựng lại, “Bình thường Tiết Vô Y thích uống rượu gì?”

“Rượu mơ.”

Mắt cậu lộ vẻ thất vọng: “Chị thì sao?”

“Tôi không uống rượu.”

“… Vì sao?”

“Phàm say rượu một lần ắt sẽ dễ nghiện.” Ta nói.

“Người Trung Nguyên các chị thật vô vị, ở Mạc Bắc, bất kể trai gái đều sống với rượu mạnh.” Thạch Thu Phong nhận chén rượu, ngửa đầu nốc cạn, “Trước đây, sư phụ tôi thường nói, nơi nào có rượu mạnh tất là có kẻ mạnh.”