Nợ Em Một Đời Hạnh Phúc

Chương 28: Phần 1




CHƯƠNG 14

Sau khi về phòng bệnh, Đàm Tĩnh lập tức đến phòng trực ban. Thấy Nhiếp Vũ Thịnh đang nói chuyện với một bác sĩ, cô cứ đứng ở cửa, dũng khí khó khăn lắm mới gom góp được dường như sắp biến mất hết. Cũng may Nhiếp Vũ Thịnh ngẩng đầu lên thấy cô, cô bèn rụt rẻ lên tiếng hỏi: “Bác sĩ Nhiếp, tôi có chuyện muốn nói với anh.”

Bác sĩ kia biết cô là người nhà bệnh nhân, liền cầm đồ đi ra ngoài. Nhiếp Vũ Thịnh cũng lạnh nhạt mà lịch sự với cô như đối với những người nhà bệnh nhân khác: “Mời ngồi.”

Đàm Tĩnh ngồi xuống, cô bẻ ngón tay theo thói quen, mỗi khi lo lắng, cô lại vô thức làm động tác này. Lòng bàn tay cô giờ đã có vết chai, móng tay sần sùi không được bóng mượt như trước nữa, cạnh móng còn bị rước măng rô. Đó là biểu hiện của việc thiếu vitamin và dinh dưỡng… Nhiếp Vũ Thịnh cố gắng ép mình rời mắt khỏi ngón tay cô, hỏi: “Có việc gì không?”

“Tôi muốn xin trợ cấp của công ty CM, tôi muốn con trai tôi nhanh chóng được phẫu thuật.”

Nhiếp Vũ Thịnh hơi ngạc nhiên, vội lật một tập tài liệu để che giấu cảm xúc, nhưng ánh mắt vẫn nhìn về một nơi vô định nào đó: “Cô đã suy nghĩ kĩ chưa? Cô cũng rõ mức độ rủi ro trong phẫu thuật rồi đấy.”

“Tôi suy nghĩ kĩ rồi.” Đàm Tĩnh quyết tâm, “Tôi không có tiền làm phẫu thuật bình thường, trong thời gian ngắn cũng không thể kiếm được số tiền đó. Đành xin trợ cấp vậy, giờ con tôi đã như thế, không thể kéo dài thêm nữa.”

Cuối cùng Nhiếp Vũ Thịnh cũng đưa mắt nhìn cô, thấy đôi mắt cô long lanh ngấn lệ, phản chiếu gương mặt anh rõ mồn một. Từ khi gặp lại đến giờ, ngực anh dường như luôn bị một tảng đá lớn đè nặng, không sao thở nổi. Ban đầu anh chỉ hận, hận người phụ nữ này tại sao nhiều năm như vậy vẫn điềm nhiên như không, sống một cuộc đời không liên quan gì đến anh. Sau này nỗi hận dần tan, chỉ còn lại cảm giác bất lực với bản thân.

Dường như Đàm Tĩnh không muốn nhìn thấy ánh mắt anh, cô cúi đầu, đúng lúc ấy, Nhiếp Vũ Thịnh thấy đỉnh đầu cô loé lên ánh bạc, trên mái tóc cô có một sợi tóc bạc rất rõ ràng. Cô đã có tóc bạc rồi.

Anh sững người nhìn sợi tóc bạc đó, Đàm Tĩnh nhỏ hơn anh ba tuổi, năm nay cô mới chỉ hai mươi bảy, vậy mà đã có tóc bạc.

Một người phụ nữ hai mươi bảy tuổi có lẽ còn đang nũng nịu với bạn trai, một người phụ nữ hai mươi bảy tuổi có lẽ còn đang bận rộn cùng bạn dạo phố mua quần áo

Nhìn sợi tóc bạc đó, anh cảm thấy buồn vô hạn, nhưng cuối cùng vẫn lặng thinh. Anh lấy ra từ chồng tài liệu một tờ đơn xin trợ cấp: “Cô điền vào đây, rồi ký tên, lăn dấu vân tay.”

Đàm Tĩnh nhận lấy tờ giấy, ngón tay cô run rẩy, Nhiếp Vũ Thịnh định rút tay về thì nhìn thấy một giọt nước mắt rơi trên giấy rồi nhanh chóng thấm vào mặt giấy, như một đoá hoa thê lương. Chỉ trong hai ngày ngắn ngủi mà cô đã khóc hai lần. Không, là ba lần, chiều qua cô đã khóc trong nhà vệ sinh.

Nhiếp Vũ Thịnh cảm thấy tức thở, trong một khoảnh khắc anh đã muốn đưa tay ra gạt nước mắt cho cô. Nhưng anh không làm gì cả, cũng không thể làm gì cả, chỉ rụt tay lại buông tờ giấy ra như phải bỏng. Đàm Tĩnh ngẩng lên nhìn anh, gương mặt nhoè nước mắt, hỏi: “Bác sĩ Nhiếp, tôi muốn hỏi anh một câu. Là một bác sĩ… anh bảo có nên tiến hành cuộc phẫu thuật này không?”

Khoé miệng Nhiếp Vũ Thịnh khẽ mấp máy, cuối cùng, bằng sự lạnh lùng và lý trí của nghề nghiệp, anh cũng ép được mình đưa ra câu trả lời: “Theo hiện trạng bệnh tình cùng điều kiện kinh tế của gia đình các vị, tôi khuyên cô nên tiếp nhận trợ cấp, nhanh chóng phẫu thuật đi.”

Mái đầu Đàm Tĩnh từ từ cúi xuống, thấp đến mức không thể thấp hơn được nữa. Giọng cô chỉ còn như chút tro tàn của ngọn lửa trước cơn gió lạnh, yếu ớt đến mức người ta cơ hồ không thể nghe được: “Cảm ơn anh.”

Đàm Tĩnh cầm tờ đơn, đứng dậy đi ra ngoài, cô loạng choạng lê từng bước nặng nề, lưng hơi còng về phía trước như phải cõng một gánh nặng vô hình khiến cô không thể chịu nổi. Nhiếp Vũ Thịnh chợt nghĩ, có lẽ tóc cô đã bạc chỉ sau một đêm, giống như trong truyện kiếm hiệp thường viết vậy. Không biết tại sao, anh bỗng muốn đuổi theo nói với Đàm Tĩnh rằng, đừng làm phẫu thuật này nữa, rủi ro sẽ cao hơn phẫu thuật thông thường, cô vẫn nên nghĩ cách gom tiền thì hơn.

Nhưng anh biết rõ cô không thể gom được tiền. Ngay tiền viện phí của Tôn Bình cũng là người khác nộp cho. Chứng từ quẹt thẻ gắn trên tài liệu của bệnh nhân, người chi là Thịnh Phương Đình. Tại sao Thịnh Phương Đình lại trả tiền giúp cô? Tôn Bình vào viện, không phải nên để bố nó nghĩ cách trả viện phí sao? Đàm Tĩnh luôn luôn phức tạp hơn anh tưởng. Thịnh Phương Đình, cấp trên của cô, dựa vào cái gì mà trả mấy vạn tiền đặt cọc nằm viện cho Tôn Bình?

Có lẽ khi cô chọn cách tiếp cận trợ cấp, anh nên vui mới phải. Nếu cô chọn cách phẫu thuật truyền thống, chưa biết chừng Thịnh Phương Đình còn khảng khái rút ví mười vạn tệ làm phẫu thuật cho Tôn Bình cũng nên. Rốt cuộc cô có ma lực gì mà khiến đàn ông cứ nhìn thấy là choáng váng đầu óc, mê mẩn tâm thần như vậy?

Nhiếp Vũ Thịnh không khống chế được mình, rút bệnh án của Tôn Bình ra ném mạnh lên bàn.

Mãi đến trước khi hết giờ làm việc Đàm Tĩnh mới điền xong tờ đơn, nhưng cô không tự đi nộp mà nhờ Vương Vũ Linh mang đến phòng trực ban. Vương Vũ Linh đưa đơn cho Nhiếp Vũ Thịnh, hỏi: “Bác sĩ Nhiếp, khi nào có thể phẫu thuật?”

“Nhanh thì thứ Tư hoặc thứ Năm tuần sau.”

“Ồ.”

Nhiếp Vũ Thịnh cất tờ đơn vào hộp đựng tài liệu, chuẩn bị ra về. Đúng lúc ấy điện thoại reo, là Thư Cầm gọi, cô hỏi:

“Bác trai đã khoẻ hơn chưa anh?”

“Hôm nay anh vẫn chưa qua thăm ông ấy được.”

“Vừa hay, em sắp đến cổng bệnh viện rồi, em sẽ cùng anh đi thăm bác. Hôm nay em nấu canh cho bác, kẻo bác lại bảo em quá tốt với anh.”

“Ừ, được.”

“Nhiếp Vũ Thịnh, có vẻ anh không được vui?”

“Không có gì.” Anh lấp liếm, “Chỉ hơi mệt thôi.”

“Lại vừa ra khỏi phòng mổ à? Bác sĩ Nhiếp, cứ thế không được đâu, anh đâu phải siêu nhân, đừng ép mình quá chứ!”

“Anh biết rồi.”

“Không nói với anh nữa, em đến bãi đỗ xe rồi, anh mau qua đây đi.”

Nhiếp Vũ Thịnh ra bãi đỗ xe đón Thư Cầm, cầm lấy chiếc hộp giữ nhiệt trong tay cô, rồi cúi đâu đi xăm xăm, không nói lời nào. Thư Cầm trò chuyện với anh, anh cũng không để ý. Thư Cầm liền hỏi: “Hôm nay anh sao vậy?”

“Không có gì, anh chỉ mệt thôi.”

“Bình thường anh có mệt cũng không lơ đễnh như thế.”

Anh đành viện cớ: “Hôm nay anh bị Chủ nhiệm mắng, lát gặp bố anh đừng nhắc đến chuyện này, nếu không ông lại nói làm ở viện kiếm được mấy đồng mà toàn bị mắng.”

“Tại sao Chủ nhiệm lại mắng anh? Anh mắc lỗi khi mổ

“Không. Chuyện công việc, có nói em cũng không hiểu đâu.”

Thư Cầm cười nói: “Xem ra bạn gái không được đãi ngộ tốt như tri kỷ rồi. Trước đây chuyện gì anh cũng nói với em, vậy mà giờ mới hỏi nhiều một chút, anh đã thấy phiền.”

Nhiếp Vũ Thịnh không đáp, chỉ im lặng bước đi. Thư Cầm nghĩ bụng, xem ra Chủ nhiệm đã mắng anh nặng lời lắm, bình thường đùa như vậy anh sẽ lên tiếng giải thích làm gì có chuyện đó, nhưng hôm nay dường như anh chẳng muốn nói gì, cứ ngơ ngẩn thất thần.

Hai người đến phòng bệnh của ông Nhiếp Đông Viễn, lại không thấy người đâu cả. Thì ra đứa trẻ bị ngã trong công trường đã vượt qua cơn nguy hiểm, tỉnh lại rồi. Ông Nhiếp Đông Viễn đến ICU, nói là muốn thăm đứa trẻ mệnh lớn, Nhiếp Vũ Thịnh và Thư Cầm ngồi đợi một lúc mới thấy ông quay lại.

Tuy vẫn cần Thư ký Trương dìu nhưng tinh thần ông rất tốt, sắc mặt cũng hồng hào hơn nhiều: “Tiểu Thư, cháu đến đấy à? Cháu nên cùng Vũ Thịnh đi thăm đứa trẻ đó đi, thằng bé kiên cường lắm, còn chưa nói được nhưng đã tỉnh rồi. Y tá nói gì nó cũng đều chớp mắt để trả lời, chớp một cái là có, chớp hai cái là không, ngoan thật!”

Nhiếp Vũ Thịnh nói: “Ngày mai thứ Hai tổng kiểm tra phòng bệnh, con sẽ qua thăm.”

Ông Nhiếp Đông Viễn liếc anh rồi hỏi: “Sao thế, cứ như bánh đa nhúng nước ấy.”

“Không sao, con mệt quá thôi.”

“Mệt thì nghỉ đi, làm gì có nơi nào như bệnh viện này chỗ các anh, suốt ngày làm việc với chẳng phẫu thuật, chẳng biết ngày đêm gì nữa! Đúng là bóc lột sức lao động mà!”

“Bố, nhân viên dưới quyền bố cũng thường xuyên tăng ca, ví dụ như Thư ký Trương, ngày nào anh ấy chẳng đợi lệnh 24/24, đến giờ vẫn còn làm việc đấy thôi.”

Thư ký Trương vội nói: “Thật ra tôi đã tan làm rồi mà. Tôi chỉ thăm ông Nhiếp, không tính là tăng ca.”

Ông Nhiếp Đông Viễn nheo mắt quan sát con trai: “Sao nóng thế, ai động vào anh à?”

“Không có gì.”

“Hừ.” Ông Nhiếp Đông Viễn nhướn mày, “Anh là do tôi sinh ra, anh đang nghĩ gì bố còn không biết sao? Nói đi, cãi nhau với đồng nghiệp, hay bị lãnh đạo mắng?”

Thư Cầm cười giải vây: “Bác trai thật lợi hại, việc gì cũng biết cả, hôm nay Chủ nhiệm mắng anh ấy đấy. Bác xem, chẳng có gì qua mắt được bác hết.” Cô bước lại mở hộp giữ nhiệt ra, “Cháu hầm gà cho bác này, bác tranh thủ ăn lúc còn nóng, để nguội thì không ngon đâu.” Trong phòng VIP có bếp, khi ông Nhiếp Đông Viễn nhập viện, dì Tần hôm nào cũng đến đưa cơm, có những món trực tiếp hâm nóng ở đây, vì thế nồi niêu xoong chảo đầy đủ cả, Thư Cầm bèn vào bếp lấy bát và muôi ra múc canh.

Ông Nhiếp Đông Viễn nhìn Thư Cầm, không nói gì, chỉ đón lấy bát canh nếm thử, khen Thư Cầm khéo tay, rồi nói: “Nhiếp Vũ Thịnh từ nhỏ đã kén ăn, bác đang lo lắng ngày nào đó nó sẽ khiến mình chết đói, cuối cùng lại gặp được người giỏi nấu nướng như cháu, coi như nó còn may, không đến nỗi chết đói.”

Thư Cầm chỉ cười cười, múc một bát cho Nhiếp Vũ Thịnh: “Anh cũng ăn đi, em nấu nhiều lắm, canh này không hâm lại được, mai em lại nấu nồi khác.”

“Anh không đói.”

Thư Cầm chưa kịp nói thì ông Nhiếp Đông Viễn đã lên tiếng: “Không cho nó ăn nữa. Đồ không có lương tâm, vô tình vô nghĩa, ai tốt với nó cũng phí công.”

Thư Cầm chỉ cười. Trên đường về, cô nói với Nhiếp Vũ Thịnh: “Anh dỗ dành bác một chút cũng có sao đâu, dù sao thì bác cũng đang ốm.”

“Xin lỗi, hôm nay anh mệt quá.”

Thư Cầm nói: “Anh không giống đang mệt, mà giống như có tâm sự hơn.”

“Có một việc anh không biết mình làm đúng hay làm sai nữa.”

“Anh nói em nghe xem nào.”

Nhiếp Vũ Thịnh im lặng, anh làm sao có thể kể với người ngoài về những điều đã xảy ra giữa anh và Đàm Tĩnh? Những sự việc trong quá khứ ấy, như một cây kim cắm vào tim anh, hễ động khẽ là đau, không động vào cũng đau. Anh biết suy nghĩ của mình không đúng, không nên coi Thư Cầm là người ngoài, anh cũng từng quyết tâm sẽ kết thúc tất cả để làm lại cuộc đời, nhưng trời xui đất khiến thế nào, Đàm Tĩnh cứ hết lần này đến lần khác xuất hiện trong tầm mắt anh.

“Nếu Mark không yêu em, mà khi trước anh ta cũng toàn lừa dối em thì em có hận anh ta không?”

Thư Cầm nghĩ ngợi một chút rồi nói: “Thế thì phải xem em có yêu anh ta không đã. Nhiều lúc hận thường là vì yêu. Nếu em không yêu anh ta nữa, đương nhiên sẽ không hận.” Cô quan sát Nhiếp Vũ Thịnh, “Sao vậy? Không phải bạn gái trước đây của anh lấy người khác rồi sao?”

“Đúng vậy, lấy người khác rồi.” Nhiếp Vũ Thịnh nói, “Em yên tâm, anh cũng có đạo đức cơ bản, khi ở bên em anh sẽ không có ý đồ gì với bất cứ người phụ nữ nào khác đâu.”

“Có hay không không quan trọng, quan trọng là anh có lòng tin để duy trì mối quan hệ của chúng ta không.”

Nhiếp Vũ Thịnh mím môi: “Anh sẽ cố gắng.”

Thư Cầm cười, chuyển chủ đề: “Cô em nói muốn mời anh đến ăn cơm. Từ lần anh cứu em, cô lúc nào cũng lải nhải nhắc nhở có thời gian thì mời anh đến nhà dùng cơm. Em đã từ chối mấy lần, ngại không muốn phiền anh nữa. Nhưng giờ chúng ta đã chính thức qua lại, em muốn cùng anh đi ăn một bữa thì không sao chứ?”

“Để cuối tuần sau đi.”

“Được. Nhưng ca làm của anh thế nào, liệu cuối tuần có ca mổ nào quan trọng không?”

Nhiếp Vũ Thịnh lập tức nhớ đến lá đơn của Đàm Tĩnh, nếu mọi việc thuận lợi thì có lẽ thứ Tư hoặc thứ Năm là mổ cho Tôn Bình. Anh đáp: “Chắc cuối tuần không có việc gì.”

“Thế em sẽ nói với cô để cô chuẩn bị trước.”

Thứ Hai sau khi kết thúc tổng kiểm tra phòng bệnh, như thường lệ có một cuộc họp hằng tuần. Chủ nhiệm Phương sẽ tận dụng thời gian này để sắp xếp công việc, tiện thể nghe các loại báo cáo, điều chỉnh kế hoạch cả tuần. Khi đến lượt Nhiếp Vũ Thịnh, ông hỏi: “Tôn Bình ở giường 39 đã xin trợ cấp từ công ty CM, cậu định hôm nào mổ đây?”

Vì đây là lần đầu tiên nên phải cực kỳ cẩn trọng. Chủ nhiệm Phương nói: “Thứ Năm này có ca mổ nối mạch máu tim của bộ trưởng, mổ hôm thứ Ba đi.”

Nhiếp Vũ Thịnh sững người, Chủ nhiệm Phương lại nói tiếp: “Thời gian hơi gấp, nhưng tình hình của đứa bé đó mổ càng sớm càng tốt, thông báo ọi người làm tốt công tác chuẩn bị trước khi mổ đi, nhớ nói chuyện với người nhà bệnh nhân thật kỹ càng, bắt buộc phải yêu cầu ký tên đồng ý đấy.”

“Được ạ.”

“Còn nữa, phẫu thuật cho trẻ vị thành niên nhất định phải có người giám hộ, tức bố mẹ của đứa trẻ đều phải đến ký vào giấy đồng ý mổ, đừng để xảy ra chuyện như khoa Não