Những Nhà Nơi Hẻm Nhỏ

Chương 53: 53: Nghỉ Không Lương




Thời thanh niên.

Lý Giai nhảy tới viện thiết kế của đại học Đồng Tế và làm chung một tổ với Trang Đồ Nam.

Vốn anh đang buồn bực vì sao cô không tới các xí nghiệp hoặc các viện thiết kế tư. Nhưng sau khi làm việc với cô một thời gian anh lại phải thán phục năng lực nhìn nhận bản thân và khả năng khống chế sự nghiệp quá mạnh mẽ của cô.

Lương của viện thiết kế là lương cứng cộng thêm thưởng. Lương cứng phụ thuộc vào chức vụ còn tiền thưởng thì liên quan tới hạng mục.

Chức vụ của Lý Giai thấp hơn Trang Đồ Nam hai bậc, kỹ thuật cũng không thể so với người đã có trong tay vài hạng mục như anh vì thế trước mắt thu nhập của cô thấp hơn anh nhiều. Thế nhưng cô lại rất thông minh mà lấy ngắn nuôi dài.

Lý Giai phát huy đầy đủ những ưu thế của mấy năm làm việc cho cơ quan chính phủ. Cô tự nhiên chia sẻ những kinh nghiệm vụn vặt nhưng quan trọng trong công tác quản lý.

Trang Đồ Nam là tổ trưởng nên ngoài vẽ anh còn phải chăm lo việc phối hợp với các đơn vị khác. Anh phải nắm vững việc quản lý tiến độ công việc của mọi người trong tổ. Khác với việc quản lý trong nội bộ nhóm của anh, Lý Giai gánh vác một phần công tác quản lý đối ngoại, cùng các bên đánh cờ, viết báo cáo tài liệu cho các cơ quan khác của chính phủ (đặc biệt là cục quy hoạch).

Các giáo sư lớn tuổi đa phần vẫn giữ thói quen của nền kinh tế có kế hoạch từ trước, đám kiến trúc sư mới ra trường thì đa phần chỉ là đám thợ vẽ xuất thân chính quy ngây thơ. Trong một đám người chỉ biết tập trung chuyên môn thì một nhân vật có thể bổ sung lỗ hổng trong quản lý lại hiểu được các kiến thức chuyên ngành như cô thực sự được hoan nghênh.

Lý Giai nhanh chóng thích ứng với công việc mới, người sáng suốt cũng nhìn ra tiềm lực của cô.



Trước tết Âm Lịch năm 1992, Ngô Kiến Quốc thương lượng với Trang Siêu Anh và Hoàng Linh rằng Ngô San San đang mang thai, khom lưng xắt rau ở bàn nhỏ không tiện. Ông muốn đổi một cái bệ bếp mới phù hợp và dễ làm việc hơn.

Phòng bếp và WC là hai nhà dùng chung. Hoàng Linh không tiện liên hệ với Tống Oánh để bàn việc này vì từ sau khi trở thành thông gia hai nhà đều xấu hổ, gượng gạo. Cuối cùng bà đành đi đường vòng nhờ Trang Đồ Nam chuyển lời cho Lâm Đống Triết để hỏi ý kiến.

Anh chàng dân công xây tường Trang Đồ Nam nhân dịp Lâm Đống Triết lắp điều hòa cho ba mẹ mình cùng với Ngô Kiến Quốc muốn sửa lại bếp nên quyết định việc nhỏ hóa to và trang hoàng lại nhà bếp cùng WC trong nhà.

Trong lúc đi học có lần anh nhận được bài tập nghỉ đông là đo vẽ mặt bằng của một căn nhà nhỏ. Anh tìm lại bản vẽ khi ấy và số liệu sau đó vẽ thiết kế, ghi chú rõ nguyên vật liệu và giá cả rồi sai Hướng Bằng Phi đặt vật liệu sau đó gọi thợ tới làm.



Ngày 30 tết, Lâm Đống Triết từ Quảng Châu bay đến Thượng Hải rồi chạy tới Tô Châu ăn tết —— vé máy bay quá đắt nhưng anh thà tiêu hết tiền tiết kiệm mấy tháng để mua vé máy bay cũng muốn ở chung với vợ thêm hai ngày.

Lâm Đống Triết lấy hết dũng khí tới cửa nhưng Trang Siêu Anh chỉ tỏ vẻ lãnh đạm, thái độ của Hoàng Linh thì tốt hơn một chút nhưng bà không cho Trang Tiêu Đình và anh ra ngoài ở nhà khách —— Lý do của bà là hai người còn chưa cử hành lễ kết hôn chính thức, hàng xóm láng giềng cũng không biết bọn họ đã kết hôn nên một khi ra ngoài ở riêng sẽ rước lấy đàm tiếu. Lâm Đống Triết cực kỳ thất vọng nhưng vẫn cung kính nghe lời mẹ vợ. Anh và Trang Đồ Nam, Hướng Bằng Phi cùng nhau chen chúc trong căn phòng nhỏ của mình ngày trước.

Trước khi Lâm Đống Triết đến chỉ lo lắng Trang Siêu Anh và Hoàng Linh không cho anh và Trang Tiêu Đình ở chung với nhau nhiều. Nhưng chờ anh bước chân vào căn nhà nhỏ mới phát hiện bản thân đã nghĩ quá lạc quan. Anh vợ Trang Đồ Nam mới là trở ngại lớn nhất.

Nhân dịp Tết Âm Lịch được nghỉ dài nên Trang Đồ Nam quyết định làm nốt phần sửa chữa còn dang dở. Bọn họ sẽ trát lại vách tường. Nhưng phần thần thông quảng đại nhất chính là việc anh thiết kế lại WC. Anh lợi dụng kết cấu sai tầng để làm ra một nhà vệ sinh độc lập với phòng tắm và phòng giặt. Bệ xí xổm đổi thành bồn cầu, phòng tắm có vòi hoa sen, phòng giặt quần áo thấp bé nhưng ít nhiều cũng đủ nhét cái máy giặt mà Hoàng Linh cứ mơ ước mãi.

Lúc ăn tết công nhân không làm còn Hướng Bằng Phi vẫn theo lẽ thường chạy xe. Trang Đồ Nam lại muốn nhân lúc mình ở nhà sẽ làm nhiều một chút thế nên đương nhiên đối tượng anh nhắm tới cho vị trí tay sai chính là thằng em rể Lâm Đống Triết.

Trong cả quá trình Trang Đồ Nam phụ trách các vấn đề kỹ thuật như xây tường, lắp ống nước còn Lâm Đống Triết và Trang Tiêu Đình phụ trách mấy công việc thô như vận chuyển gạch hoặc trát tường. Hành trình thăm thân của Lâm Đống Triết biến thành hành trình làm cu li.

Hàng xóm tràn vào căn nhà nhỏ tham quan thế là Trang Đồ Nam lại giảng giải kỹ càng, còn liệt kê nhãn hiệu của đống nguyên vật liệu cùng giá cả.

Nhưng trong danh sách ấy anh quên không đề cập tới 7 đôi găng tay bảo hiểm lao động cùng một thằng em rể vì đoái công chuộc tội mà liều mạng làm việc.



Sáng mai Lâm Đống Triết phải về Quảng Châu nhưng tạm thời chưa sử dụng phòng bếp được nên Hướng Bằng Phi mua đồ ăn từ quán mang về. Mọi người tạm chấp nhận dùng bếp sưởi trong nhà hâm đồ ăn lên ăn.

Cơm chiều rất phong phú, xong khi ăn và dọn dẹp xong tất cả ngồi xuống uống trà tiêu cơm.

TV chiếu lại xuân vãn, Khương Côn đang biểu diễn vở kịch《 sốt ruột 》về việc thay đổi giá cả, “Một bồn tắm đựng đầy dấm, hai lu nước tương, một tủ quần áo đựng toàn mì ngũ vị hương……”

Hướng Bằng Phi nói, “Đúng quá, trong nhà còn một thùng bột giặt và tám cái bình giữ ấm mới tinh kìa.”

Trang Đồ Nam đang dùng bình giữ ấm uống trà thế là anh vừa ôm bình vừa tính, “Chú Ngô hỏi con chi phí sửa sang tính sao? Con nói chuyện phòng ở của nhà họ Lâm con không làm chủ được, con trang hoàng lại là để ba mẹ được thoải mái vì thế phí tổn lần này con, Tiêu Đình và Bằng Phi sẽ bỏ ra. Đống Triết đừng vội, cậu và Tiêu Đình kết hôn thì hai đứa tính là một phần.”

Chuyện Lâm Đống Triết và Trang Tiêu Đình đăng ký kết hôn vẫn được Trang Siêu Anh và Hoàng Linh giữ kín như bưng không nhắc tới vì thế lời này chỉ là Trang Đồ Nam tùy tiện nói.



Hướng Bằng Phi bổ sung một câu, “Mọi người đừng đưa tiền, đổi tới lui quá phiền toái, em sẽ trừ luôn từ tiền hoa hồng của mọi người là xong.”

Trang Đồ Nam nhàn nhạt nói, “Cổ phần trên danh nghĩa của Đống Triết cần đổi thành tiền để Tiêu Đình trả tiền vi phạm hợp đồng. Bằng Phi, cậu giữ nhiều tiền mặt một chút, đến lúc cần dùng là có.”

Lâm Đống Triết nói, “Tạm thời chắc chưa dùng tới bởi vì sau khi hoàn thành đào tạo dành cho nhân viên mới em sẽ có cơ hội luân chuyển công tác. Hiện tại em đã đi được nửa chặng đường 52 tuần đào tạo, nửa năm sau em sẽ biết kết quả của việc luân chuyển thế nào. Công ty của em rất chú trọng giá trị của gia đình vì thế hẳn không khó để em được điều tới Thượng Hải. Chờ em ổn định rồi Tiêu Đình lại từ chức cũng được.”

Hoàng Linh đột nhiên mở miệng, “Tiền này ba mẹ sẽ trả.”

Mọi người trong phòng đều giật mình nhìn về phía Hoàng Linh. Trang Tiêu Đình định nói gì đó nhưng bà đã nhắc lại, “Nếu Đống Triết trở về Thượng Hải hoặc Tiêu Đình tìm được công việc ở Quảng Châu thì phần tiền vi phạm hợp đồng này ba mẹ sẽ trả.”

Bà nói, “Nhưng có điều kiện. Tìm được công việc tức là có thể giải quyết vấn đề hộ khẩu. Hai đứa còn trẻ, không biết tầm quan trọng của củi gạo mắm muối, rồi chuyện nhà ở, chữa bệnh, đi học của con cái đều liên quan tới hộ khẩu. Mẹ sẽ không để Tiêu Đình là kẻ ”không có hộ khẩu” đâu.”

Hướng Bằng Phi nói thầm, “Bác, hộ khẩu đâu có quan trọng thế.”

Nhìn thằng cháu ngoại vào cái lúc này rồi còn phá đám là Trang Siêu Anh bốc hỏa, “Đánh rắm, nếu mày không có hộ khẩu Tô Châu thì mày sẽ không thể ăn lương của bến xe, đến giấy phép kinh doanh của công ty cũng không làm được đâu.”

Hướng Bằng Phi thấp giọng lẩm bẩm, “Làm giấy phép kinh doanh chỉ cần chứng minh thư.”

Trang Đồ Nam nhẹ nhàng ho một tiếng.

Hướng Bằng Phi lập tức im như ve sầu mùa đông và ném cho Lâm Đống Triết một ánh mắt, “Người anh em, tôi cố hết sức rồi nhưng không giúp được cậu đâu.”

Hoàng Linh chuyển hướng sang Lâm Đống Triết, “Đống Triết, con đừng trách ba mẹ kiên trì muốn Tiêu Đình giải quyết vấn đề hộ khẩu trước rồi mới điều động. Tình huống của Chu Thanh ở nhà bên cạnh con cũng biết rồi. Lúc ở nhà cậu mợ con bé luôn bị xem thường, tới trường thì bị người ta gọi là ‘con nhóc Tân Cương’.”

Trang Đồ Nam nói, “Anh đồng tình với cái nhìn của ba mẹ. Hộ khẩu có liên quan tới con cái, là chuyện rất quan trọng. Đề nghị của anh cũng chưa chắc đúng nhưng anh cứ nói, hai đứa nghe một chút, nếu có ý kiến khác ta lại thương lượng.”

Trang Tiêu Đình lập tức nói, “Anh nói đi.”

Lâm Đống Triết cũng lên tiếng, “Anh, đề nghị của anh nhất định sẽ có đạo lý.”

Trang Đồ Nam nói, “Hợp đồng của Tiêu Đình có nói trong hai năm không thể thi lên thạc sĩ hoặc đi làm chỗ khác. Tình huống của Đống Triết hiện tại cũng không chắc chắn. Đợi tới khi tình huống của cậu được quyết định thì Tiêu Đình cũng đã công tác được một năm rồi. Việc con bé tìm việc hoặc thi lên thạc sĩ cũng cần thêm vài tháng, như thế cũng coi như gần hai năm.”

Lâm Đống Triết nhỏ giọng phản bác, “Anh, một năm và hai năm khác nhau nhiều lắm.”

Trang Đồ Nam hiểu rõ vấn đề hộ khẩu, “Không chỉ có tiền vi phạm hợp đồng mà hồ sơ của Tiêu Đình cũng không thể có khoảng trống được. Hơn nữa nếu muốn giải quyết vấn đề hộ khẩu một cách thuận lợi trong tương lai thì vẫn cần đại học Tô Châu chuyển khẩu cho. Dù con bé chuyển khẩu tới cơ quan chính phủ hoặc doanh nghiệp nhà nước hay trường học khác đều cần một bước này nên cố gắng đừng vi phạm hợp đồng mới tốt.”

Trang Đồ Nam an ủi em gái và em rể, “Tiêu Đình có nghỉ đông và nghỉ hè, lúc ấy có thể đi thăm thân, nói chung là ngày tháng sẽ trôi qua nhanh thôi.”



Tết Âm Lịch trôi qua, trong ngõ nhỏ có nhiều người tới nhà họ Trang xem bếp và WC đã được cải tiến. Trong đó có không ít người xin danh sách vật liệu từ Hoàng Linh để tính toán chi phí sửa sang cho nhà mình.

Nhưng rất nhanh mọi người đều bỏ qua ý định này.

Các xí nghiệp quốc doanh trên cả nước nhanh chóng triển khai cuộc vận động “Phá tam thiết” một cách oanh liệt. Chưa tới cuối tháng 3 cả nước đã có gần 1000 xí nghiệp nhà nước thực hiện “Phá tam thiết” và xưởng dệt cũng nằm trong số ấy.

“Tam thiết” là nói tới bát sắt, ghế sắt, và xưởng rèn. “Phá tam thiết” nghĩa là xí nghiệp có thể sa thải công nhân viên chức, cũng có thể dựa theo lợi ích và hiệu quả làm việc để quyết định chức vụ cũng như tiền lương của công nhân viên chức. Xưởng dệt chọn hai chính sách “nghỉ không lương” và “Nửa nghỉ việc” (xưởng trả lương bằng vải dệt còn công nhân tự lo nguồn tiêu thụ) để xử lý vấn đề công nhân viên chức.

Sau khi tham dự cuộc họp công nhân viên chức Hoàng Linh không ra khỏi cửa mà ở nhà hai ngày —— dù sao lúc này trong xưởng cũng rất loạn, bà có đi làm hay không cũng chẳng ai quản. Hướng Bằng Phi không yên tâm về Hoàng Linh nên thuyết phục bà đi cùng xe với anh tới chỗ khác giải khuây, “Bác, lúc cháu mới tới Tô Châu cứ không vui lại theo xe của chú Tiền đi xem cảnh sắc bên ngoài sau đó tâm tình lập tức vui hơn.”

Tới chủ nhật, Trang Tiêu Đình chạy về nhà mạnh mẽ lôi kéo bà lên xe của Hướng Bằng Phi đi tham quan chỗ khác.



Hoàng Linh ngơ ngác nhìn ra ngoài cửa sổ xe. Ngoài đó là cảnh xuân vô hạn, chim chóc tự do bay lượn trên bầu trời, trên cánh đồng là hoa cỏ đua nở. Mọi thứ đều sống động, vui sướng.

Nhưng vì sao xưởng dệt lại không sống nổi nữa?

Hoàng Linh không sao hiểu nổi vì sao xưởng dệt từng là niềm kiêu ngạo của nền công nghiệp nhẹ toàn thị trấn, thậm chí toàn tỉnh lại không sống nổi nữa?

Ký ức phủ đầy bụi như thủy triều dâng lên. Bà nhớ tới lúc mình mới tốt nghiệp cấp hai đã vào xưởng làm việc. Khi ấy xưởng mới được thành lập và đang tiến hành cải tiến kỹ thuật từ máy dệt tay sang máy dệt tự động chạy bằng điện. Nhân viên lúc ấy phải tăng ca làm thêm giờ để cải tiến máy móc. Bọn họ triển khai các phong trào “cô gái dệt giỏi”, “sợi tơ vàng” để nâng cao hiệu suất lao động và thi đua mở rộng kỹ thuật mới.



Công nhân viên chức cả xưởng trên dưới một lòng dốc sức làm việc. Xưởng dệt cứ thế trở thành xí nghiệp ưu tú gần xa. Khi nhà xưởng được xây dựng thêm thì công nhân viên chức cũng nhiều hơn. Xưởng dệt thay đổi từng ngày, phân xưởng được mở rộng, khu sinh hoạt càng thêm hoàn thiện, có nhà ăn, nhà tắm, nhà trẻ, trường học phụ thuộc……

Sau đó đồng nghiệp giới thiệu Trang Siêu Anh lúc ấy đang dạy ở trường phụ thuộc cho bà.

Rồi sau đó nữa bà sinh con trai, rồi tới con gái.

……

Thời gian như thoi đưa, bà đã nếm đủ chua cay, ngọt đắng cùng xưởng dệt này. Hơn nửa đời bà đã gắn bó với nó.

Sau khi cải cách mở cửa xưởng dệt vẫn theo sát chính sách. Cấp quản lý sửa lại thuế, trách nhiệm nhận thầu và một loạt các thay đổi khác. Những cái này bà không hiểu, nhưng bà biết công nhân viên chức bình thường vẫn nỗ lực tự nghiên cứu, các kỹ thuật viên vẫn nghiên cứu ra các loại thuốc nhuộm mới, phân xưởng cố gắng đề cao hiệu suất đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, bộ phận tiêu thụ chạy khắp nơi để mời chào……

Nhưng vì sao xưởng dệt mà bọn họ coi là ‘nhà’ lại không sống được nữa?

……

Các hành khách ồn ào nói chuyện. Chiếc xe xuyên qua thành phố, thị trấn cho tới khi trời chậm rãi chuyển màu đen mới về Tô Châu.

Khi hành khách cuối cùng xuống xe Hướng Bằng Phi không lái xe về bãi mà chạy tới gần hẻm nhỏ mới ngừng lại.

Đèn đường chiếu vào tạo thành những cái bóng trên sàn xe như đám quái vật giương nanh múa vuốt. Hoàng Linh mờ mịt nhìn về phía cháu ngoại và con gái.

Hướng Bằng Phi nhẹ giọng nói, “Bác, mọi thứ đều sẽ là quá khứ, ngày tháng có khó khăn đến mấy rồi cũng sẽ thành quá khứ thôi.”

Trang Tiêu Đình không nói gì mà yên lặng nắm tay mẹ, trong ánh mắt có lo lắng nói không nên lời.

Hoàng Linh không thể nhẫn nại được nữa mà ngã vào vai con khái khóc nức nở.

Bà mê mang và sợ hãi quá!



Rất nhiều công nhân trong xưởng dệt đều chọn “nửa nghỉ việc”. Cứ sáng sớm họ sẽ cõng vải ra chợ nông sản hoặc bày bán trên hè phố. Bọn họ đấu trí đấu dũng với đội quản lý trật tự, nếu bất hạnh bị bắt sẽ bị tịch thu hàng.

Những người chọn “nghỉ việc không lương” thì thử làm chút buôn bán. Quanh xưởng đột nhiên mọc lên khá nhiều sạp hàng nhỏ bán báo, hoành thánh linh tinh…… nhưng thị trường chỉ có thế nên việc làm ăn của những quán này cũng không tốt. Còn một bộ phận khác sẽ đi xin việc vặt khắp nơi, từ người phục vụ tới bán hàng, sửa xe đạp, sửa giày……

Ngô Kiến Quốc chọn “nghỉ việc không lương” sau đó chạy khắp nơi làm việc vặt từ nghề mộc tới xây nhà, hoặc khiêng xi măng ở công trường…… Ngô San San có công việc ổn định nên lặng lẽ chi trả sinh hoạt phí của Ngô Quân.

Hoàng Linh đã sớm không đan áo kiếm tiền nữa. Một là vì hai đứa con đều có thể tự lo sinh hoạt phí, kinh tế trong nhà không tệ. Hai là quan hệ của nhà bà và nhà họ Ngô ngày càng xấu nên bà không muốn mang theo Trương A Muội cùng kiếm tiền, cũng không muốn nợ ân tình của Lý Nhất Minh với Tống Hướng Dương nữa. Vì thế hiện tại bà không có thu nhập.

Trang Siêu Anh và Trang Đồ Nam cảm thấy bà ở nhà làm cơm cũng tốt. Hướng Bằng Phi thì nói, “Bác ra ngoài tìm việc gì đó để làm tâm tình sẽ tốt hơn.”

Trang Tiêu Đình vốn định dùng số cổ phần Lâm Đống Triết để lại cho mình để làm tiền vốn thuê một cửa hàng mặt tiền gần trường trung học số 10 cho bà bán đồ ăn vặt hoặc văn phòng phẩm. Lâm Đống Triết cũng tán thành nhưng Hoàng Linh nhát gan, không dám bày bán cái gì, cũng không muốn tiêu tiền của con rể thế nên bà cự tuyệt.

Hướng Bằng Phi đưa ra chủ ý mời Hoàng Linh làm người bán vé trên xe mình rồi lĩnh lương tháng. Nhưng Trang Đồ Nam cực lực phản đối bởi vì người bán vé phải đi sớm về trễ, cơm nước cũng linh tinh. Anh sợ mẹ không chịu nổi vất vả nên tiếp tục để Trang Tiêu Đình tìm cửa hàng gần trường trung học số 10. Anh sẽ bỏ tiền để bà làm buôn bán nhỏ.

Nhưng ngoài dự đoán là Hoàng Linh cũng cự tuyệt tiền của con trai.

Trang Siêu Anh thay vợ từ chối ý tưởng này, “Mẹ con cảm thấy tiền thuê cửa hàng quá đắt, sợ lỗ vốn. Bà ấy cũng không phải người xông xáo, ngày thường mua đồ còn chẳng dám mặc cả. Nay mẹ mấy đứa có tuổi rồi, không muốn chịu áp lực tâm lý quá lớn nên cứ tôn trọng ý của bà ấy đi.”

Hoàng Linh cũng chọn “nghỉ không lương” rồi đi làm người bán vé coi như kiếm chút tiền vất vả.

 

------oOo------