Hẻm nhỏ ở Giang Nam.
Trang Đồ Nam không bao giờ được ăn no.
Mùa xuân tới nước máy cũng đã vào tới từng nhà. Trong lúc vô tình Hoàng Linh nghe nói quả lặc lè dễ gieo trồng, sản lượng lại cao nên nghĩ cách lấy mấy hạt giống định trồng trong sân.
Tống Oánh đang tiết kiệm tiền mua TV nên vô cùng hứng thú với việc tiết kiệm tiền. Lâm Võ Phong có kinh nghiệm nghề nông vì thế phụ trách chỉ đạo kỹ thuật và lao động chủ lực. Theo đó anh dùng đất còn thừa trong trận tranh chấp với hàng xóm trước đó để đổ dọc tường nhà thành mấy mảnh đất hẹp dài. Lúc này anh mới dựng giàn gỗ phục vụ việc gieo quả lặc lè.
Quả này mọc nhanh, trên giá là từng quả dưa rũ xuống như con rắn xanh trắng, đầu tháng 5 đã thu được nhóm dưa đầu tiên. Hai gia đình vui vẻ hái mẻ dưa đầu tiên để ăn.
Mà cái tiếng sản lượng cao của loại quả này đúng là không hề khoa trương. Vừa hái đợt này thì đợt sau đã ra, càng hái càng nhiều. Một tuần sau Hoàng Linh và Tống Oánh bắt đầu tặng dưa cho hàng xóm, mọi người đều vui vẻ nhận lấy. Một tháng sau hàng xóm cố lắm mới không từ chối —— bữa nào cũng ăn lặc lè, ăn đến nôn ra rồi.
Hàng xóm ăn đến độ muốn nôn còn hai nhà Trang và Lâm thì nghĩ tới lặc lè đã muốn nôn.
Trên giá gỗ, ở góc tường, các góc trong nhà đều là những quả dưa chừng hai thước, uốn lượn như những con rắn. Ban ngày nhìn thấy đã ớn, buổi tối có ánh trăng chiếu vào khiến đám dưa càng giống mấy con rắn cuộn lại. Người lớn và trẻ con đều không muốn ra khỏi phòng vào buổi tối, trừ phi bất đắc dĩ muốn đi vệ sinh nếu không bọn họ đều cố gắng không ra khỏi phòng.
Hoàng Linh vẫn cảm thấy may mắn vì mình trồng lặc lè bởi vì sức ăn của Trang Đồ Nam ngày một lớn, cơm ăn bao nhiêu cũng không đủ no. Cô biết con trai thiếu dinh dưỡng, vì thế phiếu thịt trong nhà đều dùng để mua thịt mỡ rồi nấu chảy thành mỡ heo, tóp mỡ cũng dồn lại. Ngày thường cô sẽ múc một muôi mỡ xào với cải trắng, xào lặc lè, cố gắng để con trai ăn chút đồ có dinh dưỡng.
Lặc lè sản lượng lớn đảm bảo đủ ăn, ngoài ra còn có mỡ heo vì thế cuối cùng Trang Đồ Nam cũng miễn cưỡng ăn no, không còn ngày nào cũng thấy đói nữa.
—
Lúc mấy nhà chung quanh đều ăn lặc lè đến phát ớn thì loại quả này lại nổi danh ở trường học.
Lặc lè thon dài, uốn khúc, cực kỳ giống con rắn. Lâm Đống Triết bỏ mấy quả vào cặp sau đó nhân lúc giờ thể dục mọi người đều ra ngoài để bỏ mấy quả vào hộc bàn trên bục giảng của giáo viên và mấy bạn nữ trong lớp.
Đầu tiên là hai nữ sinh phát hiện trong hộc bàn của mình có lặc lè thế là trong lớp một mảnh ồn ào hỗn loạn. Giáo viên toán học không biết vì sao nên vừa bước vào đã quát, “Vào học rồi, trật tự đi!”. Nói xong cô theo thói quen bỏ một chồng sách bài tập thu được trên mặt bàn vào trong hộc.
Vị giáo viên nữ đã qua 50 tuổi lập tức trợn mắt, sau đó mặt trắng bệch……
Trang Tiêu Đình “vụt” một cái đứng dậy nói, “Mọi người đừng sợ, đây là quả lặc lè, không phải rắn đâu.”
—
Trang Tiêu Đình biết quả lặc lè thì đương nhiên giáo viên cũng biết kẻ chủ mưu vụ này là tên nhãi Lâm Đống Triết.
May mà cô giáo không có bệnh tim nên chỉ bị dọa sợ chứ không có hậu quả ác liệt nào nhưng trường học vẫn gọi Tống Oánh tới.
Tống Oánh bày ra thái độ cực tốt, lập tức đánh đòn phủ đầu mà mắng Lâm Đống Triết một trận trước khi chủ nhiệm kịp mở miệng. Cô còn xách lỗ tai con mình bắt cậu xin lỗi thầy cô.
Tống Oánh thực hiện hết bài bản của chủ nhiệm giáo dục rồi thế nên ông ấy làm gì còn gì để diễn. Ông ấy bất đắc dĩ chỉ có thể đi theo Tống Oánh mà phê bình giáo dục Lâm Đống Triết một trận sau đó bắt Tống Oánh bảo đảm con nhà mình sẽ không lặp lại trò đùa dai này nữa.
Trường học không quản lý được phụ huynh nhưng có thể quản lý học sinh. Lâm Đống Triết bị phê bình trước toàn trường một lần, lại bị cô giáo toán bắt phạt đứng một tuần.
—
Giáo viên tức giận thì Tống Oánh càng giận hơn. Cô phạt Lâm Đống Triết chỉ được ăn cơm trắng và lặc lè trong hai tuần, đừng mơ ăn thịt hay trứng.
Lâm Đống Triết ăn lặc lè ba ngày, tới bữa tối ngày thứ tư cậu nhóc đột nhiên vọt vào nhà họ Trang và duỗi tay cướp quả trứng chiên trong bát Trang Tiêu Đình sau đó nhét vào miệng mình.
Tống Oánh cũng vọt vào thấy thế thì tức muốn hộc máu mà lôi Lâm Đống Triết qua một bên mắng, “Sao con lại cướp trứng chiên của Tiêu Đình?”
Lâm Đống Triết nỗ lực nuốt quả trứng xuống và đúng lý hợp tình nói, “Nếu không phải nó đứng lên nói ‘đây là lặc lè‘ thì cô giáo cũng không biết là con thả. Nó là gian tế.”
Trang Tiêu Đình ôm bát cơm tủi thân đến độ nước mắt lưng tròng.
Trang Đồ Nam lập tức gắp quả trứng chiên trong bát mình bỏ vào bát em gái và ôn tồn khuyên giải an ủi, “Đừng nghe nó nói bậy.”
Trang Đồ Nam không khuyên còn đỡ nhưng cậu vừa khuyên thì Trang Tiêu Đình đã không nhịn được buông bát đũa và gào khóc, “Em không cố ý mà.”
Lâm Võ Phong ở trong sân vội gọi, “Tiêu Đình à, cháu đừng khóc nhé, chú lập tức tới nhà bếp nấu trứng cho cháu ăn, không là trứng chiên, những hai quả nhé!”
Lâm Võ Phong vọt vào phòng bếp và bắt đầu bắc chảo đổ dầu.
Tống Oánh nghe thấy tiếng khóc trong nhà họ Trang thì giận quá thể và bắt đầu vung chổi đánh con mình tơi bời.
Trang Siêu Anh vốn tưởng Hoàng Linh sẽ đi ra khuyên nhưng cô chỉ xụ mặt không nói gì. Anh biết vợ là người hiểu chuyện nhưng lại cực kỳ che chở con cái, lúc này chắc cô cáu thật vì thế anh đành đi ra ngoài hòa giải, “Đứa nhỏ nhất thời bướng bỉnh thôi mà, đừng đánh, đừng đánh nữa.”
Lâm Đống Triết quỷ khóc sói gào, “Không ăn nổi lặc lè nữa đâu, mẹ có đánh chết con cũng muốn ăn trứng gà.”
Lâm Đống Triết gào quá mức chân thành, quả thực khiến người ta thương tâm rơi lệ. Đến Hoàng Linh nghe xong cũng tiêu tan tức giận hơn nửa, mà người cũng chịu đủ khổ sở của lặc lè là Tống Oánh lại càng thêm xúc động. Đánh con xong cô cũng ngừng hình phạt bắt thằng bé ‘ăn cơm với lặc lè’.
—
Một tuần sau, Lâm Đống Triết coi như đã sống lại. Lúc này cậu sẽ đại diện cho tổ múa dân tộc của Cung Thiếu Nhi tham gia hội diễn nhi đồng nhân ngày mùng 1 tháng 6.
Đài truyền hình Tô Châu phái một tổ quay phim tới Cung Thiếu Nhi ghi lại buổi biểu diễn và làm thành tiết mục chuyên đề chiếu cho cả thành phố xem.
—
Cuối tháng sáu Trang Đồ Nam tham gia kỳ thị vào trường trọng điểm.
Cháu trai vừa thi xong thì bố Trang Siêu Anh đã gọi anh về nhà nhắc lại chuyện cũ, muốn đưa hai đứa con trai của Trang Kiện Mỹ tới nhà anh nghỉ hè.
Bố anh và cả Trang Kiện Mỹ đều không nhắc tới chuyện lương thực.
Trang Siêu Anh rơi vào thế khó xử. Anh không thể cự tuyệt yêu cầu của cha nhưng cũng thấy được sự vất vả của vợ để vun vén đủ thức ăn cho cả nhà. Tục ngữ nói đúng, “Thằng nhóc choai choai ăn nghèo cả nhà”, Trang Đồ Nam càng ngày càng ăn khỏe, phần lương thực của hai vợ chồng họ trực tiếp hay gián tiếp đều dán lên người đứa nhỏ. Nếu trong nhà lại thêm hai đứa nhỏ nữa thì quả thực không lo nổi.
Đúng lúc đang khó khăn thì Trang Siêu Anh lại nhận được thông báo của cục giáo dục mời anh tham gia việc chấm thi đại học năm 1978. Anh thở dài một hơi và kiên quyết phục tùng sự sắp xếp của tổ chức rồi cưỡi xe đạp nhẹ nhàng mang theo đồ dùng cá nhân đã chuẩn bị kỹ lưỡng tới địa điểm cách ly.
—
Lúc này địa điểm chấm bài được sắp xếp trong khuân viên đại học Tô Châu. Mấy trăm giáo viên tới từ các trường cấp ba nội thành và các huyện xung quanh tụ tập trong ký túc xá sinh viên và bắt đầu ngày tháng cách ly chấm thi.
Qua nửa năm, mùa đã thay đổi nhưng các giáo viên chấm thi vẫn không thể rời địa điểm cách ly, mọi công việc và sinh hoạt vẫn gian khổ như cũ.
Vào mùa đông chấm bài tay cứng đờ gần như không cầm được bút, còn mùa hè chấm bài thì mồ hôi ướt đẫm.
Bài thi rất nhiều, lại liên quan tới tiền đồ cả đời của thí sinh nên các giáo viên đều tăng ca làm thêm giờ, kiên nhẫn tinh tế mà chấm bài. Trong phòng học không có quạt điện, may mà bọn họ đều là đàn ông vì thế cả đám cũng bất chấp cái gì mà hình tượng và đều cởi trần chấm thi. Như thế hiệu suất mới cao.
—
Trang Siêu Anh lại biến mất nhưng hàng xóm đều biết anh đi tham gia chấm thi, người nhà cũng không lo lắng gì.
Tốt nghiệp tiểu học rồi nên Trang Đồ Nam không có bất kỳ bài tập nào. Cậu tranh thủ giúp mẹ xử lý việc nhà, tưới nước, bón phân cho đám lặc lè, hỗ trợ giặt quần áo, nấu cơm, cứ thế bận rộn trong ngoài.
Mùa hạ ở Giang Nam cực kỳ nóng, sớm tối gì đó mới có thể ra ngoài làm chút gì, còn buổi trưa chiều mặt trời chói chang, hơi nóng như kim đâm vào làn da đau đớn. (Hãy đọc truyện này tại trang Rừng Hổ Phách) Lâm gia có một cái quạt điện nên bọn nhỏ ba nhà đa phần đều chen chúc trong đó vừa đọc truyện vừa ngồi quạt mát.
Cửa hàng sách nửa công khai nay đã chuyển hẳn thành công khai, chủ quán cũng kéo dài thời gian buôn bán. Buổi sáng và chạng vạng ông ấy đều mở cửa hàng trong chốc lát, chủng loại sách truyện cũng phong phú hơn, không chỉ có truyện tranh mà thậm chí có cả mấy tác phẩm như cuốn truyện khoa học viễn tưởng cho thiếu nhi《 A Clever Boy’s Travel to the Future 》hoặc tác phẩm nổi tiếng thế giới《 Những người khốn khổ 》.
Chủ quán cũng mở mang công việc kinh doanh của mình, gia tăng chủng loại sách báo —— vì quá nhiều truyện nên nếu muốn mượn hết sẽ không có đủ tiền để đặt cọc. Cũng may Lâm Đống Triết đã quá quen với chủ quán nên có thể dựa vào cái mặt để thay tiền thế chấp. Cậu mang sách về cho trẻ con cả ba nhà thay phiên nhau xem, coi như đề cao hiệu quả của tiền thuê truyện.
—
Ngõ nhỏ có người đẩy xe đẩy tay tới mua đồng nát.
Thời tiết sáng sủa nên Hoàng Linh và Tống Oánh ngồi trên băng ghế nhỏ giặt chăn đệm. Lâm Võ Phong và Trang Đồ Nam sức lực lớn nên hỗ trợ vắt và phơi nắng, Lâm Đống Triết thì tưới nước cho đám lặc lè.
Người thu mua đồng nát thét vang khắp hẻm nhỏ, Hoàng Linh vừa dùng sức vò khăn trải giường trên ván giặt vừa thuận miệng hỏi một câu, “Bọn họ thu mua những gì vậy?”
Lâm Đống Triết nói, “Nhiều lắm, từ chậu, chai thủy tinh, giấy bỏ đi……, trạm thu đồng nát mua cái gì thì bọn họ mua cái đó.”
Tống Oánh nói, “Đây có phải người của trạm thu đồng nát ra ngoài thu mua không?”
Lâm Đống Triết đáp, “Không phải, những người này mua với giá thấp rồi bán lại cho trạm thu mua với giá cao hơn.”
Ba người lớn trong sân đều ngây người và trao đổi ánh mắt với nhau.
Tống Oánh nhỏ giọng nói thầm, “Đây không phải đầu cơ trục lợi sao?”
Lâm Võ Phong ha hả cười, “Đống Triết, sao con biết rõ thế?”
Lâm Đống Triết nói, “Con tới trạm thu mua đồng nát để bán sách bài tập năm lớp một của con và Trang Tiêu Đình nên thấy người ta kéo từng xe tới đó bán.”
Lâm Đống Triết rất có đầu óc kinh tế, “Tiền bán được bọn con thuê truyện tranh, mọi người cùng đọc.”
Hoàng Linh buồn bực, “Chỉ bán mỗi sách bài tập của cháu và Tiêu Đình thôi à? Vì sao không bán sách bài tập của Đồ Nam? Sách của nó nhiều hơn hai đứa bao nhiêu.”
Lâm Đống Triết không lên tiếng mà nghiêm túc tưới nước.
—
Ngõ nhỏ bắt đầu có người bán rong đẩy xe đẩy tay vào rao hàng. Hoàng Linh trộm mua một cái chậu rửa mặt và đưa cho Tống Oánh xem, “Hình bát giác, còn không cần phiếu, so với cửa hàng quốc doanh cũng rẻ hơn.”
Tống Oánh nhìn kỹ trong ngoài và tấm tắc bảo lạ, “Hình dạng này, chất lượng này có thể làm quà ăn cưới được ấy chứ. Nhưng sao chị lại đột nhiên nghĩ tới mua chậu mới, mang đi tặng à?”
Hoàng Linh nhỏ giọng nói, “Mua cho Tiêu Đình, con bé cũng lớn rồi, phải dùng chậu riêng……, không thể cứ dùng chung với mọi người được.”
Hoàng Linh nói khá mơ hồ nhưng Tống Oánh lại hiểu, “Đúng vậy, con gái phải chú ý vệ sinh. Aizzz, bọn trẻ con nói lớn là lớn, ngày đó em chải đầu cho con bé thấy tóc nó dày ơi là dày, cầm được một nắm.”
Tống Oánh thấp giọng cười và hỏi, “Chị nhắc tới em mới hỏi, Tiêu Đình lớn thế rồi mà hai vợ chồng chị còn ngủ cùng một gian với nó, vậy buổi tối…… làm sao bây giờ?”
Hoàng Linh trừng mắt nhìn Tống Oánh một cái sau đó cũng không nhịn được tự bật cười, “Còn làm sao nữa? Không làm chứ sao. Vợ chồng già cả rồi, con cũng hai đứa rồi, bọn tôi đã sớm không làm.”
Tống Oánh đẩy Hoàng Linh một chút và cười khanh khách.
—
Buổi tối đó Lâm Võ Phong bưng chậu nước vào nhà và dùng khăn lông nhúng nước lạnh lau mình.
Tống Oánh nhìn thấy cái chậu và nhớ tới cái chậu nhà họ Trang mới mua sau đó cảm khái kể cho chồng nghe, “Trời nóng như thế mà người ta còn đội ánh mặt trời chói chang đẩy cả cái xe đi bán chậu rửa mặt, gõ cửa từng nhà để bán hàng, còn thường bị coi khinh, đúng là quá vất vả. Aizzz, mà những xưởng nhỏ này lấy nguyên liệu từ chỗ nào thế?”
Lâm Võ Phong nói, “Nguyên liệu xưởng quốc doanh thải ra, sắt vụn, dây điện gì gì đó, có vài thứ bọn họ sẽ bán cho trạm thu mua đồng nát, có vài thứ trực tiếp ném. Xưởng tư nhân hoặc xưởng nhỏ hoặc nhặt, hoặc mua và coi như bảo bối mà mang về tái chế.”
Tống Oánh hỏi, “Thế này có tính là đầu cơ trục lợi không?”
Lâm Võ Phong lắc đầu, “Không biết.”
Sau đó anh nghĩ nghĩ và nói, “Những xưởng nhỏ này vẫn mang tính tập thể, còn nhiều trường hợp khác đều là cá nhân. Ngày đó Đống Triết nói người ta tới hẻm nhỏ thu mua đồng nát để ăn giá chênh lệch thế là anh tới xưởng hỏi mới biết cũng có rất nhiều người thu mua phế liệu từ xưởng với giá thấp rồi bán trao tay cho các xí nghiệp tư với giá cao hơn. Những người này đều là tư nhân, kiếm tiền bỏ vào túi mình, số lượng mua bán cũng rất lớn nhưng hình như chẳng ai quản.”
Lâm Võ Phong lau người xong thì ném khăn lông vào chậu.
Tống Oánh tiện tay vớt khăn lông ra và vắt khô rồi lau chiếu, “Vẫn là tiền lương trong xưởng tốt, ổn định lại thoải mái. Giống thầy Trang càng tốt hơn, được người ta kính trọng còn có nghỉ đông và nghỉ hè.”
Tống Oánh đột nhiên nghĩ đến cuộc hội thoại buổi chiều và một câu “không làm” của Hoàng Linh thì cười ha ha. Cười xong cô mới nói với Lâm Võ Phong, “Chiều nay chị Linh nói với em là Tiêu Đình đã trưởng thành, cần có không gian của riêng mình. Thầy Trang đi chấm thi sẽ được trợ cấp nên chị ấy muốn chờ thời tiết mát mẻ hơn sẽ chia phòng ngủ thành hai gian. Chị ấy hỏi anh có cách nào mua được chút gỗ cũ giá rẻ không.”
—
Giữa tháng 7 Trang Siêu Anh cuối cùng cũng về tới nhà, cả người gầy một vòng. Anh nghe được một tin tức tốt từ vợ đó là Trang Đồ Nam đã thi đậu trường trọng điểm của thành phố, giấy trúng tuyển đã có.
Lúc này hai đứa nhỏ đều ở nhà họ Lâm đọc truyện vì thế trong nhà rất yên ắng. Trang Siêu Anh thở dài một tiếng và ngồi ở mép giường.
Hoàng Linh thúc giục chồng, “Anh nói cái gì đi!”
Trang Siêu Anh nhẹ giọng nói, “Vui, anh rất vui.”
Ngoài cửa sổ là dây lặc lè leo trên giá, tiếng côn trùng kêu vang, Trang Siêu Anh ngơ ngác nghe một lát mới nói, “Một phòng ký túc xá bốn người ở. Trong ấy cực kỳ nóng nên buổi tối không thể ngủ được và mọi người bắt đầu nói chuyện phiếm. Có một thầy giáo ở đại đội tại Vân Nam nói mấy vạn thanh niên trí thức ở đó đều đồng lòng đề nghị được về thành phố.”
Hoàng Linh “A” một tiếng, “Nhưng lấy đâu ra nhiều việc như thế? Trong thành phố còn bao nhiêu người đang chờ sắp xếp công việc kia kìa.”
Trang Siêu Anh cực kỳ bi thương nói, “Hoa Lâm không về được rồi. Con bé đã kết hôn ở Quý Châu, lại có công việc, không phù hợp với chính sách cho thanh niên trí thức trở về. Con bé không về được nữa rồi.”
Trang Hoa Lâm là em gái của Trang Siêu Anh, nhiều năm trước cô hưởng ứng lời kêu gọi của quốc gia và xuống vùng nông thôn ở Quý Châu sau đó kết hôn, có một đứa con trai tên là Hướng Bằng Phi. Hoàng Linh nghe chồng nói thế thì không biết an ủi anh thế nào, chỉ có thể trầm mặc.
Trang Siêu Anh gật đầu thật mạnh, “Thế nên Đồ Nam và Tiêu Đình đều phải học cho tốt, như thế tương lai mới có thể đi giày da, nếu không cả đời này chỉ có thể đi giày rơm.”
Trang Siêu Anh nhớ tới một chuyện và nói, “Đúng rồi, lúc về nhà anh có qua trường một chuyến. Chủ nhiệm phòng Giáo vụ nói trường học cảm thấy anh tham gia chấm thi đại học hai lần hẳn sẽ có kinh nghiệm nên điều anh tới dạy các cuối cấp chuẩn bị tốt nghiệp. Công việc ở đó nặng nhọc nhưng có lợi cho việc thăng tiến, em thấy sao?”
Hoàng Linh thở dài, “Anh vừa nói tới các lớp sắp tốt nghiệp thì em cũng có chuyện muốn nói. Mẹ Lý Nhất Minh nói thằng bé và Tống Hướng Dương lại trượt. Chị ấy còn nói hai đứa không định thi tiếp.”
—
Dù hai vợ chồng nhà họ Trang đã cố khiêm tốn nhưng hàng xóm vẫn nhanh chóng biết tin Trang Đồ Nam thi đậu Nhất Trung.
Ngô San San và Trương Mẫn đang học lớp 5 vì thế Ngô Kiến Quốc cũng động lòng nói với Trương A Muội, “Anh nghe nói lão Trang đã tổng kết lại trọng điểm môn ngữ văn và toán của tiểu học để Đồ Nam luyện theo và thi đỗ Nhất Trung.”
Trương A Muội cười cười nói, “Tương lai Tiểu Mẫn có thể vào làm thay em, San San có thể học trường nghề, sau khi ra trường sẽ được nhà nước phân công việc ngay.”
Rồi cô ta lại nói ra lời cảm khái từ đáy lòng, “Phúc lợi của xưởng dệt thật tốt, có nhà ăn, nhà tắm, nhà trẻ, tiểu học, con gái vào đó tìm chồng cũng dễ hơn.”
Ngô Kiến Quốc hơi do dự, “Quốc gia đã khôi phục thi đại học, sinh viên vừa tốt nghiệp sẽ là cán bộ đó.”
Trương A Muội đang chải đầu nghe vậy thì đập cái lược bốp lên bàn và cười cười nói, “Lão Ngô, trong nhà miễn cưỡng coi như có thể ăn no, chút tiền lương của anh đủ cho hai đứa nhỏ vào đại học hả?”
Ngô Kiến Quốc và Trương A Muội là cưới lần hai vì thế chỉ cần nói tới đây là ai cũng hiểu. Ngô Kiến Quốc cũng không hề hé răng nữa.
—
Cuối tháng 8, sau ba tháng yên lặng đài truyền hình Tô Châu đã hoàn thành việc biên tập số đặc biệt của chương trình ca múa nhạc thiếu nhi. Cung Thiếu Nhi biết được lịch phát sóng từ đài truyền hình thì gọi điện báo cho phụ huynh có con tham gia tiết mục.
Sau cơm chiều mấy nhà trong hẻm nhỏ đều chen trong nhà họ Trương để xem ké TV —— bởi vì trong con hẻm bé tí cũng có hai đứa nhỏ tham gia tiết mục nên mọi người rất tự hào. Nhà họ Trương kéo dây điện thật dài và dọn TV ra sân cho mọi người cùng tới xem.
Tống Oánh hưng phấn cực kỳ. Trước mấy ngày cô đã dùng gạo nếp, mỡ heo và vừng làm bánh cho mọi người vừa ăn vừa xem TV.
Trước TV toàn người là người, tiết mục thì xuất sắc, bánh ngọt thì đậm đà nên hàng xóm vừa ăn vừa tán gẫu, cực kỳ hoà thuận vui vẻ.
Đầu tiên là đại hợp xướng, Trang Tiêu Đình đứng ở hàng đầu tiên của đoàn hợp xướng và nghiêm túc hát xong hai bài đồng dao.
Ngô Kiến Quốc là người phát biểu ý kiến đầu tiên, “Hát hay quá, má hồng đánh lên trông cũng vui mừng.”
Ông lão nhà họ Trương đưa ra đề nghị táo bạo, “Tiêu Đình à, cháu phải luyện giọng cho tốt nhé, sau này chắc chắn có thể đứng ở vị trí lĩnh xướng đó.”
Trương A Muội rất thích Tiêu Đình vì đứa nhỏ này ngoan ngoãn lại hiền lành vì thế lập tức cười và nói đỡ, “Lĩnh xướng đều là đứa lớn hơn, Tiêu Đình còn nhỏ, về sau còn nhiều cơ hội.”
Tống Oánh khó có lúc đồng ý với Trương A Muội, “Chứ còn gì nữa, liếc mắt một cái là đã thấy Tiêu Đình xuất sắc nhất, tương lai nhất định có thể đứng ở vị trí lĩnh xướng.”
Trong lúc cười nói ấy TV bắt đầu chiếu tới tiết mục múa của Lâm Đống Triết. Trong đó một đám nhỏ vừa xoay tròn vừa hát, Lâm Đống Triết vừa đánh trống vừa nhảy tới hàng phía trước.
Lâm Đống Triết tươi cười xán lạn vì thế người quay phim cũng ưu ái cho cậu không ít thời lượng.
Trên màn hình Lâm Đống Triết đang cười thì trong miệng đột nhiên có cái gì đó màu trắng rơi ra. Cậu vừa gõ trống vừa cúi đầu khom lưng nhặt cái thứ kia định bỏ lại vào miệng.
Người quay phim phát hiện không đúng thế là lập tức chuyển cảnh sang đứa nhỏ khác.
Hàng xóm trợn mắt há hốc mồm rồi sôi nổi quay đầu nhìn về phía Lâm Đống Triết còn cậu thì vẫn nhếch miệng cười xán lạn.
Lâm Đống Triết đang thay răng, hai cái răng cửa đều sún.
Lâm Đống Triết hoàn toàn không thèm để ý tới biểu tình hoặc kinh ngạc hoặc nghẹn cười của mọi người mà thoải mái hào phóng nhếch miệng cười, vô cùng vui vẻ chờ mọi người khích lệ mình.
Ông lão nhà họ Trương nghẹn nửa ngày mới miễn cưỡng nghẹn ra một câu, “Đống Triết nhảy thật…… hoạt bát.”
Hoàng Linh cố nhịn cười, “Cực kỳ phù hợp với không khí tết thiếu nhi.”
Những người khác đều im lặng một cách quỷ dị.
Trong khung cảnh im lặng ấy Trang Tiêu Đình thật cẩn thận hỏi, “Lâm Đống Triết, có phải cậu muốn nhét cái răng gãy kia vào miệng không?”
Trang Siêu Anh thật sự không nhịn được nữa và cứ thế cười ha ha, Ngô Kiến Quốc cũng cất tiếng cười to, mọi người thì giống như bị lây bệnh và sôi nổi cười ha hả.
—
Lâm Võ Phong lại đưa bọn nhỏ tới Cung Thiếu Nhi và được giáo viên gọi tới trêu ghẹo, “Đống Triết nhà anh nổi tiếng khắp đài truyền hình rồi đó.”
Lâm Võ Phong cười gượng hai tiếng, trong khi ấy một giáo viên khác vừa cười vừa giải thích, “Một giáo viên có người quen ở đài truyền hình nên đã hỏi vì sao bọn họ không cắt đoạn của Lâm Đống Triết đi?”
Vị giáo viên đầu tiên cười ha ha bổ sung, “Người của đài truyền hình trả lời ‘Tổ tiết mục của chúng tôi nghiên cứu nửa ngày, cuối cùng lãnh đạo nói đứa nhỏ ‘thiếu răng’ kia cười quá xán lạn vì thế giữ lại một màn ấy đi.”
------oOo------