Những Nhà Nơi Hẻm Nhỏ

Chương 23: 23: Núi Cao Đường Xa Người Nghèo




Năm tháng đại học.

Sinh viên nam và nữ trong lớp không có tiếp xúc gì với nhau, phân chia rất rõ ràng nhưng vì đoạn nhạc đệm này và đống táo cùng điểm tâm kia mà tình cảnh ấy bị gián đoạn. Quả táo thơm ngọt, điểm tâm vừa miệng, mọi người trong nhà đều thích. Vì thế lúc đi trên đường nếu Lý Giai có gặp Trang Đồ Nam cũng sẽ gật đầu chào hỏi, nhưng cũng chỉ có thế.



Có điều ngăn cách giữa sinh viên nam và nữ nhanh chóng bị phá vỡ vào lúc cuối kỳ khi bọn họ tụ tập ở phòng học hoàn thành bài tập suốt đêm.

Trải qua một học kỳ học đo vẽ bản đồ, chế tạo mô hình và các loại hình huấn luyện khác, các giảng viên bắt đầu cho bài tập cuối kỳ, “Một học kỳ này các em tập trung học các môn thiết kế cơ sở và được huấn luyện không ít cách thức thể hiện mô hình. Hiện tại chúng tôi quyết định dùng hai đề bài lớn để thử xem mọi người học tập thế nào. Đề một là dùng bìa cứng làm một cái ghế dựa, chú ý biểu hiện về kích thước và không gian.”

Giảng viên thu dọn tài liệu nói, “Đề thứ hai là đo vẽ bản đồ thư viện trường.”

Hai đề này khác nhau một trời một vực khiến cả lớp ngây người còn giảng viên thì vỗ vỗ tay nói, “Nhắc nhở mọi người một chút, đề một yêu cầu thiết kế, phải ‘phóng’ còn đề thứ hai là yêu cầu thể hiện chính xác nhất có thể nên phải ‘thu’. Nhưng dù là ‘phóng’ hay ‘thu’ thì các em đều cần phải phát huy sức tưởng tượng của mình với không gian, phải tưởng tượng không ngừng.”

Trên mặt giảng viên lộ ra vẻ mặt nghịch ngợm như đứa trẻ, “Trong thiết kế thì quan trọng nhất là ‘tưởng tượng’, và đó chính là ‘chơi’. Các em cứ buông thả mà chơi, vui vẻ mà chơi.”

Cả lớp ồ lên.



Các tân sinh viên lần đầu tiên chịu sự chà đạp của việc học thế là tất cả đều nổi điên.

Trong phòng học như quần ma loạn vũ, tiếng kêu rên vang khắp nơi, mọi người vây quanh đống bìa cứng vắt hết óc. Bọn họ mới chạy trốn khỏi kỳ thi đại học sôi sục máu lửa nay hoàn toàn không thích ứng được với yêu cầu của loại bài tập này và không biết phải ‘chơi’ như thế nào. Nhiều năm tu dưỡng nghiêm khắc, sao có thể một sớm một chiều phá vỡ mà ‘chơi’ cho thỏa? Làm sao có thể vận dụng nguyên lý thiết kế cùng các kiến thức khác để mà ‘chơi’ đây?

Không có đầu mối thế là cả đám bất chấp giới hạn nam nữ cùng vây một chỗ tham khảo, vài ngày sau mọi người cũng quen thuộc hơn.



Làm xong hai phần bài tập thì kỳ học đầu tiên cũng kết thúc, Trang Đồ Nam về nhà nghỉ đông.

Lúc cậu về tới nhà đã là buổi chiều, Trang Siêu Anh ở trường học, Hoàng Linh đi làm, trong nhà chỉ có một mình Trang Tiêu Đình.

Trang Đồ Nam thấy Hướng Bằng Phi cũng không ở nhà. Vì kỳ nghỉ đông quá ngắn, số người về quê ăn tết quá khủng khiếp nên Hướng Bằng Phi không về Quý Châu mà ở lại Tô Châu ăn tết. Nay không thấy thằng nhóc đâu nên cậu buồn bực hỏi, “Bằng Phi đâu? Trời lạnh thế nó còn ra ngoài chơi à?”

Trang Tiêu Đình vội vàng giúp anh trai dọn hành lý và đáp, “Anh ấy tới phòng Lâm Đống Triết làm bài, được một lúc lâu rồi.”

Trang Đồ Nam nghĩ nghĩ gì đó và rón ra rón rén đi đến phòng phía tây sau đó đột nhiên đẩy cửa.

Cửa khóa, đẩy không được, còn có tiếng Lâm Đống Triết hỏi to, “Ai?”

Từ khe cửa cậu thấy Trang Đồ Nam thế là vui vẻ hô hét “anh Đồ Nam” sau đó lẹp xẹp lẹp xẹp chạy tới mở cửa.

Trang Đồ Nam vọt tới TV và không nói hai lời đã xốc tấm vải trùm lên duỗi tay sờ phía sau TV.

Quả nhiên không ngoài dự đoán, TV nóng bỏng.

Hướng Bằng Phi và Lâm Đống Triết cùng nhau nhào tới. Hướng Bằng Phi thì chắp tay cầu xin, Lâm Đống Triết thì chớp chớp mắt nhận sai, “Anh Đồ Nam, bọn em sai rồi, anh đừng nói với mẹ em nhé.”

Hướng Bằng Phi và Lâm Đống Triết liếc nhau sau đó cùng rống lên, “Anh Đồ Nam, bọn em sai rồi, sai quá rồi.”

Trang Đồ Nam vừa tức vừa buồn cười mà đập cho mỗi đứa một phát.



Hướng Bằng Phi và Trang Tiêu Đình đều học lớp 9 rồi nên để bảo đảm môi trường học tập nhà họ Trang vẫn kiên quyết không mua TV.

Tới đêm 30 năm 1984 hai nhà vây quanh phòng phía tây cùng xem xuân vãn.

Tiểu phẩm《 ăn mì sợi 》của Trần Bội Tư khiến hai nhà cười nghiêng cười ngửa. Lâm Võ Phong giễu cợt hai con khỉ Hướng Bằng Phi và Lâm Đống Triết, “Tương lai hai đứa mà học không ra gì thì có thể đi diễn tiểu phẩm cũng được đó.”

Tống Oánh mắng, “Tết nhất nói cái gì đó may mắn đi, trẻ con trong nhà này đứa nào chả giỏi, ắt sẽ đứa nọ nối đứa kia theo chân Đồ Nam vào đại học.”

Hoàng Linh cũng nói, “Kỹ sư Lâm nói sai nên phải phạt ba chén.”

Lâm Võ Phong cười và bưng chén rượu trên bàn rồi nói với cha con Trang Siêu Anh, “Đồ Nam cũng là người lớn rồi, uống một chén chứ hả?”

Lâm Võ Phong cụng ly với Trang Siêu Anh rồi ngửa cổ uống một hơi cạn sạch, “Thầy Trang, rượu này không tồi.”

Trang Siêu Anh cũng nhấp một ngụm, “Là Tiền Tiến mang từ nơi khác về đó.”

Tống Oánh quay đầu hỏi Hoàng Linh, “Sao hai bên có vẻ thân thiết thế?”

Hoàng Linh gật gật đầu, “Cháu gái cậu ấy học một trường không tốt lắm mà vừa lúc Siêu Anh lại quen người phụ trách khu ấy nên giật dây giúp đổi trường. Vì chuyện này mà hôm trước cậu ấy xách hai chai rượu tới chúc tết.”

Hoàng Linh nhìn thoáng qua mấy đứa nhỏ đang cười đùa và thấp giọng nói, “Cậu ấy nói sáng sớm ngày kia sẽ lái xe đưa người tới chùa Hàn Sơn để thắp hương đầu năm, Siêu Anh là đảng viên nên không đi, trên xe còn một chỗ nữa em có muốn đi không?”

Tống Oánh đồng ý ngay, “Đi, đương nhiên đi, em phải thắp hương cầu Bồ Tát phù hộ Đống Triết thi đậu Nhất Trung.”





Hai nhà Trang và Lâm vẫn theo quy củ cũ mà phát lì xì cho bọn nhỏ trong nhà.

Nhà họ Trang chỉ cần lì xì mỗi Lâm Đống Triết nhưng nhà họ Lâm lại phải chuẩn bị ba bao lì xì. Vốn Hoàng Linh định bỏ qua tục lệ này nhưng Tống Oánh khăng khăng giữ. Hoàng Linh biết kinh tế của nhà họ Lâm hiện nay tốt nên cũng không cố chấp.

Giá cả tăng cao, bao lì xì từ một tệ biến thành hai tệ nhưng lúc Trang Đồ Nam mở bao lì xì của mình lại thấy bên trong có ba tờ đại đoàn kết.

Mỗi tháng quốc gia trợ cấp cho cậu 14 tệ sinh hoạt phí cùng phiếu gạo theo tiểu chuẩn. Lúc này Tống Oánh vừa ra tay đã cho cậu đủ tiền sinh hoạt phí của hai tháng.

Sau khi Hoàng Linh biết số tiền lì xì cũng hoảng sợ nghĩ nghĩ nhưng vẫn để cậu nhận lấy, “Ba con thường xuyên giảng bài cho Đống Triết vì thế tiền này con cứ nhận lấy, ba mẹ sẽ trả lại ân tình cho nhà họ.”

Lâm Đống Triết nghe Hướng Bằng Phi kể thì biết số tiền lì xì Trang Đồ Nam nhận được thế là cậu cực kỳ hâm mộ, “Mẹ tớ vẫn luôn thích anh Đồ Nam, tiếp theo là Trang Tiêu Đình, thứ ba là……”

Lâm Đống Triết nhìn nhìn Hướng Bằng Phi và cười hê hê, “Thứ ba là tớ.”

Hướng Bằng Phi không thèm để bụng, “Tớ có ba mẹ, bác cả và bác dâu cả thích là đủ rồi.”

Hoàng Linh đang ngồi bên gói hoành thánh đột nhiên nghe thấy “Ba mẹ, bác cả và bác dâu cả” thì ngẩn người và khẽ cười.

Trang Đồ Nam nhìn ba tờ đại đoàn kết đỏ rực thì quyết định thất tín bội nghĩa và bán đứng Lâm Đống Triết.



Tết Âm Lịch được nghỉ bảy ngày nhưng Lâm Võ Phong chỉ nghỉ ngơi ba ngày.

Rạng sáng ngày mùng ba lúc người lớn trẻ nhỏ trong nhà còn đang ngủ nướng thì anh xách theo một cái túi du lịch vội vàng đuổi tới ga tàu hỏa cùng xưởng trưởng An đi công tác.



Xí nghiệp tư nhân mà Lâm Võ Phong làm thêm mỗi năm sẽ giao một số tiền cho một xưởng linh kiện chủ chốt ở Tô Châu để mua sắm linh kiện thông qua họ. Sau đó máy nén làm lạnh bọn họ sản xuất ra sẽ tự tiêu thụ. Nhưng theo nhu cầu nguyên vật liệu ngày càng lớn thì xưởng linh kiện kia cũng quyết định sẽ không bán linh kiện cho xưởng tư nhân nữa.

Người phụ trách của xưởng linh kiện kia nói rất khách sáo, “Nguyên liệu vào xưởng của chúng tôi có hạn ngạch, nhu cầu của bên các anh thực sự quá lớn. Nếu bán hết nguyên liệu cho các anh rồi thì chúng tôi hoàn toàn không hoàn thành được kế hoạch quốc gia đề ra.”

Xưởng trưởng An của xí nghiệp tư chỉ có thể chạy đi cầu cạnh khắp nơi. Ông ấy chạy khắp các xưởng lớn của Tô Châu nhưng giống như đụng phải tường. Xưởng quốc doanh có hạn ngạch về nguyên liệu và sản lượng, không thể tùy tiện phân phối.

Mùng 2 tết xưởng trưởng An mang hai hộp trà tới nhà họ Lâm chúc tết và ngồi uống mấy chén với Lâm Võ Phong.

Tống Oánh bưng một hộp mứt tết đến, xưởng trưởng An bốc một nắm lạc, vừa ăn vừa nói, “Kỹ sư Lâm, anh chỉ phụ trách kỹ thuật nhưng tôi biết anh là người thận trọng nên cũng đã biết tình hình thiếu nguyên liệu của xưởng. Hôm nay tôi nói thẳng với anh luôn. Có người thấy tôi chạy vạy khắp nơi thì lén nói với tôi chỉ cần tới Ôn Châu là có thể mua được dây điện. Có vài nhà xưởng còn có thể căn cứ theo bản vẽ mà sản xuất ra pít-tông, trục cong giống hệt. Tôi đã cân nhắc rồi, Ôn Châu có thể sản xuất thì nhất định phải có nguyên vật liệu. Năm trước tôi đã tới Ôn Châu một chuyến, muốn tìm hiểu con đường nhập nguyên vật liệu của bọn họ…”

Tống Oánh bưng hai cốc trà nóng tới. Xưởng trưởng An đón lấy một cốc và cảm ơn liên tục, “Tôi ngồi một lát là đi thôi, không cần phiền toái đâu.”

Sau đó ông ấy buông chén trà, mất hồn mất vía ngẩn ra một lát mới nói tiếp, “Kết quả tới Ôn Châu rồi tôi mới thấy sản phẩm bọn họ đã gia công, so với đống hàng tôi lấy từ xưởng quốc doanh còn rẻ hơn.”

Ông ấy dừng lại và thấy biểu tình trên khuôn mặt nghiêm túc của Lâm Võ Phong thay đổi thì biết anh nghe hiểu, “Kỹ sư Lâm, bản vẽ là do anh thiết kế, pít-tông, trục cong có kích cỡ thế nào cũng do anh thử mà ra. Nếu muốn tìm một xưởng ở Ôn Châu làm theo mẫu thì anh là người duy nhất hiểu rõ, tôi biết hiện tại là ăn tết……”

Xưởng trưởng An luôn lấy lễ đối đãi với Lâm Võ Phong, mà trong khoảng thời gian này anh cũng thấy ông ấy vì chuyện nguyên vật liệu mà sứt đầu mẻ trán vì thế anh nói, “Tôi cũng chỉ có mấy ngày nghỉ tết này. Nếu thực sự có việc gì thì cũng chỉ có thể tranh thủ mấy ngày này để làm. Lão An, tôi thương lượng với vợ một chút, lúc nào có quyết định tôi sẽ gọi điện cho anh, hẳn là không thành vấn đề.”



Lâm Võ Phong và xưởng trưởng An tới Thượng Hải tìm mấy nhà bán máy nén để tham khảo kích cỡ cùng giá cả rồi ngồi tàu biển qua cả đêm xóc nảy sóng gió tới được bến tàu êm đềm của Chiết Giang Ôn Châu.

Vì cả đêm xóc nảy cùng mùi dầu diesel của động cơ tàu biển nên dạ dày Lâm Võ Phong như sóng cuộn biển gầm. Anh ngồi trên một tảng đá bên bến tàu hít thở một lúc. Xưởng trưởng An cũng không tốt hơn anh bao nhiêu nhưng ông ấy không chịu ngồi trên tảng đá mà ngồi xổm trên mặt đất nghỉ tạm.

Lâm Võ Phong híp mắt nhìn chung quanh. Khói sóng bao phủ Âu Giang, bến tàu là người ra vào nối liền không dứt.

Lúc này xưởng trưởng An đã khá hơn một chút nên đứng lên chỉ ngón tay về một công trường cách đó không xa và nói, “Kỹ sư Lâm cũng là lần đầu tới Ôn Châu đúng không? Đó chính là công trường xây cao ốc Đông Âu, nghe nói sang năm là xong, cao mười mấy tầng đó.”

Lâm Võ Phong cũng đứng lên, “Đó là nơi tập kết hàng và giao dịch của hơn 400 loại thương phẩm. Chúng ta tới thị trấn Liễu trước nhé? Đi như thế nào ấy nhỉ?”



Giao thông tới thị trấn Liễu không quá thuận lợi.

Gió lạnh thấu xương, Lâm Võ Phong và xưởng trưởng An co vai rụt gối ngồi trong cái xe ba bánh của nhà nông được cải tiến với mái che. Bọn họ hứng gió Tây Bắc chừng nửa tiếng rồi lại lên phà vượt qua Âu Giang và đổi xe khách đường dài.

Dù vẫn còn đang trong kỳ nghỉ Tết Âm Lịch nhưng xe khách đường dài đã chật cứng. Xưởng trưởng An và Lâm Võ Phong coi như may mắn cướp được hai chỗ ngồi.

Xe khách gầm gào khởi động rồi sượt qua chiếc xe đi theo hướng ngược chiều. Tầm mắt Lâm Võ Phong nhìn nóc xe đối diện buộc đầy bao tải cao ngất.

Xưởng trưởng An chú ý tới ánh mắt anh thì giải thích, “Đây là xe trở hàng hóa từ thị trấn Liễu, trên nóc xe là các sản phẩm sẽ được phân phối tới cả nước.”

Lâm Võ Phong cảm thán, “Trước khi tới tôi còn sợ mọi người đang ăn tết không mở cửa làm ăn, đúng là kiến thức của tôi hạn hẹp quá, lo lắng toàn điều thừa.”

Trên lối đi nhỏ có một hành khách đang ngồi ghế nhỏ nhắm mắt nghỉ ngơi thấy thế thì nói tiếp, “Kiếm tiền đâu quan trọng gì ngày tháng, có tiền là làm thôi.”

Tình hình giao thông không tốt, thân xe nảy lên một cái còn Lâm Võ Phong thì buồn bực nói, “Nếu cả nước được coi là một thị trường lớn thì vì sao việc sản xuất lại được thiết lập ở một trấn nhỏ giao thông không tiện thế này? Từ nội thành Ôn Châu đến đây đã mất ba tiếng, việc nhập hàng hóa quá khổ, quá không tiện.”

Xưởng trưởng An từng nói chuyện với người của thị trấn Liễu nên biết một chút, “Thị trấn Liễu là nơi từ xưa đã không tiện về giao thông, ruộng đất cũng có hạn nên mọi người mới thường bỏ ra ngoài làm công. Sau đó chính sách thay đổi và dần dần nơi này mới hình thành thế cục ‘trước cửa hàng, sau xưởng, hai bánh cùng chạy’ thế này.”



Hành khách ngồi trên ghế nhỏ mở mắt và cười. Xưởng trưởng An thấy anh ta có hứng thú nói chuyện thì lấy một điếu thuốc đưa cho người kia nhưng đối phương chỉ cười và xua tay từ chối.

Lâm Võ Phong đưa một cái kẹo bạc hà bọc đường qua. Đây là món kẹo xa xỉ mà Trang Đồ Nam mang từ Thượng Hải về. Nếu bỏ vào miệng sẽ thấy vị bạc hà mát lạnh, vị khách kia cũng vì thế mà tỉnh táo hẳn.

Anh ấy nói, “Nghe giọng của hai người thì không phải người địa phương……”

Xưởng trưởng An nói, “Chúng tôi là người ở Tô Châu, Giang Tô.”

Hành khách kia nghe thế thì nói tiếp, “Chỗ các anh giàu có, toàn xưởng quốc doanh lớn, được chính phủ quản nghiêm, hoạt động kinh tế đều có kế hoạch. Ôn Châu lại có rất nhiều địa phương vốn cực nghèo, tôi nói là nghèo thật ấy. Chúng tôi không có ruộng, không có xưởng, đời đời đều nghèo tới độ cơm không có mà ăn, cả nhà có mỗi một cái quần, ai ra cửa thì mặc. Mà càng là chỗ nghèo thì chính phủ càng mắt nhắm mắt mở để nơi thâm sơn cùng cốc này có mấy xưởng gia đình, mua vào bán ra ăn chút tiền chênh lệch nên thị trường bán sỉ mà các anh nhắc tới đều tập trung ở những bản làng hẻo lánh nơi thâm sơn cùng cốc.”

Lâm Võ Phong nghe thế thì hiểu, “Càng là chỗ nghèo thì chính sách của địa phương càng linh hoạt.”

Xưởng trưởng An liên tục gật đầu, “Nói tới chính sách phát triển kinh tế thì Ôn Châu lấy kinh tế cá thể làm chủ đạo. Ở Tô Châu vẫn lấy kinh tế tập thể làm chủ đạo, chúng tôi……, tôi là người của xí nghiệp tư nhân, mà kinh tế tập thể lại do chính phủ kiểm soát nên có nhiều hạn chế.”

Xưởng trưởng An chỉ chỉ Lâm Võ Phong bên cạnh, “Anh ấy làm việc cho xí nghiệp quốc doanh, là kỹ sư có tay nghề.”

Hành khách kia nhìn Lâm Võ Phong và cười nói, “Những cong vòng vừa rồi anh nghe đã hiểu thì có vẻ không giống người của xí nghiệp quốc doanh lắm.”

Lâm Võ Phong nói, “Quê tôi ở Mân Nam, là vùng nông thôn vừa nghèo vừa xa xôi. Người nghèo lại không bị thể chế quản thúc nên gan lớn, chính sách vừa buông bọn họ đã xôn xao đua nhau làm kinh tế.”

Một vị khách ở hàng phía sau vẫn nghe bọn họ nói chuyện phiếm thấy thế thì thở dài nói nhỏ, “Nghèo đến phát sợ.”



Bọn họ câu được câu không mà nói chuyện phiếm thế nên thời gian cũng trôi qua thật nhanh. Sau ba tiếng xóc nảy xe khách tới thị trấn Liễu của Ôn Châu.

Lâm Võ Phong kéo cửa sổ được một khe nhỏ và nhìn chung quanh. Không khí bên ngoài cửa cũng không tươi mát, trong gió lạnh hỗn độn các loại rác sinh hoạt, mùi thuộc da, mùi kim loại. Một con đường bẩn thỉu kéo dài về phía trước. Nó cực kỳ lầy lội, dơ bẩn với tuyết đọng và dấu chân hỗn độn, ngoài ra còn vết bánh xe và những mảnh pháo vụn.

Hai bên đường phố là cửa hàng rực rỡ muôn màu. phía sau là từng nhà xưởng loại nhỏ vang lên tiếng kim loại leng keng không ngừng.



Tới mùng 9 Lâm Võ Phong lên đường trở về. Tống Oánh lấy cớ giúp anh xin nghỉ được ba ngày sau đó anh cần thiết phải trở về đi làm. Xưởng trưởng An còn muốn chạy mấy chỗ nữa để khảo sát giá nên sẽ về muộn hơn 2 ngày.

Trên đường về anh không cần đi Thượng Hải nên lên xe lửa chạy thẳng từ Ôn Châu tới Tô Châu. Trong toa xe màu xanh chen đầu đám công nhân ra cửa làm ăn. Trong WC, trên lối đi đều là người, trên kệ để hành lý, dưới chỗ ngồi, ở thùng xe là những bao tải căng tràn.

Lâm Võ Phong chỉ mua được vé đứng nên đành chen chúc trong đám người. Anh bị chen kẹt cứng không thể nhúc nhích, chỉ có thể hơi vặn vẹo người để quay mặt về phía cửa sổ. Tầm mắt của anh chỉ nhìn thấy mấy bao tải được cố định ở giá để hành lý.

Không khí trong xe vẩn đục, trên bao tải tràn đầy dấu chân hoặc cũ hoặc mới. Mấy con bọ chó nhảy nhót trên bao tải. Lâm Võ Phong nhìn những dấu giày và mấy con bọ chó kia thì dạ dày cuộn lên từng cơn.

Anh sống một ngày bằng một năm, cuối cùng cũng tới Tô Châu. Lâm Võ Phong cùng một đám hành khách xuống xe lửa.

Không khí lạnh lẽo khiến tinh thần của anh rung lên, Lâm Võ Phong thở dài một hơi, “Rốt cuộc cũng về đến nhà.”



Trước tiên anh tới nhà tắm công cộng tắm nước ấm một trận sạch sẽ thoải mái để gột rửa mọi bụi bặm trên đường về nhà.

Trong căn nhà nhỏ không khí an tĩnh, Lâm Võ Phong vừa tiến vào đã phát hiện một biến hóa —— cửa phòng phía tây thay khóa.

Lâm Đống Triết nghe thấy tiếng mở cửa thì vèo ra khỏi phòng Trang Đồ Nam, “Ba vào phòng con nghỉ ngơi đi, mẹ mang chìa khóa đi rồi, đợi mẹ tan làm là ba có thể vào phòng của mình.”

Sau đó thằng nhóc bổ sung, “Ba có muốn ăn cơm không? Anh Đồ Nam bắt con làm bài thi, chỉ còn một chút nữa là con làm xong rồi, sau đó con sẽ đi hâm nóng cơm cho ba.”

Lâm Võ Phong đột nhiên cảm thấy trời hôm nay sao mà đẹp quá, à, hóa ra Phật tổ Trang Đồ Nam đã cưỡi mây cưỡi gió về quản Tề Thiên Đại Thánh nhà mình.

Trang Đồ Nam cũng vừa lúc xuất hiện ở cửa, “Chú Lâm đã về rồi ạ?”

Lâm Võ Phong gật đầu đáp lời cậu rồi mới buồn bực hỏi con trai, “Sao mẹ con lại phải đổi khóa cửa phòng chính?”

Lâm Đống Triết héo rũ và không nói gì.

Trang Đồ Nam đứng sau lưng Lâm Đống Triết dùng khẩu hình nói gì đó với Lâm Võ Phong nhưng trong lúc nhất thời anh không hiểu ý gì.

Lâm Võ Phong vào phòng Lâm Đống Triết và thình lình phát hiện thay đổi thứ hai trong nhà. Cánh cửa thông giữa phòng ngủ chính và phòng của Lâm Đống Triết trước đây không khóa nhưng hiện tại đã khóa.

Lâm Võ Phong đột nhiên hiểu vừa rồi Trang Đồ Nam dùng khẩu hình nói “TV”, hóa ra TV ở trong phòng ngủ chính.

Lâm Võ Phong nhớ tới vẻ mặt vô tội của Trang Đồ Nam thì cực kỳ tán thưởng, “Chiêu này đúng là tàn nhẫn, đánh rắn phải đánh dập đầu. Đứa nhỏ này vừa hiểu chuyện, tâm tư lại ngay thẳng nhưng vẫn có phần gian xảo, thật có phong phạm của mình hồi trẻ.”

 

------oOo------