Những Bông Hồng Trong Thung

Chương 3




Hai đêm sau liên tiếp Nguyên đều ghé qua chỗ anh em đậu xe ngoài bờ hồ. Lúc đầu khi thấy Nguyên tiến đến trong bụng tôi rộn lên vì không nghĩ mình sẽ gặp lại Nguyên. Tôi lén cười chào cô. Nguyên đến gần mọi người mỉm cười chào tất cả, rồi quay sang hỏi tôi như quen từ đời nào rồi.

- Đây là anh em, bạn bè cùng trong nghề của anh Quân hả?

Tôi liên tiếp bất ngờ nhưng cả đám không ai quay sang chọc một câu, lập tức vui vẻ trò chuyện với Nguyên. Trong khi tôi cứ ngớ người chưa biết nói ra sao thì câu chuyện của mọi người với Nguyên đã vui vẻ hòa nhã lắm rồi. Anh Hải hỏi:

- Em lên đây chơi bao giờ mới về?

- Không, em định ở luôn trên đây. Nếu mà tìm được việc làm tốt thì em sẽ ở lại.

Giọng của Nguyên làm cho mọi người ấm áp theo. Mấy tay đàn ông con trai thỉnh thoảng vẫn có những câu không lấy gì lịch sự nhưng khi nói chuyện có Nguyên, ai cũng dễ thương thêm vài lần, chắc tại ai cũng muốn xứng với câu khen rất chân thật của Nguyên "Con trai Đà Lạt ai cũng hiền hòa, không như người thành phố". Buổi tối đi loăng quăng quanh bãi chào mời khách trở nên vui vui vì cô nàng dễ mến. Nguyên không ngỏ lời muốn đi xe thổ mộ nhưng anh Thắng nói nếu Nguyên thích thì chọn bất cứ xe nào đi một khúc rồi quay về. Anh Hải trợn mắt:

- Trời ơi, Nguyên đâu có phải là du khách đâu, dân Đà Lạt gốc ngày xưa mà.

Nguyên bật cười:

- Người Đà Lạt không thích đi xe ngựa phải không anh?

- Không phải, tại xe của tụi anh là xe cho khách du lịch nên người Đà Lạt không thích đi, chắc họ thấy kỳ kỳ...

- Em thích nghe tiếng vó ngựa. Hồi nhỏ em hay nghe tiếng vó ngựa kéo rau ra chợ bán vào sáng sớm. Lâu rồi em không còn nghe thấy tiếng vó ngựa nên cũng nhớ. Em còn nhớ xe thổ mộ hồi đó không đàng hoàng lịch sự như thế này, chắc tại vì chỉ để chở rau - Nguyên cười - nhưng mà em nhớ mấy cái xe như vậy lắm, bây giờ không thấy ở đâu có nữa.

- Cho nên em mới ra đây ngắm xe thổ mộ của bọn anh cho đỡ nhớ hả?

Cả đám cười hi hi. Nguyên cũng cười theo chan hòa. Tôi bắt chước mọi người gọi Nguyên là em. Khi cô quay về tôi chịu trận với đủ thứ tra vấn nhói khắp người mà chỉ dám nhe răng cười. Hồi chỉ còn tôi đứng lơ ngơ dưới gốc tùng, anh Hải đập vai tôi đau điếng:

- Có khai thật với anh không thì nói, mày quen hồi nào nhanh vậy?

Tôi không dám im lặng với anh đành kể đầu đuôi, rằng tôi với Nguyên là hai người bạn mới quen.

Anh chỉ cười:

- Con nhỏ dễ thương đấy chứ!

Phù... điều đó đâu cần anh công nhận! Bỗng dưng tôi nhận ra trong mình một thoáng cảm giác khó chịu. Mọi người khen Nguyên thì có gì xấu mà tôi lại nôn nao bức bối kia chứ? Hình như ai cũng có một chút quý mến Nguyên dấu kín trong lòng nên những câu chuyện về Nguyên luôn nhẹ nhàng như thể Nguyên đang ngồi ngay đó vậy.

Mẹ nhận ra sự khác lạ của tôi. Bà hỏi:

- Sao mẹ thấy con hay thở dài?

Tôi ngơ ngác vì cũng chẳng nhận ra điều ấy. Khi tôi lau người cho con Phi bà ra giục tôi:

- Con lau người cho nó lâu vậy?

Tôi cũng chẳng dám trả lời. Buổi sáng từ lớp võ về, tôi lại chỗ bà để hoa hồng đưa tay bới nhẹ. Hành động thô lỗ ấy nhận ngay một nhát gai đau nhói. Hoa tình yêu. Hoa tình yêu. Những bông hoa này mà là tình yêu ư? Tôi chẳng thấy chúng có vẻ gì như cô gái của tôi. Gai góc, bé tí. Tôi chẳng có chút cảm giác nào với những bông hoa hồng trong xô. Đến khi giúp mẹ mang những xô hoa ra cổng trường đại học, tôi đứng khuất gốc thông già ven đường nhìn xem những ai mua nó. Mẹ nhìn cái xe của tôi đứng gần đó vẻ ngạc nhiên một chút, rồi bà cũng chẳng để ý gì đến tôi và con Phi nữa.

Vị khách đầu tiên của mẹ là hai cô gái. Con gái mua hoa hồng để tặng con trai à? Không phải rồi! Mẹ đã từng bảo hoa hồng khiến người ta nghĩ đến tình yêu đó thôi. Chắc hai cô nàng giả đò cầm hoa làm như được ai tặng để cho mọi người thấy mình cũng đáng yêu ra phết đấy chứ! Tôi bụm miệng cười đồ con gái ưa làm bộ! rồi đi thẳng ra bờ hồ.

Suốt tuần đó, vài lần Nguyên đi ngang qua chỗ tôi và những anh bạn đứng chờ khách. Mọi người chọc "Khách quý của Quân kìa!", cố tình nói thật lớn để Nguyên quay lại nhìn cả bọn và mỉm cười rất hiền. Nụ cười chẳng dành riêng cho ai, giống như một luồng hơi ấm tràn qua từng người trong đám xe thổ mộ. Cả bọn đều biết về Nguyên, ai cũng mong cô tìm được việc làm tốt, ở lại phố núi này. Điều duy nhất mà tôi - đại diện cho cả bọn chạy xe thổ mộ quanh hồ Xuân Hương mong muốn ở Nguyên là chiều chiều đi ngang qua chỗ chúng tôi và mỉm cười, nụ cười không e thẹn, nụ cười ấm cả lòng người.

Một tuần tiếp theo, cả đám ngóng cổ chờ hoài chẳng thấy bóng dáng Nguyên đi qua hồ. Vài người hỏi thăm giống như tôi là bạn thân của Nguyên vậy. Tôi trả lời không biết. Trời ạ, tôi còn muốn biết hơn mấy ông nhiều nhưng mà biết hỏi ai đây? Có người đoán Nguyên đã bỏ về thành phố:

- Người ta ở thành phố quen rồi, ai mà thèm về Đà Lạt ở, buồn thấy mồ!

- Chắc nó nói vậy thôi, lên chơi vài bữa rồi về chứ ở đây làm gì?

Tôi chẳng biết được. Chắc tại Nguyên không tìm được việc làm tốt. Ở đây công việc vừa chừng thôi Nguyên ơi, Nguyên muốn thế nào mới là tốt hả Nguyên? Tôi nhờ anh Hải trông chừng con Phi rồi đi thẳng một mạch đến góc Bùi Thị Xuân nhờ thằng Thịnh xe ôm chở xuống Nguyễn Công Trứ.

- Tới nhà ai vậy Quân?

- Tao kiếm nhà người quen.

- Ủa, nhà ai?

- Tao không biết, kiếm giùm cho một người bạn ấy mà.

Tôi dặn Thịnh chạy chầm chậm suốt con đường Nguyễn Công Trứ để tôi nhận ra căn nhà mà người bạn tôi nhờ tìm. Thịnh cằn nhằn:

- Không biết số nhà à?

- Biết thì cần gì tìm nữa, cái thằng này!

- Vậy căn nhà đó có đặc điểm gì?

Tôi bực mình vì không nghĩ Thịnh nhiều chuyện đến thế. Tôi có tìm nhà ai đâu, chẳng qua là hôm chia tay ở ngã năm tôi thấy Nguyên đi về lối này. Bây giờ tôi muốn tìm thử, biết đâu sẽ thấy Nguyên đang đứng đâu đó trong một căn nhà nào đó. Mà hình như mình khùng? Thịnh chẳng hỏi nữa, cũng nhìn nhìn vào từng nhà tìm kiếm mà chẳng biết rõ phải tìm một căn nhà như thế nào. Hết con đường, Thịnh đứng lại ngã ba Mả Thánh hỏi tôi muốn rẽ trái hay rẽ phải. Tôi nhìn lên đồi Mả Thánh tần ngần. Những ngôi mộ lặng lẽ nằm rải rác khắp đồi. Ngày xưa, khi những người dân tộc Lạch sinh sống ở Đà Lạt bị người Pháp lấy mất hồ Xuân Hương xinh đẹp để xây dựng thành phố, họ đã dời về khu đồi này. Sau đó thành phố Đà Lạt được mở rộng, chính quyền quy hoạch lại, biến khu đồi này thành nghĩa trang. Lần này thì những người Lạch không còn được "di cư" tự do nữa mà được chính quyền chuyển đến bên chân núi Langbian. Nếu tôi rẽ phải, tôi sẽ chạy đến chân núi Langbian. Chẳng lẽ Nguyên ở đó với những người dân tộc Lạch, Cil và hàng ngày lên núi tìm củi, lượm trái thông? Còn rẽ trái sẽ đến góc Phan Đình Phùng thì rất vô lý bởi nếu Nguyên ở Phan Đình Phùng thì khi chia tay tôi tại ngã năm Đại Học Nguyên chỉ cần theo đường Bùi Thị Xuân đâm ra Phan Đình Phùng cho nhanh chứ mắc gì phải đi theo Nguyễn Công Trứ rồi rẽ thêm một khúc như phải đi hai cạnh tam giác trong khi chỉ cần đi một cạnh. Vậy thì... tôi nhìn lên Mả Thánh. Chẳng lẽ...? Thịnh thấy tôi rùng mình liền dài mỏ:

- Mày chịu lạnh kém thế? Nói nhanh đi, rẽ trái hay rẽ phải?

Tôi thấy Nguyên ngồi trên một ngôi mộ nhìn tôi cười. Đúng là hay tưởng tượng vớ vẩn, đàn ông con trai gì mà cứ ngơ ngơ kiểu này? Tôi bật nói nhanh:

- Tìm không được, thôi quay lại về đi Thịnh.

Thịnh đưa tôi về lại bãi xe. Tôi chán nản đến ngồi cạnh ông lão câu cá, chẳng muốn chào mời khách, chẳng muốn làm gì. Bỗng nhiên tôi chợt nhớ ra có nhiều lần tôi tự hỏi mấy người câu cá ngoài hồ Xuân Hương để làm gì, bởi vì tôi thấy họ ngồi suốt cả ngày, cả đêm. Mỗi người một góc, im lặng co ro nhìn xuống hồ, họ gần như những pho tượng. Trời Đà Lạt mưa nhiều hơn nắng. Những ngày mưa nhỏ dầm dề họ cắm một cây dù màu sẫm và ngồi thưởng thức cái lạnh bắt xương bắt da. Thỉnh thoảng lắm mới có cá cắn câu. Bây giờ thì tôi có thể đoán ra, có lẽ họ ngồi đó chỉ là để chôn chặt tư tưởng của họ một nơi, không chạy lông bông rối bời như tôi, đến nỗi phải thấy người mình mến hiện ra như một con ma.