Nhu Phong

Chương 44




Ngài thường giết người lắm à?

Giết người như ngóe.

Mỗi lúc đêm khuya tĩnh lặng, bên tai Lý Nhu Phong cứ luôn vang lên giọng nói ram ráp, cằn cỗi như tiếng củi khô gãy vụn của Bão Kê nương nương.

Ban đầu chàng cảm thấy thật khó nghe, nhưng nghe mãi, dần dần cũng quen thuộc. Chàng biết đây là độc nhất trong muôn vạn người, giữa vô vàng tiếng cười mỹ nhân, chỉ có một Bão Kê nương nương này.

Chàng nhớ nàng từng cười vang một lần, là khi chàng dùng «Thượng thư» để dỗ nàng ngủ. Hiếm hoi lắm nàng mới cười

thành tiếng như vậy, thật ra còn khó nghe hơn cả khi nói chuyện bình thường. Nàng biết mình cười không hay, nên vừa bật thành tiếng thì đã lập tức ngưng lại, chỉ che miệng khúc khích, trong tiếng cười còn vương chút ngượng ngùng khi mới biết yêu. Nhất định là nàng chẳng nhận ra, nàng cứ tưởng mình che giấu rất tốt. Chàng không nghe được thanh âm ấy nữa thì bỗng như đánh mất điều gì, bèn nói đùa một câu, thế là nàng lại cười.

Chàng trông về ánh kim đang nhảy nhót như sơn ca, tự hỏi, rốt cuộc là điều gì đã hủy mất giọng của cô bé ấy, khiến con người cũng đổi thay, biến thành một Bão Kê nương nương cổ quái, tính khí thất thường.

Giết người như ngóe.

Chắc chắn thuở nhỏ nàng chẳng phải thế này.

Lý Nhu Phong nắm chặt rựa. Chàng nghĩ, chuyện một cô bé có thể làm, thì sao chàng lại không làm được.

Bão Kê nương nương dò dẫm theo vách đá đến trước một ngăn động, bên trong tối om, đưa tay chẳng thấy được năm ngón. Nàng thì thào hỏi: “Tiêu Yên, ngươi đâu rồi?”

Một giọng nói vững vàng đáp lại giữa bóng tối: “Đây.”

Bão Kê nương nương mò mẫm qua chỗ phát ra âm thanh, suýt nữa vấp phải y. Tiêu Yên lặng thinh. Bão Kê nương nương lần tìm túi đồ của mình, lấy ra một bọc vải nặng trĩu.

Nơi đây có vô số ngăn động nối liền tạo thành khoảng trống khổng lồ giữa lòng đất. Cuồng phong lùa theo muôn ngả quanh co, biến động trời nhân tạo này thành một món nhạc cụ tấu khúc đêm ngày. Bão Kê nương nương quay đầu chạy về phía chập chờn ánh đuốc, gió mạnh tạt qua làm thân thể nhỏ bé của nàng liên tục loạng choạng. Trước đầu gió, nàng mở bung bọc vải. Hiện giờ nàng đã hình thành thói quen luôn mang theo ít tro cốt bên mình, thế này Lý Nhu Phong sẽ có thể tạm thời thấy được.

Thoáng chốc, những binh lính lực lưỡng kia đã hiện rõ trong tầm nhìn của người cõi âm. Hai mắt Lý Nhu Phong sáng ngời, từng bước dẫn những binh lính kia lui ra sau. Cuồng phong vẫn không ngừng thổi tắt đuốc trong tay binh lính, chúng bắt đầu khủng hoảng.

“Để lại vài người chắn gió, giữ lửa!” Mấy tên còn cầm đuốc sáng cấp tốc tránh qua hai bên. Bão Kê nương nương ngắm kỹ phía có ánh lửa, bắt đầu bắn tên.

“Chúng có tên đấy!”

“Đừng quan tâm nữa! Dùng cung luôn đi, cứ bắn chết hết!”

Tức thì tên bay rợp trời như châu chấu. Bão Kê nương nương nằm rạp ngay xuống đất. Trong ánh lửa lập lòe, nàng thấy trên người Lý Nhu Phong đã trúng mấy tên, nhưng chàng sẽ không ngã gục. Bão Kê nương nương cắn răng, lăn vài vòng, tiếp tục bắn về phía hai đốm sáng cuối cùng sót lại.

Cụm lửa rớt xuống đất, lóe lên rồi vụt tắt. Cả động trời dưới lòng đất cũng đột ngột đen ngòm.

“Lý Nhu Phong, chúng hết thấy đường rồi! Mau ra tay đi!”

Thời khắc này đã là thế giới của người cõi âm. Lưỡi rựa chém sắt như chém bùn lia qua, hàng loạt chiếc đầu sáng xanh rơi xuống, máu tanh nóng hổi túa thành dòng chảy đặc sệt hơn cả dung nham, tràn lan đầy đất. Năm quan trả cho thợ rèn đạo sĩ rất đáng giá. Đâm xuyên qua tim, từ lưỡi rựa truyền đến cảm giác chắc nịch, vững vàng. Ánh rựa vun vút như yến oanh uyển chuyển chuyền cành, không hề trì tay.

Binh lính hoảng hồn vung đao loạn xạ, lại chỉ chém vào đồng đội. Tay chúng run bần bật đánh đá lửa, tia lửa mong manh vừa bắn ra, chớp mắt đã lụi tàn theo gió lốc.

Đây là chốn địa ngục Tu La của người cõi âm. Đám lính đã như mù lòa, đã thành bầy ruồi mất đầu, trốn không ra, bay không thoát thiên la địa võng. Ngay cả có chui rúc vào góc động thì cũng chẳng lọt khỏi tầm mắt của người cõi âm.

Vào thời khắc này, người cõi âm không có lòng thương hại. Trên tay những kẻ đấy đã dính máu của cha anh chàng, đã vấy máu những người chàng yêu thương.

Chàng chẳng còn là quý công tử Lý Nhu Phong không dính khói lửa nhân gian, không biết thế nhân sầu khổ, chẳng còn là cậu con trai thứ ba tên Băng chỉ biết tùy hứng ngâm tụng “Xem tử sinh ngang bằng, ấy thời hư ảo lắm. Yểu mệnh so Bành Tổ,

tương đồng là vọng ngôn” [*] của nhà họ Lý Trừng Châu.

[*] Một đoạn trong Thiếp Lan Đình, nhằm phản bác thuyết đánh đồng sinh – tử, thọ – yểu của cổ nhân. Bành Tổ: Một người sống thọ đến hơn 800 tuổi ở thời Tam Hoàng Ngũ Đế.

Chàng là một người cõi âm, một người cõi âm triệt để từ cốt tủy, bởi loạn thế này mà sinh, lại muốn hủy diệt loạn thế này.

Bão Kê nương nương và Tiêu Yên chẳng nhìn thấy gì, bên tai chỉ liên tục truyền đến những tiếng trầm đục từ lưỡi rựa sắc đâm xuyên da thịt, kèm những tiếng rên rỉ đau đớn tuyệt vọng khi cái chết cận kề. Cả hai không hẹn mà cùng trầm mặc.

Trận chém giết tưởng chừng dài đến vô tận ấy đang dần dần dịch chuyển về phía họ. Bão Kê nương nương vụt xoay người, cầm hai túi đồ đeo lên vai Tiêu Yên, nâng y dậy: “Chúng ta phải đi ngay.”

Nàng vốn đã nhỏ gầy, Tiêu Yên cao ngang ngửa Lý Nhu Phong, còn rắn chắc hơn, kể cả có bị giam trong thủy lao mười tháng, Bão Kê nương nương vẫn cảm giác y nặng hơn Lý Nhu Phong rất nhiều. Nàng nắm chặt hai tay Tiêu Yên, dùng hết sức bình sinh, nửa cõng nửa kéo y tiến tới trước.

Nàng thở hồng hộc, chẳng còn hơi sức nói năng gì nữa. Tiêu Yên chợt lên tiếng: “Này, thực ra ta biết rõ ngươi là ai.”

Bước chân Bão Kê nương nương chững lại, nhưng đã mau chóng khôi phục tốc độ ban đầu, tiếp tục đi vội. Nàng nghiến răng: “Trí nhớ của Trừng vương điện hạ đúng là tốt hơn người chết kia nhiều.”

“Nhu Phong tin tưởng ngươi thế, chắc hẳn vẫn chưa biết ngươi là ai nhỉ?”

Bão Kê nương nương lạnh lùng đáp: “Ngươi bớt lắm điều thì may ra sống lâu thêm được mấy ngày đấy.”

Tiêu Yên hỏi: “Ngươi thích Nhu Phong à?”

Bão Kê nương nương khàn giọng quát: “Tiêu Luyện Nhi, ngươi thử thở thêm một câu nữa xem ta có quẳng ngươi xuống sông không! Cứ bảo với chàng là ngươi trượt chân ngã, hồn về Tây Thiên. Chàng cùng lắm là ngồi trên bờ khóc to một trận, xong thì còn làm gì được.”

Tiêu Yên cả giận: “Xú nha đầu đanh đá này, dám uy hiếp ta!”

Bão Kê nương nương liền thả phịch y xuống đất, đạp cho hai phát: “Uy hiếp ngươi đã là gì! Ta còn dám đá ngươi đây! Có giỏi thì mách lẻo Lý Nhu Phong đi! Đi ngay đi!”

Tay chân Tiêu Yên èo uột chẳng thể phản kháng. Giờ này bảo ngừng tức thì không được, muốn phát tác cũng không xong, cả động tối hù, thậm chí là còn không trừng mắt nạt nàng được. Nhất thời y chỉ có thể nghiến răng, mặc nàng túm lưng quần kéo lê xềnh xệch.

Sau nửa canh giờ, Lý Nhu Phong lấm lem máu tươi mới chạy tới: “Đầu ra bên kia bị bịt kín rồi.” Chàng nói, “Phải tìm lối khác thôi.”

Tức thì cả ngăn động cùng lặng phắc.

Qua thật lâu, Bão Kê nương nương hỏi: “Toán quân chờ tiếp ứng chết hết rồi sao?”

“Chết cả rồi.” Lý Nhu Phong sẽ giọng, “Tôi đã thấy hồn phách của họ.”

Tiêu Yên chẳng lên tiếng, Bão Kê nương nương và Lý Nhu Phong đều trầm mặc.

Cũng không phải chưa từng tính tới việc bị Dương Đăng phát hiện. Bọn họ lên kế hoạch lâu như vậy, nếu Dương Đăng chẳng hề phát giác, vậy thì đã quá bôi nhọ uy danh “tướng quân Lôi thần” của hắn rồi.

Hiện giờ Bão Kê nương Nương ngẫm lại, lúc ở thủy lao nàng đánh tiếng cho Tiêu Yên, có nhắc đến “Duy Ma”, thực ra câu đó rất sai lầm. Vừa thốt lên xong là nàng đã đổ mồ hôi ròng ròng, thế mà Dương Đăng lại không có phản ứng.

Kỳ thực, từ trước đó Dương Đăng đã đánh hơi ra nàng và Lý Nhu Phong đang lén lút trù tính điều gì, hắn chỉ muốn yên lặng theo dõi sự biến. E rằng Dương Đăng dẫn hai người họ xuống thủy lao gặp Tiêu Yên, chẳng qua là để truy rõ ngọn ngành, dẫn dụ lượng quân lớn hơn vẫn còn lẩn trốn của Trừng vương.

Nhưng họ còn đường nào khác để đi? Cho dù biết Dương Đăng đã lăm lăm chờ sẵn, họ có thể không cứu Tiêu Yên sao?

Kẻ sĩ chết vì tri kỷ.

Vì cứu Tiêu Yên, bao nhiêu người đã bỏ mạng. Không một ai hỏi có đáng giá hay không. Chỉ mình Tiêu Yên quy tụ được lòng quân dân, tất cả mọi người đều trong tâm thái được ăn cả ngã về không, dốc lòng dốc sức, sẵn sàng quyết tử.

Cho nên Dương Đăng chực chờ như hổ như sói thì thế nào, đúng với lời Tiêu Yên, đường sống hay lối chết, phải đi hết mới biết được.

Bão Kê nương nương đứng dậy: “Đi thôi. Chúng ta có lương thực cho hai người trong một ngày. Cứ ăn dè sẻn, nếu trong vòng bảy ngày mà tìm được cửa ra thì có lẽ sẽ được cứu đấy.”

Nàng lạnh nhạt bổ sung: “Lý Nhu Phong, hiện giờ không đủ thức ăn nên chàng hãy nhịn thôi.”

Ba người chẳng ngừng nghỉ, Lý Nhu Phong cõng Tiêu Yên, Bão Kê nương nương vác hai túi đồ, lập tức lên đường.

Mỏ đá động trời này to đến lạ thường, vô số động lớn động nhỏ, động chính, động phụ, động trong, động ngoài, cực kỳ rối rắm mê loạn. Tiêu Yên từng phải hành quân, đã gặp địa hình mê cung như này trong rừng sâu và động đá vôi, biết rõ hiện tượng “ma đưa” sẽ làm sụt giảm sĩ khí, dao động quân tâm thế nào. Bởi vậy y cố gắng hướng dẫn hai người Lý Nhu Phong và Bão Kê nương nương đừng ráng phân biệt hay ghi nhớ phương hướng trong bóng đêm, cứ men theo vách đá bên phải mà đi thì sẽ không vòng lại đường cũ.

Con đường dài dằng dặc này tưởng chừng hoàn toàn chẳng có điểm cuối. Trong động dày đặc âm khí nên rét căm, còn vang vọng đủ thứ âm thanh dị thường, cơ hồ khắp bốn phía đều có yêu ma quỷ quái ẩn núp.

Trước đó Bão Kê nương nương và Tiêu Yên đã đối chọi gay gắt, nên giờ đây là như nước với lửa. Ngay cả không nói năng thì Lý Nhu Phong cũng có thể cảm nhận được dường như giữa họ đã phát sinh xung đột gì đó, mới gai mắt nhau, thậm chí căng thẳng như sắp choảng nhau tới nơi.

Thế là suốt quãng đường, ba người đều lặng thinh. Không khí đầy tĩnh mịch đè nén, đến mức nghe rõ cả tiếng hít thở của nhau.

Họ dựa vào việc Lý Nhu Phong thấy hay không thấy đường để phân biệt sớm tối. Hàng ngày cứ đến thời khắc âm thế và dương thế chuyển giao, Bão Kê nương nương sẽ cho Tiêu Yên dùng một chiếc màn thầu nguội.

Đi đến cuối ngày thứ ba, ngoại trừ Lý Nhu Phong thì Bão Kê nương nương và Tiêu Yên đã suy yếu rất nhiều. Để mau chóng tìm được cửa ra, mỗi ngày Bão Kê nương nương chỉ ngủ một hai canh giờ, thời gian còn lại đều theo sát bước chân Lý Nhu Phong.

Lý Nhu Phong cảm giác tốc độ của nàng giảm đáng kể, hỏi nàng còn cố được nữa không. Bão Kê nương nương nạt chàng đừng nói nhảm, mau tìm đường ra mới có cơ hội sống sót. Nàng còn bảo chàng đừng nói chuyện với mình, chàng có dương bạt ở bên, thể lực sẽ không giảm sút, nàng lại là nói một câu hụt một hơi. Trong lòng Lý Nhu Phong biết nàng đang miễn cưỡng gắng gượng, nhưng đã vào tình cảnh này thì đâu còn cách nào khác. Chàng chỉ có thể dìu nàng đi.

Thỉnh thoảng sẽ nhặt được bó đuốc trong động đá, họ không nỡ dùng, cứ để dành đến khi Bão Kê nương nương vàTiêu Yên nghỉ ngơi mới nhóm lên sưởi ấm. Cơ thể Tiêu Yên vốn đã suy kiệt nhiều, nên phần lớn thời gian đều mê man. Y gối lên đùi Lý Nhu Phong ngủ say, Lý Nhu Phong dùng áo khoác ngoài đắp cho y.

Chàng trông thấy đốm lửa kia cuộn lại đối diện ngọn đuốc, cách mình xa xa. Lòng chàng đau xót, nhẹ giọng gọi nàng tới. Chợt nghe Bão Kê nương nương nửa mê nửa tỉnh, mỏi mệt thều thào:

“Lý Nhu Phong, sao chàng lại uống thuốc độc chết?

“Nếu chàng không phải là chết vì độc, ta đã có thể ăn thịt chàng, ăn rồi lại mọc, mọc rồi lại ăn…

“Ta đói lắm ấy…”

Trước mắt Lý Nhu Phong hơi nhòe đi, nhưng khóe miệng lại khe khẽ cười.

Cuối ngày thứ năm, Tiêu Yên đã kiệt sức không nói nên lời, chỉ có thể mở mắt, ú ớ báo cho Lý Nhu Phong biết y vẫn kiên trì tiếp được. Bão Kê nương nương đưa một phần tư chiếc màn thầu lạnh cứng cho Lý Nhu Phong. Lý Nhu Phong bẻ nát, ngâm vào nước rồi đút cho Tiêu Yên ăn.

Về phần Bão Kê nương nương, rõ ràng là đã chẳng lê bước nổi. Lý Nhu Phong gần như nửa bế nàng, tốc độ của họ lại giảm hẳn. Số lần nàng tránh đi vệ sinh cũng tăng lên nhiều, cơ hồ cứ qua dăm ba động nhỏ là nàng lại đi một lần. Ban đêm, nàng trằn trọc khó ngủ, lại nhỏm dậy vịn vách đá, chật vật nhích ra chỗ khác. Lý Nhu Phong gọi nàng: “Ngài đi đâu vậy?”

Giọng nàng đã nhỏ như muỗi: “Đi tiểu.”

Lý Nhu Phong lấy làm lạ: “Ngài đâu có uống bao nhiêu nước.”

Nàng thều thào: “Chàng thì biết gì chứ, phụ nữ gặp trời lạnh là sẽ tích nước nhiều…”

Đến thời điểm chuyển giao đêm ngày của buổi thứ sáu, Bão Kê nương nương hết gắng gượng nổi mà thiếp đi, ngủ một giấc tận hai canh giờ vẫn chưa tỉnh. Lý Nhu Phong thấy lửa trên người nàng đã yếu ớt tựa ánh nến tàn, không khỏi lo lắng như kiến bò chảo nóng. Chàng vội ôm nàng gọi: “Nương nương!” Song làm thế nào nàng cũng chẳng phản ứng. Chàng lại qua lay Tiêu Yên, Tiêu Yên cũng hôn mê bất tỉnh.

Lý Nhu Phong cắn chặt răng, sờ lấy mép váy ngoài của Bão Kê nương nương, rút một sợi chỉ ra. Chàng phải đi tiếp, chàng cảm giác làn gió thổi qua đã biến đổi, khác hẳn tiếng gầm rú trong động, rất có khả năng cửa ra đã gần kề. Chàng phải đi tìm, chàng phải nhanh chóng tìm ra được. Hai người chàng đã không thể nào đánh mất này, tính mạng họ đang treo chỉ mành, mà sợi chỉ kia nằm ngay trong tay chàng. Vào giữa đêm thì âm khí dưới động rất nặng, quá trình mục rữa của chàng sẽ chậm hơn nhiều. Dương bạt đã chẳng thể nhấc chân, chàng chỉ còn lại hi vọng ở duy nhất đêm nay.

Lý Nhu Phong vừa mất dạng, mi mắt Bão Kê nương nương liền uể oải nhấc lên.

Đang là lúc mực nước dâng cao, dòng sông cuồn cuộn chảy xiết cứ dần mở rộng. Đuốc vẫn cháy sáng, là chút ấm áp ít ỏi giữa động đá rét căm này. Nàng cảm thấy nhiệt độ của dương bạt trên thân mình hầu như đã cạn sạch.

Ngón tay gầy guộc run rẩy. Cuối cùng vẫn còn động đậy được. Nàng nhìn Tiêu Yên nằm lăn ở một bên, cúi đầu lẩy bẩy mở túi vải nhỏ bên hông. Trong đó, mấy chiếc móng ánh bạc vẫn sáng như tuyết, nàng lưu luyến ngắm nghía, đoạn lấy ra một lọ nhỏ long lanh nước.

Nàng chầm chậm bò đến bên Tiêu Yên, khó khăn mở nút lọ, tức thì hương mật ngọt ngào lan tỏa khắp không khí.

Nàng nuốt nước bọt, ráng hết sức dời mắt khỏi chiếc lọ, rồi bóp quai hàm Tiêu Yên, đổ cả lọ đầy nước mật vào miệng y.

Trên nút còn dính ít mật ngọt,

nàng đưa lên miệng liếm sạch sẽ từng chút từng chút một. Lại cầm lọ, ngấu nghiến mút hết vài giọt đọng quanh cổ lọ.

Nàng cảm giác như mình đã hồi phục được tẹo sức lực, bèn dùng sức lực ấy nhấn vào nhân trung Tiêu Yên: “Tiêu Luyện Nhi... Ngươi... tỉnh lại cho ta!”

Nhấn hồi lâu, cuối cùng Tiêu Yên cũng lử đử mở mắt. Ánh lửa chớp động, y nhìn chằm chằm vào cô gái vừa gầy vừa nhỏ trước mặt mình.

Y nghe nàng nói: “Tiêu Luyện Nhi, ta phải đi đây. Sau khi thoát khỏi nơi này, ngươi hãy đúc tượng Phật cho chàng. Đúc thật nhiều thật nhiều tượng Phật vào, đúc càng nhiều thì càng đảm bảo chàng sẽ không rữa nát.”

Nàng lại nhấn mạnh nhân trung y: “Ngươi sẽ làm hoàng đế. Chỉ có ngươi mới giúp chàng tiếp tục sống được, cho nên ta cứu ngươi, ngươi hiểu chưa?”

Dứt lời, nàng liền buông Tiêu Yên, co quắp một bên há mồm thở dốc. Sợi chỉ trên váy vẫn không ngừng rút đi. Nàng chầm chậm gỡ váy, nhét vào tay Tiêu Yên, rồi từ từ lê từng bước về phía con sông ngầm.

Chợt cổ chân bị giữ chặt, giọng Tiêu Yên yếu ớt vang lên: “Ngươi tính đi đâu?”

Bão Kê nương nương đáp: “Ngươi cứ bảo với chàng, là ta bỏ đi. Ta hết cần chàng rồi, ta sẽ đến đảo Đam Nhĩ, chẳng muốn quay về đây nữa.”

Nàng cố hết sức giật ra, nhanh chóng thoát khỏi bàn tay chẳng còn tí lực nào của Tiêu Yên. Nàng nhào xuống dòng nước chảy xiết, mơ hồ nghe Tiêu Yên sau lưng nói:

“Màn thầu... Màn thầu... Ngươi chưa ăn chút nào phải không... Ngươi đừng…”

Thoắt chốc chẳng còn nghe được gì nữa.