Xe Trình Hâm dần dần đi khuất. Trần Hi kéo tay anh, hỏi: "Anh ơi, anh Trình Hâm còn đến nhà ta chơi nữa không?"
Trần Hân sở đầu nó: "Không, không biết nữa, có, có lẽ." Trần Hân nghĩ câu nói của Trình Hâm trước lúc ra về chẳng qua chỉ là lời khách sáo. Một thiếu gia ở thành phố quen với cảnh lên xe xuống ngựa, ngày hôm nay đến túp nhà lụp xụp của mình không nói lời chê bai là đã nể tình lắm rồi.
Bác gái họ hiếu kỳ sang hỏi: "Hân Hân này, cái cậu vừa nãy học cùng lớp cháu thật à?"
"Vâng ạ."
"Chết thật, bạn học đến nhà, sao cháu không giữ người ta lại ăn một bữa cơm?"
"Cậu ấy.. cậu ấy còn sang nhà, nhà bà ngoại."
"Thế à? Chẳng lẽ nhà bà ngoại cậu ta cũng ở gần đây?"
"Ở, ở Tây Kỳ ạ."
"Ồ, Tây Kỳ xa như thế, cậu ấy còn đưa cháu về đến tận nhà, thật là tốt bụng."
Trần Hân im lặng cúi đầu, tay mân mê cái rổ. Trần Hi chợt hỏi: "Anh ơi, ngồi ô-tô có thích không?"
Trần Hân nhìn nó: "Cũng, cũng tạm, em, có lần, đi ô-tô, còn gì."
"Ối, em nói ô-tô của anh Trình Hâm kia kìa. Nom sang trọng phải biết! Hẳn là thích lắm. Đợi sau này lớn lên, em cũng mua một chiếc ô-tô giống y như thế. Đến lúc ấy, em sẽ chở anh, chở mẹ, chở ông bà đi chơi."
Bác họ bật cười: "Cái thằng!"
Trần Hân ôm vai nó, tự nhủ phải cố gắng học hành, ngày sau sẽ cho thằng bé được toại nguyện.
Trên đường cái, chú Lưu hỏi: "Bây giờ về à?"
Trình Hâm tựa đầu vào ghế, nhắm mắt lại: "Vâng ạ, về thôi." Trong đầu hắn hiện lên hình ảnh ngôi nhà đìu hiu xơ xác, có cụ già, em mọn của Trần Hân. Giờ đây hắn mới hiểu vì sao cậu gào khóc khi mất 1000 đồng, vì sao cậu ngày đêm miệt mài học tập. Gia cảnh khó khăn vừa là gánh nặng, vừa là động lực của cậu học trò nghèo.
Chú Lưu hỏi: "Cháu muốn đi ăn ngoài hay về nhà ăn tối?"
Trình Hâm mở mắt ra: "Chú đói thì ta tìm quán nào đấy ăn đi ạ."
"Không đói, chú lo cháu đói ấy chứ. Nếu cháu không đói thì ta về nhà ăn thôi."
"Vâng ạ. Cho cháu mượn di động chú nhé, cháu gọi về bảo dì dọn cơm."
Chú Lưu đưa di động cho hắn, không hiểu vì sao thiếu gia nhà mình lại mất công đi một quãng đường xa chỉ để đưa bạn học về nhà.
Trình Hâm gọi điện xong trả lại cho chú Lưu, cười nói: "Tốt rồi. Chú này, chú đã mệt chưa, nếu mệt thì để cháu cầm lái một đoạn."
"Không sao cả, mới tí đã bõ bèn gì. Cháu chưa thi bằng lái, bị cảnh sát chặn là phiền to đấy."
Trình Hâm cười giải thích: "Hôm nay làm chú Lưu vất vả. Trần Hân ngồi cùng bàn với cháu, ở trường cậu ấy luôn luôn kèm cặp, giúp đỡ cháu học hành. Cháu đưa quà bánh gì cũng ngại ngùng không nhận. Hôm nay lẽ ra có bố của Liễu Hòa Thiễn đến đón, nhưng phút chót bận việc, không đến được. Cháu lo trời tối, lại mưa, cả hai không đón được xe về nên nhờ chú giúp một phen. Cám ơn chú nhé."
Những lời này thật ra là để báo cáo lại cho bố hắn. Chú Lưu hiểu rõ đầu đuôi, sảng khoái cười: "Vất vả gì đâu, đi đường ngoại thành cũng thoáng. A Hâm kết được bạn tốt, lại có chí học hành, bố cháu mà biết sẽ mừng lắm đấy." Thiếu gia có người bạn chăm ngoan, học giỏi, mấy năm nay chơi bời buông thả, giờ biết hồi tâm chuyển ý mà lo chuyện sách đèn, hỏi mọi người trong nhà sao không mừng cho được?
Tiết thanh minh cũng đánh dấu mùa vụ bắt đầu. Lúc Trình Hâm đến không gặp bà nội của Trần Hân vì bà còn bận việc ngoài đồng. Khoảnh đất nhỏ đã gieo vài luống rau, luống đậu. Lo việc cơm nước xong xuôi, anh em Trần Hân ra giúp bà vun xới. Trần Hi liến thoắng kể chuyện anh trai đi ô-tô về: "Bà ơi, tên hai anh ấy giống hệt nhau, lại học cùng một lớp, làm sao thầy cô phân biệt được? Bà xem có lạ không?"
Bà cụ đang lúi húi bên gốc cà nhổm dậy nhìn Trần Hân nói: "Thế bạn cháu đâu, đang ở nhà à?"
"Đã, sang nhà, bà cậu ấy rồi, rồi ạ."
"Ối, cháu phải giữ người ta ở lại dùng cơm mới phải phép chứ!"
Trần Hi ngây thơ nói: "Nhưng nhà ta làm gì có thức ăn?"
Bà cụ nói: "Có trứng gà.. bắt cả con gà cũng được, lại sang nhà bác cháu vay ít thịt là được rồi."
Nghe nhắc đến chuyện vay mượn, giọng Trần Hân hơi chùng xuống: "Thôi, thôi bà ạ, cậu, cậu ấy cũng đi rồi, bà, bà cậu ấy mong."
Bà nội thở dài: "Hân Hân này, lần sau cháu nói khéo với cậu ấy một tiếng, kẻo lại phiền nhà người ta đưa đón."
"Vâng, vâng ạ."
Trời sẩm tối, ba bà cháu mới dừng tay trở về. Thôn xóm đã lên đèn. Đang rảo bước trên đường cái, tiếng chuông điện thoại trong túi bà cụ reo lên lanh lảnh. Cầm máy lên, bà nói: "Có điện thoại này!"
Trần Hi vội vã: "Để cháu, để cháu cơ!" Thằng bé giơ chiếc di động cũ nát lên xem rồi reo vui hớn hở: "A! Mẹ gọi về!" Nó ấn nút nghe, nhanh nhảu nói: "A lô, mẹ ơi, con là Hi Hi đây!"
Trần Hân nhón tay ấn loa ngoài. Tiếng người mẹ âu yếm truyền ra: ".. Ngoan, ăn cơm chưa?"
Trần Hi nói: "Chưa ạ. Mẹ ơi anh vừa về đấy. Chúng con ra đồng giúp bà, bây giờ đang trên đường này. Thế mẹ đã ăn chưa?"
"Ăn rồi. Anh con nghỉ cuối tháng à?"
"Mẹ, mẹ ơi, con đây. Nghỉ, nghỉ cuối tháng, mẹ ạ."
"Được nghỉ mấy ngày? Tiết thanh minh này mẹ định về thăm hai đứa.."
Hai anh em mừng rỡ, Trần Hi nhảy cẫng lên reo: "Mẹ ơi, mẹ ơi, mẹ nhanh nhanh lên, con nhớ mẹ lắm."
Giọng người mẹ nghẹn ngào: "Ừ. Mẹ về ngay đây. Ngày mai lên xe, ngày kia là về đến."
oOo
Ngày hôm ấy, nắng vàng tươi rực rỡ, trời xanh dường như cũng vui theo gia đình họ. Đã ba năm cách biệt, mọi người ôm chầm lấy nhau, mừng mừng tủi tủi. Trần Hi ngồi vào lòng mẹ, ngắm nhìn gương mặt thân yêu đã không còn nhớ rõ. Trần Hân thì hoạt bát hẳn lên, líu ríu không ngừng. Hai cụ già hưởng cảnh đoàn viên cũng cười móm mém. Người mẹ thấy mọi người trong nhà đều khỏe mạnh, khóe mắt chớm nhăn đã vương giọt lệ.
Mẹ hỏi: "Trường mới có tốt không con?"
Vài tháng trước, khi mẹ hỏi câu này, Trần Hân chỉ miễn cưỡng cho mẹ yên tâm. Còn hôm nay cậu đã thật lòng đáp: "Tốt, tốt lắm ạ."
"Có làm quen được bạn nào chưa?"
"Có ạ."
"Mẹ ơi, bạn của anh cao to lắm nhé. Hôm trước anh ấy còn đem ô-tô đưa anh về tận nhà cơ."
Đôi mắt bà lóe lên tia kinh ngạc: "Thật thế hở con?"
Trần Hân vội vàng giải thích: "Nhà, nhà bà cậu ấy, ở, ở Tây Kỳ, cho, cho con đi nhờ xe."
"Thế à.. Chắc là bố bạn ấy lái xe đến đón?"
Trần Hân lắc đầu. Trần Hi buột miệng: "Có chú tài xế ạ."
Bà mẹ trầm ngâm một lúc. Bà phân vân nghĩ: Bạn học của con mình đi ô-tô, có cả tài xế riêng, chắc chắn gia đình cậu ta phải giàu có lắm. Nhà mình lại nghèo, chỉ sợ không xứng chơi với người ta. Nhưng Trần Hân từ nhỏ đã thui thủi một mình, có học giỏi thế nào thì cũng khó lòng hòa nhập ngoài xã hội. Cuối cùng bà nghĩ: Con mình có thêm người bạn cũng là việc tốt.
Tháng này có tiết thanh minh, nhà trường cho nghỉ đến sáu ngày, nhưng bấy nhiêu đối với những người ruột thịt đã xa cách ba năm thì chỉ thoáng qua như phút chốc. Ngày mồng 7, mẹ Trần Hân lại phải quay về làm việc. Bà đưa con đến tận trường xem như an ủi.