Nhị Triều Hoàng Hậu - Dương Vân Nga

Chương 17: Buông rèm nhiếp chính




Nếu biết trước rằng tất cả mọi chuyện rồi sẽ kết thúc như thế, nếu biết trước rằng rồi sẽ có ngày chúng ta mất đi một người đã từng có mối dây liên hệ gắn bó với chúng ta như thế, thì chúng ta sẽ làm như thế nào? Chúng ta sẽ cư xử ra sao? Liệu chúng ta có thay đổi điều gì không?

Có lẽ ai trong chúng ta, suốt cuộc đời dài đằng đẵng của mình cũng từng một lần đặt ra những câu hỏi như vậy. Chỉ tiếc rằng chúng ta không bao giờ có cơ hội quay trở lại, không bao giờ có thể trả lời câu hỏi ấy, càng không bao giờ có cơ hội để sửa chữa những sai lầm của mình.

Sau khi Thái tử Hạng Lang qua đời, mọi việc trong và ngoài triều đình dần trở lại nếp cũ. Duy chỉ có điều những người đã từng trải qua cơn sóng gió tranh quyền đoạt vị ấy đã không bao giờ còn có thể như xưa được nữa.

Phò mã Ngô Nhật khánh vì nóng lòng muốn báo thù cho em trai mà cuối cùng phải cùng gia quyến chuyển về vùng Diễn Châu hẻo lánh.

Kiểu Quốc hoàng hậu thì thì hết ăn chay, tụng kinh niệm Phật mong cho con mình siêu thoát lại chỉ còn biết khóc lóc và không ngừng oán trách họ Đinh nhu nhược, không tìm ra được thủ phạm hại con, đã thế còn nhẫn tâm đẩy con rể của mình đi xa.

Họ Đinh thì buồn phiền khổ tâm vì thương xót con, và không ngừng tự oán trách chính mình, vì đã quá yêu chiều mà đẩy con vào chỗ chết. Vì những lo lắng muộn phiền ấy mà trông như già đi cả chục tuổi.

Ta thì ngày ngày chỉ còn thiết vui vầy cùng Toàn Nhi, thư thoảng lại sang cùng Trinh Minh hoàng hậu uống trà, thong thả nói chuyện cho qua hết một ngày. Các dịp lễ lạp trong Cung ta đều hạn chế tham gia. Ta những ngày này chính là cố tình tránh xa thế sự vậy. Lòng không muốn bon chen gì nữa, định cứ thế mà sống cho hết một đời.

Vì thế mà kể từ đám tang của Thái tử Hạng Lang trở đi, số lần gặp họ Đinh cũng chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay, và cũng chỉ là đứng từ xa trông lại.

Nếu biết mọi chuyện rồi sẽ xảy ra như thế, có khi ta đã không ẩn mình, chí ít ta cũng tới gặp họ Đinh và nói một đôi lời động viên, an ủi cũng nên. Nhưng sự đời, có ai tính được tất cả mọi việc?

Đêm đó là một đêm đông tháng Mười. Gió Bấc thổi về rất dữ dội kèm theo những cơn mưa lớn.

Suốt cả đêm mưa quật ràn rạt trên mái nhà, gió thì rít lên từng hồi qua những khe cửa, vun vút lùa vào nhà. Dù lò sưởi than lúc nào cũng đỏ lửa giữa phòng, dù mấy lớp chăn đệm trên dưới chặt cứng tới mức không cựa quậy được, vậy mà ta vẫn cảm giác như thể mình đang nằm ở ngoài trời, lạnh tới thấu xương không sao ngủ được. Lên giường từ cuối giờ Thìn vậy mà đến khoảng giữa giờ Tý mới chợp mắt được một lúc. Rồi một lúc sau lại giật mình tỉnh dậy, chẳng rõ là giờ nào. Chỉ thấy bên ngoài trời vẫn tối đen như mực, mưa gió vẫn vần vụ không ngừng. Lan Nhi nằm bên cạnh vẫn thở đều đều, vậy mà ta không sao ngủ lại được. Đành nằm đó nghe mưa.

Giữa tiếng mưa gào gió rít, vẫn nghe thấy tiếng chim gọi vịt kêu vít vít từng hồi rất thê lương.

Phải rồi, con chim này hồi bé ta vẫn hay nghe thấy. Cứ khi bắt đầu mùa đông cho tới cuối mùa xuân, đầu hạ, cả những đêm mưa phùn giá lạnh cho tới những đêm gió Bấc tràn về, vẫn cứ thế mà cất tiếng "vít vít" không ngừng. Nó truyền từ cành này qua cành khác, có đôi lúc bay thật xa rồi lại trở lại, tiếng kêu vang lên đều đều, rời rạc không ngừng nghỉ trong đêm, hết sức não nề. Mỗi khi nghe nó hót, ta vẫn luôn băn khoăn một điều, tại sao lúc nào cũng chỉ thấy con chim ấy kêu một mình trong đêm lạnh vắng? Nó đang đi tìm bạn đời của nó hay đang kêu khóc vì đơn độc giữa cuộc đời? Việc gì khiến nó phải kêu thê lương đến vậy mỗi khi Đông đến, Xuân về? Mà kỳ lạ là giống chim này chỉ thấy xuất hiện trong đêm, nên chẳng thể xem xem chúng hình thù to nhỏ ra sao, lớn bé thế nào mà lại có thể dốc hết sức mình cất lên những tiếng tang thương như thế suốt đêm trường giá lạnh, từ ngày này qua tháng khác..

Cứ nghĩ vẩn vơ như vậy cho tới khi màn đêm bên ngoài đã bớt đặc quánh, mưa đã nhẹ hạt đi, thì ta lại thiếp đi được một chút. Nhưng dường như chỉ vừa kịp chợp mắt, thì liền giật mình tỉnh giấc vì tiếng ồn ào ở bên ngoài. Có tiếng đập cửa và tiếng người gọi ở nhà ngoài. Ai mà có thể vượt qua cả thị vệ gác ở cửa Cung để xông thẳng vào đây? Lại có vẻ đông như vậy? Có việc gì?

Ta ngồi dậy trên giường, vừa hay ở nhà ngoài thị nữ gác cửa đã tỉnh dậy, mở cửa ra hỏi:

- Ai vậy?

Liền đó nghe tiếng trả lời:

- Chính là Định quốc công Nguyễn Bặc và Ngoại giáp Đinh Điền có việc cần gặp Cồ Quốc hoàng hậu gấp. Mau vào đánh thức!

Người thị nữ líu ríu trả lời câu gì đó sau khi nghe danh xưng của các vị đại thần trong Triều đình, rồi vội vàng chạy vào cửa buồng nơi ta đang ngủ, vừa thở phì phò vừa bẩm báo:

- Bẩm Hoàng hậu có Định quốc công Nguyễn Bắc và Ngoại Giáp Đinh điền cùng nhiều quan gia xin yết kiến.

Ta lúc ấy đã ngồi dậy ở trên giường và nghe thấy cả, liền bảo nàng báo các đại thần đợi ta một lúc để mặc quần áo ấm rồi sẽ ra mà không khỏi ngạc nhiên. Tại sao các vị đại thần xưa nay vốn không bao giờ đến chốn hậu cung, lại đến Cung Cồ Quốc tìm ta như thế này? Lại vào giờ giấc trái khoáy như thế? Quả là một việc lạ lùng chưa từng thấy? Hay phải chăng ta đang mơ nhỉ?

Lan Nhi lúc ấy đã bị tiếng ồn đánh thức, cũng sửng sốt không kém, nhưng cũng chẳng kịp nói năng gì, cứ thế lồm cồm bò dậy rồi lấy quần áo ấm mặc lên cho ta. Xong xuôi chủ tớ vội vã đỡ nhau ra phía cửa.

Gió Bấc từ bên ngoài mang theo hơi mưa qua khung cửa mở rộng lùa vào lạnh thấu xương. Ngoài cửa đèn đuốc sáng rực chiếu rõ một đoàn người trùng trùng đang đứng chờ ở đó. Ánh đuốc làm cho đêm tối ở xung quanh lại trở nên đặc quánh, đầy đe dọa. Thấy ta xuất hiện mọi người nhất loạt thi lễ, rồi Định quốc công Nguyễn Bặc khấu đầu mà tâu:

- Bẩm Cồ Quốc hoàng hậu, Vạn Thắng Vương Hoàng Đế Đinh Bộ Lĩnh đã băng hà rồi. Vạn Thắng Vương Hoàng đế không để lại Chiếu thư gì cả. Vì vậy cần mau chóng tổ chức lễ Đăng quang để Vệ vương Đinh Toàn lên làm Hoàng Đế, tránh những loạn lạc có thể xảy ra liên quan tới việc tranh giành ngôi báu. Bởi vậy Hoàng hậu hãy mau chóng đánh thức Vệ vương dậy và đưa người tới Ngự điện.

Tai ta ù đi, không rõ vì mưa gió hay vì những gì ta vừa nghe được!

- Ngươi bảo sao? Hoàng thượng đã.. Ta quá kinh hoàng tới mức không dám nhắc lại lời của ngài Định Quốc Công. Sợ mình nghe nhầm?

- Vâng! Đinh Hoàng đế đã băng hà. Xin Hoàng hậu hãy mau chóng đánh thức Vệ vương dậy trước, sau đó trên đường đi thần sẽ kể rõ đầu đuôi sự việc cho người.

Ta lật đật tiến về hướng phòng Toàn Nhi, không rõ là nhờ Lan Nhi kéo hay đẩy đi nữa.

Có khi nào là ta mệt quá mà thiếp ngủ lại, và rơi vào giấc mơ này không? Sao giấc mơ lại có thể thật đến như vậy? Mà lại kinh hoàng đến vậy? Ta xiết chặt cánh tay Lan Nhi mà ta đang bíu vào, làm nàng khẽ "úi" lên một tiếng, đưa đôi mắt nhìn ta nửa phần oán trách nửa phần thấu hiểu. Ngay cả đến cánh tay của nàng cũng rất thật. Cả tiếng kêu của nàng nữa. Vậy sao có thể là mơ được? Rồi ta chợt nhớ một điều. Ta dừng khựng lại làm Lan Nhi thiếu chút nữa xô nhào về phía trước. Ta cứng nhắc quay người về phía Định Quốc công:

- Vậy.. vậy Nam Việt Vương đâu? Tại sao lại là.. Vệ Vương?

- Nam Việt Vương cũng đã qua đời rồi. Hiện tại Vệ Vương chính là người con lớn nhất của Đinh Tiên đế.

Một tiếng sấm nổ đùng bên tai! Hình như ta còn thấy cả ánh chớp sáng lòa lóe lên trong một tích tắc nữa. Ta run rẩy lẩy bẩy toàn thân. Phải dựa vào Lan Nhi mà đi. Đến giữa phòng Toàn Nhi, ta đứng như trời trồng ở đó, mặc kệ cho Lan Nhi đi đánh thức kẻ hầu người hạ, rồi cùng nhau đánh thức và mặc quần áo ấm cho Toàn Nhi.

Cơn ác mộng gì kinh hoàng vậy nhỉ? Cả họ Đinh và Nam Việt Vương cùng mất trong một đêm ư? Chuyện gì đã xảy ra? Có thể xảy ra chuyện gì khủng khiếp đến vậy? Ta ước gì đây đích thị là một cơn ác mộng và sẽ có ai đó đánh thức ta dậy ngay lúc này. Nhưng không có ai cả!

Sau khi đã mặc quần áo ấm, và quấn quanh mình Toàn Nhi một chiếc chăn bông nhỏ, Lan Nhi bế thốc Toàn Nhi dậy đặt vào tay ta. Hơi ấm và sức nặng của đứa con trai nhỏ bé làm ta tỉnh táo hơn một chút, ôm chặt nó vào lòng rồi vội vã đi ra cửa. Toàn Nhi hồi nãy còn khóc nhấm nhẳng, giờ được mẹ bế lại được cuốn trong chăn ấm, sau một lúc ú ớ lại rơi vào giấc ngủ.



Đoàn người thấy ta đi ra thì rẽ hết sang hai bên. Định Quốc công Nguyễn Bặc và Ngoại giáp Đinh điền cùng cấm vệ binh cầm ô che, dẫn ta tới một chiếc xe lớn. Sau khi đã đỡ hai mẹ con ta lên, hai người cũng vội vã trèo lên xe. Khi tất cả mọi người đã ổn định chỗ ngồi, xe chạy chầm chậm ra phía cổng Hậu cung, tiến về phía thành Đông.

Lúc này Định Quốc Công mới bảo:

- Có thần và Đinh Ngoại Giáp ở đây hộ giá, xin Cồ Quốc Hoàng hậu đừng lo sợ. Giờ xin người hãy hết sức bình tĩnh để hạ thần kể rõ đầu đuôi mọi việc cho người. Chừng canh Hai đêm qua Phó tướng Đinh Cung Linh cùng hạ bộ đi tuần tra qua Ngự điện như thường lệ. Thấy Ngự thư phòng vẫn còn mở cửa và sáng đèn một cách không bình thường, Đinh Phó tướng bèn tới gần để kiểm tra. Cấm vệ quân canh gác quanh Ngự điện báo cáo, tối hôm qua thấy Nam Việt Vương có được Hoàng Thượng cho vời đến, hai cha con có nói chuyện uống rượu với nhau tới tận khuya. Nghĩ là có thể do Hoàng Thượng và Nam Việt Vương uống rượu ngủ say quên đóng cửa, Đinh Phó tướng mới tiến vào phòng. Vừa khi đó thì thấy Chi hậu nội nhân Đỗ Thích đang đứng sững giữa phòng. Còn ở trên tràng kỷ Hoàng Thượng và Nam Việt Vương đều nằm vật ra trong tư thế hết sức lạ lùng. Thấy vậy Đinh Phó tướng cùng hạ bộ vội vàng xông vào, tiến về phía Hoàng Thượng và Nam Việt Vương để kiểm tra. Tên Đỗ Thích thấy vậy vội vàng lẻn đi. Đến khi Đinh Phó tướng phát hiện ra Hoàng Thượng và Nam Việt Vương đã chết thì hắn đã chạy mất. Bèn báo động cho toàn bộ Cấm vệ quân bao vây, phong tỏa Ngự thư phòng. Hiện giờ Đô hộ phủ sĩ sư Lưu Cơ, Tâm phúc Tướng quân Phạm Cự Lượng và Vệ úy Tướng quân Phạm Hạp đang lãnh đạo Vệ binh lục soát khắp nơi, chắc sẽ mau chóng tìm ra Đỗ Thích thôi, thưa Hoàng Hậu.

- Vậy Hoàng Thượng và Nam Việt Vương, hai người vì sao mà chết? Ta ôm chặt Toàn Nhi lúc này đang gục trên vai mình mà không ngăn nổi một cơn lạnh toát chạy khắp toàn thân.

- Theo như dự đoán ban đầu là do bị đầu độc. Trên người Hoàng Thượng và Nam Việt Vương không có vết thương gì cả. Hiện Ngự y đã được mời đến để khám nghiệm cũng như lo liệu chuẩn bị hậu sự. Chắc là chúng ta sẽ sớm biết chính xác thôi.

"Các ngài hãy dừng xe lại, hãy cho ta trở về cung Cồ Quốc ngay lập tức! Hãy cho ta xin một chiếc xe ngựa, ta muốn trở về Đông Lỗ quê ta ngay bây giờ! Xin các ngài hãy làm ơn mau lên! Hãy buông tha cho mẹ góa, con côi chúng ta!" Ta những muốn hét lên với hai vị đại thần đang ngồi bên cạnh mình như thế khi nghe thấy hai chữ "đầu độc". Nhưng ta không thể mở miệng. Tất cả những gì ta có thể làm là ngồi đó và run rẩy.

Nếu họ Đinh và Nam Việt Vương bị chém giết trọng thương mà chết thì sẽ bớt kinh hoàng hơn. Nhưng đầu độc thì quá đỗi nham hiểm. Đã dám đầu độc cả Hoàng đế và Nam Việt Vương thì còn có ai mà bọn chúng không dám đầu độc, còn có thủ đoạn nào mà kẻ thủ ác không dám sử dụng? Đến cả hai người võ nghệ cao cường, lại được bảo vệ cẩn mật như hai cha con họ Đinh mà cũng không tránh khỏi bị sát hại, lại theo cách tàn độc như vậy, thì ai còn có thể bảo vệ bản thân mình ở giữa đất Hoa Lư này?

Ta vội chớp mắt, mà vẫn không ngăn được giọt nước mắt lăn trên má, khiến làn da khô nẻ trở nên xót mặn. Ta gục đầu vào người Toàn Nhi, ước gì chiếc xe đang tiến thẳng về phía Trang Đông Lỗ chứ không phải là Ngự điện. Ước gì khi xe dừng lại, ta sẽ thấy dòng Cầu Chày, thấy cánh đồng xanh quê hương ở ngay trước mặt. Ước gì khi vén tấm rèm nặng nề này lên, sẽ là nghĩa phụ, nghĩa mẫu và gia nhân ra đón mà không phải những quan lại của Triều đình. Ước gì sau đó sẽ chỉ có mẹ con ta và Lan Nhi cùng nhau vui chơi, chạy nhảy trên cánh đồng, thả diều và hái hoa bắt bướm. Không có Hoàng vị. Không có ngai báu. Cũng không có cả nỗi sợ hãi đến tê liệt như thế này.

Nhưng khi mở mắt ra, trong ánh sáng nhờ nhờ phát ra từ chiếc đèn đặt ở gần cửa xe, vẫn là bóng của hai vị Đại thần đang ngồi đó. Lừng lững như hai khối đá đen nặng nề. Nặng nề như bóng tối đang đè nặng lên trái tim, tâm trí ta vậy.

Xe đi chầm chậm rồi dừng lại. Định quốc công Nguyễn Bặc vén tấm rèm lên. Ở bên ngoài sân Ngự điện, Cấm vệ quân với giáo mác đứng thành hàng. Mặc dù trời đã chuyển dần sang sáng, mà đèn đuốc vẫn thắp sáng bừng cả một góc trời.

Ta cùng hai vị đại thần nhanh chân bước vào Ngự điện, ở trong này các vị bá quan văn võ của triều đình đều đã có mặt đầy đủ, chỉ thiếu Trịnh Tú tướng quân, Tâm phúc Tướng quân Phạm Cự Lượng, cùng phó tướng Đinh Cung Linh, Vệ úy Phạm Hạp đang lo lãnh đạo Cấm vệ quân truy lùng Đỗ Thích. Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn đang ở ngoài biên ải nên không về kịp.

Ở trong Điện mọi người đang túm lại thành các nhóm nhỏ để nói chuyện rì rầm với nhau. Khi thấy ta cùng Định quốc công và Đinh Ngoại giáp tiến vào, mọi người vội vàng im lặng, đứng lại thành hàng lối, nghiêm trang chỉnh tề.

Định quốc công chỉ cho ta Long ngai, bảo ta đặt Toàn Nhi lên đó rồi bảo:

- Xin Hoàng hậu hãy đánh thức Vệ vương dậy để chúng ta tiến hành nghi lễ. Để tránh cho Vệ vương hoảng sợ, thần đã sai Thị vệ chuẩn bị một chiếc ghế bình thường đặt ngay phía sau Long ngai, Hoàng hậu hãy ngồi đó để trấn an Vệ vương khi cần thiết.

Ta đặt Toàn Nhi ngồi lên Long ngai rồi cố gắng đánh thức nó dậy. Bị đánh thức lần nữa, đứa trẻ nhăn nhó dụi mắt rồi hậm hực trực khóc, nhưng khi thấy đèn đuốc sáng rực cùng với rất nhiều quan lại đang đứng ở trước mặt nó liền im bặt. Ta liền bảo:

- Toàn Nhi, con hãy nghe thân mẫu nói này, giờ con không được ngủ nữa, con hãy tỉnh dậy và ngồi ngoan ở đây một lát được không? Có thân mẫu ngồi ngay sau con đây, không phải sợ, nghe không?

Toàn Nhi vẫn chưa hết hoảng hốt, đưa mắt nhìn một loạt văn võ bá quan đang đứng ở dưới sảnh rồi gật đầu. Xong xuôi ta quay lại gật đầu ra hiệu cho Định quốc công, rồi nhanh chóng lui lại phía sau, ngồi vào chiếc ghế dựa ngay sau tấm rèm đã được chuẩn bị trước, không quên nói với ra với Toàn Nhi:

- Toàn Nhi, mẫu hậu ngồi ngay sau con đây nhé!

Liền sau đó Định quốc công Nguyễn Bặc cùng Ngoại giáp Đinh Điền chủ trì lễ đăng quang của Toàn Nhi. Theo đó vì họ Đinh không để lại Chiếu thư chỉ định người kế thừa, Nam Việt Vương Đinh Liên cũng đã qua đời, nên theo tục cha truyền, con nối, Vệ vương Đinh Toàn – là con trai lớn nhất của Đinh Tiên Đế khi đó sẽ kế vị ngai vàng. Sau khi kết thúc đọc Bố cáo, là nghi thức bề tôi dâng mũ miện, Hoàng bào.

Sau khi Toàn Nhi, dưới sự cổ vũ, động viên của ta, đứng lên đỡ lấy mũ miện và Hoàng bào từ tay Định quốc công Nguyễn Bặc, văn võ bá quan tả hữu hai bên nhất loạt quỳ xuống rồi đồng thanh hô vang:

- Hoàng thượng vạn thuế! Vạn vạn tuế!

Toàn Nhi lúc ấy đang đứng trước Long Ngai, nghe thấy các quan đồng thanh hô như sấm thì giật mình đánh thột, đảo mắt vội nhìn ra xung quanh, ngẩn người ra một lúc rồi vội vàng quỳ xuống đất, hai tay vẫn đỡ lấy Hoàng bào và Ngọc miện, giọng thất thanh:

- Phụ Hoàng vạn tuế! Phụ Hoàng vạn tuế!

Ta vội vã bước ra từ sau tấm rèm mỏng, đỡ Toàn Nhi đứng dậy rồi bế đặt ngồi lại trên ghế mà không cầm nổi nước mắt. Chao ơi! Hình ảnh cái tấm lưng nhỏ bé ấy quỳ lom khom ở dưới đất! Chao ơi đứa con bé bỏng của ta thậm chí còn không nhận biết được điều gì đang diễn ra, thế mà giờ phải gánh vác trên vai trọng trách như thế này. Rồi sau biết sẽ ra sao đây?

Sau khi lễ đăng quang diễn ra, các vị đại thần tiếp tục bàn bạc về việc sẽ giao Định quốc Công Nguyễn Bặc, Ngoại Giáp Đinh Điền cùng Khuông Việt Đại sư soạn thảo một bố cáo thiên hạ gửi đi ngay trong ngày về việc Đinh Tiên Đế và Nam Việt Vương đã qua đời, Vệ Vương Đinh Toàn đã lên nối ngôi, thay vua cha trị vì đất nước. Tiếp đó lại bàn bạc việc chuẩn bị tổ chức tang lễ cho họ Đinh trong vòng bảy ngày, cả nước sẽ để quốc tang trong ba tháng.

Các vị đại thần cứ việc bàn bạc, rồi chiếu theo lệ chung mà đề nghị. Ta với Toàn Nhi, chính là con làm Hoàng Đế, mẹ buông rèm nhiếp chính, cứ theo đề xuất đã thống nhất của các đại thần mà chuẩn y.

Xong xuôi lại cho gọi từng Ban bệ của triều đình đến ra chỉ dụ, trao thẻ bài, phân công công việc chuẩn bị cho tang lễ. Ban bệ nào chuẩn bị tổ chưc chung, Ban bệ nào chuẩn bị trang phục, chuẩn bị tiếp đón các đoàn khách, quan lại từ các nơi về phúng viếng.. đều được nêu rõ ràng, cụ thể và ghi chép cẩn thận vào biên bản.

Giữa buổi chiều Ngự y xin vào gặp để báo cáo về kết quả của việc khám nghiệm tử thi. Thì quả đúng không sai, họ Đinh và con trai chính là vì bị đầu độc mà chết. Loại độc dược này có độc tính cực mạnh, có lẽ là đã được bỏ vào đồ ăn hoặc đồ uống của cha con họ Đinh tối hôm đó.

Ngự y vừa rời đi thì Tâm phúc Tướng quân Phạm Cự Lượng cùng các tướng lĩnh khác lại vào báo cáo về việc vẫn chưa tìm thấy dấu vết của Đỗ Thích. Hiện tại dù đã cho phong tỏa, bao vây khắp nơi trong thành, nhưng vẫn chưa thấy tung tích tên này ở đâu. Trong các ngày tới sẽ tiếp tục bao vây, lục soát, kiểm tra khắp các ngõ ngách, đồng thời sẽ cho người trèo lên kiểm tra tất cả các mái nhà một lượt. Vì như được biết, Đỗ Thích không phải là một người võ nghệ cao cường nên chắc chắn là vẫn ẩn nấp đâu đó trong Kinh thành, chưa thể trốn ra ngoài được.

Sau khi những công việc cấp bách liên quan tới việc truy tìm Đỗ Thích, tổ chức tang lễ cho hai cha con họ Đinh đã được giải quyết xong xuôi, lại đến các công việc hàng ngày của cả nước về thuế má, mùa vụ, đê điều, sông nước. Những việc gấp gáp được bẩm báo trực tiếp và được bàn bạc, giải quyết luôn; còn những việc chưa gấp gáp thì các quan đều trình tấu chương để ta và một số vị đại thần sẽ xem xét và giải quyết dần.

Suốt cả buổi, Toàn Nhi lúc thì ngủ gà ngủ gật, lúc thì mè nheo đòi được ra ngoài chơi. Phải khó khăn lắm ta mới thuyết phục được Toàn Nhi ngồi lại ở Ngự điện để giải quyết cho xong việc.

Thực ra khi họ Đinh còn sống, công việc thiết triều hàng ngày chỉ diễn ra vào buổi sáng. Buổi chiều chủ yếu là phê chuẩn tấu chương và bàn bạc đại sự cùng với các đại thần thân tín. Nhưng riêng hôm nay vì phải giải quyết quá nhiều việc gáp gáp mới thành ra như vậy.

Rồi cuối cùng cũng hết một ngày. Ta trở về Cung Cồ quốc trong trạng thái như đi trên mây, đầu óc căng như dây đàn sau một ngày quá nhiều biến động. Có cảm tưởng như tất cả những việc ta đã trải qua trong suốt hai mấy năm cuộc đời mình cộng lại cũng chẳng thể bằng những việc ta đã nghe, đã thấy, đã làm trong vòng một ngày này. Là một ngày mà dài như cả một kiếp người.

Đến lúc Lan Nhi đỡ ta ngồi vào bồn gỗ trong phòng tắm, nước ấm làm giãn các gân cốt, các thớ thịt trong người thì ta bắt đầu buồn ngủ rũ cả mắt. Vừa tắm vừa ngủ gục mấy bận. Lan Nhi vội vàng giúp ta kì cọ, lau khô người rồi mặc áo ngủ xong xuôi, lại đỡ ta lên giường đi ngủ. Tưởng là sẽ ngủ ngay được. Vậy mà khi vừa nằm xuống thì tất cả những sự kiện xảy ra trong ngày lại như chiếc đèn kéo quân diễu hành qua đầu ta. Ta bừng tỉnh như người vừa ra khỏi cơn mộng, vội vã tung chăn bật dậy, đi thẳng sang phòng Toàn Nhi. Lan Nhi nhìn thấy ta băng qua giường nàng thì cũng vùng dậy, không kịp hỏi gì, chỉ kịp cầm lấy chiếc áo choàng rồi vừa mặc, vừa vội vã chạy theo ta.



Tiếng cánh cửa bị ta đột ngột mở tung ra làm cho hai thị vệ đứng canh hai bên cửa giật nảy mình. Ta cũng đứng sững lại khi nhìn thấy hai người đứng ở đó. Xưa nay vốn không có thị về canh cửa như thế này. Thấy lạ, bèn hỏi thì họ bảo là do Định quốc công Nguyễn Bặc cử đến. Do hiện tại vẫn chưa bắt được Đỗ Thích nên các Cung, nhất Cung Cồ Quốc và chỗ ở của Hoàng Thượng đều được canh gác rất cẩn mật.

Ta gật đầu rồi đi sang phòng Toàn Nhi, quả thấy dọc hành lang và ngay ở cửa phòng đều có Cấm vệ quân canh gác nên đã yên tâm phần nào.

Vào phòng thấy Toàn Nhi đã ngủ, bọn hầu gái thì đang vừa dọn dẹp lại các đồ chơi của Toàn Nhi vừa bỏ thêm than vào bếp lò. Mấy người thấy ta vào vội vàng đứng dậy thi lễ. Ta không nói gì, cứ thế tiến thẳng lại bên giường Toàn Nhi. Một cách không chủ định, ta đưa tay sờ vào mặt Toàn Nhi thấy con vẫn đều đều thở, ta mới thở phào nhẹ nhõm, định quay người trở ra. Rồi một ý ỹ vụt qua trong đầu ta, ta quy lại, cúi xuống bế thốc Toàn Nhi lên vai rồi quay lại bảo với đám người hầu:

- Toàn Nhi sẽ ngủ với ta. Các người cũng mau chóng dọn dẹp rồi ngủ sớm đi.

Sau đó bế Toàn Nhi trở lại phòng mình. Rồi đêm hôm đó Toàn Nhi nằm giữa, ta một bên và Lan Nhi một bên, ba người cứ thế mà ngủ.

Ta biết ta chẳng có võ nghệ cao cường, chẳng có tài cán gì. Ta biết là đến như họ Đinh và Nam Việt Vương còn bị đầu độc mà chết thì vòng tay của ta chắc chắn là không thể bảo vệ được con trai của ta nếu như có ai đó định hại nó. Nhưng khi để nó ở bên cạnh mình ta thấy yên tâm hơn rất nhiều. Ta muốn tự mình trông chừng nó, muốn được ôm nó, được ở bên cạnh nó dù có chuyện dù xảy ra.

Những ngày sau đó ngày nào cũng một lô công việc triều đình phải giải quyết. Mệt mỏi không biết bao mà kể xiết. Toàn Nhi thì không biết thực sự mình đang làm gì cả, chỉ thấy buổi sáng phải ngồi ở Ngự điện, buổi chiều ngồi ở ngự thư phòng, lại liên tục phải tiếp xúc với các vị quan lại râu ria xồm xoàm của triều đình thì hết sức khó chịu, không ngừng quấy khóc. Khi thiết triều thì không nói làm gì, nhưng khi ngồi ở Ngự thư phòng, đều phải cho gọi một số hầu nhỏ ở Cung sang bày trò vui chơi cùng mới chịu.

Có một lần chợt nhớ ra, bèn hỏi ta:

- Mẫu hậu, Phụ hoàng đâu tại sao người lại không làm việc ở Ngự điện?

Ta sững sờ trong giây lát, loay hoay một lúc vẫn chưa biết nói sao thì tốt cho con mình. Một hồi đành bảo:

- Phụ hoàng bị ốm nặng lắm, chính vì vậy giờ đây mẹ con ta phải thay Phụ hoàng cai quản công việc đất nước đó.

Ta nghĩ bụng cứ nói vậy rồi đến lúc đám tang diễn ra sẽ bảo với Toàn Nhi là Phụ hoàng đã qua đời thì sẽ đỡ bất ngờ hơn. Không ngờ Toàn Nhi lại bảo:

- Phụ hoàng ốm làm sao, con muốn đi thăm người?

- Phụ Hoàng đang.. ở bên Cung Kiểu Quốc, mà mẹ con ta ở đây còn rất nhiều việc. Hãy làm việc chăm chỉ đã rồi đây ta sẽ đưa con sang thăm Phụ hoàng có được không?

Toàn Nhi phụng phịu tỏ vẻ không hài lòng nhưng mặt khác vẫn ngoan ngoãn gật đầu. Kể ra mà nói suốt thời gian qua hai cha con rất ít gặp nhau nên mới dễ dàng thuyết phục như vậy, chứ nếu vẫn còn gắn bó như trước kia thì Toàn Nhi hẳn không dễ gì mà để yên như vậy.

Buổi sáng ngày thứ ba sau khi họ Đinh mất, thì Đỗ Thích bị bắt. Tin loan ra làm rúng động tất cả các quần thần văn võ bá quan lúc ấy đang bàn việc nước ở Ngự điện cũng như những người đang tham gia chuẩn bị cho tang lễ.

Theo như kể lại thì hắn trốn ở máng nước trên mái nhà, đã ba ngày liền không có nước uống nên khát quá, vì vậy khi thấy trời mưa đã thò tay ra hứng nước mà uống. Không ngờ khi đó một cung nữ ở trong Cung đi hứng nước mưa về pha trà đã phát hiện ra và gọi thị vệ tới.

Các quan Định quốc công Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền, Vệ úy Phạm Hạp lập tức tập trung tại nơi giam giữ để tra khảo Đỗ Thích. Hắn kể lại rằng vốn trước đó hắn nằm mơi thấy có một ngôi sao từ trên trời rớt vào miệng, nên nghĩ rằng vận làm Đế Vương đã tới, vì vậy nhất thời hồ đồ mà âm mưu hạ sát hai cha con họ Đinh như vậy. Hắn bảo rằng chính là hôm đó hắn bỏ thuốc độc vào đồ ăn của hai cha con họ Đinh. Khi bị tra khảo có ai đồng mưu, giúp sức không, là hắn mơ thật hay thực hiện theo chủ ý của ai, thì hắn chỉ một mực khăng khăng kể lại giấc mơ ấy và nói tự mình làm. Sao hắn nghĩ rằng giết xong hai cha con họ Đinh hắn có thể lên làm vua? Còn Vệ Vương và Thân Vương thì hắn tính sao? Hắn trả lời nhất thời cũng chưa tính tới những điều đó. Chỉ là vì quá hồ đồ sau giấc mơ mà sinh ra manh động nên chưa có thời giờ mà tính toán thiệt hơn. Ai cũng thấy những điều hắn nói hết sức hoang đường và vô lý, nhưng tra khảo, nhục hình các kiểu, lúc lại dỗ ngon dỗ ngọt trong ba ngày liền cũng không thể khai thác được thông tin gì hơn, hắn chỉ nhất mực kể đi kể lại cái điệp khúc hết sức vô lý ấy, Ngoại giáp Đinh Điền và Định quốc công Nguyễn Bặc không giữ nổi bình tĩnh đã quyết định chặt đầu Đỗ Thích, rồi cho phanh thây thành trăm mảnh. Đến lúc hành quyết, ngay trước khi đao phủ vung đao xuống thì hắn chắp tay lại mà thốt lên:

- Chủ nhân! Vậy là hạ thần đã báo đáp được ân tình của chủ nhân rồi!

Mọi người ai nấy sững sờ vì câu nói ấy. Nhưng lúc đó thì đã quá muộn rồi. Đầu hắn đã lìa khỏi cổ!

Lại nói về đám tang của họ Đinh, ba ngày sau khi chuẩn bị chính thức phát tang.

Mỗi ngày vào các buổi sáng sớm, vợ con, Hoàng tộc cùng các văn võ bá quan, quần thần trong triều đều đến làm lễ dâng hương buổi sáng, cúng cơm cho hai cha con họ Đinh. Xong xuôi thì chỗ ai người nấy về việc ai người nấy giải quyết. Đan Gia Hoàng hậu, Trinh Minh, Kiểu Quốc, Ca Ông, các nàng cùng con cái đều phải thay nhau túc trực bên lĩnh cữu họ Đinh để trông nom, lo liệu việc tang, tiếp đãi, đáp lễ các quan lại ở khắp các nơi về phúng viếng. Ta vì phải cùng Toàn Nhi nhiếp chính mà không phải làm việc này.

Vào buổi sáng sớm của ngày thứ năm, trong lúc cả Triều đình đang làm lễ cúng cơm buổi sáng thì một đoàn người mặc toàn đồ trắng, không quan phục không mũ miện cứ thế tiến thẳng vào sân Đàn. Cả sân Đàn xôn xao không hiểu người từ phương nào tới mà lại có thể cứ thế ung dung vượt qua cổng thành. Đến khi dừng lại thì mọi người nhận ra chính là Liên Hoa Công chúa và gia nhân thân tín đã cùng nhau rời Động đi chu du thiên hạ khi xưa.

Theo nàng và gia nhân trở về lần này còn có một công tử hết sức khôi ngô, tuấn tú, dáng người dong dỏng, mũi cao thẳng tắp, mày đen môi đỏ, mắt nhìn tinh anh sáng láng. Tuy đối với người xung quanh không thèm nhìn đến một lần, mặt mũi lúc nào cũng lạnh băng, nhưng với Liên Hoa công chúa lại hết sức trìu mến, dịu dàng.

Vậy là trong những năm hành tẩu giang hồ, chu du thiên hạ, nàng đã tìm được người bạn đồng hành này? Sống cuộc đời nay đây mai đó theo đúng sở nguyện, làm bạn cùng gió trăng, lại có ý trung nhân chia sẻ sớm tối, vậy còn gì bằng?

Nhớ khi nào ta và nàng còn gặp nhau nói một câu chuyện không đầu không cuối tại Động Hoa Lư, vậy mà đã gần mười năm thấm thoát trôi qua rồi.

Chỉ tiếc rằng giờ nàng trở về thì cha và anh đều đã qua đời. Mười năm, như một cái chớp mắt, vậy mà biển xanh cũng đã biến thành nương dâu rồi. Đau lòng lắm thay!

Tang lễ của họ Đinh Tiên Đế được tổ chức kéo dài bảy ngày. Nhằm ngày Hai mươi nhăm thì Đinh Tiến Đế được an táng trên núi Mã Yên.

Nơi này khi còn sống, chính là họ Đinh đã lựa chọn làm nơi xây thành quách lăng tẩm chuẩn bị cho việc hậu sự của mình. Ngẫm nghĩ lại cũng thấy thật kỳ lạ, sau khi Thái tử Hạng Lang qua đời, không hề lo lắng tới việc để lại chiếu thư, phong lập Thái tử mới, mà lại chỉ lo chọn nơi yên nghỉ lúc nằm xuống của mình. Nếu bảo không nghĩ tới việc mình sẽ chết nên không quan tâm tới việc lập chiếu thư danh chính ngôn thuận phong ai đó làm Thái tử, thì tại sao lại nghĩ đến chuyện mồ mả, lăng tẩm? Mà nghĩ đến việc mồ mả lăng tẩm, tức là cũng có ý chuẩn bị việc hậu sư cho mình, vậy tai sao cái việc trọng đại của đất nước lại không lưu tâm một chút?

Rồi ngay cả việc chọn nơi xây lăng tẩm ấy cũng chẳng giống ai, chẳng chọn nơi bằng phẳng trù phú, lại chọn một hẻm núi cheo leo trên đỉnh Mã Yên, vừa cao vòi vọi, vừa hiểm trở. Họ Đinh chọn chỗ ấy cũng chỉ bởi cả đời đã gắn trên lưng ngựa, khi chết cũng vẫn muốn được nằm trên "lưng ngựa". Từ đây nhìn xuống lại có thể bao quát hết cả quang cảnh dưới dòng Sào Khê và khung cảnh tráng lệ của kinh thành hoa lư. Có lẽ chọn cũng vì muốn rằng chết rồi vẫn có thể trong nom, lo lắng cho con dân Đại Cồ Việt, cho giang sơn xã tắc chăng?

Ôi chao, một kiếp người, một cuộc đời. Lúc nào cũng chăn trở cho muôn dân bá tánh, cả cuộc đời hào hùng trên lưng ngựa, tính toán từng thế cờ, từng trận đánh để gây dựng cơ đồ, vậy mà đến cuối cùng vẫn không thể tính toán nổi số mệnh của mình. Oai phong, lẫm liệt là thế, mà ngày nay cũng không thể tránh khỏi một kết cục bi thương. Nghĩ đến không ai là không thương cảm, đau lòng!

Cúng lễ Tuần Chung và Tốt Khốc cho họ Đinh xong xuôi, Liên Hoa công chúa lại cùng bạn đồng hành và người hầu thân thiết rời Hoa Lư, tiếp tục đi ngao du sơn thủy, sống cuộc đời mây nước gió trăng.

Suốt những ngày tổ chức tang lễ, không như các Hoàng Hậu và các tỉ muội khác của mình gào thét bi thảm không ngừng, nàng không hề khóc lóc kêu than một lời, cứ lẳng lặng mà chăm chút cẩn thận mọi việc, mà làm tròn nghĩa vụ với người đã khuất. Xong xuôi mọi việc thì rời đi. Đến thế nào, đi thế ấy, không đau thương, không vướng bận. Chu toàn đối với người đã khuất nhưng lòng cũng hết sức tĩnh tại, phẳng lặng. Có lẽ trong suốt mười năm lưu lạc bốn phương, được mất, hơn thua, sinh tử ở đời nàng đều đã ngộ được. Nên mới có thể bình thảm đến vậy.

Hai cha con họ đinh đi rồi. Tiếp theo đến nàng rời đi. Những người còn ở lại Hoa Lư bỗng thấy lòng trống trải, bởi có lẽ đây chính là lần cuối cùng ta và những người ở Hoa Lư này còn được thấy nàng.