Tôi đi đi lại lại ngoài phòng cấp cứu đã lâu vẫn không thấy có động tỉnh gì. Tôi lo lắng, không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Bên ngoài cổng bệnh viện từng làn xe cấp cứu ra vào liên tục. Người già yếu, người thì bị tai nạn giao thông, người thì tai biến,... Thời tiết ở Sài Gòn cũng trở lạnh hơn, tôi lấy tay tự ôm vai của mình, tôi không biết mình sợ điều gì nhưng chỉ muốn vùi đầu trong lòng của mẹ, muốn được mẹ vỗ về. Có lẽ là cảm giác của những người xa quê cô đơn giữa Sài Gòn.
Cuối cùng, đèn trong phòng cấp cứu cũng tắt. Vị bác sĩ già bước ra nâng gọng kính, trong lớp khẩu trang vẫn nhìn ra vẻ đăm chiêu:
“Sao người nhà lại để cậu ấy vận động mạnh? Vị trí phẫu thuật còn chưa lành hẳn! Cũng may mắn phát hiện kịp thời nếu không e là,..”
Bác thở dài rồi dặn dò:
“Bệnh nhân phải nằm viện theo dõi, lần này nhớ lời tôi căn dặn...”
Tôi chỉ nghe đến chủ tịch không sao là tôi mừng, nhanh chóng lau nước mắt trên mặt. Những lời bác sĩ dặn tôi ghi chú lại. Sau đó hoàn thành thủ tục nhập viện và ngồi đợi.
Cho đến 22 giờ đêm chủ tịch mới được chuyển về phòng bệnh. Tôi mừng rỡ nhìn chủ tịch đang yên vị trên giường bệnh. Trông ngài ấy thật yên tĩnh, đôi môi nứt nẻ không còn hồng hào như trước nữa. Gương mặt cũng tái nhợt đi.
Tôi hiểu cảm giác thất tình là như thế nào! Nó giằng xé con người ta lắm. Có vượt qua được hay không cũng do cách mình nhìn nhận.
Với tôi, không có tình yêu tôi có thể khóc lóc, gào thét đau khổ vì tôi là con gái. Tôi sẽ có dịp biểu hiện ra bên ngoài rằng mình rất đau khổ. Tôi có thể dựa dẫm vào cha mẹ nếu tôi muốn, có nhiều thú vui khác như công việc, kiếm tiền, đi ăn, mua sắm,...
Với chủ tịch, đứng ở vị trí cao như vậy mọi thứ, quyền lực và tiền bạc đều là cái người khác ao ước. Nhưng phải chăng cái mong muốn lớn nhất chính là tìm được một người thấu hiểu, một người san sẻ và yêu thương. Ngài ấy muốn khóc cũng không thể khóc, ngài ấy muốn hét lên cũng không thể, ngài ấy muốn giải tỏa nỗi buồn cũng phải giữ hình ảnh chủ tịch. Bất cứ hành động nào cũng đều ảnh hưởng đến công ty, đến công nhân viên của mình. Vậy chỉ còn cách đem nỗi bực dọc trút vào công việc.
Nước mắt tôi rơi ướt cả tay của Tô Quân. Ngài ấy từ từ mở mắt ra nhìn tôi nhíu mày, giọng yếu ớt hơn ngày thường:
“Nhật Hạ! Cô khóc cái gì? Tôi còn chưa chết!”
Ngài ấy tỉnh rồi! Như có tia sáng xẹt ngang màn đêm ưu tối trong tâm trí. Tôi ôm chầm lấy ngài ấy:
“Chủ tịch Tô! Ngài tỉnh rồi… Ngài không sao rồi!”
“Chủ tịch Tô… Tạ ơn trời!”
Tô Quân ho nhẹ:
“Nhật Hạ… Tôi khó thở? Còn nữa, tay cô đè lên bụng tôi… ĐAU!”
Tôi luống cuống, đứng dậy lùi về sau:
“Tôi xin lỗi chủ tịch. Ngài ổn chứ?”
Tô Quân không còn giận dữ nữa mà thay vào đó là sự ôn nhu dịu dàng:
“Nhật Hạ! Tôi muốn uống nước!”
Dĩ nhiên, tôi nhanh chóng đỡ ngài ấy dậy uống nước. Uống xong rồi ngài ấy lại tiếp tục nằm xuống yên tĩnh ngủ.
Đồng hồ điểm 0 giờ đêm rồi. Tôi chợt nhớ lại mình có hẹn với anh Phục Hưng. Tôi cuống cuồng tìm trong balo điện thoại. 23 cuộc gọi nhỡ và 5 tin nhắn.
Tôi đọc từng tin nhắn. Trong đó tin nhắn cuối cùng hiển thị như sau:
“Nhật Hạ, chúc em sinh nhật vui vẻ! Anh vẫn còn đợi em cho tới khi em đến!”
Tôi nhìn vào điện thoại rồi ngước lên nhìn chủ tịch. Tôi do dự. Cuối cùng tôi đắp chăn cho Tô Quân rồi rời đi.
Vì đã tối nên tôi bắt xe đi. Ngồi phía sau xe, máy lạnh phả vào người làm tôi rùng mình. Qua lớp kính, tôi vẫn nhìn ra được đường phố Sài Gòn càng tấp nập về đêm. Những ánh đèn đường, đèn xe thi nhau phát sáng.
Cũng từ lâu tôi đã xem Sài Gòn như quê hương thứ hai. Vui buồn đều chỉ có Sài Gòn hiểu!
Vào bên trong quán cà phê, anh Phục Hưng đang ngồi đợi. Anh ấy mừng rỡ chạy ra, ôm chầm lấy tôi:
"Nhật Hạ, sinh nhật vui vẻ!"
Tôi giữ khoảng cách nên đẩy anh ấy ra khỏi:
"Chị Quỳnh Trâm đâu anh?"
Dù anh có dành tình cảm cho ai thì ánh mắt dịu dàng khi xưa vẫn dành cho tôi, anh chầm chậm nói:
"Chị ấy không liên lạc với anh cả tháng nay rồi. Anh cũng tìm không ra chị ấy!"
Tôi không nói mình gặp chị ấy ở bệnh viện một phần vì lời hứa với chị. Tôi đứng yên trầm ngâm. Rồi bất ngờ Phục Hưng lấy tay choàng qua sau lưng tôi đẩy nhẹ tôi đi về phía trước.
Chiếc bánh kem hình quả dâu tây xinh xẻo nhìn trông rất ngon đang được đặt ở trên bàn cùng dòng chữ:
"Sinh nhật vui vẻ cô bé của anh!"
Mắt tôi chăm chú nhìn vào bánh kem thì tiếng đàn piano cùng giọng hát ấm áp quen thuộc vang lên:
"Vì nếu em cần một bờ vai êm.
Nếu em cần những phút bình yên.
Anh sẽ đến ngồi kề bên em.
Khi em khóc giọt nước mắt chứa chan.
Dẫu phong ba anh sẽ đến với em.
Cho dù không làm em cười.
Anh sẽ đến để được khóc cùng em…"
Tôi cười nhẹ. Sao tôi không thấy cảm động vậy? Anh ấy đứng dậy đi về phía tôi. Trong tay chìa ra một hộp quà nhỏ xíu:
"Nè! Tặng em, chúc em tuổi mới nhiều niềm vui. Mong rằng mọi ước nguyện của em sẽ trở thành hiện thực!"
"Cảm ơn anh!"
Sau đó, tôi ngồi xuống ăn bánh kem với anh thêm một chút. Trong lòng không yên khi để chủ tịch ở bệnh viện một mình.
"Anh Phục Hưng! Có thể cho em mượn nhà bếp một tí không?", tôi ngại ngùng hỏi ý.
"Em định nấu gì hả?"
Tôi gật đầu:
"Em tính nấu một ít cháo thăm bệnh. Mà nhân tiện nhà anh có đậu đỏ không?"
Anh cười rồi mở tủ ra:
"Hên cho em! Do gần đến ngày Thất tịch nên cửa hàng anh nhập về một ít đậu đỏ!"
Vậy là tôi nấu cháo. Đợi hầm cháo mà tôi ngủ gục đi lúc nào không hay.
Tôi mệt mỏi quá nên không thể mở mắt được, cô cố gượng dậy nhưng không thể. Chỉ lờ mờ thấy anh Phục Hưng nấu hộ cháo. Còn khẽ đắp chăn cho tôi. Cứ thế tôi ngủ một giấc đến 5 giờ sáng thì giật mình thức dậy.
Ôi! Tôi lấy tay sờ cái cổ đang đau nhức kinh khủng. Ngủ mà không đúng tư thế thức dậy như thảm họa. Tôi vệ sinh cá nhân để chuẩn bị quay lại bệnh viện. Vừa từ nhà vệ sinh ra đã thấy anh Phục Hưng đang múc cháo đậu đỏ thơm phức nóng hổi vào hộp thủy tinh. Anh vẫn dịu dàng ôn nhu như xưa:
"Em đi bệnh viện nào để anh chở đi!"
Thấy tôi nhíu mày suy nghĩ anh nói tiếp:
"Đừng từ chối anh!"
Tôi chỉ biết đồng ý thôi. Thế là anh lái xe chở tôi đi đến bệnh viện. Cầm hộp cháo trong tay mà tôi vui vẻ đến lạ. Nghĩ đến gương mặt lúc ăn cháo của ngài chủ tịch là tôi mỉm cười.