Từ khi bước qua lục đạo luân hồi cho đến khí cất tiếng “oe oe” chào đời, Oanh Thời mới nhận thức được rằng, nàng đã chuyển kiếp thành một sinh mạng mới, bắt đầu lại từ đầu, không có khả năng níu kéo Từ Nguyệt trước bờ vực suy vong.
Khác với kiếp trước, không biết có phải vì trải qua lịch kiếp một lần mà chân thân nàng hoàn thiện hay không mà kí ức kiếp này không nhạt nhòa như lần trước. Nàng vẫn nhớ như in Tử Nguyệt, vẫn nhớ như in gương mặt điển trai, nhớ như in tà áo trắng muốt phong lãng của hắn. Vẫn nhớ được tình cảm nồng nàn nàng dành cho hắn. Từ hào cảm, từ tận trung, từ dựa dẫm, hy vọng hóa thành chân tình.
Kiếp này, nàng không còn là con bé đốn mạt phố đèn đỏ nữa. Oanh Thời sinh ra trong một thế tộc quyền quý ở Tề quốc- một đại cường quốc phía Nam, có hai châu huyện tiếp giáp với nước Hoành.
Nàng là con của đại tướng quân đương triều có nhiều đời thế hệ nối đuôi nhau làm quan võ, trọng quan triều đình. Là cháu của Hoàng Hậu. Là em gái duy nhất của bốn vị ca ca và họ đều có những chiến công hiển hách, cả bốn người anh trai đều nắm một chức vị khá cao trong triều, thấp nhất cũng là tòng ngũ phẩm trở lên. Nàng sinh ra trong một gia đình tràn đầy hạnh phúc, cha không thiếp thất, phụ mẫu ân ái với nhau... khác biệt như mây với bùn kiếp trước.
Là nữ nhi duy nhất trong nhà, lại là con út, Oanh Thời có thể xem là cành vàng lá ngọc của gia đình, ai nấy cũng hết mực yêu thương nàng. Đến cả rót nước, búi tóc hay trang điểm cũng chẳng cần nàng động tay động chân. Đại tướng quân hay ví nàng như bình rượu nho quý ông ủ trong nhà, kẻ nào dám dòm ngó thì liệu mà bước qua xác ông trước, nuông chiều nàng đến vô điều kiện.
Kiếp này gương mặt, thần sắc của nàng không khác kiếp trước là bao... Không, cũng có sự chênh lệch kha khá mới đúng. Trước kia nàng ăn mặc chả khác gì một đứa ất ơ còn bây giờ, đến cả thắt lưng cũng phải do thợ có tay nghề bậc nhất kinh thành tạo tác. Ăn vận khác, chăm chút cũng khác, dáng vóc cũng khác, ai cũng tấm tắc khen nhà đại tướng quân có nữ nhi xinh xắn, về sau sẽ là một mỹ nhân của kinh thành.
Cả người Oanh Thời đều toát ra khí chất của một tiểu thư đài các.
Trừ một số chuyện. Đại loại như cá tính lạnh lâu khó bỏ của nàng. Cái nết hóng chuyện ham chơi, thích đọc sách vặt, ghét gò bó khuôn khổ... May cho nàng, con nhà tướng có thể của nhà tướng, cha nàng thấy nàng hoạt bát, cá tính thì cũng lấy làm tự hào, đi đâu cũng kể về con gái rượu.
Nàng thấy mình có công hy sinh vì đại nghĩa, mọi công đức đều được đổi thành ấm no đời này thì cũng khóc thầm trong lòng, rớm máu. Vận may xài hết rồi, thế kiếp sau, kiếp sau nữa nàng muốn gặp hắn, sẽ lại phải trong bộ dạng của một đứa ất ơ đầu đường xó chợ nữa sao...
Cơ mà không có may mắn nhiều đến thế. Oanh Thời có bệnh tim. Lúc sinh ra lão già lang băm nói nàng không sống qua tuổi thứ tám, nào ngờ thế nào lại hoạt bát trưởng thành lớn lên như người bình thường, năm tám tuổi cũng không hề hấn gì, chỉ khác mỗi nếu vận động nhiều, nàng cũng thấy nhói tim như lão già chuẩn đoán, cũng không khỏe khoắn như bao đứa trẻ bình thường khác, dễ ốm vặt.
Sống qua bạo bệnh, có người khen nàng đại nạn không chết, phúc lớn mạng lớn. Có người khen nàng là điềm lành, điều may mắn. Cũng không biết có phải vì thế mà các vị huynh trưởng lẫn phụ mẫu càng nâng niu nàng hơn hay không mà đến qua cái năm tám tuổi ấy, lúc nào đi đâu cũng cắp nách dẫn nàng đi theo.
Cũng năm tám tuổi ấy, cô cô nàng được tấn phong Hoàng Hậu, Oanh Thời càng có lí do chính đáng vào cung.
Lại nói về thâm cung. Tề quốc khác biệt hoàn toàn với Hoành quốc. Cung phi không nhiều bằng, thế mà lại đấm ấm, trông hiền hòa hơn hẳn. Ở đây không rát vàng rát bạc khoa trương như nước Hoành mà lại chăm chút cho tiểu tiết nhiều. Họa tiết cung đình được tạo tác tỉ mỉ, cổ kính, độc đáo, sang trọng rất riêng. Người Tề rất trọng việc gìn giữ và phát triển văn hóa cổ truyền nước nhà.
Tề quốc với Hoành quốc cũng có thể xem là hai đế quốc lớn, vị thế ngang bằng nhau, song không ưa nhau mấy. Mỗi khi Hoành quốc diễu võ dương oai ở biên giới, Tề quốc cũng đều thẳng lưng anh dũng đáp trả... Mỗi lần thấy các ca ca của nàng báo thắng trở về, Oanh Thời mừng quýnh lên.
Đáng đời cho nước Hoành, cái đế quốc độc đoán, máu lạnh. Cái nước đã tước đi sinh mạng của người nàng yêu.
Hoàng Đế của Tề quốc là một người bác ái song cũng kiên trực liêm chính. Ngoặt nỗi ông độc sủng chính cung Hoàng Hậu, cũng thế mà trong cung ít con cái, mới chỉ có hai nàng công chúa được ra đời, vị hoàng tử đầu tiên mệnh yểu, từ đó giờ chưa có đứa trẻ con nào được sinh ra. Quần thần lo lắng e ngại, ông lại không thích nạp cung phi... thế là nhận nuôi luôn đứa cháu, con của Yến Vương đã tử trận vào cung làm dưỡng tử, phong làm Nhị hoàng tử.
Quần thần bất lực.
Vào năm mười tuổi, sau hai năm thường xuyên ra vào trong cung như nhà mình, Oanh Thời làm thân được với Hoàng Đế. Trước kia ông từng ban tự cho nàng một chữ “Tường” ấy là điềm lành, diễm phúc, may mắn song lại chỉ mang tính quân thần không mấy thân thiết. Còn bây giờ, ông ta coi nàng như con cháu trong nhà. Thư phòng trong cung tùy ý cho nàng mượn sách đem về.
Quần thần lại một phen lo lắng, dâng tấu sớ phản đối, lấy lí do sợ nàng phá phách làm ảnh hưởng đến nội cung, nói nàng không phải hoàng tộc, không có tư cách ra vào cung cấm thường xuyên. Thế là Hoàng Đế phong nàng làm quận chúa, ban hiệu “Ninh Dương”. Và cũng không vì dịp gì.
Quần thần cũng đành bất lực lần nữa...
Cái tên Ninh Dương quận chúa cũng vì thế mà nổi lên như cồn trong kinh đô. Ai cũng nói nàng viên minh châu của đế quốc, đi tới đâu người người cung kính đến đó không ai dám phạm thượng.
Họ tưởng tượng thế thôi, chứ Oanh Thời không có nết na thục đức cũng không có trọng lễ tiết, cao cao tại thượng như nhiều người nghĩ. Cụ thể, vào năm nàng tròn mười tuổi ấy, nàng đã chỉ thẳng vào Nhị hoàng tử mới gặp lần đầu, dõng dạc nói:
“Cha, cô cô, con muốn cưới chàng.”
Nhị Hoàng tử- Hạo Nguyệt Thành lúc ấy cũng chỉ là một đứa trẻ, nó tròn xoe đôi mắt, ngạc nhiên trân trố nhìn nàng. Đại tướng quân thì cười hào sảng, còn Hoàng Hậu thì xấu hổ che mặt nhịn cười chín mật.
Hai đứa trẻ mới chạm mặt nhau lần đầu, đã thành đôi thành cặp, nổi tiếng khắp đế đô chỉ vì câu nói “vô tư” của một tiểu quận chúa.
“Tại sao?”- Hạo Nguyệt Thành nghiêng đầu, cất cái giọng trẻ măng thắc mắc.
Bé con nghiêng đầu theo, cười rạng rỡ như ánh dương:
“Vì ta yêu chàng.
Hôm ấy trên hành lang của cung Hoàng Hậu, trong ánh dương rực rỡ lấp lánh như rát vàng, trong hoa viên trăm loài đưa mình khoe sắc, một tiểu quận chúa mặc váy đỏ màu thạch lựu hệt như cánh mai trên nền da màu tuyết trắng, đưa ngón tay nhỏ ngọc ngà, quyết định lương duyên một đời của nó.
Cũng từ đó, cuộc đời của Hạo Nguyệt Thành đều chỉ xoay quanh người mà nó vô tình gặp gỡ hôm ấy.