Nhà Nơi Trấn Nhỏ

Chương 2: Phiên chợ ngoặt sông (Thượng)




Sáng hôm sau, khi gà gáy đến lần thứ tư, đèn trên giá trong phòng A Hạ sáng lên, ánh đèn chập chờn.

Nàng còn chưa tỉnh ngủ, nhưng vẫn cố gắng mặc xong quần áo rồi đi xuống lầu.

Trong thính đường có treo một chiếc đèn lồng hẹp, da giấy màu vàng, ánh sáng không được rõ ràng lắm, A Hạ vừa bước xuống đã nhìn thấy một bóng dáng đang ngồi xổm ở đó, thiếu chút nữa dọa nàng nhảy dựng.

Nhìn kỹ lại, đó đâu phải là bóng ma gì, rõ ràng là nương nàng đang thu dọn đồ đạc.

Nàng chậm rãi bước đến, mẹ Phương dựng đứng một cái rương kéo, phía dưới còn có bốn cái bánh xe nhỏ, bên trên là hai thanh dài hình bầu dục nối với nhau thành tay kéo.

Ban đầu trấn Lũng Thủy không có đồ vật này, là A Hạ mơ thấy vào một ngày nọ khi nàng mười tuổi, sau đó nhờ ông nội làm chiếu theo, quả nhiên dùng đỡ tốn sức hơn hẳn.

Khi nó được mang ra ngoài, đã thu hút sự chú ý của mọi người, nhờ bán cái này mà nhà họ kiếm lời không ít, sau đó có người khác học theo, từng đợt làm ra như măng mọc sau mưa, Phương gia liền thu tay, thấy đủ với những gì đã đạt được.

Mẹ Phương nghe thấy động tĩnh trên lầu liền biết là nàng đi xuống, trêu đùa: "Ta còn tưởng là Bánh Gạo đi tiểu đêm đấy."

Bánh Gạo là một con mèo tam thể, trên đầu cam trắng xen kẽ, mẹ Phương nuôi nó để bắt chuột, nhưng không ngờ nó thấy chuột lại chạy trốn nhanh hơn bất cứ ai.

A Hạ đánh cái ngáp dài, "Bánh Gạo làm sao có thể dậy sớm như con."

Nàng nhìn trái ngó phải, không thấy bóng dáng ông nội đâu, rửa mặt xong thì tò mò hỏi: "Nương, thái công đi đâu rồi?"

Mẹ Phương ôm từ trên bệ bếp ra một chậu bột đã ủ qua đêm, phủ vải lên, bớt chút thời gian nói với nàng: "Đi mở neo thuyền rồi, A Hạ, con kéo cái rương nhé, để ta rảnh tay mà bưng bột lên thuyền."

Nàng vâng lời, tìm một chiếc đèn lồng giấy đỏ thắp lên, rồi nhón chân thổi tắt ngọn nến trên đầu. Sau đó kéo rương đi trên con đường lát đá xanh, trong đêm tối tĩnh lặng đến mức ngay cả mặt trăng cũng đang say giấc, chỉ có tiếng kéo rương lăn qua đá phát ra tiếng kêu lọc cọc.

Phương gia có thuyền của riêng mình, là một con thuyền ô bồng, đậu bên bờ sông Minh Nguyệt, phía trước có một cái chòi được chống bởi bốn cây cột, phía sau là khoang thuyền, hai bên có một hàng cửa sổ nhỏ.

Ông nội đan cho con thuyền một chiếc đèn lồng bằng tre, treo dưới trần chòi, ánh nến chiếu xuống sàn thuyền biến thành những bóng sáng có hoa văn tre đan, sáng tối đan xen.

A Hạ vừa lên thuyền, ngồi ở đầu thuyền liền không chịu dịch bước, mẹ Phương cũng không ngăn cản, đưa cho nàng một cái lò sưởi tay. Ông nội cười ngắn một tiếng, rồi hô to: "A Hạ, ngồi yên, thuyền rời đi đây!"

Ông dùng mái chèo chống vào bờ, thuyền ô bồng từ từ tiến về phía trước. Dòng sông trong đêm trăng, từ rộng lớn lúc đầu dần dần trở nên hẹp lại. Thuyền rẽ vào một đầm cỏ lau, cỏ non đầu xuân xen kẽ cùng cỏ khô vàng, đung đưa theo gió.

A Hạ nghiêng đầu nhìn, sông nước lấp lánh ánh trăng, trong đám cỏ lau rậm rạp, có mấy con cò trắng đang ngủ đêm, ngẫu nhiên vỗ cánh, kêu khẽ như đang mơ màng, tiếng mái chèo cũng không thể đánh thức chúng khỏi giấc mộng đẹp.

Nàng nhẹ nhàng ngân nga một tiểu khúc, thuyền chèo đến giữa đầm lau sậy, rồi đi tiếp về phía trước một đoạn, dần dần không còn cỏ dại mọc lan tràn nữa, đường sông lại trở nên rộng rãi.



Một con thuyền đánh cá nhỏ lướt qua trước mắt nàng, người cầm mái chèo là một lão bá, ông ấy bắt chuyện với nàng một cách tự nhiên: "Đi ngoặt sông sao?"

"Vâng ạ, đến đó dựng sạp hàng," A Hạ giòn giã trả lời, "Lão bá, mọi người đi cùng luôn nhé."

"Được đấy, ta đến đó bán bánh bao mỡ, kiếm vài đồng cho cháu nội tiêu."

Lão bá nói chuyện hóm hỉnh, ở phía sau thuyền ông ấy là một lão thái thái có khuôn mặt phúc hậu, trong lòng ngực ôm một đứa bé bụ bẫm, bên cạnh là lò đất đặt trên sàn thuyền, trên đó có một loạt xửng hấp.

Lão thái thái nhìn thấy A Hạ thì trong lòng vui vẻ, dùng lá nhược diệp đã được hấp qua gói ba cái bánh bao mỡ, giọng nói dịu dàng: "Dậy sớm chưa ăn gì phải không, lại đây, bé con, nếm thử bánh bao mỡ a bà làm đi."

(Nhược diệp: một loài cây họ tre, có lá to hơn)

Mẹ Phương vội vàng ló đầu ra, "Không thể vô duyên vô cớ lấy không được, thím cầm mấy văn này đi, ta bỏ tiền mua."

"Không cần, là ta thấy con bé đáng yêu nên mới bảo nàng lấy về ăn chơi."

A Hạ được lão thái thái khen thì có chút xấu hổ, lồm cồm bò dậy, đi vào khoang thuyền cầm ra hai con mèo con bằng gốm sứ, là gốm men trắng, trông rất ngây thơ chất phác.

Nàng duỗi dài tay đưa qua đó, trên mặt nghiêm túc, "A bà, cháu lấy cái này đổi với bà."

Lão thái thái muốn cự tuyệt, đứa bé trong lòng bà lại kêu lên "ê ê a a", tay nó thế mà rất có lực, miệng há ra chảy đầy nước miếng, muốn lấy con mèo sứ chơi. Sau khi đến tay liền bỏ vào miệng cắn, cắn không nổi thì dùng ba chiếc răng để mài, đứa bé sốt ruột đến độ nghẹn ra vài giọt nước mắt.

Lúc này trời đã sáng, mọi người đều có thể nhìn thấy động tác của nó, cười đến mức xua tan cả mây. Bây giờ, A Hạ mới đem bánh bao mỡ phân cho mẹ Phương và ông nội, rồi tự mình ngồi xếp bằng, thừa dịp còn nóng hổi mà xé lá nhược diệp, để lộ ra bánh bao trắng núng nính bên trong.

Người nào ăn qua bánh bao mỡ sẽ biết, món này nếu không chú ý mà cắn một miếng lớn rồi nuốt xuống, thì có thể bị nóng đến mức nhảy dựng, miệng cũng nổi mụn nước.

Trước kia A Hạ từng bị bỏng qua, phải ăn cháo loãng mất mấy ngày, đến bây giờ trong lòng vẫn còn sợ hãi. Nàng cẩn thận bẻ một miếng nhỏ ra, lớp mỡ heo trộn đường được bao ở bên trong hơi tràn ra một chút, còn có xen lẫn giữa những hạt mỡ heo nhỏ trong suốt là hạt thanh mai và sợi thanh hồng.

Nàng thổi một hơi, rồi mới đưa lên miệng cắn xuống, lớp vỏ mềm xốp khỏi phải bàn, cơ mà phần nhân mỡ heo chảy vào miệng mới là tuyệt vời nhất. Không hề có chút mùi mỡ tanh nào, cũng không khiến người ta ngấy đến phát hoảng, vị lại rất ngọt ngào, ngẫu nhiên còn cắn trúng hạt thanh mai, chút chua chua ấy giúp giải ngán, đến khi nếm lại mỡ heo, hương vị thực sự rất ngon.

A Hạ vừa thổi vừa ăn, trộm vía không bị mỡ chảy ra làm bỏng. Ăn xong toàn bộ, tay chân đều ấm áp lên, nhưng sau khi bụng no căng thì nàng liền có chút buồn ngủ, cố gắng chống đỡ cho đến cửa ngoặt sông.

Thuyền đánh cá đối diện đã đi xa, bọn họ muốn đến một bến tàu khác để mở sạp, đứa bé mũm mĩm vẫn nắm chặt con mèo sứ, đôi lúc còn ngoái đầu lại nhìn.

Cuộc gặp gỡ giữa họ chỉ kéo dài trong khoảng thời gian ăn xong ba chiếc bánh bao mỡ, nhưng lại khiến A Hạ vui vẻ thật lâu, thỉnh thoảng nàng vẫn nhớ đến cái hương vị đó.

Cửa sông hiếm khi náo nhiệt như vậy, mỗi khi có phiên chợ, những con chim nước sống ở đây đều phải dời ổ sang nơi khác, tiếng người quấy nhiễu khiến chúng không thể ngủ yên được.



Ông nội đậu thuyền vào bờ, ông vuốt chòm râu hoa râm của mình, cười tủm tỉm hỏi, "A Hạ, muốn cùng thái công đi mở quán trước, hay vẫn là đi dạo, mua chút đồ hiếm lạ trước?"

Nói xong còn định lấy túi tiền từ trong ống tay áo ra, muốn cho nàng một ít, ông nội nửa đời sống bằng nghề thợ mộc, trong tay cũng tích góp được kha khá, ông lại không tiêu cho bản thân, phần lớn toàn là cho A Hạ mua chút đồ ăn vặt hay đồ chơi gì đó.

A Hạ không lấy, nàng vỗ vỗ túi tiền bên hông mình, tuy không có được mấy đồng tiền, nhưng vẫn rất tự tin nói: "Thái công, không cần cho con đâu, con có tiền."

Vừa nói vừa lặng lẽ tránh đi tầm mắt đang nhìn qua của mẹ Phương, nếu mà nàng nhận lấy tiền này thì nương sẽ mắng nàng mất.

Ông nội vui vẻ nhìn hai mẹ con mắt đi mày lại, rồi đem đồ đạc của quầy hàng dọn hết ra ngoài, ngoặt sông người nhiều đến nỗi không còn chỗ để bước, có đủ thứ hàng hóa, còn có những lá cờ ngũ sắc tung bay trong gió.

Một dãy sạp quán nhìn không thấy đầu, bán vải may trang phục, làm nghề nguội bán đồ sắt, rau củ tươi xanh, cá tôm đầy sọt, những người bán đồ ăn thì từ xa đã nghe thấy tiếng xèo xèo, rồi ngay sau đó là hương thơm ngào ngạt.

Nhưng A Hạ đã hoàn toàn bị tiếng trống cơm trên con đường nhỏ thu hút, nàng dựa vào bên cạnh mẹ Phương xem một đoàn đồng tử mang mặt nạ trắng, đỏ, xanh, mặt mũi hung tợn đang nghênh diện đi tới.

(Đồng tử: đứa bé nam, trong trường hợp này là đứa bé nam đi theo hầu lễ.)

"Đừng sợ, đây là ngoặt sông thỉnh người đến làm lễ hội mạ non, cầu năm nay lúa gạo được mùa, thu hoạch bội thu."

Trước kia A Hạ nhát gan, mẹ Phương không cho nàng xem biểu diễn rước hương khói của trấn Lũng Thủy, bây giờ nàng ấy ôm lấy nàng, mềm giọng dịu dàng, dỗ nàng chớ có hoảng sợ.

Đồng tử đều là một đám trẻ con chưa trưởng thành, thân hình nhỏ bé nhưng lại rất gan dạ. Chúng múa, hát, đánh trống một cách thuần thục, đằng trước hát, phía sau theo sát đánh cái trống nhỏ trên thắt lưng.

Người dẫn đầu cầm thanh kiếm gỗ, đột nhiên lộn nhào ra phía sau, vững vàng đặt chân xuống đất, giọng nói vang dội: "Hát từ đầu năm đến cuối năm, thóc lúa trong ruộng đều nảy mầm. Chỉ nguyện vua châu chấu có thể phù hộ, đừng kêu con dân tới quấy phá, tới quấy phá."

Hắn ta dừng lại, tiếng trống cất lên, vang đến rung trời.

Ngay sau đó là một thầy phù thủy nâng bức tượng vua châu chấu đi qua một cách trang trọng, phía sau là những người đàn ông mặc váy nữ nhảy múa trừ tà, một đường đi đến thần đàn ở bờ ruộng bên kia, đầu tiên phải cầu thần, sau đó cúng tế mười lần, đến gần nửa ngày mới có thể nghỉ.

A Hạ nhìn thấy trong lòng rất ngạc nhiên, lại nghe người bên cạnh vui mừng, "Năm nay lúa mạ nhất định tốt, không gặp tai ương gì, ta mong thóc gạo đầy kho, tích góp chút tiền cho con đến thư viện học."

"Chắc chắn sẽ đại cát đại lợi."

Trong ruộng chỉ còn đọng lại nước bùn, nhưng trong mắt người nông dân, năm nay cây lúa có thể sinh trưởng mạnh mẽ, không bị gió táp mưa sa quật ngã.

Tiếng trống vang, cỏ xuân mọc. Năm nay sẽ là một quang cảnh tươi đẹp.

Chú thích:

i. Theo mô tả thì bánh này có tên gốc tiếng Trung là 水晶油包, nôm na là Bánh bao mỡ thủy tinh, là món ngọt truyền thống của Ninh Ba, Chiết Giang, nguyên liệu chính của phần nhân là mỡ heo được thái hạt lựu rồi trộn với đường, phần nhân mỡ trộn đường này sau khi bánh được hấp lên sẽ có màu trong suốt như thủy tinh.