Đêm đến, nhị ca gõ cửa phòng ta. Ta khoác áo đứng ra ngoài, huynh ấy đưa cho ta một chiếc trâm cài tóc: "Hôm trước ta đi ngang qua tiệm mộc, thấy họ bỏ một mẩu gỗ hồng hoa lê, ta xin về tiện tay khắc thành cây trâm này, muội xem có thích không?"
Chiếc trâm rất đẹp, còn được khắc thêm hình bông hoa nhỏ. Ta thích vô cùng.
Nhị ca cài trâm lên tóc cho ta, dẫn ta soi gương, hỏi: "Thích không?"
Ta sờ lên cây trâm, mỉm cười, bắt chước giọng huynh ấy: "Chỉ cần nhị ca tặng, muội đều thích cả."
Nhị ca bật cười, bảo: "Vậy nhị ca sẽ chăm chỉ đọc sách, sau này kiếm tiền, tặng muội thêm nhiều thứ đẹp hơn."
"Được, vậy nhị ca cố gắng đọc sách nhé."
Ta vừa định khép cửa, ngẩng đầu lên liền thấy ánh trăng trên cao. Bất giác ta nhớ lại, đã lâu rồi mình không nghĩ về nhà. Không biết mẫu thân và các muội muội giờ sống thế nào, giờ đã hết hạn hán rồi, liệu ruộng có cấy cày được gì không.
"Đại ca."
Đại ca vừa mở cửa bước ra, nhìn thấy ta, khựng lại một chút rồi đưa cho ta một chiếc hộp rất đẹp.
Mở ra, bên trong là một chiếc trâm bạc.
"Chỉ là bọc bạc bên ngoài, không đắt đâu." Huynh ấy liếc qua chiếc trâm gỗ trên tóc ta, hơi ngừng lại. Ta vội tháo trâm xuống giải thích: "Là nhị ca vừa tặng muội."
Đại ca gật đầu, căn dặn: "Ngủ sớm đi."
Ta ôm chiếc trâm trong tay, mỉm cười nói: "Cảm ơn đại ca, muội thích lắm."
Huynh ấy đi được mấy bước, bỗng quay đầu lại hỏi: "Nếu muội muốn về nhà thăm, ngày mai ta đưa muội về."
Ta lắc đầu, đáp: "Không về đâu, để sau này hẵng nói."
Giờ ta về cũng chẳng có ích gì, chẳng có tiền, cũng chẳng bảo vệ được mẫu thân.
Thôi vậy.
Hôm sau, cả nhà cùng nhau lên trấn, tiễn nhị ca đi đóng học phí.
Ta còn đặc biệt mang theo bánh hạt dẻ. Khi phu tử nhìn thấy bánh, liền vui vẻ nói: "Hóa ra bánh hạt dẻ ở cổng chợ là nhà các con bán à? Ta còn từng mua nửa cân đấy, ngon lắm!"
Ta cười, đáp: "Nếu phu tử thích, sau này con sẽ thường xuyên mang đến biếu cho người."
Phu tử cười, gật đầu đồng ý.
Ông ấy còn bảo, thấy nhị ca tiếp tục đi học, ông ấy rất vui. Năm sau nhị ca nhất định có thể đỗ Tú tài.
"Nhị ca, huynh phải học hành chăm chỉ, chúng ta cùng nhau kiếm tiền nuôi huynh." Ta nói.
Nhị ca chỉ nhìn ta cười, không nói gì.
Hôm ấy, ta mua rất nhiều vải vóc và bông vải, định về nhà may áo bông cho mọi người. Tam ca bất ngờ đứng cạnh ta, nhìn chằm chằm lên tóc ta, hỏi: "Sao lại có thêm một cây trâm? Mới mua à?"
"Nhị ca tặng muội đấy, đẹp không?"
"Hết sức bình thường." Tam ca bĩu môi.
Ta nghĩ thầm, mắt huynh ấy đúng là không tốt, đáp lại: "Đại ca cũng tặng muội một cây trâm, mai muội sẽ thay đổi để đeo."
"Được đấy, hai người còn dám giấu ta tặng đồ riêng." Tam ca lẩm bẩm, giọng rất nhỏ, ta nghe không rõ, bèn hỏi: "Huynh nói gì cơ?"
Buổi tối, tam ca về nhà, cũng nhét cho ta một cây trâm: "Nhớ, mai phải đeo đấy!"
Cây trâm của tam ca dường như làm bằng ngọc. Ta không rành, nhưng thấy màu xanh biếc, sáng rực rất đẹp.
"Ngày kia muội đeo được không, mai muội định đeo cây trâm của đại ca."
"Ôi trời, Tống nha đầu, cây trâm nào muội cũng thích hết à?"
"Đúng rồi, cái nào muội cũng thích."
Mỗi cây trâm đều đẹp, ta rất trân quý trâm, trân quý cả các huynh ấy.
"Muội thật là rộng lượng, thứ gì cũng thích." Tam ca bực bội quay người bỏ đi.
Ta không hiểu huynh ấy giận điều gì. Mọi người tốt với ta, ta thích họ, chẳng phải lẽ thường tình hay sao?
Tết năm ấy, nhị ca và đại ca đều trở về, trong nhà vô cùng náo nhiệt.
Đại ca còn cùng ta về thăm nhà, gặp mẫu thân đang làm việc ngoài sân, hai muội muội cũng đang giúp bà. Ta lén gọi mẫu thân ra, dúi cho bà hai mươi văn tiền. Mẫu thân nói ta đã cao lớn lên rất nhiều, lúc ấy ta mới nhận ra mình đã cao hơn bà.
Qua năm mới, sáng sớm ta lại cùng tam ca lên trấn bán bánh, bán xong thì trở về, sau đó tam ca còn phải ra đồng.
Đến vụ cấy lúa, ta chỉ có thể tự đi bán bánh một mình.
Việc bán bánh vẫn thuận lợi như thường. Lúc thu dọn về, đột nhiên một vị đại thẩm bán hàng ở quầy bên cạnh vội vàng chạy sang, bảo: "Nha đầu, nhị ca nhà cháu bệnh rồi, mau đi xem thế nào!"
Ta giật mình hoảng hốt, hỏi: "Bệnh… bệnh nặng lắm sao?"
"Ta cũng nghe người ta nói, hình như không nhẹ đâu."
Ta nhờ thẩm ấy trông giúp quầy hàng, rồi chạy một mạch đến thư viện của nhị ca.
Phu tử cũng lo lắng lắm, vừa thấy ta liền nói ngay: "Nhị ca của con đang ở trong nhà chứa củi sau viện, con mau về gọi người nhà đến đi."
"Để con vào xem trước!"
Ta chạy thẳng ra hậu viện, mặc phu tử ở phía sau lớn tiếng gọi: "Nha đầu, đừng vào, không được vào!"
Nhưng ta chẳng nghe được gì, chỉ xô cửa bước vào nhà chứa củi. Bên trong dọn dẹp cũng khá sạch sẽ, chỉ có một chiếc giường đặt giữa phòng. Nhị ca đang nằm đó.
"Nhị ca!"
Ta lao đến, nhị ca vẫn mê man, trán nóng như lửa, trên mặt còn nổi những đốm đỏ. "Nhị ca, huynh đợi muội, muội đi gọi người đưa huynh đến y quán!"
Thầy giáo đứng ngoài sân, cất tiếng gọi vào: "Nha đầu, mau ra đây! Nhị ca cháu có khả năng mắc bệnh đậu mùa đấy!"
Bệnh đầu mùa?