Người Tìm Xác

Chương 86: Chết trên biển




Tôi uống trà rồi nhìn cảnh ngoài cửa sổ… Trời xanh mây trắng, gió lùa tạo thành dải sóng lúa trên đồng ruộng, có cảm giác thoải mái khôn tả.

“Đây là đâu vậy? Chỉ có một mình ông trông nó thôi à?” Tôi hỏi.

Quái nhân gật đầu nói: “Đây là quê hương của tôi, trong ký ức của tôi thì nó đẹp như vậy đấy. Tiếc là chỉ có mỗi mình tôi, nhưng giờ thì tốt rồi, cậu đã đến.”

Tôi giật mình, thế là ý gì, không phải là ông ta muốn tôi ở lại cùng đấy chứ? Tôi có ngốc thế nào, cũng có thể nhận ra nơi này không phải là thật. Người này cũng không vui vẻ dễ gần như đang thể hiện, chắc chắn ông ta đã dùng loại tà thuật nào đó mới nhốt được tôi lại!

Tôi không muốn vòng vo, nên hỏi thẳng: “Rốt cuộc ông là ai?”

Quái nhân châm thêm trà cho tôi, rồi mới trả lời: “Tôi là Đỗ Kiến Quốc, một thanh niên trí thức vùng nông thôn.”

Thanh niên trí thức? Từ này không mấy thịnh hành ở thời đại của tôi. Xem ra tuổi cũng xấp xỉ cha mẹ tôi, nhưng dù trông ông ta rất đáng sợ, nhưng nhìn cũng chỉ hơn 30 thôi mà?!

“Sao ông lại ở đây? Và… vì sao lại trở nên như thế?”

Đỗ Kiến Quốc sờ lên mặt mình, sau đó lấy một khung hình trên giá sách xuống đưa cho tôi.

Tôi nhận lấy khung hình, trên đó là bức ảnh của một thanh niên cao gầy đẹp trai, mặc một bộ đồ màu xám kiểu Tôn Trung Sơn, cầm một tập văn của Lỗ Tấn.

Tôi không hiểu vì sao ông ta lại đưa cho mình nhìn tấm hình này: “Đây là ai thế?”

“Là tôi…” Đỗ Kiến Quốc thản nhiên nói.

Tôi kinh hãi không thốt nên lời, sao có thể là ông ta chứ, chẳng có chỗ nào giống cả! Dù về chiều cao hay tướng mạo, nhìn thế nào cũng thấy là hai người khác nhau! Nhưng trông ông ta không giống như đang đùa.

“Ông… sao lại trở nên như vậy?” Tôi không thể tin nổi.

Đỗ Kiến Quốc cười khổ: “Chuyện khá dài, những cực khổ của thời chúng tôi, thế hệ sau như các cậu không thể nào tưởng tượng nổi đâu. Nếu thấy hứng thú, tôi có thể kể cho cậu nghe, dù gì cũng đã lâu rồi tôi không nói chuyện cùng ai.”

Tôi khẽ gật đầu, chuẩn bị làm thính giả trung thực nhất. Vì tôi có thể cảm nhận được, Đỗ Kiến Quốc này có quan hệ rất sâu với truyền thuyết trên đảo…

Quê Đỗ Kiến Quốc ở Bảo Định, vì ra đời vào năm đất nước trong thời kỳ xây dựng, nên được bố đặt tên là Kiến Quốc. Ông ta xuất thân từ dòng dõi thư hương, cha mẹ đều bị liệt vào hàng “Xú lão cửu*” trong thời kỳ cải cách văn hóa. Trước cuộc vận động như sóng xô kia, cha mẹ của ông ta là giáo viên cấp hai của Bảo Định, chính ông ta cũng là một thanh niên có văn hóa, tuổi trẻ tài cao thời bấy giờ.

* Xú lão cửu: là một từ có từ lâu đời nhưng được dùng thịnh hành vào những năm 60 - 70 của thế kỷ 20, khi Trung Quốc nổ ra thời kì “cải cách văn hóa”, từ này để chỉ một nhóm thành phần trí thức bị công khai bắt đi cải tạo hoặc bị đàn áp.

Sau cuộc vận động, cha mẹ của ông ta đều bị đuổi, các giáo viên trong trường cũng bị gọi là xú lão cửu, nên tự động xin nghỉ dạy. Sau đó các thanh niên trí thức bắt đầu lên núi hoặc xuống nông thôn để làm công tác vận động.

Vì có xuất thân không tốt, Đỗ Kiến Quốc xuống nông thôn xong thì được sắp xếp đến một nơi ở Quảng Đông, được gọi là Khê Đầu Lĩnh. Nơi đó vừa xa xôi vừa cằn cỗi, đa phần đều là ngư dân, dựa vào ra biển đánh cá để kiếm sống.

Lúc mới tới, ông thấy cái gì cũng lạ lẫm. Mà khẩu phần đại đội chia cho những thanh niên trí thức như ông ta không được nhiều, muốn no bụng thì phải ra biển đánh bắt cá tôm với ngư dân mới có thể sống nổi qua ngày. Nhưng dù thế, ông vẫn không mất lòng tin vào cuộc sống, tin tưởng khó khăn trôi qua chỉ là vấn đề thời gian thôi…

Tuy rằng điều kiện khi ấy rất gian khổ, nhưng Đỗ Kiến Quốc không hề cảm thấy như vậy, vì lúc đó ông đang yêu! Ông yêu một nữ thanh niên trí thức đến từ Thượng Hải, tới cùng thời gian với mình, bà Hạ Thanh Thanh.

Gia cảnh của Hạ Thanh Thanh càng không tốt hơn ông. Trước giải phóng, cha mẹ của bà là nhà tư bản, lúc bấy giờ họ có khá nhiều sản nghiệp ở Thượng Hải, mà còn từng hợp tác với người Nhật. Dù sau đó cha của bà góp phần lớn sản nghiệp cho Đảng, nhưng ngay từ đầu cuộc vận động, gia đình bà vẫn gặp tai vạ đầu tiên.

Chắc vì cùng hoàn cảnh, có thể giúp sưởi ấm trái tim, nên họ yêu nhau…

Con người mà có tình yêu, thì dù đang ở ngày đông giá rét, trái tim cũng sẽ cảm thấy ấm áp. Họ ở cùng nhau, mặc sức tưởng tượng về viễn cảnh tương lai, Hạ Thanh Thanh còn đồng ý nếu sau này được trở về, bà sẽ tới Bảo Định tìm Đỗ Kiến Quốc, ở bên nhau mãi mãi.

Tiếc là tiệc vui chóng tàn, chuyện xui xẻo lại đang chờ họ ở ngã ba cuộc đời…

Dân ở Khê Đầu Lĩnh rất mê tín, bọn họ thờ phụng cha mẹ tổ tiên, khi ra biển hoặc đi biển bắt hải sản thì kiêng kị rất nhiều, đặc biệt là với phụ nữ. Ví dụ như phụ nữ không thể lên thuyền, không thể tham gia tế biển, phụ nữ đến tháng cũng không thể xuống biển, vì như thế sẽ rước tai họa tới cho người dân ở đây.

Đỗ Kiến Quốc đã thấy mấy lần, có vài cô gái bản địa vì phạm vào điều kị mà bị nhốt lồng heo. Nói trắng ra là những cô gái đó bị nhét vào một cái rọ trúc chuyên để nhốt heo, rồi bị ném vào biển để tế cho cá ăn.

Có một ngày, nhóm thanh niên tri thức muốn ra biển đánh bắt hải sản. Đỗ Kiến Quốc mượn ngư dân một chiếc thuyền nhỏ để ra biển, nhưng mấy nữ thanh niên trí thức khác cũng muốn đi cùng. Đỗ Kiến Quốc biết nơi này không cho phụ nữ ra biển, nhưng khi nhìn thấy ánh mắt hy vọng của Hạ Thanh Thanh thì lòng ông mềm nhũn, đành đồng ý với họ.

Vì không để người khác nhận ra, họ để mấy nữ sinh này mặc đồ của đàn ông, ai cũng phải mang mũ. Mới đầu, ai cũng nghĩ chỉ cần lặng lẽ đi, lặng lẽ về thì sẽ chẳng ai phát hiện ra. Nhưng ai ngờ chuyện lại phát triển không theo kế hoạch họ đề ra…

Lúc đầu cũng rất thuận lợi, ngờ đâu trên đường trở về, họ lại cứu được một nam một nữ. Họ bám vào một khối gỗ mục lênh đênh trên biển.

Hai người đó cũng chỉ còn thoi thóp, vốn nhóm thanh niên muốn lặng lẽ lên bờ, nhưng tình huống lại không thể làm vậy được.

Người trên bờ thấy mấy thanh niên trí thức này vớt lên xác chết thì hoảng sợ. Ngư dân lập tức gọi bí thư chi bộ trong thôn tới, kiên quyết không cho đám thanh niên đưa hai người này lên bờ.

Nhóm thanh niên không chấp nhận được việc thấy chết mà không cứu, còn người trong thôn thì không chịu nổi việc họ mang xác chết về thôn. Dân ở đó cho rằng đây là chuyện không may mắn, sẽ mang tới tai họa!

Lúc hai bên tranh chấp, người ta phát hiện trừ hai “xác chết” kia, trên thuyền còn có mấy nữ thanh niên trí thức nữa! Chuyện này thực sự làm các thôn dân sôi trào…

Ngư dân phẫn nộ muốn ném mấy nữ thanh niên trí thức này vào lồng heo, rồi vứt xuống biển. Nhưng bí thư của thôn biết không thể làm thế được, dù sao những thanh niên này đều là người trên thành phố xuống, nếu sau này cấp trên truy cứu, thôn dân thì không sao, nhưng người bị xui xẻo chính là ông ta!

Thế là bí thư đành phải bàn bạc với mọi người, bắt mấy nữ thanh niên này viết giấy cam đoan, sau này không ra biển nữa. Và hai người sắp chết được cứu về kia không được người trong thôn đồng ý chăm sóc, nên đành phải để họ ở ký túc xá của những thanh niên trí thức này.