Triệu Khiêm sợ ngây người, lúc anh ta ra ngoài vào buổi sáng thì Đỗ Quyên vẫn còn đương tốt lành, sao chỉ mới đến trưa mà cô đã thành ra như vậy?
Dì Hai thấy Triệu Khiêm thì nói với anh ta với vẻ mỉa mai: “Con điếm Đỗ Quyên kia đúng là còn nhỏ mà to gan, dám vụng trộm với đàn ông thì nên nghĩ đến việc sẽ có ngày này!”
Triệu Khiêm nổi giận quát: “Câm mồm! Thử nói vớ vẩn thêm một câu nữa xem? Cút!”
Dì Hai sửng sốt, cô ta chưa từng thấy Triệu Khiêm nhã nhặn thô bạo như thế bao giờ, mặt lúc trắng lúc xanh, vội quay về phòng.
Đám người hầu hóng hớt lại vội giải tán như chim di tản, dù sao sau này chủ của viện cũng là đại thiếu gia, nếu bây giờ đắc tội với anh ta thì chắc chắn sau này sẽ chẳng được yên lành!
Triệu Khiêm thấy mọi người đã đi hết, nên đi qua bế Đỗ Quyên lên, rồi sai thân tín của mình đi tìm thầy lang. Lúc này Đỗ Quyên mới từ từ tỉnh lại trong lòng Triệu Khiêm, thấy anh ôm mình, lại nghĩ đến đứa con thì tủi hờn. Nhưng những giọt lệ của cô chỉ quanh quẩn trong hốc mắt chứ không chảy ra.
Triệu Khiêm thấy thế lại càng đau lòng hơn. Là anh ta không bảo vệ thật tốt nên mới để cô phải chịu tội lớn như vậy, nếu trước đó dẫn Đỗ Quyên đi, thì đâu còn chuyện như bây giờ? Con của họ cũng có thể được giữ lại.
Thời gian thân tín của Triệu Khiêm đi tìm thầy lang lâu hơn tưởng tượng. Anh ta không mời vị vẫn hay xem bệnh cho nhà họ Triệu, dù sao đây cũng chẳng phải chuyện quang minh gì. Vì thế, anh ta cố ý chạy ra ngoại ô, mời một thầy lang khác.
Sau khi thầy lang đến, nhìn Đỗ Quyên thì chau mày: “Cô gái này sảy thai, hơn nữa còn bị thương, chỉ e…”
Triệu Khiêm cắt lời: “Tiên sinh, dùng bao nhiêu loại thuốc quý cũng không sao hết, nhất định phải giữ được mạng cho cô ấy.”
Thầy lang cẩn thận xem mạch cho Đỗ Quyên, cuối cùng cũng lắc đầu liên tục: “Tôi chỉ nắm ba phần là cứu được cô ấy. Triệu thiếu gia, cậu vẫn phải nghĩ kĩ đi, dù có cứu sống, thì cô ấy cũng không thể sinh con được nữa!”
Đương nhiên Triệu Khiêm không quan tâm đến chuyện Đỗ Quyên có sinh được hay không, chỉ cần cô bình an là tốt rồi. Nhưng câu nói đó lại bị Đỗ Quyên đang mông lung nghe thấy, đứa con mất đi vốn đã khiến cô mất hết ý chí, vừa nghe thấy mình không thể sinh con được nữa, cô càng không nói nổi nên lời!
Lang trung đang khám vết thương cho Đỗ Quyên, thì ông Triệu phái người đến gọi con trai đến từ đường, nơi thờ cúng linh vị của tổ tiên, bảo là có chuyện muốn nói.
Thì ra sau khi ông Triệu nguôi giận, nghĩ ngược nghĩ xuôi mới cảm thấy đám người hầu nam trong viện này không thể là gian phu, còn con mình thì lại rất có khả năng!
Triệu Khiêm nghe cha gọi mình qua thì cũng đã đoán được, bèn để quần áo đầy máu đi gặp ông.
Ông Triệu thấy con trai mình dính đầy máu thì hiểu đến bảy tám phần, tức đến nỗi lệch cả ria mép!
“Nghiệp chướng! Quỳ xuống! Con ả Đỗ Quyên này cả người đầy thịt thối, sao mày có thể làm cái loại chuyện chó má này với nó chứ?” Ông Triệu giận dữ gầm lên.
Triệu Khiêm sửng sốt, anh ta mất mẹ từ bé, ông Triệu lại là người mang nặng tư tưởng phong kiến, làm chuyện gì cũng đều rất cổ hủ. Tuy cưới nhiều vợ, nhưng ông ta vẫn tuân thủ nghiêm ngặt lẽ thường, không làm ra chuyện gì phạm vào luân lý, nên Triệu Khiêm vẫn luôn sợ bố mình.
Tuy là con trai ruột của ông Triệu, nhưng trong mắt ông ta, chuyện con trai ăn nằm với vợ bé của mình mà bị đồn ra ngoài, thì có chết ông ta cũng chẳng có mặt mũi nào mà gặp liệt tổ liệt tông!
Vì thế, ông Triệu gọi mấy người hầu đã núp từ nãy giờ, sai họ trói chặt Triệu Khiêm đang quỳ dưới đất, sợ anh kêu lên nên bịt miệng lại!
Triệu Khiêm cũng chỉ là một thư sinh yếu đuối, đương nhiên không đánh lại được đám người làm việc thể lực quanh năm này, đành trơ mắt bị bố mình bắt đi, nhốt trong mật thất của từ đường.
Triệu Khiêm bị trói rồi, ông Triệu sai người đến phòng Đỗ Quyên, đuổi thầy lang đang xem bệnh cho cô đi. Sau đó cho đóng kín cửa phòng, không cho phép bất cứ kẻ nào ra vào.
Đỗ Quyên đáng thương bị nhốt trong phòng thảm thiết như thế mấy ngày, cuối cùng tắt thở…
Triệu Khiêm bị giam trong mật thất vẫn cho rằng Đỗ Quyên đang dưỡng thương, từ từ hồi phục. Bây giờ chỉ chờ lão gia bớt giận thì sẽ thả mình ra.
Lúc anh được thả ra ngoài thì đã là nửa tháng sau, xác của Đỗ Quyên đã bị người khác quấn chiếu chôn sau núi từ lâu.
Triệu Khiêm vừa ra ngoài thì nhận ra người hầu trong nhà bị đổi gần hết, không ai biết Đỗ Quyên đi đâu hết. Mấy bà vợ bé cũng chỉ nói là Đỗ Quyên bị lão gia tống về nhà mẹ đẻ dưỡng bệnh rồi. Nhưng Triệu Khiêm lại cảm thấy chuyện không đơn giản như vậy.
Đã có mấy lần anh ta định hỏi bố mình xem Đỗ Quyên đi đâu, nhưng vẫn không đủ can đảm để lên tiếng. Mãi đến một ngày, ông Triệu đột nhiên gọi anh đến, nói là việc làm ăn của gia đình ở trong tỉnh đã đến tận Nam Dương, nhất định phải có một người của mình qua đó làm môi giới, nên ông Triệu để anh ta đi.
Đương nhiên là Triệu Khiêm không muốn đi, nhưng lệnh cha khó cãi. Cuối cùng, anh ta đưa ra một điều kiện, mong bố cho mình dẫn Đỗ Quyên đi cùng, hơn nữa còn hứa hẹn rằng vĩnh viễn không để cô về lại nhà họ Triệu nữa.
Ông Triệu tỏ vẻ đồng ý, nhưng mãi đến hôm lên thuyền, Triệu Khiêm vẫn không thấy bóng Đỗ Quyên đâu…
Ba năm sau, Triệu Khiêm ở Nam Dương nhận được thư nhà gửi, trong đó viết bệnh tình ông Triệu nguy kịch, mong con trai mau chóng trở về.
Lúc quay lại căn nhà mà anh ta cho rằng mình sẽ vĩnh viễn không trở về nữa, Triệu Khiêm mới sợ hãi phát hiện, người trong nhà đều đã chết hết rồi. Ngoại trừ ông Triệu đang hấp hối thở dốc, lay lắt trên giường bệnh thì cũng chỉ còn dì Tư Lãnh Sương.
Triệu Khiêm lạnh nhạt liếc nhìn bố ruột, chẳng nói chẳng rằng, đoạn lại nhẹ nhàng nói với Lãnh Sương: “Dì Tư, Đỗ Quyên được chôn ở đâu?”
Lãnh Sương sững sờ, sau đó lại gật đầu nói: “Đến lúc nên nói cho con biết sự thật rồi.” Nói rồi, cô ấy mở hòm gỗ lớn sau lưng mình, lấy một đôi hài nhỏ đỏ thẫm ra, đưa cho Triệu Khiêm.
Anh ta cầm lấy, nhận ra chủ nhân của đôi hài này chính là Đỗ Quyên.
Lãnh Sương nhìn đôi hài, đau thương nói: “Đỗ Quyên là cô gái đáng thương, đây là thứ duy nhất cô ấy để lại. Trước khi chết cô ấy đã nhắn nhủ tôi giao cho con. Đôi hài này vốn có màu đỏ tươi, nhưng lại bị máu của Đỗ Quyên nhuộm thẫm, mới trở thành màu đỏ sẫm như bây giờ. Thật ra cô ấy vẫn bị chôn vùi dưới gốc gây hòe già ở sau núi, hàng năm vào ngày giỗ, tôi đều lén đi tế bái.”
Triệu Khiêm nghe vậy mới cúi đầu thật thấp, bái lạy Lãnh Sương: “Cảm ơn dì đã nói cho con biết sự thật, những người khác trong nhà đâu? Sao chẳng còn ai nữa?”
Lãnh Sương cười lạnh: “Từ sau khi con đi, cái nhà này chẳng còn yên bình nữa, người chết liên tiếp!”