Người Ở Bên Tay Trái Của Tôi

Chương 30: 30: Chương 102




Lúc quay về lớp, vẫn còn ba tháng nữa mới tới kỳ thi tuyển sinh đại học.



Giờ đang là lúc cam go nhất, ngày nào trên góc bảng đen cũng có dòng chữ “Khoảng cách tới kỳ thi đại học còn XX ngày”.



Khi con số càng ngày càng giảm, không hiểu sao lại khiến lòng người trở nên vô cùng lo lắng.

Đến lúc này tôi gần như sắp phát điên —— Thành tích cuộc thi chuyên ngành như một sợi dây thừng siết chặt lấy cổ tôi, dây thừng rất căng, không biết đầu bên kia là nơi nào, chỉ biết ngày nào tôi cũng thấy hít thở không thông.



Tôi bỏ lỡ rất nhiều bài học: Mấy chục đề ôn tập, đợt ôn tập thứ hai, lần thi thử thứ hai… Trong bài kiểm tra đầu tiên sau khi kết thúc thi chuyên ngành, tôi lại đứng thứ ba từ dưới lên trong lớp?!

Nháy mắt ấy, tôi thật sự có suy nghĩ muốn chết đi.

Hôm ấy tôi nhìn con số màu đỏ trên bài thi, muốn khóc nhưng không có nước mắt.



Tôi nằm trên bàn, để mặc ráng chiều chiếu lên người mình.



Tôi chẳng cảm thấy nóng, chỉ cảm nhận được dòng khí lạnh từ gan bàn chân xông thẳng lên, nhanh chóng đóng băng toàn cơ thể!

Nỗi tuyệt vọng sâu sắc gần như chôn vùi tôi!

Mãi đến khi Điền Giai Giai vươn tay kéo tôi lại, cho tôi một cái ôm thật chặt, sau đó không ngừng nói bên tai tôi: “Đào Oánh, cậu đừng buồn, còn tớ mà, còn bọn tớ đây…”

Thấy tôi không nói gì mà chỉ bất động ghé mặt vào đầu vai mình, hình như cô ấy hơi sốt ruột.



Cô ấy đưa tay khẽ vỗ lưng tôi, không ngừng nói: “Đào Oánh, cậu đừng có gấp, chẳng phải mấy tháng nay cậu không đi học còn gì, thụt lùi là bình thường, học sinh ban xã hội bọn mình đều phải học thuộc lòng mà, cậu cố gắng một chút là có thể theo kịp thôi.



Cậu xem chờ đến khi nhận được giấy chứng nhận chuyên ngành là không cần học toán nữa, cậu có thể tranh thủ ôn lịch sử và chính trị trong tiết Toán này.



Thật đó, nếu không cần học toán cậu sẽ có rất nhiều thời gian để ôn tập, nhất định thành tích của cậu sẽ lên thôi…”

Giọng cô ấy dần trở nên gấp gáp, thậm chí còn có xu hướng nói năng lộn xộn khiến trái tim tôi cứng lại, không có độ đàn hồi, không có cảm giác gì.



Thậm chí đến làn da của tôi cũng căng ra và tê liệt.



Tôi lẳng lặng ghé mặt vào vai Điền Giai Giai, nhắm mắt lại, cố gắng động viên mình.



Chỉ là tôi cảm giác sức mạnh của mình bị rút sạch rồi, dù cố gắng cỡ nào cũng không có chút sức lực nào rót vào cơ thể!

Cũng chính vào lúc đó, tôi đột nhiên nghe thấy một giọng nói quen thuộc, giọng nói trầm thấp rõ ràng của chàng trai như thể đang nói bên tai tôi: “Điền Giai Giai, Doãn Quốc Đống nói cậu đã làm được câu cuối cùng trong đề toán hả? Thật không vậy, làm lại cho tôi xem đi.”

Tôi lập tức mở mắt ra, vô thức ngẩng đầu lên, lại chạm vào ánh mắt của Trương Dịch —— Cậu đối diện với tôi, một bàn tay vỗ đầu Điền Giai Giai, mỉm cười nhìn cô ấy.



Điền Giai Giai liên tục nháy mắt ý bảo cậu ấy mau tránh đi, nhưng cậu ấy vẫn đứng yên bất động ở nơi đó.

Tôi chầm chậm ngồi thẳng lại, yên lặng nhìn cậu.

Cậu ấy cũng dời mắt sang chỗ tôi, nụ cười trên mặt dần dần thu lại.



Điền Giai Giai lo lắng quay đầu nhìn tôi rồi lại nhìn cậu ấy, không biết phải làm sao bây giờ.



Lúc đang sững sờ, Điền Giai Giai đột nhiên vỗ đầu mình, hỏi tôi: “Lớp bên cũng có một bạn nữa thi nghệ thuật, hình như là âm nhạc thì phải, nghe nói thi hơn 10 trường liền, không biết phải không nhỉ? Thi nhiều trường như thế có vui không vậy?”

Cô ấy vừa hỏi vừa dùng sức nhét tập đề toán học vào lòng Trương Dịch, sau đó quay người sang chỗ tôi, đưa lưng về phía Trương Dịch, không để ý đến cậu ấy nữa.



Trương Dịch ngẩn người rồi mỉm cười bất đắc dĩ, sau đó xoay người đi đến chỗ của mình.

Tôi đè cảm giác mất mát khó hiểu trong lòng xuống, sau đó dời mắt sang Điền Giai Giai, hỏi: “Ai thế?”

“Hạ Vi Vi, có phải tên này không nhỉ?” Điền Giai Giai ngẫm nghĩ một lúc rồi đáp.

Tôi thoáng sửng sốt, sau đó chợt ngộ ra: Thảo nào, Hạ Vi Vi —— Cuối cùng tôi cũng biết tại sao lại gặp được cậu ta ở nơi đó.

Hóa ra cậu ta cũng tham gia thi nghệ thuật?

Hơn 10 trường lận, chắc chắn cậu ta còn vất vả hơn tôi.

Điền Giai Giai tỏ vẻ hiếu kỳ, nhưng tôi biết cô ấy chỉ đang muốn dời lực chú ý của tôi đi để tôi không đắm chìm trong nỗi thương tâm khổ sở vì thành tích vừa công bố kia.



Cô ấy tiếp tục hỏi tôi: “Cậu thi mấy trường thế?”

“5 trường.” Tôi thành thật trả lời.



“Cũng không ít đâu!” Điền Giai Giai cảm thán.



Cô ấy không biết thật ra đó chỉ là một con số vừa phải, không nhiều cũng chẳng ít.



Những trường tôi đăng ký là do dì Tống chọn, dì ấy cho rằng những trường đó chính quy hơn, được trang bị tốt hơn, trong đó có một trường thuộc top đầu, hai trường top 2, một trường top 3 và một trường cao đẳng.



Lúc chọn trường, dì Tống giải thích rằng chỉ có kế hoạch hợp lý mới có thể nâng cao tỷ lệ trúng tuyển, nếu thành tích tốt thì có thể vào đại học top đầu, nếu không tốt thì có thể học trường top 3, cùng lắm thì học cao đẳng.



Dì ấy nói rất thẳng thắn: “Nhỡ thành tích không quá lý tưởng thì tìm trước một trường nào đó cũng không sao.”

Mặc dù nghe rất thảm nhưng đó chính là thực tế —— Cũng giống như học sinh chúng tôi, thành tích bình thường không dám đặt cược vào việc học lại, bởi vì nếu thua sẽ rất phí thời gian.



Đối với chúng tôi, chỉ cần thi đỗ đại học đã là trời cao ban ơn rồi, còn quan tâm thi vào trường nào làm gì.

Đương lúc ngẩn ngơ, Điền Giai Giai bỗng vỗ vai tôi, đánh thức tôi khỏi cơn hoang mang.



Tôi nhìn cô ấy, cô ấy đưa tôi một tập đề rất dày: “Đây là đề cậu cần làm trong tháng này, khoảng mấy trăm tờ đó, bên trên đã có đáp án sẵn rồi, thầy cô nói đây là đề thi của những năm trước, cậu xem thử đi.”

Cô ấy nói với vẻ thoải mái, tôi nhận đề và lật xem qua một cách ngờ vực, mới nhận ra đây là một công trình vô cùng lớn: Nhiều đề thế này, làm sao cô ấy có thể viết xong hết cho tôi được?!

Tôi nhìn nét chữ phóng khoáng và ngay ngắn trên giấy, hốc mắt dần ươn ướt.




Tôi đột nhiên nghĩ nếu không thi đỗ đại học, tôi không chỉ có lỗi với bản thân mà còn có lỗi với cả Điền Giai Giai nữa!

Nhưng có lẽ ông trời đã nghe thấy lời cầu nguyện của tôi —— Nửa tháng sau, tôi nhận được chứng chỉ chuyên môn của Học viện Nghệ thuật Cát Lâm, ba ngày sau lại nhận được chứng chỉ phát thanh viên dẫn chương trình chuyên nghiệp của Học viện Nghệ thuật của tỉnh!

Hôm đó, đứng trong phòng giáo viên Ngữ văn, nhìn thấy chứng chỉ trên tay cô, tôi phải cố gắng lắm mới nén được những giọt nước mắt vui sướng xuống.

Giáo viên Ngữ văn cũng như trút được gánh nặng, cô cầm tay tôi, mỉm cười nói: “Đào Oánh, em xem em vẫn làm được mà, giờ cố thêm chút nữa, thi đỗ đại học, được không?”

Tôi nhìn thẳng vào mắt cô, không biết phải làm sao để thể hiện sự biết ơn của mình, chỉ có thể gật đầu thật mạnh.

Mấy hôm sau, mẹ tôi đi công tác và đi ngang qua quê nhà, mẹ về nhà thăm tôi.



Chúng tôi cùng nằm trên một chiếc giường nói chuyện đến tận khuya.



Tôi nói: “Mẹ ơi, con xin lỗi, thành tích của con không tốt, không thi đỗ một trường đại học tốt hơn, mẹ có thất vọng không ạ?”

Mắt mẹ ươn ướt: “Oánh Oánh, mẹ hy vọng con luôn vui vẻ.



Miễn là con vui thì không thi đỗ hay thi vào trường nào, làm nghề nào đều được cả.”

Mẹ dừng một chút: “Hồi nhỏ sức khỏe con không tốt, mẹ chưa bao giờ nghĩ con nhất định phải học đại học, mẹ chỉ mong con học thêm chút kiến thức là tốt rồi.”

Nói xong, mẹ tôi nghẹn ngào.

Tôi cảm nhận được chất lỏng lành lạnh chảy xuống từ khóe mắt.



Tôi biết mẹ tôi đang nói những lời thật lòng.

Đây là lần đầu tiên hai mẹ con tôi trò chuyện dài như thế về tương lai của tôi, cũng bắt đầu từ giờ phút ấy, tôi mới biết hóa ra tình yêu của mẹ dành cho tôi đã có từ rất lâu: Vì muốn con gái được sống ở một thành phố duyên hải có nền y học phát triển, mẹ mới để đứa con gái vừa mới cai sữa ở quê hương; Vì muốn con gái vui vẻ lớn lên, thậm chí mẹ không hề hỏi tình hình học tập của con; Vì muốn cuộc sống của con gái trở nên phong phú hơn, năm nào mẹ cũng tốn kha khá tiền để gửi sách về qua đường bưu điện… Mẹ chưa bao giờ mong con gái phải có thành tựu phi thường gì đó, nguyện vọng duy nhất của mẹ chính là con gái sẽ luôn khỏe mạnh và vui vẻ!

Hóa ra không phải mẹ không thương tôi mà là tôi không hiểu được tình yêu của mẹ, không hiểu được cách yêu của mẹ.

Hóa ra, tôi đã sai rồi.

Đó là một buổi tối hạnh phúc, bởi vì sau khi gỡ bỏ khúc mắc, tôi phát hiện mẹ tôi thật đáng yêu.

Sau tháng 4, sự điên cuồng của lớp 12 càng thể hiện rõ hơn.

Trong lớp không hề có âm thanh “nô đùa” —— Đó là thuật ngữ chỉ có ở cấp hai, dường như ban lãnh đạo nhà trường đã quen nhóm tất cả những thứ thuộc về thanh xuân cùng với sự theo đuổi, vui đùa của tuổi trẻ vào một cụm “Bệnh đùa giỡn”.



Đây là chuyện thú vị cỡ nào chứ, sự nô đùa của tuổi trẻ lại được sửa thành chữ “Bệnh”.



Có lẽ mọi người chưa ý thức được rằng sau năm lớp 12, trong sinh mệnh của chúng ta ngoài thời niên thiếu xanh tươi thuần khiết ra, không còn tồn tại hai chữ “vui đùa” nữa.

Mà trong mỗi tiết tự học tối, chúng tôi càng say mê và dốc lòng học tập hơn.



Tư duy là một chặng đường dài và không có cách nào thoát khỏi ngoại ngữ, lý, hóa, sinh, sử, địa.

Từ tháng 4 đến tháng 6, ba tháng thuộc về tôi ấy, đó là một khoảng thời gian tôi sẽ không bao giờ quên được.

Mỗi ngày, tôi thức dậy từ sáng sớm và vội vã đến trường với chiếc cặp trên lưng.




6 giờ 40, tôi vào lớp trong tiếng chuông reo, có lẽ trong miệng vẫn còn đang nhai miếng bánh mì cuối cùng; buổi trưa, tôi nằm trên bàn để nghỉ trưa một lúc, và nửa tiếng sau, tôi lại bận rộn hoàn thành bài tập trong ngày; buổi tối, trong thời gian 1 tiếng ăn tối, tôi dành 5 phút để mua thức ăn, 10 phút để ăn, 5 phút để dọn dẹp đống lộn xộn, và tôi có thể đọc thuộc lòng một phần trong trong 40 phút còn lại; buổi tối tự học, dựa vào những kiến thức sẵn có, tôi vẫn phải nghiên cứu những bài đã bỏ lỡ; đêm khuya, sau khi trở về nhà, dưới ánh đèn, tôi phải học thuộc các từ đơn tiếng Anh và những phần sinh, sử, địa dễ đạt điểm nhất; 1 giờ sáng, tôi phải uống một viên thuốc “An Bình” mới ngủ được…

Hơn nữa giấc ngủ có hạn của tôi luôn kém chất lượng.

Rất nhiều lúc tôi mơ thấy mình đứng trước cổng trường Học viện Nghệ thuật với tờ trên tay nhưng bảo vệ lại khóa cổng không cho tôi vào.



Tôi đứng trước cổng trường, hai tay lay cửa sắt, vừa lay vừa khóc.



Khóc xong liền tỉnh.



Lúc tỉnh lại, gối đã ướt đẫm một mảng.

Bóng đè ban đêm có khác gì một cái lưới tối đen? Cái lưới đó chỉ cần khẽ chụp một cái đã lấy hết sự bình yên của tôi, vĩnh viễn không thấy mặt trời.

Thật ra tôi biết, vì rất để tâm nên mới lo lắng.



Để tâm cho nên mới không buông bỏ được, nên mới cứ dây dưa mãi, tựa như dây thừng siết chặt hô hấp.

Tôi gầy đi nhanh chóng, không còn là cô gái mũm mĩm với khuôn mặt tròn trịa ngày xưa nữa, cân nặng lúc đầu giảm xuống dưới mốc 50kg, sau đó với chiều cao 164cm, cân nặng của tôi tiếp tục giảm với tốc độ 1kg mỗi tháng; mặt mọc rất nhiều mụn, mỗi lần soi gương tôi lại sợ hãi, may mà chúng không mọc lúc tôi đi thi chuyên ngành, tất nhiên mắt tôi ngày một trong sáng hơn, không hề hoang mang và mờ mịt như ngày xưa nữa, cảm giác đã có chút thần thái… Mặc dù sự thay đổi khá tích cực này đều dựa trên việc tổn hại sức khỏe nhưng tôi không hề phàn nàn hay hối tiếc.

Bởi vì tôi đã sa ngã quá nhiều trên con đường đi đến ước mơ của mình cho nên trên chặng đường cuối cùng này, tôi đã được định sẵn là một nhà sư khổ hạnh.

Ngày thi tuyển sinh đại học, trời mưa.

Tôi mặc váy dài chạm mắt cá chân tới trường thi.



Địa điểm thi nghệ thuật được đặt tại trường THCS số 5, phòng thi của tôi ở tầng 1, vị trí rất tốt.



Bàn của tôi nằm ở hàng thứ 3, trên bàn có một tờ giấy nho nhỏ, trên đó có viết tên và số báo danh của tôi.

Tôi nhẹ nhàng vuốt ve chiếc bàn loang lổ kia, hoa văn đã mờ, rất cũ, dường như nó đã chứng kiến rất nhiều người, rất nhiều chuyện.



Có học sinh nghịch ngợm đã viết mấy chữ kiểu như “Đồ lợn nào đó” lên bàn, lúc ngón tay chạm vào, tựa như lướt qua những năm tháng ấy.

Lúc ra khỏi phòng thi, tôi nhìn thấy Trương Dịch.



Cậu ấy đứng phía đối diện cổng trường THCS số 14, đó là điểm thi của những thí sinh ban xã hội.



Trong đám đông như thủy triệu, cậu ấy giương chiếc ô màu lam, lặng lẽ nhìn tôi chăm chú.



Ánh mắt cậu thật bình yên, dường như khóe môi đang mỉm cười.

Hôm đó cậu ấy mặc một chiếc áo sơ mi trắng.



Rất nhiều năm sau, tôi vẫn còn nhớ rõ khung cảnh ấy: Trong những năm tháng cuối cùng của tuổi 18, dưới cơn mưa lất phất của mùa hạ, chàng trai tôi từng hết lòng yêu thương cùng với màu áo trắng nhẹ bay thuộc về chúng tôi.

Cách một khoảng, tôi mỉm cười với cậu ấy.



Cậu ấy phất tay, song lại bị chìm trong đám đông, cuối cùng không thấy nữa.

Chớp mắt đã thi đại học xong.

Sáng sớm ngày hôm sau sau khi kết thúc kỳ thi đại học, tôi vẫn rời giường đúng 5 giờ 50 phút, cuống quýt chạy vào toilet, đi được nửa đường mới nhớ ra: Thi đại học xong rồi, tôi sẽ không bao giờ… phải học tiết tự học sáng nữa.

Tôi đứng ngây ngốc giữa phòng khách, đột nhiên cảm thấy hụt hẫng.

Tôi nhìn quanh bốn phía, trời đã sáng, cơn gió mùa hạ nhẹ nhàng khoan khoái, trong sân nhỏ yên tĩnh không hề có âm thanh dư thừa nào.



Chỉ có mình tôi đứng một mình trong căn phòng to rộng.

Thi đại học xong, tôi thấy cuộc sống bỗng trở nên thật trống vắng và tịch mịch, dường như mỗi bước đi đều vang lên âm thanh của sự cô đơn.

Tôi bất giác cười khổ —— Không biết tôi trở thành học sinh chăm chỉ hiếu học thế này từ bao giờ nhỉ?

Những ngày chờ kết quả còn khó khăn hơn cả thi đại học.

Đó là số phận vẫn chưa quyết định được treo ngay trên đỉnh đầu, như thể chỉ cần một nhát kiếm xoẹt qua là có thể rơi xuống bất cứ lúc nào, khiến ta đầu rơi máu chảy, nhưng nó lại đầy cám dỗ vì khung cảnh xán lạn sau đó.

Về kỳ thi đại học, có lẽ nó chính là như vậy —— Không thể từ chối, tràn ngập ảo tưởng, rồi lòng sinh sợ hãi.

Bình thường rất hay nôn nóng bất an.

Thỉnh thoảng Trịnh Dương sẽ gọi điện đến, giọng nói của anh vẫn thế không thay đổi.


Cô bé, sợ gì chứ —— Đây là mở đầu.

Đừng lo, vui vẻ lên —— Đây là câu an ủi thường xuyên xuất hiện.

Được rồi, ngủ sớm đi —— Đây là kết thúc.

Những câu nói ấy thật sự ấm áp.



Khi nói chuyện với anh ấy, dường như tôi có thể quay trở lại thời thơ ấu ngây thơ.

Những ngày khác tôi sẽ đi dạo phố với Điền Giai Giai.



Cô ấy là một cô gái xinh đẹp, có làn da trắng nõn, xương quai xanh rõ ràng.



Cô ấy mua rất nhiều áo, váy ren hay quần đùi nhiều màu sắc, trông rất đẹp và dễ thương.



Lúc đi ngang qua E-land, mỗi người chúng tôi mua một chiếc áo phông màu xanh đậm có họa tiết gấu nhỏ rồi mặc vào đi ra ngoài.



Không hiểu sao tôi rất thích sự kết hợp của ca-rô và gấu, độ tuổi ngây thơ thanh thuần như bong bóng xà phòng.

Chúng tôi tay trong tay đi trên đường, lúc đi qua MCDonald’s, hai đứa mua mỗi người một cây kem ốc quế, và khi đi ngang qua quầy Heluxue, chúng tôi mua một bát kem nhỏ, phải là vị dâu.

Trong suốt mùa hè, hương kem ngậy ngập tràn, giảm bớt sự căng thẳng.

8 giờ tối ngày 23, kết quả thi đại học được công bố.



Điểm tôi cao hơn dự kiến 57 điểm, tự tin đăng ký vào Học viện Nghệ thuật.



Điền Giai Giai đăng ký học ngành tâm lý học của Đại học Tứ Xuyên, Doãn Quốc Đống đăng ký vào khoa Luật cùng trường với Điền Giai Giai.

Tuy nhiên, Trương Dịch bị bệnh tật ảnh hưởng trong kỳ thi tuyển sinh đại học nên không đạt kết quả khả quan, cậu ấy không đăng ký vào Đại học Bắc Kinh mà thay vào đó là khoa tiếng Trung danh tiếng của một trường đại học trọng điểm trong tỉnh.

Tháng 8, giấy báo nhập học cuối cùng cũng tới tay tôi.



Nhân viên chuyển phát nhanh EMS đến sân số 37 và đưa cho tôi giấy báo nhập học cùng với một bông hoa cẩm chướng đỏ.



Sự phấn khích của hàng xóm vượt xa sức tưởng tượng của tôi, họ kéo bà ngoại ra nói mấy câu chúc mừng.



Nhìn vẻ mặt phấn khích của họ, tôi lại muốn khóc.

Hôm đó, tôi trở về phòng rồi dùng tay xé những tờ báo dán trên giá sách như một con rô bốt, từng tờ một, rồi lại tờ nữa, cho đến khi những mảnh báo rơi vãi xuống đất như những bông hoa nhỏ trôi trên thác nước dưới ánh mặt trời.

“Xoẹt” một tiếng, âm thanh xuyên qua không khí lạnh của điều hòa trong phòng.

“Xoẹt” một cái nữa.

“Xoẹt, xoẹt…” Cùng với âm thanh lặp lại không ngừng, trong đầu tôi dần hiện lên một số hình ảnh: Tay trái, tay phải, ngôi nhà nhỏ bằng pha lê, những đóa hoa lớn và tuyết trắng xóa…

Tôi không biết tại sao mình phải xé hết những tờ báo trên giá sách xuống như phát điên, nhưng tôi thật sự muốn tìm kiếm sự giải thoát trong âm thanh chói tai đó.



Sự giải thoát ấy như đốm lửa thiêu đốt làn da, nó ngứa, đau, nhưng ngập tràn khoái cảm vì được phóng thích!

Không biết đã qua bao lâu, tôi quay đầu lại thấy trên đất đầy mảnh báo vụn, trắng bóng như có thể tổn thương võng mạc của tôi.

Sau đó, trong cơn gió mùa hạ, tôi vô lực ngồi bệt xuống sàn, nhìn những mảnh vụn nhỏ xung quanh, đột nhiên muốn khóc.

Lúc này, radio đột nhiên phát ra âm thanh.

MC nữ có giọng nói rất dễ nghe, dịu dàng, nhẹ nhàng nói: Tháng 6, lại đến mùa biệt ly.



Nhưng bạn còn nhớ đến những người yêu thương bạn, những giọt nước mắt rơi, những lời thề vĩnh cửu lặp đi lặp lại hay chăng?

Tiếng hát dần trở nên to hơn, đó là giọng hát trong sáng, sạch sẽ của nhóm nhạc nữ nào đó, xuyên qua bầu không khí ướt át và hiu quạnh rồi lặng lẽ chảy xuống: Chúng ta ai cũng có một mặt khờ dại mà ưu thương / Ôm lấy ánh dương nhìn về nơi xa / Một ngày rồi lại một năm / Liệu khi lớn lên chúng ta có còn hát khúc tâm nguyện nữa chăng…

Bài hát này tên là

Điều ước của thiếu niên, điều ước của tình yêu, một ngày nào đó sẽ phải lớn lên thôi.

Vậy thì trong quá trình trưởng thành này, chúng ta có còn hát khúc tâm nguyện nữa không?

Trong tiếng ca, tôi khẽ tựa vào chân bàn, nhìn những tờ giấy tung bay đầy phòng một cách máy móc, cứng đờ và ngẩn ngơ.

Hàng gáy sách được sắp xếp chỉnh tề kia đã chứng kiến quá trình trưởng thành của tôi.

8 giờ 30 phút sáng mai, tôi sẽ lên chuyến tàu đi về hướng Tây.

Tôi cứ thế đánh rơi tuổi 18, tuổi 18 với những niềm vui và nỗi buồn…