Người Cũ Là Em Chồng

Chương 18






Tang lễ của ba chồng được tổ chức vào một ngày mưa tầm tã, hạt mưa tí tách rơi trên những chiếc ô đen, trượt dài rồi thấm vào đất. Nhìn màn mưa trước mắt, tôi bỗng chiêm nghiệm ra một điều. Hóa ra cuộc đời con người cũng giống như một cơn mưa, rong ruổi khắp nơi rồi cuối cùng cũng trở về với cát bụi. lúc sinh thành ông đi khắp đó đây, tạo dựng cái cơ đồ khiến ai cũng nể phúc. Nhưng khi mất đi rồi thì cũng chỉ là một thi hài được bao bọc bởi đất mẹ mà thôi.

Tôi dắt Vũ cầm hoa hồng trắng đi đến đặt xuống phần mộ của ba chồng. Ông là một người đáng để tôn trọng và kính nể. Những ngày tháng được làm con dâu của ba tôi cảm thấy bản thân thật sự rất may mắn. Nếu không phải là ông, có lẽ cô con dâu này đã chẳng có ngày hôm nay.

Mưa ngày càng nặng hạt, những chiếc ô dường như cũng ngày càng trở nên nhỏ bé. Khách viếng thưa dần, rồi cuối cùng chỉ còn lại vài người lác đác.

Vỹ đến khi mọi người gần như đã về hết. Anh cầm một bông hồng đen đặt xuống mộ ba chồng tôi, nói vài lời gì đó với ông rồi đi đến chỗ tôi đang đứng.

– Sắp xong chưa?

Tôi gật đầu:

– Cũng gần xong rồi.

– Cả nhà đâu cả rồi?

Ý anh muốn nói đến mẹ kế và vợ chồng Vĩnh Ngọc, tôi hiểu ý nên trả lời ngay:

– Mẹ mệt, vợ chồng chú Vĩnh đem bà về nghỉ ngơi trước rồi.

– Ừ. Về Chưa, tôi đưa về.
Thấy nơi này cũng không còn ai nên tôi đồng ý đi cùng Vỹ, dẫu sao nãy bác tài vừa lái xe đưa mẹ về rồi, tôi gọi quay lại thì làm phiền bác quá.
Chúng tôi lên xe, đi một đoạn thì dừng ở quán ăn nhỏ. Tôi hơi bất ngờ vì Vỹ đưa vợ chồng tôi đến nơi này. Ngày trước, tôi cũng hay mua mì gà ở đây đem đến Bar cho anh, ai ngờ kẻ đó cũng biết chỗ này. Tôi nhìn Vỹ. Gã ấy thì đi thẳng chứ chớ hề để mắt đến tôi:

– Mấy ngày nay lo liệu hậu sự cho ba tôi chắc cũng chưa ăn gì tử tế nhỉ, vào ăn chút gì rồi về.

Vỹ chỉ nói vậy thôi chứ không có ý định cho tôi từ chối. Nhìn kẻ kia phía trước, tôi cũng nhanh chân đắt Vũ theo cùng. Thôi, dù gì cả ngày nay chưa có gì vào bụng mà tôi cũng rất thích mì gà nên tạm thời để anh ta lấn lướt mình vậy.

– Sao anh biết quán này ?
– Tại có người nói quán mì này ngon nhất thành phố nên tôi cũng phải cố gắng tìm cho bằng được đó mà.

Lời nói của tôi trong quá khứ chỉ là cảm nhận riêng, chứ tôi có áp đặt suy nghĩ lên ai đâu. Ngày trước, đối với tôi, quán này là số 1 rồi. Còn Vỹ thì từ bé không biết đã ăn được bao nhiêu của ngon vật lạ, chắc suy nghĩ sẽ khác.

Vì trời mưa nên quán không có quá nhiều khách, chỉ đợi một lát mà đã có 3 bát mì gà nóng hổi đặt trên bàn rồi. Tôi nhanh chóng lấy đũa thử một miếng. Sợi mì vàng đọng ở đầu lưỡi để lại mùi vị có chút lạ. Tuy vẫn rất ngon nhưng lại không phải là mùi vị quá khứ tôi từng được ăn nữa. Giờ tôi mới để ý, dù tiệm mì vẫn tên cũ, tuy nhiên người đứng bán là người khác. Vỹ dường như hiểu suy nghĩ của tôi, anh ta nói:

– Cô bán trước theo gia đình con trai chuyển tới nơi khác sống rồi. Quán này nhường lại cho em gái cô ấy.

Tôi ngước mặt lên nhìn Vỹ thắc mắc:

– Sao cái gì anh cũng biết thế.

– Chuyện! Dụ…

Tôi biết anh ta lại tiếp tục nói “ Dụ người khác lên giường tôi còn làm được, mấy thứ này có nhằm nhò gì.” Nên vội nói để chặn lời Vỹ:

– Tôi biết rồi. Anh cái gì cũng giỏi hết.

– Quá khen rồi.

Tôi trề môi trước hành động tự luyến của ai kia một cái rồi quay qua Vũ. Vũ sợ bẩn nên thường không thích ăn những thứ phải đụng đến tay. Do đó nãy giờ chỉ toàn ăn mì không.

– Vũ, đưa bát đây, em giúp anh gỡ thịt gà.

Vũ nghe vậy lập tức đẩy mì qua cho tôi. Tôi xin một cái bát nhỏ khác, gắp mấy khúc gà rồi đưa bát mì lại cho anh. Vỹ thấy thế thì lấy bát thịt gà về phía mình. Tôi không hiểu ý tứ của tên đó nên cau mày:

– Này! Anh làm gì thế?
– Ăn đi. Đói xỉu ra đấy, tôi không có thời gian đưa đi bệnh viện đâu.

Nói rồi kẻ đó tỉ mỉ gỡ thịt gà, tôi nhìn mà không tin được luôn.

– Anh mà cũng chịu làm mấy việc nhỏ nhặt này à?

Vỹ nghe tôi nói vậy thì đắc ý đáp:

– Hồi bé Vũ cũng sợ bẩn y như vậy, tôi toàn phải gỡ xương ra giúp anh ấy không đấy. Không chỉ xương gà mà còn xương cá, bóc tôm, một tay tôi cả.

– Tôi chả tin đâu. Vũ không làm cho anh thì thôi, anh mà cũng cam tâm phục vụ người khác á.

– Ai nói là tôi cam tâm, tại xưa học cùng trường với anh ấy mà tôi lại có quá nhiều ưu điểm, sợ tiếng lành đồn xa đến tai ba nên phải nịnh.

Tôi đến đây đã phì cười trước mấy lời bộc bạch của Vỹ . Hẳn ưu điểm của anh ta không phải đánh bạn thì cũng ngủ trong giờ học, trả treo với thầy cô. À, cái vấn đề trả trèo này rất đáng để lưu tâm. Với cái tài ăn nói thường ngày của người nọ, rất có khả năng phải tu giũa từ bé rồi.

Ăn xong Vỹ đưa tôi và Vũ về nhà. Trời giờ đã tạnh mưa, ẩn sau những đám mây sắp tàn, ánh trăng nhàn nhạt hiện hữu giữa bầu trời sao đêm. Không khí sau cơn mưa dường như cũng trong lành hơn. Vài luồng gió thoảng lướt nhẹ trên tay tôi, khiến cho mọi tế bào trên da như được tưới mát.

Về đến cổng, tôi xuống xe rồi bảo Vỹ:

– Hay anh vào nhà một chút đi. Mẹ đang buồn, có anh tâm sự chắc bà sẽ nguôi ngoai hơn.

Trước đây có ba chồng nên có lẽ anh không tiện. Nhưng giờ ba cũng đã mất, dẫu sao đây cũng là nhà anh, là nơi anh được sinh ra và lớn lên, có lẽ cũng đến lúc buông bỏ quá khứ rồi. Ý tôi là vậy nhưng Vỹ dường như chưa sẵn sàng, anh lắc đầu:

– Thôi để hôm khác, hôm nay cũng trễ rồi.

Ai kia đã nói vậy nên tôi cũng không ép nữa, chỉ nép qua một bên, nhường chỗ cho họ cua xe. Vỹ đi rồi, tôi mới cùng Vũ vào trong.

Không muốn làm phiền giúp việc trong nhà, sẵn có chìa khóa cửa nên tôi mở cổng luôn. Lúc khóa lại, quay người thì thình lình thấy mặt Vĩnh trong gang tấc. Tôi giật bắn cả mình mà ôm lồng ngực:

– Vĩnh, chú làm gì ở đây giờ này?

– Làm chị dâu giật mình à? Em đi dạo, vô tình thấy chị về nên đứng đợi.

– Cậu đợi tôi làm gì?

– À không có gì, đột nhiên muốn cùng chị vào nhà thôi.

Tôi nghe Vĩnh nói mấy lời kỳ lạ kia thì có hơi khó hiểu. Trong trí nhớ của tôi, Vĩnh thuộc tuýp lầm lì, khép kín nên làm dâu ở đây đã lâu nhưng chúng tôi cũng rất ít nói chuyện. E rằng 5 năm cộng lại không bằng số lần tôi và Vỹ cãi cọ gần đây. Thế mà hôm nay có người chủ động đợi tôi.

– Thế à. Vậy vào nhà thôi.

– Dạ. Anh chị về bằng gì thế ạ?

Dẫu sao tôi cũng là chị dâu của Vỹ, đi chung xe như vậy e rằng mọi người sẽ có cái nhìn không hay. Mà Vĩnh nói đến đây rồi, chứng tỏ anh đã thấy xe của Vỹ. Thế nên tôi chỉ có thể lựa lời giải thích:

– À! Tại mưa lớn quá chị sợ phiền cả nhà. Sẵn Vỹ đến, anh chị đi nhờ về luôn.

– À vâng.

– Thôi vào nhà nhanh lên, hình như trời cũng sắp mưa lại rồi chú ạ.

— Dạ.

Từ sau lần nói chuyện riêng kia, mối quan hệ giữa tôi và Vĩnh bắt đầu có chuyển biến, thỉnh thoảng gặp tôi, Vĩnh sẽ dừng lại và nói vài câu, việc mà trước giờ chưa từng có. Càng nghĩ tôi lại càng cảm thấy chuyện này có cái gì đó sai sai. Một người sao lại thay đổi 180 độ như vậy. Mà thôi, chắc tôi suy nghĩ linh tinh rồi. Dẫu sao chúng tôi cũng sống chung nhà từng ấy năm, sao có thể mãi là người xa lạ được.

Hôm nay là lễ cúng Tam Chiêu của ba chồng tôi, với thân phận và địa vị của ông thì khách khứa tất nhiên là không hề ít. Mẹ tôi cũng vì lẽ đó mà sang phụ con gái.

Vừa đến nơi là bà ngay lập tức xuống dưới bếp, Thấy món nào ngon là bốc thử món đó. Tôi sợ giúp việc thấy thì không hay nên mới bảo mọi người lên nhà trên sắp xếp đồ, còn việc dưới bếp để mẹ con tôi làm.

Giờ không có ai, mẹ tôi lại càng tự nhiên vừa ăn vừa nói:

– Này! Đúng là nhà giàu có khác nhỉ. Tao nhớ ngày xưa cúng 3 ngày cho ba mày có mỗi con gà với vài chén chè.

Bà bỏ 1 con tôm vào miệng, nhai chóp chép:

– Tươi thật Thùy ạ, hèn gì mày chả muốn về nhà thì ra bên đây ăn sung mặc sướng, sức mấy mà nhớ đến người mẹ nghèo hèn này.

Mẹ tôi than thân trách phận miết, tôi nghe riết cũng thành quen. Vậy nên bà nói kệ bà, tôi chỉ lo làm việc của tôi. Một lúc sau, thấy mẹ ăn hết đĩa tôm tôi vừa mới xếp thì bản thân mới lên tiếng nhắc nhở:

– Mẹ! Mẹ đừng ăn nữa, tí nữa rồi ăn.

– Kệ, giờ tao ăn món đạm bạc trước, tí lên bàn, tao ăn bao ngư, vi cá. Hôm nay, tao phải ăn cho thật no, bể bụng thì mới về. Của ngon vật lạ ê hề như thế này, dễ gì được ăn.

– Mẹ bé miệng thôi, để nhà chồng con nghe thấy thì sao.

– Mày sợ mất mặt à, mà nghe thấy thì làm sao, tao nói để nhà chồng mày nghe thấy đấy. Có mỗi một đứa con gái, gả nó vào nhà giàu tưởng êm ấm tấm thân. Vậy mà vẫn phải đi ăn chực nhà thông gia.

– Mẹ, được rồi. Mẹ mà còn nói nữa thì tháng này con không gửi tiền sinh hoạt phí nữa đâu.

Nhắc đúng vấn đề đặc biệt quan tâm nên mẹ tôi ngừng bốc đồ ăn, bà mút mút tay rồi nói chuyện với tôi:

– Mà nhắc đến tiền sinh hoạt phí tao mới nhớ, sao tháng này ít thế, bình thường đã chả được bao nhiêu rồi, giờ lại còn thua trước đây.

– Sợ tháng sau còn không có nữa đấy. Giờ ba chồng con mất rồi.

Vế sau tôi không nói ra, nhưng hẳn mẹ hiểu, hàng tháng tôi có tiền đem về đều là do ba chồng cho.

– Ớ! Thế ổng chết rồi, tao tưởng sẽ được chia gia tai. Hay mày định giấu mẹ dùng riêng đấy.

Quả thật hết nổi với mẹ tôi rồi, chuyện như vậy mà bà ấy cũng có thể nghĩ ra cho được.

– Con chưa nghe bên nhà chồng nói gì đến việc công bố di chúc cả, mà có thì cũng là của anh Vũ, con chỉ giúp anh ấy quản lý nó thôi.

Tôi nói vậy, mẹ ruột hẳn là không vừa lòng:

– Cái thứ ngu, tao nuôi mày lớn để mày ngu thế hả con. Của chồng công vợ, cứ thế mà dùng đi chứ.

– Cái đó để sau này tính đi mẹ, nhà chồng con đang tang gia bối rối, sao mẹ cứ nhắc đến gia tài mãi thế.

Mẹ biết không thể lung lay tôi nên nói lẫy:

– Tao kệ mày đấy,tao cũng già rồi, mày làm sao thì làm, cũng phải báo hiếu cho tao đấy.

– Con biết rồi, nhất định sẽ không để mẹ chết đói.

Mẹ tôi nghe đến đây mới chịu vùng vằng lên nhà trên. Bà vừa mới đi thì Vĩnh cũng đi xuống bếp. Tôi chẳng biết là cậu ta có nghe mẹ con tôi nói gì không nên dò ý:

– Chú xuống hồi nào vậy?

– À! Em vừa mới xuống đây.

May quá, mới thì chắc có lẽ chưa nghe thấy. Thấy Vĩnh lục lọi tủ lạnh mãi mà không lấy ra được gì nên tôi thuận miệng hỏi :
– Chú tìm gì à ?

– Cốc cà phê tôi qua em bỏ trong tủ mà giờ không thấy nữa.

– À ! Nãy dọn tủ nên mấy chị bếp vứt đi rồi. Chú còn uống thứ đó làm gì nữa, đồ để qua đêm không tốt đâu.

– Vâng nhưng em lười pha lại quá.

– Ừ ! Vậy để tôi pha cho chú cốc khác.

– Vậy thì còn gì bằng, em cảm ơn chị dâu nhé.

– Không có gì, tôi cũng đang rảnh mà.

Nói rồi tôi đi đến bật bình nước sôi lên, rồi quay ra tủ nguyên liệu:

– Chú uống cà phê hòa tan hay phin ?

– Em uống phin chị ạ.

Tôi nhìn túi cà phê nguyên chất trên cao, nhón chân mấy lần mà vẫn lấy không được. Bỗng lúc này, có 1 bàn tay đặt tên tay đang cố với của tôi rồi kéo nó xuống. Vĩnh lấy túi cà phê đặt lại bàn, tôi hiểu là anh ta đang muốn giúp mình lấy đồ. Nhưng cánh tay còn lại của Vĩnh, sau khi xong việc thì vẫn cứ nắm lấy tay tôi chặt cứng. Mãi đến khi tôi rút tay thật mạnh, tên kia mới chịu thả ra.

Tôi gượng gạo cầm lấy túi cà phê đến chỗ bình nước nóng, mặt không dám nhìn em chồng nữa:

– Cảm ơn chú.

Vĩnh thấy tôi vậy thì chẳng biết đang suy nghĩ gì chỉ thấy anh ta vẫn thản nhiên lại đứng bên cạnh tôi:

– Chị dâu sao vậy?

– Không có gì?

– Chị ngại hả.

– Không có.

– Chị đừng ngại, sau này có việc gì khó cứ nói em. Em dù sao cũng là em của anh Vũ, có những việc anh ấy không làm được, em có thể làm thay. Ba thì mất rồi, sau này em sẽ là trụ cột trong gia đình, cần gì chị cứ nói em.

Tôi quay sang nhìn Vĩnh, đột nhiên trong lòng cảm thấy rất lo lắng, dù rằng từ ngữ bình thường. Nhưng sao tôi cứ thấy nó có chưa một tầng ý tứ khác. Có lẽ từ nay về sau, bản thân nên cẩn thận với tên này hơn:

– Như vậy thì làm phiền chú quá, chú cứ lo cho mẹ và Ngọc là được rồi. Chuyện của tôi, tôi sẽ tự tìm cách giải quyết.

Không đợi kẻ kia có thêm câu gì, tôi nhanh chóng đặt cốc cà phê lên bàn rồi nói:

– Vậy chú uống cà phê đi, tôi lên nhà xem còn phụ.

Nói rồi tôi nhanh chóng đi khỏi bếp.