Người Anh Em Của Tôi Trở Thành Thằng Tồi

Chương 17: Chương 17 :




Cuối cùng cũng được nghỉ đông, trong bảy ngày mừng năm mới, hầu như tôi đều ở trong viện dưỡng lão cùng với ông nội, ông không nhớ được mọi người, bác sĩ và y tá đều nói bóng gió với tôi rằng trí óc của ông đang lão hóa rất nặng, có thể không còn được bao lâu nữa.

Tôi cố gắng trò chuyện với ông nhiều nhất có thể, nhưng thực ra là nói chuyện cũng không được gì, mới vừa nói về một chủ đề thì nửa tiếng sau ông đã lại quên mất, suy nghĩ của ông ngày càng chậm hơn, có lúc ông còn vừa nói chuyện vừa ngủ gật.

Ông đã quên Trương Thần, rồi ông cũng sẽ nhanh chóng quên tôi thôi.

Tuổi già là chuyện khó có thể tránh khỏi, nhưng dù tôi đã chuẩn bị tinh thần từ trước thì tôi vẫn không thể kìm nén được nỗi buồn. Năm đó, ông nội khăng khăng đòi đổi họ cho tôi, tự mình nuôi tôi lớn lên, khi chia tài sản cũng để lại một phần ba cho tôi. Cô và chú đều đang ở nước ngoài, thế nên mối quan hệ giữa chúng tôi không khỏi trở nên xa lạ. Do chênh lệch múi giờ, tôi đã gọi cho họ nhiều lần nhưng họ vẫn luôn không bắt máy, cho dù có nhận cuộc gọi thì cũng chỉ vội vàng nói vài câu. Họ luôn hỏi tôi có đủ tiền tiêu không, khi tôi bảo đủ thì cũng không còn gì để chúng tôi nói tiếp nữa.

Tình trạng của ông nội không được tốt lắm, gọi điện thoại không được nên tôi đành nhắn vào WeChat để kể về tình hình cụ thể của ông.

Có lẽ ông nội cũng đã có dự cảm, lúc tỉnh táo, ông nhờ tôi gọi cho một vài người bạn, lúc tôi định gọi thì ông lại nói thôi bỏ đi, chờ đến sau tết rồi hãy gọi cho họ.

Mùng tám tết cũng là thời điểm tôi phải quay về làm việc, nhưng tình trạng của ông nội vẫn không được khả quan cho lắm. Tôi nói rõ tình hình với lãnh đạo và được lãnh đạo phê duyệt, mỗi ngày tôi có thể tan làm sớm hơn một tiếng, có thể linh hoạt tình huống mà đi ra ngoài trong thời gian làm việc, nhưng cô ấy cũng thầm nhắc nhở tôi, rằng nếu như tôi cứ làm như vậy trong một khoảng thời gian dài thì tôi sẽ không có hy vọng được thăng chức.

Làm việc và ở với gia đình vĩnh viễn không thể nằm trong một mối quan hệ hài hòa. Tôi thành thật nói với lãnh đạo, nói chung là tôi cũng không có tham vọng gì. Lãnh đạo nhìn tôi vài giây, nói rằng sau này tôi sẽ phải lấy vợ sinh con, bây giờ chính là thời điểm tốt nhất để liều mạng làm việc, vừa hay năm nay còn có một vị lãnh đạo về hưu, cấp trên đang ra sức bồi dưỡng người trẻ, bỏ lỡ cơ hồi lần này thì phải chờ thêm ít nhất vài năm nữa.

Cô ấy đối xử rất tốt với tôi, chỉ tiếc là tính tôi lại rất cố chấp, công việc gì đó đều có thể từ bỏ, tôi chỉ muốn dành nhiều thời gian hơn cho ông nội. Tôi mong ông nội có thể sống lâu trăm tuổi, nhưng cũng biết rõ thời gian không còn nhiều, cho dù tôi có bỏ lỡ cơ hội này thì làm việc cần cù và chăm chỉ chưa chắc đã không thể không được thăng chức, còn nếu như tôi vẫn không thể lên chức thì tôi có thể cân nhắc đến chuyện thử đi làm một công việc khác.

Con đường của mỗi người luôn là bước từng bước một, chậm rãi mà đi, nếu có thể chấp nhận kết quả xấu nhất thì không có gì mà không dám làm.

Sau ngày hai tháng hai, ông nội nhờ tôi giúp ông liên lạc với bạn bè, phần lớn đều là những người đã nhiều tuổi, có vài người còn không thể qua khỏi mùa đông giá rét. Thật ra họ đã đến đây từ vài ngày trước, tôi giúp rót trà, gọt hoa quả, dìu đỡ ông dậy, tinh thần của ông dường như cũng tốt hơn nhiều, vì tôi thấy ông luôn hào hứng mỗi khi nói về chuyện quá khứ.

Nói về hoa khôi của trường năm đó, nói về công việc khó khăn đã từng làm, về những thay đổi của thời đại, về những tai họa đã vượt qua được, trò chuyện được một lúc thì ông ngủ thiếp đi.

Không lâu sau khi các ông cụ quay về, không biết các học sinh của ông đã nghe được tin từ đâu mà cũng dần liên lạc với tôi và nói rằng họ sẽ luân phiên đến thăm ông.

Kể từ khi ông nội nghỉ hưu, ông đã không còn tham gia các buổi họp lớp cùng với học sinh nữa, ông sống giản dị và có trách nhiệm, hầu như ông chưa bao giờ yêu cầu học sinh giúp đỡ hay làm bất cứ điều gì cho mình, chỉ có duy nhất một lần ông nhờ cậy học sinh của mình là vì ông muốn giành được quyền nuôi nấng tôi.

Khi ông đổ bệnh vào mấy năm trước, tôi đã định liên lạc với học sinh của ông để xin số khám, ông lại tức giận đến run cả tay, nói: “Ông là giáo viên, nên xếp hàng thì phải xếp hàng, cháu học nhiều năm như vậy mà chút đạo lý này cũng không hiểu à?”

Xã hội có một thứ luật bất thành văn, rằng ân nghĩa là thứ còn khó kiếm được hơn cả tiền, tôi không nghĩ là dùng tình nghĩa để được thuận lợi là sai, nhưng lời ông nội nói thật sự cũng rất đúng.(App TƳT)

Nhảy vào giữa một hàng dài đang xếp là một điều đáng xấu hổ mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng biết. Nhưng ở trong mắt của những người trong xã hội này, việc chen hàng dựa vào quan hệ là một điều vô cùng hiển nhiên. Đối với hầu hết những người bị bệnh nặng, phản ứng đầu tiên của họ thường là đi tìm kiếm các mối quan hệ trong xã hội, có thể là người thân hoặc bạn bè trong bệnh viện để tìm kiếm sự tiện lợi hoặc giúp đỡ nào đó, vì những nỗ lực và sự quản lý trong quá khứ mà có được sự hỗ trợ của người khác thì cũng không thể nói là sai trái. Đó là một quy luật tuần hoàn tối thiểu, an toàn và thực tế, cho dù có quan hệ mà không sử dụng thì cũng không thể bị nói là sai. Chỉ có thể vì quan niệm bất đồng nên tôi không thể thuyết phục ông nội được.

Sau này, khi không còn cách nào, trong một khoảng thời gian dài ngày nào tôi cũng ở đây để cướp số, hoặc là xếp ghế chờ số suốt cả đêm, sau vài lần tôi đầu cơ mua số thì đã bị phát hiện và ông cảm thấy vô cùng khó chịu về điều đó.

Tôi khổ sở đến mức không còn cách nào khác, khi đó tôi lại còn vừa bắt đầu đi làm, thế nên tôi xin nghỉ rất khó, Trương Thần đã âm thầm thu xếp cho ông đến viện dưỡng lão này, đồng thời còn gửi kèm hai mươi vạn, khuyên bảo đủ đường mới có thể dỗ ông tôi ở lại chỗ này.

Sau này, tôi đã trả tiền lại cho Trương Thần nhưng ân tình lại không thể trả nổi, ông nội cũng không có lý do gì để từ chối vì viện dưỡng lão vốn dĩ có rất nhiều giường, chỉ là cần phải đăng ký thì mới có thể vào ở.

Trương Thần đã thay ông nội chuẩn bị đầy đủ đồ đạc, vì vậy ông nội lập tức vào ở luôn, mỗi tháng chỉ cần phải trả một khoản phí nhất định là xong. Về sau do bệnh tình tái phát nhiều lần nên ông không còn ra khỏi viện dưỡng lão nữa.

Vì chuyện trong quá khứ nên tôi vô thức muốn từ chối việc cho học sinh của ông đến thăm ông, nhưng đối phương lại quá đỗi chân thành, họ còn nói chuyện với tôi về chuyện quá khứ của ông nội, điều đó khiến cho tôi thực sự không tìm được lý do nào để từ chối họ.

Thế là nhóm học sinh đầu tiên đã đến, ông nội ở trên giường bệnh cũng cảm thấy rất vui vẻ, ông có thể nhớ được hầu hết tên của các học sinh, sau đó đến nhóm thứ hai, thứ ba, thứ tư xuất hiện. Họ có nghĩ đến chuyện chăm sóc ông, có nhóm học sinh của ông đã nghỉ hưu nên giờ họ muốn luân phiên đến chăm lo cho ông, lại thêm lúc đầu cũng có y tá nên áp lực của tôi cũng đã giảm đi không ít.

Trong khoảng thời gian đó, một vị lãnh đạo cấp trên về hưu và một đồng nghiệp vào cùng một lần với tôi ở bộ phận khác đã lên thay thế, tôi sớm đã dự phòng từ trước nên thích nghi rất tốt, không hề có chút khoảng cách tâm lý nào.

Chẳng mấy chốc đã đến mùa hè, thời tiết trở nên rất nóng bức, một hôm, bác sĩ ở viện dưỡng lão đã đến nói với tôi: “Cậu nên xem xét chuẩn bị hậu sự dần đi.”

Phản ứng đầu tiên của tôi đương nhiên là không tin, tình trạng của ông nội ngày càng tốt, thậm chí còn có thể xuống giường và đi bộ một vòng, sao lại cần chuẩn bị hậu sự được.

Bác sĩ nói rất nhiều thuật ngữ chuyên môn nhưng cuối cùng vẫn là bốn chữ, hồi quang phản chiếu(*). Bác sĩ là người từng làm ở bệnh viện công, sau khi về hưu thì được mời đến viện dưỡng lão này, đã từng chứng kiến quá nhiều cảnh sinh tử nên khả năng phán đoán sai lầm là rất thấp.

(*) Hồi quang phản chiếu: là hiện tượng một người đang bị bệnh nặng, cơ thể suy yếu, đột nhiên trở nên tỉnh táo, thân thể khỏe mạnh, hoặc nói cười sảng khoái, muốn ăn uống. Thường bệnh nhân rơi vào tình trạng này sẽ nhanh chóng tử vong sau đó.

Tôi xin nghỉ dài hạn, quyết định ở trong viện dưỡng lão, một mặt cười nói với ông nội, một mặt thì bắt đầu chuẩn bị tang lễ.

Mộ phần, vòng hoa, lễ tang, từng chuyện từng chuyện chồng chồng chất chất; mỗi thứ đều là một con dao sắc nhọn ép buộc tôi phải đối mặt với sự thật. Cô chú cũng đã đặt vé máy bay về nước, sau khi thu xếp xong xuôi mọi thứ thì sẽ quay về đây.

Trương Thần gọi điện đến hỏi tôi có cần giúp một tay không, tôi cảm ơn ý tốt của hắn rồi khéo léo nói lời từ chối.

Nếu không thể làm bạn tình cũng không làm bạn bè nổi thì không cần phải tiếp tục dính dáng đến nhau nữa.

Nhưng hắn vẫn thừa lúc tôi không có mặt để lén lút đến gặp ông nội tôi, hộ sĩ gửi cho tôi một đoạn tin ngắn, nói rằng hai ông cháu đã nói chuyện với nhau rất lâu.

Ông nội từng nói với tôi Trương Thần không phải là một đứa trẻ hư, tôi đồng ý với ông. Đúng là Trương Thần không phải là một đứa trẻ hư, sở dĩ lớn rồi lại trở thành người xấu có lẽ là bởi vì xã hội này đã quá mức u tối.

Nghiên cứu sinh muốn tốt nghiệp thì phải viết một bài luận văn nhỏ, tôi luôn ở cạnh ông mà tìm đọc tài liệu, viết bài. Phần lớn thời gian ông nội đều không quan tâm tôi đang làm gì, đột nhiên có một ngày ông nổi hứng bắt tôi phải đọc bài cho ông nghe.

Tôi đọc vài câu, ông ngay lập tức nhíu mày, nhất quyết bắt tôi phải đưa cho ông xem. Tôi ngay lập tức như một học sinh tiểu học vô cùng thấp thỏm mà đặt máy tính lên tủ đầu giường, phóng to chữ rồi để xuống cho ông xem.

Ông mở bàn tay ra, tôi quen thuộc mà đưa kính lão cho ông, ông dùng ngón tay chạm nhẹ lên màn hình, giống như ông đang ở trên lớp từ trước đây rất lâu vậy.

“Những câu này, sai hết cấu trúc ngữ pháp rồi.” Nói rồi ông nhìn tôi chằm chằm và không nói gì.

Tôi sững sờ một chút rồi bừng tỉnh, lấy giấy bút mang theo bên người viết ra các câu như một cậu học sinh nghiêm túc.

Tinh thần của ông hôm nay rất tốt, trực tiếp nhận xét bài của tôi, đọc hết khoảng nửa tiếng, cuối cùng bài văn của tôi cũng được lướt đến cuối cùng.

“Hòa Bình à.”

“Dạ...”

“Học cho giỏi, đừng có làm miễn cưỡng cho xong.”

“Vâng ạ.”

Ông tháo kính lão xuống, nhếch khóe miệng, lộ ra một nụ cười.

“Đưa ông nội chút nước, ông khát.”

Tôi hốt hoảng, vội vàng rót một chén nước ấm rồi đưa cho ông nội, nhìn ông uống hết nước. Sau đó ông thỏa mãn nằm xuống, nhắm mắt lại, không lâu sau thì tiếng ngáy vang lên.

Tôi nhìn chằm chằm ông một hồi, nhịn không được mà tò mò tìm kiếm mạch đập của ông, rồi lại đưa tay đến gần mũi của ông để thăm dò hơi thở. Tôi chưa bao giờ nhận ra mình lại là một người nhát gan đến thế, tôi rất sợ nhưng không có cách nào để chống lại.

Thời khắc chia tay sẽ không vì tôi sợ hãi mà đến muộn, ông nội cũng bắt đầu dặn dò tôi chuyện hậu sự nên làm như thế nào, thậm chí còn tự nhắn tin xuyên đại dương cho cô và chú.

Ông hỏi họ khi nào thì về được, bên kia phản hồi nói sẽ phải mất thêm vài ngày nữa vì công việc vẫn chưa được bàn giao thành công.

Cô và chú đều là quản lý cấp cao của các xí nghiệp ở nước ngoài, họ có rất nhiều việc phải làm, thực sự không phân thân ra được, mà cơ thể của ông nội thì vẫn luôn không được khỏe, mấy năm rồi họ cũng chỉ quay về thăm được vài lần; chỉ là lần này không ai có thể liệu trước được, thậm chí cả mấy ngày ông cũng không thể đợi được nữa.

Ngày một tháng chín, hiệu trưởng trường Tiểu học Hân Hân dẫn một số giáo viên đến thăm ông, ông nói chuyện rất vui vẻ, thậm chí tối đó ông còn chọc ghẹo tôi nói sau này khi có con thì tôi có thể đến tìm hiệu trưởng, chắc chắn con tôi sẽ được tuyển thẳng vào trường luôn.

Tôi hơi ngạc nhiên, đây là lời nói ít theo “thói thường” của ông.

Và vẫn như thường ngày, sau khi ông uống nước xong, tôi đỡ ông đi vệ sinh, đắp chăn xong thì yên tâm nhắm mắt lại. Ông có thói quen nằm ngửa khi ngủ, nhưng không hiểu sao hôm đó ông lại xoay người về phía tôi rồi ngủ.

“Chúc ngủ ngon, cháu ngoan.” Ông mơ hồ nói.

Tôi cùng cười rồi trả lời: “Chúc ông nội ngủ ngon.”

Tôi đã mơ một giấc mơ, trong đó là cảnh tượng lần đầu tiên tôi về nhà của Trương Thần, người giúp việc có việc gia đình, nhà hắn lại không có ai, chỉ có mỗi một mình hắn trông thật là cô đơn, tôi không nhìn nổi dáng vẻ giả vờ mạnh mẽ như không có chuyện gì của hắn nên đã lôi kéo hắn đi về nhà tôi.

Ban đầu hắn rất không vui, nhưng khi vừa đến dưới nhà tôi, ông nội đã ló ra từ cửa sổ, gọi: “Cháu ngoan đã về rồi, còn dẫn theo bạn học về nhà chơi à.”

Hắn lại không biết xấu hổ mà ngẩng đầu lên, cười ngọt ngào đáp: “Cháu chào ông ạ.”

Cảnh trong mơ chuyển đến cảnh ba người chúng tôi cùng quây quần bên nhau ăn cơm trên chiếc bàn tròn, trong tivi là tiếng nhạc vui vẻ, còn trên bàn cơm tràn ngập tiếng cười không ngớt.

Tôi chợt mở mắt ra, nhìn đồng hồ điện tử lạnh băng đối diện hiện lên chữ số: 03:43.

Tôi vô thức nhìn về phía ông nội, chỉ thấy ông vẫn nằm trên giường như cũ, mới vừa thở phào nhẹ nhõm lại thấy có gì không đúng —— ông quá im lặng, ngay cả tiếng ngáy cũng không còn nghe được nữa.

Tôi đưa tay chạm vào cơ thể đã trở nên lạnh lẽo và cứng ngắc của ông —— ông đã ra đi, trong giấc mơ.