[Ngôn Tình] Thích Khách

Chương 3




Trấn Bạch Thủy nằm ở ngoại thành Giang Đô, khoái mã chạy hai ngày hai đêm, lúc sắp đến Giang Đô thì trời đổ mưa, đất bùn đầu xuân tơi xốp, vó ngựa rời bùn sũng nước. Tiết A Ất vào được thành trước khi đêm xuống, toàn thân lấm lem, phong trần mệt mỏi.

Qua ba con phố hướng bắc là Yến Xuân Lâu, qua năm con phố hướng nam là bến đò Qua Châu.

Khí xuân se lạnh, áo tơi không cản nổi giá buốt, gió đầu xuân như lưỡi đao ngâm qua nước, quất rát cả mặt. Nước mưa đập lên mũ vành, tí ta tí tách.

Trong thành đèn đuốc sáng trưng, ca múa thanh bình.

Giang Đô là cái đất giàu có đông đúc nhất miền đông nam, Tiết A Ất sinh ra và lớn lên ở đây, ngày xưa nơi này còn chưa trù phú như bây giờ. Ba năm trước, ngũ hoàng tử, em ruột thái tử được phong làm Giang Đô vương, rời kinh về đất phong, thế là Giang Đô trở thành cái bánh thơm phức mùi hiển quý.

Khắp thiên hạ nơi nào mà chẳng là đất vua, thế gian rộn ràng đều là vì mưu lợi, cái không thiếu nhất ở Giang Đô là nước và đàn bà. Sáu hồ năm sông hai mươi tư cây cầu, tàu thuyền tấp nập trên kênh đào, cờ xí phấp phới trong không trung, hai bên bờ lầu Tần quán Sở, gái điếm mua vui chuốc cười qua lại không ngớt giữa tường vôi ngói than, váy lựu áo biếc vụt qua như mây khói.

Động tiêu tiền là chốn ấm êm của đàn ông, là thang lên mây của đàn bà, đàn bà buôn bán nhờ đàn ông, đàn ông cũng đang buôn bán nhờ đàn bà.

Tú bà Yến Xuân Lâu họ Quan, tuổi chừng ba lăm, băm sáu, mặt trát lớp phấn dày cộp, trông thấy Tiết A Ất cũng chẳng quá nhiệt tình, sai con hầu đi chuẩn bị nước nóng và y phục sạch sẽ. Đỡ cây trâm bạc nạm vàng điểm thúy trên đọa mã kế1, mụ giơ bàn tay trắng trẻo phốp pháp trỏ lên lầu hai: “Tìm Nguyên Nương chứ gì? Nó đang rảnh đấy, ở phòng thứ ba lầu hai.”

1 Kiểu búi tóc rủ lệch sang một bên.

Đoạn xoay người định chào hỏi ân khách khác, bị gọi lại.

Tiết A Ất mò ra nửa miếng lá vàng: “Trả nợ khất từ đợt trước, đã đủ chưa?”

Quan tú bà nhón lá vàng, thấy đằm tay, tức khắc hớn hở mặt mày: “Đủ đủ đủ, Tiết công tử tới chơi thêm mấy bận nữa cũng được.” rồi quay sang rầy con hầu, “Còn không mau đi tìm Nguyên Nương đi, bảo nó Tiết công tử tới, hầu hạ cho cẩn thận.”

Tiết A Ất không gặp được Khương Nguyên Nương, mệt mỏi quá ngủ quên mất trong thùng tắm.

Tỉnh lại đã là ngày hôm sau, hắn nằm trên giường, toàn thân khô ráo ấm áp, đã đổi một bộ xiêm y sạch sẽ.

Màn đỏ che mắt, sắc trời tờ mờ.

Ngoài cửa sổ vang lên những âm thanh ầm ĩ quen thuộc, tiếng mưa rơi, tiếng chim hót, tiếng bánh xe cán qua đá xanh, lúc trầm lúc bổng, loáng thoáng vọng tới.

Khương Nguyên Nương đang soi gương sửa soạn, gò má còn vương sắc rượu đỏ hồng, mệt mỏi như trinh đằng ba mũi leo lên bám đầy trên gương mặt xương xương tái nhợt. Xiêm áo che hờ, tư thái biếng nhác, ánh sáng lọt vào qua song cửa, như từng lưỡi đao cắt gương mặt người đàn bà nát vụn.

Tiết A Ất si mê dáng vẻ Khương Nguyên Nương lúc say rượu nửa tỉnh, đó là thời điểm ả đẹp nhất. Khương Nguyên Nương chẳng phải một mỹ nhân, mấy năm trước còn là kĩ nữ giá rẻ nhất Yến Xuân Lâu, lúc sắp bị tú bà bán cho phường câu lan mạt hạng thì gặp được Tiết A Ất. Tiết A Ất tham sắc đẹp buổi tinh mơ của ả, hương vị da thịt toàn thân cũng tạm, giá lại rẻ, nên đến Yến Xuân Lâu nghỉ lại không ít bận suốt hai năm nay.

Nghe thấy động tĩnh, Khương Nguyên Nương không quay đầu lại, cười bỡn cợt: “Nhớ mẹ à?”

Tiết A Ất ngước mắt.

Khương Nguyên Nương nói: “Nghe chàng nói mớ.”

Tiết A Ất ngồi dậy khoác thêm áo ngoài: “Cô nghe nhầm rồi, chỉ hơi lạnh thôi.”

Khương Nguyên Nương mở hộp son ra, quệt ít chu sa thoa lên môi, che đi màu môi hơi nhợt nhạt sau cơn say rượu. Ả ngắm dung nhan cũng xem như thanh tú trong gương đồng, khẽ mỉm cười: “Nghe tú bà nói chàng khá khẩm lên rồi, phát tài rồi, gặp được quý nhân à?”

Thấy Tiết A Ất làm thinh, ả lê gối đi tới mép giường, ngẩng đầu nhìn người đàn ông ngồi trên giường. Khương Nguyên Nương biết bình thường tâm trạng hắn vào sáng sớm rất tốt, ả nghển cổ, để lộ nửa bầu ngực sữa phồng phồng trắng như tuyết, làn váy dài diễm lệ nếp chồng nếp uốn lượn trên mặt đất.

Trong lòng Tiết A Ất hơi không yên, cứ đến ngày mưa dầm, con mắt trái mù lòa sẽ đau ngâm ngẩm.

Khương Nguyên Nương nhìn theo ánh mắt hắn ra ngoài cửa sổ, có hạt mưa bay vào song gỗ khắc hoa, ả nhíu mày: “Sao còn chưa tạnh nhỉ?”

Tiết A Ất cúi đầu nhìn ả: “Mưa lâu lắm rồi à?”

Khương Nguyên Nương ngẫm nghĩ: “Năm ngày rồi.”

Mưa xuân liền năm ngày, nước sông ắt dâng mạnh, bến đò đương nhiên loạn cào cào.

Tiết A Ất day day huyệt thái dương, hất ngón tay cô ả đang dò vào áo trong của mình ra. Hắn chỉnh lại y phục, đứng dậy, vớ lấy thanh đao chín khuyên đặt ở đầu giường, dùng quần áo cũ thay ra đêm qua bọc lại, tìm mảnh vải buộc sau lưng.

Ra khỏi Yến Xuân Lâu, đập vào mặt là một trận mưa gió, thổi tan mùi son phấn trên người.

***

Qua Châu là bến đò lớn nhất Giang Đô.

Nước sông dâng lên, thuyền cá, thuyền hoa đậu ở bãi sông ngày thường cách bờ rất gần, tất cả đều buộc vào cọc gỗ đóng tạm. Bến đò kẹt cứng, thuyền bè to nhỏ chen chúc dồn đống hệt như một đàn cá mắc cạn, Tiết A Ất tìm mất nửa khắc mới trông ra con thuyền nhà mình.

Thuyền ô bồng bập bềnh, hai đấng tu mi mặc trường bào vạt thẳng kiểu thư sinh đang xô đẩy đánh đấm người chèo thuyền.

Chèo thuyền là một thiếu niên gầy trơ xương tuổi chừng mười lăm, mười sáu, tên là Cát Sinh, khi xưa đói đến hôn mê ngã xuống nước, được Thúy Thúy, em gái Tiết A Ất, bón cho một bát cháo sắn, từ đó ở riệt không chịu đi. Cát Sinh chân tay lanh lẹ, không bao lâu sau đã làu việc giữ thuyền, trước khi đi trấn Bạch Thủy, Tiết A Ất đã để cậu ta trông ba con thuyền nhà mình.

Cát Sinh không dám sinh sự, bị tát cho ngã lăn xuống đất.

Đấng tu mi thừa thắng truy kích, Tiết A Ất nhảy lên thuyền, đón lấy quả đấm bạc nhược mềm nhũn, ung dung đẩy trả về.

Thúy Thúy trong khoang thuyền thò nửa người ra, thở phào, chân mày nhuốm mừng rỡ, hô nho nhỏ: “Ca ca!”

Tay lớn tuổi thu tay lại, kéo người đi cùng, hừ lạnh: “Anh là gia chủ?”

Tên trẻ hơn tuổi chừng hai mươi, mắt mày có phần ngả ngớn, tay lớn tuổi thì khoảng băm bảy, băm tám, hông buộc đai lụa tường vân màu xanh, ăn vận chỉnh tề, vóc người trung đẳng. Mặt mũi hai người giống nhau đến sáu, bảy phần, hẳn là cha con.

Tiết A Ất ôm quyền thi lễ: “Tiểu tử càn rỡ, mới rồi thất lễ, có chỗ nào mạo phạm mong tiên sinh thứ cho.”

Duỗi tay không đánh người đang cười, tay trung niên nguôi giận đôi chút, trỏ vào Cát Sinh: “Kẻ này ăn nói lỗ mãng, bêu xấu con ta.”

Cát Sinh vừa bò dậy khỏi sàn thuyền, người ướt rượt nước bùn, nghe vậy ngẩng phắt đầu, gương mặt ngăm đen sung huyết đỏ phừng, ánh mắt phẫn nộ, nom giống một con dã thú bảo vệ miếng ăn: “Tiết đại ca, hắn ức hiếp Thúy Thúy!”

Thanh niên cười xì một tiếng, giọng khản đặc khó nghe như vịt kêu.

Tiết A Ất quay đầu, Thúy Thúy náu trong khoang thuyền co cụm, lặng thinh không nói. Hắn ngồi xếp bằng xuống, đặt bọc quần áo sang một bên, cởi tấm áo cũ quấn thanh đao chín khuyên ra, thong thả lau chùi lưỡi đao, ánh đao sáng loáng.

Sau cùng, không nhìn thanh niên kia mà ngẩng đầu nhìn tay trung niên: “Xá muội đã đính hôn, chưa đầy hai tháng nữa là đến ngày xuất giá. Tiên sinh không tin có thể cáo lên quan phủ, Giang Đô vương gia cương trực công chính, chủ trì luôn rất công bằng.”

Tay trung niên hơi biến sắc, thấy Tiết A Ất mù mắt trái, vết sẹo đao đáng sợ thì hơi nhụt chí, trả tiền qua sông rồi vội vã dẫn con rời đi.

Tiết A Ất thu đao, ngoảnh lại xem Thúy Thúy.

Cô đã đến tuổi thích chải chuốt, mặc bộ áo cánh thân đối màu thủy lam, tóc đen mượt, trên búi tóc cài bông nhài be bé. Con gái tuổi đôi tám, hai mắt tựa khe suối trong ngần thấy đáy trên trấn Bạch Thủy, dẫu không trang điểm, không đeo trang sức cũng xinh tươi như trứng gà bóc vỏ.

Dân gian không giấu được mỹ nhân, Thúy Thúy còn trổ mã tiếp thì chỉ e rước họa vào thân.

Sào trúc chèo thuyền đã rơi mất trong lúc xô đẩy, cắm nghiêng trong bùn sông, ngập già nửa. Bùn sông đặc sệt, Tiết A Ất vận chút sức nhổ sào trúc ra, đưa cho Cát Sinh: “Không phải tôi đã nói với cậu chớ làm ăn với kẻ đọc sách rồi à?”

Da mặt Cát Sinh mỏng, ửng đỏ ngượng nghịu: “Không đủ tiền bốc thuốc cho lão tiên sinh, họ nói có thể trả gấp đôi tiền qua sông.”

Tiết A Ất cau mày: “Cha lại ốm rồi?”

Cát Sinh gật đầu.

Tiết A Ất móc nửa mảnh lá vàng ra ném cho Cát Sinh, xoay người đi vào khoang thuyền.

Thúy Thúy đã ra ngoài bốc thuốc, có ông cụ gầy gò mảnh khảnh ngồi bên cửa sổ, tóc mai điểm bạc, lưng ưỡn thẳng tắp, đang cầm một thanh đao mài giũa trên đá mài.

Ông cụ tên Tiết Côn Ngọc, là cha của hai anh em, đặt tên không tốt, dân đen không gánh nổi cái danh mỹ ngọc.

Khi còn trẻ ông là một thợ rèn đao có chút tiếng tăm, già rồi cũng được người ta tôn kính gọi một tiếng “Tiết lão tiên sinh”. “Tiết lão tiên sinh” không giống “Hoài lão gia tử”, cái trước chỉ là nhờ hậu bối cất nhắc, cái sau mới thực sự biểu trưng cho quyền lực.

Bàn tay mài đao dừng lại, Tiết Côn Ngọc rút khăn ra che miệng, ho khùng khục, sống lưng thẳng tắp chợt còng xuống.

Ông mắc bệnh lao, hai năm nay vẫn luôn lấy thuốc buộc mạng.

Tiết A Ất không qua ngay, nhìn Tiết Côn Ngọc dừng ho, cất khăn đi, từ từ thẳng lưng lại, tựa như một cây trúc bị gió thổi gập xuống rồi lại bật lên.

Thoáng dừng lại, Tiết A Ất cất tiếng: “Cha, con về rồi.”

Tiết Côn Ngọc ngẩng đầu, quan sát một lượt từ trên xuống dưới: “Đi đường có thuận lợi không?”

“Cũng tạm ạ.”

“Đã đưa được đao đến nhà họ Hoài chưa?”

Tiết A Ất thưa rồi.

Tiết Côn Ngọc lại hỏi: “Hoài lão gia tử còn mạnh khỏe chứ?”

Năm ngoái hai người tình cờ gặp nhau ở Giang Đô, nói chuyện rất hợp, Tiết Côn Ngọc bèn coi Hoài Vô Nhai là tri kỉ, lết thân mình bệnh tật làm một thanh đao tốt làm quà mừng thọ. Ở cái tuổi gần đất xa trời, chuyện khó tiếp thu nhất là bạn cũ qua đời.

Tiết A Ất đáp: “Xương cốt mình mẩy lão gia tử hãy còn cường tráng lắm.”

Không còn gì để nói nữa, khoang thuyền bỗng chìm vào trầm lặng, tức khắc cảm thấy lúng túng, cả người như dính đặc trong bát cháo lạnh để qua đêm.

Bên ngoài vọng vào giọng đàn ông gọi: “Chủ thuyền, qua sông không?”

Tiết A Ất đáp lời: “Tới đây…”

Đoạn ngoái lại nói: “Cha, con đi làm việc đây.” Chẳng đợi Tiết Côn Ngọc trả lời đã xoay người sải bước ra khỏi khoang thuyền.

***

Nhà họ Tiết sống bằng nghề rèn đao được mấy thế hệ, tay nghề truyền đến đời ông nội Tiết A Ất thì cuối cùng cũng hiển lộ tinh túy, mấy chục năm trước ở Giang Đô, hiệu đao Tiết gia khá là có tiếng. Phú ông kín tiếng, giàu xổi khoe khoang, ông nội hắn bị đối thủ giết người cướp của, chú Tiết A Ất lưu lạc đến Trường An, bặt vô âm tín.

Tiết Côn Ngọc am tường cách rèn đao nhưng không biết kinh doanh, hiệu đao nhanh chóng sụp đổ, nhà họ Tiết chỉ có thể sống dựa vào ba con thuyền Tiết A Ất vay tiền mua lại.

Bến đò Qua Châu nhỏ hẹp, nhà thuyền coi trọng thứ tự đến trước đến sau, đó là quy ước trong nghề. Tiết A Ất bỏ bạc mua chỗ đậu thuyền từ tay một nhà thuyền chuẩn bị về quê dưỡng lão, một con thuyền đổi thành thuyền hoa, hai thuyền còn lại vẫn làm đò ngang.

Giang Đô sầm uất, có rất nhiều du khách nhàn tản, mùa hoa quỳnh nở vào tháng Ba, tháng Tư là lúc làm ăn phát đạt nhất, chỉ cần nước dâng mưa đổ, bến đò nước chảy không lọt thì ngày thường chẳng bao giờ thiếu việc làm, là một bát cơm sắt gõ vang lanh canh. Tiết A Ất ôm bát sắt bền, trả được hơn nửa gánh nợ trên lưng, cách hai tháng lại chạy một chuyến tư tiêu, miễn cưỡng gom đủ tiền thuốc cho Tiết Côn Ngọc.

Đưa khách đến nơi, thu tiền qua sông, Tiết A Ất lại chưa về bến đò ngay.

Phố Đông Quan là nơi mua bán tấp nập nhất Giang Đô, đủ muôn ngành hàng chẳng thiếu cái gì, trước đây đao nhà họ Tiết mở hiệu thịnh vượng ngay giữa phố, sau khi dẹp hiệu thì bị nhà đối thủ thế chân, hai năm trước lại đổi tiệm son phấn. Tiệm son phấn làm ăn rất khá, trước cửa oanh yến tụ đầy.

Phố Đông Quan nhộn nhịp, ngóc ngách cũng nhiều.

Tiết A Ất tìm tới một mặt tường đỏ loang lổ, bùn cỏ trát tường đã bong quá nửa, hắn lần mò một hồi, cạy ra một cục gạch xanh lỏng, bỏ xuống đất.

Bên kia tường im ắng như tờ.

Đầu phố đặt đồng hồ nhật quỹ, bục đá kê dưới đã qua vài thập niên, bám đầy rêu, nhật quỹ thì còn rất mới, là do Giang Đô vương sai người chế tạo. Mưa vẫn chưa tạnh, ánh nắng không lọt nổi qua mây đen, bóng kim nhật quỹ cũng nhợt nhạt, chỉ vào vạch giờ Mùi, đã qua non nửa tấc.

Mối lái liên hệ là tay già đời đã vào nghề mười mấy năm, quen biết hai, ba năm, gã chưa bao giờ tới muộn.

Tiết A Ất khoanh tay ngồi ở chân tường, kiên nhẫn đợi.

Qua một chung trà, rốt cuộc bên kia tường cũng có tiếng vọng sang, loạt xòa loạt xoạt, ngồi xuống đánh “thịch”, tiếng hít thở nặng nề.

Tiết A Ất nắm chuôi đao, mối lái cũ không cục mịch như vậy.

“Là Tiết… huynh phải không?”

Giọng khàn khàn khó nghe như vịt kêu. Người hành tẩu giang hồ tai thính mắt sáng, là tên con trai trong hai cha con va chạm sáng nay.

Tiết A Ất cởi tấm áo cũ lấy làm vỏ đao ra, gấp hai nếp che miệng lại, giọng xuyên qua lớp vải nghe thấp đi một bậc: “Lão Trương đâu?”

“Tiền bối có chuyện đột xuất, sau này tiểu đệ sẽ liên lạc cùng Tiết huynh.” Giọng vịt đực nói, “Chuyến tư tiêu lần trước có đến nơi không ạ?”

Tiết A Ất ứng tiếng.

Sau khi dời cục gạch xanh ra, trên tường đỏ xuất hiện một cái lỗ hình vuông, trong lỗ thò ra hai bàn tay, lòng bàn tay đặt ba thỏi bạc. Tay tên thanh niên rất sạch sẽ, không có sẹo, da nhẵn nhụi, sườn ngón giữa và bụng ngón cái có chai, đây là đôi bàn tay hằng năm cầm bút, sống trong nhung lụa.

Tiết A Ất nhận lấy thỏi bạc: “Đa tạ.”

“Chuyến này đi trấn Bạch Thủy nhỉ?” Giọng vịt đực hỏi, “Có chạm trán thổ phỉ ở đó không?”

Tiết A Ất đáp: “Không.”

Giọng vịt đực hạ xuống, dạt dào hứng thú kể: “Tiết huynh, tiểu đệ nghe nói mới đây thổ phỉ chỗ ấy giết sạch một nhà, đại đương gia của chúng thấy trong nhà có thanh đao đẹp, bèn lấy làm của riêng. Ai ngờ đó không phải gia đình bình thường, trong thanh đao ấy giấu vật đòi mạng, lúc đại đương gia vào trấn Bạch Thủy đốt giết cướp bóc thì đụng trúng một kẻ khó chơi, đao rơi tại đó, sau tìm lại thì không thấy đâu nữa.”

Tiết A Ất nhìn chằm chằm thanh đao chín khuyên trong tay: “Vật đòi mạng gì vậy?”

Giọng vịt đực úp mở, không nhịn nổi tò mò: “Nghe nói là dính dáng đến hoàng tử.”

Lại hỏi: “Tiết huynh ở trấn Bạch Thủy có nghe được chuyện này không?”

Tiết A Ất đáp: “Không.”

Giọng vịt đực “ồ” một tiếng thất vọng.