Nếu Như Yêu

Chương 8-5




Đúng, tôi chính là cô gái to đầu mà dại dột trong quá khứ.

Điều nực cười là, mẹ tôi là một bác sĩ khoa sản giàu kinh nghiệm nhưng ở nhà bà không bao giờ nhắc đến công việc của mình. Lúc tôi bắt đầu dậy thì, mẹ đưa cho tôi một cuốn sách nhỏ phổ cập về vệ sinh của phái nữ, dặn tôi đọc cẩn thận. Tôi đọc xong, thấy những câu chữ trong cuốn sách ấy rất khô khan, chẳng mang chút màu sắc tình cảm nào. Điều đó đủ khiến cho một đứa con gái đang bước vào tuổi dậy thì, không có chút hiểu biết gì về nam giới phải sự đến nỗi gặp ác mộng, giống như chuyện dì tôi lúc mười lăm tuổi ngồi trong bệnh viện chờ mẹ tôi sinh tôi, nghe thấy những tiếng kêu, tiếng la hét đã sợ gần chết, thì tôi cũng sợ hãi và băn khoăn lo lắng khủng khiếp như thế, không hiểu tại sao con gái lại gặp phải nhiều vấn đề đau đớn khổ sở như vậy.

Đương nhiên, việc tôi không hề yêu đương trơng suốt thời gian học đại học cũng không thể trách được cuốn sách nhỏ kia. Tính tôi khá nhút nhát, sống nội tâm, không có thói quen bộc lộ tình cảm, thế nên cũng không biết làm thế nào đối phó vói sự theo đuổi của bọn con trai. Thời gian cứ thế trôi đi, tôi cũng chẳng có một trải nghiệm tình cảm nào rõ ràng. Cho đến năm hai mươi tư tuối, trong một lần tình cờ gặp Á Âu, tôi bị đắm chìm trong dòng sông tình yêu đó cũng chẳng có gì là lạ.

Lúc phát hiện mình có thai, tôi đang trong thời gian nghỉ việc và bận rộn tìm công việc mới, còn anh năm ngày rồi mà chưa liên lạc với tôi. Tôi gọi điện cho anh, anh nói đang đi công tác, giọng khá lạnh nhạt. Tôi hỏi thêm một câu bao giờ anh trở về, anh bèn nói với giọng mệt mỏi: "Đang họp, chút nữa anh gọi lại."

Đợi suốt hai ngày mà anh vẫn chưa gọi lại.

Tôi không trách anh. Ngay từ đầu, tôi đã biết anh không nghiêm túc trong tình yêu này, vì tôi nghĩ mình là đứa cầu không được mà ước cũng chẳng thấy, trèo cây có bao giờ bắt được cá đâu. Thế là tôi quyết định cả gan tìm một bệnh viện nhỏ ở thật xa, xếp hàng lấy số rồi lên bàn phẫu thuật.

Đó là một trải nghiệm vô cùng đáng sợ, tôi chưa bao giờ kể cho ai nghe, bao gồm cả người bạn thân nhất của tôi là Hạ Vân.

Nếu mọi chuyện kết thúc ở cái phòng phẫu thuật đó, có lẽ tôi sẵn sàng gạch số xóa tên nó trong ký ức. Nhưng ác mộng của tôi vẫn tiếp tục đeo bám sau khi đã xuất viện. Sau ca phẫu thuật đó, liên tục hơn nửa tháng trời tôi bị ra máu, vậy mà tôi vẫn phải chạy đi khắp nơi nộp hồ sơ, rồi còn phải đến mấy công ty phỏng vấn, trong lòng lo lắng, mặt mày trắng bệch, ngay cả trang điểm vẫn không che giấu nổi. Một buổi tối, mẹ gọi tôi vào phòng rồi đóng cửa lại, hỏi tôi xảy ra chuyện gì. Tôi vừa xấu hổ vừa áy náy, lại mang cảm giác sợ hãi, miệng lắp bắp, nói không nên lời. Mẹ không hỏi nữa nhưng cứ nhìn tôi chằm chằm, muốn biết đáp án gì.

Đột nhiên, tôi đánh liều, nhìn thẳng vào mắt mẹ, nói với mẹ chuyện tôi đi phá thai, sau đó chờ đợi cơn giận dữ trút xuống đầu. Mẹ ngạc nhiên, nhìn tôi bằng ánh mắt phức tạp nhưng không nổi cáu, chỉ hỏi tôi kỳ kinh cuối cùng vào ngày nào, thời gian làm phẫu thuật và tình hình sức khỏe hiện nay của tôi. Cách nói và thái độ ra dáng bác sĩ của mẹ khiến tôi ngỡ ngàng, tôi chỉ biêt hỏi đâu đáp đấy. Cuối cùng mẹ dặn tôi nghỉ ngơi sớm, sáng hôm sau hết giờ làm thì đến bệnh viện chỗ mẹ làm việc.

Không cần mẹ nhấn mạnh, tôi cũng biết mức độ nghiêm trọng của vấn đề.

Lúc tôi đến bệnh viện, mẹ đang tiếp một bệnh nhân. Tôi đứng bên ngoài chờ, chỉ nghe thấy cô y tá phụ trách đón tiếp người đến khám bệnh và đồng nghiệp nói chuyện: "Bác sĩ Nghiêm lúc nào cũng nói năng nhẹ nhàng, khám bệnh giỏi, chính vì điều này mà có bệnh nhân nữ không xếp hàng lấy số, chen ngang vào xin xỏ mấy câu là bác sĩ lại cho vào. Hằng ngày có không biết bao nhiêu bệnh nhân đến khám, ảnh hưởng đến cả việc tan ca của bọn mình." Đồng nghiệp của cô y tá cười, nói: “Thôi, đừng phàn nàn nữa, bác sĩ lúc nào cũng hết lòng với bệnh nhân, nếu mình gặp vấn đề về sức khỏe mà phải đợi để được bác sĩ kiểm tra giúp thì mình cũng sẽ đợi." Sau khi đồng nghiệp đi khỏi, cô y tá lạnh lùng nói với tôi. “Này, cô không cần đợi đâu, thời gian khám bệnh buổi sáng kết thúc rồi.”

Tôi không cảm thấy ngại, cũng chẳng lên tiếng. Cô y tá không thể quát mắng nên sắc mặt trông càng khó coi.

Đợi khoảng nửa tiếng sau, cuối cùng bệnh nhân được khám xong cũng đi ra, mẹ bảo cô y tá đi ăn cơm, rồi ra hiệu cho tôi vào phòng và kiểm tra cho tôi.

Tôi cởi quần áo, động tác rất chậm chạp, khó khăn. Thực ra tôi đã từng nằm trước mặt một bác sĩ xa lạ có vẻ mặt lãnh cảm để người ta kiểm tra và phẫu thuật. Bà là mẹ của tôi, đối diện với mẹ, đáng lẽ tôi không nên cảm thấy xấu hổ, sợ hãi mới đúng. Thế nhưng cảm giác ngại ngùng cứ thế xâm chiếm lấy tôi, như muốn dìm tôi xuống bằng dòng nước mắt lã chã tuôn rơi. Mẹ lấy khăn giây đưa cho tôi, hành động đó khiến trong phút chốc tôi như được quay về thời thơ ấu, tiếng khóc bỗng trở nên nấc nghẹn. Cùng lúc ấy, tôi nhận ra, cho dù khi còn nhỏ, tôi cũng chưa bao giờ được khóc thỏa thuê như thế này trước mặt mẹ. Mẹ ngồi xuống bên cạnh và nắm chặt lấy bàn tay tôi.

Hành động đó hoàn toàn khiến tôi bất ngờ, nhưng tôi vẫn có cảm giác mẹ chỉ giống như một bác sĩ khoan dung, đáng mến, chứ không phải là một người mẹ thực sự. Ý nghĩ ấy thoáng hiện lên làm cảm giác căm phẫn của tôi càng mãnh liệt: Tôi làm gì có tư cách đòi hỏi nhiều hơn!

Đợi tôi bình tĩnh lại, mẹ mới kiểm tra cho tôi. Mẹ bảo tôi nguyên nhân ra máu không ngừng là do việc nạo thai chưa hết, vậy nên mẹ đã tự làm lại cho tôi thật sạch sẽ.

Nằm trên bàn phẫu thuật, để mẹ đích thân làm việc này cho mình, đó là một trải nghiệm vô cùng tủi hổ, còn hơn cả suy nghĩ phá bỏ cái thai đi.

Tôi đoán mẹ cũng như tôi, trong lòng không tránh khỏi cảm thấy buồn, nhưng biểu hiện của mẹ vẫn rất chuyên nghiệp giọng nói bình tĩnh, động tác nhẹ nhàng, ti mỉ. Sự sợ hãi của tôi dần dần được xoa dịu, nhưng tôi không hề thấy nhẹ nhõm, trong lòng ngập tràn cảm giác chán ghét bản thân.

Sau khi xong xuôi, mẹ kê đơn thuốc cho tôi, giảng giải những nguy hại có thể xảy ra: "Với nhũng loại phẫu thuật như thế này, dù con không muốn cho mẹ biết cũng nên tìm đến một bệnh viện đáng tin cậy. Nếu chứng viêm nhiễm không kịp thời chữa trị, sẽ lan sang các bộ phận có liên quan, thậm chí có thể ảnh hưởng đến việc sinh nở sau này.” Mẹ bổ sung thêm: “Đương nhiên, đó chỉ là tình huống xấu nhất, nếu lịp thời chữa khỏi thì hoàn toàn có thể tránh được.”

Tôi thản nhiên nói: “Không sao, con không quan tâm, dù sao sau này con cũng không muốn có con.”

Mẹ nói với vẻ nghiêm túc: “Khả Khả, mẹ biết đối với nữ giới trải qua cuộc phẩu thuật như thế này là điều rất đáng sợ, sẽ ảnh hưởng đến tình cảm và tinh thần, nhưng sức khỏe của con hoàn toàn có thể hồi phục. Con cần có niềm tin chứ.” 

"Không, thực ra từ lâu con đã có ý nghĩ này rồi."

"Tại sao?"

Tôi hỏi ngược lại: "Mẹ, mẹ có hối hận khi lập gia đình và sinh con không?"

Mẹ sững sờ không nói.

"Nếu con là mẹ, con chắc chắn sẽ hối hận. Rõ ràng là một bác sĩ có chuyên môn vững vàng, nhưng vì bận rộn công việc, lại phải làm việc nhà, mẹ đã từ bỏ học chuyên sâu, từ bỏ cơ hội chuyển đến bệnh viện tốt hơn, nhận chức vị quan trọng hơn…”

"Ai nói với con thế?"

"Dì ạ.”

Mẹ cười khổ. "Dì ấy ở tận Bắc Kinh đâu có hiểu được hết tình hình."

"Con thấy dì nói đúng mà. Từ nhỏ đến lớn. con rõ nhất chuyện này. Nếu không có con và Tử Đông, mẹ sẽ sống thoải mái hơn nhiều. Mẹ, mẹ không phải là tuýp phụ nữ hài lòng với tất cả mọi thứ khi có con, con không nghĩ mẹ có được niềm vui từ cuộc sống gia đình mà chỉ thấy mẹ phải gánh chịu rất nhiều đau khổ.”

Gương mặt mẹ tỏ ra ngạc nhiên, rồi bỗng để lộ vẻ mệt mỏi, tôi gần như hối hận về những lời mình vừa nói. Một lúc lâu sau, mẹ mới nói: “Cuộc sống của mỗi người đều không dễ dàng, cuộc sống của mẹ cũng không khổ sở hơn người khác là bao nhiêu."

"Vâng, dù sao con cũng không muốn sống cuộc sống như của mẹ. Không, mẹ đừng nhìn con như vậy, mẹ à, con hứa sẽ không để xảy ra chuyện xấu hổ như vậy nữa."

Mẹ lắc đầu. "Khả Khả, mẹ không có ý trách con. Không ai có thể bảo đảm rằng mỗi sự lựa chọn của mình là đúng đắn, thậm chí sau khi lựa chọn rồi còn vô cùng hối hận nữa là. Cho dù con muốn sống cuộc sống thế nào, mẹ đều hy vọng con sống vui vẻ."

Vui vẻ, tưởng là một chuyện đơn giản, nhưng ở một giai đoạn nào đó lại trở nên quá xa xỉ. Tôi im lặng không lên tiếng.

"Cậu ấy... là người như thế nào?" Mẹ do dự, cuối cùng cũng hỏi một câu thể hiện sự quan tâm của một người mẹ.

Tôi thản nhiên nói: "Không quan trọng nữa, bọn con chia tay rồi."

Mẹ không nói gì thêm nữa.