Type-er: Linh Phan
4
Tôi nói với Á Âu là muốn huỷ vé máy bay, hoãn chuyến du lịch lại, anh ngạc nhiên hỏi: “Tại sao?”
Tôi chẳng thể nào nói ra lý do, chỉ nhắc lại câu: “Bây giờ em không có tâm trạng đi du lịch.”
Anh sầm mặt, chẳng nói câu nào mà bỏ ra ngoài.
Tôi biết anh bao giờ có nhiều kiên nhẫn khi làm việc gì, tự mình sắp xếp chuyến đi du lịch này đối với anh đã là sự nhượng bộ đáng kể rồi. Chắc chắn lần này anh nghĩ tôi nói một đằng làm một nẻo và vẫn còn không quên chuyện tin nhắn hôm đó. Thêm nữa là do tôi bị ảnh hưởng của nếp giáo dục truyền thống nên không muốn cãi cọ, làm vậy để hành hạ anh, trừng phạt anh, đúng là ương bướng hết thuốc chữa.
Tôi nghĩ, ít nhất tôi cũng phải tìm xem bố đẻ toi là ai, như vậy tôi mới có thể giải thích rõ ràng với anh được.
Manh mối duy nhất của tôi chỉ là những đồ đạc có trong hai chiếc thùng giấy.
Lúc còn sống, mẹ không bao giờ để lộ bất cứ điều gì mang tính chất cảm tính trước mặt chúng tôi, di vật của mẹ cũng chẳng có gì đáng kể. Mẹ chỉ giữ lại cuốn sổ ghi chép lúc còn đi học, sau đó có viết một cuốn sổ rất dày về công việc hằng ngày, về ngành y và việc dạy học, không hề ghi chép bất cứ điều gì liên quan đến đời sống cá nhân, riêng tư.
Tôi dành thời gian hai ngày, đổ tất cả những thứ lặt vặt, lỉnh kỉnh trong đống đồ đạc của mẹ ra, có ý định chắp nối lại toàn bộ cuộc đời của mẹ.
Năm 1971, mẹ mười bảy tuổi, là một thanh niên trí thức, mẹ được phân công đến Thanh Cương và ở đó gần sáu năm. Năm 1977, mẹ mới trở lại thành phố, sau đó cùng với bố, đang là bộ đội phục viên, lấy giấy chứng nhận kết hôn ở một nơi khác. Bố được vào làm việc ở một doanh nghiệp nhà nước, sau khi sinh ra tôi thì mẹ cũng thi vào trường Y.
Trong album có ảnh chụp tập thể lớp của họ, lớp chia thành bốn hàng, hàng đầu tiên toàn con gái ngồi, mọi người đều mặc quần áo giản dị, vẻ mặt trang nghiêm. Không giống như hồi tôi đi học, hầu hết các bạn cùng lớp đều bằng tuổi nhau, trong tấm ảnh này của mẹ, có ba, bốn bạn học rõ ràng đã bước vào tuổi trung niên, ngoài ra còn có vài người đã hai mươi sáu, hai mươi bảy tuổi, gương mặt đều già dặn, có vẻ như họ đã kết hôn và có con rồi. Mẹ tôi đứng lẫn trong số đó, trồng chẳng giống một bà mẹ đã có con chút nào, ngược lại nhìn mẹ rất trẻ, đậm chất học sinh.
Những lời ghi trên tấm ảnh kỷ niệm lúc mới tốt nghiệp rất nghiêm túc, đứng đắn, chẳng thể tìm ra manh mối nào. Còn những bức thư mà mẹ giữ lại chỉ liên quan đến công việc, nghề nghiệp của mẹ. Ngoài ra còn có những lá thư khác, nhưng chỉ là những lời thăm hỏi tình hình sức khoẻ, hàn huyên thông thường.
Trong một đống thư, tạp chí y học, cuối cùng tôi cũng tìm thấy một lá thư riêng tư duy nhất, con dấu bưu điện ở Thanh Cương, địa chỉ được viết bằng tay, người nhận là mẹ tôi, người gửi có tên là Mai Tuyết Bình.
Tôi nhớ cái tên này.
Lúc mẹ tôi nằm viện, có lần tôi đi lấy kết quả chụp cắt lớp, sau khi nói chuyện với bác sĩ, biết được tế bào ung thư của mẹ đã lan rộng, càng ngày sẽ càng phải chịu đau đớn nhiều hơn, tâm trạng tôi lúc đó vô cùng nặng nề. Lê bước trở về phòng bệnh, tôi nhìn thấy có một cô đang ngồi trước giường mẹ, mắt mẹ còn ngân ngấn nước. Tính cách mẹ rất kiên cường, chưa bao giờ có tâm trạng bi quan trước mặt những người đến thăm hoặc trước mặt chúng tôi, thế nên tôi rất kinh ngạc, chỉ biết đứng lặng lẽ trước cửa.
Tôi nghe thấy mẹ nói: “Tuyết Bình, em có gặp ông ấy không?”
Cô đó nói: “Có, năm đó vợ anh trai em sinh cháu, em về nhà thằm, vô tình gặp anh ấy, sau đó thình thoảng bọn em cũng liên lạc, nhưng chỉ qua điện thoại, thăm hỏi bình thường thôi.”
“Ông ấy cũng ở thành phố à?”
“Không, anh ấy chỉ đến thăm họ hàng.”
“Thế, ông ấy…có ổn không?”
“Mỗi người đều có tiêu chuẩn đánh giả ổn và không ổn khác nhau, em thấy anh ấy rất điềm tĩnh.”
Giọng của mẹ tôi hơi run: “Không, chắc chắn ông ấy rất hận tôi. Tôi…”
Tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy cô đó nám lấy tay mẹ, ngắt lời bà: “Yến Tử, có những chuyện chúng ta nên quên đi.”
Mẹ tôi là Nghiêm Tiểu Yến, hồi tôi còn nhỏ, hình như bố cũng gọi mẹ là Tiểu Yến, sau khi tôi học trung học, bố tôi gọi mẹ tôi là bà Nghiêm. Tôi và Tử Đông đã lén xì xào bình luận, gọi vợ như thế chẳng khác nào giọng điệu cán bộ nói chuyện với nhau. Đây là lần đầu tiên tôi thấy có người gọi mẹ thân mật như vậy. Thế rồi tôi bỗng thấy mẹ ra sức lắc đầu, khuôn mặt trong phút chốc nhăn nhúm lại, tội sợ giật nẩy mình, vội vàng bước vào, hỏi: “Mẹ, mẹ lại đau lắm phải không?”
Cô ngồi bên cạnh nói: “Tại dì cả, dì để mẹ cháu bị xúc động, chắc cháu là Khả Khả. Cháu rót ít nước cho mẹ cháu uống đi!”
Tôi vâng lời rót một cốc nước bưng đến, mẹ đã điều chỉnh được nhịp thở bình thường, giới thiệu với tôi: “Khả Khả, đây là dì Mai Tuyết Bình, hồi đó mẹ tham gia đội sản xuất ở nông thôn, dì ấy đã không quản đường xa đi chuyến xe hơn ba tiếng lên thành phố thăm mẹ đấy.”
“Cháu cảm ơn dì Mai.”
Dì Mai trông có vẻ già hơn cả mẹ (tất nhiên là trước khi mẹ bị ốm). Dì mặc một bộ quần áo rất giản dị, tuy dì có vẻ không câu nệ hình thức nhưng thần thái rất điềm tĩnh, bình thản. Dì mỉm cười, đứng dậy, nói: “Em phải đi lấy thuốc đây, sau đó mới kịp bắt chuyến xe cuối về nhà. Yến Tử, chị nghỉ ngơi cho khoẻ nhé!”
Khuôn mặt mẹ tôi ánh lên vẻ phức tạp, muốn nói nhưng lại thôi, chỉ gật gật đầu. “Em ở xa quá, chị không giữ em lại được. Khả Khả, tiễn dì Mai giúp mẹ nhé!”
Tôi cùng dì Mai bước ra, đến gần thang máy, dì nói nhỏ: “Khả Khả, cháu đừng buồn nhé!”
Tôi ngẩn người, nước mắt cứ thế lăn dài. “Dì Mai, có phải mẹ cháu đã biết bệnh tình của mình rồi không?”
“Mẹ cháu là bác sĩ, đương nhiên biết rõ mọi người đang giấu mẹ cháu điều gì. Yên tâm đi, về phương diện này, mẹ cháu chắc đã chuẩn bị tâm lý kĩ càng rồi.”
Nhưng đó là mẹ của tôi, cho dù mẹ có lạc quan thế nào, tôi cũng chẳng thể vì thế mà thở phào được. Chắc chắn dì Mai hiểu rõ cảm giác của tôi, dì để lại cho tôi số điện thoại và địa chỉ nhà, dặn tôi chăm sóc chu đáo cho mẹ, có chuyện gì thì lập tức gọi cho dì. Tôi gật đầu đồng ý và cũng không hỏi thêm gì về những chuyện quá khứ của họ.
Một tháng sau, mẹ qua đời. Tôi gọi điện cho dì Mai và dì đã vội vã đến tham dự lễ tang của mẹ. Dì nắm lấy tay tôi, nói với tôi và em trai: “Hãy bớt đau buồn đi các cháu. Lần trước dì đến, mẹ các cháu đã bảo dì, sở dĩ bà từ chối các phương pháp trị liệu là vì muốn được ra đi thanh thản, để trong ký ức của con trai và con gái vẫn nhớ đến bóng dáng của một người mẹ khi còn mạnh khoẻ.”
Sau lễ tang, dì Mai cũng lặng lẽ rời đi.
Lá thư này được viết vào tháng Tám năm 1983, xem nào, lúc đó tôi mới sáu tuổi. Tôi rút phong thư đã ngả màu vàng ố ra, thư được viết bằng loại bút mực màu xanh thẫm nên không bị mờ chút nào, chữ viết nhỏ và đều. Đọc dòng đầu tiên nhắc đến tên mẹ, tôi bỗng thấy sống mũi cay cay.
“Yến Tử!
Nhận được thư của chị, em rất bất ngờ và cũng rất vui. Em đúng là thanh niên trí thức cuối cùng ở lại thị trấn này, nhưng có lý do phức tạp khiến em ở lại, không giống như những điều chị đọc được trong bài báo nói rằng em đã cống hiến hết sức mình cho đất nước, có lẽ phóng viên viết báo đã nói quá lên để bài báo tuyên truyền của họ cõ ý nghĩa hơn thôi.
Em đã kết hôn, con trai em năm nay đã được năm tuổi rồi. Về lý thì em có thể dẫn theo cả chông và con trai về thành phố, ở đó vài năm, có lẽ cũng giải quyết được vấn đề hộ khẩu cho họ. Nhưng khi em trở lại thăm nhà, bỗng cảm thấy nơi em sinh ra trở nên vô cùng xa lạ, chồng em cũng không quen, căn bản không thể thích nghi với thành phố này. Anh trai, chị gái của em đối xử với em rất tốt, nhưng họ cũng chỉ là những người làm công ăn lương, điều kiện sống và thu nhập cũng chẳng dư dả gì, không thể tiếp nhận thêm một gia đình ba miệng ăn nữa. Cái nghề tốt nhất mà em tìm được ở thành phố chắc cũng chỉ là công nhân trong một nhà máy nhỏ nào đó. Cân nhắc kĩ lưỡng, em đành phải rời bỏ thành phố. Điều duy nhất em không yên tâm là bố mẹ tuổi đã cao, sức khoả đã kém, nhưng may mắn đã có anh trai và chị gái em chăm sóc họ, hiếu thuận với họ.
Mỗi người đều tìm cho mình một vị trí phù hợp trong cuộc sống, ít nhất là ở đầy có rất nhiều người cần đến em.
Miền đất Thanh Cương này cũng đang dần dần thay đổi, những thanh niên đi làm ăn xa ngày càng nhiều, em nghĩ cuộc sống đang tiếng lên theo chiều hướng tốt đẹp.
Em không liên lạc nhiều với các bạn học cũ, dù sao việc tham gia vào đội sản xuất ở địa phương là trải nghiệm quá gian khổ, mọi người chưa thể thoát khỏi ám ảnh đó, nên chắc cần một thời gian dài mới có thể tìm lại những tình cảm ngày xưa.
Xin lỗi chị, em không biết tin tức gì của Hà Nguyên Bình cà, theo em biết, anh ấy đã cắt đứt liên lạc với tất cả bạn bè. Nhà anh ấy cách nhà em không ca lắm, năm ngoái, khi em trở về thành phố thăm họ hàng, em đã đến gặp bố mẹ anh ấy. Họ nói anh ấy chẳng liên lạc gì với họ cả, họ cũng chẳng muốn nhắc đến anh ấy làm gì cho bực. Cũng chẳng thể trách họ được, họ đều là người tốt cũng giống như bố mẹ em, cả cuộc đời đều sống chăm chỉ, trung thực, coi thể diện quan trọng hơn cả mạng sống nên chắc chắn không thể chấp nhận chuyện xả ra đối với con trai họ.
Đọc thư của chị, tâm trạng em rất rối bời. Cho dù thế nào, chị cũng đừng trách bản thân đấy. Yến Tử, em không thể thay Hà Nguyên Bình nói tha thứ cho chị, cũng không nghĩ mình có tư cách đánh giá hành động của chị. Sống trong thời đại không thể tự mình quyết định chuyện của bản thân, mỗi người chũng ta đều có những giây phút lầm lỗi mà.
Chuyện đã như vậy rồi, chị không nên lấy quá khứ để dằn vặt bản thân mình nữa. Bây giờ em thực sự tin rằng mỗi con người đều có số phận riêng, chúng ta cần nhìn về phía trước, cần trút bỏ gánh nặng trong lòng, như vậy mới có thể tiếp tục sống được.
Tuyết Bình.”
Ánh mắt tôi nhìn chằm chằm vào ba chữ: Hà Nguyên Bình.
Cái từ “ông ấy” mà mẹ nhắc đến trong lúc nói chuyện với dì Mai ở phòng bệnh có lẽ là người này!